Peer feedback trong kĩ năng Writing
Key takeaways |
---|
|
Peer feedback là gì?
Có nhiều thuật ngữ đồng nghĩa với peer feedback xuất hiện trong các nghiên cứu, có thể kể đến như peer review, peer editing, peer assessment hoặc peer correction. Tất cả các thuật ngữ trên đều nói đến quá trình khi người học đọc và đề xuất nhận xét về bài viết của một người học khác. Tuy nhiên, rất ít nghiên cứu đưa ra một định nghĩa chính thức về khái niệm của peer feedback. Trong đó, Liu & Carless (2006) nhắc đến peer feedback là một quá trình yêu cầu người học đưa ra nhận xét mang tính xây dựng để có thể nắm được kiến thức và cải thiện việc học cho cả hai đối tượng: người nhận và người đề xuất nhận xét.
Đây là một phương pháp với mục đích cốt lõi là đánh giá lẫn nhau để có thể hỗ trợ phân tích điểm mạnh và điểm yếu. Do đó, với tính chất xây dựng và khuyến khích cải thiện, peer feedback có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, kinh doanh, hoặc nghệ thuật.
Peer feedback trong kĩ năng Writing
Writing process (Quy trình viết) là một quy trình giúp người học tổ chức sắp xếp ý tưởng cho bài văn. Theo Seow (2002), quy trình viết bao gồm bốn giai đoạn: lập kế hoạch, soạn thảo, sửa đổi và chỉnh sửa.
Ở bước lập kế hoạch, người học cần đưa ra ý tưởng về việc mình cần phải viết gì. Sau khi đã có định hướng cho bài viết, người học sẽ bắt đầu viết những ý tưởng của bản thân thành bài. Ở bước này, người học tập trung vào sự mạch lạc của văn bản chứ không phải sự chính xác về ngữ pháp. Tiếp theo, sau khi hoàn tất bài viết, người học sẽ xem xét lại những gì đã được viết để kiểm tra nội dung đã phù hợp hoặc rõ ràng hay chưa để đưa ra những đề xuất sửa đổi. Cuối cùng, người học sẽ chỉnh sửa lại bài viết và đưa ra sản phẩm cuối cùng. Tuy nhiên, quy trình này có thể lặp lại nhiều lần trong trường hợp người học chỉnh sửa lại bài viết của bản thân.
Và để bài viết của người học thật sự toàn diện, Seow (2002) cũng đề xuất thêm một giai đoạn, đó là phản hồi. Để hỗ trợ giai đoạn sửa đổi một cách tốt nhất, giai đoạn này sẽ xảy ra sau khi người học đã hoàn tất giai đoạn soạn thảo. Giai đoạn này có thể đến từ giáo viên hoặc bạn bè dưới dạng nhận xét và đề xuất bằng lời nói hoặc viết.
Vì vậy, quy trình để có một bài viết hoàn thiện có thể được sắp xếp như sau: lập kế hoạch, soạn thảo, phản hồi, sửa đổi và chỉnh sửa.
Khi các lớp học áp dụng quy trình trên trong kĩ năng writing, hầu như hai đối tượng tham gia trực tiếp đều là giáo viên và người học. Tuy nhiên, với sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy hướng đến việc lấy người học làm trung tâm, việc người học chỉ thụ động tiếp nhận kiến thức đã không còn phù hợp. Do đó, ở những giai đoạn đến từ giáo viên sẽ dần được thay đổi thành chính người học để thúc đẩy sự tham gia một cách chủ động hơn. Vì vậy, việc sử dụng peer feedback quy trình viết, cụ thể là giai đoạn phản hồi có tính ứng dụng khá cao.
Lợi ích của Peer feedback trong kĩ năng Writing
Việc học kĩ năng writing hầu như gắn liền với việc hỗ trợ sửa và đề xuất từ giáo viên hoặc một người có chuyên môn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc giá trị mà peer feedback mang lại trong việc cải thiện quá trình học của người học. Dưới đây sẽ là vài lợi ích mà peer feedback có thể đem lại cho người học khi ứng dụng.
Khuyến khích việc học hỏi lẫn nhau
Dựa theo lý thuyết Collaborative learning của Lev Vygotsky (lược dịch: lý thuyết hợp tác trong học tập), khi người học hỗ trợ lẫn nhau thì họ có thể thúc đẩy tư duy và kĩ năng phân tích. Mỗi người học đều tiếp thu những kiến thức khác nhau trong quá trình học tập, cho nên việc hỗ trợ và trao đổi kiến thức với nhau sẽ giúp người học có thể ‘’bù đắp’’ những kiến thức còn thiếu hoặc hỏng.
Khi áp dụng peer feedback, người học sẽ được đọc và cho bình luận về những điểm mạnh và điểm yếu của bạn cùng lớp. Người học có thể học hỏi lẫn nhau bằng việc tiếp thu phần nhận xét, tránh lỗi của bạn học hoặc tiếp nhận những đề xuất về cách dùng từ hoặc cấu trúc hay. Thông qua quá trình góp ý bài viết của bạn, người học cũng có thể nhận ra những lỗi sai hoặc điểm yếu mà bản thân không tìm ra được khi viết.
Tạo môi trường học tập tích cực
Khi ứng dụng peer feedback, người học có thể thảo luận thông qua làm việc nhóm để trở thành một phương tiện để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu ngôn ngữ. Ferris (2003) cũng đồng ý khi đưa ra ý kiến về việc tương tác giữa người học, đặc biệt là trong những lớp học ngôn thứ thứ hai, sẽ rất quan trọng trong việc phát triển năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ đó. Trong quá trình này, người học có thể tham gia thảo luận và tranh luận về những điểm được đề xuất. Điều này trái ngược với sự tương tác một chiều giữa giáo viên và người học, trong trường hợp này người học chỉ đơn thuần tiếp nhận việc sửa lỗi dựa trên bình luận của giáo viên. Vì vậy, khi ứng dụng phương pháp này, người học có thể tranh luận và thảo luận về ý kiến của bạn học, thay vì thụ động tiếp nhận thông tin.
Phát huy sự tự chủ trong việc học
Theo Tsui và Ng (2000), khi người học thực hiện peer feedback với bạn cùng lớp, người học sẽ có xu hướng viết nghiêm túc hơn và dành nhiều thời gian hơn để đọc lại bài viết của bản thân để bạn học có thể hiểu những gì họ muốn truyền đạt. Và khi quá trình này được thực hiện nhiều lần, người học sẽ chủ động hơn trong việc ôn tập kiến thức, đặt ra các mục tiêu học tập để giải quyết vấn đề bản thân đã gặp phải.
Bất lợi của Peer feedback trong kĩ năng Writing
Mặt khác, peer feedback cũng sẽ gây vài khó khăn nhất định trong vài trường hợp cho cả hai đối tượng cho và nhận nhận xét.
Về năng lực ngôn ngữ
Người học khi đưa nhận xét sẽ cảm thấy khó đưa ra phản hồi phù hợp cho bạn bè của mình do năng lực ngôn ngữ còn hạn chế. Điều này có thể xuất phát từ việc người học chưa được trang bị đủ kiến thức để đưa ra những đề xuất có giá trị. Do đó, xu hướng của các đề xuất liên quan đến nội dung, viết phát triển ý hoặc phân tích các cấu trúc ngữ pháp phức tạp sẽ ít được quan tâm. Thay vào đó, các lỗi dễ phát hiện như lỗi chính tả hoặc dấu câu sẽ được chú ý hơn.
Bên cạnh đó, người học khi nhận được nhận xét cũng sẽ gặp một số khó khăn vì đôi lúc nhận xét sẽ không được cụ thể nên tính ứng dụng trong việc sửa lỗi sẽ khá thấp. Ngoài ra, năng lực ngôn ngữ hạn chế không chỉ khiến người học khó đưa ra nhận xét phù hợp mà còn tạo ra trở ngại trong việc tự sửa lỗi dựa trên nhận xét đã được cung cấp.
Về mặt cảm xúc/tâm lý
Khi ứng dụng peer feedback trong lớp học, người học sẽ gặp vài khó khăn về mặt tâm lý. Hầu hết, khi học kĩ năng writing, người học thường mong chờ sự nhận xét từ giáo viên thay vì từ bạn cùng lớp. Do đó, khi áp dụng peer feedback, sự thiếu tin tưởng vào nhận xét của bạn học hoặc không tự tin khi tự lực đưa ra nhận xét là điều tất yếu xảy ra. Vì vậy, khi mang tâm lý như vậy người học sẽ không tích cực tham gia vào quá trình nhận xét.
Mặc dù peer feedback giúp người học cảm thấy thoải mái hơn khi thảo luận với bạn bè về việc nhận xét nhưng một số ít có thể cảm thấy không thoải mái khi bài viết của họ bị bạn bè nhận xét vì họ sợ sẽ bị bạn bè chế giễu hoặc chê cười.
Bên cạnh đó, để tránh làm tổn thương tình cảm bạn bè và duy trì mối quan hệ, người học sẽ có xu hướng đưa ra những nhận xét tích cực và ngại phê bình bài viết của bạn mình.
Những điều cần lưu ý để có thể tối ưu hóa Peer feedback trong kĩ năng Writing
Sự hỗ trợ từ giáo viên
Mặc dù với quá trình peer feedback xoay quanh chủ yếu về người học, giáo viên vẫn nên quản lý và kiểm soát tốt quá trình này. Giáo viên nên đưa ra các chiến lược hỗ trợ người học bằng việc chia thành các giai đoạn nhỏ như trước, trong và sau hoạt động peer feedback.
Trước khi bắt đầu hoạt động, giáo viên nên nêu rõ mục đích của quá trình peer feedback này để học sinh hiểu giá trị của hoạt động này mang lại. Những điều này tương tự như Rollinson (2005, trang 26) gọi là “sự thuyết phục ban đầu”, điều này rất quan trọng vì người học không thể ngay lập tức làm quen được với trách nhiệm mà trước đó là của giáo viên chứ không phải là của họ.
Trong quá trình diễn ra hoạt động nhận xét, giáo viên nên theo dõi và hỗ trợ và khuyến khích người học tích cực hơn.
Sau khi hoàn tất hoạt động, giáo viên nên trao đổi với người học về các khó khăn khi tham gia peer feedback. Đồng thời, giáo viên cũng nên dành khoảng thời gian đầu để xem lại các nhận xét hoặc đề xuất lỗi của tất cả các bài để đảm bảo quá trình peer feedback được diễn ra hợp lý.
Cung cấp một checklist cụ thể
Để người học có thể hiểu được nhiệm vụ cần làm trong quá trình peer feedback, giáo viên có thể đưa ra một checklist những điểm trọng tâm để người học lưu ý. Việc cung cấp một checklist với tiêu chí cụ thể sẽ giúp quá trình peer feedback diễn ra phù hợp và đúng trọng tâm nội dung được học.
Ngoài ra, checklist nên được giáo viên thiết kế một cách đơn giản và dễ hiểu để người học có thể áp dụng ngay lập tức.
Tổng kết
Bài viết đưa ra định nghĩa về peer feedback, cũng như phân tích điểm cộng và trừ của phương pháp này đối với đối tượng người học đồng thời các bước để tối ưu hóa phương pháp này trong kĩ năng writing. Ngoài ra, phương pháp này vẫn có những điểm tích cực (giảm khối lượng công việc khi chấm bài) và hạn chế (thời gian tiết học có hạn, khó quản lý lớp) cho cả đối tượng giáo viên.
Tuy nhiên, với mục đích cốt lõi là giúp cải thiện cho cả hai đối tượng người học một cách đồng thời, phương pháp này nên được giáo viên áp dụng thường xuyên hơn trong lớp học.
Tham khảo
Liu, N. F., & Carless, D. (2006). Peer feedback: the learning element of peer assessment. Teaching in Higher education, 11(3), 279-290. https://doi.org/10.1080/13562510600680582
Rollinson, P. (2005). Using peer feedback in the ESL writing class. ELT journal, 59(1), 23-30. https://doi.org/10.1093/elt/cci003
Seow, A. (2002). The Writing Process and Process Writing. In J. C. Richards, & W. A. Renandya (Eds.), Methodology in Language Teaching – An anthology of current practice (pp. 315-320). Cambridge: Cambridge University Press
Tsui, A. B., & Ng, M. (2000). Do secondary L2 writers benefit from peer comments?. Journal of second language writing, 9(2), 147-170. https://doi.org/10.1016/S1060-3743(00)00022-9
Bình luận - Hỏi đáp