Phonological awareness – Phương pháp nhận biết âm và ứng dụng trong dạng điền từ Listening

Phonological Awareness (nhận diện ngữ âm) là sự nhận diện về cấu tạo âm thanh của từ (nhận diện trong một từ có những âm nào). Phương pháp này chú trọng vào việc học các ngữ âm trong hệ thống IPA (như nội dung đã trình bày trên). Sau khi nhận diện được từng ngữ âm, nghe hiểu được trong một từ có khả năng chứa các âm gì, người học có thể ghép các âm để tạo thành một từ hoàn chỉnh.  
author
ZIM Academy
08/08/2020
phonological awareness phuong phap nhan biet am va ung dung trong dang dien tu listening

Hầu hết người học tiếng Anh ở Việt Nam thường tập trung vào ngữ pháp và từ vựng. Đây cũng là hai nội dung chính trong chương trình phổ thông ở Việt Nam. Vì vậy, người học có xu hướng phớt lờ việc học phát âm một cách bài bản, cách học phát âm được sử dụng phổ biến nhất là nghe và đọc theo giáo viên. Điều này gây khó khăn cho người học trong việc tiếp cận cả 4 kỹ năng tiếng Anh, đặc biệt Speaking và Listening của kỳ thi IELTS. Người học phải mất nhiều thời gian và thậm chí một số người còn cảm thấy chán nản vì nhìn thấy sự tiến bộ hay tiến bộ với tốc độ chậm.

Việc nhận biết âm tiết và phiên âm của từ có sự liên kết mật thiết với việc luyện tập kỹ năng Speaking và Listening. Thực tế, hiện nay, việc phát triển khả năng nhận thức về âm (phonemic awareness) vẫn chưa được nhiều người học tiếng Anh biết đến và chú trọng. Trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày một số khái niệm cơ bản về Ngữ âmÂm vị, giải thích vì sao nhận biết âm lại rất cần thiết trong việc cải thiện khả năng nói và khả năng nghe hiểu của người học.

Bảng phiên âm tiếng Anh

Để phát âm đúng và nghe được, người học tiếng Anh cần nắm vững bản phiên âm Tiếng Anh và cách đọc nguyên âm, phụ âm, âm đôi, âm ba. Đây cũng là một nền tảng giúp người học có cơ sở làm các dạng bài điền từ trong bài thi Listening.

Trước hết, cần tìm hiểu về Bảng phiên âm Tiếng Anh đầy đủ – International Phonetic Alphabet viết tắt IPA. IPA là bảng ký hiệu ngữ âm quốc tế dựa vào chủ yếu từ các ký tự Latin. Một điểm khác biệt lớn so với cách đọc tiếng Việt đó là để phát âm được chính xác các từ trong tiếng Anh, người học cần đọc đúng phiên âm, chứ không phải đọc mặt chữ trong bảng chữ cái. Mỗi chữ cái trong một từ tương ứng với một âm thanh, còn mỗi một từ lại được tạo thành từ việc ghép các âm lại với nhau. Ví dụ, trong tiếng Anh, để tạo ra từ “cat” cần có 3 âm /k/ + /æ/ + /t/. Trong trường hợp này, chữ cái là “a” nhưng âm trong từ cat này là /æ/ chứ không phải “ây” hay “a”.

Có thể thấy rằng, trong tiếng Việt, mỗi chữ cái chỉ có một cách đọc, còn trong tiếng Anh mỗi chữ cái lại có nhiều biến thể phát âm khác nhau, tùy vào vị trí trong từ. Chẳng hạn, chữ “e” trong tiếng Việt sẽ luôn là /e/ như mẹ, tre, xe,… còn chữ “e” trong tiếng Anh mang các âm khác nhau như âm /ɪ/ (trong “eleven”), /e/ (trong “seven”), /i:/ (trong “teeth”), /ɜ:/ (trong “her”),  … Cách tốt nhất để hiểu hơn về những biến thể này là học bảng phiên âm IPA.

bang-phien-am-quoc-te-ipaBảng phiên âm tiếng Anh IPA

Có một điều cần lưu ý trong quá trình học phiên âm tiếng Anh, người học phải phát âm đầy đủ các phụ âm trong từ; nếu phát âm thiếu và không rõ, người nghe có thể hiểu nhầm sang từ khác. Việc người học phát âm chưa đủ âm còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nghe hiểu. Tiếng Việt thường sẽ không có âm cuối như tiếng Anh nên khi học tiếng Anh, người học rất dễ mắc lỗi quên đọc âm cuối của từ, chẳng hạn như giữa hai từ sau:

nine /nain/: số chín                vs                   night /nait/: ban đêm

Hầu hết những người mới bắt đầu học tiếng Anh sẽ đọc các từ này là “nai”, do vậy khi nói sẽ gây khó hiểu cho người nghe, kể cả khi học listening cũng gặp trở ngại vì khó phân biệt các từ như night, nine, nice, …. Chẳng hạn trong 1 bài nghe, người nói đọc là “I find it difficult to go to bed early at night.”  và câu hỏi là “ I find it difficult to go to bed early ….” , một số người không chú ý ở âm cuối sẽ dễ trả lời “at nine” thay vì “at night”. 

Những ví dụ trên chứng minh rằng để cải thiện kỹ năng nghe và nói trong tiếng Anh, người học cần nắm bảng phiên âm và cách đọc các âm sao cho chuẩn xác. Việc học từ tiếng Anh giờ đây phần nào tương đồng với cách học đánh vần tiếng Việt ở tiểu học. Khi đọc đúng và nhận diện được âm của từ, việc còn lại là ghép các âm thành 1 từ hoàn chỉnh và viết ra mặt chữ của từ. Người học có thể tham khảo phương pháp Phonological Awareness sau đây.

Phonological Awareness là gì?

Phonological Awareness (nhận diện ngữ âm) là sự nhận diện về cấu tạo âm thanh của từ (nhận diện trong một từ có những âm nào). Phương pháp này chú trọng vào việc học các ngữ âm trong hệ thống IPA (như nội dung đã trình bày trên). Sau khi nhận diện được từng ngữ âm, nghe hiểu được trong một từ có khả năng chứa các âm gì, người học có thể ghép các âm để tạo thành một từ hoàn chỉnh.  

Trong 44 âm của tiếng Anh, một số âm được đại diện bằng một chữ cái. Ví dụ như âm /t/ có mặt chữ là ‘t’, một số âm khác được đại diện bởi một hay hai chữ cái. Chẳng hạn, trong từ question, người Việt hay có thói quen đọc theo mặt chữ của từ này là quét-sần thay vì phải là /ˈkwes.tʃən/ (theo phiên âm Quốc tế) và nói một cách Việt hoá sẽ đọc là “kquéts-chần”. Vì vậy, có thể thấy rằng dù mặt chữ chỉ có “t” nhưng trong phiên âm phải đọc âm đúng là “tʃ”.

phonological-awareness

Phonological awareness bao gồm 2 nhánh nhỏ:

  • Phonemic awareness

Phonemic awareness là sự hiểu biết về từng âm trong một từ, nghĩa là việc phân tích một từ được tạo nên bởi các âm riêng lẻ (sound) nào.

Ví dụ:  Trong từ ‘cat’ có 3 âm (3 sounds) đó là /k/ /æ/ /t/

  • Phonics

Phonics có thể hiểu đơn giản là cách đánh vần tiếng Anh nhờ vào mối liên kết giữa việc nhận biết các âm của các chữ cái và cách viết. Người học có thể đánh vần từng đơn âm rồi sau đó ghép các đơn âm lại để có thể đánh vần cả một từ tương tự như tiếng Việt. Đây là cách học không chỉ hạn chế việc lạm dụng trí nhớ để thuộc lòng cách phát âm/ cách viết của một từ mà còn hỗ trợ cho việc nghe và phát âm chuẩn xác, nhất là những âm cuối của từ (final sounds).

Tại sao người học nên áp dụng phương pháp Phonological Awareness khi luyện nghe?

Đây được xem là phương pháp khá phổ biến trong hệ thống giáo dục ở Anh và Úc, áp dụng hầu hết để luyện kỹ năng đọc – viết cho trẻ em, hỗ trợ trẻ nhận diện được âm và cách ghép âm thành từ, nhờ vậy thuần thục tiếng Anh nhanh chóng và hiệu quả. Kỹ năng này rất quan trọng, bởi vì người có khả năng nhận diện âm tốt sẽ hiểu được cách ghép âm vào các từ và đánh vần một từ hoàn chỉnh dễ dàng hơn.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học St Andrews đã nghiên cứu việc áp dụng phương pháp Phonological Awareness tại Scotland trong khoảng thời gian bảy năm. Sau cùng, kết quả nghiên cứu được công bố vào năm 2005, cho thấy phương pháp Phonological Awareness mang lại thành công rất lớn trong việc dạy trẻ đọc, đặc biệt là đối với bé trai và các em học sinh gặp khó khăn trong việc đọc và học Tiếng Anh. Hơn nữa, Chính phủ Anh cũng ủng hộ việc đưa phương pháp Phonological Awareness vào trường học.

Tài liệu Giáo dục, được công bố vào tháng Mười năm 2010, đã chỉ ra rằng: “Phương pháp Phonological Awareness là phương pháp tốt nhất trong việc dạy đọc cho trẻ.” Không phải chỉ áp dụng tốt cho trẻ em mà cách học này còn giúp người học ở mọi lứa tuổi cải thiện khả năng nghe nói đáng kể. Ngoài ra, việc ghép âm tạo thành từ tạo điều kiện cho người học viết chính tả tiếng Anh một cách logic hơn.

Chia sẻ cách làm bài điền từ bằng phương pháp Phonological Awareness

Các bước cơ bản để luyện tập nghe và phiên âm từ bao gồm:

  • Bước 1: Nghe và ghi chú (take note) các âm tạo nên từ (trong trường hợp chưa quen với phiên âm tiếng Anh, có thể thêm 1 bước phụ là suy từ âm Việt hoá sang âm tiếng Anh dựa vào IPA)

  • Bước 2: Ghép các âm này thành một từ có phiên âm hoàn chỉnh

  • Bước 3: Viết từ hoàn chỉnh ở dạng chữ

Ví dụ: (giả sử các từ dưới đây người đọc có biết qua hoặc có nghe qua nhưng chưa biết cách viết từ)

  • biodiversity /ˌbaɪ.oʊ.dɪˈvɝː.sə.t̬i/

Có thể thấy rằng từ “bio” được cấu tạo từ âm /b/ /aɪ/ /oʊ/

Âm /oʊ/  trong từ này có khả năng ở dạng chữ là “ow”; “oa” hoặc “-o”. Ngoài ra, dựa vào 1 cơ sở nữa là âm /aɪ/, khi ghép âm sẽ thành “io” ⇒ bio (thay vì biow hay bioa)

  • diversity /dɪˈvɝː.sə.t̬i/

Từ này có cấu tạo là /daɪ/ /vɝ/ /sə/ /t̬i/. Tương tự, /daɪ/ → di; /vɝ/ → ver; /sə/ /t̬i/ → sity (lưu ý /ə/ được gọi là âm schwa hay âm “đọc lướt”, người đọc có thể tìm hiểu kỹ hơn về âm này trong các tài liệu pronunciation) ⇒ ghép vào sẽ được một từ hoàn chỉnh diversity /dɪˈvɝː.sə.t̬i/

Người đọc có thể tham khảo ví dụ dưới đây về việc ứng dụng của Phonological awareness trong bài điền từ Listening:

phonological-awareness-va-ung-dung-vao-phuong-phap-hoc-ielts-listening(trích từ quyển Cambridge 14 Test 2 Section 4)

 TAPESCRIPT:

In 1592, the Italian scientist and inventor Galileo developed the world’s first thermometer. His student Torricelli later invented the barometer, which allowed people to measure atmospheric pressure.

Phân tích:

Trong câu hỏi số 38, thông tin cần điền là 1 danh từ, đó là vật Galileo đã phát minh ra. Giả sử người nghe chưa từng biết chữ nhiệt kế là thermometer, bây giờ nhờ việc nhận biết âm người nghe có thể phiên ra từ “thermometer”

Đoạn script trên có cụm “Galileo developed…”, vậy chắc chắn chỗ trống sẽ nằm sau cụm này. Người nghe có thể nghe được người đọc trong audio nói từ “thờ-mo-mi-tờ” (phiên âm “Việt hoá” để minh hoạ trong quá trình nghe bài).  Lúc này, nếu đã quen với việc nhận diện ra âm và suy ra đánh vần của từ, thí sinh sẽ dễ dàng đưa ra câu trả lời từ cần điền là /θə/ /mɒ/ /m.ɪ.tər/  ⇒  ther / mo / meter ⇒ Từ hoàn chỉnh:  thermometer

Sau quá trình làm quen với bảng IPA và cách viết từ âm sang từ hoàn chỉnh, người học tiếng Anh, đặc biệt là đối với những người đang ôn luyện kỹ năng Listening và Speaking trong kỳ thi IELTS, đây là một trong những cách học giúp người học ghi chú và trả lời được các câu hỏi trong dạng bài điền từ một cách có cơ sở hơn, kể cả những từ đã biết qua hay thậm chí chưa nghe qua. Tuy nhiên, để áp dụng tốt phương pháp này, người học phải nỗ lực và nắm được quy tắc phát âm, nhận biết phiên âm.

Một số lưu ý cần nhớ khi làm quen với phương pháp Phonological awareness

  • Tạo thói quen tra phiên âm chuẩn khi học từ mới để quen dần với hệ thống âm vị trong tiếng Anh.

  • Tìm hiểu và làm quen với bảng phiên âm IPA.

  • Luyện tập đọc các nguyên âm, phụ âm vì phát âm và nhận biết âm không nên dừng lại ở việc chỉ đọc lý thuyết. Người học cần thực hành thật nhiều để lưỡi và cơ miệng quen với từng âm trong tiếng Anh.

  • Không áp đặt hiểu biết về tiếng Việt hoặc cách đánh vần âm tiếng Việt khi học phát âm tiếng Anh vì cơ bản hệ thống âm tiếng Việt và hệ thống âm tiếng Anh hoàn toàn khác nhau.

Từ những nội dung đã trình bày ở trên và ví dụ về việc ứng dụng nhận biết ngữ âm trong quá trình học Pronunciation cũng như cải các kỹ năng Listening và Speaking, người học có thể nắm được những thông tin nhất định về ngữ âm học và áp dụng vào quá trình luyện nói và luyện nghe một cách hiệu quả và có cơ sở hơn.

 Phương Đàm

Tham khảo thêm lớp học ôn luyện IELTS tại trung tâm ZIM Academy để có lộ trình học cụ thể, tăng cường kiến thức, nắm chắc kỹ năng đạt điểm cao trong kỳ thi IELTS.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu