Phân tích tiêu chí pronunciation trong IELTS Speaking và các lưu ý khi luyện phát âm
Tiêu chí Pronunciation trong IELTS Speaking
Bài thi IELTS Speaking được đánh giá bằng 4 tiêu chí.
Mỗi tiêu chí trên sẽ chiếm 25% trong tổng điểm thi Speaking. Vì vậy, để đạt được số điểm như mong muốn, thí sinh cần tìm hiểu về cách đánh giá từng tiêu chí và ở mỗi band điểm thì cần phải thể hiện được những đặc điểm gì. Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích chi tiết về tiêu chí phát âm (Pronunciation) trong việc đánh giá phần thi IELTS Speaking và gợi ý một số cách giúp người học luyện tập phát âm.
4 tiêu chí đánh giá IELTS Speaking
Phân tích chi tiết tiêu chí Pronunciation
Để phát triển khả năng nói tiếng Anh gần giống như người bản xứ, người học tiếng Anh, đặc biệt là đối với thí sinh luyện thi IELTS, cần nắm những nét đặc trưng cơ bản (Pronunciation Features) trong phát âm tiếng Anh.
Trước khi tìm hiểu về phân tích đặc điểm ở các band điểm, thí sinh nên nắm qua các thành tố phát âm như sau:
Âm vị (Individual Sounds)
Để phát âm tiếng Anh chính xác, trước hết thí sinh nên làm quen với các đơn âm trong bảng âm vị tiếng Anh (Phonemic Chart). Việc nhận biết được cách phát âm của từng âm vị được coi là quan trọng vì nếu người học phát âm không chính xác thì giám khảo có thể không hiểu hoặc hiểu sai nghĩa của từ và thậm chí có thể hiểu sai nghĩa của cả một câu. (Tìm hiểu thêm trong bài viết Pronunciation features trong IELTS Speaking là gì?)
Trọng âm từ (Word Stress)
Mỗi từ có một số lượng âm tiết nhất định, và một số âm tiết được nhấn mạnh hơn những âm còn lại.
Ví dụ: COMFortable, VEGetables.
Trọng âm câu (Sentence Stress)
Trong một câu, một số từ được nói nhấn mạnh hơn những từ còn lại (thường nhấn mạnh những từ thể hiện nội dung chính của câu).
Có 2 loại từ trong 1 câu nói:
Từ nội dung (Content Words) là những từ hàm chứa ý nghĩa nội dung của câu, thường là động từ, danh từ, tính từ hoặc phó từ. Content words thường được nhấn mạnh vì là phần quan trọng nhất của câu.
Ví dụ về trọng âm câu
Từ chức năng (Function Words) không hàm chứa nội dung giúp đảm bảo quy tắc ngữ pháp và những từ này sẽ không cần nhấn mạnh. Từ chức năng thường là đại từ, mạo từ và giới từ.
Nối âm (Linking Sounds and Words)
Trong cách phát âm của người bản ngữ, một số từ được nói nối âm vào nhau. Hiện tượng này được gọi là Connected Speech.
Ngữ điệu (Intonation)
Sự thay đổi cao độ trong tông giọng giúp thể hiện cảm xúc hoặc loại câu (câu hỏi, câu tự sự, câu tu từ) người nói muốn truyền đạt, ví dụ cao giọng ở cuối câu khi biểu hiện sự ngạc nhiên, trầm xuống khi hoài nghi về vấn đề được bàn luận. Để thể hiện tốt trong bài thi Speaking, ngoài việc phát âm đúng, việc sử dụng ngữ điệu trong IELTS Speaking là một trong những yếu tố quan trọng.
Chia đoạn (Chunking)
Người nói không nên nói quá nhanh hoặc quá chậm và cần phải lưu ý ngắt giọng đúng chỗ. Việc chia đoạn này có thể là ngắt những từ đơn lẻ hoặc nhóm từ để truyền đạt một ý tưởng hoặc để tập trung vào thông tin người nói cho là quan trọng.
Ví dụ:
It is/ nice to/ meet/ you, cách chia đoạn còn thiếu tự nhiên.
It is nice / to meet you, cách chia đoạn tự nhiên hơn và giúp truyền đạt thông tin hiệu quả hơn.
Pronunciation features được đánh giá thế nào trong tiêu chí Pronunciation?
Nguồn: IELTS Speaking band descriptors
Tiêu chí phát âm theo bảng mô tả (band descriptors) từ band 2 đến band 9:
Band | Mô tả |
9 | ● Sử dụng đầy đủ các pronunciation features với độ chính xác và sự tinh tế. ● Duy trì việc sử dụng linh hoạt các features trong suốt quá trình nói. ● Dễ dàng hiểu được nội dung của người nói. |
8 | ● Dùng một lượng đa dang các pronunciation features. ● Sử dụng và duy trì các features một cách linh hoạt, với ít lần ngưng nghỉ/ ngắt quãng. ● Phát âm dễ hiểu, có rất ít ảnh hưởng từ tiếng mẹ đẻ (L1 accent) đến việc nghe hiểu. |
7 | ● Có tất cả điểm tốt của band 6, nhưng không phải toàn bộ các điểm tốt của band 8. |
6 | ● Sử dụng một lượng pronunciation features với mức độ kiểm soát trung bình (mixed control – có lúc sử dụng tốt, có lúc không). ● Sử dụng hiệu quả một số features, nhưng không duy trì được lâu. ● Nhìn chung phát âm dễ hiểu, nhưng đôi khi phát âm sai một số từ và âm, và điều đó có thể làm giảm tính rõ ràng của bài nói. |
5 | ● Có tất cả điểm tốt của band 4, và một số, nhưng không phải toàn bộ các điểm tốt của band 6. |
4 | ● Sử dụng một lượng giới hạn pronunciation features. ● Có cố gắng điều khiển các features, nhưng phải ngưng nghỉ nhiều trong quá trình nói. ● Phát âm sai thường xuyên và gây khó hiểu cho người nghe. |
3 | ● Biểu thị được một số đặc tính của Band 2 nhưng không thoả mãn tất cả các đặc tính của Band 4. |
2 | ● Lời nói gây khó hiểu. |
Từ bảng trên, thí sinh có thể có cơ sở để biết được những điều cần chú trọng trong quá trình luyện thi IELTS Speaking. Điều này sẽ giúp thí sinh đạt được band điểm mong muốn.
Pronunciation features
Ví dụ:
Nếu target của thí sinh là 7.0:
Phát âm dễ hiểu, rõ ràng.
Sử dụng tốt tất cả các pronunciation features liên quan đến âm, bao gồm nguyên âm (nguyên âm đơn, nguyên âm đôi, nguyên âm ba) và phụ âm (âm đầu – giữa – cuối, chuỗi phụ âm).
Sử dụng tất cả các pronunciation features liên quan đến giọng nói, bao gồm ngữ điệu và trọng âm của từ và câu.
Duy trì được việc như trên ở một thời gian dài xuyên suốt quá trình thi nói.
Những lưu ý khi luyện phát âm
Giải đáp những lầm tưởng về pronunciation
Câu hỏi:
“Có phải là giọng giống “Tây” thì mới đạt điểm speaking cao hay không?”
“Thi Speaking IELTS có cần phải phát âm theo giọng Anh hay không?”
“Nếu trong lúc nói, tôi sử dụng giọng Anh-Anh và Anh-Mỹ lẫn lộn thì có bị trừ điểm không?”
Trả lời:
Những câu hỏi trên đều có câu trả lời là không. Bài thi IELTS Speaking đòi hỏi thí sinh phát âm theo quy chuẩn (theo bảng phiên âm IPA), từ ngữ khi nói rõ ràng và dễ hiểu chứ không đánh giá về phương ngữ (accent). Vì vậy, thí sinh không phải lo ngại việc mình có giọng nói không giống người bản xứ hoặc không nhất quán.
Điều quan trọng là thí sinh cần luyện tập phát âm theo đúng phiên âm Quốc tế, thí sinh có thể nói theo giọng Anh (British English), Mỹ (American English) hay Úc (Australian English) đều được.
Tuy nhiên, nếu muốn đạt band điểm trên 7 cho tiêu chí pronunciation thì thí sinh không nên để giọng điệu của ngôn ngữ mẹ đẻ ảnh hưởng nhiều trong quá trình nói tiếng Anh.
Một số lưu ý khi luyện phát âm
Trong quá trình luyện thi IELTS Speaking, cụ thể là ở tiêu chí Pronunciation, thí sinh cần lưu ý những điều như sau:
Thí sinh cần phải luyện tập cách phát âm đúng dựa theo bảng phiên âm quốc tế IPA để phát âm chính xác các từ.
Lời khuyên: Thí sinh có thể sử dụng sách học phát âm như English Pronunciation in Use của Nhà xuất Bản Đại học Cambridge. Bộ sách này gồm 3 cấp độ, nếu người học ở trình độ mới bắt đầu thì nên cân nhắc sử dụng quyển Elementary.
Ngoài việc nắm lý thuyết và nắm kí hiệu phiên âm, người học nên xem các video hướng dẫn cách phát âm của người bản xứ hoặc có sự hướng dẫn của giáo viên để nắm cụ thể vị trí đặt răng, môi, lưỡi thế nào là đúng.
Ngoài ra, người học cần lưu ý luyện tập 6 âm mà phần lớn người Việt phát âm chưa chuẩn bao gồm: θ, ð, s, ʃ, ʒ, ʤ.
Sau khi nắm bảng phiên âm và đọc từ đúng phiên âm, thí sinh cần lưu ý việc nhấn trọng âm.
Phần lớn người Việt gặp khó khăn trong phần này, do tiếng Việt không có trọng âm mà chỉ có các thanh âm là các dấu.
Lời khuyên: Thí sinh nên sử dụng các trang từ điển chính thống như từ điển Cambridge hoặc từ điển Oxford để nghe phát âm của từ và trọng âm để luyện tập theo cho chính xác.
Một lưu ý quan trọng nữa là thí sinh cần chú trọng đọc đầy đủ âm cuối (ending sounds) của từ. Đa số thí sinh thường có thói quen “bỏ quên” âm cuối, hoặc “thừa” âm cuối.
Ví dụ khi câu nói đang ở thì quá khứ đơn “I travelled to Dalat last summer.” thì người nói phải chú ý phát âm đuôi ‘ed’ Từ “travelled” sẽ phát âm là /ˈtrævld/ chứ không dừng lại ở /ˈtrævl/.
Lời khuyên: Thí sinh nên tạo thói quen đọc âm cuối ngay từ khi tập phát âm từ, cụm từ hoặc câu ngắn để không tạo thành thói quen lược đi âm cuối.
Phần lớn thí sinh thi IELTS thường không chú ý đến ngữ điệu khi nói. Điều này sẽ khiến câu trả lời không thể hiện thái độ, cảm xúc nào với chủ đề mà thí sinh đang nói, và do đó không chỉ ảnh hưởng đến tiêu chí Pronunciation mà còn ảnh hưởng đến trải nghiệm nghe-hiểu của giám khảo.
Vì vậy, thí sinh nên tận dụng ngữ điệu để phần nào thể hiện thái độ, cảm xúc với những gì đang trình bày, chẳng hạn như tăng cao độ ở giữa câu và giảm tông giọng ở cuối câu.
Việc tăng cao độ cho thấy cảm xúc tích cực về chủ đề và việc giảm tông giọng ở cuối câu thể hiện rằng câu đã kết thúc.
Lời khuyên: Thí sinh có thể tham khảo cách thức luyện tập phát âm, bao gồm các yếu tố nhấn âm, ngữ điệu,… bằng phương pháp Shadowing Technique trong IELTS Speaking. Shadowing là một phương pháp giúp người học luyện nghe và nói cùng một lúc, bắt chước được giọng điệu, cách nhấn nhá và cách biểu thị cảm xúc của người bản xứ.
Một số lưu ý khi luyện phát âm
Tổng kết
Qua bài phân tích trên, tác giả hi vọng người học IELTS có thể nắm được cách đánh giá về phần Phát âm trong bài thi IELTS Speaking và những điều cần thực hiện để đạt được điểm thi như mong muốn. Từ những nội dung trên, thí sinh có định hướng rõ ràng để luyện tập phát âm tiếng Anh và đồng thời cải thiện được những đặc điểm phát âm chưa tốt.
Đàm Huệ Phương
Bình luận - Hỏi đáp