Banner background

Nguồn gốc của động từ bất quy tắc và cách ghi nhớ

Động từ bất quy tắc bắt nguồn từ tiếng Anh cổ, tuân theo các quy tắc biến đổi nguyên âm, là nhóm từ được sử dụng thường xuyên nhất. Bài viết sẽ khám phá nguồn gốc của chúng và gợi ý cách ghi nhớ hiệu quả để giúp việc học tiếng Anh dễ dàng hơn.
nguon goc cua dong tu bat quy tac va cach ghi nho

Key takeaways

  • Nguồn gốc: Động từ bất quy tắc xuất phát từ tiếng Anh cổ, nơi chúng theo các quy tắc biến đổi nguyên âm. Chúng là những động từ được sử dụng thường xuyên nhất trong giao tiếp hàng ngày. 

  • Lợi ích: Động từ bất quy tắc đơn giản hóa phát âm và giữ lại sự đa dạng văn hóa, lịch sử của ngôn ngữ.

  • Giải pháp ghi nhớ: Nhóm động từ theo mẫu, kết hợp ngữ cảnh thực tế và công nghệ để dễ nhớ hơn.

  • Học viên tự học và giáo viên nên có những phương pháp phù hợp để tăng khả năng ghi nhớ động từ bất quy tắc. 

Giới thiệu

Trong ngữ pháp tiếng Anh, irregular verbs (động từ bất quy tắc) luôn là thách thức đối với một số người học do chúng không tuân theo quy tắc chung. Việc phải học các dạng động từ không theo quy tắc khiến nhiều người học cảm thấy khó khăn. Tuy nhiên, động từ bất quy tắc vẫn tồn tại và giữ vai trò quan trọng trong ngôn ngữ. Bài viết này sẽ xem xét nguồn gốc lịch sử của những động từ này, nhằm giải thích tại sao chúng vẫn được sử dụng và đưa ra các giải pháp giúp người học dễ dàng ghi nhớ và sử dụng chúng hiệu quả hơn. 

Nguồn gốc lịch sử của động từ bất quy tắc

Động từ bất quy tắc trong tiếng Anh là kết quả của quá trình phát triển ngôn ngữ lâu dài, bắt nguồn từ hệ thống ngữ pháp phức tạp của tiếng Anh cổ và Latin. Trong tiếng Anh cổ (Old English), các động từ thường được chia thành các nhóm dựa trên những quy tắc biến đổi khác với hiện tại. Một trong những quy tắc phổ biến là thay đổi nguyên âm để biểu thị thì quá khứ. Ví dụ, động từ "sing" trong tiếng Anh cổ có dạng "singan", với các hình thái biến đổi như "sang" (quá khứ) và "gesungen" (quá khứ phân từ). Tương tự, động từ "ride" được biến đổi thành "rode" theo quy tắc thay đổi nguyên âm này [1].

Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ, những quy tắc phức tạp dần bị thay thế bởi những quy tắc đơn giản hơn. Bắt đầu từ thời kỳ tiếng Anh trung đại (Middle English), khoảng năm 1100 sau Công nguyên, một quy tắc mới bắt đầu lan rộng. Quy tắc này là thêm âm “d” hoặc “ed” vào cuối động từ để tạo thành thì quá khứ, xuất phát từ các động từ như "lufian" (love) có dạng quá khứ là “lufode” (loved), và cuối cùng nó trở thành quy tắc phổ biến nhất trong tiếng Anh hiện đại [2] [4]

Dù vậy, một số động từ đã "kháng cự" sự thay đổi này và giữ nguyên hình thức cũ, trở thành các động từ bất quy tắc mà chúng ta biết ngày nay. Những động từ được sử dụng thường xuyên nhất trong giao tiếp hàng ngày, như "to be," "to have," và "to go," vẫn giữ nguyên hình thức bất quy tắc. Tần suất sử dụng cao giúp các động từ này củng cố vị thế và kháng lại sự thay đổi theo thời gian. Ngược lại, các động từ ít sử dụng hơn đã dần bị "quy tắc hóa" theo quy tắc thêm "ed" để biểu thị thì quá khứ [1] [3].

Lợi ích của động từ bất quy tắc đối với ngôn ngữ

Mặc dù động từ bất quy tắc có thể khiến người học gặp khó khăn do chúng không tuân theo các quy tắc chuẩn, sự tồn tại của chúng lại mang đến nhiều lợi ích trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là về mặt hiệu quả ngôn ngữ.

