Lỗi dùng từ phổ biến khi giao tiếp bằng tiếng Anh

Bài viết tập trung phân tích các lỗi dùng từ trong giao tiếp tiếng Anh và đưa ra một số cách khắc phục tương ứng với từng lỗi.
loi dung tu pho bien khi giao tiep bang tieng anh

Giao tiếp là một trong những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hằng ngày. Đối với những người có ý định đi du học hay định cư ở các quốc gia lấy tiếng Anh là ngôn ngữ gốc, việc giao tiếp bằng tiếng Anh sẽ đặc biệt trở thành kỹ năng tối quan trọng để hòa nhập vào cộng đồng.

Xem thêm: Ứng dụng nguyên tắc 7C trong giao tiếp tiếng Anh và hoạt động thuyết trình nhóm

Khi một người học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, ngôn ngữ chính (hay tiếng mẹ đẻ) ít nhiều có ảnh hưởng đến tiếng Anh, từ đó phát sinh các lỗi khi sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp. Bài viết dưới đây tập trung phân tích các lỗi dùng từ trong giao tiếp tiếng Anh và đưa ra một số cách khắc phục tương ứng với từng lỗi.

Các lỗi dùng từ trong tiếng Anh giao tiếp

loi-dung-tu-trong-giao-tiep

Lỗi do dịch từng từ một

Lỗi dùng từ này thường xuất hiện khi người học hình thành ý tưởng về một câu văn bằng tiếng Việt, sau đó sử dụng vốn từ tiếng Anh sẵn có để dịch từng từ một trong câu văn đó. Người nói, khi dịch từng từ một theo câu văn tiếng Việt định sẵn, thường chỉ tập trung vào từng từ một thay vì chia câu văn thành những cụm từ, cụm cấu trúc có ý nghĩa. Vì vậy, câu văn tiếng Anh sau khi được dịch sẽ có diễn đạt kém tự nhiên (do sử dụng collocation chưa chuẩn xác) và/hoặc chứa các lỗi ngữ pháp (do ngữ pháp giữa hai ngôn ngữ không tương đồng).

Ví dụ 1:

  • Tình huống: Người mua muốn chọn mua một cái nón “Tôi muốn lấy cái nón đó”

  • Dịch từng từ một: I want get that hat. Ở đây, người học bỏ sót mẫu ngữ pháp của động từ “want” + to Vinf (muốn) khi dịch từng từ một, dẫn đến lỗi ngữ pháp 2 động từ trong cùng 1 câu.

  • Phiên bản đúng hơn: I’ll take that hat. Trong tình huống chọn mua một món đồ, động từ “take” sẽ phù hợp hơn động từ “get”.

Ví dụ 2:

  • Ý tiếng Việt: Tôi muốn nói tiếng Anh tốt hơn

  • Dịch từng từ một : I want to say English better

  • Phiên bản đúng hơn: I want to speak English better.

Ở ví dụ này, người nói nhầm lẫn giữa từ “say” – “nói trực tiếp một thông tin gì” và “speak” – “nói chuyện với ai hay nói ngôn ngữ” do dịch từng từ một: “nói” – “say” rồi đến “tiếng Anh” – “English” thay vì xem “nói tiếng Anh” như một cụm từ để diễn đạt thành “speak English”.

su-khac-biet-giua-say-va-speak

Xem thêm: 20 cấu trúc thông dụng trong giao tiếp tiếng Anh – Phần 1

Ví dụ 3:

  • Ý tiếng Việt: Mặc dù bố tôi là một người khá khó tính nhưng thực ra ông ấy rất tốt bụng và hay giúp đỡ.

  • Dịch từng từ một: Although my dad is a person quite strict but actually he is very kind and often help.

  • Phiên bản đúng hơn: Although my dad is quite a strict person, he is actually very kind and helpful.

Ở ví dụ trên, có thể thấy người nói mắc nhiều lỗi sai ngữ pháp (sử dụng “but” cho mệnh đề chính của cấu trúc “Although”, tính từ bổ nghĩa đứng sau danh từ, từ nối “and” không kết nối các thành phần có cùng chức năng ngữ pháp và sử dụng sai động từ tân ngữ “help” – thiếu tân ngữ).

Thông thường, người học có thể ít mắc các lỗi dùng từ do dịch từng từ một câu ở văn viết do họ có nhiều thời gian hơn để chú ý hơn đến ngữ pháp. Tuy nhiên, trong tình huống sử dụng văn nói để giao tiếp, người nói có thể chịu áp lực vô hình về mặt thời gian hay độ trôi chảy, từ đó dẫn đến việc họ có xu hướng chọn cách dịch từng từ để có thể nhanh chóng diễn đạt ý mình.

Người nghe vẫn có thể hiểu được nội dung của câu chứa các lỗi dùng từ do việc dịch từng từ riêng lẻ trong trường hợp người nói diễn đạt những ý, khái niệm đơn giản. Tuy nhiên, người học có thể sẽ gặp khó khăn trong việc diễn đạt các ý, khái niệm phức tạp hơn, đòi hỏi vốn từ và cấu trúc ngữ pháp phức tạp hơn trong tiếng Anh nếu tiếp tục duy trì thói quen này trong thời gian dài.

Lạm dụng các từ đồng nghĩa

Trong tiếng Anh có rất nhiều có ý nghĩa tương tự nhau, hay còn gọi là từ đồng nghĩa. Trên thực tế, không có từ nào có ý nghĩa giống một cách tuyệt đối với từ nào và có thể thay thế nhau trong tất cả các trường hợp. Vì vậy, việc thay thế một từ trong một câu bằng các từ đồng nghĩa có thể dẫn đến những sự thay đổi không mong muốn so với ý nghĩa ban đầu của người nói hoặc có thể tạo ra các lỗi diễn đạt bất hợp lý (sai collocation).

Ví dụ: “Decrease” và “Reduce” là cặp từ đồng nghĩa, tuy nhiên chúng không thể thay thế nhau trong tất cả các trường hợp:

 

Measures should be taken to reduce climate change. (Các biện pháp cần được đưa ra để giảm biến đổi khí hậu.)

Từ “reduce” ở câu trên không thể được thay thế bằng “decrease” dù cả hai từ là từ đồng nghĩa với nhau. “Decrease” – “Giảm” trên thực tế có phổ nghĩa hẹp hơn “Reduce” và thường được sử dụng để nói sự giảm về số lượng, trong khi “Reduce” có thể được sử dụng để diễn tả sự giảm cả về số lượng lẫn quy mô, mức độ.

su-khac-biet-decrease-va-reduce

Nhầm lẫn các dạng từ khác nhau thuộc một họ từ (Word Family)

Trong tiếng Anh, có một số nhóm từ vựng thuộc cùng một họ từ (còn gọi là Word Family). Các từ vựng thuộc cùng một họ từ là những dạng biến đổi khác nhau của một gốc từ nào đó nhờ các tiền tố hay hậu tố và có thể có chức năng ngữ pháp khác nhau với ý nghĩa khác nhau. Việc nhầm lẫn giữa các từ thuộc cùng một họ có thể không ảnh hưởng lớn đến ý nghĩa toàn phần của câu và người nghe có thể vẫn hiểu được nội dung chính mà câu truyền đạt, nhưng về lâu dài có thể dẫn đến các lỗi ngữ pháp khó sửa chữa, ảnh hưởng đến các tiêu chí đánh giá ngữ pháp khi người học tham gia các kì thì đánh giá năng lực tiếng Anh như TOEIC hay IELTS.

Ví dụ 1: Cả hai từ “alternation” và “alternative” đều là các dạng từ khác nhau của cùng một gốc từ “alternate”. Người học, nếu chưa nắm rõ về nghĩa và chức năng ngữ pháp của hai từ này, có thể cho rằng “alternative” chỉ có thể là một tính từ (do hậu tố -ive thường biến đổi chức năng từ thành tính từ) và sử dụng “alternation” để diễn đạt ý “lựa chọn thay thế” (với chức năng danh từ), từ đó dẫn đến lỗi dùng từ vì “alternation” có nghĩa “sự luân phiên”, trái với nghĩa mà người nói định diễn đạt. Thực tế, “alternative” vừa là tính từ, vừa là danh từ.

I think we can use this plan as an alternation to our original plan. (Tôi nghĩ chúng ta có thể sử dụng kế hoạch này như một lựa chọn thay thế cho kế hoạch ban đầu).

Phiên bản đúng hơn: I think we can use this plan as an alternative to our original plan.

su-khac-biet-alternative-va-alternation

Ví dụ 2: Người học có thể nhầm lẫn giữa hai dạng của từ “value” là “invaluable” và “valueless” nếu chưa nắm rõ về nghĩa của hai từ này trong câu sau. Từ “valueless” và “invalueable” đều là các tính từ cùng thuộc gốc từ “value” – “giá trị” nhưng có nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau. “Valueless” có nghĩa “vô giá trị”, trong khi “invaluable” có nghĩa “vô giá – rất hữu ích”.

This doll is valueless because it is a gift from my grandmother.

Phiên bản đúng hơn: This doll is invaluable because it is a gift from my grandmother. (Con búp bê này là vô giá vì nó là một món quà của bà tôi)

Như vậy, dù có thể các từ có nhiều dạng khác nhau thuộc cùng một họ từ, người học vẫn nên hiểu rõ nghĩa và chức năng ngữ pháp của từng từ để tránh các lỗi dùng từ trong câu.

Một số cách khắc phục

Tránh việc học từ vựng chỉ với nghĩa tiếng Việt

Dù việc tra cứu nghĩa tiếng Việt của một từ tiếng Anh hoặc ngược lại bằng các công cụ dịch hay từ điển Anh – Việt giúp người học có thể hiểu một câu và ứng dụng được ngay vào giao tiếp, thói quen này cũng có một số những hạn chế. Nếu người học chỉ đơn thuần dịch một từ từ tiếng Anh sang tiếng Việt hoặc ngược lại mà bỏ qua các các phối hợp của từ đó trong một câu hay tình huống, ngữ cảnh mà từ đó được sử dụng, người học có thể mắc một số lỗi diễn đạt.

Vì vậy, để học từ vựng một cách hiệu quả, người học có thể tham khảo định nghĩa của từ vựng mới trên từ điển Anh-Anh đồng thời xem xét các ví dụ về các câu có chứa từ vựng cần học. Thói quen này giúp người học hiểu được chính xác nghĩa của từ vựng hơn và áp dụng được từ vựng vào đúng ngữ cảnh.

Dịch câu theo từng cụm có nghĩa

Thay vì dịch từng từ một riêng lẻ, người học có thể tự viết xuống câu văn mà mình muốn trong tiếng Việt trước, sau đó chia nhỏ câu văn ra thành các cụm từ có ý nghĩa và tiến hành dịch các cụm này. Nếu cảm thấy khó khăn trong việc dịch sát nghĩa một cụm do hạn chế về mặt từ vựng, người học có thể tìm cách đơn giản hóa cụm thành một diễn đạt khác có ý nghĩa tương đồng.

Xem thêm: Understanding Grammar for IELTS – Write a sentence

Ví dụ:

  • Người học muốn diễn đạt: “Tôi muốn chiến thắng bản thân mình”.

  • Thay vì dịch từng từ: “chiến thắng” – “win” và bản thân mình “myself”, người học có thể xem “chiến thắng bản thân mình” thành một cụm và tìm một số cách diễn đạt khác như “vượt qua những điểm yếu của bản thân” – “overcome my weaknesses”.

cach-khac-phuc-loi-dung-tu

Tổng kết

Người học có thể mắc một số lỗi dùng từ như: sai collocation do dịch trực tiếp từng từ một từ tiếng Việt sang tiếng Anh, các lỗi về việc sử dụng các từ đồng nghĩa hay nhầm lẫn các dạng từ do chưa nắm rõ ý nghĩa của các từ và ngữ cảnh mà các từ được sử dụng. Để khắc phục các lỗi này, người học cần thay đổi cách học từ vựng, sử dụng từ điển Anh-Anh để hiểu rõ nghĩa và chú ý hơn đến ngữ cảnh mà từ vựng được sử dụng qua các ví dụ. Bên cạnh đó, việc phân tách câu thành từng cụm có nghĩa và tìm cách đơn giản hóa chúng để diễn đạt cũng phần nào giúp khắc phục hiện tượng dịch từng từ một khi nói hay viết tiếng Anh.

Hoàng Khải Đức

Tham khảo thêm khóa học luyện thi IELTS online tại ZIM Academy, học viên được hướng dẫn cụ thể, sửa lỗi sai chi tiết, theo sát tiến độ và hỗ trợ trong suốt quá trình học tập.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu