Làm sao để hạn chế lặp từ trong IELTS Writing Task 2?
Lặp từ trong IELTS Writing Task 2 là một thói quen khá phổ biến với nhiều thí sinh khi. Đó là quá trình nhắc lại một khái niệm/nội dung nhiều hơn một lần. Trong quá trình viết, hiện tượng lặp có thể diễn ra trên nhiều mức độ khác nhau, từ mức độ vi mô như từ, cụm từ cho đến mức độ vĩ mô như câu, cú pháp câu hoặc ý tưởng và cách diễn đạt.
Việc lặp từ thường sẽ có mục tiêu chính là để nhấn mạnh nội dung mà người viết muốn đề cập đến trong bài. Khi sử dụng đúng cách, biện pháp lặp từ sẽ hỗ trợ cho quá trình truyền tải nội dung hiệu quả và giúp bài viết được mạch lạc và súc tích hơn. Tuy nhiên, sử dụng biện pháp lặp từ như thế nào cho hợp lý lại cần rất nhiều kiến thức, quá trình luyện tập cũng như kinh nghiệm viết để có thể cho ra đời một bài viết hoàn chỉnh, sử dụng từ ngữ đúng lúc, đúng chỗ và phù hợp với mục đích truyền tải nội dung của bài viết.
Thông qua bài viết này, tác giả mong muốn chia sẻ về những lỗi lặp từ thường gặp và các biện pháp để hỗ trợ cho việc tránh lặp từ. Từ đó, thí sinh sẽ cải thiện được chất lượng nội dung để cho ra đời những bài viết chất lượng hơn và đáp ứng nhu cầu học tập tiếng Anh nói chung và đạt được điểm số mong muốn trong bài thi IELTS nói riêng.
Key takeaways:
Lặp từ giúp cho một hoặc một số khái niệm trong bài viết trở nên nổi bật hơn hoặc được giải thích cặn kẽ hơn.
Các lỗi lặp phổ biến: lỗi lặp từ vựng và lỗi lặp cú pháp.
Biện pháp khắc phục: thay thế, tỉnh lược và ứng dụng của hai biện pháp trên trong bài thi IELTS Writing
Biện pháp thay thế: thay thế một từ/cụm từ/mệnh đề có xu hướng lặp lại nhiều trong bài viết bằng các từ khác (từ đồng nghĩa, đại từ,...).
Biện pháp tỉnh lược: hiện tượng lược bỏ một số yếu tố trong câu nhưng các yếu tố đó, dù đã bị lược bỏ, vẫn không làm cho câu thiếu rõ ràng.
Một số lỗi lặp từ trong IELTS Writing Task 2
Khi nào nên và không nên lặp từ?
Khi viết, chỉ nên lặp từ khi người viết muốn làm cho một hoặc một số khái niệm trong bài viết trở nên nổi bật hơn hoặc được giải thích cặn kẽ hơn. Ngoài ra, mục tiêu của việc lặp từ còn là để kết nối người đọc với bài viết từ những cấu trúc đơn giản nhất cho đến những cú pháp trừu tượng nhất. Thông qua đó, nội dung sẽ được truyền tải một cách sinh động và dễ nắm bắt nhất đến với người đọc.
Chúng ta hãy thử lấy một ví dụ về việc lặp từ để hiểu rõ vai trò của nó:
Ví dụ: What you own ends up owning you
Ở đây, động từ “own” được nhắc lại hai lần trong một câu châm ngôn ngắn. Tuy nhiên, mỗi lần lặp lại của “own” lại mang hàm ý khác nhau và quá trình lặp từ này làm cho ý nghĩa của cả câu trở nên trọn vẹn hơn bao giờ hết. Những người theo chủ nghĩa tiêu dùng thường tin rằng họ có quyền lực với những thứ họ mua đơn giản vì họ là chủ sở hữu của những vật ấy (What you own). Tuy nhiên, cũng vì những vật đó có thể sẽ có ảnh hưởng xấu hoặc hạn chế với cuộc sống của chúng ta, do đó chúng ta cũng có khả năng sẽ trở thành vật bị sở hữu của những món đồ ấy (owning you).
Vậy khi nào việc lặp từ sẽ khiến cho nội dung mất hay? Có hai trường hợp dưới đây mà chúng ta cần phải lưu ý: lặp từ vựng và lặp cú pháp.
Lỗi lặp từ vựng: Giải thích và ví dụ
Sẽ có những lúc có thể sử dụng lặp từ vựng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, với những người viết chưa có nhiều kinh nghiệm thì việc lặp từ vựng có thể tạo nên một tiền lệ xấu, đặc biệt là trong một đoạn văn bản ngắn và có nhiều từ vựng giống nhau.
Ví dụ: She hired a grocer to go to the grocery store to get some groceries. After he returned from the grocery store, she prepared dinner using the groceries the grocer had brought from the grocery store.
