Lexical fossilization (hóa thạch từ vựng) - Nguyên nhân và giải pháp
Key takeaways
Lexical Fossilization là hiện tượng người học ngôn ngữ thứ hai bị chững vốn từ ở một trình độ nhất định.
Nguyên nhân: Ảnh hưởng từ ngôn ngữ mẹ đẻ, thói quen sai không được sửa, môi trường thiếu tương tác, động lực giảm.
Giải pháp: Tăng cường giao tiếp thực tế, sửa lỗi kịp thời, học từ vựng chủ động, duy trì động lực học tập.
Lexical fossilization (hóa thạch từ vựng) là hiện tượng xảy ra khi người học đạt đến một trình độ nhất định sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng vốn từ hoặc cải thiện cách dùng từ. Đây là một dạng đặc biệt của hóa thạch liên ngữ (Interlanguage Fossilization) do Larry Selinker (1972) [1] đề xuất.
Bài viết sẽ phân tích nguyên nhân dẫn đến Lexical fossilization, và đề xuất các giải pháp để giúp người học vượt qua rào cản từ vựng, và cải thiện khả năng sử dụng ngôn ngữ.
Cơ sở lý thuyết
Fossilization
[2] Năm 1992, trong Rediscovering Interlanguage, Selinker cho rằng hóa thạch ngôn ngữ là trạng thái cuối cùng trong quá trình học ngôn ngữ thứ hai và không một người học trưởng thành nào có thể đạt đến trình độ tương đương với người bản xứ. Quan điểm này được ông nhấn mạnh trong chương 9, The reality of fossilization: An allegorical account, khi đề cập đến tính phổ biến và khó tránh khỏi của hiện tượng hóa thạch ngôn ngữ trong quá trình tiếp thu ngôn ngữ thứ hai.
Người đọc có thể đọc thêm về khái niệm này trong một bài viết của ZIM theo đường link:
Lexical fossilization
Lexical fossilization xảy ra khi học viên duy trì những lỗi sai về từ vựng trong thời gian dài mà không có sự điều chỉnh hoặc tiến bộ. Selinker (1992) [2] nhấn mạnh rằng người học có xu hướng lặp lại những cách dùng từ chưa chính xác, sử dụng số lượng từ vựng hạn chế và gặp khó khăn trong việc áp dụng từ mới vào thực tế.
Hiện tượng này được chia thành hai loại: hóa thạch năng lực từ vựng (lexical ability fossilization) và hóa thạch lỗi từ vựng (lexical error fossilization).
Hóa thạch năng lực từ vựng là khi người học khó học thêm từ vựng ở trình độ cao hơn, liên tục sử dụng các từ đơn giản và phổ biến, nhưng thiếu tính chính xác và thiếu đa dạng.
Hóa thạch lỗi từ vựng đề cập đến việc người học lặp đi lặp lại những lỗi sai trong cách dùng từ trong suốt quá trình học ngôn ngữ.
Nguyên nhân
Ảnh hưởng của ngôn ngữ mẹ đẻ tới Lexical fossilization
Điểm khác biệt đáng chú ý nhất giữa người học ngôn ngữ mẹ đẻ (L1) và ngôn ngữ thứ hai (L2) là người học L1 bắt đầu tiếp thu ngôn ngữ từ khi còn nhỏ, với một tâm trí hoàn toàn trống rỗng trước 3 tuổi [3]. Trong khi đó, người học L2 đã sở hữu một hệ thống ngôn ngữ hoàn chỉnh và trưởng thành, có định hình cách tư duy và diễn đạt của riêng mình.
Do đó, người học ngôn ngữ thứ hai (SLLs) có xu hướng vô thức sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ để xây dựng hệ thống ngôn ngữ thứ hai. Selinker gọi hiện tượng này là "sự chuyển di ngôn ngữ" (language transfer), có thể tạo ra cả tác động tích cực và tiêu cực đối với quá trình tiếp thu ngôn ngữ thứ hai (SLA).
Ngôn ngữ mẹ đẻ có ảnh hưởng tích cực (positive transfer) tới ngôn ngữ thứ hai khi có sự tương đồng giữa L1 và L2:
Ví dụ cụ thể:
Từ "tivi" trong tiếng Việt được mượn trực tiếp từ "TV" (viết tắt của television) trong tiếng Anh.
Nghĩa của từ này trong cả hai ngôn ngữ đều giống nhau, chỉ khác về cách phát âm.
Vì sự tương đồng này, người Việt học tiếng Anh có thể dễ dàng hiểu và sử dụng từ "television" mà không gặp trở ngại về nghĩa.
Tuy nhiên, ngôn ngữ mẹ đẻ cũng ảnh hưởng lớn đến cách lựa chọn từ vựng trong ngôn ngữ thứ hai. Người học L2 có xu hướng mượn quy tắc từ L1 hoặc dịch từng từ một theo nghĩa đen, dẫn đến các lỗi sai và dần dần khó cải thiện. Đây là hiện tượng chuyển di tiêu cực (negative transfer).
Ví dụ cụ thể:
Cách dịch sai cụm từ "take someone for granted".
Người học tiếng Anh có thể dịch trực tiếp từng từ thành "lấy ai đó cho miễn phí", khiến câu mất đi ý nghĩa thực sự.
Trong tiếng Anh, "take someone for granted" có nghĩa là không trân trọng ai đó, xem sự giúp đỡ hay sự hiện diện của họ là hiển nhiên.
Nếu một người Việt không hiểu nghĩa bóng mà dịch theo kiểu "word-for-word" như trên, họ có thể dùng sai ngữ cảnh và gây hiểu nhầm.
Đọc thêm: Mối liên hệ giữa việc đọc trong ngôn ngữ mẹ đẻ và hiệu quả đọc hiểu trong ngôn ngữ thứ hai
Ảnh hưởng của thói quen giao tiếp tới Lexical fossilization
Hóa thạch từ vựng có thể bị ảnh hưởng bởi cả ngôn ngữ mẹ đẻ (L1 influence) và thói quen giao tiếp, nhưng hai yếu tố này không hoàn toàn giống nhau:
Ảnh hưởng của ngôn ngữ mẹ đẻ: Người học áp dụng cấu trúc ngữ pháp, cách diễn đạt hoặc cách tư duy từ tiếng mẹ đẻ vào ngôn ngữ thứ hai (L2). Ví dụ, người Việt có thể nói "He very handsome" thay vì "He is very handsome", do trong tiếng Việt không có động từ "to be" tương đương với "is".
Ảnh hưởng của thói quen giao tiếp: Người học tạo ra hoặc duy trì cách sử dụng từ vựng không chuẩn do ưu tiên tốc độ và sự thuận tiện khi giao tiếp, ngay cả khi điều đó không bắt nguồn từ ngữ pháp tiếng mẹ đẻ. Điều này có thể dẫn đến việc sử dụng từ hoặc cấu trúc không chính xác nhưng vẫn dễ hiểu trong ngữ cảnh cụ thể.
Ví dụ:
Cách người Việt sử dụng "OK" trong giao tiếp hàng ngày theo ngữ pháp tiếng Việt. Thay vì chỉ dùng "OK" như một từ đồng ý trong tiếng Anh, một số người có thể nói "Tôi OK việc này" thay vì "Tôi đồng ý với việc này".
Dù không đúng theo chuẩn ngữ pháp, cách sử dụng này vẫn phổ biến vì nó giúp giao tiếp nhanh chóng và dễ hiểu. Nhiều người học ngôn ngữ thứ hai ưu tiên sự trôi chảy hơn là độ chính xác trong giao tiếp. Họ sẵn sàng sử dụng các chiến lược giao tiếp (như sáng tạo từ mới, đơn giản hóa, diễn giải,...) miễn là người nghe vẫn hiểu được nội dung. Tuy nhiên, thói quen này kéo dài có thể dẫn đến hóa thạch từ vựng (Lexical fossilization), tiếp tục sử dụng từ vựng sai lệch và khó sửa về sau. [1]
Ảnh hưởng của động lực học tập tới Lexical fossilization
Động lực học là yếu tố quan trọng giúp người học ngôn ngữ thứ hai (SLLs) đạt kết quả tốt. Theo Dörnyei (2009) [8], động lực học không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu mà còn quyết định mức độ tiến bộ của người học. Nếu động lực quá cao hoặc quá thấp, việc học từ vựng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Khi phải học trong áp lực lớn, người học có thể cảm thấy căng thẳng và khó tiếp thu kiến thức. Ngược lại, thiếu động lực có thể dẫn đến chán nản và mất hứng thú, làm giảm hiệu quả học tập.
Ngoài ra, Wang (2022) [9] chỉ ra rằng khi người học đạt đến một trình độ nhất định, họ có xu hướng hài lòng với khả năng hiện tại và không còn muốn mở rộng vốn từ. "Người học thường rơi vào trạng thái ổn định và ít chủ động học từ mới, dẫn đến hiện tượng hóa thạch từ vựng". Điều này có nghĩa là sự thiếu động lực có thể khiến họ ít sử dụng từ vựng mới, lâu dần dẫn đến khó khăn trong việc cải thiện vốn từ.
Hướng giải quyết Lexical Fossilization
Hạn chế ảnh hưởng của ngôn ngữ mẹ đẻ
Chìa khóa để hạn chế sự ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ là hiểu rõ điểm tương đồng và khác biệt giữa ngôn ngữ mẹ đẻ (L1) và ngôn ngữ thứ hai (L2).
Theo nghiên cứu của Tullock và Fernández-Villanueva (2013) [10], nhận thức về sự khác biệt giữa L1 và L2 giúp người học tránh được những lỗi do chuyển di tiêu cực từ L1. Cụ thể, khi người học hiểu rõ sự khác nhau giữa L1 và L2, họ có thể điều chỉnh việc sử dụng ngôn ngữ của mình để phù hợp hơn với L2, từ đó hạn chế sự can thiệp không mong muốn từ L1.
Với những điểm khác biệt, người học có thể dùng phương pháp so sánh đối chiếu. Cần lưu ý rằng phần lớn từ vựng giữa các ngôn ngữ không có sự tương ứng một-một.
Ví dụ: Trong tiếng Anh, "ambitious" mang nghĩa tích cực, dùng để mô tả một người có hoài bão, khát khao thành công và luôn nỗ lực để đạt được mục tiêu.
Chẳng hạn trong câu: "She is an ambitious young woman who works hard to achieve her dreams." (Cô ấy là một người trẻ đầy tham vọng, luôn làm việc chăm chỉ để đạt được ước mơ của mình).
Trong tiếng Việt, từ "tham vọng" – vốn là cách dịch phổ biến của "ambitious" – lại thường mang hàm ý tiêu cực, ám chỉ sự tham lam, mong muốn quyền lực hoặc lợi ích cá nhân một cách thái quá.
Nếu ai đó được gọi là "người tham vọng", nó có thể bị hiểu là người có ý đồ không tốt hoặc sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mục đích.
Do đó, khi đã tích lũy đủ vốn từ L2, người học nên sử dụng từ điển Anh-Anh để hình thành tư duy bằng tiếng Anh thay vì dịch sang tiếng Việt. Điều này không những cải thiện hiện tượng hóa thạch từ vựng, mà còn nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên.
Xây dựng chiến lược học hiệu quả
Trong lĩnh vực ngôn ngữ học ứng dụng và tâm lý học ngôn ngữ, các nghiên cứu chỉ ra rằng chiến lược học tập là yếu tố cốt lõi trong việc học ngôn ngữ thứ hai. Dưới đây là ba khía cạnh quan trọng liên quan đến việc ghi nhớ từ vựng.
Khía cạnh 1: Chọn phương pháp học từ vựng phù hợp
Có hai phương pháp cơ bản để ghi nhớ từ vựng:
Ghi nhớ theo ngữ cảnh hoặc câu: Phương pháp này giúp học viên ghi nhớ từ lâu hơn vì họ hiểu nghĩa trong từng tình huống cụ thể. Tuy tốn nhiều thời gian hơn, đây lại là cách hiệu quả để mở rộng vốn từ vựng.
Ghi nhớ từ vựng theo chủ đề: Người học ghi nhớ một nhóm từ vựng theo chủ đề.
Ghi nhớ từ vựng theo cặp đồng nghĩa - trái nghĩa.
Người học tham khảo thêm bài viết về phương pháp học từ vựng tại: Cách học từ vựng tiếng Anh hiệu quả, nhanh thuộc và nhớ lâu
Khía cạnh 2: Đọc to từ vựng
Nghiên cứu cho thấy rằng việc đọc từ vựng thành tiếng giúp ghi nhớ sâu hơn, vì khi làm vậy, người học sử dụng đồng thời thị giác, thính giác và cơ quan phát âm, tạo ra hiệu ứng sản xuất (Production Effect) giúp cải thiện trí nhớ (MacLeod & Bodner, 2017) [4]
Tuy nhiên, phần lớn học viên có xu hướng học từ vựng trong im lặng, dẫn đến việc họ chỉ nhớ chính tả mà không chú ý đến phát âm. Điều này có thể gây ra hiện tượng "tiếng Anh câm" (mute English), tức là người học có thể nhận diện và hiểu từ khi nhìn vào văn bản nhưng gặp khó khăn trong việc nhận diện từ khi nghe.
Khía cạnh 3: Tầm quan trọng của đa nghĩa của từ vựng
Nhiều từ trong tiếng Anh có nhiều nghĩa khác nhau (polysemy), và nếu người học chỉ ghi nhớ một nghĩa cơ bản mà không hiểu rõ các nghĩa mở rộng, họ có thể gặp khó khăn trong việc sử dụng từ linh hoạt, đặc biệt là trong kỹ năng viết và giao tiếp (Taylor, 2003) [5]. Việc hiểu biết hạn chế về nghĩa của từ cũng có thể dẫn đến việc sử dụng sai hoặc không chính xác trong các ngữ cảnh khác nhau (Battaner-Moro, 2017) [6].
Do đó, để tránh hiện tượng hóa thạch từ vựng (lexical fossilization), người học cần hiểu sâu nghĩa của từ, thực hành sử dụng chúng trong các tình huống thực tế và áp dụng nhiều phương pháp học tập khác nhau, thay vì chỉ học thuộc lòng một cách thụ động (Nation, 2013) [7].
Ngoài ra, học viên có thể tận dụng công nghệ để cải thiện từ vựng như Anki, Quizlet, hoặc Grammarly phát hiện, sửa lỗi và ghi nhớ từ vựng một cách hiệu quả.
Khắc phục ảnh hưởng của thói quen giao tiếp tới Lexical Fossilization
Để giảm thiểu hiện tượng hóa thạch từ vựng (lexical fossilization), việc tăng cường nhận thức ngôn ngữ thông qua phản hồi sửa lỗi (corrective feedback) là rất quan trọng. Phản hồi này giúp người học nhận diện và sửa chữa các lỗi từ vựng cố hữu theo thời gian. Nghiên cứu của Gass (1997) [11] cho thấy rằng việc thiếu phản hồi sửa lỗi trực tiếp thường xuyên có thể dẫn đến hóa thạch ngôn ngữ, do người học sẽ khó nhận ra sự khác biệt giữa cách họ sử dụng ngôn ngữ và cách dùng đúng trong ngôn ngữ mục tiêu
Bên cạnh đó, đa dạng hóa đầu vào ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng vốn từ và cải thiện khả năng sử dụng ngôn ngữ chính xác. Tiếp xúc với các nguồn ngôn ngữ chuẩn như sách, podcast, phim ảnh giúp người học tiếp thu cách sử dụng từ ngữ và cấu trúc câu đúng. Theo bài viết trên Language Magazine (2020) [12], việc thiếu đầu vào ngôn ngữ đầy đủ và cơ hội sử dụng ngôn ngữ mới có thể góp phần vào hiện tượng hóa thạch ngôn ngữ.
Ngoài ra, luyện tập chủ động và có ý thức thông qua các phương pháp như shadowing (bắt chước phát âm theo người bản ngữ) và paraphrasing (diễn đạt lại câu bằng từ vựng khác) giúp cải thiện độ chính xác trong giao tiếp. Shadowing, theo Arguelles (2006) [13], là một kỹ thuật học ngôn ngữ hiệu quả, trong đó người học lắng nghe và đồng thời lặp lại những gì họ nghe được, giúp cải thiện phát âm và ngữ điệu.
Duy trì động lực học
Xây dựng mục tiêu học tập rõ ràng
Người học ngôn ngữ thứ hai (L2) có thể duy trì động lực bằng cách đặt ra mục tiêu cụ thể và khả thi. Theo Dörnyei & Ushioda (2013) [14], việc có một tầm nhìn rõ ràng về bản thân trong tương lai (ideal L2 self) giúp người học duy trì sự kiên trì và định hướng trong quá trình học tập. Việc chia nhỏ mục tiêu (ví dụ: học 10 từ mới mỗi ngày hoặc hoàn thành một đoạn hội thoại đơn giản sau một tuần) giúp quá trình học trở nên bền vững và có động lực hơn.
Tạo môi trường học tập tích cực
Chủ động tạo ra một môi trường học tập phù hợp với sở thích cá nhân giúp duy trì hứng thú lâu dài. Theo Oxford & Shearin (1994) [15], người học có thể tăng động lực bằng cách kết hợp ngôn ngữ vào các hoạt động yêu thích như nghe nhạc, xem phim, đọc sách hoặc tham gia cộng đồng học ngôn ngữ trực tuyến. Những trải nghiệm thú vị này giúp việc học trở nên tự nhiên và bớt áp lực.
Tự theo dõi tiến bộ và điều chỉnh phương pháp học
Ghi nhận tiến bộ cá nhân giúp người học duy trì động lực bằng cách nhận thấy sự cải thiện của bản thân. Theo Schunk & Zimmerman (2012) [16], việc sử dụng nhật ký học tập hoặc ứng dụng theo dõi tiến độ có thể giúp người học nhận diện điểm mạnh, điểm yếu và điều chỉnh phương pháp học phù hợp. Thay vì chỉ tập trung vào kết quả cuối cùng, việc ghi nhận từng bước tiến nhỏ sẽ tạo động lực liên tục.
Rèn luyện tư duy tích cực và kiên trì
Thái độ đối với việc học có ảnh hưởng lớn đến động lực. Người học nên tập trung vào quá trình thay vì sợ mắc lỗi. Theo nghiên cứu của Dweck (2006) [17], những người có tư duy phát triển (growth mindset) tin rằng khả năng ngôn ngữ có thể cải thiện qua rèn luyện, từ đó họ sẵn sàng thử thách bản thân và vượt qua khó khăn trong quá trình học.
Đọc tiếp: Fossilized Grammar Errors - Định nghĩa và hướng giải quyết
Tổng kết
Lexical fossilization là một thách thức lớn đối với người học tiếng Anh, nhưng hoàn toàn có thể khắc phục nếu có chiến lược học tập phù hợp. Tăng cường tiếp xúc với tiếng Anh thực tế và tích cực tìm kiếm phản hồi sẽ giúp người học cải thiện Lexical fossilization hiệu quả.
Nếu người học đang tìm kiếm một lộ trình học tập hiệu quả để nâng cao kỹ năng ngôn ngữ và đạt kết quả cao trong các kỳ thi quốc tế, hệ thống đào tạo tại ZIM Academy mang đến giải pháp phù hợp. Với đội ngũ giảng viên chuyên môn cao, tài liệu giảng dạy cập nhật và phương pháp học tập cá nhân hóa, người học có thể tối ưu hóa quá trình rèn luyện. Liên hệ ngay hotline 1900-2833 nhánh số 1 hoặc truy cập website để được tư vấn chi tiết.
Nguồn tham khảo
“Interlanguage.” L. Selinker, www.academia.edu/21533333/Selinker_Interlanguage. Accessed 19 February 2025.
“Rediscovering Interlanguage.” L. Selinker, books.google.com.fj/books?id=0JBEAgAAQBAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Accessed 19 February 2025.
“Interference of first language in the acquisition of second language.” S. Avanika, B. Niroj, S. Ambalika, and K. S. Rajesh, academicjournals.org/article/article1379761693_Sinha%20et%20al.pdf. Accessed 19 February 2025.
“The production effect in memory.” C. M. MacLeod and G. E. Bodner, journals.sagepub.com/doi/10.1177/0963721417691356. Accessed 19 February 2025.
“Linguistic Categorization: Prototypes in Linguistic Theory.” J. R. Taylor, www.google.com.vn/books/edition/Linguistic_Categorization/vuoTDAAAQBAJ?hl=vi&gbpv=1&dq=inauthor:%22John+R.+Taylor%22&printsec=frontcover. Accessed 19 February 2025.
“Polysemy and second language acquisition: Challenges and pedagogical approaches.” P. Battaner-Moro, www.researchgate.net/publication/28800970_Polysemy_A_Second_Language_Pedagogical_Concern. Accessed 19 February 2025.
“Learning Vocabulary in Another Language.” I. S. P. Nation, catdir.loc.gov/catdir/samples/cam031/2001269892.pdf. Accessed 19 February 2025.
“Motivation, Language Identities and the L2 Self: Future Research Directions.” Zoltán Dörnyei, www.degruyter.com/document/doi/10.21832/9781847691293-019/html?lang=en. Accessed 23 March 2025.
“The Causation of Lexical Fossilization and Its Pedagogical Implications.” Yilin Wang, www.researchgate.net/publication/368495582_The_Causation_of_Lexical_Fossilization_and_Its_Pedagogical_Implications. Accessed 23 March 2025.
“The Role of Previously Learned Languages in the Thought Processes of Multilingual Writers at the Deutsche Schule Barcelona.” B. D. Tullock và M. Fernández-Villanueva, dx.doi.org/10.58680/rte201323633. Accessed 23 March 2025.
“A Brief Analysis of Corrective Feedback in Oral Interaction.” Gass, S, www.academypublication.com/issues/past/jltr/vol01/03/21.pdf?utm_source=.com. Accessed 23 March 2025.
“Arresting Fossilization.” Language Magazine, languagemagazine.com/arresting-fossilization/. Accessed 23 March 2025.
“An Introduction to the Shadowing Technique.” Arguelles, A, www.fluentu.com/blog/learn/language-shadowing. Accessed 23 March 2025.
“Motivation, Language Identity and the L2 Self.” Dörnyei, Z., & Ushioda, E, kw-look.maruzen.co.jp/0200847448.pdf. Accessed 25 March 2025.
“Language Learning Motivation: Expanding the Theoretical Framework.” Oxford, R., & Shearin, J, dacemirror.sci-hub.se/journal-article/dfb76e1d6c53397e9c45d0471be0ff4c/oxford1994.pdf. Accessed 25 March 2025.
“Self-Regulated Learning and Performance: An Educational Psychology Perspective.” Schunk, D. H., & Zimmerman, B. J, spada.uns.ac.id/pluginfile.php/263904/mod_resource/content/1/%28xixaro%29%20Dale%20H.%20Schunk%20y%20Jeffrey%20A.%20Greene%20-%20Handbook%20of%20Self-Regulation%20of%20Learning%20and%20Performance-Routledge%20%282017%29%20%282%29%20%281%29.pdf. Accessed 25 March 2025.
“Mindset: The New Psychology of Success.” Dweck, C, docs.lib.purdue.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1013&context=giftedchildren. Accessed 25 March 2025.
Bình luận - Hỏi đáp