Banner background

Liên kết việc học kỹ năng nghe với các lĩnh vực khác - Văn học, lịch sử, văn hoá

Bài viết nghiên cứu về việc liên kết tài liệu nghe với các chủ đề như văn học, lịch sử, văn hoá, do đây là những chủ đề quen thuộc trong đời sống hàng ngày, cũng là các chủ đề có tần suất xuất hiện trong các bài thi nghe học thuật phổ biến.
lien ket viec hoc ky nang nghe voi cac linh vuc khac van hoc lich su van hoa

Key takeaways

  • Việc liên kết tài liệu nghe với các môn học văn học, lịch sử, văn hoá tức là người học vừa luyện nghe các audio tiếng Anh về chủ đề này, vừa học kiến thức liên quan đến chủ đề.

  • Điều này giúp người học Phát triển kỹ năng ngôn ngữ, Mở rộng kiến thức chuyên môn, Phát huy tính sáng tạo và tư duy phản biện, Kích thích sự tò mò và hứng thú học tập.

  • Một vài phương pháp người học có thể tham khảo là Tìm kiếm nguồn tài liệu luyện nghe tin cậy; Lắng nghe và ghi chép từ vựng, ngữ pháp, và ngữ cảnh sử dụng; Thảo luận và chia sẻ kiến thức với bạn bè, giáo viên; Luyện tập thường xuyên và đánh giá tiến trình.

Giới thiệu chủ đề

Trong quá trình dạy các kỹ năng Listening, Speaking, Reading và Writing cho học viên, tác giả nhận thấy rằng học viên thường có hứng thú, động lực luyện tập nếu chủ đề mà họ tiếp cận là chủ đề họ yêu thích, quan tâm, hoặc có ít nhiều hiểu biết tới nó. Mặt khác, chính sự quan tâm đến các chủ đề này lại khiến học viên dễ ghi nhớ các từ vựng liên quan đến chủ đề để hiểu nội dung bài đọc nhanh hơn, và dễ áp dụng chúng vào kỹ năng ngôn ngữ của mình hơn.

Tức là hai mặt này có mối liên hệ chặt chẽ và bổ sung cho nhau, vừa khiến người học có động lực học ngoại ngữ và khiến quá trình học dễ dàng hơn, vừa khiến người học tiếp tục thu nạp kiến thức về chủ đề mình có hiểu biết, quan tâm tới.

Từ thực tế này, tác giả nhận thấy tầm quan trọng của việc liên kết tài liệu nghe với các môn học khác. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ nghiên cứu về việc liên kết tài liệu nghe với các chủ đề như văn học, lịch sử, văn hoá, do đây là những chủ đề có tần suất xuất hiện trong các bài thi nghe học thuật là khá phổ biến.

Ví dụ, với bài thi IELTS Academic Listening, trong bộ đề Cambridge IELTS những năm gần đây đã xuất hiện các bài nghe như sau:

Bài nghe liên quan tới Văn học:

  • Cam 14 - Test 4 - Section 3: Literature for children

  • Cam 15 - Test 2 - Section 3: British life and literature in the mid-19th century

  • Cam 17 - Test 2 - Section 3: Romeo and Juliet

Bài nghe liên quan tới Lịch sử:

  • Cam 13 - Test 4 - Section 4: The history of coffee

  • Cam 15 - Test 3 - Section 4: Early history of keeping clean

  • Cam 15 - Test 4 - Section 4: How the Industrial Revolution affected life in Britain

Bài nghe liên quan tới Văn hoá:

  • Cam 14 - Test 4 - Section 4: The hunt for sunken settlements and ancient shipwrecks

  • Cam 16 - Test 1 - Section 4: Stoicism

  • Cam 16 - Test 3 - Section 4: Hand knitting

  • Cam 17 - Test 1 - Section 4: Labyrinth

  • Cam 17 - Test 2 - Section 4: The impact of digital technology on the Icelandic language

Trong bài viết, tác giả sẽ phân tích về lợi ích của việc liên kết tài liệu nghe với các môn học khác, và các phương pháp học hiệu quả để học viên có thể tham khảo, qua đó góp phần làm phong phú các phương pháp học tiếng Anh để đạt được mục tiêu của mình.

Lợi ích của việc liên kết tài liệu nghe với các môn học khác

Phát triển kỹ năng ngôn ngữ

Thứ nhất, khi liên kết tài liệu nghe với các môn văn học, lịch sử, văn hoá, người học có thể rèn luyện kỹ năng nghe nói, đồng thời mở rộng vốn từ vựng theo chủ đề này. Bởi lẽ khi tiếp xúc với các tài liệu nghe về một chủ đề bất kỳ trong thời gian đủ dài, người học dần làm quen với các từ vựng liên quan đến chủ đề này, rồi dần dần nhớ chúng một cách tự nhiên và lâu dài hơn, nếu chúng tiếp tục xuất hiện trong các bài nghe sau đó (Phương pháp lặp lại ngắt quãng - Spaced repetition). Ví dụ, đối với chủ đề văn học, người học sẽ làm quen với một số từ vựng, cách diễn đạt thuộc chủ đề văn học trong các bài nghe như sau:

Cam 14 - Test 4 - Section 3: Literature for children

  • convey a message /kənˈveɪ ə ˈmɛsɪʤ/ truyền tải một thông điệp

  • imply /ɪmˈplaɪ/ ngụ ý

  • illustration /ˌɪləsˈtreɪʃᵊn/ sự minh hoạ

  • vividly /ˈvɪvɪdli/ một cách sống động

  • reflect /rɪˈflɛkt/ phản ánh điều gì

  • fairy tale /ˈfeəri teɪl/ truyện cổ tích

  • Cinderella /ˌsɪndəˈrɛlə/ Cô bé Lọ Lem

  • Sleeping Beauty /ˈsliːpɪŋ ˈbjuːti/ Người đẹp ngủ trong rừng

  • moving /ˈmuːvɪŋ/ cảm động

Cam 15 - Test 2 - Section 3: British life and literature in the mid-19th century

  • publish /ˈpʌblɪʃ/ xuất bản

  • come out /kʌm aʊt/ (tác phẩm) xuất hiện

  • be adapted for theater /biː əˈdæptɪd fɔː ˈθɪətə/ chuyển thể thành kịch

  • character /ˈkærɪktə/ nhân vật

  • quotation /kwəʊˈteɪʃᵊn/ trích dẫn

  • illustrate /ˌɪləsˈtreɪʃt/ minh hoạ, minh chứng

  • satire /ˈsætaɪə/ sự châm biếm (cách hành văn trong một tác phẩm)

Cam 17 - Test 2 - Section 3: Romeo and Juliet

  • impression /ɪmˈprɛʃᵊn/ sự ấn tượng, cảm nhận (về tác phẩm)

  • poetry /ˈpəʊɪtri/ chất thơ, thi vị

  • imagery /ˈɪmɪʤəri/ tính hình tượng

  • emotional impact /ɪˈməʊʃənl ˈɪmpækt/ tác động về cảm xúc

  • deliver /dɪˈlɪvə/ truyền tải (thông điệp, nội dung…)

  • follow the story /ˈfɒləʊ ðə ˈstɔːri/ theo dõi mạch truyện

  • intensify the emotion /ɪnˈtɛnsɪfaɪ ði ɪˈməʊʃᵊn/ làm cho cảm xúc trở nên mạnh mẽ hơn

  • appeal /əˈpiːl/ sự thu hút

  • theme /θiːm/ chủ đề

  • depth /dɛpθ/ chiều sâu (của nhân vật)

  • find new angles /faɪnd njuː ˈæŋɡlz/ đi tìm những góc độ mới

Thứ hai, khi liên kết tài liệu nghe với các môn văn học, lịch sử, văn hoá, người học có thể cải thiện kỹ năng phân tích và trình bày ý kiến về chủ đề trên. Khi nghe các bài giảng, thảo luận hay phỏng vấn về những chủ đề này, người học được đặt vào tình huống đánh giá thông tin, xác định ý chính và phân tích các quan điểm khác nhau. Đồng thời, việc tiếp thu và nắm vững các từ vựng chuyên ngành trong lĩnh vực này giúp người học thể hiện ý kiến một cách chính xác và sâu sắc hơn. Bằng cách liên kết tài liệu nghe tiếng Anh với các môn học văn học, lịch sử, văn hoá, người học có cơ hội rèn luyện và nâng cao khả năng phân tích, suy luận và biểu đạt ý kiến một cách logic và sáng tạo.

Ví dụ, trong audio về Literature for children (Cam 14 - Test 4 - Section 3), người nói đã phân tích về một số khía cạnh trong văn học thiếu nhi như sau:

  • Về mục đích: One of the most interesting ones, for me, at least, was about the purpose of children’s literature. I mean, whether it should just entertain children or should be educational, as well. And whether the teaching should be factual – giving them information about the world – or ethical, teaching them values. (Đối với tôi, một trong những điều thú vị nhất là mục đích của văn học thiếu nhi. Ý tôi là, liệu nó chỉ nên giải trí cho trẻ em hay nên mang tính giáo dục. Và liệu việc giảng dạy có nên thực tế - cung cấp cho trẻ em thông tin về thế giới - hay mang tính giáo dục đạo đức, dạy các giá trị hay không.)

  • Về thông điệp: What’s fascinating is that the writer isn’t necessarily conscious of the message they’re conveying. For instance, a story might show a child who has a problem as a result of not doing what an adult has told them to do, implying that children should always obey adults. (Điều thú vị là người viết không nhất thiết phải ý thức được thông điệp mà họ đang truyền tải. Ví dụ, một câu chuyện có thể kể về một đứa trẻ gặp vấn đề do không làm theo những gì người lớn bảo chúng làm, ngụ ý rằng trẻ em phải luôn vâng lời người lớn.)

  • Về tác động: That module made me realise how important stories are – they can have a significant effect on children as they grow up. (Mô-đun đó khiến tôi nhận ra tầm quan trọng của những câu chuyện – chúng có thể có tác động đáng kể đến trẻ em khi chúng lớn lên.)

  • Về đối tượng mục tiêu: I was amazed how many books were targeted at just one sex or the other. Of course this reflects society as it is when the books are written. (Tôi đã rất ngạc nhiên về số lượng sách chỉ nhắm vào giới tính này hay giới tính khác. Tất nhiên điều này phản ánh xã hội đúng như khi những cuốn sách được viết ra.)

Như vậy, trong trường hợp người học được yêu cầu nói về chủ đề này (Ví dụ: trong bài thi IELTS Speaking Part 3, giám khảo hỏi: Are there any differences between modern literature in your country and that in the past? - Văn học hiện đại ở nước bạn có điểm gì khác với văn học ngày xưa?), người học có thể vận dụng các cách tiếp cận về chủ đề văn học như trên để trả lời (In terms of purpose / message / impact / targeted sex /…)

Mở rộng kiến thức chuyên môn

Khi liên kết tài liệu nghe với các môn văn học, lịch sử, văn hoá, người học có thể tiếp cận với nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau, đồng thời khám phá những mối liên hệ giữa các môn học, tăng khả năng tổng hợp và ứng dụng kiến thức. Điều này là do trong một bài nghe, nội dung của nó thường không chỉ đề cập đến một môn học, mà sẽ là sự kết hợp của các lĩnh vực khác nhau.

Ví dụ, một bài nghe về một tác phẩm văn học cổ điển có thể đề cập đến ngữ pháp, lịch sử, tác giả và ngữ cảnh văn hóa. Hoặc một bài nghe về một sự kiện lịch sử có thể liên quan đến văn hóa, tôn giáo, và cả những tác động xã hội.

Cụ thể, trong bài nghe How the Industrial Revolution affected life in Britain (Cam 15 - Test 4 - Section 4), tác giả nói về việc cuộc cách mạng công nghiệp ảnh hưởng đến cuộc sống ở nước Anh như thế nào. Nội dung của nó bao hàm các kiến thức về cả lịch sử và văn hoá. Tương tự, trong bài nghe British life and literature in the mid-19th century (Cam 15 - Test 2 - Section 3), nội dung cũng bao gồm kiến thức về cả văn học và lịch sử.

Nhờ vào việc liên kết này, người học có cơ hội hiểu rõ hơn về sự tương quan giữa các môn học và nhận thức được sự phong phú và liên kết của kiến thức. Điều này không chỉ giúp mở rộng kiến thức mà còn tăng khả năng tổng hợp thông tin, phân tích sâu và áp dụng kiến thức vào thực tế.

Phát huy tính sáng tạo và tư duy phản biện

Khi liên kết tài liệu nghe bằng tiếng Anh với các môn văn học, lịch sử, văn hoá, người học có thể thảo luận các vấn đề phức tạp, đánh giá các giả thuyết và lập luận, đồng thời nâng cao khả năng đưa ra ý kiến cá nhân và phản biện một cách có lập trường. Trong quá trình nghe và tìm hiểu thông tin từ tài liệu nghe, người học được tiếp xúc với những quan điểm đa dạng và tranh luận về các chủ đề quan trọng.

Điều này khuyến khích họ tham gia vào các thảo luận, cùng đồng học và giáo viên đưa ra những quan điểm, lập luận, và đánh giá. Qua việc tham gia vào những hoạt động thảo luận như này, người học không chỉ rèn kỹ năng ngôn ngữ mà còn phát triển khả năng suy luận, logic, và phản biện.

Họ học cách đưa ra ý kiến cá nhân, đồng thời cũng học cách lắng nghe và đối đáp với quan điểm khác nhau một cách có lập trường. Đây là những kỹ năng quan trọng trong việc xây dựng ý thức phản biện và phát triển khả năng tham gia vào các cuộc tranh luận xã hội và học thuật.

Ví dụ, trong các bài nghe IELTS Listening - Section 3, đó thường là cuộc hội thoại giữa giảng viên - sinh viên đại học về một chủ đề học thuật. Trong đó, giảng viên và sinh viên sẽ trao đổi, thảo luận về chủ đề, đưa ra những nhận xét, quan điểm cá nhân, lập luận để bảo vệ những quan điểm của mình, phản bác hoặc ủng hộ quan điểm của người nói khác,…

Người học hoàn toàn có thể học cách đưa ra đánh giá, quan điểm của mình thông qua những bài nghe trên. Dưới đây là ví dụ về những cách diễn đạt như vậy trong bài nghe British life and literature in the mid-19th century (Cam 15 - Test 2 - Section 3)

  • The Pickwick Papers was very successful when it came out, wasn’t it? (Pickwick Papers đã rất thành công khi ra mắt phải không?)

  • There’s an interesting point, though, that there’s a character who keeps falling asleep, and that medical condition was named after the book. (Tuy nhiên, có một điểm thú vị là có một nhân vật hay ngủ gật, và căn bệnh đó được đặt tên theo cuốn sách.)

  • Oh, so why don’t we use that as the topic, and include some quotations from the novel? (Ồ, vậy tại sao chúng ta không lấy nó làm chủ đề, và đưa vào một số trích dẫn từ cuốn tiểu thuyết?)

  • I wonder, though … The main theme is selfishness, so we could do something on social justice? (Tuy nhiên, tôi tự hỏi… Chủ đề chính là sự ích kỷ, vì vậy chúng ta có thể làm gì đó vì công bằng xã hội?)

Kích thích sự tò mò và hứng thú học tập

Khi liên kết tài liệu nghe với các môn văn học, lịch sử, văn hoá, người học có thể tiếp cận các môn học một cách đa dạng, thú vị, qua đó tạo động lực và sự hứng thú trong quá trình học tập.

Ví dụ, khi học sinh tình cờ nghe audio về tác phẩm “The last leaf” (Chiếc lá cuối cùng) của O. Henry và nhận ra đây là một tác phẩm mình biết rõ nội dung vì nó nằm trong chương trình ngữ văn trung học cơ sở, học sinh sẽ có sự quan tâm nhất định và muốn nghe xem những phân tích về tác phẩm này bằng tiếng Anh sẽ ra sao (với sự hiểu biết về tác phẩm bằng tiếng Việt vốn có).

Bằng cách này, kiến thức và các từ vựng về tác phẩm được tiếp thu một cách tự nhiên hơn, do có sự quan tâm sẵn có về tác phẩm và chủ đề. Tương tự, với tác phẩm “Romeo and Juliet” rất quen thuộc xuất hiện trong Cam 17, với sự hiểu biết nhất định về tác phẩm, người nghe sẽ cảm thấy hứng thú và có động lực để tìm hiểu phiên bản tiếng Anh hơn.

Việc khám phá những lĩnh vực văn học, lịch sử, văn hoá trong một ngôn ngữ mới như tiếng Anh mang đến cho người học những trải nghiệm học tập đa chiều hơn. Họ có thể tìm hiểu câu chuyện của các tác phẩm văn học, các sự kiện lịch sử quan trọng, hoặc thảo luận về văn hoá và tầm quan trọng của nó. Qua việc liên kết tài liệu nghe, người học được đưa vào tình huống thực tế và tạo dựng mối liên hệ cá nhân với những môn học văn học, lịch sử, văn hoá.

Điều này giúp tạo động lực và sự hứng thú trong quá trình học tập, vì họ nhận thấy rằng ngôn ngữ không chỉ là công cụ học thuật mà còn là cửa sổ để khám phá thế giới và hiểu sâu hơn về con người và xã hội. Từ việc nghe câu chuyện hấp dẫn, những bài giảng đáng suy ngẫm đến việc tham gia các hoạt động thảo luận, việc liên kết tài liệu nghe với các môn học mang lại trải nghiệm học tập tuyệt vời và giúp người học duy trì sự tò mò và khát khao tiếp thu kiến thức.

image-alt

Phương pháp học hiệu quả

Tìm kiếm nguồn tài liệu luyện nghe tin cậy

Những nguồn luyện nghe tổng hợp các chủ đề văn học, lịch sử, văn hoá có thể giúp người học cảm thấy tiện lợi hơn, chỉ cần sử dụng các bộ lọc là sẽ tìm được chủ đề mình muốn nghe. Tuy nhiên, các nguồn luyện nghe chuyên sâu về từng chủ đề lại cung cấp nhiều kiến thức sâu đến chủ đề, qua đó cung cấp nhiều từ vựng liên quan đến chủ đề trong ngữ cảnh sử dụng cụ thể, giúp người học nắm bắt chúng nhanh hơn. Vì vậy, người học có thể lựa chọn cách học phù hợp với mình, hoặc học kết hợp từ cả hai nguồn này.

Nguồn luyện nghe tổng hợp:

  • Cambridge IELTS 6-17: Các audio trong bộ sách này được thu âm bởi những người nói tiếng Anh chuẩn (Anh Anh, Anh Mỹ, Anh Úc,…) và tốc độ nói bình thường, phù hợp với nhiều đối tượng người học. Ngoài ra, các audio này đều có phụ đề trong sách, giúp người học dễ dàng tra cứu những câu mình chưa nghe rõ. Tuy nhiên, đây là nguồn khá hạn chế về số lượng audio liên quan đến các chủ đề văn học, lịch sử, văn hoá.

  • TED Talks (https://www.ted.com/talks): Website này có các video chia sẻ kiến thức về nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học, lịch sử, văn hoá được chia thành các mục rõ ràng, dễ tìm. Mỗi bài diễn thuyết đều được quay phim chuyên nghiệp và cung cấp phụ đề cho nhiều ngôn ngữ, giúp lan tỏa kiến thức và ý tưởng đến mọi người trên khắp thế giới.

  • Ứng dụng LearnEnglish Podcasts của British Council:

    Ứng dụng cung cấp một bộ sưu tập đa dạng các bản podcast chất lượng cao, bao gồm nhiều chủ đề khác nhau như văn hóa, giáo dục, kỹ năng sống... cùng phụ đề tiếng Anh, giao diện thân thiện và dễ sử dụng.

Nguồn luyện nghe chủ đề Văn học:

  • https://www.audible.com/ep/literature: Audible là một dịch vụ cung cấp sách nói và podcast do Amazon điều hành. Trang web này chuyên về văn học, cung cấp hàng nghìn đầu sách nói trong nhiều thể loại và tác phẩm kinh điển.

  • https://www.librivox.org/: LibriVox là một dự án cộng đồng cung cấp sách nói miễn phí với hàng nghìn tác phẩm kinh điển đã hết bản quyền. Các tình nguyện viên thu âm sách nói, giúp người học tiếng Anh luyện nghe qua văn học.

  • https://www.openculture.com/freeaudiobooks: Open Culture cung cấp danh sách sách nói miễn phí từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả văn học kinh điển và hiện đại.

Nguồn luyện nghe chủ đề Lịch sử:

Nguồn luyện nghe chủ đề Văn hóa:

  • https://www.npr.org/sections/arts/: NPR (National Public Radio) là một tổ chức truyền thông phi lợi nhuận của Hoa Kỳ, cung cấp các chương trình tin tức và giải trí về văn hóa và nghệ thuật.

  • https://www.bbc.co.uk/programmes/p002vsnk: The Documentary là một chương trình của BBC World Service, giới thiệu các tài liệu phát thanh về văn hóa, xã hội, lịch sử và các chủ đề khác trên toàn cầu.

Lắng nghe và ghi chép từ vựng, ngữ pháp, và ngữ cảnh sử dụng

Sau khi hoàn thành một bài nghe, người học nên ghi lại các từ và cụm từ trong quá trình luyện nghe, vì điều này giúp tăng vốn từ vựng liên quan đến chủ đề. Tuy nhiên, cần lưu ý việc ghi chép từ vựng nên diễn ra sau khi người học đã nghe audio hoàn chỉnh ít nhất 1 lần, thay vì vừa nghe, vừa tra từ vựng và ghi chép, vì làm như vậy sẽ gây ra sự ngắt quãng, ảnh hưởng tới quá trình nghe hiểu nội dung thông tin.

Bên cạnh đó, khi nghe tiếng Anh, người học sẽ gặp phải nhiều cấu trúc ngữ pháp khác nhau. Ghi chép các cấu trúc ngữ pháp này giúp người học hiểu rõ hơn cách sử dụng chúng trong ngữ cảnh thực tế, qua đó áp dụng chúng vào việc nói và viết tiếng Anh một cách chính xác, linh hoạt và tự nhiên hơn trong các tình huống khác nhau.

Ngoài ra, việc ghi chép làm tăng khả năng ôn lại. Việc xem lại các ghi chú trước khi luyện nghe lại hoặc khi cần luyện tập sẽ giúp người học nắm vững kiến thức về từ vựng, ngữ pháp đã học và duy trì khả năng sử dụng tiếng Anh của mình.

Thảo luận và chia sẻ kiến thức với bạn bè, giáo viên

Việc thảo luận và chia sẻ kiến thức với bạn bè và giáo viên sau khi luyện nghe các audio tiếng Anh về văn học, lịch sử, văn hóa có nhiều lợi ích quan trọng đối với người học.

Thứ nhất, việc thảo luận và chia sẻ kiến thức với người khác giúp người học mở rộng và sâu sắc hiểu biết về các chủ đề đã luyện nghe. Khi nghe từ nhiều nguồn và góc nhìn khác nhau từ bạn bè và giáo viên, người học có thể nhận được thông tin bổ sung, quan điểm đa dạng và cái nhìn tổng quan hơn về chủ đề đó.

Thứ hai, thảo luận và chia sẻ kiến thức giúp người học rèn kỹ năng giao tiếp tiếng Anh. Người học sẽ có cơ hội áp dụng từ vựng, ngữ pháp và kỹ năng nghe hiểu đã học để diễn đạt ý kiến, đặt câu hỏi và thảo luận với người khác. Qua quá trình này, người học sẽ trở nên tự tin hơn trong việc sử dụng tiếng Anh trong môi trường giao tiếp thực tế.

Thứ ba, người học có thể mở rộng khả năng suy luận và phân tích vì việc này đòi hỏi suy nghĩ sâu hơn về các khía cạnh của chủ đề về văn học, lịch sử, văn hóa và phân tích các thông tin một cách logic và chính xác. Người học có thể trao đổi ý kiến, đưa ra lập luận và đánh giá thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, từ đó phát triển khả năng suy luận và phân tích của mình.

Thứ tư, người học có thể kiểm tra và củng cố kiến thức về văn học, lịch sử, văn hóa, vì khi diễn đạt ý kiến, giải thích khái niệm và trả lời câu hỏi, người học sẽ phải dùng đến kiến thức đã học và tăng cường sự nhớ và ứng dụng của nó.

Luyện tập thường xuyên và đánh giá tiến trình

Luyện tập thường xuyên và đánh giá tiến trình khi luyện nghe tiếng Anh có vai trò quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng nghe của người học.

Thứ nhất, luyện tập thường xuyên giúp người học quen thuộc với âm điệu, ngữ điệu và giọng điệu của tiếng Anh. Khi nghe tiếng Anh thường xuyên, khả năng nghe hiểu của người học sẽ được cải thiện đáng kể. Các ngữ cảnh và từ vựng sẽ trở nên quen thuộc, giúp người học nắm bắt ý nghĩa và thông điệp của bài nghe một cách dễ dàng hơn.

Thứ hai, bằng cách luyện tập thường xuyên, người học sẽ cải thiện khả năng phản xạ nghe của mình. Điều này có nghĩa là người học sẽ nghe và hiểu tiếng Anh một cách tự nhiên và nhanh chóng hơn, mà không cần phải dừng lại và suy nghĩ quá nhiều.

Thứ ba, việc đánh giá tiến trình giúp người học nhận ra những điểm mạnh và điểm yếu trong khả năng nghe của mình. Bằng cách xác định những khía cạnh cần cải thiện, người học có thể tập trung vào việc luyện tập những kỹ năng cụ thể và đạt được tiến bộ đáng kể.

Thứ tư, việc đánh giá tiến trình giúp người học thiết lập mục tiêu rõ ràng và theo dõi tiến độ của mình. Bằng cách đặt những mục tiêu cụ thể, người học có thể lên kế hoạch và luyện tập theo từng bước, từ đó đạt được sự tiến bộ liên tục và đáng kể. Đồng thời, việc này giúp duy trì động lực và tự tin trong quá trình học tiếng Anh. Khi nhìn thấy tiến bộ của mình và nhận ra những cải thiện trong khả năng nghe, người học sẽ cảm thấy động lực và tin tưởng hơn để tiếp tục nỗ lực và phát triển.

image-alt

Kết luận

Như vậy, qua bài viết trên, tác giả đã nghiên cứu và làm rõ việc liên kết tài liệu nghe với các môn học khác như văn học, lịch sử, văn hoá giúp người học mở rộng kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ, đồng thời khơi gợi sự tò mò và hứng thú học tập. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong đợi, người học cần tham khảo và thực hành một số phương pháp học để tìm ra phương pháp phù hợp với bản thân. Nhìn chung, đây là một cách học ngôn ngữ Anh tự nhiên, nhưng cần nhiều thời gian và sự kiên trì, vì người nghe sẽ phụ thuộc vào tốc độ của audio, khác với kỹ năng reading là nơi phụ thuộc vào tốc độ đọc của chính người học.


Tài liệu tham khảo

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
Giáo viên
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...