Thời gian phản xạ trong tiếng Anh và cách để cải thiện

Thời gian phản xạ khi nói tiếng anh hay trong các ngôn ngữ khác là 1 trong những thước đo để đánh giá khả năng nói của 1 người
thoi gian phan xa trong tieng anh va cach de cai thien

Giới thiệu về thời gian phản xạ trong ngôn ngữ

Trong việc học 1 ngôn ngữ, đặc biệt là kĩ năng nói, thời gian người học phản xạ lại với ngôn ngữ là cực kì quan trọng. Việc phản xạ nhanh sau khi nghe người khác nói sẽ giúp việc giao tiếp trở nên tự nhiên hơn cũng như ý tưởng được truyền đạt tới người nghe một cách hiệu quả hơn.

Chính vì thế mà trong nhiều ngôn ngữ, phản xạ cũng đóng vai trò như 1 thang đo cho khả năng giao tiếp của một người. Thế nhưng không phải ai cũng có thể dễ dàng phản xạ nhanh trong một ngôn ngữ mới, bài viết sau sẽ phân tích và gợi ý một số phương pháp giúp cải thiện vấn đề trên.

Key takeaways

Thời gian phản xạ trong việc học ngôn ngữ rất quan trọng. Việc phản xạ nhanh được đánh giá cao trong IELTS và có thể giúp tăng hiệu quả giao tiếp. Những yếu tố kéo dài thời gian phản xạ bao gồm: tuổi tác, tính cách (ngại giao tiếp), vốn từ vựng và nền tảng ngôn ngữ hạn chế, lo lắng và thiếu tự tin.

Các phương pháp để cải thiện thời gian phản xạ trong việc học ngôn ngữ bao gồm:

  • Shadowing là kỹ thuật luyện nói bằng cách lặp lại âm thanh của người nói ngay sau khi bạn nghe thấy.

  • Nhập vai và tự canh thời gian phản xạ với chính mình bằng cách nói chuyện với bản thân hoặc đóng vai 1 nhân vật.

  • Biến việc luyện tập thành 1 trò chơi để tăng động lực và tập phỏng vấn và được phỏng vấn để tăng khả năng phản xạ trong môi trường thực tế.

Tầm quan trọng của thời gian phản xạ trong việc học ngôn ngữ

Trong Ielts: Việc phản xạ cũng được xếp trong tiêu chí Fluency and Coherence, là yếu tố trực tiếp mà giám khảo sẽ dựa vào để quyết định điểm số. Nếu nhìn vào band descriptor có thể thấy, nếu thí sinh không có khả năng phản xạ nhanh mà không có ngập ngừng trong cả bài thi, thì điểm số cho phần này chỉ có thể rơi vào mức 4.0.

Trong Giao tiếp: Thời gian bạn trả lời sau khi nghe được câu hỏi có thể quyết định tới toàn bộ cuộc giao tiếp. Khi trả lời nhanh, bạn sẽ thu hút được sự chú ý và tập trung của người đối diện, giúp cuộc trò chuyện được liền mạch và tiết kiệm được thời gian của 2 bên. Nhiều ý kiến còn cho rằng việc phản xạ nhanh, có thể giúp bạn ghi điểm cho đối phương và thể hiện được sự tôn trọng của bạn dành cho người đối diện cũng như khả năng và tính cách của chính bạn. Vì thế nếu đặt trong những ngữ cảnh khi giao tiếp quyết định tất cả như trong việc bán hàng, thảo luận với đối tác, làm việc với khách hàng,... việc bạn có thể phản xạ nhanh sẽ giúp cho độ hiệu quả trong những công việc trên được tối ưu hơn.

Các yếu tố kéo dài thời gian phản xạ trong việc học ngôn ngữ

image-alt

Tuổi tác

Không thể phủ nhận khi càng lớn, con người sẽ càng cẩn trọng hơn trong việc ăn nói, dẫn đến thời gian suy nghĩ trước khi trả lời cũng lâu hơn. Một yếu tố khác cũng có thể giải thích được là bởi khi càng lớn tuổi, khả năng thu nhận và ghi nhớ thông tin cũng dần kém đi, dẫn đến việc gặp khó khăn khi phản xạ với một ngôn ngữ nước ngoài.

Tính cách

Nhiều người học cho rằng bản thân thuộc tuýp người hướng nội, nên việc phản xạ nhanh trong giao tiếp là một thử thách với họ kể cả trong tiếng mẹ đẻ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có những người có xu hướng ngại giao tiếp nên sẽ cần nhiều thời gian hơn người bình thường để có thể phản xạ lại. Chính vì thế, khi giao tiếp bằng một ngôn ngữ mới, việc phản xạ trở nên khó khăn hơn nhiều và họ cần có nhiều thời gian không chỉ để luyện tập ngôn ngữ đó mà còn là cả bản thân họ.

Vốn từ vựng, nền tảng ngôn ngữ

Không ít người gặp khó khăn trong việc giao tiếp một ngôn ngữ mới do độ hạn chế vốn từ của họ. Khi muốn trả lời, họ có ý tưởng nhưng chỉ biết nói ra trong ngôn ngữ của họ, và không biết những từ trong câu họ sắp nói trong ngôn ngữ mới này ra sao. Vì vậy mà họ cần thời gian lâu hơn để suy nghĩ và nhớ những kiến thức đó, dẫn đến thời gian phản xạ cũng chậm hơn.

Lo lắng và sự tự tin

Sự tự tin cũng đóng vai trò quan trọng trong khả năng phản xạ với ngôn ngữ. Đặt trường hợp một người tâm lý yếu, lo lắng vì thiếu tự tin về một ngôn ngữ sẽ khó có thể trả lời được mạch lạc với người nói ngôn ngữ đó. Có rất nhiều lý do khiến 1 người tự ti về khả năng nói của mình, trong đó vấn đề về phát âm và ngữ điệu (accent) diễn ra phổ biến khiến người học e ngại người đối diện không hiểu được mình, nên có xu hướng ngần ngại hơn khi giao tiếp.

Các phương pháp khác nhau để cải thiện thời gian phản xạ trong việc học ngôn ngữ

Shadowing, rút ngắn thời gian phản xạ

 Shadowing là một kỹ thuật luyện nói trong việc học ngôn ngữ. Bạn luyện tập bằng cách lặp lại âm thanh của người nói ngay sau khi bạn nghe thấy. Người nói ở đây có thể là nhân vật hoạt hình, 1 nghệ sĩ hay 1 nhà diễn giả, miễn là họ đang nói ngôn ngữ bạn cần học và chủ đề bạn cảm thấy thích. Hiểu theo một cách khác, Shadow nghĩa là cái bóng, và vì thế bạn sẽ nói theo đuôi âm thanh như 1 cái bóng đi sau con người. Để thực hiện shadowing, bạn chỉ cần tìm cho mình một đoạn clip về chủ đề hoặc của một người bạn thích, sau đó nghe qua 1 lần trước. Rồi luyện nói theo nhân vật trong clip khi nghe với transcript, khi đã cảm thấy thuộc và nhớ được nội dung, hãy thử không nhìn transcript và shadowing. Dần dần bạn sẽ nhận ra những sự khác biệt trong cách nói của mình.

image-alt

Shadowing giúp bạn phát triển tất cả các khía cạnh thể chất của sự trôi chảy. Chúng bao gồm những thứ như cách phát âm, giai điệu và nhịp điệu của tiếng Anh.  Khi ta nói nhái theo 1 người, ta không chỉ lặp lại những từ ngữ đơn thuần như khi đọc sách, mà cả cách họ nhấn âm và phát âm Ví dụ, trong tiếng Anh, chúng ta thường nâng cao độ giọng ở cuối câu để báo hiệu một câu hỏi. 

Không những thế, shadowing còn giúp cải thiện nhịp điệu của người học khi nói, và tăng độ tự nhiên trong phong cách nói của người học. Khi xem những video của người bản địa nói chuyện với nhau, ta sẽ thấy có những cách trả lời không được dạy trong sách vở. Ví dụ,  âm /t/ sẽ được phát âm thành /d/ khi nó đứng giữa hai nguyên âm trong tiếng anh Mỹ.

Nhập vai và tự canh thời gian phản xạ với chính mình

Không nhất thiết phải cần có bạn hoặc người bản xứ bên cạnh để có thể thực hành nói tiếng Anh. Ngược lại, bạn có thể nói chuyện với chính mình bất cứ lúc nào, cùng bất kì chủ đề nào bạn thích. Khi nấu một món ăn ngon, hãy thử khen bản thân trong tiếng anh sẽ ra sao, hay tập nói với chính mình về những gì bạn thấy trong ngôn ngữ đó. Có bao nhiêu người đang đi phía trước bạn? Có những mặt hàng nào đang được bày bán trên đường? Có bao nhiêu chiếc xe buýt đã đi ngang qua bạn?.

Tất nhiên, bạn có thể không thoải mái hoặc cả thấy kì quặc trong những ngày đầu, nhưng dần dần phương pháp này sẽ giúp bạn suy nghĩ trong một ngôn ngữ mới nhiều hơn. Từ đó tăng tốc độ bạn phản xạ với ngôn ngữ đó, vì lúc này bạn không còn cần nhiều thời gian để dịch suy nghĩ của mình từ tiếng mẹ đẻ sang nữa.

Một phương pháp khá tương đồng là role-play, hay còn gọi là nhập vai. Khi thực hiện role-play bạn sẽ chọn đóng vai 1 nhân vật, 1 người bản xứ mà bạn cảm thấy hâm mộ và cho bạn nhiều cảm hứng. Khi đóng vai bạn sẽ phải bắt chước từ những điều nhỏ nhất của người đó như ngữ điệu, tốc độ hay cách người ấy bắt đầu mỗi câu nói của mình. Chi tiết về phương pháp này bạn có thể tham khảo tại đây.

Hoặc bạn cũng có thể tập nói chuyện với bản thân khi đứng trước gương. Bằng cách đó, bạn có thể thấy mình phát âm các từ và cụm từ, cũng như ngôn ngữ hình thể và khuôn mặt lúc nói ngôn ngữ mới trông như thế nào. Một cách khác thậm chí còn tốt hơn là quay video chính bạn khi bạn nói bằng tiếng Anh. Điều này cho phép bạn phát lại đoạn phim và có cái nhìn khách quan hơn về cách phát âm và độ lưu loát của mình.

Biến việc luyện tập thành 1 trò chơi

Luyện tập nói tiếng anh theo mẫu hoặc chủ đề có sẵn đôi khi sẽ khiến người học cảm thấy nhàm chán và khó để duy trì. Vì vậy việc luyện tập nói tiếng anh theo dạng 1 trò chơi, hoặc 1 hình thức gây thích thú cho người học có thể tạo thêm động lực và gia tăng thời gian luyện tập nói tiếng anh. Có nhiều hình thức khác nhau người học có thể tự tổ chức, ví dụ người học có thể tìm thêm 1 người để mở ra 1 cuộc tranh biện về 1 vấn đề hoặc chủ đề mà cả 2 cùng quan tâm.

Sau đó mỗi người có thể chọn 1 khía cạnh của vấn đề và thuyết phục người còn lại nghe theo ý kiến của mình. Bằng cách này người học không những tăng được thời gian nói tiếng anh và phản xạ tiếng anh tự nhiên, mà còn luyện thêm về tư duy phản biện (critical thinking), một yếu tố quan trọng trong việc học bất kì ngôn ngữ nào.

Tập phỏng vấn và được phỏng vấn

Trong quá trình luyện tập, người học có thể tham gia các khóa luyện tiếng anh hoặc những chương trình có người bản xứ. Đây chính là cơ hội để mọi người luyện tập khả năng phản xạ của bản thân mình. Vào những dịp như thế, người học nên chủ động hỏi thật nhiều và hãy tưởng tượng những câu hỏi của mình như những câu phỏng vấn, và lắng nghe cách người được phỏng vấn bắt đầu trả lời câu hỏi của mình như thế nào.

Ngược lại, khả năng cao trong 1 cuộc hội thoại, bạn cũng có thể được hỏi, lúc này hãy cố gắng áp dụng hoặc bắt chước những gì bạn vừa học được khi nghe người khác trả lời câu hỏi, để gia tăng thời gian phản xạ mà không cần phải suy nghĩ nên bắt đầu như thế nào. Chỉ cần như thế người đọc vừa có thể học hỏi thêm về cách trả lời sao cho tự nhiên trong tiếng anh vừa có cơ hội để được luyện tập trong một môi trường thực tế.


image-alt

Tổng kết về thời gian phản xạ khi học một ngôn ngữ mới

Việc học ngôn ngữ bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, bao gôm cả việc phản xạ lại ngôn ngữ đó trong giao tiếp. Để rút ngắn được thời gian phản xạ với người đang nói 1 ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ cần cả 1 quá trình luyện tập. Vì để đạt được điều trên, bản thân mỗi người sẽ phải thay đổi cách mọi người giao tiếp, bao gồm cả việc suy nghĩ tới việc diễn đạt suy nghĩ ra thành lời. Tuy nhiên, với những phương pháp nêu trên, bạn hoàn toàn có thể tự tập luyện ở bất cứ đâu, bất kì lúc nào bạn muốn, từ đó tăng thời gian luyện tập và đạt được hiệu quả tốt hơn.

Tài Liệu Trích Dẫn

Kun-Ting Hsieh, Da-Hui Dong, and Li-Yi Wang. "A PRELIMINARY STUDY OF APPLYING SHADOWING TECHNIQUE TO ENGLISH INTONATION INSTRUCTION." Taiwan Journal of Linguistics, vol. 11.2, 2013, pp. 43-66.

Nfrost21. "8 Practical Ways to Practise Speaking English." English Online, 20 Feb. 2023, englishonline.britishcouncil.org/blog/8-practical-ways-to-practise-speaking-english/.

Tham khảo thêm lớp tiếng anh giao tiếp tại ZIM, giúp học viên nâng cao khả năng giao tiếp tự tin và trôi chảy trong tình huống thực tế.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu