Thi VSTEP có khó không? Phân tích độ khó và đề xuất phương pháp ôn tập

Trong bối cảnh các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế ngày càng phổ biến, kỳ thi VSTEP ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều người học trong nước. Bài viết này sẽ giúp thí sinh hiểu rõ hơn về VSTEP, từ đó giải đáp câu hỏi "Thi VSTEP có khó không?" cũng như so sánh mức độ khó với các chứng chỉ tiếng Anh khác. Đồng thời, thí sinh có thể nắm bắt được độ khó của từng bậc B1, B2, và C1 và những phương pháp ôn luyện hiệu quả để đạt điểm cao.
thi vstep co kho khong phan tich do kho va de xuat phuong phap on tap

Key takeaways

  • Kỳ thi VSTEP được thiết kế nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh theo các cấp độ tiêu chuẩn từ A2 đến C1 tương ứng với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc tại Việt Nam.

  • VSTEP dành cho các đối tượng đa dạng, bao gồm học sinh, sinh viên và các cá nhân đang có nhu cầu làm việc trong các cơ quan, tổ chức yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh.

  • Các yếu tố ảnh hưởng đến độ khó của bài thi VSTEP thường là thời gian chuẩn bị, phương pháp học, kinh nghiệm làm bài và mục tiêu điểm số.

  • So với các kỳ thi quốc tế, VSTEP có cách tiếp cận phù hợp hơn với người học tiếng Anh tại Việt Nam.

  • Thời gian ôn tập cho kỳ thi VSTEP có thể dao động dựa trên nhiều yếu tố.

  • Để chuẩn bị cho kỳ thi VSTEP hiệu quả, thí sinh nên đặt mục tiêu rõ ràng, ôn luyện toàn diện cả 4 kỹ năng, thường xuyên luyện đề và duy trì tâm lý ổn định.

Giới thiệu về kỳ thi VSTEP

Kỳ thi VSTEP là gì?

VSTEP là tên gọi viết tắt của "Vietnamese Standardized Test of English Proficiency”. Đây là kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5, dựa trên tiêu chuẩn Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Định dạng đề thi VSTEP do trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN với hiệu trưởng là Giáo sư Nguyễn Hòa chủ nhiệm đề tài xây dựng [1].

Đối tượng tham dự kì thi VSTEP

VSTEP được thiết kế dành cho các đối tượng đa dạng, bao gồm học sinh, sinh viên và các cá nhân đang có nhu cầu làm việc trong các cơ quan, tổ chức yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh. Theo đề án ngoại ngữ 2020, các đối tượng phù hợp cho từng bậc chứng chỉ VSTEP được quy định như dưới đây.

Đối tượng phù hợp với VSTEP A2

  • Giáo viên bậc mầm non, tiểu học và THCS

  • Công chức hạng chuyên viên

Đối tượng phù hợp với VSTEP B1

  • Sinh viên Đại học chuẩn bị bảo vệ thạc sỹ và chuẩn bị nộp hồ sơ nghiên cứu sinh

  • Sinh viên thuộc các trường Đại học hoặc Cao đẳng cần nộp chứng chỉ tiếng Anh ra trường

  • Những cá nhân dự định học thạc sĩ muốn được miễn thi tiếng Anh đầu vào

  • Công chức hạng chuyên viên chính

Đối tượng phù hợp với VSTEP B2

  • Giáo viên tiếng Anh cấp Tiểu học và cấp THCS

  • Học viên chuẩn bị làm đầu ra nghiên cứu sinh

  • Sinh viên chất lượng cao tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội

  • Chuyên viên cao cấp tại một số bộ phận

Đối tượng phù hợp với VSTEP C1

  • Giáo viên tiếng Anh cấp THPT

  • Giảng viên giảng dạy tiếng Anh không chuyên ngữ tại các trường Đại học hoặc Cao đẳng

  • Sinh viên nhiệm vụ chiến lược của trường Đại học Quốc Gia Hà Nội

Mục đích của kỳ thi VSTEP

Kỳ thi VSTEP được thiết kế nhằm đánh giá và chứng nhận năng lực tiếng Anh của người học theo các cấp độ tiêu chuẩn từ A2 đến C1 tương ứng với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc tại Việt Nam, từ đó hỗ trợ các cơ sở giáo dục, các cơ quan, tổ chức đưa ra tiêu chuẩn về ngoại ngữ phù hợp cho đầu vào, đầu ra hoặc yêu cầu của một số công việc.

Chứng chỉ VSTEP cũng là công cụ hữu ích cho những cá nhân cần chứng nhận năng lực tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu học tập, tốt nghiệp hoặc phát triển sự nghiệp trong môi trường làm việc yêu cầu tiếng Anh.

Các yếu tố ảnh hưởng đến độ khó của kỳ thi VSTEP

Các yếu tố ảnh hưởng đến độ khó của kỳ thi VSTEPTrên thực tế, mức độ khó của kỳ thi VSTEP không chỉ phụ thuộc vào nội dung đề thi mà còn chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố sau đây:

  • Nền tảng tiếng Anh của thí sinh: Những thí sinh trang bị sẵn nền tảng tiếng Anh cơ bản thường có lợi thế hơn trong việc ôn thi chứng chỉ VSTEP. Ngược lại, những người mới bắt đầu hoặc mất gốc tiếng Anh cần nỗ lực hơn để nắm được kiến thức cơ bản, sau đó mới đến làm quen với đề thi VSTEP.

  • Thời gian chuẩn bị cho kỳ thi: Việc chuẩn bị ôn thi VSTEP trong thời gian ngắn có thể dẫn đến căng thẳng, ảnh hưởng đến tinh thần, chất lượng bài làm cũng như khả năng đạt kết quả cao.

  • Phương pháp học: Ôn luyện tùy hứng, không hệ thống có thể giảm hiệu suất tiếp thu kiến thức. Bài thi VSTEP thường trở nên thách thức hơn đối với các thí sinh chưa tìm được phương pháp ôn tập phù hợp.

  • Kinh nghiệm làm bài: Thí sinh chưa có kinh nghiệm tiếp xúc với các kỳ thi nói chung và đề thi VSTEP nói riêng có thể bị lúng túng, thiếu tự tin và không quản lí tốt thời gian làm bài.

  • Mục tiêu điểm số: Thông thường, chứng chỉ VSTEP cấp độ C1 sẽ yêu cầu cao hơn về mức độ ôn luyện cũng như nền tảng kiến thức tiếng Anh so với các cấp độ thấp hơn là B2 hoặc B1.

Kỳ thi VSTEP có khó không?

So sánh độ khó của VSTEP với các chứng chỉ tiếng Anh khác

So với các kỳ thi quốc tế như IELTS hay TOEIC, VSTEP có cách tiếp cận phù hợp hơn với người học tiếng Anh tại Việt Nam. Tuy nhiên, độ khó của đề thi VSTEP không hề thấp, đặc biệt đối với những thí sinh đang hướng đến mức C1. Kỳ thi VSTEP cũng kiểm tra đầy đủ cả bốn kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết và yêu cầu mức độ chính xác cao về ngữ pháp và từ vựng.

Độ khó của từng bậc VSTEP B1, B2, C1 như thế nào?

Dựa trên mô tả tổng quát các bậc năng lực sử dụng tiếng Anh, mức độ khó của các trình độ VSTEP B1, B2, C1 có thể được phân tích như sau:

  • Bậc B1 (Đạt ít nhất 4/10 điểm): Bậc B1 trong kỳ thi VSTEP phù hợp với thí sinh có khả năng giao tiếp tiếng Anh cơ bản. Ở cấp độ này, thí sinh cần hiểu ý chính các chủ đề quen thuộc như công việc, học tập, giải trí. Thí sinh đạt trình độ B1 có thể viết được các văn bản đơn giản, trình bày ý kiến cá nhân một cách ngắn gọn, dễ hiểu. Đây là cấp độ phù hợp cho người mới tiếp xúc hoặc đã có nền tảng cơ bản về tiếng Anh.

  • Bậc B2 (Đạt ít nhất 6/10 điểm): Cấp độ bài thi VSTEP B2 đòi hỏi khả năng nắm bắt và xử lý các văn bản phức tạp hơn (gồm cả chủ đề cụ thể và trừu tượng) cùng khả năng trao đổi kỹ thuật trong lĩnh vực chuyên môn. Để đạt được B2, thí sinh cần có khả năng giao tiếp trôi chảy, tự nhiên, tránh gây hiểu lầm cho đối phương, đặc biệt là người bản ngữ. Khả năng viết ở B2 yêu cầu diễn đạt ý kiến rõ ràng, chi tiết và lập luận chặt chẽ về các vấn đề có tính thời sự. Đây là một bậc khó hơn so với B1, yêu cầu thí sinh không chỉ hiểu mà còn phải có khả năng tương tác hiệu quả và linh hoạt hơn.

  • Bậc C1 (Đạt ít nhất 8,5/10 điểm): Bậc C1 là cấp độ nâng cao, đòi hỏi thí sinh có khả năng hiểu các văn bản khó, dài và phân biệt được các hàm ý tinh tế. Độ khó ở C1 nằm ở khả năng diễn đạt lưu loát, tức thì mà không gặp trở ngại trong việc chọn từ ngữ. Thí sinh đạt C1 có khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, phục vụ tốt cho cả mục đích xã hội, học thuật và chuyên môn. Cấp độ này yêu cầu kỹ năng viết phức tạp, chặt chẽ và biết cách sử dụng các liên từ hiệu quả. Đây là bậc cao nhất trong kỳ thi VSTEP.

Cần học bao lâu để đạt được kết quả thi VSTEP như ý?

Thời gian ôn tập cho kỳ thi VSTEP có thể dao động dựa trên nhiều yếu tố, chẳng hạn như nền tảng kiến thức, cường độ ôn luyện hay mục tiêu hướng tới. Dựa trên nghiên cứu của chuyên gia tại Đại học Cambridge, thời lượng ước tính để đạt được các trình độ B1, B2, C1 như sau. Lưu ý rằng con số này dành cho đối tượng thí sinh là người trưởng thành được hướng dẫn trong môi trường học tích cực và tài liệu học tập phù hợp:

  • Trình độ VSTEP B1: 350 - 490 giờ học (tính từ thời điểm bắt đầu học từ đầu)

  • Trình độ VSTEP B2: 530 - 750 giờ học (tính từ thời điểm bắt đầu học từ đầu)

  • Trình độ VSTEP C1: 730 - 1050 giờ học (tính từ thời điểm bắt đầu học từ đầu) [2]

Phương pháp ôn luyện đạt điểm cao cho kỳ thi VSTEP

Phương pháp ôn luyện đạt điểm cao cho kỳ thi VSTEP

Đặt mục tiêu và xây dựng kế hoạch ôn luyện

Trước tiên, thí sinh nên xác định rõ mục tiêu cần đạt trong kỳ thi VSTEP (B1, B2, hay C1) và từ đó lập kế hoạch ôn luyện phù hợp. Thí sinh chú trọng chia nhỏ thời gian cho từng kỹ năng, đồng thời ưu tiên những điểm yếu cần cải thiện. Một lộ trình VSTEP cụ thể theo tuần/tháng với mục tiêu phù hợp với trình độ sẽ giúp thí sinh dễ dàng theo dõi tiến độ và điều chỉnh phương pháp học phù hợp với bản thân.

Ôn tập đủ 4 kĩ năng

Kỳ thi VSTEP đánh giá cả 4 kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết, vì vậy thí sinh nên lưu ý luyện tập toàn diện, không bỏ sót kĩ năng nào. Với từng kĩ năng, thí sinh có thể dành thời gian với podcast hoặc bản tin tiếng Anh để nâng cao khả năng nghe, hoặc luyện tập nói qua việc tham gia các nhóm giao tiếp tiếng Anh. Thí sinh nâng cao kĩ năng đọc hiểu qua các bài báo, tài liệu đa dạng về chủ đề học thuật/xã hội, hoặc viết các bài luận hoặc đoạn văn ngắn bằng tiếng Anh để cải thiện khả năng viết.

Luyện đề thường xuyên

Luyện đề là một cách tốt để làm quen với cấu trúc đề thi VSTEP và rèn luyện khả năng phân bổ thời gian hợp lý. Thí sinh nên bắt đầu từ những đề đơn giản và nâng dần độ phức tạp, đồng thời kiểm tra lại kết quả để rút kinh nghiệm. Qua quá trình này, thí sinh có thể nhận biết các dạng câu hỏi thường gặp trong bài thi VSTEP và rút ra phương pháp làm bài hiệu quả hơn.

Duy trì tâm lí ổn định

Kỳ thi VSTEP có thể gây căng thẳng đối với một số người học, vì vậy việc giữ tâm lý thoải mái và tự tin là rất quan trọng. Thí sinh nên luyện tập các bài thi thử để làm quen với áp lực thời gian cũng như cấu trúc bài làm. Ngoài ra, duy trì tinh thần ổn định, “dục tốc bất đạt” có thể phần nào giúp tăng khả năng tập trung khi ôn thi cũng như trong quá trình thi.

Tổng kết

Tóm lại, kỳ thi VSTEP có độ khó khác nhau ở các bậc B1, B2, C1, đòi hỏi thí sinh có nền tảng tiếng Anh và các phương pháp ôn tập phù hợp nhằm đạt kết quả như ý. Thí sinh có thể tham gia khóa học VSTEP tại ZIM nhằm đánh giá được năng lực và làm quen với cấu trúc thi, từ đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho bài thi của mình.

Tham vấn chuyên môn
Võ Thị Hoài MinhVõ Thị Hoài Minh
Giảng viên
Tốt nghiệp Đại học ngành Ngôn ngữ Anh. Điểm chứng chỉ: TOEIC LR 990/990, TOEIC SW 360/400. Có 8 năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy tiếng Anh (từ năm 2016). Trong thời gian làm việc tại ZIM, đã và hiện đang giảng dạy và tham gia các dự án nghiên cứu và thiết kế chương trình học TOEIC, TAGT, sản xuất đề thi thử và viết các đầu sách về TOEIC. Triết lý giáo dục chú trọng vào việc nhận diện và phát huy năng lực của mỗi học viên, khám phá những điểm mạnh và điểm yếu của họ để từ đó có thể hỗ trợ họ đạt mục tiêu mà họ muốn. Tôi hướng đến tạo một không gian học tập thân thiện và cởi mở, nhưng cũng duy trì tính kỷ luật và sự tổ chức. Phương pháp giảng dạy của tôi là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của vấn đề để áp dụng linh hoạt trong nhiều tình huống khác nhau.

Nguồn tham khảo

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu