Banner background

Ứng dụng nguyên tắc khả biến thần kinh để thúc đẩy việc học ngoại ngữ

Bài viết này giải thích cách các nguyên tắc về khả biến thần kinh (neuroplasticity) hỗ trợ não bộ thích nghi, tăng cường khả năng học ngôn ngữ và phân tích những yếu tố tác động đến quá trình tiếp thu. Đồng thời, bài viết đề xuất các phương pháp cải thiện trí nhớ và duy trì động lực học tập hiệu quả.
ung dung nguyen tac kha bien than kinh de thuc day viec hoc ngoai ngu

Key takeaways

  • Học ngôn ngữ giúp duy trì sự linh hoạt và khả năng thích nghi của não bộ.

  • Tiếp xúc thường xuyên với ngôn ngữ mới thúc đẩy tái tổ chức và củng cố các kết nối thần kinh.

  • Phương pháp học tập chủ động và có chiến lược không chỉ tăng cường trí nhớ mà còn giảm nguy cơ suy giảm nhận thức.

  • Thực hành liên tục là yếu tố quan trọng.

Chắc hẳn người học đã từng nghe qua một số quan niệm phổ biến về mối liên hệ giữa bộ não và việc học ngoại ngữ, chẳng hạn như khả năng tiếp thu giảm dần theo tuổi tác hay bộ não ngày càng trì trệ theo thời gian. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học về thần kinh học đã chứng minh rằng khả biến thần kinh (neuroplasticity) cho phép con người học một ngôn ngữ mới ở mọi độ tuổi. Nếu áp dụng các phương pháp học tập phù hợp, không chỉ khả năng tiếp thu được tối ưu hóa mà còn giúp duy trì sự linh hoạt của não bộ, tăng cường trí nhớ và thậm chí giảm nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer.

Neuroplasticity - Tính khả biến thần kinh

"Neuroplasticity" (tính khả biến thần kinh) là khả năng của não bộ tự thay đổi cấu trúc và chức năng để đáp ứng với các kích thích từ môi trường và trải nghiệm học tập. Thuật ngữ này kết hợp từ hai khái niệm liên quan là "neuro" (não bộ) và "plasticity" (sự dẻo dai, linh hoạt).

Theo tác giả Guglielman trong một nghiên cứu về sự liên quan giữa Neuroplasticity và việc học [1], não bộ có khả năng thích nghi và tái tổ chức trong suốt cuộc đời [2] đặc biệt là thông qua quá trình học tập.

Khả năng này còn liên quan đến cơ chế cạnh tranh trong não. Khi chúng ta học một kỹ năng mới, chẳng hạn như chơi nhạc cụ hoặc học một ngôn ngữ, các nơ-ron thần kinh sẽ hình thành các kết nối mới để lưu trữ và xử lý thông tin liên quan đến kỹ năng đó. Tương ứng, các vùng não bộ chuyên biệt sẽ phát triển mạnh mẽ hơn để phục vụ việc học.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên của bộ não là có hạn, nên các vùng não thường xuyên được kích hoạt sẽ được củng cố và mở rộng. Ngược lại, nếu một kỹ năng ít được sử dụng, các kết nối thần kinh liên quan đến kỹ năng đó sẽ suy yếu dần hoặc bị tái phân bổ cho các chức năng khác.

Nếu chúng ta ngừng sử dụng một ngôn ngữ trong thời gian dài, các bản đồ thần kinh liên quan đến ngôn ngữ đó sẽ suy giảm, làm cho việc nhớ lại từ vựng, ngữ pháp hoặc phát âm trở nên khó khăn hơn. Điều này cũng giải thích tại sao có người từng học rất giỏi một ngoại ngữ nhưng sau một thời gian dài không sử dụng lại cảm thấy như "mất gốc."

Tóm lại, bộ não của con người hoạt động theo nguyên tắc "dùng thì giữ, không dùng thì mất" (use it or lose it). Do đó, việc quên một kỹ năng có thể xảy ra khi các vùng não liên quan bị tái phân bổ do không sử dụng. Để duy trì khả năng ngoại ngữ, người học sẽ cần có sự tiếp xúc thường xuyên với ngôn ngữ đó.

Neuroplasticity

Xem thêm: Cố học nhưng không vào - Khám phá cơ chế học tập của não bộ và giải pháp

Cơ chế thần kinh của Neuroplasticity

Để phân tích kĩ hơn, tính khả biến thần kinh có liên quan đến hai cơ chế thần kinh quan trọng:

Sự kích thích dài hạn (LTP - Long-Term Potentiation)

Long-Term Potentiation là một dạng dẻo dai của khớp thần kinh (synaptic plasticity), đã được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất ở vùng hồi hải mã (hippocampus) trong não bộ của động vật có vú. Đây là một khu vực đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và truy xuất một số dạng trí nhớ.

Ở người, hình ảnh chức năng của não cho thấy vùng hồi hải mã sẽ được kích hoạt trong một số nhiệm vụ đòi hỏi việc ghi nhớ, và nếu có tổn thương lên khu vực này sẽ khiến con người không thể hình thành một số loại ký ức mới.

Theo nghiên cứu từ tác giả Tracey và Louis [3], LTP là quá trình trong đó việc tiếp xúc lặp đi lặp lại với thông tin giúp củng cố các kết nối giữa các nơ-ron thần kinh, giúp cho việc học tập và lưu trữ trí nhớ diễn ra hiệu quả hơn. 

Liên hệ đến việc học ngôn ngữ, khi người học tiếp thu từ vựng hoặc cấu trúc ngữ pháp mới, việc thường xuyên thực hành chúng sẽ kích hoạt LTP trong vùng hồi hải mã, làm cho các đường dẫn thần kinh liên quan đến xử lý ngôn ngữ được kích thích liên tục và trở nên mạnh mẽ hơn. Từ đó, việc ghi nhớ và hồi tưởng lại những kiến thức này sẽ dễ dàng hơn.

Ngược lại, nếu không ôn tập lại sau một thời gian dài, các kết nối thần kinh này có thể yếu đi do tính khả biến tiêu cực, dẫn đến quên kiến thức đã học.

Vai trò của dopamine và động lực

Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong động lực và học tập. Khi người học cảm thấy hứng thú hoặc nhận được phản hồi tích cực, não bộ sẽ củng cố các đường truyền thần kinh liên quan đến ngôn ngữ.

Động lực cao hơn giúp tăng khả năng tập trung và tiếp thu nhanh hơn, vì dopamine có vai trò quan trọng trong việc hình thành ký ức.

Dopamine và động lực

4 yếu tố gây suy giảm chức năng não bộ

Qua những thông tin trên, người đọc có thể thấy việc học và sự phát triển của não có liên quan mật thiết với nhau. Nếu có thể rèn luyện bộ não thường xuyên, ta có thể tiếp thu kiến thức mới một cách hiệu quả hơn, và ngược lại, nếu không tận dụng những khả năng hay sức mạnh vốn có của bộ não, cơ quan này cũng có thể bị suy thoái.

Cũng trong nghiên cứu của tác giả Guglielman [1], sự suy giảm về chức năng của não bộ có thể xảy ra do "tính khả biến tiêu cực", bao gồm bốn yếu tố chính:

  • Không sử dụng (Disuse):

Khi con người, đặc biệt là những người lớn tuổi, chỉ giới hạn bản thân trong các hoạt động quen thuộc, họ có nguy cơ mất dần khả năng học tập và tư duy sáng tạo. Nếu cứ tiếp tục những thói quen không đòi hỏi sự nỗ lực hay tiếp thu kỹ năng mới, chúng sẽ không đủ để duy trì chức năng não bộ một cách toàn diện. Nói cách khác, nếu chúng ta ngừng học hỏi những điều mới, não bộ sẽ già đi.

  • Quá trình nhiễu (Noisy processes):

Khi các giác quan suy giảm (ví dụ như thị giác hay thính giác), thông tin truyền đến não sẽ trở nên mơ hồ và không rõ ràng. Bộ não phải nỗ lực hơn để xử lý những tín hiệu bị nhiễu, khiến quá trình nhận thức và ghi nhớ kém hiệu quả. Ví dụ, người lớn tuổi bị suy giảm thính lực sẽ gặp khó khăn trong việc nghe và hiểu các cuộc trò chuyện, làm giảm khả năng xử lý ngôn ngữ.

  • Suy yếu chức năng điều biến thần kinh (Weakening of neuromodulatory function):

Các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và acetylcholine sẽ bị giảm dần theo tuổi tác. Trong đó, giảm dopamine có thể làm giảm hứng thú học hỏi và ghi nhớ. Còn acetylcholine là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong việc tạo ra trí nhớ dài hạn và sự tập trung.

Khi acetylcholine suy giảm, việc học cái mới và ghi nhớ thông tin có thể gặp khó khăn. Từ đó, não bộ không còn đủ “nhiên liệu” để duy trì sự nhạy bén trong nhận thức, làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ hoặc sa sút trí tuệ.

  • Học tập tiêu cực (Negative learning):

Khi gặp khó khăn trong việc xử lý thông tin, thay vì rèn luyện kỹ năng, một số người có xu hướng tìm cách khác để bù đắp hoặc tránh né vấn đề. Sự lặp lại của hành vi này tạo thành một “thói quen tiêu cực,” khiến năng lực xử lý thông tin giảm sút theo thời gian vì não không còn được thử thách đủ để phát triển.

Ví dụ: Khi nghe một bài nói quá khó, người học có thể cảm thấy chán nản và bỏ qua thay vì cố gắng phân tích từng phần để hiểu. Tương tự, khi nói chuyện với người nước ngoài, người học có thể ngại nói vì sợ sai, và điều này khiến họ không cải thiện được kỹ năng giao tiếp.

4 yếu tố gây suy giảm chức năng não bộ

Khi hiểu được những yếu tố có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến não bộ trong việc học, chúng ta có thể phòng tránh những việc làm có thể gây hại hoặc cố gắng xây dựng thói quen tốt để rèn luyện cho bộ não sắc bén hơn.

Xem thêm: Ảnh hưởng của ngôn ngữ thứ hai tới não bộ và ứng dụng cho người cao tuổi

Cách cải thiện chức năng não bộ thông qua việc học ngôn ngữ

Tương ứng với những nguyên nhân có thể gây ra sự suy giảm chức năng não bộ, nhà nghiên cứu Merzenich đã đưa ra một số lưu ý để hạn chế tính khả biến tiêu cực, cũng như giữ cho bộ não được rèn luyện thường xuyên như sau:

  • Kích thích não bộ bằng các nhiệm vụ mới đầy thử thách. Nếu người học chỉ dừng lại ở việc học những từ vựng cơ bản, nghe những bài hội thoại đơn giản, thì não bộ sẽ không có cơ hội phát triển thêm. Hãy thử những bài luyện tập vượt ngoài vùng thoải mái như đọc một bài báo tiếng Anh khó hơn bình thường (từ đọc tin tức sang bài nghiên cứu học thuật). Hoặc có thể thử luyện tập phản xạ bằng cách xem video không có phụ đề, thay vì phụ thuộc vào phụ đề tiếng Việt.

  • Thực hiện các hoạt động đòi hỏi sự tập trung và chú ý để giúp não xử lý thông tin chính xác hơn. Bên cạnh đó, nên cố gắng học kết hợp các kĩ năng khác nhau như nghe, đọc, nói, viết để kích hoạt các vùng não khác nhau. 

  • Tham gia các hoạt động kích thích sản xuất chất dẫn truyền thần kinh. Khi học ngoại ngữ, đặc biệt là qua các hoạt động thú vị như chơi game học từ vựng, xem phim có phụ đề tiếng Anh, hoặc luyện hát theo lời bài hát, não bộ sẽ tiết ra nhiều dopamine hơn, giúp người học có cảm giác hứng thú và nhớ lâu hơn. Hãy kết hợp học tiếng Anh với sở thích cá nhân; ví dụ, nếu người học yêu thích âm nhạc, hãy học tiếng Anh qua lời bài hát. Bên cạnh đó, sử dụng các trò chơi ngôn ngữ, chẳng hạn như các ứng dụng Duolingo, Quizlet hoặc Wordwall có thể giúp người học tiếp thu từ mới một cách thú vị hơn. Ngoài ra, người học có thể sử dụng phần thưởng nhỏ để duy trì động lực, chẳng hạn như tự thưởng cho bản thân khi đạt được mục tiêu học tập.

  • Tránh các hành vi bù trừ tiêu cực, thay vì tránh né những bài học khó, hãy đối mặt với chúng để thúc đẩy não bộ phát triển. Người học nên hiểu và chấp nhận sai lầm như một phần của quá trình học. Khi nói tiếng Anh, thay vì lo lắng về việc làm thế nào để tránh hoàn toàn lỗi ngữ pháp, hãy tập trung vào việc diễn đạt trôi chảy trước, và nếu ngại nói, người học có thể thử mỗi ngày nói ít nhất một câu tiếng Anh với bạn bè hoặc ghi âm lại giọng nói của mình.

Cải thiện chức năng não bộ

Xem thêm: Phương pháp rèn luyện ý chí dựa trên cơ chế hoạt động của não bộ

Chiến lược để tối ưu hóa khả biến thần kinh và cải thiện kỹ năng ngôn ngữ

Tạo ra môi trường sử dụng tiếng Anh thường xuyên

Theo nghiên cứu của tác giả Nisla và Hesty [4], một trong những phương pháp hiệu quả nhất là thực hành trong một môi trường sử dụng tiếng Anh. Các nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc hay sử dụng ngôn ngữ một cách thường xuyên, hoặc lặp lại những bài luyện tập ngôn ngữ một cách có hệ thống sẽ giúp củng cố các kết nối thần kinh, thúc đẩy khả năng xử lý ngôn ngữ hiệu quả hơn.

Ngoài ra, nếu có thể, người học có thể tìm môi trường sử dụng tiếng Anh liên tục như sinh sống tại quốc gia nói tiếng Anh hoặc tham gia vào những cộng đồng sử dụng thứ tiếng này. Từ đó, ta có thể thúc đẩy sự tiếp thu tự nhiên thông qua việc phải liên tục sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp trong các tình huống đời sống thường ngày.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng đi đến một quốc gia nói tiếng Anh để sinh sống. Hiện nay, với sự phát triển rộng rãi của công nghệ và mạng Internet, chúng ta có thể tự tạo ra một môi trường nói tiếng Anh thường xuyên thông qua những cách sau:

  • Tiếp xúc liên tục với ngôn ngữ: Nghe podcast bằng tiếng Anh, xem video liên quan đến IELTS và đọc các tài liệu chuyên sâu giúp kích thích các vùng não xử lý ngôn ngữ.

  • Phương pháp shadowing (lặp lại theo người bản xứ): Trong quá trình tạo ra một môi trường sử dụng tiếng Anh thường xuyên, người học có thể thực hành kỹ thuật shadowing và luyện phát âm để giúp não bộ quen với cách phát âm, ngữ điệu và ngữ âm tự nhiên. Người học có thể chọn bài nghe từ các nguồn uy tín như TED Talks, Ted-Ed, VOA Learning English, BBC Learning English. 

  • Suy nghĩ bằng tiếng Anh: Tạo thói quen suy nghĩ trực tiếp bằng tiếng Anh cũng có thể làm tăng phản xạ giao tiếp.

Môi trường sử dụng tiếng Anh

Ôn luyện cách quãng

Như đã phân tích bên trên, điều quan trọng khi học ngoại ngữ là người học cần có sự tiếp xúc lâu dài và lặp lại để củng cố. Do đó, kỹ thuật ôn luyện cách quãng (Spaced Repetition) sẽ rất hữu ích trong việc tăng cường trí nhớ, kích thích não bộ tái cấu trúc và củng cố các liên kết thần kinh.

Lặp lại ngắt quãng là một phương pháp đã được khoa học chứng minh, trong đó người học sẽ ôn tập thông tin theo các khoảng thời gian nhất định, giúp tăng cường trí nhớ và giảm khả năng quên.

Ví dụ, khi muốn học từ vựng tiếng Anh, người học có thể tham khảo các lưu ý sau:

  • Khi mới bắt đầu học, khoảng cách giữa các lần ôn tập nên được sắp xếp gần nhau (ví dụ: 1 giờ, 4 giờ, 1 ngày). Dần dần trong quá trình ôn tập, khoảng cách giữa các lần ôn có thể được kéo dài ra hơn một cách có hệ thống (4 ngày, 1 tuần, 2 tuần).

  • Người học có thể bắt đầu bằng cách hiểu rõ về từ vựng đó, ví dụ gốc từ, tiền tố, hậu tố hoặc nguồn gốc từ (nếu có), sau đó tra nghĩa tiếng Việt để ghi nhớ tốt hơn. Việc tìm hiểu kỹ sẽ tạo tiền đề giúp ghi nhớ lâu hơn.

  • Tạo các bài tập nhỏ để ôn lại từ vựng. Ở đây, người học có thể sử dụng các nền tảng như Quizlet, Kahoot hay Bamboozle để tạo sự hứng thú, giúp ôn từ vựng hiệu quả.

  • Ghi nhớ từ vựng thông qua việc nhắc lại chủ động (Active Recall). Thay vì chỉ đơn giản học thuộc, người học nên luyện tập sử dụng từ vựng trong ngữ cảnh cụ thể, ví dụ ứng dụng từ đã học vào trả lời câu hỏi trong IELTS Speaking, hoặc trong khi viết IELTS Writing.

  • Tự kiểm tra định kỳ để củng cố kiến thức lâu dài.

Việc chia nhỏ bài học và ôn tập theo lịch trình nhất quán giúp tránh tình trạng quá tải và tối ưu hóa khả năng tiếp thu. Trái lại, học dồn dập vào phút chót khiến não bộ khó duy trì các kết nối thần kinh ổn định.

Ôn luyện cách quãng (Spaced Repetition)

Học tập đa giác quan để kích hoạt nhiều vùng não

Như đã phân tích, khả năng tiếp nhận thông tin qua giác quan có xu hướng suy giảm theo độ tuổi, điều này có thể dẫn đến khả biến thần kinh tiêu cực.

Do đó, việc kích thích nhiều giác quan trong quá trình học ngoại ngữ không chỉ giúp mở rộng các đường dẫn thần kinh mà còn cải thiện khả năng tiếp thu và ghi nhớ.

Ứng dụng trong giảng dạy ngoại ngữ:

Đối với giáo viên, nên cân nhắc kết hợp nhiều kỹ năng trong một buổi học để tối ưu hóa việc kích thích đa giác quan. Theo Pagliano [5], các chiến lược như phân nhỏ nội dung bài học, sử dụng công cụ trực quan và ứng dụng công nghệ có thể giúp tăng cường khả năng ghi nhớ và tương tác của người học, đặc biệt trong môi trường học ngoại ngữ.

Các chiến lược học tập đa giác quan hiệu quả:

  • Kết hợp vận động và ngôn ngữ: Viết từ mới trong khi phát âm để kích hoạt trí nhớ vận động. 

  • Tận dụng các hình ảnh để minh họa: Sử dụng hình ảnh sơ đồ, tư duy, hoặc flashcards để hỗ trợ tư duy logic, giúp người học sắp xếp thông tin trực quan, kích thích tư duy logic và khả năng liên kết thông tin trong não bộ.

Học tập đa giác quan

Đặt ra thử thách cho bản thân

Để nâng cao kỹ năng ngôn ngữ, người học cần vượt ra khỏi vùng thoải mái bằng cách lựa chọn những bài luyện tập mang tính thử thách hơn.

  • Thực hành có chủ đích bằng cách đẩy bản thân lên mức độ khó cao hơn. Ví dụ, nếu người học đã thấy thoải mái với các chủ đề IELTS Speaking quen thuộc, hãy thử tiếp xúc với những chủ đề mới lạ hơn như giao tiếp liên văn hóa.

  • Người học có thể tham khảo một số bài thực hành khác đòi hỏi mức độ tư duy cao như tóm tắt bài báo, tranh luận về một chủ đề nào đó hoặc viết bài phản biện để kích thích tư duy phản biện và củng cố khả năng xử lý ngôn ngữ.

Những hoạt động yêu cầu nỗ lực cao giúp kích thích khả biến thần kinh, từ đó thúc đẩy sự phát triển của kỹ năng ngôn ngữ một cách bền vững.

Đặt ra thử thách cho bản thân

Giấc ngủ và vận động

Việc nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và luyện tập thể thao cũng đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố trí nhớ và duy trì các kết nối thần kinh liên quan đến ngôn ngữ.

  • Ngủ đủ giấc giúp não bộ tổng hợp thông tin hiệu quả hơn.

  • Vận động thể chất cũng là một cách hữu ích để kích thích sản xuất dopamine, serotonin và norepinephrine, các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và tăng động lực học tập. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên có thể giúp tăng kích thước vùng hippocampus, bộ phận quan trọng liên quan đến trí nhớ và học tập.

  • Bên cạnh đó, nghiên cứu được đăng tải trên trang Language Alives [6] cũng chỉ ra rằng một phiên học 90 phút, kết hợp với thời gian nghỉ ngơi hợp lý và giấc ngủ chất lượng cao, có thể tối ưu hóa khả năng tiếp thu ngôn ngữ. Đáng chú ý, việc nghỉ ngơi sẽ hiệu quả nhất khi người học tránh các hoạt động tiêu tốn năng lượng tinh thần. Vì vậy, hãy tránh việc lướt mạng xã hội để nghỉ ngơi.

  • Học theo kỹ thuật Pomodoro: Học trong khoảng thời gian ngắn (25 phút) với sự tập trung cao độ, sau đó nghỉ ngắn 5 phút để não bộ xử lý thông tin tốt hơn.

Vận động

Kiểm soát căng thẳng và tạo điều kiện học tập tối ưu

Căng thẳng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tính khả biến thần kinh và khả năng học tập. Do đó, người học cũng nên chú ý đến việc duy trì trạng thái tinh thần tích cực, và hạn chế việc tạo ra áp lực cho bản thân.

  • Người học có thể cân nhắc thực hành thiền định, hoặc lựa chọn bài tập thở giúp giảm lo âu và tối ưu hóa chức năng não bộ.

  • Với giáo viên, hãy chú ý xây dựng một môi trường học tập hỗ trợ để có thể cải thiện động lực và khả năng ghi nhớ của học sinh [7]. Hãy chú khích lệ học viên khi có thể.

Xem thêm: Phương pháp thúc đẩy động lực theo góc nhìn khoa học thần kinh

Kết Luận

Học một ngôn ngữ mới không chỉ nâng cao kỹ năng giao tiếp mà còn góp phần quan trọng vào việc duy trì và cải thiện sức khỏe não bộ. Nhờ vào khả biến thần kinh (neuroplasticity), não bộ có thể thích nghi, tái cấu trúc và hình thành các kết nối thần kinh mới ở mọi độ tuổi. Khi áp dụng các phương pháp học tập phù hợp, người học có thể tối ưu hóa quá trình tiếp thu ngôn ngữ, củng cố trí nhớ, tăng cường tư duy phản biện và thậm chí giảm nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer và sa sút trí tuệ.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...