Có ba vấn đề lặp từ chính ở đây cần được lưu tâm:
Việc lặp lại của từ “Grocer”
Việc lặp lại của từ “Grocery”
Việc lặp lại của từ “Groceries”
Ngay cả với những người chưa có nhiều kinh nghiệm đọc chắc chắn cũng có thể thấy rõ đây là những yếu tố có thể gây sao nhãng khi đọc và làm người đọc bị ngắt quãng mạch tư duy. Khi lặp những từ vựng không cần thiết (không liên quan đến quan điểm cần nhấn mạnh) quá nhiều, người đọc sẽ bị mất tập trung với chủ đề trọng tâm mà người viết muốn truyền tải. Người đọc sẽ thấy rằng những từ dư thừa sẽ là trọng tâm của bài viết, vì thế không nắm được ý mà tác giả muốn truyền đạt.
Khi lặp từ vựng quá nhiều lần, suy nghĩ của người đọc về nội dung được kể sẽ bị gián đoạn bởi những từ bị lặp lại khi đọc (ngắt quãng mạch tư duy). Do đó, mạch suy nghĩ của người đọc chưa kịp hướng đến nội dung chính đã bị những từ vựng lặp lại này ngắt đi.
Chúng ta có thể viết lại câu này như sau: “She hired someone to go to the store to get some groceries. After he returned, she made dinner.” Câu này đơn giản và đi thẳng vào trọng tâm hơn so với câu đầu tiên. Ngoài ra, nó còn làm tăng chất lượng nội dung câu chuyện khi người đọc có thể nắm bắt được chủ đề nhanh hơn khi không bị cản trở bởi những từ vựng không cần thiết bị lặp đi lặp lại quá nhiều lần.
Lỗi lặp cú pháp: Giải thích và ví dụ
Cú pháp là cách tác giả sắp xếp thứ tự các câu trong bài viết. Việc sắp xếp này sẽ có ảnh hưởng đến với nhịp điệu của bài viết. Nếu như việc lặp từ vựng ở trên có thể khá rõ ràng với nhiều người đọc và người viết thì việc lặp cú pháp sẽ ít rõ ràng hơn đối với người viết. Tuy nhiên, người đọc sẽ nhận biết được ngay việc lặp cú pháp sau khi họ đọc được một phần bài viết. Nếu duy trì việc lặp đó sẽ dẫn đến nhịp điệu của bài viết bị trùng lặp và làm cho bài trở nên nhàm chán.
Ví dụ: I went to the store. I bought some eggs. I went home.
Tạm thời gác lại sự đơn giản về mặt nội dung, có thể thấy được rằng trong ví dụ trên có nhiều lỗi lặp cú pháp. Đầu tiên, xét về chủ ngữ thì “I” được sử dụng nhiều nhất để bắt đầu câu, có nghĩa là chủ ngữ không bao giờ thay đổi. Ngoài ra, cấu trúc Subject (chủ ngữ) + Verb (động từ) + Object (tân ngữ) cũng được giữ nguyên và làm cho bài viết trở nên nhàm chán.
Một số người có thể gợi ý rút gọn câu như sau: “I went to the store to buy some eggs and then went home”. Câu này chưa hẳn là hay, nhưng chúng ta có thể thấy nội dung trở nên súc tích và ngắn gọn hơn.
Một số biện pháp khắc phục lặp từ trong IELTS Writing Task 2
Tránh lặp bằng biện pháp thay thế (Substitution)
Định nghĩa
Substitution (biện pháp thay thế) đơn giản là thay thế một từ/cụm từ/mệnh đề có xu hướng lặp lại nhiều trong bài viết bằng các từ khác (từ đồng nghĩa, đại từ,...)
Ví dụ và ứng dụng
Thay thế danh từ (Nominal substitution)
Thay thế danh từ là hiện tượng thay thế một danh từ hoặc một nhóm danh từ trong một câu bằng cách dùng “one”, “ones” hoặc “same” trong một câu. Trong ví dụ dưới đây, “ones” được dùng để thay thế “curtains” trong câu đầu tiên.
Ví dụ:
A: We need some new curtains.
B: Yea, the ones we have are old.
Thay thế động từ (Verbal substitution)
Thay thế động từ là hiện tượng thay thế một động từ trong một câu bằng cách dùng “do” hoặc “do so” trong một câu. Trong ví dụ dưới đây, “done” (past participle của “do”) được dùng để thay thế “finished” trong câu đầu tiên.
Ví dụ: Haven’t you finished cleaning the kitchen yet? You should’ve done it by now.
Thay thế mệnh đề (Clausal substitution)
Thay thế mệnh đề là hiện tượng thay thế một mệnh đề trong một câu bằng cách dùng “not” hoặc “so” trong một câu. Trong ví dụ dưới đây, “not” được dùng để thay thế cả cụm “you should work hard” trong câu đầu tiên.
Ví dụ: You should work hard. If not, you will fail.
Tránh lặp bằng biện pháp tỉnh lược (Ellipsis)
Định nghĩa
Tỉnh lược là hiện tượng lược bỏ một số yếu tố trong câu nhưng các yếu tố đó, dù đã bị lược bỏ, vẫn không làm cho câu thiếu rõ ràng.
