Banner background

Phương pháp giảng dạy rõ ràng (Explicit Teaching) và hiệu quả cho người học cơ bản

Bài viết này phân tích tầm quan trọng của phương pháp giảng dạy rõ ràng (Explicit Teaching) trong việc giúp người học cơ bản nắm vững kiến thức. Bài viết đề cập đến những lợi ích của phương pháp này và gợi ý các bước để ứng dụng phương pháp giảng dạy rõ ràng để cung cấp từ vựng cho người học cơ bản.
phuong phap giang day ro rang explicit teaching va hieu qua cho nguoi hoc co ban

Key takeaways

  • Phương pháp giảng dạy rõ ràng (Explicit Teaching): là phương pháp dạy yêu cầu giáo viên cung cấp các hướng dẫn cụ thể, chi tiết về mục tiêu học tập và cách thức để đạt được những mục tiêu đó.  

  • So sánh giữa Explicit Teaching và Implicit Teaching.

  • Đặc điểm của người học cơ bản: Thiếu nền tảng kiến thức, cần hướng dẫn trực tiếp và chưa có tự tin.

  • Phương pháp giảng dạy rõ ràng mang lại nhiều lợi ích cho người học cơ bản: tiếp thu từ vựng nhanh chóng, ghi nhớ từ vựng lâu dài, cải thiện khả năng đọc hiểu, phát triển tư duy phân tích và phản biện, và nâng cao sự tự tin.

  • Ứng dụng phương pháp giảng dạy rõ ràng trong lớp học cho người học cơ bản: Giới thiệu, minh họa, hướng dẫn, thực hành, phản hồi, hỏi đáp, đánh giá.

Giới thiệu

Trong quá trình học ngôn ngữ, đặc biệt là đối với những người mới bắt đầu, việc xây dựng một nền tảng vững chắc về từ vựng và kỹ năng là yếu tố tiên quyết. Tuy nhiên, điều này không chỉ đơn thuần là học thuộc một danh sách từ mới, mà còn yêu cầu sự hướng dẫn chi tiết và có hệ thống để người học có thể hiểu và áp dụng một cách hiệu quả. Đây là lúc phương pháp giảng dạy rõ ràng (Explicit Teaching) thể hiện rõ giá trị của nó. Bài viết này sẽ phân tích phương pháp giảng dạy rõ ràng và những lợi ích nổi bật của nó đối với người học ngôn ngữ ở trình độ cơ bản.

Phương pháp giảng dạy rõ ràng (Explicit Teaching) là gì?

Phương pháp giảng dạy rõ ràng (Explicit Teaching) là một cách tiếp cận mà giáo viên cung cấp các hướng dẫn cụ thể, chi tiết về mục tiêu học tập và cách thức để đạt được những mục tiêu đó. 

Trong quá trình này, giáo viên sẽ trình bày rõ ràng, dễ hiểu, sau đó hướng dẫn người học thực hành và cung cấp phản hồi liên tục. Mục tiêu của phương pháp này là đảm bảo rằng người học có thể tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng và có hệ thống. 

Theo nghiên cứu của Jenkins về phương pháp giảng dạy rõ ràng (Explicit) và giảng dạy ngầm (Implicit), phương pháp giảng dạy rõ ràng bao gồm việc “the instructor clearly outlines what the learning goals are for students, and offers clear, unambiguous explanations of the skills and information structures they are to be presented with in teaching” (tạm dịch “giáo viên nêu rõ mục tiêu học tập và cung cấp các giải thích rõ ràng, không tối nghĩa về những kỹ năng và thông tin mà họ muốn truyền tải.”) [1, tr.17]

Ví dụ của phương pháp giảng dạy rõ ràng

Các ví dụ minh họa cho phương pháp này bao gồm việc giáo viên dạy từ vựng mới bằng cách đưa ra định nghĩa rõ ràng, sau đó yêu cầu người học sử dụng từ đó trong các câu cụ thể. Một ví dụ khác là trong các bài học ngữ pháp, giáo viên sẽ giải thích chi tiết các quy tắc ngữ pháp và sau đó cung cấp bài tập thực hành để củng cố kiến thức.

  • Dạy từ vựng trực tiếp: Giáo viên cung cấp định nghĩa và ví dụ về từ vựng mới, sau đó cho người học thực hành sử dụng từ này trong câu [1].

  • Đọc tương tác: Trong các buổi tập đọc, giáo viên sẽ tạm dừng để giải thích những từ mới và khái niệm, đảm bảo người học hiểu và có thể sử dụng từ đó trong ngữ cảnh [2].

  • Bài học ngữ pháp: Giáo viên giải thích kỹ  các quy tắc ngữ pháp (form - meaning - function), sau đó cung cấp bài tập áp dụng để người học thực hành [3].

So sánh giữa Explicit Teaching và Implicit Teaching

Phương pháp giảng dạy rõ ràng (Explicit Teaching) đặt trọng tâm vào việc cung cấp các hướng dẫn cụ thể và chi tiết, giúp người học dễ dàng tiếp thu kiến thức mới một cách nhanh chóng và có hệ thống. 

Ngược lại, phương pháp giảng dạy ẩn (Implicit Teaching) khuyến khích người học tự khám phá kiến thức thông qua ngữ cảnh, mà không cần các chỉ dẫn cụ thể từ giáo viên. Với người học cơ bản, giảng dạy rõ ràng tỏ ra hiệu quả hơn vì nó mang đến một cấu trúc học tập dễ hiểu, giúp người học không cảm thấy lúng túng khi tiếp xúc với những khái niệm mới [1].

Explicit Teaching

Implicit Teaching

Cách Thức Giảng Dạy

Giáo viên thường sử dụng các bài giảng chi tiết, công thức, và hoạt động cần thiết để giải thích rõ ràng về nội dung bài học [4].

Thông qua các hoạt động thực tế, trò chơi và tình huống giao tiếp, người học có cơ hội tự khám phá và hình thành kiến thức mà không cần sự can thiệp trực tiếp từ giáo viên [4].

Tương tác

Tương tác giữa giáo viên và người học thường mang tính chủ động hơn, với giáo viên giữ vai trò chính trong việc truyền đạt kiến thức.

Người học thường chủ động hơn trong quá trình học, họ được khuyến khích tham gia vào các hoạt động mà từ đó họ có thể tự bộc lộ khả năng và thu nhận kiến thức.

Đánh giá

Có thể dễ dàng định lượng sự tiến bộ của người học thông qua các bài kiểm tra và đánh giá cụ thể về kiến thức đã học [5]

Kết quả học tập có thể khó định lượng hơn vì người học thường tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và gián tiếp, nhưng thường giúp phát triển các kỹ năng như tư duy phản biện và khả năng giao tiếp tốt hơn [6].

image-alt

Có thể thấy được, phương pháp giảng dạy ẩn (Implicit Teaching) thường mang lại một môi trường học tập tự nhiên và thoải mái hơn, khuyến khích người học tự phát triển kỹ năng tư duy độc lập và sáng tạo. Thay vì nhận được hướng dẫn chi tiết, người học tự khám phá kiến thức thông qua các tình huống thực tế, giúp họ linh hoạt hơn trong việc áp dụng ngôn ngữ vào cuộc sống. 

Tuy nhiên, đối với những người học cơ bản, phương pháp này có thể gây khó khăn. Việc thiếu sự hướng dẫn cụ thể đôi khi khiến người học cảm thấy mơ hồ, khó tiến bộ rõ ràng và có thể bỏ lỡ những kiến thức nền tảng quan trọng nếu không được hỗ trợ kịp thời.

Ngược lại, phương pháp giảng dạy rõ ràng (Explicit Teaching) lại mang đến nhiều lợi ích cho người học mới bắt đầu. Phần sau đây sẽ đề cập đến các lợi ích của phương pháp trên đối với người học cơ bản. 

Xem thêm: So sánh giữa phương pháp giảng dạy rõ ràng (explicit) và giảng dạy ngầm (Implicit) trong giáo dục ngôn ngữ

Đặc điểm của người học cơ bản

image-alt

Thiếu Nền Tảng Kiến Thức

Người học cơ bản thường bắt đầu với rất ít hoặc gần như không có kiến thức về lĩnh vực đang học. Điều này có thể bao gồm việc họ thiếu các khái niệm nền tảng và kỹ năng cơ bản, khiến cho việc tiến xa hơn trong quá trình học tập trở nên thách thức. Thêm vào đó, họ thường không có nhiều kinh nghiệm với các chủ đề phức tạp, dẫn đến việc nắm bắt thông tin mới trở nên khó khăn và cần nhiều thời gian hơn [7]

Cần Hướng Dẫn Từng Bước

Với những người học cơ bản, việc cung cấp hướng dẫn chi tiết và từng bước là vô cùng quan trọng. Họ cần sự hỗ trợ từ giáo viên trong việc giải thích các khái niệm mới, cũng như các bước thực hiện để hoàn thành các nhiệm vụ. Các tài liệu học tập cũng phải phù hợp với trình độ, từ video hướng dẫn đến bài tập thực hành, giúp người học tiếp thu kiến thức một cách dễ hiểu và có thể áp dụng vào thực tế.

Tính Cách và Động Lực

Người học cơ bản thường cần có tính kiên nhẫn và quyết tâm cao để tiếp thu kiến thức mới, vì tốc độ học của họ có thể chậm hơn so với những người đã có nền tảng vững chắc [8]. Đồng thời, họ có thể thiếu tự tin về khả năng học tập của mình, do đó sự khích lệ và phản hồi tích cực từ giáo viên có thể giúp họ cải thiện lòng tự tin và duy trì động lực học tập. 

image-alt

Phương pháp giảng dạy rõ ràng mang lại nhiều lợi ích cho người học cơ bản

Do các đặc trưng trên, việc cung cấp từ vựng một cách rõ ràng đối với những người học có trình độ tiếng Anh cơ bản là rất quan trọng [9]

Đầu tiên, phương pháp dạy từ vựng rõ ràng giúp người học tiếp thu từ mới nhanh nhờ vào việc người học học từ theo từng bước rõ ràng, từ đó làm tăng khả năng ghi nhớ và sử dụng từ ngữ một cách hiệu quả. Kết quả dẫn đến việc người học được cải thiện khả năng tiếp thu và ghi nhớ kiến thức, từ đó nâng cao thành tích học tập tổng thể [10].

Không chỉ giúp người học tiếp thu nhanh từ mới, phương pháp dạy rõ ràng còn giúp họ duy trì từ vựng lâu dài và hiểu rõ ý nghĩa sâu hơn của các từ ngữ. Điều này rất quan trọng, đặc biệt đối với người học cơ bản, giúp xây dựng nền tảng vững chắc về từ vựng để phát triển các kỹ năng ngôn ngữ khác. Việc hiểu từ ngữ một cách rõ ràng giúp cải thiện khả năng đọc hiểu của người học, đặc biệt khi đối diện với những văn bản mới hoặc khó [11].

Ngoài ra, phương pháp dạy rõ ràng khuyến khích người học suy nghĩ và phân tích thông tin một cách có hệ thống. Họ không chỉ học thuộc lòng từ vựng mà còn được khuyến khích suy nghĩ sâu hơn về cách áp dụng và ý nghĩa của từ trong các ngữ cảnh khác nhau, từ đó phát triển khả năng tư duy phản biện. Khi người học được học các từ vựng cụ thể và cách sử dụng từ vựng đó trong các ngữ cảnh khác nhau, từ kỹ năng nghe đến nói, đọc, viết [10].

Điều này sẽ giúp họ không chỉ hiểu từ mà còn biết cách sử dụng chính xác trong các tình huống thực tế, từ đó nâng cao khả năng ngôn ngữ toàn diện. Việc nắm vững kiến thức và có khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả giúp người học cảm thấy thoải mái hơn khi tham gia vào các hoạt động học tập khác, góp phần nâng cao sự tự tin cho người học [12]

image-alt

Ứng dụng phương pháp giảng dạy rõ ràng trong lớp học cho người học cơ bản 

Phương pháp giảng dạy rõ ràng (Explicit Teaching) là một chiến lược giáo dục hiệu quả, giúp người học tiếp thu kiến thức một cách trực quan và dễ hiểu. Dưới đây là những chiến lược cụ thể để thực hiện phương pháp này một cách hiệu quả.

Bước 1: Giới thiệu rõ ràng nội dung bài học 

Bước đầu tiên trong giảng dạy rõ ràng là giới thiệu mục tiêu của bài học. Để người học hiểu rõ mục đích của bài học, giáo viên nên bắt đầu bằng cách thông báo nội dung sẽ dạy và kỹ năng cần phát triển. 

Ví dụ: "Hôm nay chúng ta sẽ học về 5 từ vựng mới liên quan đến chủ đề hoa quả: apple (táo), banana (chuối), orange (cam), grape (nho), và mango (xoài). Sau buổi học này, các bạn sẽ biết cách miêu tả loại quả mình yêu thích và trả lời câu hỏi 'What fruit do you like?'"

Việc giới thiệu như vậy giúp người học hiểu được mục tiêu của buổi học và tạo động lực để học tập, vì họ biết chính xác những gì sẽ đạt được.

Bước 2: Minh họa

Điều này có thể bắt đầu bằng việc giáo viên làm mẫu một bài và giải thích rõ ràng từng bước. Khi dạy một kỹ năng mới, giáo viên nên trình bày nội dung và hướng dẫn cách thực hiện chi tiết. Sử dụng hình ảnh hoặc ví dụ minh họa để người học dễ hình dung; thể hiện từng bước một cách trực quan và cụ thể, giúp người học hiểu rõ quy trình làm việc.

Ví dụ: Để dạy từ vựng, giáo viên nên đưa ra ví dụ thực tế về cách sử dụng từ mới. Ví dụ, khi dạy từ "apple," giáo viên có thể đưa ra hình ảnh quả táo và nói: "This is an apple. It's red and sweet. I like apples." Sau đó, giáo viên có thể lặp lại hành động này với các từ vựng khác như "banana," "orange," v.v. 

Người học sẽ dễ hiểu hơn khi thấy một ví dụ cụ thể và trực quan. Để tăng cường sự hiểu biết, giáo viên có thể yêu cầu người học lặp lại từ vựng và câu ví dụ. 

Ví dụ: "Now, repeat after me: 'I like apples.'" Điều này giúp người học bắt chước và thực hành ngay lập tức, từ đó ghi nhớ từ vựng dễ dàng hơn.

Bước 3: Hướng dẫn theo từng bước

Phương pháp giảng dạy rõ ràng yêu cầu chia nhỏ từng bước giảng dạy để người học không bị quá tải với thông tin. Việc chia nhỏ các bước sẽ giúp người học hiểu rõ hơn về quy trình và tránh những khó khăn không cần thiết.

Ví dụ: khi dạy cách hỏi và trả lời về sở thích, giáo viên nên chia quá trình thành các bước nhỏ thành các bước:

  1. Giới thiệu câu hỏi: "What fruit do you like?"

  2. Minh họa cách trả lời: "I like apples."

  3. Thực hành từng bước: Yêu cầu người học ghép câu hỏi với câu trả lời, ví dụ:

  • "What fruit do you like?"

  • Người học trả lời: "I like bananas."

Việc phân chia như vậy giúp người học hiểu rõ quy trình và tránh những lỗi sai do hiểu nhầm. Đồng thời, giáo viên có thể dừng lại để kiểm tra và giải thích nếu cần.

image-alt

Bước 4: Khuyến khích người học thực hành theo hướng dẫn 

Sau khi giới thiệu và mô hình hóa, giáo viên nên cho người học thực hành dưới sự giám sát và phản hồi của giáo viên. Điều này giúp người học cảm thấy tự tin hơn khi áp dụng kiến thức. Hãy cho người học thực hành kỹ năng dưới sự hướng dẫn của giáo viên. 

Ví dụ: Sau khi minh họa cách đặt câu hỏi và trả lời như trên, giáo viên có thể cho người học hoạt động theo cặp hoặc nhóm, lần lượt đặt câu hỏi:

  • Người học A hỏi: "What fruit do you like?"

  • Người học B trả lời: "I like grapes."

Giáo viên sẽ quan sát và hỗ trợ khi cần, đưa ra gợi ý hoặc sửa lỗi cho người học. Bằng cách này, người học có cơ hội luyện tập thực tế và được sửa ngay khi gặp khó khăn, từ đó tăng cường sự tự tin khi sử dụng ngôn ngữ.

Bước 5: Sửa sai và đưa ra góp ý cho người học

Phản hồi đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập. Khi người học hoàn thành các nhiệm vụ, giáo viên cần cung cấp phản hồi kịp thời và cụ thể. 

Ví dụ: Trong quá trình học, nếu người học mắc lỗi, giáo viên có thể sử dụng một số mẫu câu dưới đâu để sửa lỗi đồng thời không làm tổn thương đến sự tự tin của người học. 

  • Let's try that again. (Hãy thử lại nhé.)

  • Let's review this together. (Chúng ta cùng xem lại bài này nhé.)

  • You're so close! (Bạn đã gần đúng rồi đấy!)

  • That's a great idea, but... (Ý tưởng của bạn rất hay, nhưng...)

  • Can you explain to me how you got that answer? (Bạn có thể giải thích cho cô/thầy nghe cách bạn tìm ra đáp án này không?)

  • Let's work together to figure this out. (Chúng ta cùng nhau tìm ra cách giải quyết nhé.)

  • You forgot one important detail. (Bạn đã quên một chi tiết quan trọng rồi.)

Phản hồi không chỉ giúp người học nhận ra lỗi sai mà còn khuyến khích họ điều chỉnh và cải thiện kỹ năng. Bên cạnh đó, khi người học làm tốt, giáo viên cũng nên khen ngợi. 

Mốt số phản hồi tích cực có thể giúp tạo động lực và khuyến khích người học nỗ lực hơn: 

  • "I'm really impressed with..." (Tôi thực sự ấn tượng với...)

  • "That's a great point." (Đó là một điểm rất hay.)

  • "Well done!" (Làm tốt lắm!)

  • "You're doing a fantastic job." (Bạn đang làm việc rất tốt.)

  • "I appreciate your hard work." (Tôi đánh giá cao sự làm việc chăm chỉ của bạn.)

Xem thêm: Vai trò của phản hồi trong giảng dạy từ vựng và cách sử dụng phản hồi hiệu quả

Bước 6: Tạo cơ hội cho người học đặt câu hỏi

Một phần quan trọng trong giảng dạy rõ ràng là khuyến khích người học chủ động đặt câu hỏi để làm rõ những điểm chưa hiểu. Giáo viên có thể thúc đẩy điều này bằng cách tạo không khí thân thiện và khuyến khích. 

  • Do you have any questions about that? (Bạn có câu hỏi nào về điều đó không?)

  • What do you wonder about this topic? (Bạn tò mò điều g2ì về chủ đề này?)

  • Is there anything you're unsure about? (Có điều gì bạn không chắc chắn không?)

  • What do you think about [student's question]? (Các bạn nghĩ gì về câu hỏi của [tên người học]?)

  • Why do you think...? (Tại sao bạn nghĩ rằng...)

  • How does this make you feel? (Điều này khiến bạn cảm thấy như thế nào?)

  • What would happen if...? (Sẽ thế nào nếu...)

Bước 7: Đánh giá kỹ năng qua các hoạt động đánh giá

Để kiểm tra sự hiểu biết và tiến bộ của người học, giáo viên nên sử dụng các hoạt động đánh giá như kiểm tra nhỏ hoặc bài tập nhóm. Dựa trên kết quả, giáo viên sẽ điều chỉnh phương pháp giảng dạy nếu cần thiết để phù hợp với mức độ hiểu biết của người học.

Một số cách thức đánh giá có thể kể đến như viết đoạn văn, bài luận, làm bài tập ngữ pháp, thuyết trình cá nhân hoặc nhóm, tham gia thảo luận, và hoàn thành các bài tập nghe – đọc hiểu. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể thực hiện đánh giá thông qua tương tác ở lớp của người học trong các hoạt động, trò chơi ở lớp. 

image-alt

Tổng kết

Phương pháp giảng dạy rõ ràng (Explicit Teaching) là một phương pháp hiệu quả giúp người học cơ bản tiếp thu kiến thức một cách nhanh chóng và có hệ thống. Đối với những người mới bắt đầu, việc thiếu nền tảng kiến thức và kỹ năng cơ bản đòi hỏi cần có sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể từ giáo viên để tránh sự mơ hồ và khó khăn trong quá trình học tập.

Lợi ích của phương pháp này nằm ở sự minh bạch và cấu trúc chặt chẽ. Giáo viên sẽ chia nhỏ kiến thức thành từng bước cụ thể, cung cấp ví dụ trực quan và yêu cầu người học thực hành dưới sự giám sát. Nhờ vậy, người học dễ dàng hiểu và ghi nhớ các khái niệm, đồng thời cải thiện khả năng sử dụng ngôn ngữ trong thực tế.

Phản hồi kịp thời cũng là một yếu tố quan trọng, giúp người học nhận ra lỗi sai và điều chỉnh ngay trong quá trình học. Ngoài ra, sự động viên và khích lệ từ giáo viên giúp tăng cường sự tự tin và duy trì động lực học tập.

Tóm lại, phương pháp giảng dạy rõ ràng không chỉ giúp người học cơ bản tiếp thu kiến thức nhanh chóng mà còn xây dựng nền tảng vững chắc để phát triển các kỹ năng ngôn ngữ sau này.

Xem thêm: Phương pháp giảng dạy ngầm (Implicit Teaching) để phát triển ngôn ngữ cho học viên cấp độ cao

Tham vấn chuyên môn
Võ Thị Hoài MinhVõ Thị Hoài Minh
Giảng viên
Tốt nghiệp Đại học ngành Ngôn ngữ Anh. Điểm chứng chỉ: TOEIC LR 990/990, TOEIC SW 360/400. Có 8 năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy tiếng Anh (từ năm 2016). Trong thời gian làm việc tại ZIM, đã và hiện đang giảng dạy và tham gia các dự án nghiên cứu và thiết kế chương trình học TOEIC, TAGT, sản xuất đề thi thử và viết các đầu sách về TOEIC. Triết lý giáo dục chú trọng vào việc nhận diện và phát huy năng lực của mỗi học viên, khám phá những điểm mạnh và điểm yếu của họ để từ đó có thể hỗ trợ họ đạt mục tiêu mà họ muốn. Tôi hướng đến tạo một không gian học tập thân thiện và cởi mở, nhưng cũng duy trì tính kỷ luật và sự tổ chức. Phương pháp giảng dạy của tôi là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của vấn đề để áp dụng linh hoạt trong nhiều tình huống khác nhau.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...