Self-correction là gì? Ảnh hưởng của Self-correction trong bài thi IELTS Speaking
Key takeaways |
---|
|
Self-correction là gì?
Self-correction là việc sửa lại một lỗi sai (về ngữ pháp, từ vựng,…) trong bài nói của mình, qua đó truyền đạt chính xác hơn ý của người nói đến người nghe. Self-correction, hay được hiểu là tự sửa lỗi sai của bản thân, không chỉ diễn ra trong các bài thi nói học thuật như IELTS Speaking, mà nó là một phần của giao tiếp tiếng Anh thông thường giữa người với người.
Ví dụ về self-correction:
Sửa sai từ vựng: When my best friend had a girlfriend, she started to spend less quality time with me. I mean, when she had a boyfriend. (Khi bạn thân của tôi có bạn gái, cô ấy bắt đầu dành ít thời gian với tôi hơn. Ý tôi là, khi cô ấy bắt đầu có bạn trai.)
Sửa sai ngữ pháp: I often sung in my bathroom when I was a kid. I mean, I sang when taking a bath. (Tôi thường hát trong phòng tắm khi tôi còn nhỏ. Ý tôi là “sang” trong phòng tắm, chứ không phải “sung”)
Tầm ảnh hưởng của Self-correction trong bài thi IELTS Speaking?
Theo British Council, thí sinh không nên sợ việc tự chữa lỗi sai trong bài thi IELTS Speaking. Việc tự chữa lỗi sai của bản thân (Self-correction) khiến giám khảo thấy rằng người dự thi nhận thức được rằng mình vừa nói sai và có hiểu biết về ngữ pháp.
Tuy nhiên, nếu người thi lặp lại việc tự chữa lỗi một cách thường xuyên, điều này ảnh hưởng đến tiêu chí Độ trôi chảy và Mạch lạc, khiến điểm của tiêu chí này chỉ dừng ở band 4.
Trong tiêu chí Fluency and Coherence (Độ trôi chảy và Tính mạch lạc), các band điểm có đề cập đến yếu tố self-correction như sau:
Band 4: Thường có nhiều đoạn bị ngắt quãng, nói chậm, nói lặp lại ý tưởng và chữa lỗi sai một cách thường xuyên
Band 5: Nhìn chung có thể duy trì mạch của bài nói nhưng vẫn hay lặp ý, tự chữa lỗi và nói chậm để duy trì bài nói
Band 6: Có thể trả lời đủ dài, tuy rằng đôi lúc vẫn thiếu sự mạch lạc do thi thoảng lặp ý, tự chữa lỗi hoặc trả lời ngập ngừng
Band 7: Đôi khi có thể có sự do dự khi chọn từ ngữ, hoặc đôi khi lặp ý tưởng và tự chữa lỗi sai
Band 8: Trả lời trôi chảy và rất hiếm khi lặp ý hoặc tự chữa lỗi. Nếu có ngập ngừng thì thường liên quan đến việc nghĩ ý tưởng.
Band 9: Cực kỳ hiếm, gần như không có sự lặp ý hoặc tự chữa lỗi sai. Bất kỳ sự ngập ngừng nào đều là liên quan đến ý tưởng chứ không phải ngập ngừng do chọn từ vựng hay ngữ pháp.
Như vậy, khi phân tích IELTS Speaking Band Descriptors, có thể thấy yếu tố “self-correction” xuất hiện xuyên suốt từ band 4 đến band 9. Ngay cả ở band 9, việc tự chữa lỗi vẫn có thể xảy ra, nếu như với tần suất cực kỳ ít, và nếu người nói có thể biến đổi cách diễn đạt của mình sao cho linh hoạt và tự nhiên, tránh nhắc y nguyên câu nói trước đó.
Việc tự sửa lỗi ảnh hưởng tới band điểm về Độ trôi chảy và tính mạch lạc như thế nào thường phụ thuộc vào các yếu tố sau:
Tần suất sử dụng self-correction. Nếu sử dụng quá nhiều hoặc nhiều, người dự thi có thể được tính cho tiêu chí này ở band 4-5. Nếu sử dụng không quá nhiều hay tương đối ít, người dự thi được tính cho tiêu chí này ở band 6-7. Nếu việc sửa lỗi diễn ra ít hoặc gần như không có, người dự thi có thể được tính điểm cho tiêu chí này ở band 8-9.
Cách sử dụng self-correction. Nếu người dự thi tự chữa lỗi sai của bản thân bằng một nội dung tương đương và cách diễn đạt dễ hiểu hơn (paraphrase) để sửa lại, đồng thời làm rõ hơn quan điểm của mình, thì yếu tố này sẽ được đánh giá cao hơn so với việc lặp lại nguyên văn câu nói trước đó và chỉ sửa lỗi ở vị trí dùng từ vựng, ngữ pháp sai.
Có nên khuyến khích sử dụng self-correction nhiều trong bài thi không?
Như vậy, self-correction là cần thiết vì nó là một phần của giao tiếp thông thường, đồng thời nó cũng giúp giám khảo hiểu rằng người thi nhận thức được lỗi sai của mình. Tuy nhiên, người thi IELTS Speaking cần có chiến lược sử dụng “self-correction” phù hợp để không ảnh hưởng tới tiêu chí “Độ trôi chảy và Tính mạch lạc”.
Theo IELTS Liz, nếu người dự thi mắc các lỗi sai NHỎ về từ vựng hoặc ngữ pháp, nên bỏ qua các lỗi này và tiếp tục bài nói của mình. Điều này là do việc sửa các lỗi sai nhỏ này không giúp người thi có thêm điểm, ngược lại nếu sửa lỗi sai nhỏ quá nhiều, điểm của tiêu chí “Trôi chảy và Mạch lạc” sẽ bị ảnh hưởng.
Mặc khác, nếu người dự thi mắc lỗi sai về mặt ý nghĩa, nếu không chữa lại sẽ khiến người nghe cảm thấy khó hiểu hoặc hiểu không đúng vấn đề, người nói nên chủ động sửa lại bằng cách diễn đạt bằng câu từ khác dễ hiểu hơn, qua đó diễn đạt đúng ý tưởng của mình.
Các giải pháp giúp hạn chế việc tự sửa lỗi
Việc mắc lỗi trong quá trình nói thường xuất phát từ việc người nói đang có trạng thái tinh thần không ổn định do lo lắng, hồi hộp, mất tập trung; do thói quen hoặc do người nói vô tình hoặc cố gắng nói nhanh hơn so với tốc độ xử lý thông tin. Người nói có thể thực hiện một số việc sau để hạn chế việc tự sửa lỗi:
Khi đi thi, cần bình tĩnh tiếp nhận từng câu hỏi của giám khảo, sau đó suy nghĩ ý tưởng và trả lời với tốc độ bình thường. Để có thể duy trì trạng thái bình tĩnh, người dự thi cần chuẩn bị sức khoẻ thể chất và tinh thần tốt, thông qua việc có chế độ ăn, ngủ, học tập, luyện tập thể dục thể thao, nghỉ ngơi,… điều độ, đặc biệt là trong khoảng thời gian trước khi thi.
Trong phòng thi, người dự thi cũng cần giữ hơi thở đều, hít thở sâu để tránh gia tăng căng thẳng.
Trong quá trình tự luyện nói tại nhà, cần nói với tốc độ vừa phải vàđể có thời gian xử lý cách sử dụng từ, ngữ pháp, diễn đạt phù hợp với văn cảnh.
Cần luyện nói nhiều và ghi âm hoặc ghi hình bài nói của bản thân. Để ý những lần bản thân mắc lỗi từ vựng, ngữ pháp, diễn đạt… để có thể hạn chế những lỗi như vậy.
Các cấu trúc câu giúp việc tự sửa lỗi tự nhiên và đa dạng hơn
Một số cấu trúc sửa lỗi sai:
(Sorry) I mean - (Xin lỗi) Ý tôi là
I think I said …, but I meant … - Tôi nghĩ tôi vừa nói là …, nhưng ý tôi muốn nói là …
Did I say …? I meant … - Có phải tôi vừa nói …? Ý tôi định nói là…
Ví dụ:
Parents shouldn’t allow their children to play computer games because they do bring some benefits. Oh, did I say “shouldn’t”? I meant they “should” allow children to play, because games can boost creativity and logical thinking. (Cha mẹ không nên cho phép con cái họ chơi trò chơi máy tính vì chúng mang lại một số lợi ích. Ồ, tôi đã nói "không nên"? Ý tôi là họ “nên” cho phép trẻ em chơi, bởi vì trò chơi có thể thúc đẩy sự sáng tạo và tư duy logic.)
I go for a walk every week to let off some steam and improve my respiratory system. Oh, I think I said “every week”, but I meant “I do it every day, for some mental and physical benefits aforementioned”. (Tôi đi dạo mỗi tuần để xả hơi và cải thiện hệ hô hấp. Ồ, tôi nghĩ tôi đã nói “hàng tuần”, nhưng ý tôi là “Tôi làm điều đó hàng ngày, vì một số lợi ích về tinh thần và thể chất đã nói ở trên ấy”.)
Cần chú ý rằng, khi thực hiện việc tự sửa lỗi sai, thí sinh không nên lặp lại nguyên văn câu nói trước đó, mà nên paraphrase bằng cách sử dụng cách diễn đạt rõ ràng, cụ thể hơn. Dưới đây là 2 cách tự sửa lỗi sai, cách thứ nhất là lặp lại nguyên văn câu trước, cách thứ hai là paraphrase:
Ví dụ 1: The elderly should entirely rely on the governmental support. Sorry, I mean, The elderly should NOT entirely rely on the governmental support. (Người già nên sống phụ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp chính phủ. Xin lỗi, ý tôi là, người già không nên sống phụ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp chính phủ.)
Ví dụ 2: The elderly should entirely rely on the governmental support. Sorry, I mean, it’s not the optimal choice for the elderly to totally depend on subsidy or other kinds of government assistance. (Người già nên sống phụ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp chính phủ. Xin lỗi, ý tôi là, sẽ không phải một lựa chọn tốt nếu người già hoàn toàn dựa vào các hình thức hỗ trợ từ chính phủ.)
Có thể thấy, cách diễn đạt tự sửa lỗi sai ở ví dụ 2 thể hiện một cách sử dụng ngôn ngữ tự nhiên hơn trong tiếng Anh. Bằng cách này, thí sinh không chỉ tự sửa lỗi sai của bản thân mà còn làm rõ hơn ý tưởng của mình. Việc lặp lại nguyên văn câu nói trước đó có thể ảnh hưởng xấu đến tiêu chí “Độ trôi chảy và Tính mạch lạc”.
Tổng kết
Bài viết trên đã tập trung giới thiệu về yếu tố “Self-correction” trong bài thi IELTS Speaking, ảnh hưởng của nó tới điểm số, một số giải pháp giúp hạn chế việc tự sửa lỗi và các cấu trúc câu giúp Self-correction tự nhiên và đa dạng hơn.
Do Self-correction là một yếu tố ảnh hưởng tới điểm số của tiêu chí “Fluency and Coherence” của bài nói trong bài thi IELTS Speaking, cũng là một phần của giao tiếp tiếng Anh thông thường, tác giả hy vọng người học có thể hạn chế việc mắc lỗi và sửa lỗi, đồng thời nếu có mắc lỗi sẽ có thể thực hiện Self-correction một cách tự nhiên và trôi chảy nhất để đạt điểm tốt trong bài thi IELTS Speaking.
Tài liệu tham khảo
IELTS.org, IELTS Speaking Band Descriptors (Public Version)
Chris Pell - British Council, 2015, Ten dos for the IELTS speaking test
IELTS Liz, IELTS Speaking: Self-Correction
IELTS Daily, 2021, IELTS Tips - Self Correction - Do you know how to correct yourself?
Người học cần gấp chứng chỉ IELTS để nộp hồ sơ du học, định cư, tốt nghiệp hay việc làm. Bắt đầu ngay khóa học luyện thi IELTS chinh phục điểm cao IELTS hôm nay!
Bình luận - Hỏi đáp