Ví dụ và ứng dụng
Tỉnh lược danh từ (Nominal ellipsis)
Tỉnh lược danh từ là hiện tượng tỉnh lược một danh từ hoặc một nhóm danh từ trong một câu. Trong ví dụ dưới đây, danh từ “bag” được loại bỏ.
Ví dụ: Which bag would you like? This is the best (bag).
Tỉnh lược động từ (Verbal ellipsis)
Tỉnh lược động từ là hiện tượng tỉnh lược động từ trong một câu. Trong ví dụ dưới đây, động từ ”talk” được loại bỏ.
Ví dụ:
A: I won’t talk to her.
B: But, I will (talk).
Tỉnh lược mệnh đề (Clausal ellipsis)
Tỉnh lược mệnh đề là hiện tượng tỉnh lược mệnh đề trong một câu. Trong ví dụ dưới đây, mệnh đề “I didn’t meet him yesterday” được loại bỏ.
Ví dụ:
A: Did you meet Sam yesterday?
B: No (I didn’t meet him yesterday).
Ứng dụng của biện pháp tỉnh lược và thay thế trong bài thi IELTS Writing
Khi nào chúng ta có thể dùng hai biện pháp trên để tránh lặp từ?
Trong bài thi IELTS Writing, ở phần thân bài, sẽ có nhiều lúc chúng ta sẽ cần dùng hai biện pháp thay thế và tỉnh lược. Khi thí sinh nêu ra một luận điểm và sử dụng thêm một số câu tiếp theo để phân tích chi tiết hơn nội dung đó, đó là lúc có thể sử dụng biện pháp thay thế hoặc tỉnh lược để tránh lặp lại từ phía trước.
Ví dụ và phân tích về biện pháp thay thế
Ví dụ 1: Wildlife parks are becoming more popular in today’s world. Wildlife parks provide more space for animals to wander around and wildlife parks provide a habitat that is more similar to animals’ natural homes.
Trong ví dụ trên, cụm danh từ “Wildlife parks” được lặp lại nhiều lần, dẫn đến người đọc sẽ bị mất tập trung vào nội dung chính là phân tích những lợi ích mà “wildlife parks” mang lại cho các loài động vật.
Ví dụ 2: Wildlife parks are becoming more popular in today’s world. These provide more space for animals to wander around and they provide a habitat that is more similar to animals’ natural homes.
Trong ví dụ trên, cụm danh từ “Wildlife parks” đã được thay thế bằng hai đại từ “These” và “They”. Mục đích của việc thay thế nhằm hướng trọng tâm của bài viết về việc phân tích lợi ích của “Wildlife parks” và giúp người đọc hiểu sâu hơn về giải pháp được đề cập đến, tránh bị mất tập trung nếu sử dụng cụm từ “Wildlife parks” quá nhiều lần.
Ví dụ và phân tích về biện pháp tỉnh lược
Ví dụ: In all of the countries covered, and in both years, the number of men in employment was greater than the number of women in employment.
Trong ví dụ trên, cụm “in employment” đã được nhắc một lần ở phía trước nên việc nhắc thêm một lần nữa ở phía sau trở nên không cần thiết do chúng ta đã biết được lĩnh vực mà hai đối tượng trong ví dụ (number of men và number of women) được so sánh. Vì thế, người viết có thể lược bỏ cụm từ lặp lại phía sau. Chúng ta sẽ có câu hoàn chỉnh sau khi lược bỏ như sau:
Ví dụ 2: In all of the countries covered, and in both years, the number of men in employment was greater than the number of women.
Khi chỉ nhắc khái niệm “in employment” một lần, người đọc sẽ tập trung hơn vào nội dung so sánh của bài viết và nắm quan điểm phân tích của tác giả tốt hơn. Từ đó, chất lượng của bài viết cũng được nâng lên.
Tổng kết
Việc lặp từ trong IELTS Writing Task 2 là một hiện tượng xảy ra khá phổ biến đối với các đối tượng người viết chưa có nhiều kinh nghiệm. Ở một mức độ phù hợp, việc lặp từ sẽ trở nên hữu ích cho tác giả khi muốn nhấn mạnh ý kiến và quan điểm mà mình muốn truyền tải.
Tuy nhiên, nếu chưa phải là người viết thành thạo, việc lặp từ (lặp từ vựng và lặp cú pháp) có thể sẽ làm cho bài viết trở nên kém súc tích và làm giảm đi tính thuyết phục. Vì thế, việc sử dụng các biện pháp như thay thế, giản lược và ứng dụng các từ thay thế phổ biến sẽ hỗ trợ hiệu quả trong quá trình luyện tập viết nói chung và luyện viết IELTS Writing nói riêng. Từ đó, thí sinh có thể tạo nên những bài viết chất lượng hơn, đánh đúng vào trọng tâm cần đề cập và đạt được trình độ tiếng Anh mình mong muốn trong kỹ năng viết.
Bình luận - Hỏi đáp