Banner background

Lỗi ngữ pháp phổ biến trong bài thi IELTS Speaking Band 5-6 – Nguyên nhân và cách khắc phục

Bài nghiên cứu sẽ chỉ ra một số lý do phổ biến dẫn đến những sai sót về hình vị ngữ pháp mà thí sinh band 5 và 6 có thể mắc phải; bên cạnh đó cũng chỉ ra một số giải pháp hợp lý.
loi ngu phap pho bien trong bai thi ielts speaking band 5 6 nguyen nhan va cach khac phuc

Giới thiệu

Trong bài nghiên cứu, tác giả tập trung chủ yếu vào yếu tố ngữ pháp của kỹ năng Speaking trong bài thi IELTS. Hình vị ngữ pháp và cấu trúc ngữ pháp phức tạp là hai đặc điểm ngữ pháp nổi bật khi tiếp thu một ngôn ngữ mới (Roothooft & Breeze, 2019). Trong đó, hình vị ngữ pháp là bộ phận được thêm vào từ với mục đích ngữ pháp (Krashen, 2002) (ví dụ, các động từ thêm đuôi –ing, hoặc động từ có quy tắc ở thời quá khứ –ed). Nhìn chung, thí sinh ở band 5 và band 6 trong các kì thi IELTS Speaking thường hay mắc các lỗi hình vị ngữ pháp gần giống nhau. Bài nghiên cứu sẽ chỉ ra một số lý do phổ biến dẫn đến những sai sót về hình vị ngữ pháp mà thí sinh band 5 và 6 có thể mắc phải; bên cạnh đó cũng chỉ ra một số giải pháp hợp lý.

Cấu trúc bài thi IELTS Speaking?

Bài thi IELTS Speaking được diễn ra trong vòng từ 11 đến 14 phút và bao gồm ba phần. Trong phần đầu tiên (4-6 phút) thí sinh sẽ phải trả lời các câu hỏi liên quan đến bản thân, sở thích và các chủ đề quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Trong phần thi thứ hai (3-4 phút), thí sinh sẽ nói về một chủ đề có sẵn. Thí sinh sẽ có một phút để chuẩn bị và sau đó phải nói liên tục tối đa hai phút, giám khảo có thể hỏi thêm một vài câu hỏi sau khi thí sinh kết thúc bài nói của mình. Trong phần thi thứ ba (4-5 phút), thí sinh sẽ có cơ hội thảo luận thêm với ban giám khảo về chủ đề hoặc các vấn đề có liên quan đến phần hai. Ví dụ nếu phần hai yêu cầu thí sinh miêu tả về một ngôi trường, thì chủ đề trong phần ba sẽ liên quan đến giáo dục hoặc cơ sở vật chất trong trường học. Bài thi IELTS Speaking có thể còn áp lực hơn các bài thi trên giấy khác (Issitt, 2008) vì ban giám khảo sẽ trực tiếp hỏi và đánh giá từng thí sinh.

Ngữ pháp trong bài thi IELTS Speaking yêu cầu những gì?

Trong bài thi IELTS Speaking, giám khảo sẽ đánh giá khả năng tiếng Anh của thí sinh dựa trên những tiêu chí sau: Sự trôi chảy và mạch lạc (Fluency and Coherence), Nguồn từ vựng (Lexical Resource), Sự chính xác và sự đa dạng trong ngữ pháp (Grammar Range and Accuracy), Phát âm (Pronunciation). Trong đó, yếu tố đa dạng trong ngữ pháp được thể hiện ở độ dài và độ phức tạp của các câu nói, khả năng sử dụng các mệnh đề phụ, và sự đa dạng trong cấu trúc câu. Bên cạnh đó, yếu tố tạo nên sự chính xác trong ngữ pháp là số lượng các lỗi ngữ pháp xuất hiện trong bài nói và những lỗi ngữ pháp ấy có tác động như thế nào đến thông tin người nói muốn truyền tải (Handbook IELTS, 2005).

Yếu tố đánh giá ngữ pháp của thí sinh band 5-6

Ở band 5, thí sinh có khả năng nói được những câu đơn giản với sự chính xác nhất định, có thể sử dụng một vài cấu trúc ngữ pháp phức tạp nhưng vẫn chứa lỗi, và những lỗi này có thể khiến người nghe hiểu sai ý người nói muốn truyền tải. Ở band 6, thí sinh có thể sử dụng kết hợp các cấu trúc phức tạp và đơn giản, có thể mắc một vài lỗi với cấu trúc phức tạp nhưng nhìn chung những lỗi này không làm thay đổi ý của câu (Handbook IELTS, 2005).

Các lỗi hình vị ngữ pháp phổ biến ở band 5-6

Theo các nhà nghiên cứu, việc tiếp thu ngôn ngữ thứ hai được dựa trên việc tiếp thu hai đặc điểm sau: hình vị ngữ pháp và cấu trúc ngữ pháp phức tạp (Roothooft & Breeze, 2019). Trong nghiên cứu này, tác giả sẽ chỉ tập trung vào yếu tố hình vị ngữ pháp và các lỗi thuộc về hình vị ngữ pháp mà học sinh band 5 và band 6 hay mắc phải.

Giới thiệu về hình vị và hình vị ngữ pháp

Ví dụ về hành vị

Hình vị là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có chứa nghĩa, và cũng là đơn vị ngôn ngữ có thể truyền tải yếu tố ngữ pháp. (Cook, 1993). Ví dụ, “stayed” có hai hình vị. Hình vị thứ nhất “stay” chỉ ra khái niệm về một hành động, hình vị thứ hai “-ed” biểu thị thời của hành động, trong bài nghiên cứu, tác giả sẽ sử dụng thuật ngữ “hình vị ngữ pháp” để nói về hình vị thứ hai.

Hình vị ngữ pháp là đơn vị ngôn ngữ được thêm vào từ với mục đích ngữ pháp (Krashen, 2002). Ví dụ, trong câu sau “I have been to ten areas”. Hình vị ngữ pháp trong câu này là số nhiều -s trong từ “areas”.

Goldschneider and DeKeyser (2005) đã chia các hình vị ngữ pháp thành sáu yếu tố chính, bao gồm: –ing, số nhiều -s, quán từ, động từ quá khứ có quy tắc, động từ quá khứ bất quy tắc, và ngôi thứ ba số ít. Theo nghiên cứu của Roothooft & Breeze (2019), các lỗi liên quan đến hình vị ngữ pháp của học sinh band 5 và band 6 hầu như không có sự khác biệt. Với động từ quá khứ có quy tắc và ngôi thứ ba số ít, tỉ lệ sai của học sinh ở band 5 thậm chí còn ít hơn so với học sinh band 6, trong khi đó, học sinh ở band 5 lại thường mắc nhiều lỗi hơn học sinh band 6 trong các hình vị ngữ pháp khác, bao gồm động từ quá khứ bất quy tắc, –ing, quán từ và số nhiều. Trong tất cả các hình vị ngữ pháp nêu trên, ngôi thứ ba số ít là lỗi học sinh ở cả band 5 và band 6 hay mắc nhất, trong khi đó, học sinh thường ít mắc lỗi liên quan đến số nhiều -s.

Các lỗi phổ biến về hình vị ngữ pháp

Dựa trên lí thuyết về sự phân loại của Dulay, Burt and Krashen (1982), Ting, Mahadha và Chang (2010) đã tìm ra được bốn nguyên nhân chính dẫn đến việc học sinh hay bị sai các hình vị ngữ pháp trong văn nói. Bốn nguyên nhân bao gồm: nhầm thông tin (misinformation), bỏ sót (omission), tự động thêm (addition), và thiếu trật tự (misordering).

Lỗi ngữ pháp phổ biến nhất trong văn nói thuộc về bỏ sót. Khi nói tiếng Anh, người nói thường hay bỏ sót một vài từ hoặc hình vị từ trong câu.

Ví dụ: “I am going to __museum”.

Trong câu nói này, người nói đã thiếu mạo từ “the”.

Hoặc, ví dụ “He like reading book”

Trong câu nói này, người nói đã thiếu số nhiều -s ở  từ “books” và động từ ngôi thứ ba số ít -s ở từ “likes”.

Lỗi ngữ pháp thứ hai liên quan đến việc tự động thêm khi nói.  Khi nói, rất nhiều học sinh tự động thêm một số hình vị ngữ pháp vào câu nói của mình.

Ví dụ: “I decide to living here”. Trong tiếng Anh, cấu trúc với động từ “decide” là “decide + to + động từ nguyên thể”. Câu chính xác ở đây phải là “I decide to live here”. 

Lỗi phổ biến thứ ba là nhầm thông tin, ví dụ trong tiếng Anh, ta có thể nói là “I go to school by bus” nhưng không thể nói là “by foot”, nếu muốn nói là tôi đi bộ đến trường, thì phải nói là ” I go to school on foot.

Lỗi ngữ pháp ít phổ biến nhất trong bốn loại là thiếu trật tự. Học sinh thường không mấy khi mắc phải lỗi này, ví dụ trong tiếng Việt, ta hay nói “Tôi và anh tôi cùng nhau ăn tối”. Nếu đổi sang tiếng Anh, câu sẽ trở thành “I and my brother watch films”, tuy nhiên, câu đúng phải là “My brother and I watch films”.

Nguyên nhân

Đối với các lỗi ngữ pháp nói trên, người học rất có thể nhận thức được họ có kiến thức về những quy luật liên quan đến hình vị ngữ pháp nhưng họ không thể nào áp dụng những quy luật đó để có thể nói chính xác. Trong văn viết, người học sẽ có thời gian để suy nghĩ và sửa lỗi, tuy nhiên, trong khi nói, dưới áp lực thời gian, người đọc sẽ thường tình cờ mắc những lỗi ngữ pháp kể trên và không hề nhận ra mình đã nói sai ngữ pháp.

Hoặc, những lỗi kể trên có thể là vì người nói bị ảnh hưởng tiếng mẹ đẻ (Kalamsi, 2019).  Ví dụ, trong câu tiếng Anh sau:

“The girl who talked to me last night lives next to my house.”

Người nói với ngôn ngữ tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ rất có thể sẽ phạm vào lỗi bỏ sót, thiếu quán từ “the”, số nhiều -s hoặc động từ quá khứ có quy tắc -ed, vì trong tiếng Việt, người nói chỉ cần nói như sau.

“Cô gái nói chuyện với tôi tối hôm qua sống cạnh nhà tôi.”

Ngoài ra, theo Krashen (2003), các lỗi ngữ pháp kể trên rất có thể là do người nói không thực sự hiểu về cấu trúc ngữ pháp trong tiếng Anh. Thay vì thực sự sử dụng cấu trúc ngữ pháp chính xác trong tiếng Anh, họ chỉ nói dựa theo “linh cảm” hoặc dựa theo việc tiếp thu ngôn ngữ một cách vô thức. Ví dụ, một người học tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sử dụng ngữ liệu thực tế[1] để luyện nghe và từ đó luyện nói, họ sẽ tiếp nhận kiến thức liên quan đến tiếng Anh một cách tự nhiên, không cần cố gắng. Tuy nhiên, điều này có thể làm người học không chú ý hay thậm chí là bỏ qua hình vị ngữ pháp.

Một câu thoại trong phim “Friends”: “All of a sudden, the phone starts to ring.” Khi xem phim để luyện tiếng Anh, người học rất có thể bỏ qua ngôi thứ ba số ít -s ở từ “starts”.

Cách khắc phục

Để có thể khắc phục được các lỗi sai liên quan đến hình vị ngữ pháp, trước hết người học phải nhận thức được lỗi sai của mình. Chính vì thế, các giáo viên tin rằng việc chữa các lỗi sai trên lớp là điều vô cùng quan trọng, có thể giúp học sinh hình thành thói quen tự chỉnh sửa giữa học sinh với nhau, tăng khả năng chính xác và độ trôi chảy trong khi nói (Nuriye Değirmenci; Selami, 2017). Khi học sinh thực hành nói trên lớp, giáo viên nên chỉ ra các lỗi sai liên quan đến hình vị ngữ pháp một cách cẩn thận, cụ thể. Ví dụ, sau một bài nói hoặc sau một cuộc hội thoại, giáo viên nên nhận xét tỉ mỉ về các lỗi ngữ pháp của từng học viên, sau đó, ở những bài nói tiếp theo, giáo viên có thể yêu cầu học sinh nhận xét chéo. Khi học sinh bắt đầu nhận thức được về các lỗi sai liên quan đến hình vị ngữ pháp, học sinh sẽ có thể sẽ cẩn thận hơn mỗi khi gặp các trường hợp liên quan đến hình vị ngữ pháp trong câu (Krashen, 2002).

Để giúp giáo viên có nhiều cơ hội chữa lỗi sai cho học sinh, cũng như giúp học sinh có nhiều cơ hội thực hành trong lớp, sửa lỗi sai cho các bạn và tự sửa lỗi sai cho chính mình, Ting, Mahadha và Chang (2010) cũng đề xuất một phương pháp giảm thiểu lỗi sai liên quan đến hình vị ngữ pháp – tăng cường giao tiếp trong lớp dựa trên những tình huống có sẵn.

Trong nghiên cứu của họ, học sinh được tham gia một khoá học Nói, hàng tuần được tham gia đóng các vai khác nhau và kết quả là vào tuần cuối cùng của khoá học, các lỗi sai ngữ pháp trong bài nói của học sinh giảm đi đáng kể, trừ các lỗi liên quan đến số nhiều.

Nếu so với các cuộc hội thoại thực tế ở bên ngoài, lớp học sẽ là nơi phù hợp hơn với những học sinh ở trình độ band 5, band 6 theo tiêu chuẩn bài thi IELTS. Người học sẽ có nhiều cơ hội để được luyện tập và sẽ không cảm thấy xấu hổ mỗi lần nói sai hoặc mỗi lần bị sửa. Vì vậy, theo thời gian, khi đã quen với việc nói, người học sẽ có thể nói với tốc độ nhanh hơn, trôi chảy hơn và ít lỗi sai hơn.

Xem thêm: Chương trình luyện thi IELTS cam kết đầu ra.

Kết luận

Bài nghiên cứu đã chỉ ra được các lỗi hình vị ngữ pháp cơ bản mà học sinh band 5, band 6 (theo thang điểm của IELTS) hay mắc phải trong kì thi IELTS Speaking, các lí do dẫn đến các lỗi sai này các cách khắc phục.

Chú thích

[1] Ngữ liệu thực tế là tài liệu không được thiết kế với mục đích giáo dục, ngữ liệu thực tế bao gồm các bài báo, phim, v.v.

References

Cook, V.: Linguistics and second language acquisition. 1993 London: Macmillan

Goldschneider, J.M., and DeKeyser, R.M. Explaining the “natural order of L2 morpheme acquisition” in English: A meta-analysis of multiple determinants, Language Learning, vol 51 (1) 2001, pp 1–50.

Handbook IELTS, 2005 University of Cambridge ESOL Examinations 

Kamlasi, I. Describing the Students’ Grammatical Errors on Spoken English, Lectura: JurnalPendidikan, 6 No.1 (2019), p.83-p.91

Krashen, S. Second Language Acquisition and Second Language Learning. 1981 Pergamon Press, New York.

Nuriye Değirmenci; Selami, Foreign Language Teachers’ Perceptions of Error Correction in Speaking Classes: A Qualitative Study, Qualitative Report, Vol. 22 Issue 1, 2017, p123-135.

Roothooft, H., and Breeze, R. IELTS: Investigating the development of ‘grammatical range and accuracy’ at different proficiency levels in the IELTS Speaking test. IELTS Research Reports Online Series, No. 1. 2019 British Council, Cambridge Assessment English and IDP: IELTS Australia.

Steve Issitt, Improving scores on the IELTS speaking test, ELT Journal, Volume 62, Issue 2, April 2008, Pages 131–138, https://doi.org/10.1093/elt/ccl055

Ting; Mahadha; Chang Grammatical Errors In Spoken English Of University Students In Oral Communication Course, Journal of Language Studies 10(1) 2010 p53-70

www.ielts.org/library/1649-IELTShbk-2005.pdf

Hoàng Khánh Linh

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...