Cụ thể, một trong những lợi ích chính của động từ bất quy tắc là tính đơn giản hóa trong phát âm. Ví dụ, các từ như “had” và “sent” trở thành bất quy tắc do việc loại bỏ các âm thừa như trong "hæfde" (haved) hay "sended" (từng được dùng trong Old English) [5] [6], giúp quá trình phát âm trở nên nhanh gọn và tự nhiên hơn. Việc này không chỉ giúp người nói tiết kiệm thời gian và công sức mà còn làm cho lời nói trở nên mượt mà hơn, đặc biệt khi giao tiếp hàng ngày yêu cầu sự linh hoạt và tốc độ.

Ngoài việc đơn giản hóa phát âm và tối ưu hóa hiệu quả giao tiếp, động từ bất quy tắc còn mang lại tính giàu có và đa dạng cho ngôn ngữ. Chúng giúp giữ lại các yếu tố lịch sử và văn hóa ngôn ngữ, tạo nên sự phong phú trong cách diễn đạt. Như đã trình bày trước đó, động từ bất quy tắc thường có nguồn gốc từ những thời kỳ ngôn ngữ cổ, và sự tồn tại của chúng trong ngôn ngữ hiện đại là một minh chứng cho quá trình phát triển ngôn ngữ qua thời gian. Nhờ đó, việc sử dụng động từ bất quy tắc giúp giữ lại một phần di sản văn hóa và lịch sử của tiếng Anh, làm cho ngôn ngữ trở nên sinh động và có chiều sâu hơn.

Tham khảo thêm: Tổng hợp 360 động từ bất quy tắc thông dụng trong tiếng Anh.

image-alt

Giải pháp ghi nhớ động từ bất quy tắc

Nhóm các động từ bất quy tắc

Không có một cách phân chia phổ quát nào để phân loại hoàn toàn tất cả các động từ bất quy tắc trong tiếng Anh. Nguyên nhân là do các động từ bất quy tắc có nguồn gốc lịch sử và biến đổi ngữ pháp phức tạp, dẫn đến việc không tuân theo một mô hình nhất định. 

Tuy nhiên, chia chúng thành các nhóm theo quy tắc âm thanh và cấu trúc có thể là một cách hiệu quả với nhiều người học, đặc biệt là người học yêu thích sự nhất quán. Nhiều nghiên cứu khoa học, như của Deacon và Kirby (2004) cho thấy việc nhận diện các mẫu hình thái học có thể cải thiện khả năng ghi nhớ từ vựng và năng lực ngôn ngữ tổng thể. Nghiên cứu của Nation (2001) về việc tiếp thu từ vựng cũng nhấn mạnh rằng việc nhóm các mục tương tự - như các động từ có chung đuôi hoặc mẫu từ - giúp tăng cường khả năng ghi nhớ [7] [8]

Trong bài viết này, tác giả có thể chia động từ bất quy tắc thành bốn nhóm lớn như sau: 

Nhóm 1: Động từ có cả ba dạng giống nhau

Động từ này không thay đổi ở hiện tại, quá khứ đơn và quá khứ phân từ. Đây là nhóm đơn giản nhất trong động từ bất quy tắc.

Ví dụ:

  • bet – bet – bet (đánh cược)

  • burst – burst – burst (nổ)

  • cost – cost – cost (tốn)

  • cut – cut – cut (cắt)

  • fit – fit – fit (vừa vặn) (Anh Mỹ)

  • hit – hit – hit (đánh)

  • hurt – hurt – hurt (làm đau)

  • let – let – let (để cho)

  • light – lit – lit (thắp sáng)

  • put – put – put (đặt)

  • quit – quit – quit (bỏ)

  • set – set – set (đặt, thiết lập)

  • shut – shut – shut (đóng)

  • split – split – split (chia)

Nhóm 2: Động từ có dạng nguyên mẫu và quá khứ phân từ giống nhau

Các động từ bất quy tắc trong nhóm này có dạng nguyên mẫu (base form) và quá khứ phân từ (past participle) giống nhau, nhưng quá khứ đơn (past tense) khác.

  • become – became – become (trở thành)

  • come – came – come (đến)

  • overcome – overcame – overcome (vượt qua)

  • run – ran – run (chạy)

Dạng nguyên mẫu và quá khứ phân từ của các động từ bên dưới đây cũng khá giống nhau, chỉ cần thêm “n” vào quá khứ phân từ. 

Ví dụ:

  • blow – blew – blown (thổi)

  • draw – drew – drawn (vẽ)

  • grow – grew – grown (phát triển)

  • know – knew – known (biết)

  • throw – threw – thrown (ném)

image-alt

Nhóm 3: Động từ có dạng quá khứ và quá khứ phân từ giống nhau

Động từ này có dạng quá khứ và quá khứ phân từ giống nhau, nhưng khác với dạng nguyên mẫu. Chúng thường thay đổi phụ âm hoặc nguyên âm.

 Nhóm 3.1: Động từ có "-d" chuyển thành "-t"

Các động từ kết thúc bằng "-d" trong dạng nguyên mẫu chuyển thành "-t" trong cả quá khứ và quá khứ phân từ.

Ví dụ:

  • bend – bent – bent (uốn cong)

  • build – built – built (xây dựng)

  • lend – lent – lent (cho mượn)

  • send – sent – sent (gửi)

  • spend – spent – spent (tiêu dùng)

 Nhóm 3.2: Động từ thêm "-t" vào dạng nguyên mẫu

Động từ này giữ nguyên phụ âm cuối và chỉ thêm "-t" vào sau nguyên âm.

Ví dụ:

  • burn – burnt – burnt (đốt)

  • dream – dreamt – dreamt (mơ)

  • learn – learnt – learnt (học)

  • smell – smelt – smelt (ngửi)

  • spell – spelt – spelt (đánh vần)

 Nhóm 3.3: Động từ chỉ đổi một chữ cái nguyên âm

Các động từ này thay đổi một chữ cái thuộc nguyên âm trong cả quá khứ và quá khứ phân từ. Thường gặp nhất là đổi từ chữ cái "i" thành "u". 

Ví dụ:

  • dig – dug – dug (đào)

  • hang – hung – hung (treo)

  • sit – sat – sat (ngồi)

  • spin – spun – spun (xoay)

  • stick – stuck – stuck (dính)

  • strike – struck – struck (đánh)

  • win – won – won (thắng)

 Nhóm 3.4: Động từ có nguyên âm thay đổi từ âm /i:/ sang âm /e/

Các động từ này thay đổi từ nguyên âm dài /i:/ thành nguyên âm ngắn /e/ trong cả quá khứ và quá khứ phân từ. Lưu ý mục này được tác giả nhóm bằng cách phát âm, không phải cách viết. 

Ví dụ:

  • deal – dealt – dealt (giải quyết)

  • feel – felt – felt (cảm nhận)

  • flee – fled – fled (chạy trốn)

  • keep – kept – kept (giữ)

  • lead – led – led (dẫn đầu)

  • leave – left – left (rời đi)

  • mean – meant – meant (có nghĩa)

  • meet – met – met (gặp)

  • read – read – read (đọc)

  • sleep – slept – slept (ngủ)

  • sweep – swept – swept (quét)

 Nhóm 3.5: Động từ kết thúc với "-ind" thay đổi thành "-ound"

Động từ kết thúc bằng "-ind" trong dạng nguyên mẫu và chuyển thành "-ound" trong cả quá khứ và quá khứ phân từ.

Ví dụ:

  • bind – bound – bound (trói buộc)

  • find – found – found (tìm thấy)

  • grind – ground – ground (nghiền)

  • wind – wound – wound (quấn)

 Nhóm 3.6: Động từ kết thúc với "-ought" hoặc "-aught"

Các động từ này kết thúc bằng "-ought" hoặc "-aught" trong quá khứ và quá khứ phân từ.

Ví dụ:

  • bring – brought – brought (mang)

  • buy – bought – bought (mua)

  • catch – caught – caught (bắt)

  • fight – fought – fought (đánh nhau)

  • seek – sought – sought (tìm kiếm)

  • teach – taught – taught (dạy)

  • think – thought – thought (nghĩ)

Nhóm 4: Động từ có cả ba dạng khác nhau

Động từ trong nhóm này thay đổi hoàn toàn giữa dạng nguyên mẫu, quá khứ đơn, và quá khứ phân từ.

 Nhóm 4.1: Động từ có sự thay đổi nguyên âm

Các động từ này thay đổi nguyên âm theo mẫu i - a - u. 

Ví dụ:

  • begin – began – begun (bắt đầu)

  • drink – drank – drunk (uống)

  • ring – rang – rung (reo chuông)

  • sing – sang – sung (hát)

  • sink – sank – sunk (chìm)

  • swim – swam – swum (bơi)

 Nhóm 4.2: Động từ có hậu tố "-en"

Nhóm này bao gồm các động từ có sự thay đổi nguyên âm và thêm hậu tố "-en" trong quá khứ phân từ.

Ví dụ:

  • beat – beat – beaten (đánh)

  • break – broke – broken (làm vỡ)

  • choose – chose – chosen (chọn)

  • fall – fell – fallen (rơi)

  • forget – forgot – forgotten (quên)

  • give – gave – given (cho)

  • hide – hid – hidden (giấu)

  • ride – rode – ridden (cưỡi)

  • see – saw – seen (nhìn thấy)

  • shake – shook – shaken (lắc)

  • speak – spoke – spoken (nói)

  • steal – stole – stolen (ăn cắp)

  • take – took – taken (lấy)

  • wake – woke – woken (thức dậy)

  • write – wrote – written (viết) 

 Nhóm 4.3: Động từ thay đổi hoàn toàn ở tất cả các dạng

Các động từ này có sự thay đổi toàn bộ giữa dạng nguyên mẫu, quá khứ đơn và quá khứ phân từ, không có sự liên kết rõ ràng giữa các dạng.

Ví dụ:

  • be – was/were – been (thì, là)

  • do – did – done (làm)

  • fly – flew – flown (bay)

  • go – went – gone (đi)

  • lie – lay – lain (nằm)

  • show – showed – shown (trình diễn)

  • tear – tore – torn (xé)

  • wear – wore – worn (mặc)

Nhóm các động từ bất quy tắc

Sử dụng văn cảnh

Người học có thể áp dụng động từ bất quy tắc vào các tình huống thực tế để ghi nhớ dễ hơn. Thay vì chỉ học thuộc lòng các động từ, người học có thể tạo câu đơn giản với các động từ này trong các thì khác nhau. Điều này giúp gắn kết từ vựng với ngữ cảnh cụ thể, từ đó cải thiện khả năng ghi nhớ và sử dụng chúng trong giao tiếp hàng ngày.

Ví dụ: Với động từ go (đi), người học có thể tạo nên một câu chuyện với ba thì khác nhau để sử dụng được cả ba dạng của nó: 

  • My mother goes somewhere every day. Yesterday, she went to the supermarket. Today, she has gone to the hair salon and hasn't come back yet.

  • Mẹ tôi đi đâu đó mỗi ngày. Hôm qua cô ấy đi siêu thị. Hôm nay cô ấy đã đi tới tiệm làm tóc và vẫn chưa về. 

Bằng cách sử dụng động từ bất quy tắc trong các câu thực tế như vậy, người học sẽ dần ghi nhớ cách chia động từ trong ngữ cảnh và tình huống giao tiếp cụ thể, giúp cải thiện kỹ năng sử dụng tiếng Anh.

Ứng dụng công nghệ

Các công cụ học tập như flashcards, các ứng dụng di động và trò chơi từ vựng là những cách khá hiệu quả để giúp người học luyện tập động từ bất quy tắc. Những ứng dụng này không chỉ cung cấp môi trường học tập vui vẻ mà còn sử dụng phương pháp lặp lại ngắt quãng (spaced repetition) để củng cố trí nhớ.

Ví dụ một số công cụ công nghệ hỗ trợ ghi nhớ động từ bất quy tắc:

  • Ứng dụng học tiếng Anh Duolingo: Trong mỗi bài học, Duolingo cung cấp các bài tập về động từ bất quy tắc, kết hợp giữa câu hỏi dạng flashcards và bài tập điền từ. Ứng dụng này còn sử dụng phương pháp lặp lại ngắt quãng để người học thường xuyên ôn lại những động từ mà họ chưa thành thạo.

  • Quizlet: Đây là ứng dụng flashcards rất hữu ích để luyện động từ bất quy tắc. Người học có thể tạo bộ flashcards với các cặp từ như “base form – past simple – past participle” (nguyên mẫu – quá khứ đơn – quá khứ phân từ), và Quizlet sẽ giúp ôn tập thông qua các bài kiểm tra ngắn và trò chơi.

  • Memrise: Ứng dụng này cung cấp các bài học động từ bất quy tắc với các ví dụ văn cảnh thực tế, kèm hình ảnh và âm thanh. Memrise cũng sử dụng lặp lại ngắt quãng để đảm bảo người học nhớ lâu hơn và thực hành một cách hiệu quả.

Những ứng dụng này không chỉ giúp người học tiếp cận động từ bất quy tắc một cách trực quan và thú vị mà còn tạo động lực học nhờ tính tương tác và phương pháp hiện đại.

Người học có thể tham khảo thêm về phương pháp lặp lại ngắt quãng ở bài viết này: Spaced Repetition: Học từ vựng bằng phương pháp lặp lại ngắt quãng

image-alt

Ứng dụng trong giảng dạy

Ngoài những phương pháp trên rất thích hợp cho học viên tự học, giáo viên trên lớp có thể kết hợp các phương pháp sáng tạo như kể chuyện, tình huống thực tế, hoặc các trò chơi từ vựng để giúp học sinh hứng thú hơn với việc học động từ bất quy tắc, cụ thể: 

  • Kể chuyện: Giáo viên có thể kể một câu chuyện ngắn có chứa nhiều động từ bất quy tắc. Sau khi kể xong, học sinh sẽ được yêu cầu tìm và liệt kê các động từ bất quy tắc đã xuất hiện trong câu chuyện. Ví dụ, trong một câu chuyện về một chuyến du lịch, giáo viên có thể sử dụng các động từ như go-went-gone, see-saw-seen, meet-met-met.

  • Tình huống thực tế: Giáo viên có thể tạo ra các tình huống mô phỏng trong lớp học, yêu cầu học sinh sử dụng động từ bất quy tắc trong các cuộc hội thoại. Ví dụ, giả định một tình huống khi học sinh đi du lịch và phải miêu tả những gì họ đã làm, sử dụng các động từ như buy-bought-bought, take-took-taken, say-said-said.

  • Trò chơi từ vựng: Giáo viên có thể tổ chức trò chơi như Bingo với các động từ bất quy tắc hoặc trò chơi "Đuổi hình bắt chữ", trong đó học sinh phải đoán động từ bất quy tắc dựa trên hình ảnh hoặc câu đố. Cách tiếp cận này không chỉ vui nhộn mà còn giúp học sinh củng cố kiến thức động từ bất quy tắc một cách thoải mái. 

  • Nhóm động từ: Giáo viên có thể ôn luyện bằng cách yêu cầu học sinh liệt kê các động từ bất quy tắc có cùng khuôn mẫu (thuộc cùng nhóm hình thái). Ví dụ, giáo viên có thể viết lên bảng một động từ bất quy tắc có dạng chia giống nhau như put - put - put, sau đó khuyến khích học sinh tiếp tục ghi các động từ khác có cùng mẫu. Cách làm này giúp học sinh nhận diện và ghi nhớ dễ dàng hơn các động từ bất quy tắc thông qua việc nhận ra các quy tắc ngầm trong sự biến đổi của chúng. Đồng thời, việc thực hành trên lớp với sự tham gia tích cực của học sinh sẽ tạo ra môi trường học tập tương tác và giúp củng cố kiến thức nhanh hơn.

  • Đánh giá hiệu quả: Giáo viên có thể kết hợp sử dụng các bài kiểm tra nhỏ hoặc bài tập thực hành để đánh giá mức độ ghi nhớ của học sinh sau khi học các động từ bất quy tắc. 

Việc kết hợp các giải pháp trên vào cả giảng dạy và học tập không chỉ giúp người học tiếp cận kiến thức một cách sáng tạo mà còn tạo điều kiện cho họ thực hành và cải thiện kỹ năng sử dụng động từ bất quy tắc một cách hiệu quả.

image-alt

Kết luận

Mặc dù sự tồn tại của động từ bất quy tắc có thể khiến nhiều người cảm thấy hệ thống động từ trong tiếng Anh hiện tại không đồng nhất và phức tạp, nhưng nó vẫn đảm bảo được tính hiệu quả trong giao tiếp và phản ánh quá trình phát triển của ngôn ngữ qua nhiều thế kỷ. Tác giả hi vọng, qua bài viết, với sự hỗ trợ từ các phương pháp học tập phù hợp, người học có thể dễ dàng ghi nhớ và sử dụng các động từ bất quy tắc trong thực tế, góp phần nâng cao khả năng giao tiếp và ngôn ngữ của mình.

Tham vấn chuyên môn
Ngô Phương ThảoNgô Phương Thảo
GV
Triết lý giáo dục: "Không ai bị bỏ lại phía sau" (Leave no one behind). Mọi học viên đều cần có cơ hội học tập và phát triển phù hợp với mức độ tiếp thu và tốc độ học tập riêng của mình.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...