Nghịch lý nỗ lực và ứng dụng trong việc học ngoại ngữ

Bài viết này sẽ khám phá bản chất của nguyên lý nỗ lực ngược, đồng thời đưa ra cái nhìn mới mẻ về cách ứng dụng nó vào việc học và cải thiện ngoại ngữ, mở ra một hướng đi mới cho những ai đang tìm kiếm cách thức học hiệu quả hơn.
author
Trần Xuân Đạo
28/03/2024
nghich ly no luc va ung dung trong viec hoc ngoai ngu

Trong hành trình chinh phục ngôn ngữ mới, không ít học viên đã rơi vào tình trạng “càng chèo càng lạc” - nỗ lực không ngừng nhưng kết quả thu được lại không như mong đợi. Đằng sau hiện tượng này có thể không chỉ là vấn đề về phương pháp học hay thái độ tiếp cận, mà còn ẩn chứa một nguyên lý sâu xa hơn - nguyên lý nỗ lực ngược, hay còn gọi là nghịch lý nỗ lực (The Law of Reversed Effort). Đây là một khái niệm tưởng chừng như trái ngược với quan niệm thông thường về việc “càng cố gắng, càng thành công”. 

Bài viết này sẽ khám phá bản chất của nguyên lý nỗ lực ngược, đồng thời đưa ra cái nhìn mới mẻ về cách ứng dụng nó vào việc học và cải thiện ngoại ngữ, mở ra một hướng đi mới cho những ai đang tìm kiếm cách thức học hiệu quả hơn.

Key takeaways

  1. Nghịch lý nỗ lực là một khái niệm được Aldous Huxley đề cập đến. Nó cho rằng càng cố gắng một cách cố chấp, kết quả đạt được lại càng xa vời. Điều này áp dụng không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà còn trong việc học ngoại ngữ, nơi việc cố gắng quá mức có thể phản tác dụng.

  2. Sự cân bằng giữa hành động và không hành động là chìa khóa để tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và hiệu quả. Trong việc học ngoại ngữ, điều này có nghĩa là kết hợp giữa việc học có mục tiêu (như học từ vựng và ngữ pháp) và việc tiếp xúc tự nhiên với ngôn ngữ thông qua đọc sách, xem phim, hoặc giao tiếp.

  3. Tiếp cận linh hoạt trong việc học từ vựng và ngữ pháp bằng cách tạo ra một môi trường học tập thoải mái, nơi người học có thể tiếp xúc với ngôn ngữ một cách tự nhiên, giúp thông tin được lưu giữ sâu hơn trong trí nhớ.

  4. Phát triển sự trôi chảy không đến từ việc tập trung quá mức vào việc nói một cách hoàn hảo, mà là từ việc giao tiếp tự nhiên, chấp nhận sai lầm như một phần của quá trình học. Sự thoải mái và tự tin sẽ dẫn đến sự trôi chảy tự nhiên trong giao tiếp.

  5. Tiếp xúc với ngôn ngữ trong nhiều ngữ cảnh khác nhau giúp cải thiện năng lực ngoại ngữ nói chung. Điều này tạo ra các liên kết giữa kiến thức mới và kiến thức đã có, giúp người học sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và tự nhiên.

  6. Quá trình học ngoại ngữ không chỉ là nâng cao kiến thức mà còn là quá trình phát triển bản thân, nơi người học khám phá và thể hiện mình qua ngôn ngữ mới. Sự cân bằng giữa hành động và không hành động, giữa ý thức và tiềm thức, là chìa khóa cho hành trình học ngoại ngữ hiệu quả và bền vững.

Nghịch lý nỗ lực

Để hiểu rõ nghịch lý nỗ lực, hãy tưởng tượng về việc một người đang cố gắng để trở nên hấp dẫn hơn trong mắt một người khác. Càng cố gắng tỏ ra hấp dẫn, qua cách ăn mặc cầu kỳ hay cố gắng gây ấn tượng bằng cách nói những điều họ nghĩ người kia muốn nghe, họ càng trở nên không tự nhiên và có thể khiến người kia cảm thấy xa cách. Ngược lại, khi họ tự nhiên và thoải mái với chính mình, không cố gắng quá mức để gây ấn tượng, họ lại trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người kia.

Nghịch lý nỗ lực xuất hiện mọi nơi trong cuộc sống. Một ví dụ điển hình là việc cố gắng ngủ. Càng nỗ lực để ngủ, chúng ta càng khó chìm vào giấc ngủ. Hay tiếp tục lấy ví dụ trong việc giải quyết các bài toán khó. Ban đầu, chúng ta có thể cảm thấy bế tắc và không tìm ra lời giải. Tuy nhiên, sau khi nghỉ ngơi, làm một việc khác hoặc thậm chí là sau một giấc ngủ, bỗng dưng chúng ta tìm ra câu trả lời mà trước đó dường như không thể tiếp cận. Điều này chứng minh rằng, khi tâm trí được thư giãn và không bị áp lực, nó có thể làm việc hiệu quả hơn.

Hãy áp dụng tư duy này vào cuộc sống hàng ngày. Khi chúng ta đối mặt với một thách thức hoặc vấn đề cần giải quyết, thay vì cố gắng áp đặt một giải pháp một cách cứng nhắc, hãy cho phép bản thân thời gian và không gian để thả lỏng. Trong khoảng thời gian chúng ta không tập trung mạnh mẽ vào vấn đề, não bộ của chúng ta - phần tiềm thức - vẫn tiếp tục làm việc, tìm kiếm lời giải một cách tự nhiên. Điều này giống như khi chúng ta quên một cái tên hoặc một sự kiện, và chỉ nhớ ra nó khi chúng ta không cố gắng nghĩ về nó nữa.

Aldous Huxley, nhà văn và triết gia người Anh, đã đưa ra khái niệm nghịch lý nỗ lực trong các tác phẩm của mình. Huxley nhận định rằng, càng cố gắng thực hiện một hành động bằng ý thức, chúng ta càng khó đạt được kết quả mong muốn. Không chỉ là vấn đề về sự cố gắng, mà là một quá trình yêu cầu sự kết hợp giữa hoạt động và không hoạt động, giữa nỗ lực và thả lỏng.

image-alt

Sự phân biệt giữa ý thức và tiềm thức cũng như giữa hành động và không hành động đóng vai trò quan trọng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Ý thức có thể định hướng và quản lý các hành động của chúng ta, nhưng để đạt được sự tự nhiên và hiệu quả, tiềm thức cần được kích hoạt. Điều này yêu cầu một sự cân bằng giữa việc tích cực hành động và cho phép mình có thời gian thả lỏng.

Trong nhiều trường hợp, “không làm gì” không đồng nghĩa với việc bỏ cuộc, mà là việc cho phép bản thân thư giãn và để tiềm thức xử lý thông tin. Điều này có thể bao gồm các hoạt động như nghe nhạc, suy ngẫm, hoặc thậm chí là dành thời gian nghỉ ngơi, giúp cho việc tiếp thu và sử dụng thông tin diễn ra một cách tự nhiên hơn.

Giữa việc hành động quá mức và không hành động là một lối đi trung dung, nơi mọi thứ diễn ra một cách cân bằng và hiệu quả. Điều này đòi hỏi việc nhận biết khi nào cần áp dụng sức lực và khi nào cần thả lỏng, cho phép quá trình tự nhiên diễn ra. Trong cuộc sống, điều này có thể nghĩa là tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, giữa nỗ lực và sự thư giãn.

Nghịch lý nỗ lực mở ra một cách tiếp cận mới mẻ và hiệu quả, giúp chúng ta không chỉ đạt được mục tiêu một cách nhẹ nhàng mà còn tận hưởng quá trình trải nghiệm. Bằng cách tìm ra sự cân bằng giữa hành động và không hành động, giữa ý thức và tiềm thức, chúng ta có thể khám phá ra bí quyết để thành công trong mọi mặt của cuộc sống một cách hiệu quả.

image-alt

Ứng dụng trong việc học ngoại ngữ

Nguyên lý này lý giải lý do tại sao đôi khi người học ngoại ngữ quá tập trung vào một mục tiêu như luôn nghĩ đến việc phải nói trôi chảy khi chuẩn bị nói điều gì đó hay tập trung học luyện tập nói rất chăm chỉ nhưng lại không thấy kết quả như mong đợi. Họ dành hàng giờ đồng hồ mỗi ngày để học từ vựng, ngữ pháp, và thực hành phát âm, nhưng tiến trình lại tỏ ra chậm chạp hoặc thậm chí đình trệ. Điều này không chỉ khiến họ cảm thấy mệt mỏi và chán nản mà còn có thể dẫn đến việc mất đi động lực học tập. 

Nghịch lý nỗ lực, khi được áp dụng vào việc học ngoại ngữ, mở ra một cách tiếp cận khác biệt, giúp người học nhận ra rằng việc giảm bớt áp lực và tạo điều kiện cho sự học hỏi tự nhiên không những giúp họ tiến bộ nhanh chóng hơn mà còn khiến quá trình học trở nên thú vị và bổ ích hơn. Điều này dẫn chúng ta đến việc khám phá cách thức cụ thể mà nghịch lý nỗ lực có thể được ứng dụng vào việc học ngoại ngữ, từ việc cải thiện ngữ pháp và từ vựng đến việc nâng cao sự trôi chảy và năng lực ngoại ngữ nói chung.

Cụ thể, thay vì áp dụng áp lực không ngừng nghỉ lên bản thân để thuộc lòng từ vựng, việc học một cách nhẹ nhàng và tự nhiên hơn có thể giúp người học tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả hơn. Sự phối hợp giữa việc học chủ động: Đặt ra mục tiêu hàng ngày với số lượng từ vựng cụ thể để học. Sử dụng flashcards hoặc ứng dụng học từ vựng để ôn tập và kiểm tra bản thân. Tạo câu với từ mới để tăng cường hiểu biết về cách sử dụng từ trong ngữ cảnh kết hợp với học trong tiềm thức như đọc sách, báo, hoặc xem phim, video bằng tiếng Anh mà không cố gắng ghi nhớ từ vựng một cách cố ý. Điều này giúp người học tiếp xúc với từ mới một cách tự nhiên và hiểu được cách chúng được sử dụng trong thực tế. Cách tiếp cận này giúp tạo ra một môi trường học tập thoải mái, nơi tiềm thức có thể hoạt động mạnh mẽ, giúp thông tin được lưu trữ sâu hơn trong trí nhớ. Thực tế, việc học ngoại ngữ không chỉ đòi hỏi kiến thức lý thuyết mà còn cần kỹ năng thực hành, và việc áp dụng lý thuyết này có thể giúp cải thiện cả hai.

Khi nói đến việc cải thiện ngữ pháp, thay vì chỉ tập trung vào việc học thuộc lòng các công thức một cách cứng nhắc sau đó làm bài tập, hãy tiếp xúc với ngôn ngữ một cách tự nhiên hơn, cũng thông  qua việc đọc sách, xem phim, hoặc tham gia các cuộc trò chuyện trực tiếp hoặc trực tuyến. Môi trường ngôn ngữ tự nhiên này không chỉ giúp người học tiếp thu ngữ pháp và từ vựng một cách dễ dàng hơn mà còn giúp người học hiểu cách sử dụng chúng trong các tình huống thực tế. Điều này tạo ra một quá trình học tập tự nhiên, giúp thông tin được lưu giữ lâu dài hơn trong trí nhớ. Cần nhớ rằng người học cần trung hoà 2 cách học để đạt hiệu quả, tức phối hợp đều đặn giữa học các quy tắc ngữ pháp thông qua giáo trình hoặc các sách văn phạm và làm bài tập cụ thể để áp dụng quy tắc đó (chủ động); và các cách học thụ động như nghe podcast hoặc xem video bằng tiếng Anh mà không cố gắng phân tích ngữ pháp một cách có hệ thống. Điều này giúp người học tiếp thu ngữ pháp một cách tự nhiên hơn thông qua ngữ cảnh thực tế, giúp quy tắc trở nên dễ nhớ hơn và người học dễ sử dụng các quy tắc ngữ pháp đó hơn trong thực tế.

image-alt

Nhiều học viên cũng đặt mục tiêu cải thiện sự trôi chảy, áp dụng nghịch lý nỗ lực có nghĩa là không cố gắng quá mức để nói hoàn hảo từng câu một. Khi người học quá tập trung vào một mục tiêu như nói trôi chảy, người học có thể sẽ tạo ra những sự lo lắng không cần thiết và những âu lo đó khiến họ ngập ngừng ấp úng thậm chí còn nhiều hơn. Thay vào đó, người học nên thả lỏng và tự nhiên, cố gắng tham gia vào các cuộc nói chuyện bằng ngôn ngữ đích mà không đặt nặng các mục tiêu trôi chảy. Điều này sẽ giúp họ nói chuyện mà không có những sự lo lắng nói trên và từ đó dần dần trở nên tự nhiên hơn. 

Cách học chủ động, như tham gia các nhóm thảo luận trên lớp trong các buổi học nói để thực hành giao tiếp, đặt ra các tình huống giả định và luyện tập nói một mình hoặc với người khác, tập trung vào việc diễn đạt ý một cách mạch lạc, vấn đóng một vai trò quan trọng, nhưng cũng cần phối hợp với cách học thụ động như tham gia vào các hoạt động trên mạng xã hội mà người học có thể nói hoặc sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên, như gặp gỡ bạn bè nói tiếng Anh hoặc tham gia các sự kiện quốc tế. Trong những tình huống này, không tập trung vào việc sửa sai mỗi khi nói, mà hãy để cuộc trò chuyện diễn ra tự nhiên và tận hưởng quá trình giao tiếp.

Đọc thêm: Cách tăng tính tự nhiên trong giao tiếp tiếng Anh.

Tóm lại, tập trung vào việc giao tiếp một cách tự nhiên, chấp nhận sai lầm như một phần của quá trình học sẽ là những lời khuyên quan trọng đúc kết được từ nguyên lý nỗ lực ngược. Sự thả lỏng này giúp giảm bớt áp lực và tạo điều kiện cho sự trôi chảy tự nhiên, giúp người học tiến bộ nhanh chóng hơn so với việc cố gắng kiểm soát mọi vấn đề về tính lưu loát của cuộc trò chuyện.

Trong việc cải thiện năng lực ngoại ngữ nói chung, việc áp dụng nghịch lý nỗ lực giúp tạo ra một cách tiếp cận toàn diện hơn. Thay vì chỉ tập trung vào một khía cạnh cụ thể của ngôn ngữ, như từ vựng hay phát âm, hãy cho phép bản thân tiếp xúc với ngôn ngữ trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Việc này giúp não bộ của người học lập ra các liên kết giữa kiến thức mới và kiến thức đã có, từ đó cải thiện khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và tự nhiên. Kết quả là một sự tiến bộ đáng kể trong việc sử dụng ngôn ngữ, từ việc hiểu và sử dụng ngữ pháp đến khả năng giao tiếp một cách trôi chảy. Phối hợp nhịp nhàng và cân đối giữa học tập một cách có chủ đích (structured learning) và học thụ động sẽ giúp người học đạt được hiệu quả học tập tối đa.

Tổng kết

Tổng kết lại, việc áp dụng nghịch lý nỗ lực vào quá trình học ngoại ngữ mở ra một hướng tiếp cận mới, giúp người học không chỉ tiến bộ nhanh chóng mà còn tận hưởng quá trình học tập. Thông qua việc kết hợp cả hành động (action) và không hành động (non-action), người học có thể tạo ra một môi trường học tập cân bằng, nơi kiến thức được tiếp thu một cách tự nhiên và bền vững. Cách tiếp cận này giúp giảm bớt áp lực và tăng cường hiệu quả học tập, đồng thời mở ra cơ hội để người học phát triển năng lực ngoại ngữ một cách toàn diện, từ việc mở rộng vốn từ vựng, cải thiện ngữ pháp, đến nâng cao sự trôi chảy khi giao tiếp.

Những ví dụ cụ thể về việc học từ vựng, ngữ pháp, và sự trôi chảy khi nói đã cho thấy rằng, việc áp dụng một cách linh hoạt giữa việc học có chủ đích và việc để mình hòa mình vào ngôn ngữ một cách tự nhiên có thể mang lại hiệu quả đáng kể. Điều này không chỉ giúp người học cảm thấy thoải mái và tự tin hơn trong quá trình học tập mà còn giúp họ phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và sáng tạo.

Cuối cùng, việc học ngoại ngữ không chỉ là một hành trình nâng cao kiến thức mà còn là quá trình phát triển bản thân, nơi người học có thể khám phá và thể hiện mình qua một ngôn ngữ mới. Bằng cách áp dụng nghịch lý nỗ lực, người học không chỉ đạt được mục tiêu ngôn ngữ của mình mà còn tìm thấy niềm vui và sự hài lòng trong mỗi bước đi trên hành trình đó. Hãy nhớ rằng, sự cân bằng giữa action và non-action là chìa khóa để học ngoại ngữ một cách hiệu quả và bền vững, giúp mở ra cánh cửa giao tiếp với thế giới rộng lớn.

Đọc thêm:


Trích dẫn

Killey, Glenn. “The Law of Reversed Effort.” Lifehack, 18 Aug. 2023, www.lifehack.org/488270/the-law-of-reversed-effort.

“The Law of Reversed Effort: The Harder You Try, the Harder You Fall.” Big Think, 14 Nov. 2023, bigthink.com/neuropsych/law-reversed-effort/.

“The Law of Reversed Effort.” LinkedIn, 11 Sept. 2023, www.linkedin.com/pulse/law-reversed-effort-joe-hilton.

Tham khảo thêm khóa học tiếng Anh giao tiếp tại ZIM, giúp học viên cải thiện các kỹ năng giao tiếp và tăng phản xạ trong tình huống thực tế.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu