Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 6: Các giai đoạn khi viết bài báo khoa học

Bài viết sẽ cung cấp cho người đọc một cái hình tổng quát nhất về các giai đoạn khi viết một bài báo khoa học.
author
Lê Trọng Hiếu
03/06/2024
nhung dieu can biet khi viet bai bao khoa hoc phan 6 cac giai doan khi viet bai bao khoa hoc

Những thông tin cần thiết trong quá trình chuẩn bị viết báo khoa học đã được giới thiệu ở bài trước. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn đang chưa hình dung được giai đoạn để viết một bài báo khoa học sẽ diễn ra theo một trình tự nào. Do vậy, bài viết sẽ cung cấp cho người đọc một cái hình tổng quát nhất về giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn viết bài và giai đoạn hoàn thiện.

Key takeaways

Có ba giai đoạn khi viết bài báo khoa học:

  • Giai đoạn 1: Chuẩn bị tài liệu và mindset

  • Giai đoạn 2: Chuẩn bị bản thảo nháp.

  • Giai đoạn 3: Hoàn thiện bản thảo.

Giai đoạn 1: Chuẩn bị bài báo mẫu, tạp chí mục tiêu, danh sách các tài liệu tham khảo và mindset trước khi viết.

Giai đoạn 2: Chuẩn bị các bản thảo nháp, theo thứ tự từ phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, đặt vấn đề và bàn luận.

Giai đoạn 3: Kiểm tra lại cấu trúc và nội dung của bản thảo.

Xem các phần trước:

Giai đoạn 1: Chuẩn bị tài liệu và mindset cho bài báo khoa học

Chuẩn bị bài báo mẫu và tạp chí mục tiêu

Trước khi bắt tay vào viết, việc tìm một bài báo có tính tương đồng đối với nghiên cứu của mình là rất cần thiết, vì nó sẽ giúp cho người viết định hình được văn phong, và những nội dung cần được cho vào bài báo. Để chọn được một bài báo tham khảo phù hợp, đầu tiên tác giả cần lựa chọn những từ khoá liên quan tới công trình nghiên cứu của mình. Sau khi tìm được cái từ khoá (keywords) phù hợp thì học giả sẽ tra cứu trên các nguồn truy xuất dữ liệu như google scholar, science direct, web of science, pubmed,… Việc tra cứu bằng từ khoá sẽ giúp cho tác giả tìm được những nghiên cứu có tính tương đồng nhất đối với bài báo của mình.

Ví dụ: Một nhà khoa học đang có nghiên cứu về việc liệu bệnh tự kỉ ở trẻ em có làm tăng khả năng học ngôn ngữ lên không. Do đó, tác giả cần xác định một số từ khoá như là “autism” (Hội chứng tự kỉ), “languague ability” (Khả năng ngôn ngữ), “languague barriers” (Rào cản ngôn ngữ),… để thu hẹp phạm vi tìm kiếm. Sau đó, học giả có thể tra cứu các từ khoá này cùng một lúc ở trong các nguồn truy xuất dữ liệu để tìm được bài báo phù hợp nhất với nghiên cứu của mình.

Sau khi tìm được một vài bài báo khoa học tương đồng, việc tiếp theo đó chính là phân tích cấu trúc của bài báo này. Việc phân tích ở đây sẽ chỉ dừng ở mức tổng quát, nghĩa là mình cần xem bài báo được viết theo cấu trúc nào, các đầu mục nhỏ trong mỗi mục là gì. Việc này sẽ giúp cho các nhà khoa học sẽ xác định được chính xác bài báo khoa học tham khảo có cùng mục tiêu, đối tượng, kết quả với nghiên cứu mà mình đang định triển khai hay không.

Cuối cùng, dựa trên những bài báo khoa học đó, tác giả có thể đi tìm tạp chí khoa học mà mình muốn đăng. Việc tìm kiếm các tạp chí khoa học, và cách tránh các tạp chí săn mồi đã được giới thiệu ở bài trước của chuỗi bài viết. Sau khi tìm được tạp chí khoa học mục tiêu, học giả cần tìm kiếm thêm những yêu cầu về mặt format mà tạp chí đưa ra, thường phần này sẽ nằm trong mục “Author guide”, được công bố rộng rãi ở các website của tạp chí.

Như vậy, sau khi kết thúc quá trình tìm kiếm bài báo mẫu và tạp chí mục tiêu, tác giả sẽ có trong tay hai nội dung chính, đầu tiên là cấu trúc của bài báo mẫu, và thứ hai là hướng dẫn đăng bài trên tạp chí mục tiêu. Việc cần làm lúc này là tổng hợp hai nội dung này lại thành một dàn bài hoàn chỉnh để chuẩn bị cho phần viết bài.

Chuẩn bị tài liệu tham khảo cho bài báo khoa học

Sau khi tác giả đã có khung dàn ý cho bài báo khoa học của mình rồi, bước tiếp theo chính là đi tìm kiếm và tổng hợp tài liệu tham khảo. Việc chuẩn bị tài liệu tham khảo là rất quan trọng, bởi vì một bài báo khoa học thường cần trích dẫn tài liệu từ các nghiên cứu, đặc biệt là ở phần đặt vấn đề (introduction) và bàn luận (discussion).

Ví dụ, ở phần introduction, dàn bài dự kiến của tác giả sẽ là (1): Giới thiệu về bệnh tự kỉ; (2): Giới thiệu về khả năng phát triển ngôn ngữ ở người (3): Nghiên cứu liên quan tới bệnh tự kỉ và khả năng học ngôn ngữ. Khi đó, tác giả cần tìm những tài liệu liên quan tới từng mục một, và nên lưu trữ một cách khoa học ở trên Excel spreadsheet. Dưới đây là một ví dụ về nội dung trích dẫn một bào báo khoa học:

  • Số thứ tự: 1

  • Tên bài báo: Definitions of Nonverbal and Minimally Verbal in Research for Autism: A systematic review of the literature

  • Tác giả và năm xuất bản: Lynn 2020

  • Nội dung trích dẫn: Participants should be identified as nonverbal or minimally verbal. For nonverbal children with ASD, credible procedures need to be reported. For minimally verbal children, a credible estimates of word counts should be reported.

  • Vị trí trích dẫn: 1.1. Identification of laguage-related problems in children with autism.

  • Link bài báo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7377965/

  • Ghi chú: Đây là bài systematic review => Có thể tìm thêm tài liệu tham khảo trong này

Một điểm chú ý ở đây là cột “Vị trí trích dẫn”. Tác giả cần tạo rõ các mục nhỏ để xác định đúng vị trí của tài liệu tham khảo mình cần thêm vào. Ví dụ như phần đầu tiên là về (1) Giới thiệu về bệnh tự kỉ. Trong phần này cần có các mục nhỏ hơn, ví dụ như (1.1) Định nghĩa về bệnh tự kỉ; (1.2) Tỉ lệ bệnh tự kỉ ở trên thế giới hiện nay; (1.3) Các khó khăn mà bệnh nhân bị tự kỉ thường gặp phải,… Thậm chí, các đầu mục có thể chia nhỏ hơn nữa, ví dụ như (1.2.1) Tình trạng bệnh tự kỉ ở trên thế giới (1.2.2) Tình trạng bệnh tự kỉ ở Việt Nam. Việc chia nhỏ ra như vậy sẽ giúp cho quá trình viết bài trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, tiết kiệm thời gian cũng như công sức mà học giả phải bỏ ra.

Chuẩn bị mindset khi viết bài báo khoa học

Việc chuẩn bị tâm lý khi viết cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Viết một bài báo khoa học vô cùng tốn công sức và thời gian, do đó tác giả cần lên kế hoạch cụ thể, chẳng hạn như đặt các deadline cho từng phần một. Thiết lập kế hoạch sẽ giúp cho học giả tối ưu được thời gian, và tránh được việc nản chí hay trì trệ trong quá trình viết bài.

Ngoài ra, review lại bài viết là vô cùng quan trọng. Tác giả cần chuẩn bị tâm lý rằng việc mình sửa đi sửa lại nội dung bài viết là điều hoàn toàn bình thường và không có gì đáng lo ngại. Ngay cả những nhà khoa học giỏi nhất trên thế giới hiện nay cũng không thể nào hoàn thiện được một bản thảo ngay từ lần đầu tiên. Nhiều người thường có tâm lý là chán nản hay tiếc cho những phần mình đã viết ra, hoặc có những nhà khoa học lại rất tỉ mỉ trong từng câu chữ ở ngay lần viết đầu tiên. Nhưng viết lách là việc đòi hỏi thời gian và tư duy ngôn ngữ, khi dành thời gian nghỉ ngơi và đọc lại thì tác giả sẽ có một cái nhìn khách quan hơn về những thứ mà mình vừa viết. Do vậy, khi viết xong lần đầu tiên, hãy lưu lại và nghỉ ngơi, sau đó đọc và sửa lại bài viết. Quá trình này có thể lặp đi lặp lại rất nhiều lần.

Điều cuối cùng đó chính là mình cần chuẩn bị tinh thần tiếp nhận những ý kiến đóng góp về nội dung theo ý kiến của các chuyên gia và đồng nghiệp. Trong quá trình làm khoa học, ai cũng sẽ có những góc nhìn và những thế mạnh riêng, do đó việc tiếp nhận những góc nhìn khác nhau về một vấn đề là một điều cần thiết để các nhà khoa học có thể phát triển bản thân của mình. Đầu tiên là hãy nhờ những giáo sư, đồng nghiệp của mình đóng góp, và sau đó cần cởi mở đón nhận những lời nhận xét, bình luận của các nhà bình duyệt.

Giai đoạn 2: Chuẩn bị bản thảo nháp

Thứ tự viết bài báo khoa học

Không có một quy tắc nào bắt nhà khoa học phải viết theo thứ tự từ trên xuống trong cấu trúc IMRAD. Nghĩa là tác giả có thể hoàn toàn bắt đầu viết ở phần nào cũng được. Thông thường, các học giả nên bắt đầu viết từ phần phương pháp nghiên cứu, rồi tới kết quả nghiên cứu trước, sau đó mới viết tới phần đặt vấn đề, cuối cùng là viết bàn luận.

Phần phương pháp nghiên cứu nên được viết đầu tiên, tại vì nó là phần dễ nhất để bắt đầu. Trong quá trình làm nghiên cứu thì nhà khoa học đã hiểu rất rõ về nội dung nghiên cứu của mình rồi, do vậy họ sẽ không cảm thấy quá khó khăn khi viết phần này. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng phần này phải viết rất chi tiết để người đọc có thể hiểu được bạn đang làm những gì (Phần 2 của chuỗi bài viết). Sau khi viết phần phương pháp thì tác giả nên tiếp tục với phần kết quả. Hãy viết phần này trước khi viết phần đặt vấn đề (Introduction) để đảm bảo rằng các nội dung trong phần đặt vấn đề liên quan tới kết quả của nghiên cứu. Tác giả chỉ nên báo cáo (report) số liệu chứ không được phân tích (discuss) về kết quả này, bởi lẽ đó là nhiệm vụ trong phần bàn luận (discussion). Hãy bắt đầu từ việc nêu số liệu trong kết quả nghiên cứu một cách rõ ràng, cùng với các hình và bảng đi kèm.

Phần đặt vấn đề không chỉ là một đoạn tóm tắt các nghiên cứu ở trong lĩnh vực mà các nhà khoa học đang làm. Nó cần bao gồm thêm các thông tin để giải thích mục đích của nghiên cứu, tại sao cần tiến hành nghiên cứu này, và câu hỏi nghiên cứu ở đây là gì. Cuối cùng, hãy viết phần bàn luận. Đây là phần khó nhất trong một bài báo khoa học, bởi vì tác giả sẽ cần so sánh, phân tích, thảo luân về kết quả nghiên cứu của mình cũng như các nghiên cứu khác trên thế giới. Mục đích của phần này là tóm gọn lại kết quả của mình, so sánh với các kết quả trên thế giới, và đưa ra những giả thuyết, đề nghị cho các nghiên cứu tiếp theo.

Ngôn ngữ sử dụng khi viết bài báo khoa học

Ngôn ngữ ở đây được hiểu là văn phong, cách sử dụng từ ngữ trong các bài báo khoa học. Hãy sử dụng các câu văn đơn giản, không nên cố nối thành các câu ghép quá dài nếu như câu đơn có thể giúp truyền tải thông tin nhanh gọn và rõ rang hơn. Bên cạnh đó, việc chia nhỏ các thông tin thành từng phần hoặc từng đoạn khác nhau cũng làm cho nội dung được truyền tải dễ dàng hơn. Tốt nhất, các nhà khoa học nên sử dụng câu đơn, hoặc câu ghép ngắn để viết. Khi nào tới phần đọc lại bài viết, nếu thấy câu văn ngắn và lủng củng thì có thể sửa lại sau. Việc này để giúp cho bản thảo tránh được các lỗi ngữ pháp căn bản, cũng như làm nội dung của nguyên cứu tới người đọc nhanh hơn. Từ ngữ trong bài không cần quá phức tạp, đôi khi sự phức tạp hoá sẽ làm cho người đọc cảm thấy khó hiểu nội dung của bài nghiên cứu này.

Tập trung vào nội dung bài báo khoa học

Khi viết, tác giả cần tập trung vào nội dung nghiên cứu của mình và tránh việc bị lan man. Điều này rất dễ xảy ra khi não bộ phải hoạt động trong một thời gian dài, và việc lập kế hoạch cũng như review lại bài viết sẽ giúp ta tránh khỏi điều này. Dưới đây là một số điều mà các nhà khoa học nên chú ý trong quá trình viết bản thảo:

  • Xây dựng dàn ý cho bàn viết (Đã tự hiện ở giai đoạn 1).

  • Đảm bảo thông tin được viết theo khung xây dựng (Đã tự thực hiện ở giai đoạn 1).

  • Đảm bảo các ý khi viết liên quan tới dàn ý của mình.

  • Tránh bỏ sót các thông tin quan trọng.

  • Tránh việc lặp lại thông tin trong bài.

Dấu câu và ngữ pháp trong câu

Cũng giống như phần ngôn ngữ sử dụng, hãy đảm bảo nội dung này cũng thật đơn giản. Đa số mọi người đều sử dụng sai dấu câu, và hãy viết hoa các tên riêng và chữ cái ở đầu câu một cách hợp lý. Dùng dấu hai chấm trước khi liệt kê, và sử dụng dấu phẩy để ngăn cách các thứ được liệt kê. Dấu phẩy được sử dụng để phân cách các nội dung thông tin, tuy nhiên không nên quá lạm dụng chúng. Nếu như câu văn bắt đầu bằng một con số, hãy viết nó dưới dạng chữ thay vì viết ở dạng chữ số.

Giai đoạn 3: Hoàn thiện bản thảo

Hoàn thiện cấu trúc bài viết

Sau khi hoàn thiện bản chính thức của bài báo khoa học, thì các tác giả cần kiểm tra lại cấu trúc và nội dung của bài báo trước khi nộp. Về phần cấu trúc, tác giả có thể kiểm tra dựa theo các câu hỏi như sau:

  1. Tạp chí khoa học có nhiều hơn một mục chủ đề (scope) hay không? Nếu có thì chủ đề nào sẽ phù hợp nhất với bài báo khoa học của mình?

  2. Độ dài tối đa của bài báo là bao nhiêu trang? Độ dài tối đa của phần tóm tắt (abstract) là bao nhiêu chữ?

  3. Bài báo khoa học của mình cần bao gồm những phần nào? Các phần trong bài viết của mình đã phù hợp với yêu cầu của tạp chí hay chưa?

  4. Số lượng hình và bảng yêu cầu trong tạp chí tối đa là bao nhiêu? Chất lượng hình ảnh sẽ yêu cầu như nào?

  5. Các tài liệu tham khảo nên được trích dẫn theo format nào? Tạp chí có giới hạn số lượng số lượng tài liệu tham khảo trích dẫn hay không?

Hoàn thiện nội dung bản thảo

Sau khi nộp bản thảo và được chấp nhận để bình duyệt, tạp chí sẽ gửi bài báo tới hai nhà phê bình để đọc và nhận xét. Tuy nhiên quá trình hay cũng có thể tốn nhiều thời gian, và đôi lúc ý kiến của họ lại không cùng với suy nghĩ của mình. Để giảm thiểu tối đa sự khác biệt trong lối suy nghĩ của các nhà phê bình với cách tư duy của nhà khoa học, những câu hỏi sau có thể được tham khảo:

  1. Đóng góp của nghiên cứu này có mới trong lĩnh vực hay không?

  2. Đóng góp của nghiên cứu này có quan trọng đối với lĩnh vực hay không?

  3. Mục tiêu và nội dung nghiên cứu có phù hợp để xuất bản trên tạp chí này hay không? 

  4. Nội dung phần phương pháp và kết quả nghiên cứu có được trình bày theo tiêu chuẩn khoa học hay không?

  5. Các kết luận của bài báo đưa ra có dựa trên kết quả nghiên cứu hay không?

  6. Độ dài của bài báo có phù hợp hay không?

  7. Những hình ảnh trong bản thảo đã đạt chất lượng, rõ ràng hay chưa?

  8. Các hình và bảng trong bài báo có cần thiết hay không?

  9. Tiêu đề, ký tự, chú thích của các bảng và hình đã phù hợp hay chưa?

  10. Tên của bài báo và phần tóm tắt đã phản ảnh đúng nội dung bài báo hay chưa?

  11. Các tài liệu tham khảo đã được cập nhật đầy đủ chưa, có trích dẫn thiếu ở đâu không, và các ký tự viết tắt đã được chú thích hay chưa?

Cuối cùng, khi tổng biên tập, hoặc nhà phê bình, đọc bản thảo của nhà khoa học, điều đầu tiên mà họ chú ý tới chính là tiêu đề. Khi đọc xong tiêu đề thì người đọc sẽ bắt đầu tự hình dung trong đầu các câu hỏi liên quan tới chủ đề này. Do đó, họ sẽ hy vọng rằng nội bài báo sẽ giải quyết được những câu hỏi đó. Nếu như nội dung của bản thảo mà không thể thoả mãn hay đáp ứng để trả lời các câu hỏi được thì rất có khả năng họ sẽ từ chối. Như vậy, khi chuẩn bị tiêu đề cho bài viết của mình, các nhà khoa học cần hình dung ra trong đầu những câu hỏi mà nhà phê bình có thể nghĩ ra, và tự mình đánh giá xem liệu bài báo của mình có thể trả lời cho các câu hỏi đó hay không.

Ví dụ, ta có một tiêu đề “Behavior predictors of language development over 2 years in children with autism spectrum disorders”, việc đầu tiên là ta hãy phân tích xem tiêu đề này cung cấp những thông tin gì. Với tiêu đề này, ta sẽ có những thông tin như sau:

  • Nội dung xoay quanh việc phát triển ngôn ngữ ở trẻ em bị rối loạn phổ tự kỉ.

  • Thời gian của nghiên cứu kéo dài 2 năm để đánh giá khả năng phát triển ngôn ngữ.

  • Bài báo nghiên cứu về các yếu tố hành vi có thể ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ em bị rối loạn phổ tự kỉ.

Sau khi phân tích được tiêu đề rồi, dưới đây là các câu hỏi mà các nhà bình duyệt có thể đặt ra khi đọc tiêu đề này:

  • Những yếu tố hành vi cụ thể nào được xem xét là những yếu tố dự đoán cho việc phát triển ngôn ngữ ở trẻ em mắc chứng tự kỉ?

  • Thiết kế nghiên cứu có đảm bảo được việc thay đổi trong hành vi và phát triển ngôn ngữ ở trẻ em trong 2 năm sẽ không ảnh hưởng tới kết quả hay không?

  • Việc xác định các yếu tố hành vi giúp cho các chiến lược can thiệp sớm về phát triển ngôn ngữ ở trẻ em mắc chứng tự kỉ như thế nào?

  • Các yếu tố dự đoán hành vi được xác định trong nghiên cứu này có áp dụng cho trẻ em mắc chứng tự kỉ ở các nhóm tuổi hoặc giai đoạn phát triển khác nhau không?

  • Các chuyên gia y tế có thể sử dụng những kết quả của nghiên cứu này để điều trị hoặc thiết kế các chương trình can thiệp ngôn ngữ cho trẻ em mắc chứng tự kỉ như thế nào?

Xem tiếp: Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 7: Một số lưu ý khi sử dụng tiếng Anh

Kết luận

Như vậy, bài viết đã tổng hợp cho người đọc ba giai đoạn khi viết một bài báo khoa học. Đầu tiên là tác giả cần chuẩn bị tài liệu, cũng như tâm lý thật tốt. Sau đó, ở giai đoạn viết bài, các học giả nên lựa chọn đúng thứ tự các phần để viết, cũng như chú ý tới văn phong và ngữ pháp trong câu. Cuối cùng là giai đoạn hoàn thiện, nhà khoa học cần kiểm tra kỹ lại về cấu trúc của bài viết, nội dung của nghiên cứu để nộp cho tạp chí mà mình mong muốn.

Tài liệu tham khảo

  • Bopp, Karen D et al. “Behavior predictors of language development over 2 years in children with autism spectrum disorders.” Journal of speech, language, and hearing research: JSLHR vol. 52,5 (2009).

  • Cargill, Margaret, and Patrick O'Connor. Writing Scientific Research Articles: Strategy and Steps. Wiley Blackwell, 2021.

  • Koegel, Lynn Kern et al. “Definitions of Nonverbal and Minimally Verbal in Research for Autism: A Systematic Review of the Literature.” Journal of autism and developmental disorders vol. 50,8 (2020).

  • Gastel, Barbara, and Robert Day. How to Write and Publish a Scientific Paper. Greenwood, 2015.

  • Millward‐Sadler, S. Jane. “Principles of writing a good scholarly paper.” A Guide to the Scientific Career, 18 Oct. 2019, pp. 463–465.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu