Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 4: Tạp chí khoa học

Tạp chí khoa học chính là nơi để giúp cho bài báo có thể đến tới công chúng. Bài viết hướng dẫn các tiêu chí và khi nào nên bắt đầu lựa chọn.
author
Lê Trọng Hiếu
24/04/2024
nhung dieu can biet khi viet bai bao khoa hoc phan 4 tap chi khoa hoc

Tạp chí khoa học chính là cánh cửa để giúp cho bài báo khoa học có thể đến tới công chúng. Tuy nhiên, từ trước tới nay việc lựa chọn được tạp chí là không hề dễ. Tỉ lệ bài báo khoa học bị từ chối xuất bản là rất cao, việc này sẽ làm cho các học giả, đặc biệt là người mới bắt đầu trong lĩnh vực nghiên cứu trở nên chán nản. Do đó, bài viết này sẽ cung cấp cho người đọc tổng quan về tạp chí khoa học, khi nào nên bắt đầu lựa chọn và những tiêu chí nào cần thiết để tìm ra được một tạp chí phù hợp với bài báo của mình.

Xem các phần trước:

Key takeaways.

  • Nên lựa chọn tạp chí khoa học trước khi bắt tay vào viết bài báo khoa học.

  • Có hai tiêu chí chính khi lựa chọn, đó là tiêu chí cứng và tiêu chí mềm.

  • Tiêu chí cứng bao gồm: (1) Đối tượng người đọc của tạp chí (audience) và (2) Phạm vi – mục tiêu của tạp chí (Scopes and Aims). Bài báo khoa học của các nhà khoa học phải bắt buộc phù hợp với hai tiêu chí này.

  • Tiêu chí mềm bao gồm: (1) Xu hướng và mức độ ưu tiên của tạp chí; (2) Mức độ ảnh hưởng – uy tín - danh tiếng của tạp chí (Journal Impact, Prestige, and Reputation); (3) Thời gian xuất bản; (4) Giá xuất bản; (5) các tiêu chí khác. Tuỳ vào mục tiêu và điều kiện mà tác giả có thể cân nhắc ưu tiên tiêu chí mềm nào.

Lựa chọn tạp chí khoa học

Lựa chọn từ trước khi viết

Thông thường, việc lựa chọn tạp chí khoa học thường diễn ra sau khi bài viết được hoàn thiện. Tuy nhiên, các làm này chưa thực sự hợp lý bởi vì những lý do sau. Như đã đề cập ở phần 1, quá trình truyền thông khoa học muốn thành công thì tín hiệu phải được người nhận BIẾT ĐẾN và HIỂU. Việc chọn đúng tạp chí sẽ giúp cho bài báo dễ tiếp cận hơn với đối tượng mà tác giả hướng đến. Thứ hai, việc lựa chọn sớm sẽ giúp tác giả tiết kiệm thời gian trong lúc chuẩn bị bài báo, vì mỗi tạp chí lại có những yêu cầu khác nhau. Do đó, tuân theo một format nhất định từ khi viết sẽ giúp việc viết lách của tác giả trở nên đơn giản hơn. Đương nhiên, không ai có thể đảm bảo rằng tạp chí khoa học sẽ chấp nhận bài báo của mình ngay từ lần nộp đầu tiên, tuy nhiên ít nhất các nhà khoa học đã tiết kiệm được thời gian cho một lần xem lại bài báo.

Hậu quả của việc chọn tạp chí khoa học không phù hợp

Đầu tiên, bài báo sẽ bị tạp chí khoa học trả lại mà không được bình duyệt. Quá trình này có thể diễn ra tới vài tuần, do đó tác giả sẽ bị ảnh hưởng về mặt tinh thần và sẽ bị lãng phí thời gian. Thứ hai, nếu bài báo được đưa tới giai đoạn bình duyệt, nhưng tạp chí khoa học đó lại không có các chuyên gia về đúng lĩnh vực nghiên cứu của mình thì rất có thể ta sẽ nhận được những nhận xét tiêu cực và có thể không đúng về bài báo trong quá trình bình duyệt. Nói đơn giản là, một vật chỉ có giá trị khi người sử dụng biết giá trị của nó. Cuối cùng, bài báo sẽ bị tàng hình trong cộng đồng khoa học, bởi lẽ tạp chí khoa học đó rất ít đối tượng người đọc mà mình hướng tới, hoặc bài báo đó đã không còn giá trị trong thời gian được xuất bản.

image-alt

Các tiêu chí chọn tạp chí khoa học

Để lựa chọn tạp chí khoa học, các học giả có thể lựa chọn dựa trên nhiều tiêu chí tuỳ vào mục đích của mình. Ví dụ với những sinh viên mới bắt đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, hoặc với người cần xuất bản nhanh, việc lựa chọn một tạp chí có mức độ ảnh hướng không lớn đôi khi lại là một sự lựa chọn tốt vì yêu cầu của tạp chí không quá cao, và thời gian xuất bản ngắn hơn các tạp chí danh giá, đứng đầu trong lĩnh vực. Đương nhiên việc xuất bản bài báo trên tạp chí khoa học danh tiếng là điều ai cũng mong muốn, tuy nhiên nó cũng cần cân nhắc dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau, ví dụ như kinh nghiệm nghiên cứu, chất lượng của bài báo, thời gian xuất bản. Còn đối với những nhà khoa học lâu năm, việc có một bài báo xuất hiện trong tạp chí danh giá sẽ được đánh giá rất cao so với việc có vài bài báo trong tạp chí khoa học kém danh tiếng hơn.

Có hai tiêu chí chính để chọn tạp chí khoa học, đó là tiêu chí cứng và tiêu chí mềm:

  • Tiêu chí cứng ở đây để chỉ các yêu cầu bắt buộc khi lựa chọn một tạp chí khoa học, đó chính là: (1) Đối tượng người đọc của tạp chí (audience) và (2) Phạm vi – mục tiêu của tạp chí (Scopes and Aims).

  • Tiêu chí mềm ở đây chỉ các tiêu chí có thể thay đổi tuỳ theo mục đích cá nhân của tác giả, nó sẽ bao gồm (1) Xu hướng và mức độ ưu tiên của tạp chí; (2) Mức độ ảnh hưởng – uy tín - danh tiếng của tạp chí (Journal Impact, Prestige, and Reputation); (3) Thời gian xuất bản; (4) Giá xuất bản; (5) các tiêu chí khác.

Tiêu chí cứng khi chọn tạp chí khoa học

Đối tượng người đọc (Audience)

Việc xác định rõ đối tượng người đọc của tạp chí là rất quan trọng. Ở phần 1 của chuỗi bài viết, quá trình truyền thông khoa học hiệu quả khi tín hiệu khoa học phải đến được với người nhận. Do đó, người đọc phải phù hợp thì bài báo của học giả mới được phổ biến tới cộng đồng khoa học. Các tạp chí sẽ được làm 4 loại dựa trên từng đối tượng người đọc khác nhau:

  • Tạp chí đa lĩnh vực (Multidisciplinary journals): Đây là các tạp chí sẽ xuất bản các bài báo ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau, ví dụ như tạp chí “Nature” hoặc “Science”. Các tạp chí này là các tạp chí danh giá, mức độ ảnh hưởng lớn và thường rất khó để được xuất bản bài báo.

  • Tạp chí một lĩnh vực (Disciplinary journals): Đây là các tạp chí xuất bản các bài báo ở một lĩnh vực nhất định, ví dụ như ngôn ngữ học (linguistics), thuốc và điều trị (medicine), sinh học (biology), toán học (mathematics). Tạp chí The New England Journal of medicine là một ví dụ.

  • Tạp chí chuyên ngành (Specialty journals): Đây là các tạp chí xuất bản một chuyên ngành trong một lĩnh vực nhất định. Ví dụ như trong lĩnh vực y học, thì các tạp chí có thể xuất bản bài báo với một chuyên ngành khác nhau như là ung thư (oncology), tim mạch (cardiology), thần kinh học (neurology),… Tạp chí Journal of Cancer là một ví dụ.

  • Tạp chí chuyên môn (Constricted journals): Đây là các tạp chí xuất bản bài báo về chủ đề hẹp nhất, ví dụ như tạp chí chỉ nhận những bài về bệnh ung thư hắc tố da (melanoma), bệnh Alzheimer,… Tạp chí Alzheimer's Research & Therapy là một ví dụ.

image-alt

Việc xác định trước các loại tạp chí mình cần đăng là rất quan trọng, vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới văn phong của người viết. Với những tạp chí đa lĩnh vực, thì học giả cần sử dụng ngôn ngữ khái quát để làm sao những người không ở lĩnh vực đó vẫn có thể hiểu được. Có một sự thật là các tạp chí có chủ đề càng rộng, ví dụ như tạp chí đa lĩnh vực và tạp chí một lĩnh vực, thì càng khó xuất bản do mức độ ảnh hưởng của tạp chí lớn (do tiếp cận được với nhiều đối tượng người đọc). Do đó, học giả cần cân nhắc về chất lượng và nhu cầu xuất bản của mình để có thể lựa chọn đúng được đối tượng người đọc.

Phạm vi và mục tiêu của tạp chí (Scopes and Aims)

Hầu hết các tạp chí đều công khai phạm vi và mục tiêu xuất bản của tạp chí. Phạm vi (Scopes) của tạp chí là các dạng bài báo khoa học mà tạp chí có thể xuất bản. Ví dụ có tạp chí chỉ nhận các bài báo về nghiên cứu gốc (bài báo khoa học sơ cấp), có những tạp chí chỉ nhận tất cả bài báo trừ các bài phân tích meta và tổng quan hệ thống (bài báo khoa học thứ cấp), có những tạp chí không nhận những bài commentary (bài báo khoa học đặc biệt). Việc phân loại các bài báo đã được đề cập ở phần thứ ba của chuỗi bài viết. Mục tiêu của tạp chí là những nội dung mà tạp chí muốn xuất bản. Ảnh dưới đây là các mục tiêu mà tạp chí khoa học muốn hướng tới.

image-alt

Tiêu chí mềm khi chọn tạp chí khoa học

Xu hướng và mức độ ưu tiên của tạp chí (Trend and Priorities)

Tiêu chí này thường không được nêu rõ ở trên website của tạp chí mà cần sự tìm tòi, đánh giá của các nhà khoa học. Thực chất, việc chấp nhận xuất bản một bài báo sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào quyền quyết định của tổng biên tập, do đó việc ưu tiên một xu hướng nào đó thường sẽ phụ thuộc vào người này.

Ví dụ một nhà khoa học đang có một nghiên cứu về tác dụng của thuốc X trong điều trị bệnh tăng huyết áp. Sau đó tác giả tìm được hai tạp chí cùng về chuyên ngành “Tim mạch” (Cardiology). Mục tiêu của tạp chí được đăng tải là chấp nhận các bài báo khoa học về chuyên ngành tim mạch, tuy nhiên xu hướng xuất bản của hai tạp chí trong ba năm gần đây là khác nhau. Tạp chí thứ nhất chủ yếu xuất bản các bài báo về sự phân bố của bệnh tim mạch ở các lứa tuổi khác nhau, còn tạp chí thứ hai xuất bản các bài báo về phác đồ điều trị bệnh tim mạch. Như vậy, tạp chí thứ hai sẽ phù hợp hơn với nghiên cứu của tác giả đang thực hiện.

Như vậy, nếu như tạp chí khoa học trong ba tới năm năm gần đây xuất bản các bài báo có chủ đề, xu hướng giống với nghiên cứu của mình thì khả năng bài viết sẽ được chấp nhận dễ hơn, từ đó sẽ tiết kiệm được công sức của các nhà nghiên cứu trong việc chuẩn bị bài báo.

Mức độ ảnh hướng – uy tín - danh tiếng của tạp chí (Impact, Prestige, and Reputation)

Cũng giống như tiêu chí về xu hướng và mức độ ưu tiên, để đánh giá mức độ ảnh hưởng – uy tín – danh tiếng của tạp chí là khá khó tại rất khó để định lượng được các giá trị này. Tiêu chí này có thể phụ thuộc vào danh tiếng của hội đồng tổng biên tập, đơn vị chủ quản của tạp chí,… Tầm ảnh hưởng của bài báo có thể được thể hiện qua số lượt bài báo đó được trích dẫn trong các bài báo khác. Ví dụ ở phần đặt vấn đề (introduction) và bàn luận (discussion), tác giả hay trích dẫn các bài báo khác để làm luận cứ cho nghiên cứu của mình. Cứ mỗi lượt trích dẫn như vậy có thể coi là mức độ ảnh hưởng của tạp chí đăng bài báo đó được tăng lên.

Do đó, hiện nay hầu hết các nhà khoa học trên thế giới đều đánh giá mức độ ảnh hưởng của tạp chí thông qua thông số về trích dẫn. Có hai chỉ số được sinh ra dựa trên bản chất của vấn đề này đó là Impact factor (IF) và Citescore. Đây là số trích dẫn trung bình được tính trên một bài báo của tạp chí trong một khoảng thời gian xác định (lấy tổng số trích dẫn của các bài báo của tạp chí chia cho tổng số bài báo trong khoảng thời gian tính). Có thể coi đơn vị của IF và Citescore là số trích dẫn/bài báo.

Ví dụ, IF của một tạp chí sẽ được tính theo từng năm một. IF của năm 2023 được tính bằng cách lấy tổng số lượt trích dẫn năm 2022 và 2021 chia cho tổng số bài báo được xuất bản năm 2022 và 2021 tại tạp chí đó.

Nhưng tại sao đều cùng được tính trên mức độ trích dẫn mà lại có hai chỉ số khác nhau? Hiểu đơn giản thì hai chỉ số này được tạo ra bởi hai đơn vị khác nhau (ISI và Scopus – sẽ được đề cập ở phần tiếp theo về cách lựa chọn tạp chí khoa học của chuỗi bài viết này). Tuy nhiên, hai chỉ số này cũng có khá nhiều nhược điểm.

  • Với mỗi lĩnh vực khác nhau thì mức độ trích dẫn là khác nhau do lượng bài báo được xuất bản là không giống nhau. Ví dụ như với lĩnh vực nghiên cứu về lý thuyết thường có tốc độ xuất bản bài báo nhanh hơn các tạp chí nghiên cứu về thực hành. Do đó số lượng bài báo ở tạp chí thuần về lý thuyết sẽ lớn hơn rất nhiều so với tạp chí thực hành. Như vậy, nó không thể so sánh được mức độ ảnh hưởng của các tạp chí ở lĩnh vực khác nhau. Trong cùng một lĩnh vực, nếu IF của tạp chí A lớn hơn tạp chí B thì tạp chí A sẽ được coi là danh giá hơn tạp chí B.

  • Ngoài ra, nó chỉ đánh giá được giá trị trung bình mà bài báo trong tạp chí được trích dẫn chứ không thể đánh giá được liệu nếu đăng bài báo vào tạp chí đó thì có cơ hội cao được trích dẫn hay không. Từ đó dẫn tới việc tuy bài báo của mình được đăng trong tạp chí có IF lớn, nhưng có thể nó sẽ không nhận được bất kỳ lượt trích dẫn nào.

  • Tiếp theo, nó chỉ đánh giá được khía cạnh mức độ trích dẫn chứ không đánh giá được sự tác động khác của bài báo, ví dụ như chính sách công hay quyết định lâm sàng. Lấy ví dụ như để duyệt hồ sơ của một thuốc, bộ Y tế sẽ căn cứ vào các bằng chứng khoa học, cụ thể là bài báo khoa học của thuốc đó. Tuy nhiên, bộ Y tế sẽ chọn những bài báo nào có mức độ bằng chứng cao hơn chứ không chọn bài báo nào được đăng ở tạp chí có Citescore hay IF cao hơn.

Như đã đề cập, mỗi lĩnh vực khác nhau sẽ có IF hoặc Citescore khác nhau, do đó chúng ta không thể nói rằng tạp chí X1 có IF (hoặc CiteScore) cao hơn tạp chí X2 nên tạp chí X1 uy tín hơn X2 khi không hề biết hai tạp chí này ở lĩnh vực nào. Nhưng nếu ta dựa vào các khoảng tứ phân vị (Quantile - Q) được tính trên IF (hoặc CiteScore), cho dù ở lĩnh vực khác nhau, ta hoàn toàn có thể nói tạp chí Y1 uy tín hơn Y2 khi thấy Y1 nằm ở khoảng Q1 còn Y2 nằm ở khoảng Q3.

  • Q1: các tạp chí khoa học có IF (hay CiteScore) thuộc top 25%.

  • Q2: các tạp chí khoa học có IF (hay CiteScore) thuộc nhóm 25 – 50%

  • Q3: các tạp chí khoa học có IF (hay CiteScore) thuộc nhóm 50 – 75%

  • Q4: các tạp chí khoa học có IF (hay CiteScore) thuộc nhóm 75 – 100%.

Nói một cách đơn giản, các tạp chí khoa học thuộc nhóm Q1 thì hầu hết là tạp chí danh giá, và mức độ danh giá sẽ giảm dần từ Q1 tới Q4. Do đó, đối với những người “ngoại lai”, không biết giá trị IF hay Citescore trong một lĩnh vực là bao nhiêu, thì chỉ cần nhìn vào phân hạng theo tứ phân vị là có thể bước đầu định hình được mức độ danh giá của tạp chí. Phần tiếp theo của chuỗi bài viết sẽ nói rõ hơn về IF và Citescore.

image-alt

Thời gian xuất bản

Thời gian xuất bản cũng là một yếu tố cần được cân nhắc. Có những tạp chí khoa học có thể xuất bản trong vòng 3-4 tháng tuy nhiên cũng có tạp chí cần thời gian lâu hơn. Thông thường, thời gian dự kiến xuất bản cũng được công bố ở trên website của tạp chí khoa học. Để đảm bảo phù hợp với thời gian biểu của nghiên cứu, tác giả nên tìm hiểu trước để có thể dự kiến được tốc độ xuất bản.

Thông thường, quy trình nộp bài báo khoa học sẽ là tác giả gửi bài báo lên tạp chí, sau đó đợi thời gian duyệt lần một xem có đủ điều kiện để bình duyệt hay không. Sau đó nếu được bình duyệt thì tác giả cần chờ cho quá trình này diễn ra, rồi cần chỉnh sửa lại theo yêu cầu. Tiếp theo đó, nếu như tổng biên tập chấp nhận đăng bài báo sau khi chỉnh sửa, thì nhóm nghiên cứu lại cần chờ thêm thời gian từ lúc được chấp nhận cho tới lúc được công bố rộng rãi tới công chúng. Trên các bài báo khoa học có ghi rõ ‘thời gian được chấp nhận” (acceptance date) và “thời gian công bố” (publish date). Do đó, các học giả có thể dựa vào đây để dự đoán được thời gian phù hợp với mình.

Giá xuất bản

Giá của việc xuất bản bài báo phụ thuộc vào một yếu tố gọi là mô hình công bố (publishing model) của tạp chí. Có hai kiểu tạp chí chính, đó là tạp chí mở (open access) và tạp chí thu phí (non-open access).

Tạp chí thu phí, hay còn gọi là dạng subscription model, sẽ KHÔNG thu phí của tác giả bài báo mà thay vào đó, sẽ thu phí của người đọc. Do đó, để có thể truy cập được vào những tạp chí này, người dùng sẽ phải bỏ một khoản phí để có thể đọc được nội dung của bài báo khoa học.

Đối với loại tạp chí mở (open access), sẽ có ba loại là Gold, green và platinum:

  • Gold open access: Tạp chí ở mô hình này sẽ thu phí của tác giả, do đó bài báo sẽ được công bố rộng rãi miễn phí tới người truy cập. Giá xuất bản của bài báo sẽ rất dao động, có tạp chí sẽ tính dựa vào số trang của bài báo, có tạp chí sẽ tính dựa trên một mức cố định. Tuy nhiên với các quốc gia đang phát triển hoặc quốc gia nghèo thì phí này có thể được miễn (giảm) tuỳ theo điều kiện.

  • Green open access: Tạp chí ở mô hình này không thu phí của tác giả và người đọc. Tác giả sẽ gửi các bản thảo của bài báo khoa học dưới dạng file Microsoft Word vào các kho lưu trữ truyền thống (ví dụ như kho lưu trữ ở trường đại học) hoặc kho lưu trữ trực tuyến dựa theo lĩnh vực (ví dụ như arXiv, nơi trữ của các bài báo khoa học về vật lý hạt nhân). Cuối cùng, các bài báo khoa học sẽ được công bố khoảng 6 tới 12 tháng sau khi vào kho.

  • Platinum open access: Tạp chí ở mô hình này không thu phí của tác giả và người đọc. Nhà xuất bản sẽ là người chi trả toàn bộ chi phí cho toàn bộ quá trình xuất bản. Thông thường, các tạp chí kiểu này sẽ do những tổ chức phi lợi nhuận như là các trường đại học hay tổ chức tương tự thực hiện.

    image-alt

Các tiêu chí khác

Có một số tiêu chí khác mà tác giả cũng có thể cân nhắc. Đầu tiên là tham khảo ý kiến giáo sư, người hướng dẫn của mình. Họ là những học giả có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, và là những người đã từng xuất bản các bài báo khoa học trong lĩnh vực mình đang thực hiện. Do đó, họ sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích nhất về việc nên chọn tạp chí nào, xu hướng của các tạp chí hiện tại ra sao. Bên cạnh đó, quy trình xuất bản của tạp chí khoa học cũng là một yếu tố nên cân nhắc khi lựa chọn. Các nhà khoa học nên tìm hiểu trên website của tạp chí về quy trình nộp bài có rõ ràng không, các hướng dẫn có cụ thể và dễ theo dõi hay không. Tiếp theo đó là yếu tố về tỉ lệ được chấp nhận bản thảo. Thông thường các tạp chí có công bố tỉ lệ này ở trên website của họ. Ngoài ra, việc tạp chí có được tiếp cận bởi các dịch vụ truy xuất dữ liệu (Abstract and Indexing Services) hay không là vô cùng quan trọng. Chi tiết hơn về các dịch vụ truy xuất dữ liệu đã được đề cập ở phần ba của chuỗi bài viết. Đây chính là công cụ giúp bài báo khoa học của ta tiếp cận gần hơn với người đọc. Ví dụ các bài báo về thuốc và khoa học đời sống sẽ được truy xuất dữ liệu trên trang PubMed, các bài báo về nghệ thuật và con người sẽ được truy xuất dữ liệu trên Arts and Humanities Citation Index A&HCI,… Tuy nhiên hầu hết các tạp chí uy tín hiện nay đều được truy xuất dữ liệu, do đó đây cũng không phải là tiêu chí cần để tâm tới nhiều.

 Tổng kết

Như vậy, bài viết đã cung cấp cho người đọc kiến thức tổng quan về tạp chí khoa học. Các nhà khoa học nên lựa chọn tạp chí khoa học trước khi bắt đầu viết bài báo khoa học. Bên cạnh đó, việc cân nhắc lựa chọn tạp chí khoa học là rất cần thiết, bởi vì nó sẽ ảnh hưởng tới việc xuất bản của bài báo. Có hai nhóm tiêu chí chính cho việc lựa chọn, đó là tiêu chí cứng và tiêu chí mềm. Các tác giả cần đảm bảo tạp chí khoa học mình chọn phù hợp với các tiêu chí cứng, còn tuỳ vào mục đích và điều kiện mà tác giả có thể cân nhắc ưu tiên tiêu chí mềm nào hơn.

Xem tiếp: Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 5: Cơ sở dữ liệu uy tín

Tài liệu tham khảo

  • Gastel, Barbara, and Robert Day. How to Write and Publish a Scientific Paper. Greenwood, 2015. Print.

  • Cargill, Margaret, and Patrick O'Connor. Writing Scientific Research Articles: Strategy and Steps. Wiley Blackwell, 2021. Print.

  • Shoja, Mohammadali M., Thomas P. Walker, and Stephen W. Carmichael. "How to find a suitable journal for your manuscript." A Guide to the Scientific Career: Virtues, Communication, Research and Academic Writing (2019): 389-402.

  • Beall, Jeffrey. "Scholarly Open‐Access Publishing." A Guide to the Scientific Career: Virtues, Communication, Research and Academic Writing (2019): 377-388.

  • SCImago, (2024). SJR — SCImago Journal & Country Rank. Retrieved March 13, 2024, from http://www.scimagojr.com

  • Press, Dove. “Pharmacogenomics and Personalized Medicine.” Aims and Scope - Dove Press, www.dovepress.com/aims-and-scope-pharmacogenomics-and-personalized-medicine-d30-j38.

Tham khảo thêm khoá học tiếng anh giao tiếp cấp tốc tại ZIM, giúp học viên phát triển kỹ năng tiếng Anh và tự tin trong các tình huống giao tiếp thực tế trong thời gian ngắn.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu