Banner background

Sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong giảng dạy Tiếng Anh: Hỗ trợ hay Cản trở?

Ngôn ngữ mẹ đẻ (hay còn gọi là First language - L1) từng bị coi là mối cản trở trong quá trình thụ đắc ngôn ngữ của người học ngoại ngữ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nếu được sử dụng đúng cách, L1 có thể trở thành một công cụ đắc lực cho cả giáo viên và học viên trong quá trình học và sử dụng tiếng Anh.
su dung ngon ngu me de trong giang day tieng anh ho tro hay can tro

Trước đây, tiếng Việt (hay còn gọi là First language - L1) từng bị coi là mối cản trở trong quá trình học và sử dụng tiếng Anh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nếu được sử dụng đúng cách, L1 có thể trở thành một công cụ đắc lực cho cả giáo viên và học viên để đạt hiệu quả cao trong việc thụ đắc ngoại ngữ (L2).

Sau khi đọc bài viết này, người đọc có thể nhận biết được những bất lợi của L1 gây ra khi được sử dụng trong lớp học ngoại ngữ (L2). Bên cạnh đó, bài viết cũng đề xuất những cách mà giáo viên có thể khai thác L1 để giúp người học đạt hiệu quả cao trong việc thụ đắc L2.

Key takeaways

  1. Ngôn ngữ mẹ đẻ (L1) và ngôn ngữ thứ hai (L2) đều có vai trò nhất định trong quá trình tiếp thu và hiểu kiến thức ngoại ngữ, đồng thời học và sử dụng tiếng Anh

  2. Cần có sự áp dụng L1 hợp lý về mức độ, hoàn cảnh và đối tượng người học phù hợp để L1 có thể trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong lớp học L2

  3. Tiếng Việt (L1) có thể gây ra những khó khăn trong lớp học tiếng Anh:

    • Sai lầm trong sử dụng cấu trúc Ngữ pháp

    • Sự thiếu chính xác trong Phát âm

    • Trở ngại trong việc nâng cao trình độ tiếng Anh

  4. Với sự khai thác hợp lý, L1 trở thành công cụ đắc lực giúp giáo viên:

    • Đảm bảo mức độ hiểu bài của người học

    • Đưa ra các hướng dẫn dễ hiểu khi người học thực hiện các bài luyện tập củng cố kiến thức

    • Cung cấp nhận xét cho người học

Tổng quan

Bàn về vai trò của L1 trong lớp học L2, Stern [1, tr.279](1993) cho rằng đây là “một trong những tranh cãi lâu dài nhất trong lịch sử về giảng dạy ngoại ngữ”. Một trong những phương pháp giảng dạy nổi bật phải kể đến The Grammar Translation method (hay còn gọi là phương pháp Ngữ pháp - Dịch) được sử dụng rộng rãi ở các nước châu Âu vào những năm đầu của thế kỷ 19. Phương pháp này cho phép học tiếp cận ngôn ngữ thứ hai qua việc dịch sang ngôn ngữ mẹ đẻ và tập trung nhiều vào các bài tập phiên dịch, do đó trong các lớp học tiếng Anh, L1 được sử dụng với mức độ ngang hàng hoặc thậm chí vượt L2. Tuy nhiên, nhiều người học nhận ra rằng việc sử dụng L1 quá nhiều trong lớp học ngoại ngữ và chỉ tập trung vào việc dịch nghĩa từng từ khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc nói tiếng Anh vì họ có ít cơ hội được giao tiếp bằng L2 [2, tr.455]. Trái với The Grammar Translation method, Communicative Language Teaching (hay còn gọi là Phương pháp dạy ngôn ngữ giao tiếp) là cách tiếp cận tập trung giao tiếp và đặt trọng tâm vào việc sử dụng ngôn ngữ trong hoàn cảnh thực tế, hạn chế sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ (L1) vào quá trình học ngoại ngữ và chỉ cho phép dịch nghĩa của từ khi cần thiết [2, tr.456].

Xem thêm:

Trong quá trình dạy và học tiếng Anh, tiếng Việt (L1) đóng một vai trò nhất định và việc sử dụng L1 trong lớp học L2 cần có mức độ phù hợp để việc học và sử dụng ngôn ngữ đạt hiệu quả tốt nhất

Khó khăn do ảnh hưởng của tiếng Việt (L1) gây ra trong quá trình học và sử dụng tiếng Anh (L2)

Khó khăn do ảnh hưởng của tiếng Việt
Quá trình học ngoại ngữ đòi hỏi người học cần tối đa hoá thời gian được tiếp xúc với L2 và sử dụng liên tục, do đó nếu L1 không được sử dụng với mức độ và áp dụng vào hoàn cảnh hợp lí, người học có thể gặp những khó khăn như sau:

Nhầm lẫn trong việc sử dụng các cấu trúc Ngữ pháp

Tiếng Việt và tiếng Anh có sự khác biệt lớn về ngôn ngữ, đặc biệt là trật tự từ trong một cấu trúc câu. Ví dụ như:

“Tôi có một lớp học tiếng Anh vào chiều nay” trong tiếng Việt bị chuyển sang “I have a classroom English in afternoon this” trong tiếng Anh thay vì “I have an English class this afternoon”.

Điều này là do người học còn áp dụng lối tư duy ngôn ngữ mẹ đẻ L1 để dịch “word by word” (dịch từng từ đơn lẻ theo thứ tự) một câu tiếng Anh vì chưa nắm vững kiến thức ngoại ngữ L2 và tiếp xúc với ngữ cảnh L2 chưa đủ nhiều, đặc biệt là đối với những người học ở trình độ cơ bản khi họ không thể nhận ra sự khác nhau trong cấu trúc ngữ pháp, cách sử dụng từ ngữ phù hợp với hoàn cảnh nói giữa tiếng Việt và tiếng Anh.

Phát âm thiếu chính xác

Theo Carles[3] (2007), người học tích luỹ từ vựng và cải thiện phát âm khi họ nghe được một từ cụ thể qua quá trình nghe và giao tiếp. Do đó, nếu giáo viên không cung cấp cho người học môi trường học tập có đủ cơ hội được nói và nghe ngoại ngữ (L2), người học sẽ thiếu hụt sự tiếp xúc với L2 và khó có thể điều chỉnh hay luyện tập phát âm từ vựng chính xác. Bên cạnh đó, người học có thể gặp những lỗi sai trong việc nhấn trọng âm từ hay có ngữ điệu khi nói giống với tiếng Việt. Từ những sai sót trong phát âm, người học có thể gặp khó khăn trong kỹ năng Nghe khi bắt gặp những từ có phát âm lạ do chưa tiếp xúc trước đó.

Khó nâng cao trình độ tiếng Anh

Việc học và phát triển một ngoại ngữ mới phần lớn dựa vào luyện tập theo Macaro[4] (2001). Nếu tiếng Việt được sử dụng với tần suất, mức độ lớn hơn tiếng Anh trong lớp học tiếng Anh, người học sẽ bị hạn chế từ việc tư duy và sử dụng ngoại ngữ để tiến bộ. Ví dụ, khi giáo viên đưa ra chủ đề “All university students should do some voluntary work to help the local community. To what extent do you agree or disagree?”

(“Sinh viên đại học nên tham gia vào hoạt động tình nguyện để giúp đỡ cộng đồng ở địa phương. Bạn đồng tình hay không đồng tình với ý kiến này?”), giáo viên cần định hướng và khuyến khích người học suy nghĩ và phát biểu ý tưởng bằng chính tiếng Anh. Khi đó, người học có thể tạm thời “gác lại” ngôn ngữ mẹ đẻ và “thấm nhuần” tiếng Anh từ trong suy nghĩ đến giao tiếp. Qua luyện tập, giáo viên có thể nhận ra được những lỗi sai về cấu trúc, cách sử dụng từ vựng hay phát âm của người học để kịp thời nhận xét và điều chỉnh.

Những cách khai thác L1 hiệu quả trong dạy học tiếng Anh

Những cách khai thác L1 hiệu quả trong dạy học tiếng AnhThay vì hoàn toàn loại bỏ L1, giáo viên cần xác định được mục đích và mức độ phù hợp để sử dụng tiếng Việt trong lớp học tiếng Anh, từ đó có thể tối đa hoá lợi ích của ngôn ngữ mẹ đẻ để L1 trở thành một công cụ hỗ trợ cho việc dạy học tiếng Anh hiệu quả hơn bằng những cách sau:

Hỗ trợ giảng dạy người học ở trình độ cơ bản

Đối với những người học ngoại ngữ ở trình độ cơ bản, việc giáo viên sử dụng L1 sẽ giúp cho quá trình giảng dạy trở nên hiệu quả hơn, đảm bảo rằng học sinh đã nắm vững bài học, đặc biệt là cấu trúc ngữ pháp, cách phát âm từ vựng hoặc chiến lược làm bài, từ đó tạo cho người học động lực học tập và niềm yêu thích đối với môn học.

Ở trình độ của người mới bắt đầu chưa có đủ kiến thức về ngôn ngữ thứ hai, giáo viên sử dụng hoàn toàn L2 có thể khiến học sinh bị choáng ngợp bởi kiến thức mới và khó có thể nắm được hết nội dung của bài, từ đó dẫn tới mức độ hiểu bài kém, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học và gây nên sự chán nản, mất động lực học tập ở học sinh.

Đối với trường hợp này, giáo viên có thể sử dụng L1 song song với giảng dạy L2 để hỗ trợ người học nắm được nội dung trong bài, tập trung vào chất lượng của bài học hơn là sử dụng L2 một cách khuôn mẫu. Khi đã hiểu và hoàn thành các bài luyện tập một cách hiệu quả, người học sẽ cảm thấy thoải mái trong môi trường học ngoại ngữ, trau dồi động lực nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra, từ đó có trải nghiệm học tập tốt hơn.

Hướng dẫn người học ở trình độ cơ bản làm các bài luyện tập

Sau khi cung cấp cho người học kiến thức mới, giáo viên tiến hành hướng dẫn người học hoàn thành các bài luyện tập củng cố. Khi hướng dẫn người học, giáo viên cần tuân thủ nguyên tắc KISS (Keep it short and simple), tức là đưa ra các hướng dẫn ngắn gọn và đơn giản nhằm giúp cho học sinh biết được nhiệm vụ và các bước hoàn thành phần bài tập của mình, đảm bảo cho tiết học được diễn ra mượt mà và hiệu quả hơn.

Đối với người học trình độ cơ bản, giáo viên cần hướng dẫn kỹ và có thể cần phải lặp đi lặp lại các thứ tự làm bài để người học hiểu đúng ý giáo viên, đặc biệt là những bài học đòi hỏi nhiều thao tác như sử dụng Domino để nối nghĩa của từ vựng trong ngữ cảnh hay thiết kế một Poster chứa thông điệp Bảo vệ môi trường và thuyết trình. Do đó, nhằm tiết kiệm thời gian tiết học và chắc chắn rằng người học đã nắm được thứ tự công việc cần thực hiện trong bài, giáo viên có thể sử dụng tiếng Việt để hướng dẫn học sinh làm bài.

Cung cấp nhận xét (feedback) cho người học

Để người học có thể tiến bộ và quá trình học và sử dụng ngoại ngữ đạt được hiệu quả tốt nhất, giáo viên cần cung cấp cho người học những nhận xét và điều chỉnh kịp thời.

Tương tự như với việc đưa ra các hướng dẫn làm bài tập, các lời nhận xét của giáo viên cũng cần được thể hiện rõ ràng, cụ thể và đảm bảo rằng người nghe có thể nắm vững những điểm tốt cần phát huy và điểm chưa tốt cần điều chỉnh. Do những điểm khác nhau giữa 2 loại ngôn ngữ, việc áp dụng hoàn toàn L2 vào trường hợp này có thể gây khó khăn và áp lực lên một số học sinh, khiến cho mục tiêu nâng cao kỹ năng, kiến thức học sinh không còn hiệu quả. Giáo viên nên sử dụng L1 để đưa ra các feedback dễ hiểu, tập trung và kết quả học tập của người học và tạo động lực cho học sinh.

Tổng kết

Tuy gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình học tiếng Anh (L2), tiếng Việt (L1) hoàn toàn có thể giúp cho quá trình dạy và học ngoại ngữ đạt được kết quả tốt nhất khi được giáo viên sử dụng ở mức độ hỗ trợ cho quá trình thụ đắc L2 và áp dụng vào những hoàn cảnh phù hợp, đặc biệt là đối với đối tượng người học thuộc trình độ cơ bản, từ đó có thể mang lại trải nghiệm học tập thoải mái và hiệu quả.

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
Giáo viên
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...