Banner background

Câu bị động trong tiếng Anh và tiếng Việt khác nhau như thế nào?

Bài viết tập trung so sánh câu bị động trong tiếng Anh và tiếng Việt, từ đó rút ra một số điểm giống và khác để hiểu bản chất của loại câu này, tránh một số lỗi khi dùng.
cau bi dong trong tieng anh va tieng viet khac nhau nhu the nao

Khi nhắc đến câu bị động trong tiếng Việt, có nhiều ý kiến cho rằng tiếng Việt không tồn tại loại câu này. Tuy nhiên, trên thực tế, nó vẫn tồn tại, song tần suất của nó không nhiều như trong tiếng Anh. Có lẽ vì điều này nên người mới học tiếng Anh thường gặp khó khăn khi sử dụng câu bị động trong tiếng Anh. Trong bài viết này, tác giả sẽ làm rõ hơn về câu bị động trong tiếng Anh và tiếng Việt, từ đó chỉ ra các điểm giống và khác của loại câu này trong hai ngôn ngữ nhằm giúp người học hiểu bản chất và sử dụng loại câu này trong tiếng Anh một cách hiệu quả hơn. 

Key Takeaways

1. Câu là một đơn vị lời nói bao gồm chủ ngữ và vị ngữ có chứa động từ chính. 

2. Câu bị động 

  1. Câu bị động trong tiếng Anh là câu mà khi đó tân ngữ của động từ trong câu chủ động được đưa lên làm chủ ngữ của câu bị động; đồng thời, động từ chính trong câu sẽ được biến đổi về dạng: be + P2 (động từ phân từ)

  2. Câu bị động trong tiếng Việt là câu có chủ ngữ chỉ người hoặc vật được hoạt động của người hoặc vật khác hướng vào; câu bị động trong tiếng Việt thường thêm “bị/được” trước động từ chính

3. Các điểm giống và khác nhau giữa câu bị động trong tiếng Anh và tiếng Việt 

  1. Điểm giống: cách dùng, chủ ngữ mới là tân ngữ của câu chủ động, nội động từ không sử dụng trong câu bị động

  2. Điểm khác lớn nhất nằm ở sự khác biệt của dạng động từ trong tiếng Anh: be + P2; trong khi đó, tiếng Việt thêm “bị/được” trước động từ và động từ không biến đổi. 

4. Các lỗi sai thường gặp: 

  1. Sai động từ 

  2. Các câu có “bị/được” trong tiếng Việt thường chuyển thành bị động

Câu là gì? 

Trước khi tìm hiểu về câu bị động, người học cần hiểu rõ khái niệm câu. 

Theo Wikipedia, câu trong tiếng Việt là “đơn vị lời nói nhỏ nhất diễn đạt một ý trọn vẹn. Xét về ngữ pháp thì câu có chủ ngữ và vị ngữ, có thể có trạng ngữ. Xét về nghĩa thì 1 câu phải có nghĩa rõ ràng.” Định nghĩa này cũng chính xác với khái niệm câu trong tiếng Anh. 

Như vậy, người học có thể hiểu đơn giản câu bao gồm hai thành phần bắt buộc:

Chủ ngữ + Vị ngữ (động từ + thành phần khác) 

Ví dụ: 

Câu tiếng Việt: Hôm qua, tôi dọn dẹp nhà cửa. 

Câu tiếng Anh: Yesterday, I cleaned my house. 

Chủ ngữ: tôi 

Chủ ngữ: I 

Vị ngữ: dọn dẹp nhà cửa 

Vị ngữ: cleaned my house

Trạng ngữ: hôm qua 

Trạng ngữ: Yesterday

Câu bị động

Nội động từ và ngoại động từ 

Vì nội dung câu bị động có liên hệ mật thiết với hai khái niệm: nội động từ và ngoại động từ, do vậy, tác giả sẽ giải thích ngắn gọn hai loại động từ này trước khi phân tích kỹ hơn về câu bị động. 

Trong tiếng Việt và tiếng Anh, hai loại động từ này được hiểu đơn giản như sau : 

  1. Nội động từ là động từ không có tân ngữ theo sau, ví dụ: ngủ (sleep), nằm (lay), đi (go), đứng (stand),..... (hành động không tác động đến bất kỳ đối tượng nào khác)

  2. Ngoại động từ là động từ được theo sau bởi tân ngữ trực tiếp, ví dụ: đá (kick), tôn trọng (respect), bắt, chụp (catch),.... (hành động có thể tác động đến một đối tượng khác) 

Đọc thêm: Ngoại động từ là gì? Nội động từ là gì? Cách phân biệt nội động từ và ngoại động từ

Câu bị động trong tiếng Anh

a. Khái niệm: 

Theo Martinet & Thomson (1986), câu bị động là câu mà khi đó tân ngữ của động từ trong câu chủ động được đưa lên làm chủ ngữ của câu bị động; đồng thời, động từ chính trong câu sẽ được biến đổi về dạng: be + P2 (động từ phân từ). 

image-alt

Ví dụ: 

  1. Câu chủ động: Local council builds two parks in their living area. 

  2. Câu bị động: Two parks are built in their living area by local councils. 

Phân tích: 

  1. Tân ngữ trong câu chủ động: two parks => chuyển thành chủ ngữ trong câu bị động 

  2. Biến đổi động từ build trong câu chủ động => chuyển thành dạng be + P2: are built trong câu bị động

  3. Tân ngữ mới "by local councils" trong câu bị động được chuyển từ chủ ngữ của câu chủ động 

b. Cách dùng 

Theo Nguyen, trong tiếng Anh, câu bị động thường được dùng trong các trường hợp sau: 

  1. Nhấn mạnh đối tượng của hành động

Ví dụ: 

Câu chủ động: Christopher Columbus discovered the Americas. 

Câu bị động: The Americas was discovered by Christopher Columbus. 

Phân tích: Mặc dù về nghĩa, hai câu trên không khác nhau. Tuy nhiên, khi xét về mục đích nhấn mạnh, chúng khác nhau: trong khi câu chủ động nhấn mạnh vào chủ thể hành động là “Christopher Columbus”, câu bị động nhấn mạnh vào đối tượng của hành động “the Americas”. Trong trường hợp này, người học cần cân nhắc để mục đích viết của mình để chọn cách diễn đạt phù hợp hơn. 

  1. Khi muốn giảm nhẹ trách nhiệm của chủ thể hành động

Ví dụ: 

Câu chủ động: You made big mistakes. 

Câu bị động: Big mistakes were made. 

Phân tích: Trong trường hợp này, mục đích của câu bị động giống như việc nói giảm, nói tránh, tránh việc đổ lỗi hoặc trách nhiệm cho một đối tượng cụ thể nào đó. 

  1. Khi không rõ chủ thể hành động

Ví dụ: Her car was stolen. 

Phân tích: Trong trường hợp, người viết không biết rõ hay không chắc chắn về đối tượng gây ra hành động, câu chủ động sẽ được sử dụng. 

  1. Khi muốn thống nhất một chủ ngữ qua các câu trong đoạn:

Ví dụ: My sister and I grew up and went to school in Jamaica. We were educated according to the British system. In 1997 we were given the opportunity to come to the United States. We decided to finish high school before leaving our own country. We were concerned that the education in this country might not be as good as the one we had there, and we wanted to improve our English too. (Dr. Murray and Anna C. Rockowitz)

Phân tích: Các động từ được gạch chân trong đoạn được dùng ở thể bị động với mục đích tạo ra sự thống nhất về chủ ngữ “My sister and I” - thay bằng “we” xuyên suốt trong cả đoạn văn.

c, Cấu trúc câu bị động 

  1. Cấu trúc câu bị động theo thì:

Thì động từ

Câu chủ động

Cách chia động từ bị đồng

Câu bị động

Hiện tại đơn

Violence affects small children

am/are/is + P2

Small children are affected by violence

Hiện tại tiếp diễn

Violence is affecting small children

am/are/ is being + P2

Small children are being affected by violence

Hiện tại hoàn thành

Violence has affected small children

have/has been + P2

Small children have been affected by violence

Quá khứ đơn

Violence affected small children

was/were + P2

Small children were affected by violence

Quá khứ tiếp diễn

Violence was affecting small children

was/were being + P2

Small children were being affected by violence

Quá khứ hoàn thành

Violence hadaffected small children

had been + P2

Small children had been affected by violence

Tương lai đơn

Violence will affect small children

will be + P2

Small children will be affected by violence

Tương lai gần

Violence is going to affect small children

is going to be + P2

Small children is going to beaffected by violence


(Trích sách Writing a Sentence)

  1. Cấu trúc câu bị động với động từ khuyết thiếu 

Một số động từ khuyết thiếu bao gồm: must, can, could, may, might, should, have to,.... 

Câu chủ động: S + động từ khuyết thiếu + V (nguyên thể) + O.

Câu bị động: S + động từ khuyết thiếu + be + P2 + by O. 

Ví dụ: 

Câu chủ động: City residents should plant trees in their neighborhood. 

Câu bị động: Trees should be planted in their neighborhood by city residents.

  1. Cấu trúc bị động có nhiều hơn một tân ngữ

Một số động từ thường theo sau bởi hai tân ngữ: send, give, bring, buy, provide,.... 

Câu chủ động: S + V + O1 + O2. (hai tân ngữ bao gồm tân ngữ chỉ người và chỉ vật)

Ví dụ: Teachers should give students homework. 

Câu bị động: 

  1. Trường hợp 1: Chuyển tân ngữ chỉ người thành chủ ngữ 

=> S + be + P2 + O (chỉ vật) + by O.

Ví dụ: Students should be given homework by teachers. 

  1. Trường hợp 2: Chuyển tân ngữ chỉ vật thành chủ ngữ (bắt buộc có giới từ kèm theo)

=> S + be P2 + to/for + O (chỉ người) + by O. 

Ví dụ: Homework should be given to students. 

Lưu ý: Giới từ trong trong hợp này là giới từ kết hợp với động từ (người học nên kiểm tra trong từ điển để đảm bảo tính chính xác.)

  1. Cấu trúc câu bị động của các động từ nêu quan điểm: think, say, report, rumor, believe,.....

Câu chủ động: S1 + V1 (các động từ bên trên) + that + mệnh đề (S2 + VO)

Câu bị động: 

Cách 1: It + be + P2 (chuyển từ V1) + that + mệnh đề (S2 + VO) 

Cách 2: S2 + be + P2 (chuyển từ V1) + to V (chuyển từ V2)/ to have + P2 (chuyển từ V2)

Ví dụ: 

Câu chủ động: People believe that he is a famous doctor. 

Câu bị động: 

Cách 1: It is believed that he is a famous doctor. 

Cách 2: He is believed to be a famous doctor.

  1. Cấu trúc câu bị động với have/get

Câu chủ động: Nhờ ai đó làm gì

  1. S + have+ O (chỉ người) + V + O (chỉ vật). 

  2. S + get + O (chỉ người) + to V + O (chỉ vật).

Câu bị động: S + have/get + O (chỉ vật) + P2 by O (chỉ người). 

Ví dụ: 

Câu chủ động: I have him fix my car. 

Câu bị động: I have my car fixed by him. 

d. Một số tình huống không dùng bị động

  1. Tân ngữ là đại từ phản thân hoặc tính từ sở hữu trùng với chủ thể hành động ở chủ ngữ. 

Ví dụ: He hit himself. 

Trong ví dụ này, tân ngữ là “himself”: đại từ phản thân nên sẽ không dùng bị động cho câu này. 

  1. Một số động từ bao gồm: have (mang nghĩa “có” - sở hữu), belong to, lack, resemble, appear, seem, look, be.

Ví dụ: I have a cat. 

Câu trên không có dạng bị động sau: A cat is had by me. 

  1. Câu có động từ chính là nội động từ

Ví dụ: He walks through the street. 

Trong câu trên “walk” là nội động từ - không có tân ngữ theo sau nên câu này không thể chuyển đổi thành câu bị động. 

Câu bị động trong tiếng Việt 

a. Khái niệm

Theo chương trình Ngữ Văn 7, câu bị động là dạng câu có chủ ngữ là chỉ người hoặc vật được hoạt động của người hoặc vật khác hướng vào. 

Ví dụ: Sân trường đã được dọn dẹp. 

b. Cách dùng: 

  1. Khi không muốn nhắc đến hoặc không rõ chủ thể hành động

Ví dụ: Điện thoại bị cướp. 

Trường hợp này, người nói không rõ chủ thể của hành động “cướp” là ai nên câu được dùng ở bị động. 

  1. Khi muốn nhấn mạnh vào kết quả của hành động

Ví dụ: Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi trên thế giới. 

Trong trường hợp này, câu trên có thể viết ở dạng chủ động: Ai ai/mọi người trên khắp thế giới sử dụng tiếng Anh; tuy nhiên, với nội dung trên, rõ ràng, kết quả của việc sử dụng tiếng Anh mới là thông tin quan trọng và cần được nhấn mạnh, do vậy, trường hợp này câu bị động được sử dụng. 

c. Cấu trúc câu bị động trong tiếng Việt 

Trong bài trước bàn về vấn đề sử dụng động từ trong tiếng Anh và tiếng Việt, tác giả đã làm rõ động từ trong tiếng Việt không chịu tác động của các yếu tố xung quanh nên dạng thức động từ của nó không thay đổi trong mọi trường hợp. 

Tương tự với câu bị động, động từ trong tiếng Việt không biến đổi như tiếng Anh (bên trên), vì vậy, để diễn đạt nghĩa bị động, tiếng Việt thường có các từ như “bị, được” đứng trước động từ. 

Có các cấu trúc bị động sau trong tiếng Việt: 

  1. S + bị/ được + V.

Ví dụ: Lọ hoa bị bể. (The vase was broken.)

  1. S + bị/ được + chủ thể + V

Ví dụ: Tên trộm bị cảnh sát bắt hôm qua. (The thief was arrested by the police yesterday).

  1. S + bị/ được + V + bởi + agent

Ví dụ: Bức tranh này được vẽ bởi một người thợ tài ba. (This picture is drawn by a skilled artist.)

  1. "bị/được" được thay bằng “do”.

Ví dụ: Bài hát này do anh ấy sáng tác. (This song is written by him.)

So sánh câu bị động trong tiếng Việt và tiếng Anh

a. Điểm giống:  

Theo Vu (2009), câu bị động trong tiếng Việt và tiếng Anh có các điểm giống sau:

Cách dùng

  1. Chủ thể trong câu chủ động có thể bị lược bỏ khi chuyển sang bị động nếu nó không quan trọng 

  2. Tân ngữ của câu chủ động được chuyển thành chủ ngữ của câu bị động 

  3. Chỉ có ngoại động từ mới có thể chuyển sang câu bị động 

b. Điểm khác:

Cấu trúc bị động: 

  1. Tiếng Việt: thêm các từ “bị/được/do” trước động từ và động từ không thay đổi dạng thức 

  2. Tiếng Anh: thay đổi dạng động từ chuyển thành: be + P2, đồng thời động từ tobe được thay đổi phù hợp với chủ ngữ

Ý nghĩa của câu bị động : 

  1. Trong tiếng Việt: cấu trúc “bị + động từ” thường mang nghĩa tiêu cực. Ngược lại, cấu trúc “được + động từ” mang nghĩa tích cực. 

  2. Trong tiếng Anh không có sự phân biệt như trên. 

Các lỗi người Việt thường mắc khi sử dụng câu bị động và giải pháp

Sai động từ trong câu bị động trong câu tiếng Anh 

a. Các lỗi sai: 

  1. Lỗi thiếu động từ tobe trước động từ phân từ

Một số người mới học khi chuyển câu sang bị động thì chỉ chuyển động từ chính trong câu sang P2 nhưng không có “be” ở phía trước.

Ví dụ: English used around the world. 

Câu trên sai do động từ bị động thiếu “be” ở phía trước. 

Câu đúng: English is used around the world. 

  1. Lỗi sai thì của động từ

Đây cũng là một lỗi khá phổ biến do một số người học chỉ nhớ sử dụng động từ tobe là: is/am/are/was/were theo công thức chung: be + P2. 

Ví dụ:

Câu chủ động: He has completed the final assignment. (câu đang ở thì hiện tại hoàn thành) 

Câu bị động: The final assignment has been completed. (phần “has” được giữ nguyên)

  1. Động từ không hòa hợp với chủ ngữ mới

Một lỗi phổ biến khác liên quan đến động từ trong câu bị động là sự hòa hợp giữa động từ với chủ ngữ mới của câu bị động - chủ ngữ này được biến đổi từ tân ngữ của câu chủ động. Người học nên lưu ý trong câu bị động, chủ ngữ mới sẽ quyết định dạng động từ trong câu nên với trường hợp như sau, người học cần quan sát kỹ tân ngữ: 

Trường hợp 1: 

Câu chủ động: S (số ít) + V (số ít) + O (số nhiều). 

Câu bị động: S (số nhiều) + be (số nhiều) + P2 + by O.

Ví dụ:

Câu chủ động: He completed many projects. 

Câu bị động: Many projects were completed.  (không dùng was do projects số nhiều)

Trường hợp 2: 

Câu chủ động: S (số nhiều) + V (số nhiều) + O (số ít). 

Câu bị động: S (số ít) + be (số ít) + P2 + O (số nhiều)

Ví dụ: 

Câu chủ động: They make a big mistake in the company’s project.

Câu bị động: A big mistake in the company’s project is made.  (không dùng are do a big mistake ở dạng số ít)

b. Giải pháp: 

Để khắc phục các lỗi sai về động từ trong câu bị động tiếng Anh, người học nên thực hiện các bước nhau sau: 

Bước 1: Xác định số ít/số nhiều của chủ ngữ mới được tạo thành từ tân ngữ 

Bước 2: Xác định chính xác thì của động từ trong câu 

Bước 3: Áp dụng cấu trúc động từ phù hợp theo từng thì

Chú ý: Đặc biệt với các thì hoàn thành, người học nên hiểu rằng bản chất của had/have/has been P2 vẫn có be + P2 (thể hiện ở been P2), phần còn lại have/has/had chỉ là công thức của thì tương ứng nên khi chuyển sang bị động, phần này không thay đổi, nói cách khác nó sẽ không bị lược bỏ hoặc đổi thành is/am/are hoặc was/were. 

Ví dụ:

Câu chủ động: The government built this bridge last year. 

Bước 1: Xác định chủ ngữ mới: this bridge: số ít 

Bước 2: Xác định thì: quá khứ do có chứa “last year” 

Bước 3: Áp dụng công thức thì quá khứ: was/were + P2 

=> Câu bị động: This bridge was built last year by the government. 

Bị/được trong tiếng Việt thường chuyển sang bị động trong tiếng Anh

a. Các lỗi sai: 

Mặc dù “bị/được” thường được thêm vào khi dịch từ câu tiếng Anh sang tiếng Việt, nhưng điều ngược lại không đúng với mọi trường hợp. 

  1. Theo Vu (2009), một số tính từ đuôi “able” hoặc “ible” trong tiếng Anh mang nghĩa “được” khi dịch sang tiếng Anh nhưng thực chất không phải là câu bị động. 

Ví dụ: This kind of mushroom is edible. (edible ở đây hiểu là ăn được - không có độc)

  1. Trong một số trường hợp, “bị/được” thể hiện kết quả hoặc trình bày cảm xúc của người nói nhưng không được dùng là bị động trong tiếng Anh. 

Ví dụ 1: Hôm qua, tớ bị mất một quyển sách. 

  1. Câu sai: I was lost a book yesterday. 

  2. Câu đúng: I lost a book yesterday. 

Ví dụ 2:Tháng tới, tôi được ghé thăm Trung Quốc. 

  1. Câu sai: I am going to be visited China next month. 

  2. Câu đúng: I am going to visit China next month. 

b. Giải pháp

Để khắc phục các lỗi sai trên, điều quan trọng đó là người học cần hiểu rõ bản chất của câu bị động: nhấn mạnh vào đối tượng bị tác động bởi động từ. 

Ví dụ: I am going to be visited China next month. 

Trong ví dụ trên, người học có thể nhận thấy đối tượng “I” không chịu tác động từ động từ “visit”, do vậy không thể áp dụng bị động cho câu này. 

Đơn giản hơn, người học có thể làm một phép thử, nếu sau khi chuyển câu sang bị động, câu ở dạng: 

Chủ ngữ + be P2 + tân ngữ. 

thì câu này không sử dụng được ở bị động do trong câu bị động tân ngữ đã được chuyển lên làm chủ ngữ. (Lưu ý: mẹo này chỉ áp dụng được với động từ theo sau bởi 01 tân ngữ.) 

Ví dụ: I was lost a book yesterday. 

Câu trên không thể tồn tại ở bị động do sau động từ vẫn còn tân ngữ “a book”. 

Tổng kết 

Như vậy, trong bài viết này, tác giả đã giúp người học phân biệt câu chủ động trong tiếng Anh và tiếng Việt một cách cụ thể về cách dùng và cấu trúc. Ngoài ra, tác giả trình bày một số lỗi sai mà người mới học thường mắc phải khi dùng câu bị động trong tiếng Anh và đề xuất cách khắc phục. Hy vọng rằng bài viết này với những điểm giống và khác từ việc so sánh câu bị động trong tiếng Anh và tiếng Việt, người học sẽ hiểu rõ bản chất của loại câu này và tránh được các lỗi sai thường gặp để sử dụng câu bị động trong tiếng Anh hiệu quả hơn. 

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...