Mindset – The new psychology of success: Tài năng và thành công là may mắn ?
“ Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa”
Nếu bạn tin rằng tài năng và thành công là những kết quả của sự may mắn và số phận thì đây chính là quyển sách mà bạn nên đọc trong đời. Mindset – Tâm lý học thành công là một tác phẩm nổi tiếng của tiến sĩ Carol S. Dweck, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về tâm lý học và tính cách con người. Tác phẩm này vinh dự nằm trong danh sách 6 quyển sách được tỷ phú Bill Gates review và khuyên đọc vào năm 2015. Bên cạnh đó,
Lời nhận xét của Satya Nadella (CEO của Microsoft)
đã nhắc đến Mindset – Tâm lý học thành công như một “hồi chuông đánh thức gã khổng lồ đang ngủ say” bên trong con người ông.
Đây là quyển sách giúp bạn có một góc nhìn khác biệt và vượt khỏi những định kiến về mối quan hệ giữa thành công và tài năng, giữa số phận và thành tích. Mang đến những hiểu biết mạnh mẽ về sức mạnh của tư duy trong việc chinh phục những mục tiêu trong cuộc sống.
Những niềm tin về thành công và trí thông minh
Chúng ta đã quá quen với những mặc định hay tạm gọi là những tư tưởng cố hữu về số phận con người đến mức, ta không nhận ra rằng chính mình ở đang ở trong đó.
“Tôi không phải dạng người giỏi ngôn ngữ.”
“Tôi không thể tập trung quá lâu được, tôi không có khả năng đó”
“Tôi không có khả năng sáng tạo”
Trong khi đó, một số ít người luôn mang trong mình một niềm tin về năng lực bẩm sinh của bản thân. Nhóm này thường được nhận biết với cái tên “con nhà người ta”. Đó là những người được xem là có số phận may mắn khi sở hữu những khả năng thiên bẩm khiến họ trở nên nổi bật trong một lĩnh vực nào đó. “ Thiên tài” hay “giỏi từ trong trứng” là những gì chúng ta thường nghĩ về họ, và từ đó người ta tin rằng, việc họ có được thành công gần như là chắc chắn và dễ dàng hơn đại đa số còn lại. Trong Mindset, tiến sĩ Carol S. Dweck đã khơi gợi những câu hỏi vô cùng đáng giá rằng về sự “bất công bằng” này:
Tại sao con người lại khác nhau?
Tại sao không phải ai cũng thông minh và tài năng như nhau?
Trải qua hàng ngàn năm nghiên cứu các nhà khoa học đã đưa ra nhiều lý giải khác nhau cho vấn đề này. Các lý do được đưa ra vô cùng đa dạng từ các khác biệt về sinh lý trên cơ thể: kích thước và hình dạng hộp sọ, đặc điểm gene, yếu tố di truyền,… và các yếu tố về môi trường như: hoàn cảnh, xuất thân, quá trình đào tạo,…Có thể phân chia các ý kiến này thành hai nhóm khác nhau, một nhóm tin rằng trí thông minh và tài năng là cố định và không thể thay đổi. Trong khi nhóm còn lại tin rằng chúng có thể thay đổi dựa vào quá trình nỗ lực rèn luyện của con người hay chúng ta có thể thông minh hơn.
Cùng lúc đó, các nhà khoa học đang dần khám phá được rằng con người có nhiều khả năng hơn mình tưởng để học tập và phát triển bộ não suốt đời. Tất nhiên, mỗi người sẽ được phú cho những ưu thế gen khác nhau. Họ có thể bắt đầu với tính cách, khả năng khác nhau, nhưng rõ ràng là trải nghiệm, huấn luyện và nỗ lực cá nhân có thể lo phần còn lại.
Tác giả đã đưa ra những đúc kếtcủa hai chuyên gia về khả năng phát triển trí thông minh của con người như sau. Robert Sternberg, bậc thầy hiện đại về trí thông minh, khi viết về yếu tố chính quyết định mọi người có thể trở thành chuyên gia hay không ông cho biết: “không phải nằm ở khả năng trước đó của họ, mà nằm ở sự rèn luyện có mục đích.” Hay Binet – người phát minh ra bài kiểm tra IQ cho rằng: “Không phải người nào sinh ra thông minh nhất rồi đến cuối cùng cũng là người thông minh nhất”.
Từ đó tiến sĩ Carol S. Dweck dẫn dắt người đọc đến căn cơ của hai nhóm suy nghĩ này dựa trên những nghiên cứu trong suốt 20 năm của bà, đồng thời cũng là nội dung quan trọng nhất của quyển sách, những hiểu biết về 2 loại hình tư duy: Tư duy cố định (Fix Mindset) và Tư duy phát triển (Growth Mindset) cùng những nghiên cứu sâu sắc về sức mạnh của tư duy trong việc tạo nên thành công trong đời.
Tư duy cố định (Fix Mindset) và Tư duy phát triển (Growth Mindset)
Tư duy cố định (Fix Mindset) là gì
Theo tác giả, Tư duy cố định (Fix Mindset) là lối suy nghĩ tin rằng sự thông minh và tài năng là những điều không thể thay đổi. Trong kiểu tư duy này, thành công chính là thước đo, là sự khẳng định cho những tài năng vốn có của mỗi người. Tư duy cố định thúc đẩy người ta khẳng định bản thân thông qua những thành tích cụ thể.
Nếu một người có tư duy cố định và tin rằng họ sở hữu tài năng và trí thông minh thiên bẩm, họ thích được người khác công nhận mình thay vì nuôi dưỡng tài năng. Để bảo vệ cái danh vô cùng thông minh và tài giỏi, họ tránh xa những khó khăn đe doạ danh tiếng của mình. Tác giả viết: “Dưới góc nhìn của tư duy bảo thủ, chỉ những người không có tài thì mới cần cố gắng… Nếu bạn được công nhận là một thiên tài, một nhân tài hay một người có năng khiếu bẩm sinh thì bạn sẽ có nhiều thứ để mất. Cố gắng sẽ làm bạn mất giá.” Ngược lại, nếu người có tư duy cố định có niềm tin rằng họ không hề tài giỏi hay thông minh trong một lĩnh vực nào đó. Bản thân họ cũng khước từ tất cả các cơ hội để trải nghiệm và cải thiện khuyết điểm đó.
Trích dẫn
Tư duy phát triển (Growth Mindset) là gì
Tư duy phát triển (Growth Mindset) tin rằng các phẩm chất của con người, bao gồm tài năng và trí thông minh hoàn toàn có thể cải thiện được. Giống như việc nếu bạn rèn luyện nghiêm túc, cơ bắp của bạn sẽ phát triển và mạnh mẽ hơn theo thời gian. Theo như Dweck thì “họ tin rằng tiềm năng thực sự của một con người vẫn còn chưa được khai phá; ta không thể thấy trước được tất cả những gì một cá nhân có thể đạt được nếu họ có đam mê, chăm chỉ và được đào tạo đúng đắn.” Mặc dù mỗi cá nhân đều có xuất phát điểm khác nhau – từ tài năng, năng lực, tính khí – nhưng ai cũng có thể thay đổi và phát triển thông qua rèn luyện và trải nghiệm.
Trích dẫn
Chúng ta luôn nói về những “Con nhà người ta” như những người vô cùng may mắn trong đời mà hiếm khi thừa nhận rằng có thể đằng sau những thành tích đó là cả một quá trình nỗ lực và trải nghiệm không ngừng nghỉ. Chúng ta không biết rằng những thiên tài lỗi lạc như: Darwin- cha đẻ của thuyết tiến hóa, Edison – nhà phát minh vĩ đại, nhà khoa học lỗi lạc Albert Einstein hay Adam Khoo – một trong 25 người giàu nhất dưới tuổi 40 của Singapore đều từng là những học sinh cá biệt và không được xem là thông minh trong lớp, có thành tích rất tệ thậm chí là từng bị đuổi học.
Sức mạnh của tư duy
Để hiểu về sức mạnh của tư duy và niềm tin của một người về bản thân mình ảnh hưởng như thế nào đến kết quả cuộc đời họ, hãy cùng lắng nghe một trong những giai thoại nổi tiếng về Thomas Edison. Câu chuyện kể về một ngày nọ, sau khi trở về từ trường học cậu bé Edison đưa cho mẹ một bức thư và bảo rằng giáo viên chủ nhiệm muốn bà đọc nó. Bỗng nước mắt bà giàn giụa khiến Edison vô cùng kinh ngạc, ông hỏi mẹ rằng thầy giáo đã viết gì trong đó? Ngập ngừng một lát, bà Nancy đã đọc to lá thư cho con trai mình: “Con trai của ông bà là một thiên tài! Nhưng ngôi trường này quá nhỏ, các giáo viên của chúng tôi cũng không có đủ năng lực để dạy dỗ cậu bé. Bởi vậy, xin ông bà hãy tự kèm cặp con trai mình”.
Nhiều năm sau đó, khi đã trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20, khi Thomas xem lại những kỷ vật của gia đình, ông vô tình tìm lá thư của thầy giáo năm nào trong ngăn kéo của mẹ. Trên đó viết: “Con trai ông bà là đứa trẻ rối trí (tâm thần). Chúng tôi không thể chấp nhận cho trò ấy đến trường được nữa”. Về sau Edison đã viết trong nhật ký của mình: “Thomas Alva Edison là đứa trẻ đần độn. Nhờ người mẹ anh hùng mà đã trở thành thiên tài của thế kỷ”. Từ câu chuyện này chúng ta thấy được lối tư duy cố định trong là thư mà nhà trường gửi cho cha mẹ của Edison, “đứa trẻ đần độn” là niềm tin cố định tin rằng một đứa trẻ không thể trở nên tài giỏi được thông qua giáo dục và rèn luyện và tư duy phát triển trong cách giáo dục con của người mẹ.
Chúng ta có thể không có một xuất phát điểm tài năng vượt trội nhưng với tư duy phát triển bạn hoàn toàn có thể thay đổi và trở nên thông minh hơn. Tác giả đưa ra quan điểm: “Hệ gen ảnh hưởng đến trí thông minh và tài năng của chúng ta, nhưng những phẩm chất này không phải thâm căn cố đế. Nếu bạn ngộ nhận DNA và vận mệnh (chứ không phải là sự thực hành và kiên nhẫn) quyết định khả năng của bạn, thì bạn sẽ tư duy theo “tư duy cố định” chứ không phải là “tư duy phát triển”. Phụ huynh và giáo viên ảnh hưởng rất nhiều đến kiểu tư duy của chúng ta – rồi đến phiên kiểu tư duy tác động phức tạp đến cách học và cách sống của ta và hơn hết ta có quyền thay đổi các ta tư duy về chính mình.”
Tư duy phát triển mở ra cho con người lòng can đảm vượt lên khỏi những giới hạn niềm tin về tài năng và sự thông minh. Tư duy này khuyến khích con người kiên trì và nỗ lực không ngừng dù bước đầu tiên có thể không được suôn sẻ. Đây không phải là một ý tưởng chưa từng có, chúng ta được nghe rất nhiều về sức mạnh của sự kiên trì và rủi ro trong cả văn hóa Đông và Tây qua các câu danh ngôn quen thuộc như: “Liều ăn nhiều” hay “Thành Rome không thể xây trong một ngày”. Đối với góc nhìn của Tư duy cố định, người ta tin rằng mạo hiểm đi đôi với mất mát, nếu thành Rome không thể xây trong một ngày thì nên xây một ý tưởng khác thay vì mạo hiểm thực hiện một ý tưởng có thể gây thất bại và chứng minh rằng ta không đủ khả năng thực hiện nó. Ở phía ngược lại, nếu suy nghĩ bằng Tư duy phát triển về “Thành Rome không không thể xây trong một ngày” nghĩa là ta có thể khó khăn và cần nhiều thời gian để rèn luyện nếu muốn đạt được mong muốn hay mục tiêu của mình. Tư duy phát triển mở ra một phần khác nữa của câu chuyện: “Thành Rome không thể xây trong một ngày, nhưng họ đặt các viên gạch từng giờ từng phút.” Dĩ nhiên một viên gạch là rất nhỏ để tạo nên một thay đổi lớn, nhưng đừng quên đó chính là bước đầu tiên để tạo nên một đế chế.
“Hai mươi năm sau bạn sẽ hối hận vì những gì bạn không làm, hơn là những gì bạn đã làm. Vậy nên hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn. Hãy để cánh buồm của bạn đón trọn lấy gió. Thám hiểm. Mơ mộng. Khám phá.” – Mark Twain
Quyển sách của giải pháp và sự thay đổi dài lâu
Bill Gates đã viết trong phần review của mình về quyển sách này như sau: “Một trong những ưu điểm nổi bật ở Mindset chính là quyển sách này hướng đến giải pháp. Tác dụng lớn nhất của cuốn sách là khiến bạn không thể không tự hỏi những câu như: “Mình luôn luôn nhìn mọi thứ dưới lăng kính bảo thủ?” và “Mình đã tiêm nhiễm vào đầu bọn trẻ những gì về tư duy và nỗ lực?.” Nhờ có cuốn sách này, bạn gần như nghiễm nhiên tiếp cận những vấn đề hóc búa với tư duy phát triển và hơn hết bạn có thể rèn luyện để có được tư duy này cho chính mình.”
Không thể có lời cam kết tuyệt đối nào rằng cuộc đời bạn sẽ tốt đẹp hơn, thành công hơn, vẻ vang hơn nếu bạn đọc quyển sách này, nhưng nếu bạn muốn hỏi đây có phải một quyển sách có đáng đọc không, thì câu trả lời chắc chắn là “ CÓ”. Hãy đọc vì đây là cơ hội của chính bạn và do bạn lựa chọn. Tác giả đã chia sẻ rằng: “Việc thay đổi tư duy phát triển có giải quyết tất cả các vấn đề mà tôi gặp phải không? Không. Nhưng tôi biết rằng nhờ đó mà tôi trở thành một người chủ động hơn, dũng cảm hơn và cởi mở hơn. Tốc độ mỗi người có thể khác nhau nhưng khả năng là vô hạn như nhau.”
Gieo suy nghĩ, gặt hành động
Gieo hành động, gặt thói quen
Gieo thói quen, gặt tính cách
Gieo tích cách, gặt số phận …
Trích 7 thói quen để thành đạt – Stephen r. covey
Tổng kết
Mời bạn đọc tìm hiểu thêm những chia sẻ thú vị của chính tác giả tiến sĩ Carol S. Dweck về chủ đề Tư duy cố định và Tư duy phát triển trong video dưới đây. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp người đọc có những hiểu biết mới về chủ đề này qua đó có thêm một tựa sách Tư duy hay trong tủ sách của mình.
Bình luận - Hỏi đáp