Lỗi phát âm phổ biến của người Việt khi học tiếng Anh và cách khắc phục
Giới thiệu tổng quan
Để có thể nghe hiểu và nói tiếng Anh một cách lưu loát, việc phát âm chuẩn là một trong những yếu tố cực kì quan trọng. Để đạt được sự thành công trong giao tiếp, bạn cần làm cho người nghe hiểu được ý bạn muốn diễn đạt, và phát âm đúng góp phần không nhỏ vào sự thành công đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể phát âm “chuẩn” và việc này không hề dễ dàng bởi nhiều yếu tố. Việc phát âm đúng đôi khi sẽ phụ thuộc vào những đất nước, vùng miền khác nhau vì môi trường sống và ngôn ngữ chính của từng nơi trên thế giới ít nhiều có ảnh hưởng lên chất giọng của người dân nơi đó và cách đọc một số nguyên âm, phụ âm cơ bản khi phát âm tiếng Anh. Bài viết sau đây sẽ liệt kê hai lỗi phát âm tiếng Anh thường thấy của người Việt và cách cải thiện từng loại lỗi.
Hai lỗi phát âm tiếng Anh phổ biến và cách cải thiện
Lỗi thứ nhất: Tìm cách đánh vần mọi âm trong tiếng Anh
Phân tích lỗi phát âm
Nhiều người Việt nhất là khi mới bắt đầu học tiếng Anh nghĩ rằng tiếng Anh về cơ bản thuộc hệ chữ Latin cũng giống như tiếng Việt, nên hy vọng có thể tìm được một quy tắc đánh vần tiếng Anh. Chính vì vậy mà khi gặp phải một từ lạ hay quên cách phát âm của một từ quen thuộc, một số người sẽ có phản ứng đầu tiên là tách từ đó ra làm nhiều âm và đọc lên.
Thực tế, trong tiếng Việt, bạn có thể hoàn toàn phát âm một từ hoàn toàn dựa trên cách viết của từ đó, và cũng có thể phát âm một âm dù cho âm này nằm ở nhiều từ khác nhau.
Ví dụ: âm “é” dù nằm trong bất kì chữ nào như “bé” , “vé”, “bén” hay “vén” đều được đọc giống nhau.
Tuy nhiên, tiếng Anh lại là một câu chuyện khác khi người học không thể dùng quy tắc đánh vần để đọc một từ mới. Một lí do đơn giản là vì trong tiếng Anh, có rất nhiều từ có cách đọc khác hoàn toàn với mặt chữ.
Ví dụ:
Từ sô cô la trong tiếng Anh có cách viết là “chocolate”, và chắc hẳn có không ít người đọc là /’tʃɔ:kəʊlət/ (tạm phiên âm ra tiếng Việt là cho-cô-lợt) và cách đọc này hoàn toàn sai. Thật ra, từ này nên được đọc thành /’tʃɔ:klət/ ( tạm phiên âm ra tiếng Việt là cho-kơ-lợt)
Một ví dụ điển hình khác là từ rau củ “ vegetable”, thực tế phát âm đúng là /ˈvedʒ.tə.bəl/ chứ không phải /ˈvedʒe.tə.bəl/ như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Cách sửa lỗi
Khi phát âm tiếng Anh, chúng ta hãy tạm quên lầm tưởng tiếng Anh có thể được đánh vần bằng tiếng Việt và nên tích cực tra từ điển về cách đọc IPA của từ mới và sau đó nhấp vào mục phát âm nghe xem từ này được đọc thế nào. Và để ghi nhớ kĩ hơn, người học nên lặp lại từ này nhiều lần và tốt nhất nên đặt câu đơn giản với từ vừa học.
Lỗi thứ hai: Không nhấn trọng âm
Phân tích lỗi phát âm
Việc nhấn đúng trọng âm một từ thường không được chú trọng với một số bạn trẻ khi học tiếng Anh. Nguyên nhân cho việc này là khi trong tiếng Việt, số lượng từ có một âm tiết rất nhiều và người Việt có thói quen đọc từng âm tiết và không có trọng âm. Chính vì vậy mà nhiều người đọc một từ trong tiếng Anh vẫn còn đọc đều đều từng âm chứ không nhấn trọng âm, dẫn tới việc người nghe cảm thấy giọng đọc rất cứng và không có cảm xúc. Trong vài trường hợp, việc đọc một với một tông giọng đều đều có thể làm cho người nghe không thể hiểu được ý người nói muốn truyền đạt.
Ví dụ:
- Một số danh từ có 2 âm tiết trong tiếng Anh thường được nhấn vào âm nhất như mother /ˈmʌð.ɚ/, brother /ˈbrʌð.ɚ/, table /ˈteɪ.bəl/, v.v.
- Một số động từ có từ 3 âm tiết trở lên và thường được nhấn vào âm thứ ba như recommend /ˌrek.əˈmend/, understand /ˌʌn.dɚˈstænd/, interact /ˌɪn.t̬ɚˈækt/, v.v.
Cách sửa lỗi
Dưới đây là một số nguyên tắc trọng âm phổ biến khiến cho việc phát âm trở nên dễ dàng hơn:
Trong tiếng Anh, số lượng từ vựng có 2 âm tiết và 3 âm tiết chiếm đa số nên trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào một số quy tắc phát âm 2 loại từ vựng này.
Các loại từ có 2 âm tiết
- Danh từ: trọng âm thường rơi vào âm tiết thứ nhất
Ví dụ: sister /ˈsɪs.tɚ/, circle /ˈsɝː.kəl/, person /ˈpɝː.sən/, baby ˈbeɪ.bi/, climate /ˈklaɪ.mət/, v.v.
- Tính từ: trọng âm thường rơi vào âm tiết thứ nhất
Ví dụ: lovely /ˈlʌv.li/, early /ˈɝː.li/, awesome /ˈɑː.səm/, happy /ˈhæp.i/, clever /ˈklev.ɚ/, v.v.
Tuy nhiên, có một ngoại lệ là nếu danh từ và động từ có chứa nguyên âm đôi và dài thì trọng âm sẽ rơi vào âm tiết thứ hai.
Ví dụ: cartoon /kɑːrˈtuːn/, mistake /mɪˈsteɪk/, alone /əˈloʊn/, asleep /əˈsliːp/, v.v.
- Động từ: trọng âm thường rơi vào âm tiết thứ hai
Ví dụ: begin /bɪˈɡɪn/, complete /kəmˈpliːt/, invest /ɪnˈvest/, collect /kəˈlekt/, connect /kəˈnekt/, v.v.
Tuy nhiên, sẽ có trường hợp ngoại lệ khi trọng âm rơi vào âm tiết thứ nhất. Trường hợp đó xảy ra khi động từ có âm thứ hai là nguyên âm ngắn và kết thúc bởi một phụ âm (hoặc không có phụ âm) có dạng er, en, ish, age.
Ví dụ: happen /ˈhæp.ən/, enter /ˈen.t̬ɚ/, offer /ˈɑː.fɚ/, manage /ˈmæn.ədʒ/, finish /ˈfɪn.ɪʃ/, v.v.
Các loại từ có 3 âm tiết
- Danh từ: sẽ có 2 trường hợp
Nếu âm tiết thứ hai có chứa âm /ə/ hoặc /i/ thì trọng âm sẽ rơi vào âm tiết thứ nhất.
Ví dụ: pharmacy /ˈfɑːrməsi/, controversy /ˈkɑːntrəvɜːrsi/, holiday /ˈhɑːlədeɪ /, resident /ˈrezɪdənt/, paradise /ˈpærədaɪs/, v.v.
Nếu các danh từ có âm tiết thứ nhất chứa âm ngắn (/ə/ hay/i/) hoặc có âm tiết thứ hai chứa nguyên âm dài/ nguyên âm đôi thì trọng âm rơi vào âm tiết thứ hai.
Ví dụ: computer /kəmˈpjuːtər/, potato /pəˈteɪtoʊ/, banana /bəˈnænə/, disaster /dɪˈzɑːstə(r)/, v.v.
- Động từ
Trọng âm rơi vào âm tiết thứ 2 nếu âm tiết thứ 3 có nguyên âm ngắn và kết thúc bằng 1 phụ âm:
Ví dụ: determine /di’t3:min/ , encounter /iŋ’kauntə/,v.v.
Trọng âm sẽ rơi vào âm tiết thứ nhất nếu âm tiết thứ 3 là nguyên âm dài hay nguyên âm đôi hay kết thúc bằng 2 phụ âm trở lên.
Ví dụ: exercise / ‘eksəsaiz/, compromise /ˈkɑːm.prə.maɪz/, v.v.
Tác giả: Nguyễn Hồ Ngọc Anh – Giảng viên tại ZIM
Bình luận - Hỏi đáp