Phân biệt phụ âm /n/ và /l/ trong bảng IPA
Trong bài thi Speaking, tiêu chí Phát âm có thể là một chướng ngại vật lớn đối với thí sinh Việt Nam. Nhiều thí sinh luyện tập thường xuyên vẫn không thể cải thiện được phát âm một cách hoàn chỉnh và chính xác. Một lý do cho việc này nằm ở sự khác biệt giữa các âm trong hai hệ thống âm của hai thứ tiếng, từ đó dẫn đến việc có những cách phát âm còn giống tiếng Việt, chưa đúng phương cách của tiếng Anh. Một cách để giúp tiếp cận phát âm tiếng Anh chính xác hơn là thông qua việc học bảng Phiên âm Quốc tế IPA (IPA - International Phonetics Alphabet), do đây là một bảng tổng hợp tất cả các âm được sử dụng trong tiếng Anh. Chắc hẳn đã có nhiều thí sinh được giới thiệu qua bảng sau nhưng lại chưa biết cách học đúng. Vì thế, chuỗi bài viết sau hướng đến việc giới thiệu về các nhóm âm trong bảng IPA, về cách tạo âm đúng cũng như những sự khác biệt với các âm trong tiếng Việt. Bài trước đó đã nói về hai âm chân răng kế tiếp (/s/ và /z/), bài viết bên dưới sẽ phân tích hai âm chân răng cuối cùng (/n/ và /l/)
Key takeaways |
---|
|
Khái niệm phụ âm và phụ âm chân răng
Trong ngữ âm học, phụ âm là những âm mà khi phát ra, thanh quản sẽ đóng lại một phần hoặc đóng lại hoàn toàn, từ đó luồng hơi phát ra sẽ bị cản trở một phần hoặc hoàn toàn. Trong tiếng Anh hiện nay, hầu hết các nhà ngôn ngữ học ghi nhận 24 âm phụ âm và thành lập nên bảng IPA phụ âm.
Phụ âm chân răng là phụ âm được tạo ra bằng sự tiếp xúc giữa một bộ phận của lưỡi và vùng chân răng phía sau hai răng cửa. Các phụ âm chân răng bao gồm toàn bộ phụ âm ở cột thứ tư của bảng IPA, trong đó có 6 âm: /t/, /d/, /s/, /z/, /n/ và /l/. Dựa vào phương thức cấu âm, 6 âm này lại được chia ra thành 4 nhóm nhỏ:
Phụ âm bật (Plosives): /t/ và /d/. Đây là những âm phụ âm mà tại đó luồng hơi phát ra từ trong cuống họng đến miệng sẽ bị chặn lại, sau đó luồng hơi này được dồn nén lại đến một lúc và thoát ra.
Phụ âm xát (Fricatives): /s/ và /z/. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì những âm này khi phát âm, không khí sẽ bị chặn lại một phần từ đó dẫn đến sự chà xát với răng
Phụ âm mũi (Nasals): /n/. Khi phát âm âm /n/, hai môi sẽ được mím chặt lại và từ đó, luồng hơi phải được thoát ra ngoài thông qua đường mũi.
Phụ âm tiếp cận (Approximant): /l/. Khi phát âm âm /l/, các bộ phận cấu âm trong khoang miệng sẽ đến gần với nhau nhưng khe hở chưa đủ hẹp để tạo ra sự dao động không khí
Thí sinh có thể thử phát âm các từ “tea”, “dee”, “see”, “zee”, “need”, “lee” để thấy rằng khi đọc cả 6 từ này, một phần nào đó của lưỡi sẽ di chuyển đến vùng chân răng. Đó cũng chính là đặc điểm chính của nhóm âm trên. Ở hai âm /t/ và /d/, phụ âm được bật ra mạnh; với âm /s/ và /z/, phụ âm được ma sát với răng trước khi ra ngoài; còn ở âm /n/ và /l/ lại không có sự bật hơi.
Ngoài cách phân loại trên, 6 âm này còn được phân loại dựa trên tiêu chí về tính chất hữu thanh, bao gồm hai nhóm nhỏ:
Âm vô thanh: /t/, /s/. Đây là những âm mà khi phát ra, không có sự rung động của các dây thanh quản ở cuống họng. Tương tự, thí sinh cũng có thể để tay lên cuống họng và phát âm thử âm /t/ để kiểm chứng.
Âm hữu thanh: /d/, /z/, /n/, /l/: Đây là những âm mà khi phát ra sẽ có sự rung động của các dây thanh quản ở cuống họng. Khi chạm tay vào và phát âm, sẽ có thể cảm nhận được sự rung động đấy
Ở bài viết này, thí sinh sẽ trước hết tìm hiểu hai phụ âm chân răng cuối cùng của nhóm, /n/ và /l/
Phụ âm /n/
Phụ âm này có tên gọi là phụ âm mũi chân răng hữu thanh (voiced alveolar nasal). Âm được tạo ra bằng cách để đầu lưỡi tiếp xúc với vùng chân răng trước, sau đó vòm miệng sẽ hạ xuống để chặn không khí đi ra khỏi đường miệng mà sẽ ra bằng đường mũi. Nhìn vào biểu tượng, có thể thấy ngay đây là một âm rất quen thuộc, và tương đương với âm của chữ “n” trong tiếng Việt. Âm /n/ có thể xuất hiện ở vị trí đầu một từ như trong “night” (/naɪt/, ban đêm), “noon” (/nuːn/, buổi trưa); ở giữa một từ như trong “any” (/ˈɛni/, bất kỳ), “money” (/’mʌni/, tiền bạc), hoặc ở cuối một từ như trong “plan” (/plæn/, kế hoạch) hay “when” (/wɛn/, khi nào). Thí sinh có thể luyện đọc câu Nine nice night nurses nursing nicely” (Chín người y tá đêm săn sóc nhẹ nhàng). Hình bên dưới miêu tả vị trí các bộ phận của miệng khi phát âm âm /n/:
Tương tự như nhiều âm chân răng khác, âm /n/ cũng xuất hiện trong những từ chứa chữ “n” như “many” (nhiều), hoặc “phone” (điện thoại). Tuy vậy, âm /n/ cũng có thể xuất hiện ở một số trường hợp đặc biệt như:
Những từ bắt đầu bằng tổ hợp phụ âm “kn-" như trong “knee” (/niː/, đầu gối), “knife” (con dao), hoặc “know” (/nəʊ/, biết)
Những từ bắt đầu bằng tổ hợp phụ âm “gn-” như trong “gnash” (/næʃ/, nghiến răng) hay “gnaw” (/nɔː/, gặm), tuy vậy những từ này có tần suất ít phổ biến hơn trong tiếng Anh.
Bên cạnh đó, chữ “n” cũng sẽ không được phát âm trong những từ tận cùng bằng tổ hợp “-mn” như trong “autumn” (/ˈɔː.təm/, mùa thu), “column” (/’kɒləm/, cây cột). Còn lại, chữ “n” sẽ luôn được phát âm trong một từ.
Phụ âm /l/
Phụ âm này có tên đầy đủ là phụ âm cạnh chân răng hữu thanh (voiced alveolar lateral). Khi phát âm âm /l/, luồng hơi sẽ đi ra khỏi khoang miệng thông qua hai đường kẽ hở ở hai bên miệng, chứ không phải đường chính giữa miệng như những phụ âm khác. Luồng hơi này được tạo ra bằng cách cho đầu lưỡi tiếp xúc với vùng chân răng trên và sau đó thổi hơi ra. Nhìn vào biểu tượng chỉ âm có thể thấy, âm này cũng tương đương với âm của chữ “l” trong tiếng Việt. Âm /l/ có thể xuất hiện ở đầu một từ như trong “light” (/laɪt/, ánh sáng), “lead” (/liːd/, dẫn dắt); ở giữa một từ như trong “allow” (/ə’laʊ/, cho phép), “color” (/’kʌ.lə/, màu sắc), hoặc ở cuối một từ như trong “cool” (/ku:l/, mát lạnh), “real” (/ri:l/, thực tế). Thí sinh thực hành câu tongue twister sau để luyện tập phát âm cả âm /n/ và /l/: “No need to light a nightlight on a light night like tonight” (Không cần thắp đèn vào một đêm sáng như đêm nay). Hình bên dưới miêu tả vị trí các bộ phận miệng khi phát âm âm /l/:
Âm /l/ là một âm tương đối đơn giản để nhận biết, với hai hình thức xuất hiện trong một từ:
Khi chữ “l” đứng ở đầu một từ, lúc này âm /l/ được tạo ra nhanh và dứt khoát, tương tự như âm /l/ trong tiếng Việt.
Khi chữ “l” hoặc “-le” xuất hiện ở cuối từ, âm /l/ sẽ được kéo dài ra. Lúc này, thí sinh sẽ nhận thấy đầu lưỡi không chạm vào chân răng trên nữa, mà phần phía sau của lưỡi sẽ chạm vào vùng phía sau của vòm miệng (còn gọi là vùng ngạc mềm).
Thí sinh có thể phát âm các từ bao gồm “look” (nhìn), “lamp” (đèn), “love” (yêu) và so sánh vị trí lưỡi với những từ như “cool” (mát lạnh), “ball” (quả bóng), “battle” (trận chiến). Qua đây có thể thấy sự khác biệt giữa vị trí tiếp xúc cũng như đặt lưỡi của hai bên.
Ngoài ra, chữ “l” có thể sẽ không được phát âm trong một số trường hợp tạo từ, trong đó bao gồm:
Khi một từ có chứa vần “-alf” hoặc “-alm” như trong “calf” (/kɑːf/, bắp chân), “half” (/hɑːf/, một nửa), “calm” (/kɑːm/, bình tĩnh), “palm” (/pɑːm/, lòng bàn tay). Lúc này “-al” sẽ được phát âm thành một nguyên âm /ɑː/ (giống âm của chữ “a” trong tiếng Việt nhưng tròn môi hơn)
Khi một từ có chứa vần “-alk” như trong “walk” (/wɔːk/, đi bộ), “talk” (/tɔːk/, nói chuyện). Lúc này “-al” sẽ được phát âm thành một nguyên âm /ɔː/ (giống âm của chữ “o” trong tiếng Việt nhưng kéo dài hơn)
Khi một từ tận cùng bằng “-ould” như trong “could” (/kʊd/, có thể), “would” (/wʊd/, sẽ), “should” (/ʃʊd/, nên). Lúc này vần “-ould” sẽ được phát âm thành /ʊd/ như trong “good”.
Phụ âm âm tiết với /m/, /n/ và /l/
Đến đây, thí sinh đã nắm được rằng âm /m/ hoặc /l/ có thể đứng ở vị trí kết thúc một từ. Nhưng có một số trường hợp ở cuối từ không có nguyên âm mà chỉ có hai phụ âm như trong “tourism”, hoặc có trường hợp có hai phụ âm và theo sau là một chữ “-e” nhưng không phát âm chữ “-e” này, như trong “people”. Đây được gọi là hiện tượng phụ âm âm tiết (syllabic consonant) trong tiếng Anh. Hiện tượng này bao gồm những âm tiết được tạo ra bằng hai phụ âm mà không có sự xuất hiện ở nguyên âm ở giữa. Ngoài ra, âm tiết này không mang trọng âm. Khi đó, trong phát âm, thí sinh sẽ nghe một âm /ə/ ở giữa hai phụ âm, nhưng âm này rất nhỏ và nhanh, khác với một âm /ə/ bình thường (được phát âm chậm và rõ) như trong “tired” /taɪəd/.
Hiện tượng này được tạo ra khi có một âm bật (plosives) hoặc âm chân răng (alveolars) được theo sau là âm /m/, /n/ hoặc /l/. Dựa vào quy tắc trên, có rất nhiều từ chứa phụ âm âm tiết, tiêu biểu là một số trường hợp như:
Những từ tận cùng bằng một âm bật và “-le” như “single” (/ˈsɪŋ.ɡl/), “able”(/ˈeɪ.bl/), “little” (/’lɪ.tl/)
Những từ tận cùng bằng một âm chân răng và /n/ hoặc /m/ như “person” (/’pɜː.sn/), “tourism”(/’tʊə.rɪ.zm/, du lịch), “important” (/ɪm.’pɔː.tnt/, quan trọng). Thí sinh có thể thấy mặc dù trong cách viết, vẫn có nguyên âm chen giữa các phụ âm như nguyên âm “o” trong “person”, âm được tạo ra là một âm /ə/ rất nhỏ và khó nhận biết.
Ngoài vị trí cuối từ, hiện tượng này cũng có thể xuất hiện ở giữa từ. Tại đó, khi âm /ə/ theo sau là âm /m/, /n/, /l/ sẽ được nuốt đi và hoàn toàn không phát âm. Đây còn được gọi là hiện tượng nuốt âm (elision). Ta có thể xét ví dụ từ “listening” có phiên âm IPA là /’lɪsənɪŋ/, nhưng khi phát âm nhanh, âm /ə/ do đứng trước âm /n/ nên sẽ được lược bỏ và lúc này từ sẽ được phát âm thành /’lɪsnɪŋ/. Một số trường hợp khác cho hiện tượng trên bao gồm “traveller” (người du lịch), lúc này âm /ə/ ở âm tiết thứ hai sẽ được lược bỏ và từ sẽ được phát âm thành /’trævlə/ thay vì /’trævələ/
Tổng kết
Âm /n/ và âm /l/ thực chất không phải là hai âm quá xa lạ với thí sinh Việt Nam. Tuy vậy, với âm /l/ vẫn có sự khác biệt ở vị trí đặt lưỡi khi âm ở cuối từ, nên thí sinh cần lưu ý đặc điểm này. Ngoài ra, thí sinh cũng cần quan tâm đến hiện tượng phụ âm âm tiết để có thể có được cách phát âm tự nhiên nhất trong một từ.
Bình luận - Hỏi đáp