Banner background

Phương pháp luyện tập TOEIC Speaking người học chấp nhận rủi ro (Risk-taking)

Bài viết đề cập đến những phương pháp giúp người học chấp nhận rủi ro luyện tập hiệu quả từng dạng đề thi TOEIC Speaking cũng như đưa ra các gợi ý giúp thí sinh sáng tạo hơn, vượt qua nỗi sợ hãi khi đối diện với bài thi TOEIC Speaking trong thời gian ngắn.
phuong phap luyen tap toeic speaking nguoi hoc chap nhan rui ro risk taking

Key Takeaways

  • Cấu trúc của bài thi TOEIC Speaking và số câu phân bổ cho từng phần thi

  • Cách nhận dạng người học chấp nhận rủi ro và phương pháp để tối ưu hoá việc luyện tập TOEIC Speaking cho phong cách học tập này

  • Việc “chấp nhận rủi ro” trong việc học giúp nâng cao khả năng sáng tạo và phản xạ khi thực hiện bài thi nói TOEIC

Bài thi TOEIC Speaking nhằm đánh giá khả năng giao tiếp và sử dụng tiếng Anh của thí sinh trong bối cảnh đời sống hàng ngày và trong môi trường làm việc quốc tế. Bài thi bao gồm 11 câu hỏi được thực hiện trong thời gian 20 phút.

Kỹ năng Nói

11 câu hỏi

Đọc thành tiếng một đoạn văn

câu 1-2

Miêu tả một bức tranh

câu 3-4*

Trả lời câu hỏi

câu 5-7

Trả lời câu hỏi sử dụng thông tin cho sẵn

câu 8-10

Đưa ra giải pháp

Bỏ (từ ngày 07/08/2021)

Trình bày quan điểm

câu 11

Thang điểm từ 0-200 điểm, chia làm 8 cấp độ

(Nguồn: IIG Việt Nam)

Người học chấp nhận rủi ro (Risk-taking) là gì?

Theo như Brown (2001), người học chấp nhận rủi ro là những người sẵn sàng thử nghiệm ngôn ngữ mà họ mới học được cho những mục tiêu có ý nghĩa, dùng nó để đặt câu hỏi hoặc để khẳng định bản thân. Họ dường như trở thành “những kẻ đánh bạc" vì dám cố gắng sử dụng hoặc giải thích ngôn ngữ dù việc đó có thể vượt khỏi sự chắc chắn chính xác mà họ có thể đảm bảo.

Họ thoải mái tương tác với giáo viên và đưa ra quan điểm cá nhân. Người chấp nhận rủi ro trong kinh doanh sẽ đầu tư với châm ngôn “high risk high return", tương tự trong việc học tiếng anh, học viên risk-taking sẵn sàng phát biểu và thử nghiệm phương pháp mới (đầu tư) mà không sợ kết quả xấu (điểm xấu, kết quả kém) với mong muốn nhận lại “lợi nhuận lớn" (sự công nhận từ giáo viên, điểm cao tối ưu do vận dụng những ý tưởng mới mẻ trong Speaking).

Việc chấp nhận rủi ro có thể phụ thuộc vào tình huống và sự sẵn lòng của người học, không chỉ với tính cách chung của họ Gass & Selinker, 2000), vậy nên việc nâng cao khả năng chấp nhận rủi ro là hoàn toàn có thể được luyện tập, trau dồi thông qua trải nghiệm học tập chứ không cần dựa trên tính cách nguyên bản của người học.

Khá nhiều bối cảnh giảng dạy trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng không “khuyến khích việc chấp nhận rủi ro" trong học tập, các giáo viên thường khuyến khích sự chính xác, không khuyến khích học viên đưa ra những “phỏng đoán" cho đến khi người học chắc chắn là phát biểu của họ đúng. Việc kiềm chế học viên chấp nhận rủi ro khiến người học luyện tập kỹ năng nói không hiệu quả do nỗi sợ “sẽ bị đánh giá" hoặc khiển trách nếu nói sai ngữ pháp hoặc phát âm.

