Cách để nâng cao khả năng lập luận cho kỳ thi IELTS
Key takeaways |
---|
|
Giới thiệu về khả năng lập luận
Lập luận là một quá trình diễn ra ở một thời điểm giữa khi một người chú ý đến thông tin quan trọng, mang nhiều ý nghĩa và khi họ đưa ra một hoặc nhiều kết luận dựa trên thông tin ấy (Khemlani, 2018). Nói cách khác, khả năng suy luận đề cập đến kỹ năng và khả năng suy nghĩ có logic, hiểu thông tin và đưa ra kết luận dựa trên bằng chứng và các nguyên tắc. Điều này liên quan đến quá trình phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin để đi đến những đánh giá hoặc quyết định sáng suốt.
Đọc thêm: Logic là gì – Các kiểu lập luận theo tư duy phi logic phổ biến
Tầm quan trọng của khả năng lập luận
Bài viết nêu lên tầm quan trọng của khả năng lập luận trong việc diễn đạt, đưa ra ý kiến cá nhân.
Trong lĩnh vực tâm lý học thần kinh và khoa học thần kinh, nghiên cứu đã điều tra và chỉ ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa ngôn ngữ và suy nghĩ (Baldo et al., 2015). Ngôn ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng có vai trò quyết định đối với khả năng tư duy, lập luận của con người. Premack (1983) cho thấy rằng những con tinh tinh được đào tạo ngôn ngữ có kỹ năng lý luận và giải quyết vấn đề vượt trội so với những con tinh tinh chưa biết ngôn ngữ.
Trong cuốn sách “Mind in Society: Development of Higher Psychological Processes”, Lev Vygotsky cho rằng ngôn ngữ không đơn thuần là công cụ để giao tiếp với người khác xung quanh, nó còn đóng vai là cơ sở thiết yếu để tư duy và nhận thức trong thế giới quan của chúng ta. Ông tin rằng ngôn ngữ và lý luận có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, vì cả hai đều bắt nguồn từ các tương tác xã hội và bối cảnh xã hội.
Chính vì vậy, người học cần lưu tâm rằng khả năng lập luận không được quyết định nhiều bởi các yếu tố bẩm sinh hay di truyền, thay vào đó khả năng này được phát triển dần dần qua việc tiếp xúc, sử dụng ngôn ngữ cũng như sự tương tác của người học với các khía cạnh xã hội xung quanh.
Khả năng lập luận đóng vai trò vô cùng quan trọng trong kỳ thi IELTS, bởi vì các lý do sau:
Kỹ năng đọc: Các bài đọc của bài thi IELTS Reading đánh giá khả năng hiểu và phân tích văn bản của thí sinh. Do đó, khả năng lập luận là rất quan trọng để hiểu các đoạn văn, xác định thông tin chính và rút ra các suy luận logic. Kỹ năng suy luận mạnh mẽ giúp thí sinh phân tích các văn bản phức tạp, tạo mối liên hệ giữa các ý và trả lời các câu hỏi đọc hiểu một cách chính xác.
Kỹ năng nghe: Khả năng lập luận đóng một vai trò quan trọng trong phần bài thi nghe của kỳ thi IELTS, vì bài thi kiểm tra khả năng hiểu tiếng Anh trong ngữ cảnh nói. Khả năng nghe hiểu đòi hỏi thí sinh khả năng xử lý thông tin, xác định các ý chính và suy ra ý nghĩa từ ngữ cảnh. Các thí sinh có kỹ năng suy luận tốt có thể nhanh chóng phân tích thông tin thính giác, tạo mối liên hệ và trả lời chính xác các câu hỏi dựa trên những gì họ đã nghe.
Kỹ năng nói: Khả năng lập luận rất có vai trò quan trọng trong bài thi IELTS Speaking, bởi vì thí sinh được yêu cầu bày tỏ ý tưởng, đưa ra quan điểm và tham gia thảo luận, đặc biệt là trong Part 2 và Part 3. Người học có kỹ năng lập luận tốt có thể trình bày suy nghĩ của mình một cách rõ ràng, diễn đạt ý kiến một cách logic và mạch lạc.
Kỹ năng viết: Thí sinh có khả năng lập luận sắc bén có ưu thế trong bài thi IELTS Writing, đặc biệt là trong Task 2. Bài thi IELTS Writing yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm của mình với các luận điểm, luận cứ và ví dụ liên quan. Kỹ năng lập luận vững vàng giúp thí sinh sắp xếp ý tưởng một cách logic, trình bày lập luận chặt chẽ và có cơ sở vững chắc, đồng thời đưa ra quan điểm cân bằng và hợp lý về một chủ đề nhất định.
Đọc thêm: Lập luận IELTS Writing Task 2: Lỗi thường gặp và cách khắc phục
Như vậy, người học có thể thấy rằng khả năng lập luận đóng vai trò không thể thiếu trong kỳ thi IELTS. Để có thể phát triển, nâng cao kỹ năng này, người học có thể áp dụng những cách thức học tập ở phần tiếp theo của bài viết.
Cách học để nâng cao khả năng lập luận
Trước khi bàn về nguồn tài liệu người học có thể tận dụng để nâng cao khả năng lập luận, người học cần nằm mình cần định hướng nâng cao khả năng này như thế nào.
Một trong những cách học là bám theo thang tư duy Bloom với sáu cấp độ nhận thức mà đã được sửa đổi bởi David Krathwohl và Lorin Anderson vào năm 2001:
Ở mỗi cấp độ, người học cần nắm như sau:
Remembering: Người học ở giai đoạn này đơn thuần ghi nhớ và gợi nhớ lại được thông tin, kiến thức mình đã tiếp thu. Người học cũng có thể nhận diện và gọi tên được những hiện tượng, sự vận mình đã biết.
Understanding: Mức độ cao hơn việc ghi nhớ là hiểu, không chỉ tập trung vào việc nhắc lại mảng thông tin, kiến thức nào đó mà còn có thể đưa ra sự giải thích, phân loại, so sánh và tóm tắt nó. Nói cách khác, người học có thể thuật lại những gì mình đã hiểu được.
Applying: Sau khi ghi nhớ và thông hiểu được kiến thức, người học có thể vận dụng nó vào tình huống thực tế hay thử sử dụng nó trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa người học ở giai đoạn này đã có thể trừu tượng hóa được những gì mình đã học được mà đơn thuần chỉ ứng dụng kiến thức vào tình huống khác nhau.
Analyzing: Phân tích ở đây có nghĩa là người học có thể “mổ xẻ”, phân chia kiến thức, thông tin thành các khía cạnh, thành phần nhỏ hơn. Từ đó, người học tìm ra các mối quan hệ, sự tương tác qua lại giữa các thành phần ấy với nhau.
Evaluating: Đến đây, người học có thể đánh giá một cách vừa khái quát, vừa cụ thể với kiến thức mình đã tiếp thu. Không những xem xét, đánh giá, nhìn nhận tầm quan trọng và giá trị, người học cần quan tâm cả những ý kiến xung quanh về thông tin, kiến thức ấy để có sự đánh giá khách quan, chính xác nhất có thể.
Creating: Cuối cùng, đây được cho là cấp độ cao nhất trong thang tư duy Bloom. Người học có thể sáng tạo, tạo ra thành phẩm mới dựa trên các cấp độ đã đạt được trước đó.
Ứng dụng thang tư duy, người học có thể nâng cao khả năng lập luận của mình vì mình hiểu, vận dụng, phân tích và đánh giá cách tác giả trình bày quan điểm, góc nhìn của mình. Dưới đây là một số cách người học có thể tận dụng:
Người học có thể tìm đọc những bài báo trong các mục opinion piece trên các trang báo như The New York Times, CNN, The Guardian hay Washington Post. Các bài báo này thường được viết bởi các nhà bình luận hay các học giả, vì thế khi tìm đọc, nghiên cứu các bài báo này, người học sẽ học được cách lập luận, trình bày quan điểm với một vấn đề nào đó trong xã hội. Người đọc hãy dành ra ít phút đọc và phân tích ví dụ trong bài báo tên Opinion: I was shocked to learn there was a way to save my hair during chemo được viết bởi nhà tâm lý Maggie Mulqueen trên CNN như sau:
“Society sends the message that caring about one’s hair is superficial, but once I learned there was a way to keep from going bald, I had an easier time accepting the recommendation for chemotherapy. Now that I’m on the other side of the treatment, I want to advocate for others to have this same opportunity — and for the health insurance industry to stop dismissing patients for whom retaining their hair is important.” |
Trong bài này, tác giả bàn về việc chứng rụng tóc có thể được giải quyết nhờ hóa trị liệu. Đoạn văn được trích ở trên xoay quanh việc tác giả ủng hộ việc chăm sóc tóc và kêu gọi các công ty bảo hiểm y tế quan tâm hơn về vấn đề này.
Tuy nhiên, tác giả không hề nhảy vào trình bày ngay quan điểm của bản thân. Thay vào đó, tác giả tận dụng bối cảnh dẫn đến suy tư, ngẫm nghĩ của mình, từ đó mới dẫn đến lý do vì sao tác giả ủng hộ cho việc mỗi người nên chăm sóc mái tóc của mình nhờ hóa trị liệu. Trình tự ý tưởng trong lập luận của tác giả giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về quan điểm của tác giả và nâng cao tính thuyết phục hơn.
Đọc thêm: Critical reading - Ý nghĩa, hướng dẫn và ứng dụng trong IELTS Reading
Ngoài các nguồn báo, người học có thể đọc tận dụng các bài đọc của các bài luyện tập IELTS Reading, đặc biệt là các tập sách Cambridge IELTS. Sau thi làm đề luyện tập IELTS Reading, người học có thể tận dụng các văn bản trong bài để đào sâu nội dung, nâng cao khả năng lập luận của mình. Lấy ví dụ đoạn trích sau trong cuốn sách Cambridge IELTS 17, bài Passage 1 của Test 1:
“Amongst the most vocal advocates for a solution to London’s traffic problems was Charles Pearson, who worked as a solicitor for the City of London. He saw both social and economic advantages in building an underground railway that would link the overground railway stations together and clear London slums at the same time. His idea was to relocate the poor workers who lived in the inner-city slums to newly constructed suburbs, and to provide cheap rail travel for them to get to work. Pearson’s ideas gained support amongst some businessmen and in 1851 he submitted a plan to Parliament. It was rejected, but coincided with a proposal from another group for an underground connecting line, which Parliament passed.”
Khi đọc, người học có thể thấy rằng đoạn trích giới thiệu Charles Pearson với tư cách là người lên tiếng ủng hộ việc giải quyết các vấn đề giao thông của London thông qua việc xây dựng một tuyến đường sắt ngầm. Tác giả lập luận cho việc này bằng cách cho thấy Pearson nhận ra lợi ích xã hội và kinh tế khi xây dựng đường sắt ngầm, liên kết các ga đường sắt trên mặt đất đồng thời xóa các khu ổ chuột và cung cấp dịch vụ đi lại bằng đường sắt với giá cả phải chăng cho người lao động. Tác giả cũng đưa ra thêm mặc dù kế hoạch của Pearson ban đầu bị Quốc hội từ chối, nó nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ các doanh nhân. Như vậy, người học có thể học được từ cách lập luận này rằng khi đưa ra luận điểm hay ý tưởng khái quát nào đó, cần đưa ra thông tin củng cố ý tưởng ấy một cách logic.
3. Nếu người học cảm thấy việc đọc các bài báo, bài đọc trong đề IELTS Reading quá sức bản thân, người học có thể bắt đầu với việc đơn giản hơn như nghe talkshows, podcasts mà trong đó có các nhân vật nổi tiếng bày tỏ ý kiến, quan điểm về vấn đề xã hội. Một số shows mà người đọc có thể xem và luyện tập khả năng lập luận rất hữu ích như "The Ellen DeGeneres Show", "The Late Show with Stephen Colbert", "The Daily Show with Trevor Noah". Dưới đây là ví dụ một video bàn về “Farmworkers” của Last Week Tonight dẫn bởi John Oliver.
Trong video này, John Oliver tiết lộ những thực tế đáng lo ngại của ngành nông nghiệp ở nước Mỹ. Nó nhấn mạnh rằng mặc dù vai trò quan trọng của nông nghiệp trong ngành công nghiệp thực phẩm, nhưng người Mỹ không quan tâm đến việc đảm nhận các vị trí nông nghiệp. Kết quả là, một phần đáng kể nông nhân trồng trọt là người sinh ra ở nước ngoài, với 59% trong số đó là nông nhân không có giấy tờ. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi bộ phim nêu bật việc bóc lột lao động trẻ em từ 12 tuổi phải làm việc nhiều giờ trong điều kiện nguy hiểm, chịu đựng nhiệt độ khắc nghiệt, máy móc nguy hiểm và tiếp xúc với thuốc trừ sâu. John Oliver còn làm sáng tỏ điều kiện sống và làm việc tồi tệ của những người nông dân, với việc các nhà lập pháp không đảm bảo được sự bảo vệ đầy đủ và ông so sánh những tình huống trên tương đương với “modern slavery” (chế độ nô lệ thời hiện đại).
Tổng kết
Như vậy, khả năng lập luận là khía cạnh vô cùng quan trọng cho người học chuẩn bị cho kỳ thi IELTS. Người học cần đọc các bài báo về quan điểm của nhà bình luận, đọc các bài đọc trong các đề thi IELTS Reading và xem các talkshows hay podcasts về quan điểm của một số nhân vật nổi tiếng.
Bằng cách tập trung khai thác cách các quan điểm được lập luận như thế nào, người học cũng có thể phát triển khả năng lập luận của riêng mình để từ đó nâng cao khả năng lập luận.
Tham khảo
Baldo, J. V., Paulraj, S., Curran, B., & Dronkers, N. F. (2015). Impaired reasoning and problem-solving in individuals with language impairment due to aphasia or language delay. Frontiers in Psychology, 6. https://doi.org/10.3389/fpsyg.2015.01523
Cambridge. (2022). Cambridge IELTS 17 Academic With Answers. Cambridge University.
Khemlani, S. (2018). Reasoning. Stevens’ Handbook of Experimental Psychology and Cognitive Science, 1–45. https://doi.org/10.1002/9781119170174.epcn311
Opinion: I was shocked to learn there was a way to save my hair during chemo. (2023, June 19). CNN. https://edition.cnn.com/2023/06/19/opinions/cancer-chemo-cold-caps-scalp-cooling-mulqueen/index.html
Premack, D. (1983). Animal Cognition. Annual Review of Psychology, 34(1), 351–362. https://doi.org/10.1146/annurev.ps.34.020183.002031
Vygotsky, L. S. (1978). Mind in Society: The Development of Higher Psychological Processes. https://www.jstor.org/stable/j.ctvjf9vz4
Bình luận - Hỏi đáp