Banner background

Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 2: Các cấu trúc văn bản khoa học

Bài báo khoa học được coi như là một đích đến của mọi công trình nghiên cứu. Bài viết này sẽ giới thiệu về cấu trúc văn bản khoa học.
nhung dieu can biet khi viet bai bao khoa hoc phan 2 cac cau truc van ban khoa hoc

Giới thiệu

Như đã được giới thiệu ở bài trước, IMRAD là viết tắt của các từ Introduction – Methods – Results – Discussion. Đây là một cấu trúc văn bản khoa học khá phổ biến khi viết văn bản khoa học, đặc biệt là bài báo khoa học.

Tuy nhiên, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi rằng tại sao nhiều người lại ưa chuộng cấu trúc IMRAD, liệu đây có phải là một cấu trúc văn bản khoa học duy nhất hay không, và còn có cách sử dụng cấu trúc nào khác hay không? Phần 2 của chuỗi bài viết “Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học” sẽ cung cấp các thông tin cần thiết để giải đáp những câu hỏi trên.

Xem bài viết trước: Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 1: Văn bản khoa học.

Key takeaways

  • Cấu trúc văn bản khoa học phụ thuộc vào nơi nhận văn bản đó, ví dụ như mỗi tạp chí lại có một yêu cầu riêng, mỗi trường đại học lại có tiêu chí riêng khi viết luận văn.

  • IMRAD là cấu trúc văn bản khoa học được sử dụng phổ biến nhất vì nó giúp các tạp chí tiết kiệm thời gian đọc, tăng sự logic khi cung cấp các kiến thức khoa học mới.

  • Ngoài IMRAD, vẫn còn có một số cấu trúc khác được xây dựng dựa trên nó. Tuy nhiên, học giả vẫn có thể viết theo hướng IMRAD trước rồi chỉnh sửa sao cho phù hợp với yêu cầu được đặt ra.

Mini task xác định cấu trúc văn bản khoa học

Hãy xác định cấu trúc văn bản khoa học ở link dưới đây:

[Đáp án ở cuối bài viết].

Tại sao cấu trúc văn bản khoa học IMRAD trở thành một “chuẩn mực” của các nhà khoa học?

Tạp chí khoa học đầu tiên xuất hiện từ khoảng 350 năm trước, tuy nhiên cấu trúc IMRAD mới được phổ biến ở khoảng cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 (Gastel and Day). Ở những giai đoạn đầu tiên, các nhà khoa học thường mô tả thí nghiệm của mình theo hướng “Đầu tiên, tôi nhìn thấy thế này, và sao đó tôi nhìn thấy cái kia” hoặc “ Đầu tiên tôi làm cái này, tiếp theo, tôi làm cái kia’.

Vào ở nửa sau thế kỉ 20, khoa học bắt đầu phát triển một cách chóng mặt, đặc biệt là từ sau công trình nghiên cứu của Louis Pasteur, người đã phát triển lý thuyết mầm bệnh (germ theory of disease) (Smith). Thời điểm này, ông nhận rất nhiều sự chỉ trích và không ai tin vào những nghiên cứu của ông. Do đó, Pasteur đã đáp trả dư luận bằng cách ghi rõ chi tiết tỉ mỉ cách tiến hành thí nghiệm để cho những người chỉ trích có thể làm lại được nghiên cứu của ông. Và đây cũng chính là triết lý của khoa học, tính tái sản xuất (reproducibility) mà đã được giới thiệu ở phần 1 của bài viết. Phần phương pháp (methods) được ghi chi tiết, cẩn thận của Pasteur chính là hạt giống đầu tiên để phát triển cấu trúc văn bản khoa học IMRAD sau này.

Tiếp theo đó, sau sự ra đời của penicillin, hàng tỉ đô la đã được đổ vào nghiên cứu khoa học. Chính điều này đã tạo nên một áp lực rất lớn cho nhiều tạp chí khi có quá nhiều bài báo khoa học được gửi về. Các tổng biên tập đã bắt đầu trở nên kén chọn hơn với các bài báo được gửi về, họ yêu cầu văn bản khoa học cần chính xác, cấu trúc thông tin cần logic với nhau. Và từ đây IMRAD ra đời. Cấu trúc của văn bản khoa học này giúp các tổng biên tập hiểu hơn về kết quả nghiên cứu, ngoài ra nó còn tiết kiệm tiền in ấn và thời gian đọc hàng trăm các nghiên cứu.

Tại sao nên dùng cấu trúc văn bản khoa học IMRAD?

Để bắt đầu một nghiên cứu, nhà khoa học thường đặt ra những câu hỏi sau: “Vấn đề đang gặp phải ở đây là gì? Làm cách nào có thể tiếp cận và xử lý vấn đề đó? Kết quả của vấn đề sau khi được giải quyết là gì? Nếu để ý kĩ, các phần trong IMRAD chính là câu trả lời cho các phần trên.

Đầu tiên, vấn đề đang gặp phải ở đây là gì? Câu hỏi này sẽ được trả lời bằng phần “Đặt vấn đề - Introduction”. Ở phần này, tổng quan về vấn đề nghiên cứu sẽ được nêu một cách chi tiết. Thứ hai, vậy làm thế nào để tiếp cận và xử lý vấn đề đó? Phần “Phương pháp nghiên cứu – Methods” sẽ đưa ra cụ thể từng bước, những nguồn lực có thể sử dụng để giải quyết vấn đề đang gặp phải. Sang câu hỏi thứ ba, kết quả sau khi giải quyết vấn đề là gì? Phần “Kết quả - Results” là lời giải đáp rõ ràng nhất, nó sẽ thể hiện tất cả những dữ liệu, những thông tin mà các thí nghiệm, phân tích mang lại. Câu hỏi cuối cùng là vậy sau khi làm cách đó, ta rút ra được bài học gì. Đây chính là nội dung mà phần “Bàn luận” sẽ cung cấp thông tin.

image-alt

Hình ảnh của cấu trúc AIMRAD được mô tả dưới dạng đồng hồ cát (Cargill and O'Connor).

Chữ A là viết tắt cho từ “Abstract” – Tóm tắt. Phần này luôn xuất hiện trong mọi văn bản khoa học, do đó thay vì viết AIMRAD, người ta vẫn có thể viết là IMRAD cho ngắn ngọn.

Tóm tắt – Abstract

Phần này thường được viết cuối cùng sau khi hoàn thiện văn bản khoa học. Phần tóm tắt này sẽ bao gồm đầy đủ nội dung của cả bài trừ nội dung trong phần bàn luận (discussion).

image-alt

Đặt vấn đề - Introduction

Phần đặt vấn đề thường sẽ chia làm ba nội dung. Nội dung đầu tiên có phạm vi khá rộng, thường tác giả sẽ chọn nội dung liên quan tới chủ đề nghiên cứu mà gây thu hút với các học giả khác. Nội dung thứ hai có phạm vi hẹp hơn, đó là tổng quan tài liệu, hay thực trạng về vấn đề nghiên cứu, những gì đã làm được và những gì còn thiếu. Nội dung cuối cùng có phạm vi hẹp nhất, đây chính là nội dung liên quan trực tiếp tới kết quả nghiên cứu, nó thường được ghi dưới dạng mục đích của nghiên cứu.

Ví dụ với nghiên cứu Quality of opioid prescribing in older adults with or without Alzheimer disease and related dementia” phần đặt vấn đề đã được tác giả viết với nội dung chính như sau:

  • Nội dung 1 (phạm vi rộng): Tác giả giới thiệu về sự phổ biến và hậu quả của tình trạng đau (pain) ở trên bệnh nhân ADRD.

  • Nội dung 2 (phạm vi hẹp dần): Tác giả giới thiệu về quản lý đau trên bệnh nhân bằng thuốc, sau đó nêu ra thực trạng về sử dụng thuốc giảm đau trên đối tượng bệnh nhân này.

  • Nội dung 3 (phạm vi hẹp nhất): Tác giả đưa ra dẫn chứng về việc opioid là thuốc giảm đau thường được sử dụng trên đối tượng bệnh nhân này. Tuy nhiên hiện chưa có nghiên cứu nào đánh giá việc sử dụng opioid là phù hợp hay không. Do đó tác giả tiến hành nghiên cứu với mục đích đánh giá chất lượng kê đơn thuốc opioid trên hai nhóm đối tượng, người mắc ADRD và người không mắc bệnh.

image-alt

Phương pháp – Methods

Tất cả những phương pháp làm, cách tính toán ra được dữ liệu trong phần kết quả đều được thể hiện ở phần này. Nội dung của phần phương pháp cần chi tiết, tỉ mỉ để đảm bảo tính tái sản xuất (reproducibility) (Gastel and Day).

Dưới đây là một ví dụ minh hoạ cho việc nội dung trong phần phương pháp nghiên cứu mô tả kĩ càng nguồn dữ liệu, cách phân tích thống kê để cho ra được kết quả như đã công bố.

Trong nghiên cứu của Yu-Jung và cộng sự (Wei et al.), một trong những kết quả đưa ra là thông tin về “đơn thuốc opioid chống chỉ định được kê đơn trên bệnh nhân bị đau mạn tính (Contraindicated prescription opioids among chronic pain patients)”(Wei et al.). Nội dung đưa ra các con số thống kê so sánh giữa hai nhóm đối tượng ở cộng đồng và nhà dưỡng lão dựa vào các tiêu chí như tỉ lệ sử dụng thuốc chống chỉ định, tỉ lệ kê đơn opioid cho bệnh nhân mới,…

Do vậy, trong phần phương pháp nghiên cứu, tác giả đã mô tả rất rõ trong nguồn dữ liệu phân tích có thông tin về nhân khẩu học, tình trạng lâm sàng và đặc điểm sử dụng thuốc của bệnh nhân. Ngoài ra, tác giả cũng đưa ra những tiêu chí để chọn lựa đối tượng nghiên cứu, và đặc biệt là làm rõ hơn nội dung “Đơn thuốc opioid chống chỉ định được kê đơn trên bệnh nhân bị đau mạn tính”. Cuối cùng, tác giả cũng đề cập tới sử dụng phần mềm nào cho việc tính toán thống kê.

Như vậy, khi có một nhà khoa học muốn xác thực lại kết quả của nghiên cứu, họ chỉ cần có được bộ dữ liệu gốc và tiến hành các bước được nêu trong phương pháp nghiên cứu là có thể ra được kết quả như đã công bố.

image-altQua ví dụ trên, ta có thể thấy rằng tác giả đã dẫn dắt người đọc rất khéo léo từ nội dung ở phạm vi rộng, sau đó thu hẹp dần để chốt lại bằng mục tiêu của nghiên cứu.

Kết quả - Results

Đây là phần được mọi người quan tâm nhiều nhất ở mọi văn bản khoa học. Các thông tin trong văn bản khoa học bắt buộc phải liên quan tới phần dữ liệu được phân tích trong kết quả của nghiên cứu.

Lấy bài báo “Quality of opioid prescribing in older adults with or without Alzheimer disease and related dementia” được đăng trên tạp chí “Alzheimer's Research & Therapy” của nhà xuất bản BMC làm ví dụ, phần kết quả đưa ra các thông tin về thuốc giảm đau nhóm opioid bệnh nhân bị ADRD (Bệnh Alzheimer và những triệu chứng liên quan tới sa sút trí tuệ) (Wei et al.). Do đó các phần khác trong bài cũng cần liên quan tới hai nội dung này.

  • Phần tiêu đề: ta có thể thấy hai từ khoá “opioid” và “Alzheimer disease and related dementia” đã được nhắc tới trong tiêu đề (Quality of opioid prescribing in older adults with or without Alzheimer disease and related dementia).

  • Phần đặt vấn đề (Introduction): Tác giả xoay quanh vấn đề sử dụng thuốc giảm đau nói chung và thuốc giảm đau opioid nói riêng ở trên bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer và những triệu chứng liên quan tới sa sút trí tuệ (ADRD) tại cộng đồng và trong trại dưỡng lão (Pain is common among older adults with Alzheimer disease and related dementias (ADRD), with up to 60% of affected patients in communities and 80% of those in nursing homes (NHs) reporting regular pain. To date, it remains unclear the extent to which opioids are being prescribed appropriately for older adults with chronic noncancer pain and whether the quality of opioid prescribing differs between those with or without ADRD).

  • Phần phương pháp (Methods): Tác giả đề cập tới việc lựa chọn nguồn dữ liệu nghiên cứu chứa thông tin về việc sử dụng thuốc của bệnh nhân và thông tin về chẩn đoán ADRD. Ngoài ra, tác giả còn giải thích chi tiết các nội dung được đưa vào nghiên cứu (Medicare data contain fee-for-service enrollees’ medical billing records for Parts A, B, and D (prescription drugs) and beneficiary-level sociodemographic characteristics, enrollment status, and presence of 27 chronic conditions, including ADRD).

  • Phần bàn luận (Discussion): Tác giả đưa ra nhận xét, kiến nghị liên quan tới việc sử dụng nhóm thuốc opioid trên bệnh nhân ADRD (Notably, of the five indicators, two measures—concurrent use of prescription opioids and other CNS-active drugs and no scheduled opioids for moderate or severe pain—were more common among patients with ADRD than among patients without ADRD in community or NH settings).

Bàn luận – Discussion

Ngược lại với phần đặt vấn đề, phạm vi của phần bàn luận sẽ bắt đầu từ kết quả nghiên cứu, sau đó mở rộng ra với phạm vi lớn hơn. Ở cuối mỗi phần thảo luận, tác giả thường sẽ chỉ ra nghiên cứu của mình đã giải quyết được vấn đề gì, và tầm quan trọng của nó khi đặt vào một bối cảnh lớn hơn.

Ví dụ, một câu hỏi được đặt ra khi tiến hành nghiên cứu này là “Liệu việc kê đơn opioid trên đối tượng bệnh nhân này đã hợp lý hay chưa”. Kết quả đã chỉ ra rằng tình trạng phối hợp thuốc opioid với các thuốc khác là không phù hợp với các hướng dẫn điều trị. Do đó từ kết quả trên, tác giả lại mở ra một bức tranh lớn hơn đó là liệu điều đó có ảnh hưởng trực tiếp tới tình trạng lâm sàng của bệnh nhân hay không, và các nghiên cứu tiếp theo cần được tiến hành để xác định vấn đề này.

image-alt

Các cấu trúc văn bản khoa học khác

Tuy cấu trúc IMRAD là một cấu trúc văn bản khoa học phổ biến nhất, nhưng cũng có một số nơi sẽ yêu cầu viết theo cấu trúc khác. Tuy nhiên, các nhà khoa học hoàn toàn có thể chuẩn bị bản nháp dưới dạng IMRAD trước, sau đó có thể thay đổi sao cho phù hợp với yêu cầu của nơi tiếp nhận văn bản khoa học. Dưới đây là ví dụ về một số các cấu trúc văn bản khoa học, những biến thể của IMRAD.

Research proposal – Đề cương nghiên cứu

Cấu trúc của một để cương nghiên cứu (Research proposal) vẫn dựa trên khung IMRAD, tuy nhiên điểm khác biệt ở đây là phần kết quả nghiên cứu chưa có, dẫn tới sẽ bị khuyết mất phần Results và Discussion. Một đề cương nghiên cứu có thể gồm nhiều các nghiên cứu nhỏ bên trong, do đó cấu trúc văn bản khoa học phải thể hiện rõ được từng nghiên cứu nhỏ một.

Dưới đây là hướng dẫn viết đề cương nghiên cứu của Đại học Sydney, Úc (Sydney). Các đề mục nhỏ của đề cương nghiên cứu vẫn tương ứng với cấu trúc IMRAD thường thấy trong các bài báo khoa học.

  • Project title (Tiêu đề dự án)Research supervisor (Người hướng dẫn): Giống với các văn bản khoa học, phần đầu tiên luôn bao gồm tiêu đề và người hướng dẫn/thực hiện dự án.

  • Proposed mode of research (Đề xuất phương tiện nghiên cứu)Aims and objectives (Mục tiêu nghiên cứu): Đây là điểm khác biệt so với bài báo khoa học thông thường. Research proposal thường là một dự án nghiên cứu lớn, và trong dự án này sẽ gồm nhiều nghiên cứu nhỏ. Do đó, đây có thể coi là một phần giới thiệu về nghiên cứu tới người đọc.

  • Synopsis (Tóm tắt): Tương ứng với phần Abstract trong văn bản khoa học. Một synopsis tốt là khi người đọc không cần đọc phần còn lại của đề cương mà vẫn hiểu được nghiên cứu này về vấn đề gì.

  • Background (Bối cảnh)Expected research contribution (Dự kiến những đóng góp mà nghiên cứu đem lại): Tương ứng với phần Introduction trong các văn bản khoa học, sẽ bao gồm bối cảnh lớn, tổng quan tài liệu cũng như những mục tiêu mà nghiên cứu đem lại.

  • Proposed methodology (Dự kiến phương pháp tiến hành): Tương ứng với phần Methods trong các văn bản khoa học. Tất cả các phương pháp tiến hành cho từng nghiên cứu nhỏ cần được làm rõ trong phần này.

  • Work plan (Kế hoạch làm việc) và Resources (Nguồn dữ liệu): Vì chưa tiến hành nghiên cứu nên kế hoạch làm việc trong tương lai cần làm rõ ở đây để đảm bảo tính khả thi của nó.

  • Bibliography (Tài liệu tham khảo): Giống với các văn bản khoa học, phần cuối cùng luôn là tài liệu tham khảo được sử dụng trong dự án.

Bài báo khoa học có phần kết luận (Conclusion) xuất hiện ở cuối (IMRADC)

Hiện nay đa số tạp chí đều yêu cầu phần kết luận (conclusion) ở cuối bài viết. Trong phần này, kết quả chính mà có thể giải quyết được vấn đề nghiên cứu được nêu ra rõ ràng. Ngoài ra, những đề xuất, ứng dụng của kết quả này cũng được tác giả làm nổi bật ở phần kết luận này.

Bài báo “Quality of opioid prescribing in older adults with or without Alzheimer disease and related dementia” có mục tiêu nghiên cứu là xác định chất lượng kê đơn thuốc nhóm opioid trên đối tượng bệnh nhân ADRD (Wei et al.). Ở mục kết luận, tác giả chỉ ra rằng nhóm thuốc opioid được kê không phù hợp trên bệnh nhân ADRD nhiều hơn là trên người không bị ADRD. Thêm vào đó, phần kết luận cũng có đề xuất của tác giả về những nghiên cứu khác trong tương lai.

image-alt

Bài báo khoa học có phần Methods xuất hiện ở cuối (IRDAM)

Ở một số tạp chí, thường về sinh học phân tử, phần phương pháp nghiên cứu (Methods) được để ở cuối bài viết sau phần thảo luận (Discussion) (Gastel and Day). Lý do ở đây là với lĩnh vực này, phần phương pháp nghiên cứu thường rất phức tạp và nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà chỉ có số ít các chuyên gia ở lĩnh vực này có thể hiểu được. Do đó, để phù hợp hơn đại đa số các nhà khoa học, phần phương pháp nghiên cứu thường để ở dưới cùng.

image-alt

Hình ảnh của cấu trúc AIRADM được mô tả dưới dạng đồng hồ cát (Cargill and O'Connor).

Ví dụ tạp chí “Journal of biological chemistry”, cấu trúc của văn bản khoa học ở đây là Abstract – Introduction – Results – Discussion – Experimental procedures (Methods) (Hiroto Hirayama et al.).

image-alt

Xem tiếp: Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 3: Bài báo khoa học sơ cấp

Tổng kết

Như vậy, IMRAD là cấu trúc văn bản khoa học được sử dụng phổ biến nhất hiện nay với nhiều lý do khác nhau. Tuy rằng đối tượng nhận các văn bản khoa học này có thể yêu cầu trình bày dưới các cấu trúc khác, nhưng IMRAD vẫn là cấu trúc cơ bản mà có thể dễ dàng biến đổi để phù hợp với yêu cầu đặt ra.

Tài liệu tham khảo

  • Cargill, Margaret, and Patrick O'Connor. Writing Scientific Research Articles: Strategy and Steps. Wiley Blackwell, 2021. Print.

  • Gastel, Barbara, and Robert Day. How to Write and Publish a Scientific Paper. Greenwood, 2015. Print.

  • Hiroto Hirayama, et al. "Development of a Fluorescence and Quencher-Based Fret Assay for Detection of

  • Endogenous Peptide:N-Glycanase/Ngly1 Activity." Journal of Biological Chemistry (2024). Print.

  • Smith, K. A. "Louis Pasteur, the Father of Immunology?" Front Immunol 3 (2012): 68. Print.

  • Sydney, The University of. "How to Write a Research Proposal for a Strong Phd Application." Web.

  • Wei, Yu-Jung Jenny, et al. "Quality of Opioid Prescribing in Older Adults with or without Alzheimer Disease and Related Dementia." Alzheimer's Research & Therapy 13.1 (2021): 78. Print.

  • Research Paper: Cấu Trúc & Cách Viết Bài Viết Nghiên Cứu - Phần 1.” Zim.Vn, 8 Nov. 2023, zim.vn/research-paper-phan-1.

  • Đáp án mini task về xác định cấu trúc văn bản khoa học:

    • Link 1: Introduction – Methods – Results – Discussion - Conclusion.

    • Link 2: Introduction – Results – Discussion - Methods.

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
Giáo viên
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...