Nhưng hầu hết các nghiên cứu giáo dục là cho thấy ngược lại, tức là khuyến khích việc chấp nhận rủi ro, dám nói kể cả khi không chắc chắn nội dung đó là đúng mới có lợi cho việc ghi nhớ ngôn ngữ lâu dài. Glass & Selinker vào năm 2000 cũng đề cập rằng “nhiều chiến lược liên quan đến việc học ngôn ngữ tốt đòi hỏi sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro”, vì vậy việc tạo một môi trường và trải nghiệm giúp học viên dám chấp nhận rủi ro trong việc luyện tập các kỹ năng Tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng nói là vô cùng cần thiết.

Phương pháp giúp người học chấp nhận rủi ro

Phương pháp giúp người học chấp nhận rủi ro tối ưu hoá việc luyện tập  TOEIC Speaking theo từng phần thi

Sau đây là những hoạt động và chiến lược giúp người học tăng khả năng chấp nhận rủi ro khi luyện tập TOEIC Speaking và tối ưu hoá điểm bài thi nói. Những phần trong bài thi học viên có thể luyện tập phù hợp với chiến lược risk-taking bao gồm phần 1, phần 2 và phần 5 của bài thi.

TOEIC Speaking Part 1

Part 1: Read a text aloud (thang điểm từ 0-3), trong phần 1 của bài thi, thí sinh được cung cấp các đoạn văn bản ngắn khoảng từ 45-80 từ và được yêu cầu đọc lớn văn bản (ứng với câu hỏi 1 và 2 trong bài thi) . Phần thi này bao gồm 2 tiêu chí là phát âm và ngữ điệu, ngắt nghỉ và trọng tâm. Hầu hết học viên thường tập trung vào phần phát âm mà không đầu tư vào ngữ điệu do lo sợ việc phát âm từ đơn lẻ bị sai khiến bài đọc rời rạc, không có nhấn nhá dù đây là một tiêu chí quan trọng quyết định đến điểm số bài nói.

Mỗi bài đọc ở những chủ đề khác nhau (phát thanh, thông báo, quảng cáo…) đòi hỏi những tông điệu khác nhau, để cải thiện về ngữ điệu, học viên có thể tạm bỏ qua sự lo lắng về phát âm các từ đơn“chấp nhận rủi ro" có thể phát âm sai để tập trung vào sự fluency (sự trôi chảy) của bài nói, sau đó ghi âm và nghe lại để có thể kiểm tra những từ khó và chỉnh sửa lại phát âm sau đó.

Ví dụ 1: 

image-alt

Văn bản: Phát thanh của tiếp viên hàng không trên máy bay

Lần luyện tập đầu tiên: tập trung vào ngữ điệu, ngắt nghỉ và trọng tâm theo gợi ý sau:

  • Bắt đầu với giọng thân thiện, nhấnmạnh vào Good afternoon, ladies and gentlemen để gây ấn tượng ban đầu tốt.

  • Nhấn mạnh vào welcome you aboardNew York để nhấn mạnh sự quan trọng của thông tin này.

  • Nhấn vào cruising altitude35,000 feet để học viên chú ý tới thông tin về độ cao.

  • Nhấn mạnh vào remain seated, seatbelt fastened, và until the captain turns off the seatbelt sign để người nghe hiểu rõ tầm quan trọng của việc thắt dây an toàn.

  • Nhấn mạnh vào Thank you for choosing our airlineenjoy your flight để thể hiện sự cảm ơn và chúc chuyến bay vui vẻ.

Lần luyện tập 2: Ghi âm lại và kiểm tra liệu các từ vựng khó đã được phát âm chính xác

  • cruising /ˈkruːzɪŋ/: hành trình, bay ổn định

  • altitude /ˈæltɪtuːd/: độ cao

  • seated (quá khứ phân từ của "seat") /ˈsiːtɪd/: ngồi

  • fastened (quá khứ phân từ của "fasten") /ˈfæsnd/: được thắt chặt

  • refreshments /rɪˈfreʃmənts/: đồ ăn nhẹ, đồ uống nhẹ

  • hesitate /ˈhɛzɪteɪt/: do dự, ngần ngại

Lần luyện tập 3: Kết hợp hai yếu tố phát âm và ngữ điệu cho đến khi đọc trôi chảy đoạn văn bản.

TOEIC Speaking Part 2

Trong phần thi TOEIC Speaking Part 2, người học sẽ được yêu cầu mô tả hai bức ảnh có màu chi tiết nhất có thể (ứng với câu hỏi số 3 và 4 trong bài thi) và có thang điểm từ 0-3. Thí sinh có 45 giây quan sát ảnh và chuẩn bị câu trả lời, sau đó sẽ có 30 giây mô tả ảnh. Nhiệm vụ của học viên là mô tả nhiều chi tiết nhất liên quan đến ảnh nhất có thể trong 30 giây. Tiêu chí thi không yêu cầu các yếu tố chi tiết bắt buộc phải có trong bài miêu tả, vậy nên mặc dù có nhiều cấu trúc sườn bài được đề xuất cho phần thi này nhằm giúp học viên có thể thiết kế được bài miêu tả trong thời gian ngắn, trên thực tế thí sinh có quyền chọn miêu tả bất kì chi tiết chính nào trong ảnh dựa trên vốn từ vựng sẵn có của bản thân.

Trong khi thực hiện bài thi thực tế và cần giải quyết áp lực suy nghĩ câu trả lời trong thời gian rất ngắn (45 giây), thí sinh có thể áp dụng các cấu trúc thứ tự dàn mẫu có sẵn. Nhưng khi luyện tập tại lớp hoặc tại nhà, học viên có thể tăng kỹ năng phản xạ bằng cách “chấp nhận rủi ro" và miêu tả ảnh theo thứ tự tự do, tuỳ biến tuỳ từng ảnh và vốn từ vựng mà học viên có phù hợp với ảnh. Việc học cách “chấp nhận rủi ro" sẽ giúp học viên giảm căng thẳng nếu vốn từ vựng không thể đáp ứng việc miêu tả tất cả tiêu chí được đề cập trong sườn bài mẫu, làm tăng tính sáng tạo khi thiết kế câu trả lời.

image-altVí dụ trong bức ảnh sau, thay vì tuân thủ theo quy tắc miêu tả:

Học viên có thể thay đổi thứ tự và tỷ trọng miêu tả tuỳ biến theo vốn từ vựng sẵn có như sau:

Trường hợp 1: Nếu vốn từ sẵn có của học viên miêu tả tốt về con người và trang phục trong ảnh

This is a photo taken in a park. There are four people in the picture: a couple and two children about 3 to 5 years old. They seem to be a family because they look very close and have similar dark brown hair. All four of them are dressed in casual and comfortable clothes suitable for a picnic in the park. They have brought some snacks and are enjoying a pleasant time together.

(Đây là bức ảnh được chụp tại một công viên. Có 4 người trong ảnh: 1 cặp đôi, 2 đứa trẻ khoảng 3 đến 5 tuổi. Nhìn họ có vẻ giống một gia đình vì họ trông rất thân thiết và có màu tóc tối màu giống nhau. Cả bốn người đều mặc những trang phục thường ngày và thoải mái cho hoạt động picnic tại công viên. Họ mang theo một số đồ ăn nhẹ và đang tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ bên cạnh nhau.)

image-altTrường hợp 2: Nếu vốn từ sẵn có của học viên miêu tả tốt về đồ vật và ngoại cảnh của ảnh

This is a photo taken in a park on a sunny, beautiful day. There are four people in the picture: a man, a woman, and two children. They are sitting on a lush green grass, and in the background, there are many trees. In front of them, there are some snacks such as juice, watermelon, and fruits. Next to the little girl, I can see a ball. It looks like they are having an amazing picnic together.

(Đây là bức ảnh chụp tại một công viên trong một ngày trời nắng đẹp. Có bốn người trong ảnh: một người đàn ông, một người phụ nữ và hai đứa trẻ. Họ đang ngồi trên một bãi cỏ xanh mướt, và phía sau họ cũng có rất nhiều cây xanh. Trước mặt họ là một số đồ ăn nhẹ như: nước ép, dưa hấu và trái cây. Bên cạnh bé gái nhỏ, tôi có thể thấy một trái bóng. Có vẻ như họ đang có một buổi picnic vui vẻ cạnh nhau.)

TOEIC Speaking Part 5

Hãy để não bộ “chấp nhận rủi ro" đưa ra những ý tưởng chưa hoàn hảo

Phần thi TOEIC Speaking Part 5 (tương ứng với câu hỏi số 11 và cũng là câu hỏi cuối cùng của bài thi). Phần thi này có thang điểm từ 0-5 (chiếm tỷ trọng điểm số cao hơn so với hầu hết câu hỏi khác chỉ có thang điểm tối đa là 3). Câu hỏi số 11 kiểm tra khả năng trình bày ý tưởng bằng tiếng Anh của thí sinh về một chủ đề xã hội trong thời gian có hạn, thí sinh có 45 giây để chuẩn bị cũng như ghi chú ý tưởng ra giấy A4 và có 60 giây để trả lời câu hỏi. Các tiêu chí ảnh hưởng đến phần thi này bao gồm Phát âm, Ngữ điệu, Ngắt nghỉ & Nhấn nha, Nội dung, Từ vựng và cuối cùng là Ngữ Pháp.

Một khó khăn thường gặp ở học viên là các bạn không thể suy nghĩ được các luận điểm cần thiết để trả lời câu hỏi trong thời gian quá ngắn chỉ 45 giây, dẫn đến bài nói không được hiệu quả hoặc các ý nói rời rạc và khá lan man. 

Để khắc phục vấn đề trên và tăng khả năng sáng tạo ý tưởng cho câu trả lời, học viên chấp nhận rủi ro có thể luyện tập viên brainstorm ý tưởng đúng theo nghĩa đen của nó là “bão não", tức là để các ý tưởng được tự do xuất hiện và “chấp nhận rủi ro" rằng chúng có thể là những ý tưởng chưa hiệu quả hoặc khá khó để phát triển thành bài nói.

 Việc luôn lọc đi những “ý tưởng kém chất lượng" song song với quá trình sáng tạo sẽ khiến não bộ cảm thấy bối rối và dừng quá trình suy nghĩ do những cảm xúc lo lắng, căng thẳng, đặc biệt là khi thí sinh đang tham gia bài thi thật sự. 

Sau khi ghi nhận tất cả ý tưởng (kể cả tiềm năng hoặc không) vào giấy nháp, thí sinh có thể tiến hành chọn lọc từ 2 đến 3 ý tưởng khả thi để triển khai nhất (những ý tưởng mà thí sinh đã có sẵn dẫn chứng cá nhân hoặc dẫn chứng khách quan để chứng minh luận điểm đó) để sử dụng và gạch đi những ý tưởng không chất lượng hoặc những ý tưởng trùng lặp.

Ví dụ câu hỏi mẫu:

Question 11 of 11

 

Some people like to work at home while others prefer to work at the office. Which working style do you like the most?

 

Give specific reasons and details to support your opinion.

image-altDịch nghĩa đề bài: Một số người thích làm việc tại nhà trong khi những người khác thích làm việc tại văn phòng. Bạn thích phong cách làm việc nào hơn? Hãy đưa ra những lý do và thông tin chi tiết để ủng hộ quan điểm của bạn.

Sau đây là ví dụ cách động não luận điểm nếu thí sinh chọn phương án “thích làm việc tại nhà hơn so với làm việc tại văn phòng".

Brainstorm ý tưởng 

  • Tiết kiệm thời gian

  • Tiết kiệm chi phí đi lại

  • Có nhiều thời gian ngủ trưa hơn

  • Có nhiều thời gian cho gia đình

  • Tiết kiệm chi phí thuê nhà gần công ty

  • Tránh việc kẹt xe giờ cao điểm

  • Phong cách làm việc phù hợp cho người hướng nội

Chọn lọc ý tưởng phù hợp nhất

  • Tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại

  • Có nhiều thời gian hơn cho gia đình

Bài nói mẫu: To be honest, I prefer working from home over working at the office. Remote work saves me time and commuting costs; It also gives me more time for my family. 

I am living and studying in Ho Chi Minh City, where the traffic is crazy during peak hours, so having to spend about an hour commuting to the office every day is a nightmare for me. 

Additionally, I value work-life balance, so a remote job allows me to have more time for my family. I can move closer to my parents and have dinner with them every day. For these reasons, if given a choice, I would definitely prefer to have a remote job.

(Thành thật mà nói, tôi là người thích làm việc tại nhà hơn so với làm việc tại văn phòng. Làm việc từ xa giúp tôi tiết kiệm được thời gian và chi phí di chuyển cũng như có nhiều thời gian cho gia đình hơn.

Tôi đang sống và học tập tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi có tình trạng giao thông rất điên khùng vào giờ cao điểm nên việc phải dành khoảng 1 tiếng di chuyển đến công ty mỗi ngày là một ác mộng đối với tôi. 

Ngoài ra, tôi là một người đề cao việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc nên một công việc từ xa giúp tôi có nhiều thời gian hơn cho gia đình, tôi có thể chuyển về sống gần cha mẹ và ăn tối với họ hàng ngày.Vì những lý do trên, nếu được lựa chọn, tôi chắc chắc sẽ muốn có một công việc từ xa.)

Đừng ngại việc thử nghiệm những ý tưởng độc đáo và nhờ giáo viên cho ý kiến về bài nói

Như đã đề cập phía trên, việc tăng “khả năng chấp nhận rủi ro" trong luyện tập Tiếng Anh không nằm ở tính cách người học mà còn phụ thuộc vào sự sẵn lòng của họ. Một không gian học tập an toàn, cởi mở, luôn sẵn sàng ghi nhận những ý tưởng mới và cung cấp những phản hồi xây dựng sẽ khiến người học trở nên sáng tạo hơn, tăng khả năng phản xạ kỹ năng nói. Vì vậy, học viên cần chọn cho mình môi trường học tập phù hợp, không ngại phát biểu khi có hướng phát triển bài nói độc đáo và chủ động hỏi xin giáo viên ý kiến, đánh giá bài luyện tập dựa trên những tiêu chí chấm điểm của bài thi TOEIC Speaking.

Như trong ví dụ vừa nãy, sau khi đã chọn các luận điểm khả thi nhất, học viên vẫn có thể sử dụng những ý tưởng còn lại để luyện tập phát triển bài nói tại nhà, làm tăng tư duy phản biện và khả năng ứng biến với mọi ý tưởng người học nghĩ ra trong thời gian ngắn.

Bài viết trên đã đề cập đến những phương pháp luyện tập TOEIC Speaking cho người học chấp nhận rủi ro, tuy vậy những phương pháp này có thể ứng dụng để luyện tập cho bất kì chứng chỉ tiếng anh khác hoặc trong hành trình chinh phục Tiếng Anh nói chung của thí sinh. Hãy dám “chấp nhận những rủi ro" cần thiết để có thể tự tin hơn trong hành trình phát triển kỹ năng dài hạn!

Nguồn tham khảo

  1. Marketing Digital IIG. (n.d.). TOEIC SW. Iigvietnam.com. Retrieved August 1, 2024, from https://iigvietnam.com/bai-thi-toeic-sw/

  2. Brown, H. D. (2001). Teaching by principles: An interactive approach to language Pedagogy (63-64). New York: Addition Wesley: Longman, Inc. https://octovany.wordpress.com/wp-content/uploads/2013/12/ok-teaching-by-principles-h-douglas-brown.pdf

  3. Gass, S. M., & Selinker, L. (2008). Second language acquisition: An introductory course (3rd ed.) (433). New York, NY: Routledge.

  4. https://bpb-us-e2.wpmucdn.com/websites.umass.edu/dist/c/2494/files/2015/08/Gass.Second-Language-Acquisition.pdf

Tham vấn chuyên môn
Ngô Phương ThảoNgô Phương Thảo
Giáo viên
Triết lý giáo dục: "Không ai bị bỏ lại phía sau" (Leave no one behind). Mọi học viên đều cần có cơ hội học tập và phát triển phù hợp với mức độ tiếp thu và tốc độ học tập riêng của mình.

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...