Banner background

Testophobia là gì? Làm thế nào để đối mặt với chứng sợ hãi trước mỗi kì thi

Bài viết đưa ra cái nhìn tổng quan về hội chứng Testophobia, những biểu hiện, nguyên nhân và một số gợi ý để cải thiện tình trạng này.
testophobia la gi lam the nao de doi mat voi chung so hai truoc moi ki thi

Trong xã hội hiện đại, con người thường phải đối mặt với những áp lực từ nhiều phía khác nhau, điều này đã ít nhiều gây ra căng thẳng, lo lắng và những tác động tiêu cực về mặt tâm lý, thậm chí dẫn đến sự sợ hãi và ám ảnh trong một khoảng thời gian dài. Và trải nghiệm thi cử cũng là một trong số đó. Rất nhiều người, đặc biệt là học sinh, đều luôn trở nên sợ hãi và áp lực khi gần đến những lần kiểm tra, kì thi quan trọng của cuộc đời, điều này dẫn đến tâm lý trì hoãn, lảng tránh các bài thi cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và phong độ trong phòng thi của họ. Bài viết này sẽ đưa ra cái nhìn tổng quan về hiện tượng, những triệu chứng đi kèm cũng như gợi ý một số cách giúp giảm những áp lực tâm lý cho những người chuẩn bị bước vào các kì kiểm tra và đánh giá.

Keytakeaways

  • Testophobia là hội chưng sợ hãi và lo lắng, thậm chí tránh né những kì thi Các kì thi và đánh giá

  • Những người mắc hội chứng này thường có biểu hiện:

    • Có những suy nghĩ tiêu cực

    • Thay đổi thói quen sinh hoạt

    • Trì hoãn thi cử

    • Quên những thủ tục và thông tin của kì thi

  • Nguyên nhân gây ra Testophobia

    • Thí sinh có áp lực từ những nhân tố ngoại cảnh

    • Thí sinh chịu trải nghiệm thi cử không tốt trong quá khứ

    • Các đặc điểm di truyền

  • Một số lời khuyên để đối mặt với Testophobia:

    • Luyện tập thể thao

    • Sử dụng hiệu ứng tâm lý

    • Tham gia nhiều những kì thi mô phỏng

    • Trải lòng với những người xung quanh

Testophobia là gì? Các triệu chứng của testophobia

Testophobia là kết hợp của Test (các bài kiểm tra, đánh giá năng lực) và phobia (có nguồn gốc từ ‘fobos’ trong tiếng Hy Lạp – nghĩa là sợ hãi). Đây là một hội chứng được phát hiện bởi các nhà tâm lý học khi con người cảm thấy căng thẳng và lo sợ trong thời gian trước kì thi, có thể kéo dài nhiều ngày hoặc thậm chí là trong vài tuần. Thí sinh sẽ cảm thấy lo lắng rằng mình có thể làm không tốt, có thể gặp những điều không may mắn khi thi hoặc không thể phát huy được khả năng vốn có của bản thân. Bên cạnh đó, họ còn nghĩ rằng mình là những người luôn gặp những rủi ro khi làm bài và tìm cách né tránh những kì thi sắp đến.

Những người mắc hội chứng này thường có những biểu hiện sau:

 testophobia-ap-luc

  • Có những suy nghĩ tiêu cực thời gian trước khi thi: đây có thể coi là biểu hiện rõ ràng và phổ biến nhất của hội chứng này sau khi thí sinh bắt đầu cảm thấy căng thẳng kéo dài trong nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần trước ngày thi. Họ luôn tự hỏi về năng lực của bản thân cũng như tưởng tượng ra những tình huống cản trở họ khỏi việc hoàn thành bài thi như mong muốn. Họ luôn cảm thấy những kiến thức bản thân hiện có là không đủ và bắt đầu bước vào ôn luyện càng ngày càng nhiều trong những thời gian ít ỏi còn lại.

  • Có sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt: việc lấp đầy tâm trí bản thân bằng những suy nghĩ tiêu cực có thể dẫn đến mất cảm giác thèm ăn, mất ngủ và căng thẳng kéo dài, gây ra chứng rối loạn hoảng sợ nếu phải chịu đựng trong thời gian dài. Sự thay đổi này sẽ khiến thể chất của thí sinh trở nên mệt mỏi, thậm chí dẫn đến kiệt sức vào những giai đoạn nước rút trước ngày thi.

  • Trì hoãn việc thi cử: với những kì thi có thể được chọn thời gian (như các kì thi chứng chỉ), thí sinh với tâm lý này sẽ có xu hướng tránh né bài thi với những lý do khác nhau dù đã bỏ thời gian và công sức khá dài để ôn luyện và chuẩn bị.

  • Quên những thủ tục và những thông tin cơ bản của bài thi: theo Leah Hegyi, việc căng thẳng trong ngày thi, đặc biệt là những khoảnh khắc trước khi vào thi sẽ tạo ra hiện tượng ‘tiếng ồn trắng’ (white noise) cản trở khả năng lưu trữ và nhớ lại kiến thức một cách linh hoạt. Tệ hơn nữa, những phản ứng này gây ra sự tiết các hormone và những tín hiệu tiêu cực, căng thẳng, khiến thí sinh đổ mồ hôi, nhịp tim tăng nhanh và khó điều khiển hơi thở.

Nguyên nhân gây ra Testophobia

 Các hội chứng nói chung và hội chứng sợ bài kiểm tra nói riêng không có nguyên do cụ thể nào mà là những kết quả của sự tổn thương về mặt tâm lý hoặc thể xác trong quá khứ hoặc dư âm sau những sự kiện đã xảy ra bất kể sự kiện đó có kết quả tích cực hay tiêu cực thế nào. Do đó, Testophobia cũng có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:

  • Thí sinh đã từng đối mặt với kết quả tiêu cực trong những bài thi trước đó: trong quá khứ, thí sinh đã trải nghiệm những kì thi với kết quả không được như ý muốn hoặc trượt kì thi do khả năng của bản thân hoặc những yếu tố không may mắn xảy ra cản trở bản thân họ. Điều này để lại những hậu quả đáng kể về mặt tâm lý và khiến thí sinh có xu hướng tự đặt lên bản thân những áp lực vô hình, khiến họ trải qua một khoảng thời gian khủng hoảng kéo dài dù kết quả có tốt hay không. Theo Bados. A (2005), những hệ lụy tâm lý sau những kì thi có thể kéo dài đến 9 năm, từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành. Thêm vào đó, phụ nữ có xu hướng mắc phải hội chứng này hơn so với nam giới (trung bình 1 nam sẽ có 3 nữ chịu những ảnh hưởng của hội chứng này).

  • Áp lực bên ngoài: trước những kì thi, đặc biệt là những kì thi quan trọng, thí sinh luôn được đặt kì vọng bởi những người xung quanh như gia đình, thầy cô hoặc sự ganh đua với bạn bè cùng trang lứa. Dù theo một phạm vi nào đó đây có thể là những chất xúc tác tốt làm gia tăng động lực của họ trước kì thi, điều này cũng có thể vô tình tạo thành những áp lực và nỗi sợ sẽ làm những người xung quanh thất vọng, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và tâm lý bất an trước đó. Đối với họ, kết quả bài thi sẽ chứng minh cho thế giới thấy rằng họ thiếu năng lực hơn những người khác, và nỗi sợ bị đánh giá bởi con người và xã hội sẽ khiến họ cảm thấy tệ hơn trước ngày thi.  

  • Các đặc điểm di truyền: các đặc điểm gen của gia đình cũng góp phần gây ra những hội chứng tâm lý. Theo Optimist Minds (2021), những người có tiền sử gia đình mắc những hội chứng tâm lý hoặc các chứng rối loạn hoảng sợ có khả năng cao mắc những hội chứng trên hơn những người còn lại, được gọi là Diathesis-stress relationship (khả năng phát triển chứng lo lắng do được kế thừa từ những đặc điểm sinh học của gia đình).

Một số lời khuyên để đối mặt với Testophobia

Theo Scott M. Brookins (2020), trong khi đa phần các hội chứng đều có thể chữa được, Testophobia hiện tại chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi toàn diện, việc phục hồi dựa vào mức độ nghiêm trọng của hội chứng tác động đến tâm lý thí sinh, tâm lý và những trải nghiệm họ gặp phải trong bối cảnh phòng thi. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, thí sinh có thể áp dụng một số những gợi ý sau đây để có thể phần nào ổn định sức khỏe tinh thần của bản thân và có cải thiện tinh thần trước những kì thi quan trọng:

  • Luyện tập thể thao: Theo Morihei Ueshiba: “A good stance and postrure reflect a proper state of mind” (tư thế và dáng điệu tốt phản ánh một trạng thái tâm lý tốt), do vậy việc tập luyện các môn thể thao không chỉ giúp tăng độ dẻo dai và rèn luyện sức bền mà còn giúp cơ thể có trạng thái tinh thần tốt hơn, từ đó loại bỏ các tư duy tiêu cực. Hiện nay có rất nhiều những môn thể thao kết hợp với giải tỏa tâm trí như thiền và yoga giúp cơ thể tìm lại sự cân bằng về suy nghĩ và cảm xúc, giải tỏa những áp lực tâm lý tác động đến cơ bắp và xương cũng như hướng tư duy của mỗi cá nhân đến những điều tích cực.

testophobia-the-thao

  •  Sử dụng hiệu ứng tâm lý đơn giản: theo nghiên cứu của giáo sư Niruma tại trường trung học cơ sở ở Ấn Độ năm 2015, 73% học sinh đã từng và đang mắc hội chứng Testophobia, ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần của họ trước mỗi ngày thi cử. Niruma đã sử dụng một hiệu ứng tâm lý đơn giản rằng trong 10 phút trước khi bắt đầu học bài, học sinh sẽ nói rõ từng từ của câu: “Dada Bhagwanna Asim Jay Jaykar Ho” (một câu hát trong bài hát truyền thống). Bằng cách này, các từ của câu sẽ lần lượt lấp đầy những suy nghĩ tiêu cực và lo sợ ban đầu, sau khoảng thời gian 10 phút, não bộ đã có một lượng thông tin được đưa vào nhất định sẽ chỉ còn sót lại những khoảng trống để đưa kiến thức vào. Kết quả là có đến 50-60% những người có thói quen này trong vong một tháng có thể bình tĩnh hơn khi làm bài cũng như nhớ các kiến thức trong thời gian ngắn hơn. Thêm vào đó, họ có thể quên đi những suy nghĩ tiêu cực ban đầu và tập trung vào mục tiêu trước mắt.

  • Tiếp xúc với những bài thi mô phỏng nhiều nhất có thể: một trong số những cách giảm bớt gánh nặng tâm lý thi cử chính là việc thí sinh phải làm quen với những áp lực đó nhiều lần trước ngày thi. Để làm được mục đích này, việc luyện tập trong môi trường mô phỏng kì thi thật sẽ giúp thí sinh thích nghi với áp lực thời gian, phản xạ làm bài cũng như nghĩ ra những chiến thuật ứng biến linh hoạt đối với các tình huống ngoài dự đoán xảy ra trong phòng thi. Ngoài ra, thí sinh trải nghiệm những bài thi thật có thể đánh giá chính xác trình độ của bản thân từ đó có động lực điều chỉnh phù hợp thay vì để những suy nghĩ tiêu cực lấn át những nhiệm vụ cần thiết trước mắt.

  • Trải lòng với những người xung quanh: những nỗi lo âu và căng thẳng có thể được giảm bớt khi tâm sự với những người mình tin tưởng hoặc những người đã từng trải qua những kì thi quan trọng tương tự. Bên cạnh đó, thí sinh cũng có thể nhận được những lời khuyên cũng như động viên từ người thân và tìm lại sự cân bằng về cảm xúc và tinh thần cũng như hiểu được những kì vọng của mọi người và có thêm động lực trong những ngày sắp tới.

 testophobia-chia-se

Tổng kết

Sự sợ hãi, lo lắng trước mỗi lần kiểm tra và đánh giá (Testophobia) được coi như là một trong số những hội chứng phổ biến ngày nay khi con người phải đối mặt với nhiều áp lực từ những nhân tố ngoại cảnh cũng như di chứng từ những trải nghiệm trong quá khứ. Mặc dù cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có phương pháp tối ưu giúp người bệnh thoát khỏi hội chứng này, thí sinh vẫn có thể áp dụng một số những chiến lược và mẹo giúp giảm hoặc cải thiện tâm lý và lấy lại cân bằng trong những ngày trước khi bước vào kì thi.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...