Những quan niệm sai lầm của phần lớn người học IELTS

Bài viết này sẽ làm sáng tỏ những quan niệm và hiểu lầm mà nhiều người học IELTS tin tưởng vào, từ đó góp phần giúp học viên chỉnh sửa và hoàn thiện quan điểm, phương pháp luyện tập cũng như chiến lược thi IELTS để có thể đạt được điểm tốt khi thi.
author
Nguyễn Minh Ân
16/06/2022
nhung quan niem sai lam cua phan lon nguoi hoc ielts

Nhiều quan niệm và niềm tin không chính xác về bài thi IELTS được phổ biến rộng rãi trong cộng động người học, người thi và người đã thi IELTS. Tin tưởng vào những thông tin không chính xác có thể khiến học viên bỏ ra nhiều công sức, thời gian, tiền bạc cũng như khó có thể đạt được điểm mà bản thân mong muốn. Bài viết này sẽ làm sáng tỏ những quan niệm và hiểu lầm này (myth and misconception).

Key takeaways

  • Myth và misconception là những quan điểm và niềm tin vào những thông tin không chính xác về bài thi IELTS. Tin vào những quan điểm này có thể ảnh hưởng đến tư tưởng, cách luyện tập và khả năng thi IELTS của học viên.

  • Một số myth và misconception phổ biến bao gồm: nên chọn trung tâm nào để thi dễ hơn; nên sử dụng bằng giả; học thuộc và sử dụng các mẹo và hướng dẫn để đạt điểm cao nhanh chóng nhưng không cần luyện; IELTS chỉ dành cho người không nói tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ; không nên hỏi gì khi thi Speaking; phải nói với tác phong nghiêm túc và trang trọng khi thi Speaking.  

Myth và misconception về IELTS

Nhìn chung, myth và misconception là những quan điểm, khái niệm và suy nghĩ được nhiều người biết đến và tin tưởng nhưng không chính xác. Myth và misconception về IELTS là những quan điểm không đúng được rất nhiều người học và có khi cả đã thi IELTS tin tưởng và truyền bá rộng rãi trong cộng đồng. Hiện tượng này xảy ra một phần vì cách suy luận và giải thích chủ quan của các cá nhân về một vấn đề nào đó mà không hề được kiểm chứng hay được các chuyên gia IELTS xác nhận. Hơn nữa, việc các myth và misconception được biết đến rộng rãi cũng có thể bởi vì tâm lý, mong muốn và suy nghĩ chủ quan của người học IELTS; người học có thiên hướng lập tức tin vào hoặc bác bỏ một nhận định nào về IELTS mà không kiểm chứng lại thông tin qua nhiều nguồn chính thống khác nhau. Nếu thông tin nào đó giống và đúng với mong muốn hoặc suy nghĩ của người học, họ sẽ tin tưởng lập tức và ngược lại, nếu khác với nhận định của bản thân, họ có xu hướng gạc bỏ.

Tác hại của myth và misconception:

Tin vào những quan niệm sai lệch có thể sẽ mang đến nhiều ảnh hưởng xấu cho người học IELTS:

  • Học viên tốn nhiều thời gian và sức lực hơn khi học và luyện thi IELTS. Vì tin tưởng và thực hành theo những thông tin sai lệch, học viên không những tốn công sức và thời gian mà còn không đạt được hiệu quả và số điểm mong đợi. Vì IELTS là dạng bài thi được phổ cập và thống nhất cách chấm điểm trên toàn thế giới, nên những quan niệm sai lầm này không thể giúp ích gì cho học viên.

  • Học viên tốn tiền vô ích. Nhiều người học tin vào quá nhiều thông tin sai lệch, từ đó sẽ không thể làm bài thi hiệu quả. Và cứ sau mỗi lần thi, học viên lại tiếp tục luyện tập với myth và misconception khác, và tiếp tục thi kém hiệu quả. Qua đó, học viên bỏ ra nhiều tiền để thi đi thi lại vì chưa đạt được điểm số mong muốn nhưng vẫn nhận định được vấn đề thật sự nằm ở những thông tin không chính xác này.

Những myth và misconception phổ biến về bài thi IELTS

  • Tham gia thi tại IDP sẽ dễ có điểm cao hơn BC (British Council) hoặc ngược lại

Nhiều người học tin bài thi và giám khảo chấm thi tại một trong hai trung tâm sẽ dễ hơn và thoải mái hơn so với nơi thi còn lại. Thực tế, tất cả giám khảo trên toàn thế giới chấm thi đều được học và huấn luyện dựa trên hệ thống nguyên tắc và quy chuẩn đã được thống nhất. Mặc dù có thể sẽ có một chút chênh lệch giữa các giám khảo trong phần thi viết và nói vì không có câu trả lời đúng tuyệt đối cho hai dạng bài này, sự cách biệt điểm số là vô cùng nhỏ hoặc không có. Với trường hợp nên thi IDP hay BC, học viên nên cân nhắc chọn trung tâm nào gần với mình hơn, có thời gian, hoặc cơ sở vật chất tốt hơn để có thể có trải nghiệm thi tốt hơn.

  • Mua và sử dụng bằng giả

Đây là một trong những sai lầm lớn nhất nếu người học cố mua và sử dụng bằng giả IELTS. IELTS là dạng chứng chỉ được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới, và vì thế nó được kiểm soát vô cùng chặt chẽ. Chứng chỉ IELTS có thể được xem như các giấy tờ chứng nhận cá nhân quan trọng như căn cước công dân hoặc giấy chứng nhận khai sinh, vì hệ thống mã định danh của IELTS hoạt động rất chính xác và gần như không thể hoàn toàn làm giả mã code của một chứng chỉ IELTS.

Vì thế, người sử dụng bằng giả sẽ không thể sử dụng bằng IELTS để xin việc tại các công ty, xin học tại các trường quốc tế, hay xin Passport và Visa…. vì hầu hết các tổ chức đều có thể kiểm tra bằng IELTS của bất kì ai nhờ vào hệ thống mã code. Hơn nữa, nếu bị phát hiện sử dụng bằng giả, người học có thể sẽ bị cho vào “danh sách đen” bởi các tổ chức, có thể bị cấm nhập học tại các trường lớn hoặc thậm chí bị nhiều nước trên thế giới hạn chế nhập cư hoặc nhập cảnh. Vì vậy, thí sinh không nên tốn rất nhiều tiền chỉ để bị cấm bởi các tổ chức trên thế giới và có thể mang lại nhiều tác hại cho người học. Việc tin vào bằng giả là một trong những myth cực kì nguy hiểm.

  • Tìm kiếm, học thuộc và sử dụng các mẹo và các cách làm bài thi để nhanh chóng đạt điểm cao:

Những mẹo nhỏ hay các giải pháp tạm thời của từng bài thi kĩ năng Listening, Speaking, Reading hay Writing đều vô cùng hữu dụng vì những mẹo này giúp người học có thể phần nào cải thiện khả năng làm bài, góp phần phát triển các kĩ năng ngôn ngữ khi luyện tập hoặc khi thi. Các template (các khung bài mẫu) cũng phần nào giúp học viên nắm được cấu trúc bài làm, biết được cần khai triển ý và học những kiến thức mới bổ ích. Tuy nhiên, những mẹo (tips, tricks, hacks), hướng dẫn hoặc các dàn bài được cho rằng có thể dễ dàng giúp người học đạt được điểm cao nhanh chóng mà không cần cải thiện kỹ năng là không hề tồn tại.

Thường những trick hay template này không hề hữu dụng và càng khiến học viên lầm tưởng về bài thi IELTS. Vì IELTS là hệ thống bài thi kiểm tra năng lực khả năng giao tiếp tự nhiên, rõ ràng và hiệu quả trong nhiều hoàn cảnh khác nhau của người học (nghe, nói, đọc, viết), bộ đề thi sẽ được chuẩn bị cẩn thận và giám khảo được huấn luyện để đánh giá khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của người thi. Từ đó, việc học thuộc các mẹo và template sẽ không thể giúp học viên đạt được điểm cao như lời đồn mà còn lãng phí thời gian của người học. Thay vào đó, học viên nên tập trung luyện tập, trao dồi kiến thức và kỹ năng, cũng như xác định những vấn đề mà mình gặp phải để từ đó cải thiện tiếng Anh, giúp bản thân giao tiếp tiếng Anh tự nhiên hơn trong nhiều ngữ cảnh khác nhau.

  • Bài thi IELTS không dành cho người bản địa nói tiếng Anh (English native speakers)

Phần lớn người học nghĩ rằng IELTS chỉ dành cho người có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh vì đa số cho rằng người bản địa có thể dễ dàng vượt qua bài thi. Tuy nhiên, sự thật là bài thi IELTS được dùng để đánh giá khả năng giao tiếp thành thạo của người học, bao gồm 4 kĩ năng nghe, nói, đọc và viết. Hơn nữa, IELTS còn kiểm tra năng lực tuy duy, phát triển ý tưởng logic và một số kĩ năng học thuật khác cần thiết trong nhiều môi trường học tập và làm việc. Vì thế, IELTS dành cho tất cả mọi người dù đó là người bản địa nói Anh ngữ hay không. Nhiều người bản địa không thể dễ dàng đạt được điểm IELTS tốt nếu không luyện tập hay có bất kì sự chuẩn bị nào trước khi thi. Ví dụ, rất có thể một người Úc sẽ phải thi IELTS nếu muốn định cư và làm việc tại Mỹ hoặc Anh Quốc.

  • Không thể hỏi giám khảo bất kì câu nào khi thi speaking:

Khi thi Speaking, học viên đôi khi có tâm lý e ngại và không dám hỏi giám khảo bất cứ điều  gì vì sợ bị ảnh hưởng đến điểm thi. Đa số người học tin vào misconception này cho rằng họ không có quyền hỏi giám khảo thi, hoặc sẽ bị trừ điểm vì cho rằng giám khảo có thể đánh giá không tốt về khả năng nghe hiểu. Tuy nhiên, người học vẫn có thể hỏi trong trường hợp nghe không rõ hoặc không hiểu một từ vựng nào đó trong câu hỏi. Giám khảo thường sẽ cố gắng phát âm và đọc câu hỏi chậm rãi và rõ ràng nhất và theo nguyên tắc, họ sẽ không trừ điểm về vấn đề này.

IELTS Speaking là bài thi đánh giá năng lực giao tiếp (nói) của học viên trong môi trường hằng ngày. Vì trong giao tiếp thông thường, người bản địa nói tiếng Anh vẫn có thể nghe không rõ hoặc không hiểu và có thể hỏi lại, nên trong khi thi IELTS Speaking thí sinh cũng được phép hỏi lại giám khảo mỗi khi không hiểu câu hỏi vì khả năng xác nhận thông tin khi giao tiếp (information confirmation) cũng là một trong những kĩ năng cần có trong các cuộc hội thoại tiếng Anh. Học viên có thể ngắn gọn hỏi “can you repeat?” hoặc “what does A mean?” để có thể tiết kiệm thời gian. Nếu người học không dám hỏi và trả lời không đúng trọng tâm, giám khảo sẽ đánh giá không tốt và chấm điểm đúng theo nguyên tắc. Tuy nhiên, nếu học viên hỏi quá nhiều hoặc câu hỏi quá dài và tốn quá nhiều thời gian, giám khảo có thể sẽ có ấn tượng xấu và buộc phải có áp lực về thời gian để kịp tiến độ, từ đó có thể ảnh hưởng không tốt đến điểm thi nói của học viên.

  • Phải nói với tác phong nghiêm túc, cứng ngắc và trang trọng trong khi thi Speaking

Nhiều người học có nhận định sai lầm rằng cần phải nói với thái độ cực kì nghiêm túc và trang trọng khi thi Speaking vì đây là một bài thi năng lực. Hơn nữa, học viên cũng có thể cảm thấy hoang mang khi thấy giám khảo nghiêm túc chấm điểm, khiến người học nói có phần cứng nhắc hơn. Như đã đề cập ở trên, IELTS Speaking là bài thi kiểm tra khả năng giao tiếp một cách tự nhiên, dễ hiểu và rõ ràng trong nhiều tình huống đời thường khác nhau, vì thế cách nói quá nghiêm túc và cứng nhắc (robotic) có thể khiến giám khảo có ấn tượng không tốt và từ đó ảnh hưởng đến điểm số của người học.

Thái độ căng thẳng, trịnh trọng và nghiêm túc quá mức của học viên còn dẫn đến nhiều vấn đề khác như học viên sẽ có xu hướng sử dụng nhiều từ văn viết hơn (formal words), ngữ pháp quá phức tạp, cũng như phát âm, ngữ điệu, ý tưởng của câu trả lời và sẽ càng dễ cảm thấy căng thẳng hơn nếu gặp những câu hỏi khó. Từ đó, nhiều điểm thành phần cũng bị ảnh hưởng xấu như ngữ pháp và độ chính xác (grammatical range and accuracy), phát âm (pronunciation),…. Vì vậy, học viên nên thoải mái và thư giãn trả lời câu hỏi như đang trò chuyện với người khác ngoài đời thật. Học viên hãy làm mọi cách để có thể thả lỏng và giảm stress cho cơ thể, như sử dụng ngôn ngữ cơ thể (body language), nhún vai, gật đầu hay các động tác tự nhiên khác của cơ thể khi nói cũng giúp người học.

Nhiều học viên có thói quen lảng tránh ánh mắt của giám khảo và nhìn vào chỗ khác như trần nhà, bàn ... nhưng phần lớn hành động trên có thể càng khiến học viên lo lắng và căng thẳng hơn. Con người thường lo sợ trước những điều bản thân không biết hay không kiểm soát được và việc không dám nhìn thẳng mắt đối phương sẽ khiến người học càng mất tự tin hơn vào khả năng nói của mình. Học viên có thể thoải mái hướng mắt chỗ khác và nhìn giám khảo đang chấm thi nhiều lần, và hầu hết giám khảo sẽ tỏ ra thân thiện và vui vẻ để giúp phần giảm căng thẳng cho học viên, từ đó sẽ càng giúp người học thoải mái và tự tin hơn.

Phân loại từ vựng theo hệ thống CEFR

Hệ thống đánh giá năng lực ngôn ngữ Common European Framework of Reference (CEFR) là một trong những thước đo phổ biến nhất được dùng để đánh giá khả năng ngôn ngữ của học viên, cụ thể là ngôn ngữ Anh-Anh hoặc Anh-Mỹ với sáu bậc theo thứ tự từ thấp đến cao: A1, A2, B1, B2, C1 và C2. Nhìn chung, CEFR đánh giá năng lực ngôn ngữ qua lượng từ vựng mà học viên có thể hiểu và sử dụng thành thạo qua 4 kĩ năng nghe, nói, đọc và viết. Các từ điển từ các nhà xuất bản nổi tiếng như Cambridge, Oxford, Longman, … đều sử dụng CEFR để phân loại từ vựng tiếng Anh phù hợp với từng cấp độ sử dụng tiếng Anh của học viên.

Trình độ A1: Beginner

Từ vựng A1 là những từ cơ bản nhất trong tiếng Anh giúp người học có thể hiểu và trả lời những câu hỏi cơ bản về bản thân như tên, tuổi, nơi ở…. Những từ vựng A1 điển hình là activity, begin, cheap,v.v…

Trình độ A2: Elementary

Từ vựng A2 giúp người học tiếng Anh giao tiếp và miêu tả một số chủ đề cơ bản và quen thuộc trong đời sống như thời tiết, chào hỏi, tính cách cá nhân…. Những từ vựng A2 điển hình là ability, communicate, available…

Trình độ B1: Intermediate

Từ vựng B1 giúp người học Anh ngữ thể hiện quan điểm về một số chủ đề hằng ngày trong môi trường công sở, trường học,…. Những từ vựng B1 điển hình là academic, afford, ambition, …

Trình độ B2: Upper-intermediate

Từ vựng B2 hỗ trợ học viên giao tiếp và thông hiểu tiếng Anh với các chủ đề phức tạp và có thể giao tiếp trong nhiều môi trường chuyên môn. Những từ vựng B2 điển hình là acquire, attorney, consideration…

Trình độ C1-C2: Advanced-Proficient

Học viên với lượng từ vựng C1-C2 tốt có thể dễ dàng đọc hiểu và giao tiếp trong nhiều môi trường chuyên môn cao. Phần lớn từ vựng C1-C2 được áp dụng trong tài liệu dài về các chủ đề chuyên sâu trong một lĩnh vực nhất định. Những từ vựng C1-C2 điển hình như abortion, acknowledge, absurd, accumulate, …

Những quan điểm sai lầm khi tham khảo bài mẫu

Một trong những vấn đề gây ra nhiều “myth” và “misconception” nhất là nhiều nguồn đọc cho học viên tham khảo. Phần lớn học viên sẽ tham khảo nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ bản thân luyện tập kĩ năng speaking và writing. Bài mẫu và các nguồn tham khảo giúp học viên phát triển kĩ năng tư duy với từng loại đề, cải thiện vốn từ vựng và ngữ pháp, tham khảo cách phát triển và truyền đạt ý tưởng và nhờ đó cải thiện kĩ năng nói và viết IELTS. Tuy nhiên, những nguồn tham khảo cũng có những vấn đề sau đây:

Nhiều nguồn tham khảo không chính thống

Có rất nhiều nguồn tham khảo IELTS khác nhau thường đề cập về một số chủ đề hay câu hỏi nhất định vì IELTS là một trong những chứng chỉ tiếng Anh nổi tiếng toàn cầu. Tuy nhiên cũng có rất nhiều nguồn tài liệu không chính thống từ nhiều quan điểm và nhận định khác nhau nhưng chưa được kiểm chứng của cộng đồng ngườithi IELTS, hoặc những bài tham khảo sai lệch đầy cám dỗ từ các tổ chức không uy tín với mục đích thuyết phục người đọc tham gia khóa học. Từ đó, học viên nên tham khảo nhiều nguồn khác nhau từ nhiều giáo viên nổi tiếng hoặc từ trang web chính thức của các trung tâm IELTS uy tín được nhiều người biết đến để tham khảo, so sánh và đúc kết những kiến thức bổ ích và chính xác.

Nhiều cách giải và hướng dẫn làm bài khác nhau

Mặc dù IELTS là bài kiểm tra năng lực Anh ngữ được toàn cầu hóa với những quy chuẩn nhất định, nhiều bài viết từ nhiều khu vực khác nhau có nhiều cách tiếp cận khác nhau cho cùng một loại đề hoặc câu hỏi. Vì IELTS không giới hạn quá nhiều về cách tiếp cận, phân tích hay hướng dẫn cách làm bài duy nhất cho những bài thi nói và viết, điều đó đồng nghĩa nhiều nguồn tham khảo khác nhau có nhiều cách viết và lập luận đều có thể đáp ứng yêu cầu của đề bài và được đánh giá dựa trên các tiêu chí ngôn ngữ trong band descriptors. Từ đó đồng thời có thể gây hoang mang hoặc nhiều tranh cãi từ người đọc, vì thế, học viên khi tham khảo cần cởi mở, tiếp thu và so sánh các cách viết/nói khác nhau để có thể chọn hướng trả lời phù hợp nhất với bản thân và từng câu hỏi.

image-altimage-altMặc dù 2 đề trên đều là loại câu hỏi miêu tả bản đồ (map) trong IELTS writing task 1, học viên sẽ cần phân tích theo các hướng khác nhau. Đề 1 yêu cầu học viên mô tả sự phát triển của một khu vực trong một giai đoạn ở quá khứ nhưng chỉ với 1 bản đồ, học viên nên bám sát vào các chú thích với các mốc thời gian khác nhau để sắp xếp ý tưởng phù hợp. Tuy nhiên, đề 2 yêu cầu học viên mô tả kế hoạch phát triển trung tâm thị trấn với 2 hình khác nhau. Vì thế, khác với đề 1, học viên phải sử dụng ngữ pháp và từ vựng liên quan đến dự định, kế hoạch trong tương lai và phải mô tả sự khác biệt giữa 2 hình để làm rõ kế hoạch phát triển của thị trấn.

Nguồn tham khảo cảm tính và chủ quan

Bài mẫu 9.0 và bài mẫu dài

Nhiều bài tham khảo được viết vô cùng trau chuốt và độ dài của bài dài hơn thực tế vì nhiều tác giả muốn cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt, lượng từ vựng cũng như ngữ pháp nhiều hơn để giúp học viên tiếp cận được nhiều lượng kiến thức hơn. Tuy nhiên, vì mỗi học viên có mục tiêu khác nhau và phần lớn người học không cần đạt band điểm 9.0 kỹ năng speaking và writing, việc bài mẫu không bám sát với nhu cầu thực tế của nhiều học viên có thể gây nhiều hiểu lầm về lượng từ vựng, ngữ pháp và độ dài của câu trả lời. Một học viên cần đạt band 6.5 phần thi nói có thể không thể tiếp thu được nhiều thông tin từ những bài mẫu band 9.0 hoặc thậm chí hiểu sai hoặc sử dụng sai những từ vựng C1-C2 mà bài mẫu 9.0 thường có. Hơn nữa, tốc độ nói tiếng Anh của người bản địa dao động từ 120 đến 150 từ một phút trong khi nhiều bài mẫu speaking part 2 có tổng lượng từ lên đến hơn 300 từ cho phần nói dài 2 phút. Vì thế, việc bài mẫu viết quá dài, trau chuốt và không bám sát vào nhu cầu và những điều kiện thực tế trong môi trường giao tiếp hằng ngày có thể gây nhiều hiểu lầm và khiến học viên tốn nhiều công sức hơn nhưng không hiệu quả để đạt được điểm số mong muốn. Vì vậy, học viên cần nắm rõ những tiêu chí yêu cầu của band descriptor để có thể định hướng tốt quá trình luyện tập, tuyển chọn và tiếp thu những kiến thức cần thiết cho một band điểm cụ thể và bám sát vào độ dài thực tế mà học viên có thể trả lời câu hỏi trong phòng thi.

Bài mẫu không bám sát vào yêu cầu của IELTS (band descriptors)

image-alt(Tiêu chí từ vựng và ngữ pháp band 7 IELTS speaking)

image-alt(Tiêu chí từ vựng và ngữ pháp band 7 IELTS writing task 2)

Một trong những mục đích chính của bài mẫu là giúp học viên tham khảo và học từ vựng hữu ích cho một chủ đề nhất định. Tuy nhiên, nhiều nguồn tham khảo online thường được viết một cách chủ quan và không đáp ứng những tiêu chí chấm điểm của IELTS, từ đó khiến học viên hiểu sai về yêu cầu cũng như phương pháp chấm điểm của phần thi speaking và writing. Nhìn chung, IELTS là bài thi kiểm tra khả năng giao tiếp tiếng Anh một cách tự nhiên, rõ ràng, mạch lạc và dễ hiểu trong nhiều tình huống giao tiếp hằng ngày, học tập hay làm việc. Vì thế, việc sử dụng vốn từ vựng và ngữ pháp phù hợp sẽ giúp học viên đạt điểm cao cũng như giao tiếp hiệu quả hơn hoặc ngược lại, việc vận dụng từ vựng và ngữ pháp không phù hợp hoặc không tự nhiên sẽ khiến giám khảo khó hiểu, có thể ảnh hưởng các tiêu chí khác như fluency and coherence hoặc task response của học viên và có thể khiến câu trả lời bị trừ điểm nhiều hơn là cộng điểm.

Nhiều bài viết mẫu tập trung quá nhiều và sử dụng nhiều từ vựng formal, cụm từ hoặc thành ngữ cổ. Việc sử dụng quá nhiều idiom (thành ngữ), big word (từ vựng đao to búa lớn), terminology (từ vựng chuyên ngành), academic, formal, và C1-C2 word (từ vựng học thuật, trang trọng, phức tạp và cao cấp), old-fashioned word (từ cổ nghĩa cổ), literary word (từ vựng văn học) ở khắp nơi trong các bài tham khảo đặc biệt là bài mẫu speaking sẽ khiến học viên nhầm tưởng về mức độ, tần suất và tầm quan trọng của những cụm từ này. Tuy nhiên, theo tiêu chí chấm ở hai hình trên, học viên cần sử dụng được nhiều từ vựng khác nhau từ A1 đến C2 để thể hiện ý tưởng rõ ràng, dễ hiểu và chính xác về mặt ý nghĩa và nội dung. Hơn nữa, từ vựng “less common” được đề cập là những từ vựng ít phổ biến và ít được sử dụng bởi người học tiếng Anh chứ không hề ít phổ biến với người bản địa, và càng không phải luôn luôn là từ vựng C1-C2. Từ vựng “less common” thường hỗ trợ học viên diễn giải và thể hiện ý tưởng rõ ràng hơn, súc tích hơn và hiệu quả hơn thay vì luôn là những từ vựng C1-C2 cao cấp, phức tạp và có phần mơ hồ nếu không được sử dụng hiệu quả.  Nhìn chung, sử dụng quá nhiều từ vựng C1-C2 không những không có lợi mà còn khiến câu trả lời trở nên khó hiểu, mơ hồ, không tự nhiên và càng dễ phạm nhiều lỗi sai hơn. Bởi vì phần lớn người bản địa sử dụng từ vựng A1-B2 khoảng 80% khi nói và viết hằng ngày để dễ dàng giao tiếp một cách tự nhiên, việc sử dụng quá nhiều từ cao cấp hoặc đao to búa lớn khi thi IELTS là không phù hợp. Một vấn đề khác mà học viên có thể gặp là nhiều bài mẫu cung cấp thông tin không hiệu quả khi thường dịch nghĩa từ vựng C1-C2 thành tiếng Việt cụ thể mà không định nghĩa. Nhiều học viên sẽ hiểu sai, học thuộc và sử dụng những cụm từ phức tạp này. Vì người học thường tin tưởng và không kiểm tra lại cụm từ, có xu hướng dịch hiểu theo cách dịch của bài viết và không thể sử dụng phù hợp với ngữ cảnh của câu khi đi thi, giám khảo sẽ dễ dàng nhận biết những cụm từ được sử dụng rập khuôn và không chính xác. Từ đó, việc sử dụng quá nhiều từ C1-C2 nhưng kém hiệu quả sẽ không những không giúp cải thiện mà còn ảnh hưởng xấu đến điểm thi của học viên.

Nhiều người học hiểu sai về việc sử dụng “idiomatic vocabulary” khi nhiều bài mẫu lạm dụng quá nhiều thành ngữ dài với ý nghĩa cổ và không còn thông dụng trong đời sống hiện nay. “Idiomatic vocabulary” không những là những cụm thành ngữ dài mà còn là những từ/cụm từ mà người bản địa thường sử dụng hằng ngày để thể hiện ý nghĩa một cách tự nhiên và chính xác. Hiện nay, nhiều người bản địa sử dụng những từ “idiomatic” ngắn hơn, phù hợp hơn và dễ sử dụng hơn so với các thành ngữ cổ trong quá khứ. Ví dụ, người bản địa không còn sử dụng nhiều cụm “it’s raining cats and dogs” mà sử dụng “it’s hammering down/pouring down” để chỉ về một cơn mưa rất lớn. Vì thế, việc sử dụng quá nhiều thành ngữ dài, khó hiểu và khó sử dụng khi giao tiếp hiện nay là không tự nhiên và không phù hợp với người bản địa, từ đó có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng giao tiếp của học viên khi thi. Thay vào đó, các cụm từ thường đi với nhau (collocation), cụm đồng từ (phrasal verb) và thành ngữ đương đại thường được người bản địa nói tiếng Anh sử dụng rất nhiều trong giao tiếp đời thường, vì vậy học viên cần tham khảo những nguồn tài liệu cung cấp từ vựng thích hợp và bám sát với yêu cầu của IELTS để có thể cải thiện kĩ năng nói hiệu quả và đạt được điểm tốt.

Ngoài nhiều điểm tương đồng về lượng từ vựng, IELTS writing không yêu cầu sử dụng từ vựng “idiomatic”. Vì thế, học viên cần hạn chế và thận trọng sử dụng các thành ngữ, các cụm từ hàm nghĩa so sánh bóng bẩy, các từ tiếng lóng hoặc từ thông tục địa phương (colloquialism). IELTS writing yêu cầu học viên sử dụng từ trang trọng (formal), súc tích và thường gói gọn trong một hoặc hai từ để thể hiện ý tưởng. Trong task 1, học viên có thể sử dụng “go up and down” hoặc “fluctuate” để diễn đạt biểu đồ có xu hướng tăng giảm liên tục. Tuy nhiên, từ “fluctuate” ngắn gọn và có phần phù hợp với văn phong của IELTS writing hơn so với một cụm từ dài, vì thế học viên cần chọn và sử dụng từ vựng phù hợp, ngắn gọn và bao hàm nghĩa tốt trong khi thi viết.

Một trong những điểm khác biệt giữa văn nói và văn viết là ngữ pháp. Có nhiều bài tham khảo IELTS speaking lòng ghép và cung cấp quá nhiều ngữ pháp phức tạp và cao cấp. Nhiều bài viết không bám sát vào yêu cầu của IELTS hoặc tác giả quá cảm tính và tập trung vào viết bài mẫu cho văn nói nhưng vô tình theo văn phong của văn viết. Từ đó, lượng ngữ pháp phức tạp xuất hiện dày đặt và không hề phù hợp với hội thoại hằng ngày như sử dụng quá nhiều các câu điều kiện đảo ngữ, các cấu trúc đảo ngữ khác (inversions), các mệnh đề quan hệ lòng ghép vào nhau tạo thành câu nói quá dài, sử dụng nhiều bị động …. Theo IELTS descriptor, học viên cần sử dụng nhiều loại cấu trúc ngữ pháp khác nhau từ dễ đến phức tạp nhưng với tần suất phù hợp để tạo câu nói tự nhiên và dễ dàng truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng để cải thiện khả năng giao tiếp giữa người với người. Học viên vẫn cần sử kết hợp các dạng câu đơn, phức, kép, mệnh đề quan hệ, mệnh đề trạng ngữ, câu bị động, câu điều kiện, … nhưng sử dụng một cách tự nhiên, phù hợp với ngữ cảnh và dễ hiểu. Vì thế, học viên cần tham khảo nguồn tài liệu chính thống và cung cấp lượng ngữ pháp phù hợp và hiệu quả trong IELTS speaking.

Tổng kết

Trong bài này, học viên đã tìm hiểu sơ lược một số quan niệm phổ biến nhưng sai lầm của cộng đồng người học IELTS. Đó là:

  • Tham gia thi tại IDP sẽ dễ có điểm cao hơn BC (British Council) hoặc ngược lại

  • Mua và sử dụng bằng giả

  • Tìm kiếm, học thuộc và sử dụng các mẹo và các cách làm bài thi để nhanh chóng đạt điểm cao

  • Bài thi IELTS không dành cho người bản địa nói tiếng Anh

  • Không thể hỏi giám khảo bất kì câu nào khi thi speaking

  • Phải nói cực kì nghiêm túc, cứng ngắc và trang trọng trong khi thi Speaking

Học viên cần tham khảo nhiều nguồn chính thống khác nhau từ các tổ chức, kinh nghiệm của nhiều chuyên gia, giám khảo và giáo viên khác nhau để có thể có cái nhìn hoàn chỉnh và chính xác hơn về bài thi IELTS. Từ đó, học viên sẽ có định hướng và dễ dàng hoàn thiện phương pháp luyện tập của bản thân để có thể đạt được điểm tốt mà người học mong muốn.

Người học cần nâng điểm IELTS cao nhanh chóng để nộp hồ sơ du học, định cư, tốt nghiệp, hay việc làm. Tham khảo khóa luyện thi IELTS online với lịch học linh hoạt và tối ưu chi phí.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu