Banner background

TOEFL iBT® Listening Conversations - Các dạng câu hỏi và cách làm bài

Bài viết phân tích chi tiết về phần TOEFL Listening Conversations, cung cấp chiến lược nghe hiểu và làm bài hiệu quả cho thí sinh chuẩn bị thi TOEFL.
toefl ibt listening conversations cac dang cau hoi va cach lam bai

Key takeaways

Các dạng câu hỏi thường gặp về TOEFL iBT Listening Conversations:

  • Câu hỏi về mục đích của cuộc hội thoại

  • Câu hỏi về chi tiết cụ thể

  • Câu hỏi về thái độ và cảm xúc của người nói

  • Câu hỏi về quan điểm và ý kiến

  • Câu hỏi về ngụ ý và hàm ý

  • Câu hỏi về kết luận và bước tiếp theo

  • Phân tích ví dụ từng loại câu hỏi

TOEFL Listening Conversations gồm các đoạn hội thoại học thuật giữa sinh viên với giáo sư, nhân viên trường hoặc giữa các sinh viên. Đây là phần quan trọng vì phản ánh các tình huống giao tiếp thực tế trong môi trường đại học. Mỗi đoạn hội thoại thường dài khoảng 3 phút, có 5 câu hỏi kiểm tra kỹ năng nghe của thí sinh.

Cấu trúc phần TOEFL Listening Conversations

Trong phần thi TOEFL iBT Listening, thí sinh sẽ nghe 2 cuộc hội thoại (conversations). Nội dung thường xoay quanh các tình huống học thuật hoặc đời sống sinh viên trong trường đại học.

Mỗi Conversation kéo dài khoảng 3 phút, tương đương với 10 đến 15 lượt nói. Sau mỗi conversation, thí sinh sẽ phải trả lời 5 câu hỏi. Các loại câu hỏi có thể bao gồm: ý chính, chi tiết quan trọng, suy luận, thái độ người nói, hoặc chức năng của một câu thoại.

Trong phần thi Listening, Conversations thường xen kẽ với Lectures (bài thuyết trình). Thí sinh sẽ không biết trước được thứ tự, nhưng thông thường, một bài Listening section sẽ bắt đầu bằng một Conversation hoặc một Lecture, sau đó luân phiên nhau.

Với mỗi cuộc hội thoại gồm 5 câu hỏi, phần conversations chiếm 10 câu hỏi trên tổng số 28 câu của phần thi Listening. Như vậy, Conversations chiếm khoảng 35% tổng số câu hỏi phần Listening.

Cấu trúc cuộc hội thoại TOEFL Listening Conversations

Đặc điểm của TOEFL Listening Conversations

Các cuộc hội thoại luôn diễn ra trong môi trường mang tính học thuật, thường là các tình huống gần gũi với sinh viên đại học như: sinh viên với giáo sư, cố vấn học tập, nhân viên thư viện, nhân viên hành chính hay giữa các sinh viên với nhau. Số lượng người tham gia hội thoại thường là 2 người.

Ngôn ngữ trong Conversations mang tính giao tiếp tự nhiên, mức độ trang trọng vừa phải. Phong cách của cuộc trò chuyện thường lịch sự, luôn có mục đích rõ ràng, xoay quanh 1 vấn đề cụ thể.

Người nói trong các cuộc hội thoại sử dụng giọng Anh - Mỹ chuẩn, với tốc độ nói vừa phải, phù hợp với người học tiếng Anh. Thí sinh sẽ được luyện tập khả năng nghe trong ngữ cảnh tự nhiên, đôi khi có thể có sự thay đổi về ngữ điệu, nhưng nhìn chung dễ theo dõi.

Hội thoại trong TOEFL Listening thường xuất hiện các yếu tố phi ngôn ngữ như ngắt quãng, chuyển chủ đề, hay thay đổi cảm xúc (do dự, ngạc nhiên, bối rối, ...). Những yếu tố này làm cho hội thoại trở nên chân thực, đồng thời đòi hỏi thí sinh chú ý đến sắc thái giao tiếp chứ không chỉ nghe thông tin.

Sự khác biệt với các cuộc hội thoại thông thường:

Tiêu chí

Conversations trong TOEFL

Hội thoại thông thường

Bối cảnh

Môi trường học thuật

Đa dạng

Chủ đề

Học tập, hành chính

Bất kỳ chủ đề nào, thường mang tính cá nhân

Cấu trúc

Có mở bài – phát triển – giải pháp – kết thúc rõ ràng

Không cố định

Ngôn ngữ sử dụng

Mang tính học thuật, trang trọng vừa phải

Thân mật, tự nhiên hơn.

Các dạng TOEFL Listening Conversations và tình huống thường gặp

Dạng Conversation

Tần suất xuất hiện

Đặc điểm

Sinh viên và giáo sư

thường gặp

- Nội dung liên quan đến môn học, bài tập, bài kiểm tra, dự án nhóm.

- Thường thể hiện mối quan hệ học thuật – sinh viên.

Sinh viên và nhân viên hành chính

thường gặp

- Tình huống thường là giải quyết các thủ tục: thanh toán học phí, đăng ký môn, vấn đề ký túc xá, cơ sở vật chất.

- Giọng điệu lịch sự, mang tính hỗ trợ.

Sinh viên với nhau

ít gặp

- Hội thoại mang tính thân mật hơn, trao đổi về lớp học, nhóm học, sự kiện trường.

- Có thể xuất hiện cách nói tự nhiên, lược từ.

Sinh viên và nhân viên thư viện

ít gặp

- Tình huống liên quan đến tìm tài liệu, sách, cơ sở dữ liệu học thuật.

- Có thể đề cập đến công nghệ hoặc các dịch vụ thư viện.

Sinh viên và cố vấn học tập

thường gặp

- Liên quan đến định hướng học tập, chọn chuyên ngành, lịch trình học tập.

- Có tính tư vấn cao.

Các dạng Conversations trong TOEFL Listening

Các chủ đề phổ biến trong TOEFL Listening Conversations

1. Các vấn đề về khóa học, bài tập, thời khóa biểu

  • Đây là chủ đề khá phổ biến. Nội dung thường xoay quanh việc chọn môn học, điều chỉnh thời khóa biểu, xin nộp bài trễ, hoặc thắc mắc về yêu cầu bài tập. Cuộc hội thoại thường diễn ra giữa sinh viên và giáo sư hoặc cố vấn học tập.

  • Ví dụ: Sinh viên xin lời khuyên vì bị trùng giờ học.

2. Các vấn đề về cơ sở vật chất, dịch vụ trong trường

  • Chủ đề này thường liên quan đến thư viện, phòng máy tính, phòng thí nghiệm, trung tâm sinh viên hoặc ký túc xá. Người tham gia hội thoại thường là sinh viên và nhân viên hành chính hoặc thư viện.

  • Ví dụ: Sinh viên gặp sự cố khi sử dụng máy in trong thư viện.

3. Các vấn đề về học thuật, dự án, nghiên cứu

  • Chủ đề này bao gồm trao đổi về việc làm nghiên cứu, thực hiện dự án nhóm, xin tài liệu tham khảo, hoặc chuẩn bị bài thuyết trình. 

  • Ví dụ: Sinh viên nhờ giáo sư hướng dẫn cách thu thập số liệu cho dự án cuối kỳ.

4. Các vấn đề về đời sống sinh viên, hoạt động ngoại khóa

  • Chủ đề này thiên về khía cạnh xã hội trong trường đại học như câu lạc bộ, hội sinh viên, sự kiện hoặc khó khăn trong việc cân bằng học tập – đời sống.

  • Ví dụ: Hai sinh viên thảo luận về việc tham gia câu lạc bộ nhiếp ảnh.

5. Các vấn đề về thủ tục hành chính, đăng ký, học phí

  • Đây là chủ đề thường thấy trong các cuộc hội thoại với nhân viên hành chính. Bao gồm đăng ký môn, thanh toán học phí, nộp hồ sơ học bổng, hoặc xin nghỉ học.

  • Ví dụ: Sinh viên hỏi về qui trình đăng ký môn học qua hình thức online.

6. Chủ đề đặc biệt khác 

  • Đôi khi Conversation xuất hiện các chủ đề ít gặp hơn như: thay đổi chuyên ngành, xin chuyển trường, phỏng vấn xin việc trong trường, hoặc hỗ trợ sức khỏe tâm lý. 

  • Ví dụ: Sinh viên đến trung tâm hỗ trợ tâm lý để xin lời khuyên về căng thẳng học tập.

Xem thêm: Tổng hợp từ vựng TOEFL cần thiết và phương pháp học hiệu quả

6 dạng câu hỏi thường gặp về TOEFL Listening Conversations

1. Câu hỏi về mục đích của cuộc hội thoại

  • Ví dụ: Why does the student visit the professor?

  • Phân tích: Xác định mục tiêu chung của cuộc gặp (hỏi bài, xin gia hạn, tư vấn...). Người nghe cần nắm được ý tổng quát, thường nằm ở phần mở đầu.

2. Câu hỏi về chi tiết cụ thể (who, what, when, where, why, how)

  • Ví dụ: What does the professor suggest the student do to improve her paper?

  • Phân tích: Hỏi thông tin chi tiết. Thí sinh cần nghe được những đề xuất giúp sinh viên cải thiện bài luận văn từ giáo sư.

3. Câu hỏi về thái độ và cảm xúc của người nói

  • Ví dụ: How does the student feel about the advisor’s suggestion?

  • Phân tích: Thí sinh cần nhận diện giọng điệu, từ vựng chỉ cảm xúc (ví dụ: frustrated, relieved). Có thể dựa vào ngữ điệu và ngữ cảnh để xác định.

4. Câu hỏi về quan điểm và ý kiến

  • Ví dụ: What is the student’s opinion about joining the art club?

  • Phân tích: Thí sinh cần xác định người nói đồng tình hay phản đối. Có thể thể hiện qua cụm từ như “I think...”, “It might be a good idea…”.

5. Câu hỏi về ngụ ý và hàm ý

  • Ví dụ: What does the professor imply when she says: “That’s not exactly what I meant”?

  • Phân tích: Người nghe cần suy ra ý nghĩa ẩn sau lời nói, không trực tiếp đề cập trong bài nghe.

6. Câu hỏi về kết luận và bước tiếp theo

  • Ví dụ: What will the student probably do next?

  • Phân tích: Có thể dựa vào toàn bộ nội dung để dự đoán hành động tiếp theo của sinh viên. 

Các dạng câu hỏi TOEFL Listening Conversations
6 dạng câu hỏi thường gặp về TOEFL Listening Conversations

Chiến lược nghe hiểu và trả lời câu hỏi TOEFL iBT Listening Conversations

Chiến lược nghe hiểu Conversations

  • Kĩ thuật nghe có định hướng theo tình huống
    Trước khi nghe, thí sinh nên xác định ngữ cảnh chung, chẳng hạn là buổi tư vấn, thắc mắc về môn học, hay giải quyết thủ tục hành chính? Việc định hướng tình huống giúp thu hẹp phạm vi thông tin cần chú ý, tránh nghe lan man.

  • Cách xác định mối quan hệ và vai trò của người nói
    Thí sinh cần lắng nghe cách xưng hô và ngôn ngữ sử dụng để nhận biết ai là sinh viên, ai là giáo sư, ai là nhân viên... Việc này giúp hiểu rõ mục tiêu giao tiếp của từng bên và dự đoán nội dung đối thoại.

  • Cách nhận diện vấn đề chính trong hội thoại
    Chú ý phần mở đầu và các câu như: “I have a question about…”, “I’m having trouble with…” vì đây là nơi người nói trình bày vấn đề chính. Xác định được vấn đề sẽ dẫn đến hiểu toàn bộ cấu trúc hội thoại.

  • Kĩ thuật dự đoán nội dung và hướng phát triển
    Khi đã nắm được tình huống, thí sinh nên dự đoán những gì có thể xảy ra sau đó: nhân vật sẽ hỏi điều gì, được khuyên làm gì, hay sẽ từ chối điều gì. Dự đoán sẽ giúp thí sinh tập trung nghe vào đúng chỗ.

  • Kĩ thuật theo dõi sự chuyển hướng đối thoại
    Thí sinh nên chú ý các cụm từ như “Speaking of that…”, “By the way…”, … hoặc sự thay đổi giọng điệu – đó là những dấu hiệu của việc chuyển chủ đề. 

  • Phương pháp nhận diện thông tin ẩn và ngụ ý
    Không phải lúc nào thông tin cũng được nói trực tiếp. Hãy lắng nghe giọng điệu, ví dụ như ngập ngừng, hoặc các cụm từ như “I guess…” giúp thí sinh suy ra thái độ và ngụ ý. Đây là cơ sở để trả lời các câu hỏi suy luận.

Chiến lược trả lời câu hỏi về Conversations

  • Phân tích câu hỏi và xác định loại thông tin cần tìm
    Trước tiên, thí sinh cần đọc kỹ câu hỏi để xác định đó là dạng mục đích, chi tiết, thái độ, ngụ ý hay suy luận. Nhận biết đúng dạng câu hỏi sẽ giúp thí sinh tập trung vào thông tin liên quan trong đoạn hội thoại, tránh nghe lan man.

  • Kỹ thuật sử dụng ghi chú để trả lời các dạng câu hỏi
    Trong lúc nghe, hãy ghi lại từ khóa, hành động chính, thái độ nhân vật, đặc biệt ở những phần có chuyển hướng nội dung. Ghi chú không cần viết nguyên câu, chỉ cần đủ để gợi nhớ mạch đối thoại khi đọc câu hỏi.

  • Kỹ thuật loại bỏ đáp án sai dựa trên ghi chú
    Khi làm bài, có thể so sánh đáp án với ghi chú. Thí sinh cần loại bỏ những phương án không được đề cập đến, sai chi tiết hoặc trái ngược với ngữ cảnh.

  • Cách xử lý khi đáp án sử dụng paraphrase
    TOEFL Listening thường dùng paraphrase (diễn đạt lại) nhằm đánh lừa thí sinh. Vì vậy, thí sinh cần so sánh ý nghĩa tổng quát thay vì từ vựng. Ví dụ, nếu ghi chú là “ask for extension”, thì đáp án “requests more time” vẫn đúng dù không trùng từ.

  • Phương pháp quản lý thời gian
    Không dành quá nhiều cho một câu hỏi. Nếu quá khó, hãy chọn đáp án hợp lý nhất và chuyển sang câu kế tiếp để tiết kiệm thời gian cho câu khác.

  • Xử lý tình huống khi không chắc chắn đáp án
    Dựa vào từng  loại câu hỏi, thí sinh cần phải loại bỏ phương án sai rõ ràng, đồng thời chọn phương án phù hợp nhất với ghi chú hoặc suy luận. Không nên bỏ trống câu hỏi nào.

Đọc thêm: Cách học TOEFL iBT® hiệu quả và kinh nghiệm thực tế

Kỹ thuật ghi chú hiệu quả đối với dạng câu hỏi TOEFL Listening Conversations

  • Cấu trúc ghi chú dành riêng cho cuộc hội thoại
    Ghi chú nên chia làm hai cột chính, mỗi cột ghi nội dung của một nhân vật (ví dụ: Student – Professor). Ở giữa có thể để ghi lại các vấn đề chính, giải pháp và hướng phát triển hội thoại. Cách bố trí này giúp thí sinh dễ dàng theo dõi luồng tương tác.

  • Cách ghi chú thông tin về người nói 
    Ngay từ đầu, cần ghi rõ ai là sinh viên, giáo sư, nhân viên... dựa vào cách xưng hô hoặc nội dung giới thiệu. Thí sinh nên viết tắt như S (student), P (professor), A (advisor) giúp tiết kiệm thời gian mà vẫn theo sát được nội dung.

  • Kỹ thuật ghi chú mục đích, vấn đề và giải pháp
    Thí sinh có thể ghi chú: mục đích cuộc gặp (e.g., ask about HW - homework), vấn đề chính (e.g., missed deadline), và giải pháp đưa ra (e.g., ext. - extension). 

  • Cách ghi chú thông tin quan trọng (thời gian, địa điểm, số liệu)
    Ghi thật ngắn gọn các con số (e.g., 2pm, Mon, 3 days late), địa điểm (lib = library, offc = office), và thời gian. Đây là thông tin thường xuất hiện trong câu hỏi chi tiết.

  • Phương pháp ghi chú thái độ và cảm xúc
    Dùng từ khóa hoặc biểu tượng để ghi thái độ (e.g., ? = confused). Nếu người nói do dự, thở dài hoặc thốt lên, hãy ghi lại bằng dấu hiệu đặc biệt như “!” hoặc “...”.

TOEFL Listening Conversations Note-Taking Sample
Mẫu ghi chú TOEFL Listening Conversations

Phân tích Conversation mẫu và cách tiếp cận

Ví dụ về cuộc hội thoại điển hình:

Student: Hi, Professor Collins. Do you have a few minutes? I wanted to talk about the results of the last test.

Professor: Sure, come in. You’re not the only one stopping by today — seems like a lot of students found this one challenging.

Student: Yeah… I didn’t do as well as I hoped. I really thought I understood the material, but I guess Chapter 3 threw me off.

Professor: Chapter 3 was tough. The average score was lower than usual, actually. But don’t worry — there’s still time to improve.

Student: I’d really like to do better. Do you have any advice on what I should concentrate on?

Professor: Well, first, I recommend reviewing the lecture notes again and coming to the TA sessions — Alex, our TA, is great at breaking things down. Also, there’s a study group that meets on Tuesdays at 5 p.m. You might benefit from joining.

Student: That sounds good. I’ll definitely talk to Alex and check out the study group. Thanks for the advice!

Professor: No problem. Let me know if you need anything else. And remember — the next test won’t cover Chapter 3, so that’s some good news.

Student: Haha, that is good news. Thanks again, Professor!

Phân tích cấu trúc cuộc hội thoại:

  • Mở đầu: Sinh viên chào hỏi và nêu lý do đến gặp.

  • Phát triển: Trình bày vấn đề – điểm thấp, không hiểu bài giảng.

  • Hướng giải quyết: Giáo sư giải thích điểm số, đồng thời đưa ra lời khuyên.

  • Kết thúc hội thoại.

Mẫu ghi chú hiệu quả:

Ví dụ cách ghi chú TOEFL Listening Conversations

Các câu hỏi hay gặp và cách tiếp cận để trả lời:

  • Mục đích hội thoại: Why does the student visit the professor?

→ Dựa vào phần mở đầu của mẫu ghi chú.

  • Chi tiết cụ thể: What does the professor suggest to help the student improve?

→ Dựa vào phần “giải pháp” của mẫu ghi chú.

  • Cảm xúc sinh viên: How does the student feel about the suggestion?

→ Ghi chú thể hiện sự đồng tình.

Phân tích đáp án:

Ví dụ câu hỏi: What will the student probably do next?

(A) Drop the class → Không đề cập.

(B) Ask another student for help → Không phù hợp.

(C) Meet with the TA → Được nhắc đến rõ.

(D) Retake the test → Không xảy ra trong hội thoại.

➡ Chọn đáp án (C) vì phù hợp với ghi chú và diễn biến của hội thoại.

Bài học rút ra từ việc phân tích mẫu:

  • Ghi chú rõ ràng, phân vai giúp dễ tìm thông tin.

  • Dự đoán câu hỏi dựa trên cấu trúc hội thoại giúp tập trung nghe đúng chỗ.

  • Hiểu bối cảnh, thái độ nhân vật là chìa khóa làm đúng các câu suy luận và cảm xúc.

Đọc tiếp: Ứng dụng Neural Phase Locking để cải thiện nhận diện âm thanh trong TOEFL Listening (iBT®)

Tổng kết

Bài viết trên đã cung cấp các chiến lược nghe hiểu và trả lời câu hỏi về TOEFL Listening Conversations như phương pháp nhận diện vấn đề chính trong cuộc hội thoại, dự đoán nội dung và hướng phát triển, phân tích câu hỏi và xác định loại thông tin, sử dụng ghi chú để trả lời các dạng câu hỏi, … Thí sinh cần áp dụng các chiến lược một cách hiệu quả để có thể đạt kết quả tốt trong phần thi này.

Chương trình luyện thi TOEFL tại ZIM Academy mang đến giải pháp phù hợp nếu người học đang tìm kiếm một lộ trình học tập hiệu quả để đạt kết quả cao trong kỳ thi TOEFL iBT. Với đội ngũ giảng viên chuyên môn cao, tài liệu giảng dạy cập nhật và phương pháp học tập cá nhân hóa, người học có thể tối ưu hóa quá trình rèn luyện. Nhắn tin trực tiếp trên website để được tư vấn nhanh.


ETS, and TOEFL iBT are registered trademarks of ETS, used in Vietnam under license.

Tham vấn chuyên môn
Thiều Ái ThiThiều Ái Thi
GV
Việc giảng dạy không chỉ đơn thuần là trình bày thông tin mà còn khiến chúng trở nên dễ hiểu và khơi dậy sự tò mò ở người học. Bằng cách lấy người học là trung tâm, tôi mong muốn có thể biến những khái niệm phức tạp trở nên đơn giản, và truyền tải kiến thức theo những cách phù hợp với nhiều người học khác nhau.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...