Phản hồi từ bạn học (Peer Feedback) - Lợi ích và phương thức áp dụng

Trong quá trình học IELTS, việc trao đổi thông tin giữa các học viên là rất quan trọng, trong đó Phản hồi từ bạn học (Peer feedback) là một cách hữu ích để học viên có thể tiếp nhận thông tin từ những người bạn cùng lớp về những hạn chế mình đang mắc phải, từ đó hướng đến quá trình hoàn thiện các kỹ năng và kiến thức của bản thân.
author
Nguyễn Thành Sơn
12/04/2023
phan hoi tu ban hoc peer feedback loi ich va phuong thuc ap dung

Tuy hoạt động này còn tồn tại một số hạn chế có thể gặp phải, song đây là một phương pháp chứa đựng nhiều lợi ích và cần được áp dụng đúng cách để tối đa hóa trải nghiệm của học viên, đặc biệt trong quá trình học tiếng Anh và ôn luyện IELTS.

Định nghĩa phản hồi từ bạn học

Phản hồi từ bạn học (Peer feedback) là loại phản hồi được đưa ra bởi các học viên cho những bạn học khác cùng lớp với mình, dưới hình thức nhận xét, đưa ra điểm mạnh, điểm yếu về bài làm hoặc phần thể hiện của đối phương.

Các học viên có thể đánh giá lẫn nhau dựa trên bộ tiêu chí được chọn lọc từ trước. Tất cả các công đoạn được thực hiện một cách công bằng nhằm hỗ trợ việc học giữa các cá nhân trong lớp đạt kết quả cao nhất.

Hiệu quả của phản hồi từ bạn học

Những nhận xét được đưa ra bởi bạn bè trong cùng lớp học có thể giúp các học viên phát triển tối đa kỷ luật của bản thân trong quá trình học tập (Sadler, 2006), đồng thời đóng vai trò tích cực đối với việc tự quản lý hoạt động của chính cá nhân mình (Liu và Carless, 2006). Đặc biệt, trong việc học và nghiên cứu IELTS, Peer Feedback có thể đem lại những giá trị thiết thực.

Thứ nhất, phản hồi của bạn bè cùng lớp đôi khi có thể dễ tiếp cận đối với học viên hơn và đúng trọng tâm vấn đề hơn so với phản hồi từ giảng viên cung cấp và thường không gây ra cảm xúc tiêu cực, sự lo lắng hoặc ác cảm về phía học viên.

Nhiều học viên IELTS thường cảm thấy khó hiểu khi giảng viên feedback bằng những cấu trúc, từ vựng quá cao siêu mà bản thân trình độ của mình chưa đủ khả năng để nắm bắt. Do đó, khi nhận được phản hồi từ học viên khác, vì các học viên trong cùng một lớp thường không có sự cách biệt quá lớn về trình độ, nên nhìn chung họ tiếp nhận các phản hồi, nhận xét của nhau tốt hơn so với nhận xét được đưa ra bởi giáo viên.

Trong IELTS Speaking cũng vậy, những học viên chỉ nhận được phản hồi từ giáo viên của họ xem giáo viên như một thẩm phán phê bình những gì họ nói. Tuy nhiên, những học viên nhận được phản hồi từ bạn bè sẽ có cơ hội hợp tác với bạn bè, và bằng cách này, học viên sẽ sự tự tin hơn vì họ có cơ hội được thể hiện và dàn xếp ý tưởng của mình trong trạng thái không bị căng thẳng và lo lắng, do đó có thể làm tăng hiệu quả học tập của họ.

Thứ hai, việc tạo ra cơ hội để các học viên trong lớp nhận xét lẫn nhau sẽ mở ra cánh cửa cho những thảo luận chuyên sâu hơn về vấn đề các học viên gặp phải.

Học viên, đặc biệt ở các nước châu Á, thường không dám trao đổi với giáo viên khi có vấn đề gì cần thắc mắc vì những lý do như sợ lộ ra lỗ hổng kiến thức, sợ bị trách phạt, hoặc đơn thuần là cách biệt về mặt tuổi tác khiến học viên khó tìm được những từ ngữ phù hợp để nói chuyện với giảng viên.

Tuy nhiên, cùng vấn đề đó, học viên sẽ cởi mở và thoải mái thể hiện tư duy của mình hơn khi đứng trước những người bạn cùng trang lứa với mình do có ít sự cách biệt về mặt tư duy hay kiến thức. Do đó, có thể nói Phản hồi từ bạn bè là động lực để học sinh tích cực tham gia vào quá trình học tập hơn.

Damon & Phelps (1989) cho rằng, phản hồi của bạn bè có thể góp phần vào các mối quan hệ xã hội của bạn bè, cải thiện trí tuệ và tiến bộ của tư duy sáng tạo và phản biện. Rất nhiều lớp học IELTS tại Việt Nam đã cho thấy, thay vì phải thực hiện bài nói với giáo viên, các học viên khi được phân nhóm trình bày bài nói và phản biện lẫn nhau thường tự tin thể hiện nguồn lực ngôn ngữ của mình hơn, và phần thể hiện của họ nhìn chung cũng tốt hơn so với việc phải trình bày với giảng viên.

Thứ ba, việc cho phép các học viên đưa ra phản hồi lẫn nhau cũng là cách để tiết kiệm thời gian trong những tiết học thời lượng quá ngắn.

Thay vì giảng viên đọc từng bài để đưa ra feedback cho từng bạn, các học viên có thể trao đổi về lỗi mà mình gặp phải và giảng viên là người tổng kết các lỗi này. Vì phản hồi được cung cấp ngay lập tức, học sinh có cơ hội được yêu cầu làm rõ lỗi sai và đặt câu hỏi thảo luận cùng lúc đó (Bartels, 2003). Điều này sẽ giúp cho buổi học có thêm thời lượng để giải quyết nhiều vấn đề học thuật hơn.

Hạn chế của phản hồi từ bạn học trong IELTS

Có một số vấn đề xã hội có thể ảnh hưởng đến phản hồi của bạn bè như tình bạn, sự thù địch hoặc các mối quan hệ thân cận khác. Ví dụ như, những người không thích nhau có thể bị cảm xúc lấn át trong quá trình đưa ra phản hồi, do vậy nhận xét của họ dành cho đối phương có thể sẽ không khách quan và phản ánh được hết năng lực của đối phương.

Một trường hợp khác là, các học viên có thể vì quen biết nhau từ trước nên ngại đưa ra feedback thẳng thắn đối với bài làm của bạn mình, e dè chỉ ra những lỗi sử dụng từ vựng sai, những cách sử dụng ngữ pháp không đúng do lo sợ làm mất lòng đối phương.

Ngoài ra, học viên không phải khi nào cũng sẵn sàng tiếp nhận những phản hồi, nhận xét từ bạn học của mình, đặc biệt trong quá trình luyện thi IELTS. Một lý do là vì họ cảm thấy đó là công việc của giáo viên, hoặc họ nghĩ rằng những người bạn học không có đủ khả năng đánh giá bài làm của mình. Các học viên trong lớp cũng có thể nghi ngờ rằng liệu bạn học có thể cung cấp cho họ thông tin một cách chính xác và khách quan nhất hay không.

Các cách để tối ưu hóa phản hồi từ bạn học trong quá trình học IELTS

Nhận nhiều feedback đối với cùng một bài làm

Độ tin cậy của Peer Feedback sẽ cao hơn khi số lượng phản hồi dành cho một bài làm tăng lên. Khi các học viên chỉ nhận được phản hồi từ một học viên khác, rất có thể phản hồi họ nhận được sẽ chưa đánh giá đúng tính chất bài làm. Tuy nhiên, khi có nhiều học viên đưa ra phản hồi về cùng một bài làm, điều đó sẽ tạo nên một mẫu số chung về ý kiến đối với chất lượng bài làm và do đó độ tin cậy cao hơn. Vì lý do trên, nên có tối thiểu hai hoặc ba người đánh giá cho mỗi bài làm trong lớp.

Điều này có thể được áp dụng trong các lớp học IELTS Speaking. Sau mỗi bài trình bày của một bạn học viên, các bạn học viên khác sẽ lần lượt đưa ra ý kiến của mình, về các lỗi từ vựng, ngữ pháp hay cách đặt câu của người trình bày. Bằng cách này, người nói có thể tiếp nhận đa dạng các thông tin khác nhau về bài nói của mình và nhờ đó có cơ hội cải thiện bài làm trên những phương diện khách quan và đầy đủ nhất.

Xây dựng sẵn bộ tiêu chí đánh giá bài làm của học viên

Thay vì đánh giá bài làm của nhau một cách mơ hồ, không rõ các tiêu chí, cách thức đánh giá, các học viên có thể tự thảo luận và đưa ra một bộ tiêu chí đánh giá khách quan nhất đối với từng dạng bài cụ thể dưới sự gợi ý của giáo viên. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian đánh giá, đồng thời cho phép học viên có cơ hội thể hiện quan điểm của mình đối với những bạn học cùng lớp trong phạm vi rộng hơn, đầy đủ và khách quan hơn.

Áp dụng đối với lớp học IELTS Writing, trước khi nhận xét bài làm của các học viên khác, người học có thể tham khảo trước các tiêu chuẩn chấm thi đối với bài thi IELTS Writing. Từ đó, học viên sẽ biết được để đạt được điểm cao trong bài thi IELTS Writing, thí sinh cần đạt được những điều kiện gì. Học viên có thể đối chiếu những tiêu chí này với bài làm của bạn cùng lớp để đưa ra những nhận xét khách quan và thiết thực nhất nhằm hỗ trợ bạn cải thiện kỹ năng Viết đạt tiêu chuẩn cao hơn theo thang đánh giá IELTS Writing.

Một ví dụ về bản đánh giá từ bạn học như sau:

image-alt

Tiếp nhận feedback của bạn học bằng tinh thần tích cực

Vì học tập là quá trình mà tất cả mọi người cùng nhau cố gắng nỗ lực, do đó, các học viên nên có sự rạch ròi giữa quan hệ cá nhân và việc học. Nên đưa ra sự đánh giá rõ ràng đối với bài làm của các bạn trong lớp, đồng thời tiếp nhận đánh giá từ những người khác bằng tinh thần học hỏi, mong muốn nhìn nhận lỗi sai để sửa đổi nhằm phát triển các kỹ năng của bản thân đến trình độ cao hơn.

Tổng kết

Phản hồi từ bạn học (Peer Feedback) là một hình thức rất hay để người học có thể cải thiện trình độ của mình, đồng thời phát triển nhiều khía cạnh khác trong quá trình học. Việc áp dụng phương pháp này trong việc học IELTS có khả năng đem lại nhiều giá trị cho người học trong quá trình ôn tập và tích lũy kiến thức.

Xem thêm: Bí quyết duy trì động lực ôn thi IELTS dành cho trình độ trung cấp


Nguồn tham khảo:

Bartels, N. (2003). Written peer response in L2 writing. English Teaching Forum, 41(1), 34-37.

Behin, B., & Hamidi, S. (2011). Peer correction: The key to improve the Iranian English as a foreign language learners’ productive writing skill. Procedia - Social and Behavioral Sciences30, 1057-1060. https://doi.org/10.1016/j.sbspro.2011.10.206

Carless, D., Gordon, J., & Liu, N. (2006). Assessment practices that promote learning. How Assessment Supports Learning, 17-158. https://doi.org/10.5790/hongkong/9789622098237.003.0003

Damon, W., & Phelps, E. (1989). Strategic uses of peer learning in children’s education. In Ladd, G.W., & Berndt T. J. (Eds.), Peer relationship in child development (pp. 135-156). USA: John Wiley & Sons

Peer feedback. (2022, March 8). KU Leuven. https://www.kuleuven.be/english/education/teaching-tips/feedback/peer-feedback

Sadler, P., & Good, E. (2006). The impact of self- and peer-grading on student learning. Educational Assessment11(1), 1-31. https://doi.org/10.1207/s15326977ea1101_1

Yastıbaş, G. Ç., & Yastıbaş, A. E. (2015). The effect of peer feedback on writing anxiety in Turkish EFL (English as a foreign language) students. Procedia - Social and Behavioral Sciences199, 530-538. https://doi.org/10.1016/j.sbspro.2015.07.543

Để đạt kết quả cao trong kỳ thi IELTS, việc ôn luyện đúng và hiệu quả là vô cùng quan trọng. Tham khảo khóa học IELTS để đẩy nhanh quá trình học hiệu quả nhất.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (3 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu