Banner background

TOEFL Speaking là gì? Các tiêu chí chấm TOEFL Speaking mới nhất

Bài viết đặt trọng tâm giới thiệu về nội dung phần thi TOEFL Speaking: các tiêu chí chấm điểm và thang điểm cụ thể và một số lời khuyên hữu ích dành cho thí sinh chuẩn bị cho kì thi này.
toefl speaking la gi cac tieu chi cham toefl speaking moi nhat

Khi nhắc đến các kì thi tiếng Anh chuẩn hóa tại Việt Nam, bên cạnh IELTS và TOEIC, thì TOEFL là kì thi được biết đến rộng rãi. Tương tự IELTS và TOEIC 4 kĩ năng, bài thi TOEFL ra đời nhằm tạo điều kiện cho thí sinh đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của mình một cách toàn diện. Tuy nhiên, hiện nay không có nhiều người nắm được các tiêu chí chấm điểm cho bài làm thuộc chứng chỉ này. Chính vì thế, bài viết này ra đời nhằm phân tích các tiêu chí chấm điểm của bài thi TOEFL. Trong giới hạn phạm vi bài viết, tác giả muốn đặt trọng tâm giới thiệu về thể thức thi và các tiêu chí chấm điểm trong phần thi TOEFL Speaking.

Key Takeaways:

Sau khi tham khảo bài viết này, người đọc sẽ biết được:

-       Tổng quan và lệ phí thi TOEFL iBT tại Việt Nam.

-       Cấu trúc 4 câu hỏi trong TOEFL Speaking liên quan đến môi trường và chủ đề học thuật

-       4 thang điểm (0 đến 4) và 3 tiêu chí đánh giá phần thi, bao gồm: Khả năng truyền đạt (Delivery), Khả năng sử dụng ngôn ngữ (Language use), và Khả năng phát triển chủ đề (Topic Development)

-       Một số lời khuyên hữu ích từ ban khảo thí dành cho thí sinh đối với phần thi Speaking. Về tổng quát, thí sinh nên tập trung cải thiện khả năng vận dụng ngôn ngữ nói thật tự nhiên và tư duy lập luận thật chặt chẽ. Bên cạnh đó, thí sinh cần tránh lối học thuộc lòng theo công thức hay quá lo lắng về độ khó của các vấn đề học thuật, vì những điều này sẽ làm thấp điểm phần thi của thí sinh.

Bài thi TOEFL Speaking là gì?

Hình thức bài thi

Thứ nhất, về hình thức thi, có thể suy đoán được từ tên gọi – Internet based test, bài thi TOEFL iBT được thực hiện hoàn toàn trên máy tính. Trong quá trình thi, ETS sẽ trực tiếp gửi đề thi đến các máy tính tương ứng với mỗi thí sinh tại hội đồng thi. Quá trình thi trên máy tính này được áp dụng với cả phần thi Speaking. Cụ thể, thí sinh sẽ trả lời các câu hỏi thông qua một bộ tai nghe – microphone. Phần trả lời của thí sinh sẽ được ghi âm lại và gửi đến ETS. Tại đây, bài làm của thí sinh sẽ được chấm điểm đồng thời bởi các giám khảo chuyên môn và hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan, và công bằng. Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất trong cách chấm điểm giữa bài thi TOEFL iBT và bài thi IELTS.

Bên cạnh sự khác biệt về cách tiến hành và chấm điểm, cấu trúc bài thi TOEFL Speaking cũng có nhiều điểm khác so với bài thi IELTS. Về tổng quát, nội dung bài thi TOEFL Speaking bao gồm:

-  Tổng thời gian: 17 phút.

-   Tổng số câu hỏi: 4. Trong đó:

  1. Câu hỏi 1: Independent Speaking.

  2. Câu hỏi 2: Integrated Speaking (reading – listening – speaking).

  3. Câu hỏi 3: Integrated Speaking (reading – listening – speaking).

  4. Câu hỏi 4: Integrated Speaking (listening – speaking).

toefl-speaking-la-gi-so-do

Xét nội dung của từng câu hỏi:

Câu hỏi 1 – Independent Speaking:

Thí sinh sẽ có 15 giây để chuẩn bị câu trả lời, và sẽ nói trong 45 giây.

Câu hỏi 1 sẽ đưa ra hai ý kiến, thí sinh TOEFL sẽ trả lời đồng tình với ý kiến nào, đồng thời phải trình bày các lập luận để làm rõ quan điểm bản thân. Dưới đây chính là câu hỏi số 1 mẫu của bài thi TOEFL Speaking, được trích từ trang chủ của ETS:

Some people think it is more fun to spend time with friends in restaurants or cafes. Others think it is more fun to spend time with friends at home. Which do you think is better? Explain why

Câu hỏi 2 – Integrated Speaking:

Thí sinh sẽ có 30 giây để chuẩn bị câu trả lời, và sẽ nói trong 60 giây.

Câu hỏi 2 thường xoay quanh môi trường đại học (campus situation), và thí sinh sẽ được cung cấp một đoạn văn và một đoạn hội thoại mẫu. Tại đây, thí sinh được yêu cầu trình bày lại quan điểm của người nói trong đoạn ghi âm, và giải thích mối quan hệ giữa quan điểm đó với chủ đề trong đoạn văn mẫu. Nói cách khác, thí sinh cần tóm tắt và kết hợp hai nguồn thông tin. Dưới đây là câu hỏi số 2 mẫu của bài thi TOEFL Speaking, được trích từ trang chủ của ETS:

toefl-speaking-la-gi-cau-hoi-2toefl-speaking-la-gi-cau-hoi-2-b

Câu hỏi 3 – Integrated Speaking:

Thí sinh sẽ có 30 giây để chuẩn bị câu trả lời, và sẽ nói trong 60 giây.

Câu hỏi 3 được thiết kế với chủ đề học thuật, và thí sinh sẽ được cung cấp một đoạn văn mẫu và đoạn ghi âm một phần bài giảng cùng chủ đề. Tại đây, thí sinh được yêu cầu trình bày cách những ví dụ trong phần ghi âm làm rõ và hỗ trợ cho các khái niệm học thuật trong đoạn văn mẫu. Dưới đây là câu hỏi số 3 mẫu của bài thi TOEFL Speaking, được trích từ trang chủ của ETS:

toefl-speaking-la-gi-cau-hoi-3

Câu hỏi 4 – Integrated Speaking:

Thí sinh sẽ có 20 giây để chuẩn bị câu trả lời, và sẽ nói trong 60 giây.

Tương tự với câu hỏi 3, câu hỏi 4 được thiết kế với chủ đề học thuật. Tuy nhiên, ở câu hỏi 4, thí sinh sẽ chỉ được cung cấp một đoạn ghi âm một phần bài giảng thuộc chủ đề. Tại đây, thí sinh được yêu cầu tổng hợp lại định nghĩa chính của một khái niệm học thuật bằng cách sử dụng các chi tiết và ví dụ được nêu trong phần ghi âm. Dưới đây là câu hỏi số 4 mẫu của bài thi TOEFL Speaking, được trích từ trang chủ của ETS:

toefl-speaking-la-gi-cau-hoi-4


Có thể thấy, chủ đề và yêu cầu của các câu hỏi trong đề thi TOEFL Speaking được thiết kế để mô phỏng rất rõ môi trường học thuật bằng tiếng Anh mà thí sinh – những du học sinh tiềm năng – có thể gặp phải. Do đó, bài thi sẽ đánh giá sát sao liệu khả năng vận dụng tiếng Anh của thí sinh có đáp ứng được nhu cầu của các môi trường giáo dục này hay không.

Sau khi đã nắm được cấu trúc bài thi TOEFL Speaking, ở phần tiếp theo tác giả sẽ cùng người đọc tìm hiểu các tiêu chí chấm điểm của phần thi này.

Các tiêu chí chấm điểm TOEFL Speaking

toefl-speaking-la-gi-tiru-chi-cham-diem

Về tổng thể, từng câu trả lời của thí sinh sẽ được chấm theo thang điểm từ 0 đến 4. Giám khảo sẽ không chấm riêng từng tiêu chí mà sẽ dựa vào tổng thể phần nói của mỗi câu để cho điểm. Tuy vậy, có ba đặc điểm của phần nói mà giám khảo sẽ tập trung vào để đánh giá, đó chính là khả năng truyền đạt (delivery), khả năng sử dụng ngôn ngữ (language use), và khả năng phát triển ý tưởng (topic development).

Về chi tiết, bài làm của thí sinh được chia thành hai phần chính: Independent SpeakingIntegrated Speaking. Tuy được chia làm 2 dạng câu hỏi, nhưng nhìn chung đối với hai đặc điểm đầu tiên, cách đánh giá dành cho cả 2 phần Speaking có nhiều điểm tương đồng, cụ thể:

Điểm 0: Thí sinh không trả lời vào microphone hoặc câu trả lời hoàn toàn lạc đề.

Điểm 1:

-       Tiêu chí Delivery: Các lỗi về phát âm, ngữ điệu, lặp từ và ngập ngừng thường xuyên xảy ra, gây khó hiểu cho người nghe.

-       Tiêu chí Language Use: Khả năng vận dụng từ vựng – ngữ pháp gặp nhiều hạn chế, gây khó khăn trong việc truyền đạt ý nghĩa. Câu trả lời mang tính rập khuôn, học thuộc lòng.

Điểm 2:

-       Tiêu chí Delivery: Tuy các lỗi về phát âm vẫn còn gây khó khăn cho giám khảo nhưng về cơ bản có thể hiểu được thông điệp trong phần nói.

-       Tiêu chí Language Use: Các cấu trúc câu cơ bản được truyền đạt thành công. Tuy nhiên do hạn chế về từ vựng và ngữ pháp nên các ý tưởng không được diễn đạt đầy đủ hoặc diễn đạt nhưng không rõ ràng.

Điểm 3:

-       Tiêu chí Delivery: Phần nói nhìn chung dễ nghe hiểu và nắm bắt. Tuy thí sinh vẫn còn mắc một số lỗi phát âm nhưng về cơ bản không ảnh hưởng đến ý nghĩa giao tiếp.

-       Tiêu chí Language Use: Các cấu trúc ngữ pháp và từ vựng được sử dụng tương đối hiệu quả. Các ý được sắp xếp hợp lý và mạnh lạc. Tuy các lỗi dùng từ sai có thể làm giảm tính lưu loát nhưng nhìn chung không ảnh hưởng đến toàn bộ thông điệp của phần nói.

Điểm 4:

-       Tiêu chí Delivery: Tổng thể bài nói lưu loát, ngữ điệu và ngắt nhịp được trình bày tự nhiên và dễ hiểu. Các lỗi phát âm tuy vẫn còn nhưng nhìn chung là nhỏ và không đáng kể.

-       Tiêu chí Language Use: Phần trả lời đã bao gồm sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa các cấu trúc từ đơn giản đến phức tạp. Từ vựng và ngữ pháp được vận dụng hiệu quả. Tuy vẫn còn một số lỗi nhưng không ảnh hưởng đến thông điệp chung.

Sau khi đã tìm hiểu một số điểm tương đồng trong các tiêu chí đánh giá khả năng truyền đạt và vận dụng ngôn ngữ, ở phần tiếp theo, tác giả sẽ đi đến phân tích sự khác biệt trong cách chấm điểm 2 phần thi Speaking này ở tiêu chí Topic Development:

Independent Speaking:

-       Điểm 1: Các ý tưởng cá nhân được triển khai rất hạn chế. Thí sinh gần như không thể duy trì phần nói và thường xuyên lặp lại từ ngữ trong các gợi ý.

-       Điểm 2: Các câu trả lời cơ bản được đáp ứng. Tuy vậy, các ý thiếu sự bổ trợ cần thiết. Quá trình phát triển ý tưởng có thể mơ hồ, bị lặp ý hoặc tính liên kết giữa các ý không cao.

-       Điểm 3: Các ý tưởng được truyền đạt tương đối liền mạch và đáp ứng được câu hỏi đề bài. Tuy nhiên sự phát triển ý tưởng bị hạn chế do thiếu các thông tin bổ trợ cần thiết. Đồng thời, liên hệ giữa các ý không thật sự rõ ràng.

-       Điểm 4: Các ý tưởng được phát triển hợp lý và mạnh lạc. Các ý được liên kết với nhau rõ ràng và dễ hiểu.

Integrated Speaking:

-       Điểm 1: Thí sinh không cung cấp được đủ nhiều các câu trả lời liên quan. Các ý triển khai thường không chính xác và mơ hồ.

-       Điểm 2: Câu trả lời có liên quan, nhưng phần lớn không đầy đủ hoặc không chính xác.

  1. Không đầy đủ ở chỗ: Phần trả lời bỏ sót các ý quan trọng, hoặc thiếu dẫn dắt và phát triển các ý quan trọng đó.

  2. Không chính xác ở chỗ: Thí sinh hiểu nhầm các ý trong phần nghe, đồng thời các ý kết nối không chặt chẽ.

-       Điểm 3: Thí sinh đáp ứng được yêu cầu đề bài. Tuy nhiên ý tưởng đôi chỗ vẫn còn chưa được phát triển đầy đủ, chưa cụ thể hoặc chưa chuẩn xác.

-       Điểm 4: Thí sinh cho thấy sự phát triển liền mạch về ý tưởng. Bên cạnh đó, thông tin thí sinh đưa ra nhìn chung là phù hợp và bám sát yêu cầu đề.

Một số lời khuyên đến từ ban khảo thí khi làm bài thi TOEFL Speaking

Từ các phân tích về tiêu chí chấm điểm cho phần thi TOEFL Speaking, có thể thấy bản chất của bài thi này không nhằm đánh giá riêng lẻ vốn từ hay độ phức tạp của ngữ pháp trong câu trả lời thí sinh đưa ra. Thực tế bài thi được thiết kế nhằm đánh giá toàn diện và đồng thời khả năng vận dụng ngôn ngữ và tư duy lập luận của thí sinh trong các môi trường mang tính học thuật cao. Để phần thi này diễn ra thuận lợi nhất, ban khảo thí của ETS đã có một số lời khuyên hữu ích đến với thí sinh, cụ thể:

Đối với câu hỏi 1:

  1. Thí sinh nên tận dụng thời gian chuẩn bị để ghi chú từ khóa gợi ý, không nên viết nguyên văn phần mình chuẩn bị nói.

  2. Thí sinh không nên cố học thuộc lòng đáp án mẫu trên các nguồn tài liệu tham khảo. Giám khảo có thể dễ dàng phát hiện ra và có thể khiến bài thi đạt điểm thấp.

  3. Thí sinh không nên cố sắp xếp các ý như một bài nghị luận, chỉ cần nói thật tự nhiên và dùng các từ nối thông dụng.

Đối với câu hỏi 2:

  1. Thí sinh không nên nói quá nhanh mà cần tập trung nói thật lưu loát và sắp xếp câu từ hợp lý.

  2. Thí sinh nên nghe kĩ thông tin từ phần hội thoại mẫu, ghi chú lại các từ khóa thể hiện sự đồng ý/ không đồng ý của các nhân vật trong phần hội thoại ấy.

Đối với câu hỏi 3 và 4:

  1. Thí sinh không cần quá lo lắng về độ chuyên sâu của đoạn văn học thuật. Điều quan trọng là thí sinh làm chủ được ngôn ngữ của mình trong lúc nói.

  2. Trong quá trình nghe băng ghi âm, thí sinh nên ghi chú lại, sau đó dựa vào phần ghi chú để thực hiện phần nói.

  3. Nếu thí sinh nói xong khi vẫn còn thời gian, thí sinh không nên lặp lại ý vừa nói mà nên tìm những ý tưởng mới có thể phát triển thêm. Cách tốt nhất là thí sinh nên tập luyện để cấu trúc phần nói cho vừa đủ 60 giây.

Tổng kết

Như vậy, qua bài viết này, tác giả đã giới thiệu đến người đọc tổng quan về phần thi TOEFL Speaking, trong đó bao gồm cách thức thi, cũng như phân tích các tiêu chí chấm điểm. Bên cạnh đó, một số lời khuyên hữu ích đến từ ETS cũng đã được gửi đến người đọc. Hy vọng qua bài viết này người đọc sẽ có góc nhìn đầy đủ hơn về phần thi TOEFL Speaking của kì thi TOEFL iBT.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...