Nắm rõ quy trình nghiên cứu khoa học & Ứng dụng trong IELTS Listening Part 3

IELTS Listening Part 3 luôn là một thách thức đối với nhiều thí sinh, đặc biệt là những đoạn hội thoại liên quan đến quy trình nghiên cứu khoa học tại các trường đại học. Đa phần thí sinh ít khi thực hiện các nghiên cứu nên sẽ gặp khó khăn và khó hiểu khi phải nghe nội dung về dạng bài này. Bài viết này giới thiệu tổng quát về quy trình nghiên cứu, đồng thời hướng dẫn cách áp dụng và suy nghĩ vào IELTS Listening Part 3.
author
Nguyễn Huỳnh Minh Huy
10/04/2023
nam ro quy trinh nghien cuu khoa hoc ung dung trong ielts listening part 3

Bài thi IELTS Listening được chia làm 4 phần, mỗi phần bao gồm 10 câu hỏi với nhiều dạng khác nhau. Trong đó, phần 3 được đánh giá là gây nhiều khó khăn nhất cho thí sinh, thậm chí nhiều người còn đánh giá phần 3 còn khó hơn cả phần cuối cùng. Nội dung phần 3 của bài thi nghe thường là một đoạn đối thoại (từ 2-4 người) về chủ đề học thuật. Chủ đề thường thấy ở phần này thường là một cuộc thảo luận giữa các sinh viên hoặc giữa sinh viên với giáo viên về một bài nghiên cứu, thuyết trình hay dự án.

Sự khó khăn này có thể bị gây ra bởi nhiều nguyên do, như dạng câu hỏi của phần này hầu như là trắc nghiệm và nối thông tin, yêu cầu thí sinh phải có kĩ năng vừa nghe vừa đọc và tổng hợp thông tin ở mức khá giỏi để hoàn thành tốt. Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng là thí sinh đôi khi không hiểu rõ nội dung của cuộc hội thoại vì đó là những cuộc thảo luận về các bài nghiên cứu khoa học, một mảng mà thí sinh ở Việt Nam hầu như sẽ không có hiểu biết nếu không chọn làm luận văn ở trường đại học. Bài viết này sẽ cung cấp cho người đọc kiến thức về quy trình làm một bài nghiên cứu khoa học, từ đó giúp người đọc hiểu nội dung của phần nghe thứ 3 này một cách rõ ràng hơn.

Key takeaways

Sự khó khăn của phần 3 có thể do việc thiếu nhận thức về quy trình nghiên cứu khoa học.

Quy trình nghiên cứu khoa học tại các trường đại học:

  • Xác định lĩnh vực yêu thích và lí do thực hiện nghiên cứu.

  • Đọc và tóm tắt cơ sở lý luận.

  • Xác định phương pháp nghiên cứu.

  • Phân tích, đánh giá và bàn luận thông tin thu thập từ phương pháp nghiên cứu.

Vấn đề đối với Phần 3 của bài thi Nghe

Như đã đề cập, ở phần 3 của bài nghe, có thể người học sẽ nghe thấy một đoạn hội thoại về quy trình nghiên cứu. Cụ thể, thí sinh có thể bắt gặp dạng này ở quyển Cambridge Practice 12, ở Test 6 và Test 7 như sau:

Test 6

Question 26-30

Complete the flow chart below.

Choose FIVE answers from the box and write the correct letter, A-G, next to Question 26-30.

image-alt

Test 7

Question 21-26

Complete the flow chart below.

Choose SIX answers from the box and write the correct letter, A-H, next to question 21-26.

image-altDễ dàng nhận thấy, các sơ đồ và từ vựng cũng như nội dung ở dạng bài này còn khá xa lạ với nhiều thí sinh. Nếu không có kinh nghiệm đọc và thực hiện nghiên cứu, nhiều thí sinh sẽ gặp khó khăn khi không hiểu từ vựng cũng như dễ lạc mất mạch nói trong bài nghe, dẫn đến việc hoang mang và không thể hoàn thành tốt dạng bài này.

Hay nói cách khác, nếu như không có hiểu biết ban đầu về quy trình nghiên cứu khoa học, dạng bài Part 3 với nội dung này sẽ là một thách thức cực lớn đối với nhiều thí sinh.

llChính vì điều đó, phần tiếp theo của bài viết này sẽ giới thiệu cho thí sinh quy trình nghiên cứu khoa học, từ đó có cái nhìn tổng quát hơn, giúp nâng cao sự hiểu biết và dễ dàng theo kịp những nội dung trong IELT Listening Part 3.

Quy trình nghiên cứu khoa học tại các trường đại học

Xác định lĩnh vực yêu thích và lí do thực hiện nghiên cứu (Introduction)

Một nghiên cứu không thể được thực hiện nếu người tiến hành nghiên cứu không có sự yêu thích hay động lực đối với chủ đề mà mình đang làm. Điều này bởi vì mỗi người có một thế mạnh và sự yêu thích khác nhau, cũng như mỗi lĩnh vực và chuyên ngành có những yêu cầu và từ vựng chuyên môn cũng đa dạng không kém.

Khi bàn về lí do thực hiện nghiên cứu, người nghiên cứu sẽ nói về những thiếu sót về mảng hoặc lĩnh vực nào đó trong quá trình học tập và làm việc của họ. Khi bàn luận về vấn đề này, người nghiên cứu có thể đề cập đến các vấn đề như thông tin nền của lĩnh vực, vấn đề mà họ gặp phải, sau đó trình bày cụ thể điều mà họ muốn tìm hiểu cũng như tầm quan trọng và tính thiết yếu cho việc đó.

Hiểu được điều này khi làm bài thi IELTS Listening Part 3, thí sinh sẽ nắm bắt được ngụ ý và nội dung cần nghe, từ đó có thể giới hạn chủ đề cũng như từ vựng để dễ dàng theo dõi mạch nói của bài thi hơn.

Đọc và tóm tắt cơ sở lý luận (Literature review)

Đôi khi trong một bài nghe ở Part 3, thí sinh sẽ gặp khó khăn khi không hiểu vì sao lại có nhiều tên tác giả hoặc nói về những chủ đề có vẻ không liên quan đến nghiên cứu của người nói. Điều này bởi vì theo quy trình nghiên cứu khoa học, người nghiên cứu cần phải thực hiện đọc và tóm tắt các nghiên cứu và lý thuyết trước đây về lĩnh vực mà họ đang làm.

Phần cơ sở lý luận (Literature review) bao gồm các lý thuyết, các khái niệm, các định nghĩa và các mô hình liên quan đến vấn đề nghiên cứu dựa vào những nghiên cứu trước đó. Nó giúp cho người đọc hiểu được lý do tại sao nghiên cứu được thực hiện, những vấn đề cần được giải quyết và cách mà nghiên cứu được thực hiện để giải quyết vấn đề đó. Trong phần này, người nghiên cứu cần giải thích một cách rõ ràng về các khái niệm và các lý thuyết liên quan đến vấn đề nghiên cứu.

Người nghiên cứu cũng cần chứng minh tính hợp lý của vấn đề nghiên cứu và sự liên kết giữa các khái niệm, lý thuyết và kết quả của nghiên cứu. Các lý thuyết và khái niệm được sử dụng trong phần cơ sở lý luận phải được giải thích một cách rõ ràng và đầy đủ. Các định nghĩa và các mô hình cũng cần được trình bày một cách chi tiết và rõ ràng để đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của nghiên cứu.

Sau cùng, dựa vào việc tổng hợp các tài liệu và nghiên cứu trước đó, người nghiên cứu sẽ xác định được vấn đề và câu hỏi đặt ra cho nghiên cứu của mình. Việc xác định được câu hỏi nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong quy trình nghiên cứu khoa học, tạo sự mạch lạc và hợp lý giữa lý thuyết và thực tiễn cũng như tạo lập luận vững chắc để tìm ra phương pháp nghiên cứu.

Tóm lại, tuân theo quy trình nghiên cứu, trong phần cơ sở lý luận, người nghiên cứu thực hiện các bước sau:

  • Xác định, giải thích và đưa ra các khái niệm cũng như khung nghiên cứu liên quan đến nội dung của bài.

  • Tổng hợp thông tin, phương pháp và kết quả của những nghiên cứu trước đó.

  • Đánh giá mức độ phù hợp, thế mạnh và điểm yếu của những nghiên cứu trước, từ đó quyết định sử dụng phần nào trong bài luận của bản thân.

  • Xác định câu hỏi nghiên cứu.

co-so-ly-luan

Xác định phương pháp nghiên cứu (Methodology)

Sau khi đánh giá và hoàn thành cơ sở lý luận, quy trình nghiên cứu yêu cầu người viết lên kế hoạch và lựa chọn phương pháp nghiên cứu (methodology) cho bài luận của mình. Phần phương pháp nghiên cứu là một phần rất quan trọng trong quá trình nghiên cứu khoa học. Nó mô tả cách thức mà người nghiên cứu đã thực hiện để thu thập và phân tích dữ liệu để trả lời câu hỏi nghiên cứu. Phần này giúp cho người đọc hiểu được quy trình nghiên cứu được sử dụng và đánh giá tính hợp lý và độ tin cậy của kết quả.

Phương pháp nghiên cứu được chia thành hai loại chính: phương pháp nghiên cứu định lượng (quantitative) và phương pháp nghiên cứu định tính (qualitative). Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng để đo lường và phân tích số liệu số hóa, còn phương pháp nghiên cứu định tính được sử dụng để phân tích dữ liệu phi số hóa. Đối với phương pháp nghiên cứu định lượng, người nghiên cứu cần chọn một hoặc nhiều phương pháp thu thập dữ liệu phù hợp như khảo sát, thí nghiệm hoặc phân tích tài liệu. Sau khi thu thập dữ liệu, người nghiên cứu cần phân tích và diễn giải dữ liệu bằng các phương pháp thống kê để trả lời câu hỏi nghiên cứu.

Các phương pháp thống kê bao gồm phân tích tương quan, phân tích biến thể và phân tích hồi quy. Ngoài ra, người nghiên cứu cũng cần chú ý đến tính chính xác và độ tin cậy của dữ liệu bằng cách chọn mẫu đại diện, kiểm tra tính chính xác của dữ liệu và sử dụng phương pháp xác thực.

Đối với phương pháp nghiên cứu định tính, người nghiên cứu thường sử dụng các phương pháp như phân tích nội dung, phân tích nội dung tương tác và phân tích nội dung đối thoại để phân tích dữ liệu. Các phương pháp này được sử dụng để phân tích nội dung của văn bản, hình ảnh hoặc video để tìm ra các mẫu và chủ đề.

Trong tổng thể, phần phương pháp nghiên cứu là một phần rất quan trọng trong quá trình nghiên cứu khoa học. Nó giúp người đọc hiểu được quy trình nghiên cứu và đánh giá tính hợp lý và độ tin cậy của kết quả. Để đạt được kết quả nghiên cứu chính xác và đáng tin cậy, người nghiên cứu cần chú ý đến lựa chọn phương pháp nghiên cứu phù hợp, phương pháp lựa chọn mẫu và đánh giá tính hợp lệ và độ tin cậy của dữ liệu và kết quả. Một số cách thức thực hiện nghiên cứu có thể kể đến như:

  • Khảo sát (survey design): phương pháp này sử dụng các câu hỏi và mẫu khảo sát để thu thập dữ liệu về quan điểm, ý kiến hoặc hành vi của các đối tượng nghiên cứu.

  • Thực nghiệm (experimental design): phương pháp này sử dụng việc kiểm soát các biến độc lập (independent variables) để đo lường tác động của chúng đến các biến phụ thuộc (dependent variables). Thí nghiệm thường được sử dụng để xác định nguyên nhân và kết quả của các sự kiện hoặc hiện tượng.

  • Phân tích nội dung (content analysis): phương pháp này sử dụng phân tích và đánh giá các dữ liệu phi số hóa như văn bản, hình ảnh hoặc âm thanh. Phân tích nội dung thường được sử dụng để đánh giá nội dung của các tài liệu văn bản hoặc đánh giá các chủ đề, ý kiến và suy nghĩ trong các tài liệu.

  • Phân tích định lượng (quantitative analysis): phương pháp này sử dụng các phương pháp thống kê để phân tích dữ liệu số hóa và đo lường mối quan hệ giữa các biến. Phân tích định lượng thường được sử dụng để đưa ra dự đoán hoặc xác định mối quan hệ giữa các biến.

phuong-phap-nghien-cuu

Phân tích, đánh giá và bàn luận kết quả thu thập được từ phương pháp nghiên cứu (results and discussion)

Phần phân tích kết quả và bàn luận trong nghiên cứu khoa học là một phần quan trọng trong quá trình nghiên cứu. Sau khi thu thập và xử lý dữ liệu, người nghiên cứu sẽ phân tích kết quả và bàn luận để đưa ra các kết luận và đề xuất.

Trong phần phân tích kết quả, người nghiên cứu sẽ thực hiện các phép đo lường, tính toán và phân tích dữ liệu để trả lời các câu hỏi nghiên cứu đã đưa ra. Các phương pháp thống kê như phân tích tương quan, phân tích biến thể và phân tích hồi quy được sử dụng để giải thích sự tương quan giữa các biến và hiệu quả của các biến độc lập lên biến phụ thuộc. Kết quả phân tích cần được trình bày rõ ràng và minh bạch bằng các biểu đồ, bảng số liệu và các phương pháp trình bày khác.

Sau khi phân tích kết quả, phần bàn luận sẽ giải thích ý nghĩa của kết quả nghiên cứu và đưa ra các kết luận và đề xuất. Trong phần này, người nghiên cứu sẽ xác định các điểm mạnh và điểm yếu của nghiên cứu, đưa ra giải thích cho sự khác biệt giữa kết quả nghiên cứu của họ và các nghiên cứu trước đó và giải thích tầm quan trọng của các kết quả nghiên cứu của họ trong lĩnh vực nghiên cứu. Bên cạnh đó, phần bàn luận cũng đưa ra các đề xuất cho các nghiên cứu tiếp theo và những hướng phát triển trong tương lai. Đây là phần quan trọng giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về ý nghĩa của nghiên cứu và cách mà nghiên cứu này có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực liên quan.

Tổng kết lại, quy trình nghiên cứu khoa học ở một trường đại học mà người học có khả năng sẽ nghe trong phần 3 của bài thi nghe gồm các bước:

  1. Xác định lĩnh vực yêu thích và lí do thực hiện nghiên cứu

  2. Đọc và tóm tắt cơ sở lý luận

  3. Xác định phương pháp nghiên cứu

  4. Phân tích, đánh giá và bàn luận thông tin thu thập từ phương pháp nghiên cứu.

Phần tiếp theo của bài viết sẽ minh hoạ cho việc ứng dụng kiến thức này vào phần 3 của bài thi nghe IELTS.

Ứng dụng vào bài thi IELTS Listening Part 3

Thí sinh quan sát đề bài sau:

Question 21-26

Complete the flow chart below.

Choose SIX answers from the box and write the correct letter, A-H, next to question 21-26.

A. patterns B. names C. sources D. questions

E. employees F. solutions G. headings H. officials

image-alt

Thông thường, dạng bài này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho thí sinh vì lượng thông tin cần tiếp nhận cũng như phân biệt các câu trả lời A-H là quá nhiều, rất khó để có thể hiểu và nhớ các thông tin chỉ trong vòng chục giây ngắn ngủi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà nhiều thí sinh cảm thấy IELTS Listening Part 3 rất khó, dẫn đến số điểm không cao hoặc thậm chí là cảm giác sợ và chán nản khi gặp phải phần này. Tuy nhiên, sau khi đã nắm được cấu trúc của một bài luận dựa vào quy trình nghiên cứu khoa học đã giới thiệu ở trên, thí sinh có thể dễ dàng dựa vào các từ khóa để hiểu flow chart này trong thời gian ngắn, thậm chí có thể giới hạn và đoán được đáp án cần điền.

Thí sinh quan sát khung “RESEARCH” đầu tiên của biểu đồ. Dễ dàng nhận thấy, hai câu đầu tiên của khung này chứa những từ khóa của nghiên cứu khoa học như “read”, “articles”, “identify”, “problem”, “need”. Như vậy, dựa trên quy trình nghiên cứu đã giới thiệu, đây là bước xác định vấn đề và viết cơ sở lý luận. Do đó, quan sát xung quanh câu hỏi 21, nhân vật trong đoạn hội thoại được yêu cầu đọc và ghi chú lại các thông tin chính và điều gì đó. Dựa vào đó, thí sinh có thể dự đoán đáp án ở đây là những từ như C (sources) hoặc G (headings), từ đó có thể giới hạn được đáp án cần tìm, tránh hoang mang và mất phương hướng trong bài nghe.

Lập luận tương tự dựa trên quy trình nghiên cứu đối với hai câu hỏi 22 và 23, thí sinh nhận thấy từ khóa là “interviewees”, nghĩa là nhân vật trong đoạn hội thoại đang bàn về đối tượng để thực hiện phỏng vấn. Vì thế, đáp án của hai câu hỏi này chỉ có thể là danh từ chỉ người, giới hạn trong hai đáp án là E (employees) và H (officials). Ở câu 24, khi thực hiện khảo sát hoặc phỏng vấn, điều quan trọng nhất là giữ thông tin cá nhân của người tham gia. Do đó, thí sinh có thể đoán ở đây là việc nêu tên của người tham gia có thể được sử dụng hay không, với đáp án dự đoán là B (names).

Ở khung thứ 2 “ANALYSIS” bàn về bước thực hiện giải quyết số liệu và bàn luận, thí sinh gặp những từ khóa như “relevant information”, “identify”. Dựa vào quy trình nghiên cứu, sau khi phân tích số liệu, người nghiên cứu sẽ bàn luận về số liệu dựa trên câu hỏi hoặc chủ đề xác định. Do đó, đáp án ở câu hỏi 25 chỉ có thể là một trong những đáp án là A (patterns), D (questions) và F (solutions).

Sau khi phân tích tổng thể các đáp án khả dĩ dựa trên hiểu biết về quy trình nghiên cứu, thí sinh sẽ tiến hành nghe và lựa chọn đáp án hợp lý. Transcript của đề bài trên như sau:

…..

NATALIE: Yes, I found some articles and made notes of the main points.

DAVE: Did you remember to keep a record of where you got the information from?(Q21)

NATALIE: Sure. I know what a pain it is when you forget that.

…..

NATALIE: OK. So who’d that be?The people who work there(Q22)? And presumable some of the tourists too?

DAVE: Yes, both those groups. So we’ll have to go to the site to do that, I suppose. But we might also do some of our interviewing away from the site –we could even contact some people here in the city, like administrators involved in overseeing tourism.(Q23)

…..

DAVE: I think we have plenty of those already.But Dr Baker also said we have to establish with our interviewees whether we can identify them in our case study, or whether they want to be anonymous.(Q24)

NATALIE: Oh, I wouldn’t have thought of that. OK, once we’ve got all this information, I suppose we have to analyse it.

DAVE: Yes, put it all together and choose what’s relevant to the problem we’re focusing on, andanalyse that carefully to find out if we can identify any trends or regularities(Q25)there. That’s the main thing at this stage, rather can concentrating on details or lots of facts.

…..

DAVE: Then the case study itself is mostly quite standard; we begin by presenting the problem, and giving some background, then go through the main sections, but the thing that surprised me is thatin a normal report we’d end with some suggestions to deal with the problem or need we identified, but in a case study we end up with a question or a series of questions to our readers, and they decide what ought to be done.(Q26)

NATALIE: Oh, I hadn’t realised that.

Câu 21, thí sinh nghe được “keep record” và “where”, nên đáp án câu này là nguồn của những tài liệu, nên chọn C. Ở câu 22, từ “people who work there” là cách diễn đạt của đáp án E và tương tự với câu 23, đáp án H được diễn đạt thành “people in the city” và “administrators”. Đối với câu 24, đúng như dự đoán ban đầu, người nghiên cứu cần cân nhắc đề cập đến đối tượng phỏng vấn hay không, đáp án là B. Câu 25 chứa từ khóa là “identify”, “trends”, “regularities”, như vậy chỉ có đáp án A là thích hợp.

Tổng kết

Như vậy, thông qua bài viết này, tác giả đã giới thiệu cho thí sinh quy trình nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, đồng thời trình bày cách áp dụng hiểu biết này giúp giới hạn câu trả lời hoặc hiểu được các chủ đề được đưa ra trong IELTS Listening Part 3. Từ đó, thí sinh có thể dễ dàng nghe hiểu nội dung của audio, tránh bị lạc đường khi thực hiện bài thi vì không hiểu bài nghe đang nói về vấn đề gì.


Trích dẫn

Creswell, J. W. (2012). Educational research: Planning, conducting, and evaluating quantitative and qualitative research (4th ed.). Boston, MA: Pearson.

Người học cần nâng điểm IELTS cao nhanh chóng để nộp hồ sơ du học, định cư, tốt nghiệp, hay việc làm. Tham khảo khóa luyện thi IELTS online với lịch học linh hoạt và tối ưu chi phí.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu