Phương pháp lưu giữ từ vựng cá nhân hóa (Personalized Vocabulary Retention) dành cho người mới học tiếng Anh
Với định hướng lấy người học làm trung tâm nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu học tập riêng của từng cá nhân, phương pháp học tập cá nhân hóa (Personalized Learning Approach) đang ngày càng chiếm ưu thế trong môi trường học tập. Đối với người mới học tiếng Anh với nhiều xuất phát điểm khác nhau, phương pháp này sẽ giúp người học trong việc lưu giữ từ vựng nhằm tối ưu hóa khả năng học tập và ghi nhớ từ vựng của học viên. Bài viết tổng hợp các phương pháp lưu giữ từ vựng cá nhân hóa giúp tạo ra môi trường học tập và ghi nhớ từ vựng thích hợp cho đối tượng người học mới bắt đầu với tiếng Anh.
Key takeaways |
---|
|
Phương pháp học tập cá nhân hóa (Personalized Learning Approach)
Học tập cá nhân hóa (personalized learning) được định nghĩa là phương pháp lấy người học làm trung tâm nhằm hỗ trợ các nhu cầu đa dạng về học tập và phát triển năng lực (Lee et al., 2018). Như vậy, phương pháp này cho phép xây dựng và phát triển các nội dung giáo dục được cá nhân hóa theo đặc điểm và sở thích riêng của người học. Trong bối cảnh môi trường học tập hiện đại ngày càng chú trọng việc phát triển tính sáng tạo và khả năng làm chủ trong việc học, học tập cá nhân hóa được xem là một trong những phương pháp hiệu quả nhằm tăng cường động lực và sự tham gia của học viên (Pontual Falcão et al., 2018), đồng thời tối đa hóa sự hài lòng của người học và hiệu quả trong học tập (Gómez et al., 2014).
Môi trường giáo dục theo phương pháp học tập cá nhân hóa cần được triển khai bằng cách tăng cường mức độ tham gia của người học, dựa trên điểm mạnh và điểm yếu của từng cá nhân để tạo ra nội dung học tập đáp ứng được những nhu cầu cụ thể đó.
Để chứng minh những tác động tích cực của phương pháp học tập cá nhân hóa, một nghiên cứu của nhóm các giáo sư thuộc trường Đại học Quốc gia Abai Kazakh, Kazakhstan và trường Đại học Y Quốc gia Sechenov First Moscow (Đại học Sechenov), Nga đã được thực hiện vào năm 2021. Dựa trên khảo sát được thực hiện với 65 giáo viên và 700 sinh viên thuộc nhiều ngành đào tạo khác nhau đến từ ba trường đại học tại Nga và Kazakhstan, nghiên cứu đã chỉ ra rằng phương pháp học tập cá nhân hóa là một công cụ hữu hiệu trong việc cải thiện thành tích học tập, đồng thời làm tăng động lực nội tại của người học qua việc khơi dậy hứng thú và tính sáng tạo trong nội dung học tập được thiết kế riêng cho nhu cầu của từng cá nhân.
Lựa chọn từ vựng cá nhân hóa (Personalized Vocabulary)
Trước khi bắt đầu với việc lưu giữ từ vựng, người học cần bắt đầu với việc lựa chọn từ vựng cá nhân hóa cho bản thân, cụ thể là các từ vựng hữu ích và phù hợp với nhu cầu và mục tiêu cụ thể của mình. Việc lựa chọn này cần dựa trên đánh giá trình độ và nhu cầu từ vựng hiện tại của người học, song hành với việc thúc đẩy quyền tự chủ trong việc trang bị từ vựng của người học nhằm hướng tới mục tiêu học tập của từng cá nhân (Koller, 2015).
Dưới đây là một số yếu tố người học có thể cân nhắc trong việc lựa chọn từ vựng cá nhân hóa:
Tần số xuất hiện của từ (Word Frequencies)
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tầm quan trọng của việc xây dựng nền tảng từ vựng cho người học bằng các từ vựng có tần số xuất hiện cao. Nghiên cứu của Coxhead (2006) và Nation (2001) khuyến nghị người học tiếng Anh nên tập trung vào những từ có tần suất cao nhất trước tiên. Một trong những danh sách tần số từ được biết đến rộng rãi là General Service List (GSL) do Michael West tạo ra vào năm 1953. Danh sách này có khoảng 2.000 họ từ với khoảng 90% cho ngôn ngữ hội thoại và 78,1% cho ngôn ngữ học thuật.
Sau đó, Academic Word List (AWL) - Danh sách từ học thuật đã được thêm vào GSL, làm tăng độ bao phủ của ngôn ngữ học thuật lên 86,6% (Nation, 2001). Với hàng nghìn họ từ khác nhau cùng phạm vi bao phủ rộng, các nhà nghiên cứu tin rằng người học cần chú trọng đến việc học những từ vựng cơ bản này ngay từ đầu.
Lĩnh vực cá nhân đang theo đuổi
Bên cạnh tính phổ quát và hữu dụng, các từ vựng có tần số xuất hiện cao nhiều khả năng chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người học do chưa tập trung cụ thể vào từng lĩnh vực nhất định. Mỗi người học đều có mối quan tâm và chuyên môn trong những lĩnh vực khác nhau, vì vậy người học nên cân nhắc lựa chọn các từ vựng thuộc lĩnh vực phù hợp với sở thích và công việc của bản thân. Chẳng hạn, đối với người học thuộc nhóm sinh viên đang theo học một chuyên ngành nhất định, bên cạnh các từ vựng mang tính tổng quát với tần số xuất hiện cao, người học cần trang bị thêm từ vựng phục vụ cho chuyên ngành. Hoặc đơn giản hơn, sở thích cá nhân cũng tạo ra được động lực lớn khiến nhiều từ có tần số xuất hiện thấp dễ học và ghi nhớ hơn (Barker, 2007).
Tiêu chí cá nhân để lựa chọn từ vựng
Bên cạnh các gợi ý đã nêu bên trên, người học cũng cần tạo ra những tiêu chí riêng để lựa chọn từ vựng cá nhân hóa cho mình. Người học có thể sử dụng phương pháp "Phân tích chi phí và lợi ích” (Barker, 2007) để lựa chọn từ vựng. Cụ thể, chi phí là thời gian và năng lượng cần thiết để học một từ, trong khi lợi ích là sự hữu ích của từ vựng đó với người học. Để phân tích được chi phí và lợi ích, người học cần tự trả lời một loạt câu hỏi được phân cấp theo mức độ quan trọng giảm dần. Chẳng hạn, tần suất xuất hiện của từ sẽ được đánh giá cao hơn khả năng phát âm của từ đó, khiến từ trở nên "đắt giá" hơn trong quá trình phân tích chi phí và lợi ích này. Để trả lời được những câu hỏi này, người học cũng cần trang bị tư duy phản biện để đưa ra quyết định lựa chọn từ vựng cho bản thân.
Lưu giữ từ vựng cá nhân hóa là gì?
Lưu giữ từ vựng (Vocabulary Retention) đề cập đến khả năng ghi nhớ và gợi nhớ lại các từ vựng đi kèm với ý nghĩa của chúng sau những khoảng thời gian nhất định. Đây là một giai đoạn quan trọng trong quá trình học ngôn ngữ giúp người học hiểu, ghi nhớ và sử dụng từ vựng một cách hiệu quả trong thời gian lâu dài.
Khả năng lưu giữ từ vựng của mỗi người học được ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó bao gồm yếu tố phương pháp học tập. Việc áp dụng phương pháp học tập cá nhân hóa (personalized learning approach) là một trong những phương pháp được đánh giá là hiệu quả trong quá trình lưu giữ từ vựng của từng học viên.
Một số phương pháp lưu giữ từ vựng cá nhân hóa
Để đạt được thành công trong việc lưu giữ từ vựng cá nhân hóa, người học cần tìm được phương pháp phù hợp với trình độ, nhu cầu cũng như khả năng tiếp thu và ghi nhớ kiến thức của bản thân. Việc lưu giữ từ vựng cá nhân hóa phải đảm bảo từ vựng được chuyển từ hệ thống lưu trữ ngắn hạn sang hệ thống lưu trữ dài hạn trong não bộ, đồng thời người học có thể nhận diện và gợi nhớ lại các từ vựng lưu trữ trong bộ nhớ.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp giúp lưu giữ từ vựng cho người học. Tuy nhiên, với nhóm người mới học tiếng Anh, số lượng lớn các phương pháp này có thể dẫn tới sự bối rối trong việc lựa chọn phương pháp phù hợp cho bản thân, đặc biệt là khi hướng tới việc lưu giữ từ vựng cá nhân hóa. Vì vậy, người học có thể tham khảo một số phương pháp được chọn lọc dưới đây và thử áp dụng trong quá trình lưu giữ từ vựng của bản thân để tìm ra phương pháp phù hợp nhất, đồng thời cũng cần lưu ý rằng mỗi phương pháp dưới đây đều không hoàn hảo cho mọi đối tượng người học mà đều cần thời gian thử nghiệm và đánh giá kết quả cho từng cá nhân.
Cá nhân hóa phương pháp ghi nhớ từ vựng với Spaced Repetition
Lặp lại ngắt quãng (Spaced Repetition) là kỹ thuật gợi nhớ lại thông tin nhiều lần với các khoảng cách thời gian tối ưu cho đến khi thông tin được học ở mức đủ để người học ghi nhớ và sử dụng được trong một khoảng thời gian dài. Đây là một kỹ thuật rất phổ biến để học và ghi nhớ kiến thức, đặc biệt trong việc lưu trữ từ vựng tiếng Anh.
Tuy nhiên, kỹ thuật này không có công thức chung có thể áp dụng cho toàn bộ đối tượng người học do khả năng ghi nhớ và thời gian lãng quên của mỗi người là khác nhau. Vì vậy, người học cần cá nhân hóa việc sử dụng Spaced Repetition bằng cách tự theo dõi và điều chỉnh khoảng cách thời gian ôn luyện từ vựng sao cho phù hợp với tiến độ học tập mong muốn hay khả năng ghi nhớ của bản thân. Đồng thời, yếu tố môi trường xung quanh cũng có thể ảnh hưởng đến khoảng thời gian lặp lại ngắt quãng của người học. Chẳng hạn, với người học đang học tập hoặc làm việc trong một chuyên ngành cụ thể, từ vựng thuộc chuyên ngành này sẽ được đề cập đến nhiều lần trong suốt quá trình học tập, làm việc, khiến cho các giai đoạn trong Spaced Repetition của người học trở nên ngắn hơn so với nhóm người học khác không có chuyên môn sâu về chuyên ngành này.
Cá nhân hóa phương pháp gợi nhớ từ vựng đã tích lũy
Nghiên cứu sâu rộng đã chứng minh rằng từ vựng dễ học trong ngữ cảnh hơn so với danh sách từ riêng biệt vì ngữ cảnh cho phép người học xử lý sâu hơn về mặt ngữ nghĩa và cách sử dụng của từ vựng (Zhihong Bai, 2018). Những từ mới có thể được gợi nhớ dễ dàng bằng cách sử dụng trong cuộc sống hàng ngày hoặc bằng văn bản được tiếp cận trong học tập hay công việc. Cách gợi nhớ từ vựng bằng ngữ cảnh cụ thể sẽ dễ dàng hơn so với việc chỉ học thuộc lòng một cách máy móc.
Người học có thể tham khảo hai phương pháp gợi nhớ từ vựng dưới đây:
1. Brainstorming: Người học tự đặt ra cho mình một từ khóa hoặc một chủ đề. Sau đó, người học cố gắng nhớ lại và viết hết những từ đơn hoặc cụm từ liên quan vào một tờ giấy trắng.
2. Thẻ ghi nhớ (Flashcards): Đây là một công cụ rất phổ biến trong việc học ngoại ngữ giúp người học tự gợi nhớ lại các kiến thức xoay quanh một từ vựng được ghi chú trên flashcards.
Có thể thấy, hai phương pháp này đều có điểm chung là đều dựa trên phần lớn vốn kiến thức cũng như hiểu biết cá nhân của người học xoay quanh các từ vựng. Tuy nhiên, để đáp ứng tối đa nhu cầu học tập cá nhân, người học cần có thêm bước nhận xét sau khi thực hành các phương pháp gợi nhớ từ vựng để đánh giá hiệu quả của từng phương pháp với nhu cầu học tập của bản thân, từ đó xây dựng được phương pháp có độ phù hợp cao nhất cho quá trình lưu trữ từ vựng của mình.
Lưu ý khi áp dụng các phương pháp lưu giữ từ vựng cá nhân hóa
Với bản chất lấy người học làm trung tâm, việc lưu giữ từ vựng cá nhân hóa cần chú ý đến hai loại yếu tố ảnh hưởng đến việc học từ vựng của người học, bao gồm yếu tố cá nhân người học và các yếu tố môi trường xã hội (Zhihong Bai, 2018).
Yếu tố cá nhân ảnh hưởng đến lưu giữ từ vựng
Tuổi tác
Tuổi tác là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình lưu trữ từ vựng cá nhân hóa. Những người học ở độ tuổi trẻ có xu hướng ứng dụng nhiều phương pháp cùng lúc do chưa có nhiều thử nghiệm trong việc tìm ra cách áp dụng phương pháp phù hợp cho bản thân. Trong khi đó, người học ở độ tuổi trưởng thành hơn có thể sử dụng các phương pháp một cách gọn gàng, tinh giản hơn. Việc lưu giữ từ vựng của người lớn cũng phức tạp hơn trẻ em.
Động lực học tập
Động lực học tập của người học rất quan trọng, đặc biệt trong quá trình học từ vựng nói chung và lưu trữ từ vựng nói riêng. Động lực quyết định mức độ quan tâm, chú ý và cách dành thời gian, công sức vào việc hoàn thành nhiệm vụ học tập của người học. Các nhà nghiên cứu nhận thấy: động lực học tập có mối quan hệ chặt chẽ với việc sử dụng và lựa chọn phương pháp tiếp nhận và lưu trữ từ vựng. Những người học có động lực học từ vựng mạnh sẽ sử dụng nhiều phương pháp hơn những người học có ít động lực, ngoài ra động lực học từ vựng khác nhau có thể ảnh hưởng đến việc người học lựa chọn các phương pháp học tập khác nhau. Vì vậy, việc sử dụng các phương pháp lưu trữ từ vựng tương ứng có thể giúp người học chủ động hoàn thành các nhiệm vụ học từ vựng của cá nhân.
Yếu tố môi trường xã hội ảnh hưởng đến lưu giữ từ vựng
Vì ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội trong giao tiếp của con người nên việc sử dụng các phương pháp học tập ngôn ngữ nói chung hay phương pháp lưu trữ từ vựng nói riêng trong học từ vựng bị hạn chế bởi môi trường xã hội. Vì vậy, ở một mức độ rộng, môi trường xã hội có thể ảnh hưởng đến phương pháp lưu trữ từ vựng của người học.
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề cá nhân hóa:
Phát triển câu trả lời IELTS Speaking bằng phương pháp cá nhân hóa
Phương pháp rèn luyện độ lưu loát cá nhân hoá trong IELTS Speaking
Tổng kết
Phương pháp lưu giữ từ vựng cá nhân hóa là một chiến lược hiệu quả dành cho người mới học tiếng Anh, tập trung vào nhu cầu và mục tiêu riêng của mỗi cá nhân. Các phương pháp hiệu quả như Spaced Repetition (lặp lại ngắt quãng) và Flashcards (thẻ ghi nhớ) có thể được cá nhân hóa nhằm giúp người học ghi nhớ từ vựng lâu dài và dễ dàng gợi nhớ. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương pháp này cần điều chỉnh theo khả năng và động lực học tập của mỗi người học nhằm tối ưu hóa khả năng ghi nhớ từ vựng.
Trích dẫn
Barker, D. (2007). A personalized approach to analyzing ‘cost’ and ‘benefit’ in vocabulary selection. Science Direct 35, 523–533.
Coxhead, A. (2006). Essentials of teaching academic vocabulary. Boston: Heinle Cengage Learning.
Gómez, S., Zervas, P., Sampson, D. G., & Fabregat, R. (2014). Context-aware adaptive and personalized mobile learning delivery supported by UoLmP. Journal of King Saud University - Computer and Information Sciences, 26(1), 47–61. .10.1016/j.jksuci.2013.10.008.
Khaled, Alamri., Khaled, Alamri., Vivienne, Rogers. "The effectiveness of different explicit vocabulary-teaching strategies on learners’ retention of technical and academic words." Language Learning Journal, 46 (2018).:622-633. doi: 10.1080/09571736.2018.1503139.
Koller, Theresa M., "The Effect of Personalized Vocabulary Plans on Learner Autonomy in L2 Vocabulary Learning" (2015). Culminating Projects in English. 28. https://repository.stcloudstate.edu/engl_etds/28.\
Lee, D., Huh, Y., Lin, C. Y., & Reigeluth, C. M. (2018). Technology functions for personalized learning in learner-centered schools. Educational Technology Research and Development, 66(5), 1269–1302. doi:10.1007/s11423-018-9615-9.
Makhambetova, Aliya & Zhiyenbayeva, Nadezhda & Ergesheva, Elena. (2021). Personalized Learning Strategy as a Tool to Improve Academic Performance and Motivation of Students. International Journal of Web-Based Learning and Teaching Technologies. 16. 1-17. 10.4018/IJWLTT.286743.
Nation, I.S.P (2001). Learning vocabulary in another language. Cambridge: Cambridge University Press.
Pham, Q. (2023). MAXIMIZING VOCABULARY RETENTION WITH GAMIFICATION TOOLS. SCIENTIFIC JOURNAL OF TAN TRAO UNIVERSITY, 8(4). https://doi.org/10.51453/2354-1431/2022/837.
Pontual Falcão, T., Mendes de Andrade e Peres, F., Sales de Morais, D. C., & da Silva Oliveira, G. (2018). Participatory methodologies to promote student engagement in the development of educational digital games. Computers & Education, 116, 161–175. doi:10.1016/j.compedu.2017.09.006.
Zhihong Bai (2018). An Analysis of English Vocabulary Learning Strategies. Journal of Language Teaching and Research, Vol. 9, No. 4, pp. 849-855, July 2018.
ZIM, Anh Ngữ. “Spaced Repetition: Phương Pháp Lặp Lại Ngắt Quãng.” ZIM Academy. 29 Nov. 2023.
ZIM, Anh Ngữ. “Học Từ Vựng Tiếng Anh Bằng Phương Pháp Truy Hồi Kiến Thức.” ZIM Academy. 23 Feb. 2024.
Người học muốn trở nên tự tin giao tiếp trong công việc môi trường sử dụng tiếng Anh hoặc thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!
Bình luận - Hỏi đáp