Metacognition là gì? Cách sử dụng để chinh phục IELTS

Với mục đích giúp các thí sinh tối ưu hóa hiệu quả của quá trình ôn luyện, trong bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu về Metacognition (siêu nhận thức, SNT) và cách ứng dụng SNT vào việc học IELTS sao cho hiệu quả nhất.
author
Trần Nhật Nam
04/03/2022
metacognition la gi cach su dung de chinh phuc ielts

Việc học IELTS ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay. Trên thực tế, nhiều thí sinh đã và đang đầu tư thời gian và công sức để chinh phục điểm số mong muốn nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc của mỗi cả nhân. Tuy vậy, đây là cả một quá trình dài đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của các thí sinh.

Để làm tốt bài thi này, thí sinh không chỉ cần có một nền tảng tiếng Anh tốt mà còn phải am hiểu về các tiêu chí đánh giá của bài thi này. Vì lí do đó, đã có rất nhiều thí sinh cho biết họ đã dành một khoảng thời gian rất dài tập trung ôn luyện song vẫn chưa đạt được tiến bộ rõ rệt.

Với mục đích giúp các thí sinh tối ưu hóa hiệu quả của quá trình ôn luyện, trong bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu về Metacognition (siêu nhận thức, SNT) và cách ứng dụng SNT vào việc học IELTS sao cho hiệu quả nhất.

Key takeaways

1. Metacognition: Siêu nhận thức (SNT), thinking about thinking, là suy nghĩ về quá trình suy nghĩ, nhận thức và việc lên kế hoạch, thực hiện, giám sát, kiểm tra và đánh giá về quá trình thực hiện một hoạt động.

2. Vai trò:            

  • Giúp thí sinh tự nhận thức về những sai lầm của bản thân trong quá trình học tập

  • Giúp thí sinh thiết lập mục tiêu hiệu quả

  • Giúp tạo động lực cho thí sinh

  • Phân tích quá trình tư duy thường ngày để áp dụng cho bài thi IELTS.

3. Hai loại từ vựng:

  • Passive vocabulary: nhận biết được nhưng không dùng được khi nói/viết.

  • Active vocabulary: ứng dụng được trong giao tiếp (nói và viết).

4. Các sai lầm thường gặp của thí sinh:

  • Lạm dụng các bài Practice Test

  • Sử dụng nguồn tài liệu không đáng tin cậy

  • Mất định hướng khi có quá nhiều tài liệu

  • Quá phụ thuộc vào bí quyết hay chiến thuật làm bài

  • Học thuộc lòng câu trả lời mẫu trong bài thi nói

  • Không hiểu được các tiêu chí chấm thi.

5. Ứng dụng SNT trong học IELTS:

  • Xác định năng lực hiện tại

  • Xây dựng mục tiêu và kế hoạch học tập

  • Thực hiện và giám sát

  • Kiểm tra và tự đánh giá.

Metacognition là gì?

Metacognition (SNT, thinking about thinking) được hiểu là khả năng suy nghĩ, nhận thức và sự hiểu về suy nghĩ, kiến thức, quá trình tiếp thu kiến thức và thực hiện một hoạt động của mỗi cá nhân. Nó bao gồm việc giải mã, phân tích lại chi tiết quá trình suy nghĩ, nhận thức và việc lên kế hoạch, thực hiện, giám sát, kiểm tra và đánh giá về quá trình thực hiện, từ đó dựa vào sự hiểu biết đó để xây dựng chiến lược thực hiện tối ưu nhất, giúp cá nhân hoàn thành tốt hoạt động đang thực hiện.

Trong học tập, SNT đóng vai trò vô cùng quan trọng vì nó giúp thí sinh tự đánh giá sự tiến bộ của mỗi lần học, từ đó nắm được những thiếu sót của chính thí sinh và tập trung giải quyết và cải thiện những thiếu sót ấy bằng cách lên kế hoạch học tập mới phù hợp với mục tiêu mới cần đạt được. Việc suy nghĩ về chính suy nghĩ và quá trình học tập của bản thân giúp thí sinh hiểu bản thân hơn và tìm ra được những sai lầm, lỗ hổng trong quá trình học tập, giúp tiết kiệm thời gian và giúp tối ưu hiệu suất học tập.

Vì sao thí sinh nên ứng dụng SNT trong quá trình học IELTS?

metacognition-la-gi

Giúp thí sinh tự nhận thức về những sai lầm của bản thân trong quá trình học tập

IELTS là bài thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của thí sinh bao gồm bốn kĩ năng nghe, nói, đọc và viết. Để làm tốt bài thi này, trước hết thí sinh cần có nền tảng cơ bản về ngôn ngữ tiếng Anh bao gồm từ vựng, ngữ pháp cơ bản và khả năng nghe, đọc, và giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh trong đời sống hàng ngày. Sau đó, thí sinh phải tìm hiểu chi tiết về các dạng bài của từng kĩ năng cũng như chiến thuật để làm từng dạng để có thể đạt được điểm số mong muốn.

Tuy vậy, không phải thì sinh nào cũng có chiến lược học tập đúng đắn ngay từ đầu. Trên thực tế, có rất nhiều thí sinh dành toàn bộ thời gian để học IELTS và làm gần như tất cả các bộ sách của Cambridge nhưng vẫn dậm chân tại chỗ và chưa có sự tiến bộ đáng kể. Điều này cùng với các áp lực về thời gian, công việc, bạn bè làm cho thí sinh dễ bị chán nản vì đã đầu tư rất nhiều cho việc học nhưng kết quả vẫn không như mong muốn. Để giải quyết vấn đề trên, thí sinh cần đánh giá lại quá trình học của họ xem chiến lược học tập có chỗ nào còn chưa phù hợp, chẳng hạn như thí sinh làm quá nhiều đề nhưng không tra và học từ vựng, phân tích lỗi sai của mỗi lần làm bài dẫn đến việc học tập thiếu hiệu quả. Nhờ vào siêu nhận thức, thí sinh có thể tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và biết được đâu là vấn đề cần cải thiện.

Giúp thí sinh thiết lập mục tiêu hiệu quả

Việc tạo ra một mục tiêu học tập phù hợp là chìa khóa không thể thiếu để mở ra cánh cửa thành công trong quá trình học IELTS. Mặc dù hầu hết các thí sinh đều ý thức được tầm quan trọng của việc này nhưng rất nhiều thí sinh gặp khó khăn trong việc hoàn thành nó vì cơ bản mục tiêu đó không thực tế hoặc không phù hợp với năng lực hiện tại của thí sinh.

Vì vậy, trước khi thiết lập mục tiêu, thí sinh cần nhận thức được về kiến thức và năng lực của bản thân, biết mình đang ở đâu và những điểm mạnh điểm yếu là gì rồi từ đó mới xác định mục tiêu cụ thể tiếp theo. Việc ý thức được những thiếu sót mà thí sinh đang có là tiền đề không thể thiếu, nó giúp thí sinh tiến bộ nhanh hơn thông qua việc tập trung sửa chữa những khuyết điểm của bản thân thay vì tập trung vào toàn bộ các khía cạnh của việc học. Điều này cũng giống như thí sinh đang lái xe đến một điểm đến nhưng đột nhiên xe tắt máy, để có thể tiếp tục đi tiếp thì thí sinh phải xác định được bộ phận đang gặp của vấn đề của chiếc xe để sửa lại thay vì đem thay mới toàn bộ các bộ phận. Việc học IELTS cũng vậy, chẳng hạn nếu thí sinh đang chật vật với việc cải thiện điểm số ở kĩ năng đọc hay nghe, thay vì cứ làm đề này sang đề khác, thí sinh sẽ tiến bộ nhanh hơn nếu biết thông kê, phân tích các dạng câu hỏi mà thí sinh làm sai nhiều nhất sau đó tập trung cải thiện kĩ năng làm bài của những dạng đó.

Nhờ vào kĩ năng này của siêu nhận thức, thí sinh cảm thấy tự tin hơn khi gặp các dạng câu hỏi trên và cũng nhanh chóng tăng số câu đúng sau mỗi lần luyện tập. Dưới đây là một ví dụ được thống kê từ quá trình luyện tập của một thí sinh trên trang web study4.com ở phần 3 của kĩ năng nghe được phân loại theo dạng câu hỏi và chủ đề bài nghe:

metacognition-ap-dung-tren-study4

Theo như bảng thông kê, thí sinh có thể dễ dàng nhận thấy rằng họ cần cải thiện nhiều hơn ở kĩ năng làm bài cho dạng Note/ form completion và Multiple choice dựa trên phần trăm độ chính xác của các dạng câu hỏi. Tương tự, ở phần chủ đề bài nghe, thí sinh cần cải thiện vốn từ cũng như kĩ năng nghe ở chủ đề có phần trăm độ chính xác thấp nhất (Asking for information). Nhờ việc thống kê này, thí sinh sẽ biết mình cần học gì tiếp theo và đâu là trọng tâm mà họ cần đặc biệt lưu tâm, giúp thí sinh tự tin hơn trong tương lai.

Giúp tạo động lực cho thí sinh

Dù cho thí sinh ở trình độ nào đi chăng nữa, việc gặp khó khăn và cảm thấy mất động lực trong quá trình học IELTS là điều không thể tránh khỏi. Nhờ vào việc suy nghĩ, tự đánh giá lại quá trình học tập, thí sinh sẽ tìm ra được lí do tại sao thí sinh không học hoặc học không hiểu quả vào một ngày cụ thể, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện mục tiêu. Để học IELTS hiệu quả, thí sinh không nên quá tạo áp lực cho bản thân, dẫn đến việc học vẹt, học tủ.

Quan trọng hơn hết, thí sinh cần xác định động lực cá nhân và phải thật sự yêu thích việc học, xem như một thách thức mà bản thân cần chinh phục thay vì một bài thi học thuật khô khan và chán nản. Chính vì thế, dựa trên nguyên lí của siêu nhận thức, thí sinh có thể ghi nhận lại cảm xúc thực của bản thân bằng cách viết nhật kí, tự đánh giá về tính hiệu quả của việc học mỗi ngày, tìm ra nguyên nhân của sự trì hoãn và cách khắc phục:

metacognition-ap-dung-nhat-ky

Trong ví dụ trên, bằng cách xác định nguyên nhân của việc trì hoãn việc học, thí sinh có thể điều chỉnh kế hoạch học tập lại cho phù hợp, giúp thí sinh vượt qua được chính bản thân mình và tiếp tục thực hiện kế hoạch. Thí sinh cần xác định được nguyên nhân của việc trì hoãn, không tiến bộ (chủ quan hay khách quan) từ đó cố gắng khắc phục hoặc chọn ngày khác học bù để tiến độ học không bị ảnh hưởng.

Bằng cách thành thật với bản thân, thí sinh có thể nhìn nhận một cách đầy đủ và chính xác những tiến bộ mà bản thân họ đã đạt được, giúp họ cảm thấy vui hơn khi nổ lực bản thân đã được đền đáp và có thêm động lực để tiếp tục phát huy những điểm mạnh cũng như không ngừng tìm cách hoàn thiện những phần còn lại chưa được tốt. Ngoài ra, việc cho bản thân thời gian thư giãn là hết sức cần thiết, giúp thí sinh lấy lại tinh thần và năng lượng cho việc học.

Phân tích quá trình tư duy thường ngày để áp dụng cho bài thi IELTS

Kĩ năng nói và viết là hai kĩ năng khó và gây ra nhiều khó khăn cho thí sinh vì đây là kĩ năng sản xuất (productive skills). Trước hết, thông qua việc nghe, đọc, thí sinh nạp vào từ vựng, ngữ pháp và các thành tố khác, sau đó thông qua quá trình vận dụng và thực hành vào thực tiễn để chúng trở thành một phần ngôn ngữ của thí sinh. Quá trình này đòi hỏi sự luyện tập thường xuyên và liên tục để thí sinh có thể sử dụng chúng tự nhiên và thành thạo trong giao tiếp.

metacognition-ap-dung-tu-vung

Thông qua việc giải mã quá trình đắc thụ ngôn ngữ mẹ đẻ, thí sinh có thể ứng dụng cách họ học từ vựng của ngôn ngữ bản xứ vào quá trình học từ vựng tiếng Anh, biến passive vocabulary thành active vocabulary thay vì phù thuộc quá nhiều vào việc dịch qua lại, làm kiềm hãm phản xạ trong giao tiếp.

Trong kĩ năng nói, một trong những vấn đề mà thí sinh thường gặp phải đó chính là thiếu ý tưởng và không biết trả lời cho câu hỏi như thế nào, đặc biệt là dưới áp lực phòng thi. Tuy nhiên, nếu được hỏi cùng một câu hỏi trong ngữ cảnh thân thiện đời thường, ví dụ cuộc tranh luận giữa hai người bạn trong quán cà phê, thí sinh dường như ít gặp khó khăn trong việc tìm ra ý tưởng cho việc tranh luận. Như vậy, thông qua việc phân tích quá trình tư duy trong tình huống trên, thí sinh có thể tận dụng cách tư duy đó vào việc tìm ý tưởng cho bài viết hoặc nói trong bài thi IELTS. Tương tự, thông quá việc suy nghĩ về quá trình suy nghĩ, phản biện của luật sư ở các phiên tòa, thí sinh có thể ứng dụng cách tư duy đó cho bài viết của mình với dẫn chứng, chứng cứ thuyết phục.

Cách ứng dụng SNT vào quá trình học IELTS

metacognition-cach-ung-dung-vao-ielts

Xác định năng lực hiện tại

Trước khi bắt đầu học IELTS, thí sinh cần chắc chắn rằng mình đã có vốn từ vựng cơ bản về Tiếng Anh, có thể nghe hiểu và giao tiếp cơ bản trong đời sống hàng ngày. Đây là yếu tố cơ bản nhưng rất quan trọng vì nếu học sinh chưa có nền tiếng Anh mà bắt đầu học ngay sẽ rất dễ bị choáng ngợp vì lượng từ vựng và kiến thức vô cùng đa dạng và phong phú trong các phần thi.

Khi đã có nền tảng cơ bản, thí sinh có thể bắt đầu thiết lập mục tiêu học tập cho bản thân mình. Tuy nhiên, để mục tiêu không quá phi thực tế và chính xác với năng lực hiện tại của thí sinh, thí sinh cần biết được số điểm IELTS hiện tại bằng cách tham gia các kì thi thử hiện đang được tổ chức tại Việt Nam điển hình như của IDP, British Council hay Anh ngữ Zim. Đối với các thí sinh không có điều kiện thi thử do khoảng cách địa lí hoặc nhiều yếu tố khác, thí sinh có thể tham khảo các kì thi thử online, đặc biệt đối với kĩ năng nghe và đọc, thí sinh có thể tự đánh giá bằng cách làm các bài thi trong bộ sách Cambridge IELTS Practice test (10-16) dưới áp lực phòng thi tính cả thời gian điền đáp án vào phiếu trả lời.

Sau khi đã có kết quả bài thi thử lần đầu tiên, thí sinh ghi lại cụ thể điểm số của từng kĩ năng và cùng với số câu trả lời đúng cho kĩ năng nghe và đọc để sau khi thí sinh hoàn thành xong kế hoạch học tập, thí sinh thi thử lại và sau đó đối chiếu với số điểm lần đầu tiên để kiểm tra sự tiến bộ. Đặc biệt, đối với kĩ năng nói và viết, việc tìm hiểu về điểm mạnh điểm yếu của thí sinh là vô cùng thiết yếu thông qua nhận xét của giáo viên chuyên môn có kinh nghiệm.

Xác định mục tiêu và kế hoạch học tập

Sau khi đã biết được điểm cần phát huy cũng như điểm nào cải thiện, thí sinh tiến hành lập kế hoạch mục tiêu cụ thể để lắp đầy những lỗ hổng kiến thức và những yếu điểm đã xác định.

Mục tiêu càng cụ thể càng tốt và phải phù hợp với năng lực hiện tại của thí sinh. Thí sinh có thể dựa vào các tiêu chí sau đây để đánh giá xem mục tiêu của mình có khả thi hay không:

metacognition-cach-ung-dung-vao-xac-lap-muc-tieu

Specific

Điểm mục tiêu cần đạt nên cụ thể cho từng kĩ năng thay vì điểm tổng thể. Chẳng hạn, thí sinh muốn đạt IELTS 7.0 thì cần đặt ra điểm cần đạt được cho từng kĩ năng riêng lẽ: Listening (7.5), Reading (7.0), Speaking (7.0), Writing (6.5). Điểm cho từng các kĩ năng có thể khác nhau tùy thuộc vào số điểm của các kĩ năng trong lần thi thử đánh giá năng lực đầu tiên.

Measurable

Thi sinh lập bảng ghi lại sự tiến bộ cho mỗi ngày luyện tập để có thể ước tính được mức độ tiến bộ và có thể có thêm điều chỉnh nếu cần thiết.

Achievable

Mục tiêu cần khả thi và không quá cao so với năng lực hiện tại của thí sinh. Ví dụ, việc đặt mục tiêu đạt 8.0 từ 5.5 trong khoảng thời gian 3 tháng là dường như rất khó, vì vậy nếu điểm mục tiêu cách điểm hiện tại hơn 1.0 điểm, thí sinh nên chia nhỏ thành các mục tiêu khác nhau cho từng giai đoạn.

Time-based

Thí sinh cần lên kế hoạch học tập cụ thể:

metacognition-cach-ung-dung-vao-time-based

Trong phần này, tùy theo lượng thời gian mà thí sinh đầu tư mỗi ngày mà thời gian hoàn thành mục tiêu sẽ khác nhau. Tuy nhiên, thí sinh nên dành ít nhất một buổi một tuần để ôn tập lại toàn bộ kiến thức trong tuần và làm bài thi thử tại nhà để kiểm tra sự tiến bộ trong tuần quá. Đồng thời, thí sinh không nên quá lạm dụng việc giải đề mà phải chú trọng đến việc cải thiện khả năng sử dụng tiếng Anh nói chung bao gồm việc đọc hiểu sách báo hay, xem phim, các chương trình thực tế hay kĩ năng giao tiếp trong đời sống hàng ngày.

Về kế hoạch học tập, tùy vào điểm mạnh và điểm yếu của từng thí sinh, việc phân bố thời gian cho từng kĩ năng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, thí sinh có thể kết hợp hai kĩ năng như nghe và nói, đọc với viết trong cùng một ngày vì về cơ bản sau khi luyện nghe thí sinh có thể chọn ra một số từ/ cụm từ hay để tập nói theo cách của người bản xứ cũng như học được văn phong và từ vựng học thuật từ các bài đọc để ứng dụng cho kĩ năng viết.

Thực hiện và giám sát

Sau khi đã xây dụng được kế hoạch học tập cụ thể, thí sinh tiến hành thực hiện và ghi nhận lại tiến độ mỗi ngày để có thể điều chỉnh cho hợp lí. Tất nhiên, sẽ không tránh khỏi một số ngày nào đó thí sinh không muốn hoặc không thể thực hiện theo kế hoạch, thí sinh trình bày rõ nguyên nhân và cách giải quyết, chẳng hạn như chọn ra ngày khác học bù để việc học tập không bị trì hoãn.

Việc giám sát đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nó giúp thí sinh xác định rõ được động cơ của việc trì hoãn và chủ động tìm cách giải quyết để khắc phục. Ngoài ra trong quá trình thực hiện kế hoạch, thí sinh cần nắm rõ các sai lầm trong quá trình học IELTS:

Lạm dụng các bài Practice Test

Đây là sai lầm rất phổ biến ở nhiều thí sinh vì thí sinh thường nghĩ rằng chỉ cần làm nhiều đề thì điểm số sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, nếu làm đề xong thí sinh không phân tích lỗi sai, không học từ vựng, ngữ pháp hay đánh giá lại chiến lược làm bài thì việc làm đề cũng không thật sự hiệu quả.

Sử dụng nguồn tài liệu không đáng tin cậy

Với quan niệm làm càng nhiều đề càng tốt, thí sinh thường cố gắng tìm các đề thi trên mạng hay các bộ đề dự đoán từ những nguồn không đáng tin cậy. Trên thực tế, các bộ đề này thường sẽ không xác với đề thi thật, thường là khó hơn hoặc câu hỏi không hợp lí làm thí sinh hoang mang, mất động lực khi làm bài điểm thấp. Vì vậy, thí sinh chỉ nên bám xác các bộ đề của các nhà xuất bản tin cậy và hàng đầu thế giới như Cambridge, Collins trong đó các bộ Cambridge IELTS Practice Test là ưu tiên hàng đầu.

Mất định hướng do có quá nhiều tài liệu

Nhờ vào sự phổ biến của Internet, việc truy cập các giáo trình về IELTS hiện có trên thị trường ngày càng trở nên tiện lợi và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này dễ khiến thí sinh có tâm lí muốn tham khảo tất cả các tài liệu mà thí sinh biết đến hay được giới thiệu và kết quả là thí sinh bị choáng ngợp bởi kho tàng tài liệu khổng lồ mà họ đã lưu trữ và thay đổi giáo trình liên tục, ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập.

Quá phụ thuộc vào bí quyết hay chiến thuật làm bài

Hiện nay, từ khóa “bí quyết làm bài thi IELTS” dường như đã trở thành từ khóa vô cùng phổ biến trên các công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, bài thi IELTS là bài thi đánh giá năng lực của thí sinh nên nếu thí sinh chỉ tập trung vào việc học bí quyết thay vì cải thiện kiến thức và kĩ năng thì họ sẽ khó có thể tiến bộ, đặc biệt là trong kĩ năng nghe và đọc. Nhìn chung, các thủ thuật hay bí quyết chỉ là công cụ giúp thí sinh đạt được mục tiêu nhanh hơn nhưng nó không phải là yếu tố quyết định sự thành công.

Học thuộc lòng câu trả lời mẫu trong bài thi nói

Đây là sai lầm khá phổ biến ở nhiều thí sinh vì các chủ đề thi nói thường rất rộng, dẫn đến đôi khi thí sinh không có ý tưởng để trả lời câu hỏi. Do vậy, thí sinh cố gắng học thuộc câu trả lời mẫu với hi vọng sẽ đạt điểm cao hơn trong kì thi. Tuy nhiên, giám khảo chấm thi là những chuyên gia được đào tạo hết sức chuyên nghiệp. Nếu thí sinh học thuộc câu trả lời và nói một cách máy móc, không tự nhiên, giám khảo hoàn toàn có thể phát hiện ra và trừ điểm thí sinh. Chính vì thế, thí sinh chỉ nên thảm khảo ý tưởng, từ vựng, cấu trúc hay cũng như cách các bài mẫu tổ chức và liên kết ý tưởng từ có cố gắng áp dụng chúng cho bài nói riêng của họ.

Không hiểu được các tiêu chí chấm thi

Đối với kĩ năng nói và viết, mỗi kĩ năng sẽ có từng tiêu chí chấm thi riêng. Vì vậy, việc hiểu rõ các tiêu chí là kim chỉ nam của sự thành công. Nhiều thí sinh cho rằng, IELTS là một bài thi học thuật nên chỉ dùng càng nhiều thành ngữ hay từ vựng cao siêu thì điểm sẽ cao hơn. Tuy nhiên, thí sinh nên chú ý rằng nếu quá lạm dụng thành ngữ hay từ vựng cao cấp không đúng ngữ cảnh, điểm số thí sinh sẽ bị ảnh hưởng.

Kiểm tra và tự đánh giá

Tương tự như bước 1, thí sinh kiểm tra sự tiến bộ vào cuối tuần bằng cách làm bài thi dưới áp lực phòng thi như thi thật, sau đó thí sinh nên ngừng việc học và đi thư giãn để lấy lại năng lượng. Sau khi thư giãn xong, thí sinh nhìn lại kết quả kiểm tra, từ đó tóm tắt lại những tiến bộ đã đạt được, những phần cần cải thiện thêm và đánh giá về tính hiệu quả của lộ trình học đồng thời tìm cách điều chỉnh nếu như chưa hiệu quả.

metacognition-week

Tổng kết

Bài viết mang đến cho thí sinh khái niệm về Metacognition (siêu nhận thức) và cách ứng dụng nó vào quá trình học IELTS để giúp thí sinh giải quyết được vấn đề nỗ lực học rất nhiều nhưng không tiến bộ. Xuyên suốt bài viết, tác giả cũng điểm qua những sai lầm thường gặp trong quá trình học IELTS cũng như tầm quan trọng của việc tự đánh giá, giúp thí sinh hiểu rõ bản thân hơn và biết đâu là trọng tâm cần cải thiện. Hơn thế nữa, siêu nhận thức không chỉ có thể áp dụng được khi học IELTS mà đây còn có thể được ứng dụng trong tất cả các hoạt động của đời sống hàng ngày, đặc biệt là khi học những kĩ năng mới, rút ngắn chặn đường đến với thành công của mỗi thí sinh.

Người học cần nâng điểm IELTS cao nhanh chóng để nộp hồ sơ du học, định cư, tốt nghiệp, hay việc làm. Tham khảo khóa luyện thi IELTS online với lịch học linh hoạt và tối ưu chi phí.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (3 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu