Phương pháp cải thiện vấn đề mất tập trung trong IELTS Listening

Mất tập trung là một trong những trở ngại phổ biến mà người học tiếng Anh thường gặp trong bài thi IELTS Listening, đặc biệt là người mới bắt đầu. Vì mỗi bài nghe chỉ được phát một lần, người học có thể gặp thách thức trong việc duy trì sự chú ý trong suốt thời gian diễn ra bài thi. Bên cạnh đó, người đọc có thể bỏ lỡ thông tin cần tìm, gây hoang mang và ảnh hưởng kết quả. Trong bài viết này, Anh ngữ ZIM sẽ phân tích một số nguyên nhân và đưa ra chiến lược giúp người học khắc phục lỗi này.
author
Nguyễn Hà My
25/04/2024
phuong phap cai thien van de mat tap trung trong ielts listening

Key takeaways

Mất tập trung khi thi IELTS Listening sẽ gây khó khăn để người học nghe hiểu và đưa ra đáp án chính xác. Một số nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sự tập trung của người học bao gồm định dạng bài thi, sự lo âu căng thẳng, sự chưa quen thuộc với cách truyền tải nội dung, và sự chuẩn bị chưa đầy đủ. Để khắc phục vấn đề này, một vài chiến lược đã được gợi ý như sau:

1. Chuẩn bị tâm lý

2. Luyện nghe với độ dài tăng dần

3. Kỹ thuật nghe chủ động

4. Quản lý lo âu căng thẳng

5. Luyện tập kiểm tra thử

Mất tập trung

Tổng quan về mất tập trung

Sự mất tập trung trong bài thi IELTS Listening là khi người học không khả năng duy trì sự chú ý vào các dữ liệu âm thanh được cung cấp, cản trở khả năng hiểu và xử lý thông tin một cách hiệu quả. Sự mất tập trung có thể phát sinh từ cả các yếu tố môi trường bên ngoài và quá trình não bộ vận hành (theo Schmidt, 2020, tr 283).

Nguyên nhân gây ra sự mất tập trung

Nguyên nhân gây ra sự mất tập trung

Có thể có nhiều yếu tố gây xao lãng trong bài kiểm tra IELTS Listening, bao gồm:

  • Định dạng bài thi: Bài thi IELTS Listening chỉ cho phép người học nghe dữ liệu âm thanh một lần, đòi hỏi sự tập trung chú ý cao độ. Vandergrift (2007, tr. 195) khẳng định rằng việc chỉ được nghe ghi âm một lần trong các bài kiểm tra ngôn ngữ như IELTS gây khó khăn cho người học, vì họ phải xử lý và ghi nhớ thông tin trong thời gian ngắn.

  • Lo âu và căng thẳng: Lo âu trong lúc kiểm tra có thể làm gián đoạn sự tập trung, suy giảm khả năng xử lý thông tin hiệu quả. Veenman et al. (2000, tr. 394) nhấn mạnh tác động tiêu cực của lo âu đối với việc nghe hiểu, và chỉ ra rằng những người lo âu hơn có thể dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây xao nhãng và quá tải thông tin.

  • Sự lạ lẫm: Thiếu quen thuộc với giọng điệu, cách truyền tải, hay các chủ đề được đề cập trong bài kiểm tra có thể dẫn đến khó khăn trong việc duy trì sự tập trung và nghe hiểu. Scales et al. (2006, tr. 735) nói bày rằng để phát triển kỹ năng nghe hiểu, tiếp xúc với các nguồn ngữ âm đa dạng là cần thiết, vì sự quen thuộc với các giọng điệu và phong cách ngôn ngữ khác nhau hỗ trợ cho việc xử lý thông tin.

  • Thiếu chuẩn bị: Thiếu luyện tập việc nghe các tài liệu tiếng Anh sẽ tăng khả năng mất tập trung trong bài thi. Dunlosky (2013, tr. 34) khẳng định tầm quan trọng của việc luyện nghe khi học ngôn ngữ, nhất mạnh rằng việc tiếp xúc thường xuyên với các tài liệu thực tế cải thiện kỹ năng nghe hiểu và giảm nguy cơ bị phân tâm.

Chiến lược cải thiện vấn đề mất tập trung

Chiến lược cải thiện vấn đề mất tập trung

Chuẩn bị tâm lý

Người học nên áp dụng các chiến lược tâm lý hiệu quả để tăng cường sự tập trung trong quá trình kiểm tra. Điều này bao gồm tuân thủ chặt chẽ các quy tắc kiểm tra, chẳng hạn như không tua lại bản ghi âm và tập trung vào thông tin được cung cấp chỉ trong lần nghe đầu tiên. Theo Morley (1984, tr. 22), người học cần tăng cường kỷ luật bản thân và tinh thần để chống lại cảm giác muốn tua lại trong khi làm bài kiểm tra, từ đó duy trì sự tập trung vào các dữ liệu âm thanh đang diễn ra.

Luyện nghe với độ dài tăng dần

Để cải thiện khả năng tập trung, người mới bắt đầu nên tham gia các buổi luyện nghe có thời lượng ngày càng tăng. Bắt đầu với các bài nghe ngắn như những bài học trong loạt “6 Minute English” của BBC Learning English, người học có thể dần chuyển sang các tài liệu dài hơn, như các bài TED Talk hoặc podcast. Bằng cách tăng dần thời gian luyện nghe, người học làm quen với việc duy trì tập trung trong thời gian kéo dài, tương tự như yêu cầu của bài kiểm tra Nghe IELTS. Việc luyện tập đều đặn giúp người học rèn luyện khả năng tập trung, từ đó cải thiện kết quả trong bài kiểm tra, theo nghiên cứu của Vandergrift (2007, tr. 203).

Kỹ thuật nghe chủ động

Khuyến khích người học áp dụng các kỹ thuật nghe chủ động có thể tăng cường mức độ tập trung trong quá trình kiểm tra. Các kỹ thuật như ghi chú ngắn gọn, dự đoán ý chính và tóm tắt thông tin trong đầu giúp duy trì sự tương tác với tài liệu âm thanh. Hơn nữa, theo Dunlosky (2013, tr. 21), khuyến khích người học tương tác tích cực với tài liệu nghe, chẳng hạn như hình dung các tình huống hoặc khái niệm được đề cập đến có thể tăng cường sự hiểu biết và ghi nhớ, giảm nguy cơ phân tâm.

Quản lý lo âu căng thẳng

Do lo âu có tác động tiêu cực lên mức độ tập trung, người học nên tích hợp các kỹ thuật quản lý căng thẳng vào lộ trình chuẩn bị cho bài kiểm tra. Veenman et al. (2000, tr. 408) nhấn mạnh tầm quan trọng của các chiến lược giảm căng thẳng trong việc nâng cao hiệu suất lắng nghe, khẳng định rằng các kỹ thuật thư giãn có thể giảm thiểu sự ảnh hưởng của các tác nhân gây xao lãng và tạo điều kiện cho việc xử lý thông tin hiệu quả nhất. Một số kỹ thuật mà người học có thể áp dụng bao gồm thực hành hít thở sâu, thiền định, và tự nói chuyện tích cực...

Luyện tập kiểm tra thử

Tham gia vào môi trường mô phỏng như các bài thi IELTS thử tạo cơ hội tiếp xúc với định dạng kiểm tra và hạn chế về thời gian cho người học. Theo Alfred et al. (2019, tr. 32), các bài tập mô phỏng cho phép người học làm quen với môi trường kiểm tra và phát triển các kỹ năng chống chọi hiệu quả với sự phân tâm, từ đó giảm căng thẳng và tăng cường tập trung trong lần thi thực tế.

Tham khảo thêm:

Tổng kết

Tránh mất tập trung trong bài kiểm tra IELTS Listening là tiền đề rất quan trọng đối với người học để có thể đạt kết quả tốt nhất. Bằng cách hiểu rõ bản chất và nguyên nhân của sự phân tâm, áp dụng các chiến lược hiệu quả và thực hiện luyện tập, người mới bắt đầu có thể cải thiện mức độ tập trung và hiệu suất của mình trong bài kiểm tra. Thông qua chuẩn bị tâm lý, luyện nghe với độ dài tăng dần, áp dụng kỹ thuật nghe chủ động, quản lý lo âu và thực hành kiểm tra thử, người học có thể giảm thiểu tác động của các yếu tố gây xao nhãng và tự tin tham dự kỳ thi.

Tài liệu tham khảo

  • Alfred, Myrtede C., et al. ‘Learning in Simulated Environments: An Assessment of 4-Week Retention Outcomes’. Applied Ergonomics, vol. 74, Jan. 2019, pp. 107–17. https://doi.org/10.1016/j.apergo.2018.08.002.

  • Dunlosky, John, et al. ‘Improving Students’ Learning With Effective Learning Techniques: Promising Directions From Cognitive and Educational Psychology’. Psychological Science in the Public Interest, vol. 14, no. 1, Jan. 2013, pp. 4–58. https://doi.org/10.1177/1529100612453266.

  • Morley, Joan. Listening and Language Learning in ESL: Developing Self-Study Activities for Listening Comprehension. Harcourt, 1984.

  • Scales, Julie, et al. ‘Language Learners’ Perceptions of Accent’. TESOL Quarterly, vol. 40, no. 4, Dec. 2006, pp. 715-738. https://doi.org/10.2307/40264305.

  • Schmidt, Shelly J. ‘Distracted Learning: Big Problem and Golden Opportunity’. Journal of Food Science Education, vol. 19, no. 4, Oct. 2020, pp. 278–291. https://doi.org/10.1111/1541-4329.12206.

  • Vandergrift, Larry. ‘Recent Developments in Second and Foreign Language Listening Comprehension Research’. Language Teaching, vol. 40, no. 3, Cambridge University Press (CUP), July 2007, pp. 191–210, https://doi.org10.1017/s0261444807004338.

  • Veenman, Marcel V. J., et al. ‘Test Anxiety and Metacognitive Skillfulness: Availability versus Production Deficiencies’. Anxiety, Stress & Coping, vol. 13, no. 4, Nov. 2000, pp. 391–412. https://doi.org/10.1080/10615800008248343.

Tham khảo thêm lớp học IELTS online tại ZIM Academy, giúp người học nâng band điểm IELTS và học tập linh hoạt, chủ động sắp xếp lịch học, đảm bảo kết quả đầu ra.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (4 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu