Sự đa dạng của từ vựng trong tiếng Anh và các cặp từ gần nghĩa dễ nhầm lẫn

Bài viết sẽ mang đến một góc nhìn về sự đa dạng từ vựng trong tiếng Anh và cách phân biệt một số nhóm từ gần nghĩa dễ nhầm lẫn.
author
ZIM Academy
25/02/2021
su da dang cua tu vung trong tieng anh va cac cap tu gan nghia de nham lan

Tiếng Anh là một ngôn ngữ có kho tàng từ vựng đa dạng. Điều này được thể hiện một phần ở sự phong phú về từ đồng nghĩa (synonym) trong tiếng Anh. Tuy nhiên, hầu hết những từ đồng nghĩa này có sự khác biệt nhất định, dẫn đến việc người học tiếng Anh dễ chọn từ thay thế không phù hợp hoàn cảnh. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả giao tiếp hay điểm số ở các tiêu chí liên quan đến từ vựng trong các kỳ thi như kỳ thi IELTS. Bài viết này sẽ mang đến một góc nhìn về sự đa dạng từ vựng trong tiếng Anh và cách phân biệt một số nhóm từ gần nghĩa dễ nhầm lẫn.

Sự đa dạng của từ vựng thể hiện ở từ gần nghĩa (near synonym)

Theo Wikipedia, synonym từ, hoặc cụm từ có nghĩa giống hoàn toàn hoặc gần giống một từ, hoặc cụm từ khác trong cùng ngôn ngữ. Những từ đồng nghĩa với nghĩa giống hệt nhau, có thể thay thế nhau trong mọi hoàn cảnh là absolute synonym (từ đồng nghĩa hoàn toàn). Từ đồng nghĩa hoàn toàn, nếu có, rất hiếm gặp. Phần lớn các từ đồng nghĩa người đọc thường gặp là near-synonym (từ gần nghĩa). Đây là những từ có nghĩa ít nhiều giống nhau, nhưng không giống nhau hoàn toàn, và không thể thay thế nhau trong mọi hoàn cảnh. Từ gần nghĩa có thể khác nhau về sắc thái biểu cảm, về cấu trúc (các từ/ cụm từ đi kèm (collocation),…), về nghĩa biểu vật (ý nghĩa khái quát của từ/ cụm từ),… Ví dụ của từ gần nghĩa có thể kể đến reduce-decrease, study-learn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đa dạng từ vựng trong tiếng Anh. Một nguyên nhân có thể do nguồn gốc của từ vựng. Tiếng Anh hiện đại chịu ảnh hưởng của nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau: Germanic (ngôn ngữ German) (Anglo-Saxon và Old Norse (tiếng Bắc Âu cổ)), Romance languages (nhóm ngôn ngữ Rômăng) (Latin, French (tiếng Pháp)) và Greek (tiếng Hy Lạp) ,… Cụ thể, tiếng Anh là ngôn ngữ German. Tuy nhiên, vào năm 1066, người Anglo-Saxon bị xâm lược và thống trị bởi người Anglo-Norman trong vòng vài trăm năm. Vì vậy, từ vựng tiếng Anh bao gồm từ ngữ từ cả ngôn ngữ German lẫn ngôn ngữ Rôman. Bên cạnh đó, tiếng Anh còn kế thừa, vay mượn từ vựng từ những ngôn ngữ khác như tiếng Ả Rập, tiếng Hy Lạp, tiếng Trung,…. trong quá trình nước Anh đô hộ hay giao thương với các quốc gia khác. Do đó, tiếng Anh có nhiều từ gần nghĩa từ các nguồn gốc khác nhau. Ví dụ như:

Đều có nghĩa là tăng, gia tăng nhưng được sử dụng trong các hoàn cảnh khác nhau, “increase” có nguồn gốc từ tiếng Pháp cổ (Old French), “augment” là từ gốc Latin, còn “grow” lại được lấy từ tiếng Teutonic cổ (Old Teutonic – ngôn ngữ thuộc ngữ tộc German).

Đều là tiên đoán, báo trước nhưng sắc thái và nghĩa biểu vật khác nhau, tiếng Anh có 3 từ: foretell (gốc Anglo-Saxon), predict (gốc Norman French), prophesy (gốc Latin-Greek).

cap-tu-gan-nghia-de-nham-lan-goc-tu

Sự đa dạng của từ vựng tiếng Anh nói chung, và từ đồng nghĩa nói riêng, giúp người dùng có nhiều sự lựa chọn từ ngữ. Tuy nhiên, do hầu hết các từ trong các từ điển từ đồng nghĩa (thesaurus) chỉ là từ gần nghĩa, người đọc có khả năng chọn từ không phù hợp hoàn cảnh. Đây là điều nên tránh, đặc biệt trong bài thi IELTS, vì nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến điểm số bài thi IELTS Writing IELTS Speaking. Dưới đây là một số nhóm thường bị nhầm lẫn trong IELTS, tưởng chừng giống nhau nhưng lại có ý nghĩa và cách sử dụng khác biệt.

Các từ gần nghĩa dễ nhầm lẫn trong IELTS

Productive/ Effective/ Efficient

Đều được dịch sang tiếng Việt với nghĩa “năng suất, có hiệu quả”, 3 tính từ “productive” – “effective” – “efficient” bị nhiều người học tiếng Anh hiểu lầm là từ đồng nghĩa hoàn toàn. Tuy nhiên, 3 từ trên có sự khác biệt về nghĩa, và vì thế, không thể dùng thay thế nhau trong nhiều trường hợp.

Productive

(tính từ) chỉ khả năng làm hay sản xuất một thứ gì đó, đặc biệt là với số lượng lớn (theo Oxford Learner’s Dictionaries). “Productive” nhấn mạnh về mặt số lượng.

Ví dụ 1: He had an amazingly productive five years in which he managed to write four novels. (Anh ấy có một năm rất năng suất khi viết được 4 cuốn tiểu thuyết).

Phân tích: Ví dụ này nhấn mạnh số lượng tiểu thuyết được viết ra trong 1 năm, vì vậy người viết sử dụng từ “productive”.

Ngoài ra, “productive” còn mang nghĩa làm được, đạt được rất nhiều.

Ví dụ 2: My time spent in the library was very productive (Khoảng thời gian ở trong thư viện của tôi rất năng suất)

Phân tích: Từ “productive” được dùng để thể hiện rằng trong lúc ở thư viện, người viết làm được rất nhiều thứ.

Effective

(tính từ) miêu tả công việc đạt được kết quả mong muốn (theo Cambridge Dictionary). “Effective” là làm việc nên làm (ví dụ: làm những công việc mang lại kết quả tích cực), tuy việc đó có thể tiêu tốn tài nguyên.

Ví dụ: Some people believe that violence is an effective way of protesting (Nhiều người tin rằng bạo lực là cách hiệu quả để phản đối)

Phân tích: Người viết sử dụng “effective” bởi trong ví dụ trên, nhiều người cho rằng bạo lực là cách nên làm để đạt được mục tiêu là chống đối (không xét đến sự tối ưu trong cách thức thực hiện hay sử dụng nhân lực, công sức,…)

Efficient

(tính từ) miêu tả việc sản xuất hay làm việc một cách nhanh chóng, cẩn thận, chất lượng mà không để phí thời gian, tiền bạc hay năng lượng (theo Oxford Learner’s Dictionaries.) Một công việc được xem là “efficient” khi nó không chỉ đạt được kết quả mà còn tối ưu về quá trình thực hiện, tài nguyên (nhân lực, tiền bạc,….) “Efficient” là làm việc theo cách tối ưu, nên làm (ví dụ: hoàn thành công việc một cách nhanh nhất, tiết kiệm nhất.)

Ví dụ 1: The new online banking system offers a convenient and efficient way to check your account. (Hệ thống ngân hàng trực tuyến mới cung cấp một cách kiểm tra tài khoản tiện lợi và hiệu quả)

Phân tích: Trong ví dụ này, “efficient” được dùng để diễn tả rằng hệ thống ngân hàng online không chỉ giúp kiểm tra tài khoản (mục tiêu mong muốn) mà còn tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho người dùng (tối ưu hóa trải nghiệm sử dụng)

Ví dụ 2: The 200-page instruction manual was effective in teaching the teen to repair the car himself, but it would have been more efficient for someone to show him. (Cuốn hướng dẫn dài 200 trang thành công trong việc dạy một người thanh thiếu niên tự sửa ô tô, nhưng sẽ hiệu quả, tối ưu hơn nếu có người hướng dẫn chúng.)

Phân tích: Cuốn hướng dẫn 200 trang đạt mục tiêu ban đầu là hướng dẫn một người tuổi teen sửa ô tô nên nó “effective”. Tuy nhiên, cách làm này tiêu tốn tài nguyên (việc tự đọc cuốn sách 200 trang có thể gây nhàm chán, tốn công sức và thời gian của người đọc, khó áp dụng thực tế, tốn chi phí in ấn,…) nên nó không “efficient”. Cách làm tối ưu, nhanh và đơn giản hơn là có người hướng dẫn chúng.

Tóm lại, “productive” mang nghĩa năng suất, thường nhấn mạnh về mặt số lượng. “Effective” thường miêu tả một công việc thành công, đạt được kết quả mong muốn, dù cách làm có thể lãng phí tài nguyên. “Effective” là làm việc nên làm. “Efficient”, trong khi đó, lại miêu tả công việc vừa đạt mục tiêu đề ra vừa được làm cẩn thận, trọn vẹn mà không lãng phí tài nguyên. “Efficient” là làm việc theo cách tối ưu.

Đọc thêm: Học từ vựng tiếng Anh nhờ tạo Wordlist từ bất kỳ văn bản

Compulsory/ Obligatory/ Mandatory

Tuy đều là tính từ chỉ một việc gì đó mọi người bắt buộc phải tuân theo do đó là quy định, luật pháp, “compulsory”, “mandatory” và “obligatory” vẫn chỉ là những từ gần nghĩa, có sự khác biệt trong trường hợp sử dụng và mức độ phổ biến.

Mandatory

có tính chất bắt buộc do quy định/ luật pháp yêu cầu. So với “compulsory” và “obligatory”, “mandatory” là từ thông dụng nhất trong tiếng Anh-Mỹ. Đặc biệt, với những trường hợp liên quan đến vấn đề pháp lý, “mandatory” là từ được sử dụng nhiều nhất. So với “compulsory’, “mandatory” mang sắc thái trang trọng hơn (more formal) và mạnh hơn (stronger).

Ví dụ về cụm từ quen thuộc sử dụng “mandatory”:

  • Mandatory sentencing (bản án bắt buộc)

  • Mandatory review (sự thẩm tra bắt buộc)

  • Mandatory retirement age (tuổi nghỉ hưu bắt buộc)

  • Mandatory testing (sự kiểm tra bắt buộc)

Ví dụ về câu hoàn chỉnh sử dụng “mandatory”:

Ví dụ 1: The Prime Minister is calling for mandatory prison sentences for people who assault police officers. (Chính phủ đang yêu cầu bản án tù giam bắt buộc cho những người tấn công cảnh sát)

Phân tích: Trong trường hợp này, “bản án tù giam” là vấn đề pháp lý. Vì vậy, sử dụng “mandatory” phù hợp hơn “compulsory” hay “obligatory”

Ví dụ 2: It is mandatory (for somebody) (to do something):

It is mandatory for all motorcyclists to wear helmets. (Tất cả người đi xe máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm)

Phân tích: Việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy là điều bắt buộc, được quy định bởi pháp luật. Ở ví dụ này, 3 từ “mandatory”, “obligatory” hay “compulsory” có thể sử dụng thay thế cho nhau.

“Compulsory”: có tính chất bắt buộc do quy định/ luật pháp yêu cầu. Trong 3 từ “compulsory”, “mandatory” và “obligatory”, “compulsory” là từ được sử dụng nhiều nhất trong tiếng Anh-Anh. “Compulsory” thường được sử dụng khi nói đến một việc phải làm trong lĩnh vực giáo dục, quân đội.

Ví dụ về một số cụm từ quen thuộc sử dụng “mandatory”:

  • Compulsory education (giáo dục bắt buộc)

  • Compulsory military service (nghĩa vụ quân sự bắt buộc)

Ví dụ về câu hoàn chỉnh sử dụng “compulsory”:

Maths and English are compulsory for all students. (Toán và Tiếng Anh là bắt buộc với tất cả học sinh)

Phân tích: Vì ví dụ trên nói đến các môn học bắt buộc trong lĩnh vực giáo dục nên người viết chọn sử dụng “compulsory”.

“Obligatory”

có tính chất bắt buộc do quy định/ luật pháp yêu cầu. Trong 3 từ, “obligatory” là từ ít phổ biến nhất và trang trọng nhất. “Obligatory” hiếm khi được sử dụng trong văn nói. Bên cạnh đó, với nghĩa có tính chất bắt buộc này, “obligatory thường không đứng trước danh từ.

Ví dụ 1: The statute made it obligatory for all healthy males between 14 and 60 to work. (Luật pháp bắt buộc nam giới khỏe mạnh độ tuổi từ 14 đến 60 phải làm việc.)

Ngoài ra, “obligatory” còn mang nghĩa diễn tả những hành động không bắt buộc, nhưng thường xảy ra do mọi người khác thường làm như vậy. Với nghĩa này, “obligatory” thường đứng trước danh từ.

Ví dụ 2: Everyone who goes to England makes the obligatory trip to Stonehenge. (Mọi người khi đến nước Anh đều tham quan Stonehenge)

Phân tích: Ở ví dụ này, “obligatory” chỉ việc đến thăm Stonehenge là một hành động hầu hết mọi người đến nước Anh đều làm.

Tóm lại, 3 từ “mandatory”, “compulsory” và “obligatory” đều mang nghĩa bắt buộc do luật pháp/ quy luật quy định. Điểm khác nhau giữa 3 từ này nằm ở mức độ thông dụng, trang trọng và kết hợp ngữ (collocation). “Obligatory” mang sắc thái trang trọng nhất, ít được sử dụng trong văn nói và không thường đứng trước danh từ (với nghĩa bắt buộc). “Mandatory” phổ biến hơn trong tiếng Anh-Mỹ, có sắc thái trang trọng và mạnh hơn “compulsory”, thường được dùng để nói về những vấn đề về pháp lý (như án tù,…) “Compulsory” phổ biến trong tiếng Anh-Anh, thường được sử dụng khi cho lĩnh vực giáo dục, quân đội. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, 3 từ này có thể sử dụng thay thế cho nhau.

Tổng kết

Kho từ vựng tiếng Anh rất phong phú với nhiều từ đồng nghĩa. Vì hầu hết những từ đồng nghĩa đều chỉ là từ gần nghĩa với những sự khác biệt nhất định về sắc thái, trường hợp sử dụng, mức độ phổ biến,…., người đọc cần nắm rõ bản chất từng từ để có lựa chọn sử dụng chính xác. Việc phân biệt các từ gần nghĩa và sử dụng phù hợp với từng ngữ cảnh sẽ giúp người đọc tăng hiệu quả giao tiếp và luyện thi IELTS hiệu quả.

Trần Ngọc Minh An

Bạn ước mơ du học, định cư, thăng tiến trong công việc hay đơn giản là muốn cải thiện khả năng tiếng Anh. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học luyện thi IELTS hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu