Một số lỗi lập luận cần biết khi làm True/False/Not Given trong IELTS Reading

Bài viết giới thiệu về 3 lỗi lập luận lớn mà thí sinh thường hay mắc và cách để phòng tránh và phân biệt đúng Not Given với True/False
author
Hồ Hoàng Long
24/06/2022
mot so loi lap luan can biet khi lam truefalsenot given trong ielts reading

Trong quá trình ôn tập và làm bài thi Reading, dạng câu hỏi True/False/Not Given là dạng đề làm đau đầu rất nhiều thí sinh. Điều này một phần là do sự khác biệt trong cách dùng từ và cách diễn đạt giữa đề bài và bài đọc, một phần khác là do thí sinh hiểu chưa đúng những lập luận logic ẩn đằng sau bài đọc, từ đó có những kết luận sai lầm cho những nhận định được đưa ra trong đề bài. Những sai lầm thường xuất hiện khi thí sinh không phân biệt được liệu thông tin có thực sự được nhắc đến hay suy luận ra từ bài đọc hay không, từ đó dẫn đến sự nhầm lẫn câu trả lời Not Given thành True hoặc False. Để lý giải cho những sai lầm trên, có thể nhắc đến khái niệm "Lỗi lập luận” (logical fallacies). Bài viết bên dưới hướng đến việc giới thiệu một số lỗi lập luận phổ biến trong quá trình làm bài đọc và cách chúng ảnh hưởng đến câu trả lời chung cuộc của thí sinh, từ đó đề xuất một số cách để thí sinh có thể tránh mắc phải các lỗi trên.

Key takeaways

  • Lỗi lập luận “Tương quan không đi kèm nhân quả” nói rằng không phải vì A có mối tương quan với B nên A là nguyên nhân của B

  • Lỗi lập luận “Post hoc” nói rằng không phải vì B xảy ra sau A mà B là kết quả của A

  • Lỗi lập luận “So sánh ẩu” (False analogy) nói rằng không phải vì A và B có chung tính chất X nên chúng cũng sẽ có chung tính chất Y

  • Hiểu về các lỗi lập luận có thể giúp thí sinh phân biệt tốt hơn câu Not Given và câu True/False trong bài đọc hiểu

Lỗi lập luận (Fallacies)

Hiểu ngắn gọn, lập luận (còn gọi là “ngụy biện”) là việc có một lập luận sai, không hợp logic hoặc vi phạm các quy tắc logic, làm cho một nhận định sai trở nên có vẻ đúng. Những lỗi lập luận này có thể do không cố ý hoặc do những kết luận quá vội. Trong bối cảnh bài đọc, những lỗi lập luận thường xảy ra tại những dạng bài tập có nhiều quá trình suy luận logic, tiêu biểu là dạng đề True/False/Not given. Với dạng đề này, thí sinh sẽ phải đánh giá độ đúng sai của các nhận định so với thông tin được nêu trong bài đọc. Cụ thể hơn, với những nhận định đi ngược lại với thông tin trong bài đọc sẽ mang câu trả lời False.

Còn với những nhận định không hề được nhắc đến hoặc không tương thích với nội dung trong bài đọc sẽ là câu trả lời Not Given. Việc mắc phải những lỗi lập luận có thể làm thí sinh nhầm lẫn hai hướng trả lời trên, đi từ những thông tin cho trước và suy ra một thông tin mới không có trong bài đọc. Có rất nhiều lỗi lập luận được nhắc đến trong cộng đồng khoa học, nhưng tại bài viết này chỉ giới thiệu về ba lỗi lập luận phổ biến thường mắc phải khi làm dạng đề trên.

Lỗi lập luận “Tương quan không đi kèm nhân quả.” (Correlation doesn’t imply causation)

Đây là một trong những lỗi lập luận phổ biến nhất và thường mắc phải nhất trong cộng đồng khoa học. Lỗi lập luận này nhận định rằng dù một sự việc A có mối quan hệ thuận hoặc mối quan hệ nghịch với sự việc B, từ đó có thể suy ra rằng vì A mà B xảy ra, hoặc vì B mà A xảy ra. Lỗi lập luận này sai vì để kết luận một thông tin dẫn đến một thông tin khác cần phải có sự giải thích và quy trình diễn ra rõ ràng, trong khi từ đầu chỉ có mối quan hệ giữa chúng được đưa ra. Nói cách khác, A và B không có mối quan hệ nhân quả, chỉ đơn giản là có mối tương quan. Mối tương quan này có thể xuất hiện dưới nhiều dạng, trong đó bao gồm:

  • A xuất hiện hoặc biến mất, kéo theo B cũng xuất hiện hoặc biến mất

  • Tỉ lệ của A tăng hoặc giảm, kéo theo tỉ lệ của B tăng hoặc giảm

  • A và B có cùng một nguồn gốc là một đối tượng thứ 3

Một ví dụ tiêu biểu cho lỗi lập luận trên chính là việc nhiều trẻ em được chẩn đoán tự kỷ sau khi tiêm vacxin, làm nhiều cha mẹ nghi ngờ chính vacxin đã gây ra bệnh tự kỷ. Trong khi đó, độ tuổi mà trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ cũng là độ tuổi mà trẻ em thường được đưa đi tiêm vacxin. Hai sự việc này xảy ra vào cùng một thời điểm làm cho nhiều người không khỏi nghĩ rằng chính một sự việc đã làm dẫn đến sự việc còn lại. Tuy nhiên, đây là một nhận định sai lầm.

Trong bối cảnh của một bài đọc cũng tương tự như thế, hai thông tin được trình bày liên tiếp nhau, có thể là do có Chung nguồn gốc hoặc ảnh hưởng đến một đối tượng thứ ba, không có nghĩa rằng một đối tượng này là nguyên nhân của đối tượng còn lại hay ngược lại. Cùng nhìn qua đoạn giới thiệu bên dưới về nghệ thuật đương đại (Modern art) và hai họa sĩ Rauschenberg và Warhol:

“The term 'Modern Art' refers to art from the period 1860s to 1970s and encompasses the work of such well-known names as Vincent Van Gogh, Paul Cézanne and Pablo Picasso. Modern Art represents the discarding of the artistic traditions of the past in favour of a spirit of experimentation (1). It conceptualised the functions of art in new ways and introduced different ideas about the nature of materials. Two artists who had a huge impact on modern art in the twentieth century (2) were Robert Rauschenberg and Andy Warhol. Arguably, they both had an important influence on art as we know it today, but whereas Warhol became a household name, Rauschenberg is remembered only by those in the artistic community. (3)” (117 words)

Với nội dung trên, nội dung bài tập True/False/Not Given có thể xuất hiện 3 câu như sau:

  1. Conventional materials were not used in modern art

  2. Both artists influenced each other’s work

  3. Both artists are well-known in the common public today.

Với câu số 1, nhận định trên cho rằng những chất liệu truyền thống (conventional materials) không được sử dụng trong “modern art”. Trong khi đó bài đọc chỉ nhắc đến việc loại bỏ những truyền thống nghệ thuật cũ để đề cao tinh thần thử nghiệm (xem dẫn chứng 1). Nhưng liệu những truyền thống này có bao gồm những “conventional materials” hay không thì bài đọc không làm rõ. Nên mặc dù về từ ngữ có sự tương quan, (conventional tương quan với traditions, were not used tương quan với discard), điều đó cũng không dẫn đến kết luận rằng “materials” thực sự là thứ bị bỏ đi, dù nhiều người vẫn gộp “materials” vào là một phần của “art”. Vì thế, câu trả lời sau cùng vẫn là Not Given.

Với câu số 2, mặc dù cả hai họa sĩ được nhắc đến có ảnh hưởng đến một đối tượng thứ ba, đó chính là nền nghệ thuật đương đại thế kỷ 20 (xem dẫn chứng 2), bài viết không hề nhắc đến việc hai họa sĩ này có ảnh hưởng lẫn nhau. Tại đây thí sinh có thể áp dụng quy tắc của lỗi lập luận nên câu trả lời sau cùng vẫn là Not Given.

Còn ở câu số 3, thông tin về độ nổi tiếng của cả hai họa sĩ đều được nhắc đến. Riêng họa sĩ Warhol được mệnh danh là “a household name” (cái tên quá phổ biến), còn họa sĩ Rauschenberg chỉ được biết đến trong cộng đồng nghệ thuật (xem dẫn chứng 3). Vì thế đây là thông tin đi ngược lại với thông tin trong bài viết, nhưng vẫn có thể suy ra quan hệ logic từ các ý được cho trước. Câu trả lời sau cùng là False, chứ không phải Not Given.

Lỗi lập luận “Post hoc”

Nếu như nói mối quan hệ nhân quả của lỗi lập luận trước được suy ra một cách sai lệch từ việc có cùng một tính chất, thì ở lỗi lập luận “Post hoc”, mối quan hệ trên lại được suy ra từ thứ tự xảy ra của sự việc. “Post hoc” là tên gọi tắt của cụm từ “Post hoc ergo propter hoc”, tiếng Latin có nghĩa là “Xảy ra sau nên là hậu quả của cái trước.” Lỗi lập luận này nhận định rằng do một sự việc A xảy ra trước B, nên từ đó có thể suy ra rằng vì A mà B xảy ra. Lỗi lập luận này có vấn đề vì thứ tự xảy ra của sự việc không đảm bảo được mối quan hệ giữa chúng. Có thể việc xảy ra trước sau chỉ đơn giản là kết quả của sự ngẫu nhiên. Nói cách khác, A và B chỉ có trình tự xảy ra trước sau, ngoài ra không có mối quan hệ gì với nhau.

Cũng sử dụng lại ví dụ về việc tiêm vacxin ở trên, nếu lúc này việc tiêm vacxin ở trẻ xảy ra trước và việc chẩn đoán bệnh tự kỷ xảy ra ngay sau đó, điều đó cũng dễ làm cho phụ huynh lầm tưởng rằng chính vacxin đã gây ra bệnh tự kỷ ở con em mình. Trong khi đó, chưa thể kết luận những ca mắc bệnh là bởi những nguyên nhân nào.

Trong bối cảnh một bài đọc, thí sinh cũng có thể mắc phải lỗi lập luận tương tự. Chỉ vì hai thông tin được sắp xếp liền kề nhau, không có nghĩa là hai thông tin này có mối quan hệ nhân quả với nhau. Thí sinh chỉ có thể đưa ra kết luận trên nếu có thể tìm được dẫn chứng nói rằng một sự việc này dẫn đến sự việc còn lại, không chỉ đơn thuần là dựa trên thứ tự sắp xếp thông tin. Lấy ví dụ bài đọc mẫu về cảm nhận của da người dưới tác động của áp lực, nhiệt độ và cơn đau:

“ This is starting to sound very confusing until Bolanowski says: 'In simple terms people perceive three basic things via skin: pressure, temperature, and pain.' And then I'm sure he's wrong. When I get wet, my skin feels wet,' I protest. 'Close your eyes and lean back,' says Bolanowski. Something cold and wet is on my forehead - so wet, in fact, that I wait for water to start dripping down my cheeks. 'Open your eyes.' Bolanowski says, showing me that the sensation comes from a chilled, but dry, metal cylinder. (3) The combination of pressure and cold, he explains, is what makes my skin perceive wetness. He gives me a surgical glove to put on and has me put a finger in a glass of cold water. My finger feels wet, even though I have visual proof that it's not touching water. My skin, which seemed so reliable, has been deceiving me my entire life. When I shower or wash my hands, I now realize, (1) my skin feels pressure and temperature to a very strong degree. It's my brain that says I feel wet. (2) Perceptions of pressure, temperature and pain manifest themselves in many different ways. Gentle stimulation of pressure receptors can result in ticklishness; gentle stimulation of pain receptors, in itching.” (208 words)

Trong đề bài xuất hiện hai câu hỏi True/False/Not Given sau:

  1. The human skin is less sensitive to pain than to pressure and to temperature.

  2. The feeling of wetness is a mixture of two essential sensations of the human skin.

Với câu 1, mặc dù cảm nhận về nỗi đau (pain) của da người chỉ được nhắc đến ở đầu bài và cuối bài, trong khi cảm nhận về áp lực (pressure) và nhiệt độ (temperature) được nhắc đến xuyên suốt đoạn, người đọc cũng chưa thể xác định mức độ nhạy cảm của da với ba yếu tố trên. Ngoài ra, thí sinh có thể thấy nhận định rằng “da của Bolanowski cảm nhận được áp lực và nhiệt độ rất rõ (to a very strong degree) khi ông tắm hoặc rửa tay.” (xem dẫn chứng 1) Và sau đó là nhận định rằng “cảm nhận về ba yếu tố trên có những biểu hiện khác nhau.” (xem dẫn chứng 2). Nhưng thứ tự xuất hiện của hai thông tin này cũng không cho thấy được kết quả rằng da người ít nhạy cảm với nỗi đau hơn hai yếu tố còn lại. Câu trả lời sau cùng là Not Given.

Với câu 2, người đọc có thể thấy rõ ở dẫn chứng 3 rằng sự kết hợp giữa áp lực và cảm giác lạnh là thứ tạo ra cảm giác ẩm ướt. Và ở đầu bài, tác giả cũng đưa ra 3 yếu tố quan trọng trong cảm giác của da người, là áp lực, nhiệt độ và nỗi đau. Hai trong ba yếu tố này đúng là đã tham gia vào quá trình hình thành cảm giác ẩm ướt, nên đây là một nhận định Đúng. Câu trả lời sau cùng là True.

Lỗi lập luận “So sánh ẩu” (False analogy)

Tương tự như hai lỗi lập luận vừa nêu, lỗi lập luận sau cùng này cũng dựa trên một số nét tương đồng hoặc tương cận nào đó mà kết luận mối quan hệ nhân quả giữa hai thông tin. Cụ thể hơn, lỗi lập luận So sánh ẩu nhận định rằng vì A và B có chung một tính chất X, từ đó chúng cũng có chung một tính chất Y. Lỗi lập luận này sai vì từ đầu chưa hề có lời chứng minh nào cho việc A và B có cùng tính chất Y. Lỗi lập luận trên càng dễ mắc phải nếu X và Y có nhiều nét tương đồng với nhau, hoặc thậm chí Y là một hệ quả của X. Nhưng quá trình từ A và B sang Y là một câu chuyện khác, và nếu không được giải thích rõ sẽ không thể kết luận.

Lấy ví dụ về nhận định rằng hai học sinh có hoàn cảnh gia đình giống nhau, học sinh A có thành tích học tập vượt trội. Từ đó có thể kết luận rằng học sinh B cũng sẽ có thành tích học tập vượt trội tương tự. Tuy nhiên không thể vội kết luận như thế vì có thể thành tích học tập của A còn là kết quả của nhiều yếu tố khác chưa được xem xét đến.

Trong bối cảnh bài đọc, nhiều thông tin với những tính chất tương đương nhau thường được trình bày liên tiếp nhau để đảm bảo tính liền mạch của đoạn văn. Điều đó dễ làm cho người đọc có những kết luận sai lầm về mối quan hệ giữa những thông tin khi chưa có dẫn chứng rõ ràng cho việc đó. Cùng xem xét bài đọc mẫu về ánh sáng và vai trò của ánh sáng:

“What we call light is really the same thing in a different set of wavelengths as the radiation that we call radio waves or gamma rays or X- rays. But visible light is unlike any other fundamental element of the universe: it directly, regularly and dramatically interacts with our senses. Light offers high-resolution information across great distances. You can't hear or smell the moons of Jupiter or the Crab Nebula. So much of vital importance is communicated by visible light that almost everything from a fly to an octopus has a way to capture it-an eye, eyes, or something similar.

It's worth noting that our eyes are designed to detect the kind of light that is radiated in abundance by the particular star that gives life to our planet: the sun. The sun’s light has the power to reach millions of other dwarf planets and asteroids within the Solar System. (1) Visible light is powerful stuff, moving at relatively short wavelengths, which makes it biologically convenient. To see long, stretched-out radio waves, we'd have to have huge eyes like satellite dishes. Not worth the trouble! Nor would it make sense for our eyes to detect infrared light (though some deep-sea shrimp near hot springs do see this way). We'd be constantly bombarded by input, because in these wavelengths any heat-emitting object glows. (2) That would include almost everything around us.” (225 words)

Phần câu hỏi True/False/Not Given đưa ra hai nhận định sau:

  1. Light from the sun makes it possible for life to exist on dwarf planets and asteroids

  2. Humans only need to take in light from the sun as other kinds of light can be overwhelming for the human eyes.

Dẫn chứng (1) cho thấy ánh sáng mặt trời đúng là đã đem sự sống đến hành tinh của chúng ta, và ánh sáng đó cũng tới được hàng triệu hành tinh lùn và tiểu hành tinh khác, nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng cũng đồng thời mang lại sự sống cho những thiên thể này. Tại đây, Trái đất là đối tượng A, các tiểu hành tinh là đối tượng B, được Mặt trời chiếu sáng là tính chất X, có sự sống là tính chất Y. Câu trả lời sau cùng tại đây là Not Given.

Ngược lại, dẫn chứng (2) lại nói rằng việc tiếp nhận tia hồng ngoại (infrared light) lại không có ý nghĩa cho mắt chúng ta (nor would it make sense), bởi khi đó ta sẽ luôn phải đối mặt với rất nhiều thông tin phải xử lý do những tia hồng ngoại phát ra từ bất cứ vật nào mang nhiệt. Những từ khóa tại đây là tương thích với nhận định số 2 nên câu trả lời sau cùng tại đây là True.

Luyện tập

Đọc bài đọc bên dưới và cho biết những nhận định sau là Đúng (True), Sai (False) hay Không được đề cập (Not Given):

“Specialist knowledge, however, is not everything when it comes to finding a job. Surveys by the UK's Association of Graduate Recruiters (AGR) repeatedly confirm that what employers seek, and continue to find scarce, are the personal skills that will make graduates valuable employees. In fact, when recruiting new graduates, most employers considered these skills more important than specialist knowledge. What employers seek most from new graduates are enthusiasm and self motivation, interpersonal skills, team working and good oral communication. Of the nineteen skills considered important in AGR's 2002 survey, just three require specialist education-numeracy. computer literacy and foreign languages-and these are low on the list.

Nunzio Quacquarelli, chief executive of Topcareers, takes this further. 'Clearly, salary differentials for those with a second degree, but no significant work experience, do not match those of a good MBA and a number of years in the workplace. According to the AGR research, about 14% of employers offered a better salary to those new graduates with a masters-or even a doctorate. In my view, the salary improvement of I0% to 15% largely reflects the recruit's age and earning expectancy rather than the increase in human capital perceived by the employer. Contrast this with our latest TopMBA MBA Recruiters Survey results which shows that the average salary paid to an MBA with good work experience in the US and Europe is US$80,000-around two and a half times the average starting salary for a young postgraduate.

Anthony Hesketh poses the question whether holding a second degree may even be a disadvantage. I have seen many reports over the years suggesting that employers view postgraduates as eminently less employable than those with a first degree. Drive, motivation and career focus, not to mention ability, are what employers value and are prepared to pay for.A postgraduate immediately has an uphill task explaining an additional year, or three years, of study.

This view may seem cynical, but, if you are about to graduate and are considering a further so degree, you should take the realities into account and ask yourself some hard questions:

  • Is the qualification I am considering going to impress employers?

  • Is it going to give me the edge over less qualified candidates?

  • Is my consideration of a second degree because I am not sure of my career direction?

  • Will employers consider that I lack drive and ambition because I have deferred my attempts to find a worthwhile job?

Many postgraduate options exist that can help you to acquire the personal skills that employers in the world of business are seeking Consider, for example, the offerings of Strathclyde and Durham universities.” (430 words)

  1. British employers are more interested in what potential recruits can do than

    what they know.

  2. A recruit with a specialist masters usually earns as much as an experienced

    employee with a good MBA.

  3. The writer claims that undergraduates often plan to do a masters because

    they can't decide what career to follow.

Đáp án phần:

  1. True

  2. False

  3. Not Given

Kết luận

Tóm lại, với ba lỗi lập luận phổ biến nêu trên, thí sinh có thể sẽ mắc phải một số sai lầm đáng tiếc khi làm dạng đề True/False/Not Given. Việc hiểu về chúng cũng là một cách để thí sinh có thể nhìn nhận lại câu trả lời và cách làm bài của mình, từ đó tránh mắc phải các lỗi này trong tương lai.

Tham khảo thêm khóa học luyện thi IELTS cấp tốc tại ZIM, giúp học viên tăng tốc kỹ năng làm bài, bổ sung kiến thức nhanh chóng, rút ngắn thời gian đạt điểm IELTS mục tiêu.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu