Trách nhiệm của người viết và người đọc (writer-responsible vs. reader-responsible) trong việc tạo ra một bài viết hay 

Bài viết này sẽ khám phá 2 lối viết thể hiện văn hóa khu vực - lối viết đặt trách nhiệm vào người viết và lối viết đặt trách nhiệm vào người đọc - để làm sáng tỏ một yếu tố vô hình giúp nâng tầm bài viết bằng tiếng Anh trong quá trình học tập hay làm việc của người học.
author
ZIM Academy
30/03/2022
trach nhiem cua nguoi viet va nguoi doc writer responsible vs reader responsible trong viec tao ra mot bai viet hay

Làm thế nào để tạo ra những bài Writing đạt chất lượng như người bản xứ thuần thục viết? Mặc dù ngữ pháp và từ vựng là những yếu tố quan trọng, nhưng người học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ 2 còn cần hiểu biết về yếu tố văn hóa và cách văn hóa ảnh hưởng tới tư duy. Dựa trên góc độ ấy, các nhà ngôn ngữ học đã phát hiện ra mỗi nền văn hóa học thuật, tiêu biểu là Mỹ và Á Đông, có những kỳ vọng khác nhau về vai trò của người viết và người đọc. Bài viết này sẽ khám phá 2 lối viết thể hiện văn hóa khu vực - lối viết đặt trách nhiệm vào người viết và lối viết đặt trách nhiệm vào người đọc - để làm sáng tỏ một yếu tố vô hình giúp nâng tầm bài viết bằng tiếng Anh trong quá trình học tập hay làm việc của người học.

Key takeaways

  • Lối viết đặt trách nhiệm vào người viết đề cao sự rõ ràng, liên kết mạch lạc. Lối viết đặt trách nhiệm vào người đọc đề cao tính hàm ý, sâu sắc. 

  • Người viết cần cân nhắc đối tượng đọc bài viết để chọn lối viết phù hợp.

Hai lối viết do ảnh hưởng văn hóa

Writer-responsible writing là gì?

Một số nền văn hóa như Mỹ chuộng lối viết đặt trách nhiệm vào người viết (writer-responsible writing). Điều này có nghĩa là trong một văn bản, người viết có trách nhiệm phải tạo ra một bài viết có bố cục rõ ràng, luận điểm luận cứ sắc bén, lời văn lôi cuốn. Trong trường hợp người đọc gặp vấn đề về đọc hiểu với văn bản trên, đó là do người viết thất bại trong việc truyền tải thông điệp hoặc thuyết phục người đọc. Nói cách khác, người viết là người phải nỗ lực nhiều hơn trong mối quan hệ người viết - người đọc. 

Reader-responsible writing là gì?

Khác với nền văn hóa học thuật Mỹ, các nền văn hóa Á Đông (gồm các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam,...) lại đề cao lối viết đặt trách nhiệm vào người đọc (reader-responsible writing). Người sử dụng lối viết này thường đưa những yếu tố đầy ẩn ý sâu sắc như câu chuyện lịch sử, châm ngôn hay tục ngữ,... để người đọc tự nghiền ngẫm và liên kết. Trong trường hợp văn bản gây khó hiểu cho người đọc, thì vấn đề thường được quy là người đọc chưa đủ sâu sắc để hiểu chứ không phải do người viết. Nói cách khác, lúc này, người đọc là người phải nỗ lực nhiều hơn trong mối quan hệ người viết - người đọc. Cần lưu ý rằng lối hành văn này không đồng nghĩa là người viết đặt gây khó dễ cho người đọc. Thay vào đó, theo Connor (1996), việc người viết không tỏ tường mọi thứ trong bài viết là cách thể hiện sự tôn trọng với trí tuệ người đọc, hay nói cách khác, là “ý tại ngôn ngoại”.

Người viết nên chọn lối viết nào?

Người theo lối viết đặt trách nhiệm vào người đọc thường cho rằng bài viết theo lối đặt trách nhiệm vào người viết là cứng nhắc và dư thừa. Và ngược lại, người theo lối viết đặt trách nhiệm vào người viết, khi đọc bài viết theo lối đặt trách nhiệm vào người đọc, nhận đấy sự lòng vòng và thiếu mạch lạc. Điều này gợi ý rằng, không có sự ưu việt hơn trong cách viết, điểm mấu chốt nằm ở sự khác biệt trong văn hóa sử dụng. Do đó, để xác định nên ưu tiên dùng lối viết nào hơn, trước khi bắt tay vào viết một bài, người viết cần cân nhắc xem đối tượng độc giả của mình là ai, đến từ nền văn hóa nào. Từ đó chọn lối viết phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất. 

Do bài viết này hướng tới nhóm đối tượng sử dụng tiếng Anh cho mục đích học tập và làm việc, nên phần chỉ dẫn thực hành phía sau sẽ giúp người đọc phát triển lối viết đặt trách nhiệm vào người viết.

Cách phát triển lối viết đặt trách nhiệm vào người viết

Sử dụng từ chỉ dẫn (signposting)

Ngôn ngữ đặt trách nhiệm vào người viết thường có xu hướng thể hiện cấu trúc nội dung một cách rõ ràng. Với đặc điểm này, người viết rất thường sử dụng các từ chỉ dẫn - những từ thể hiện tín hiệu về nội dung sẽ trình bày tiếp theo của một bài viết. Từ chỉ dẫn giúp người đọc định hình bố cục và cách người viết phát triển nội dung, do đó, chúng thường được dùng ở ngay phần mở bài, khi chuyển ý, khi giới thiệu luận điểm mới, và khi tổng kết nội dung. 

Một số ví dụ tiêu biểu của từ chỉ dẫn sử dụng trong phần Writing:

  • The graph shows… / The table reveals…

  • A similar trend can be observed in…

  • From my perspective, I agree that...

  • In fact,... / More importantly,... / Furthermore,...

  • However,... / Conversely,... / Another point to consider is,...

  • Likewise,... / Again,... / Also,...

  • To sum up, … / In summary, … / In short, …

Cụ thể, trong bài thi IELTS Writing Task 2, người viết có thể dùng từ chỉ dẫn ở một số điểm sau đây:

Ở phần mở bài, người viết có thể thể hiện cấu trúc nội dung toàn bài thông qua việc giới thiệu quan điểm của mình và đồng thời những luận điểm mà mình sẽ lần lượt phân tích trong bài.

 loi-viet-tieng-anh-institution

“However, I am in favour of sending children to an educational institution because it is more beneficial for their overall development and prepares them for their future.”

(Nguồn: ielts-practice.org)

Dịch nghĩa:

“Tuy nhiên, tôi ủng hộ việc gửi trẻ đến cơ sở giáo dục vì điều đó có lợi hơn cho sự phát triển toàn diện của trẻ và chuẩn bị cho tương lai của trẻ”.

Có thể thấy ngay tại đây, có 2 thứ đã được sáng tỏ: (1) quan điểm đồng tình của người viết và (2) các luận điểm mà người viết định triển khai trong bài.

Ngoài các từ chỉ dẫn nhằm giới thiệu nội dung kể trên, bài viết còn sử dụng các từ chuyển ý (như “However” để chỉ dẫn về sự đối lập với câu trước đó, “because” để chỉ dẫn về mối quan hệ nhân quả trong câu). 

Ở phần thân bài, người viết có thể dùng từ chỉ dẫn để giới thiệu các luận điểm của từng đoạn thân bài ở ngay câu đầu tiên. 

Ví dụ:

The biggest advantage of homeschooling is that children can learn at their pace and at a time convenient for them and their parents or teacher. Children attending regular schools cannot have this luxury. 

Dịch nghĩa:

Ưu điểm lớn nhất của giáo dục tại nhà là trẻ em có thể học theo tốc độ của chúng và vào thời điểm thuận tiện cho chúng và cha mẹ hoặc giáo viên của chúng. Trẻ em học trường bình thường không thể có được điều xa xỉ này.

Ở phần kết luận, người viết cần thể hiện dấu hiệu rõ ngay lập tức rằng đây là phần kết thông qua các từ chỉ dẫn như In conclusion, to conclude,... 

Ví dụ:

To conclude, while it is true that homeschooling does have some advantages, I am in favour of sending children to regular schools because a lot of skills that they learn at school cannot be learned or taught at home.

Dịch nghĩa:

Kết luận là, mặc dù đúng là dạy học tại nhà có một số lợi thế, nhưng tôi ủng hộ việc gửi trẻ đến các trường bình thường vì nhiều kỹ năng mà trẻ học ở trường không thể học hoặc dạy ở nhà.

Đảm bảo độ liên kết (cohesion) 

Trong quá trình phát triển nội dung, người viết cần phát triển thông tin mới dựa trên nền tảng là thông tin cũ đã được cung cấp trước đó để tạo ra sự liền mạch cho văn bản. Để thực hiện điều này, người viết có thể sử dụng các phương tiện tạo tính liên kết (cohesive devices) như các đại từ chỉ định (this, that,...), liên kết ngữ vựng (sử dụng từ cùng trường từ vựng, lặp từ, từ đồng nghĩa...),... để móc nối giữa các câu văn với nhau.

Ví dụ:

The trend towards people living alone is perhaps even more damaging because of the psychological effects of reduced human interaction. (1) Individuals who live on their own have nobody to talk to in person, so they cannot share problems or discuss the highs and lows of daily life. (2)

(Nguồn: Ielts Simon)

Dịch nghĩa:

Xu hướng đối với những người sống một mình có lẽ thậm chí còn gây hại nhiều hơn vì những tác động tâm lý của việc giảm tương tác giữa con người với nhau. Các cá nhân sống riêng không có ai để nói chuyện trực tiếp, vì vậy họ không thể chia sẻ các vấn đề hoặc thảo luận về mức độ cao và thấp của cuộc sống hàng ngày.

Trong đoạn văn trên, mối liên hệ giữa các ý được xây đắp một cách dần dần, ý câu 2 phát triển dựa trên ý của câu 1, do đó, người đọc không cảm thấy bị đứt mạch hay phải tự suy luận ngầm. Cụ thể, mạch phát triển của ý trong ví dụ trên như sau:

loi-viet-tieng-anh-people-living-alone

The trend towards people living alone → Reduced human interaction → Have nobody to talk to → Cannot share problems

Xem thêm

Hạn chế phụ thuộc vào kiến thức nền mang tính văn hóa

Các ngôn ngữ đặt trách nhiệm vào người viết ý thức rõ rệt hơn về kiến thức nền của người đọc. Những người thuộc nền văn hóa này có xu hướng cho rằng người đọc và người viết chia sẻ rất ít kiến thức về đề tài, do đó, người viết theo ngôn ngữ này thường cố gắng giới thiệu về ngữ cảnh, nền tảng kiến thức trước khi họ tiếp tục phân tích đề tài sâu hơn (Qi and Liu, 2007). Trong khi đó, ngôn ngữ đặt trách nhiệm vào người đọc thường dựa khá nhiều vào kiến thức nền, ví dụ như về lịch sử, truyền thống, ca dao, tục ngữ,... để có thể hiểu được nội dung được truyền tải. 

Do đó, trước khi đưa các kiến thức văn hóa dân tộc vào bài luận của mình, người viết cần đặt câu hỏi cho bản thân rằng: Liệu một người đến từ nền văn hóa khác có hiểu ý nghĩa của nội dung này không, và mình cần giải thích cặn kẽ như thế nào để người đó có thể hiểu được ý đồ của mình. 

Ví dụ:

More recently we have our beloved Uncle Ho, an exemplary case in learning. In his youth, Mr. Nguyen Tat Thanh had set for himself a respectable goal: to travel around the world in order to learn from other countries so that he could help his own people.

Dịch nghĩa:

Gần hơn có Bác Hồ kính yêu – một tấm gương vượt khó trong học tập. Thời trai trẻ, anh thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã xác định chi mình một quan niệm sống đúng đắn: phải đi nhiều nơi, phải học nhiều điều hay, điều mới để giúp ích cho đất nước và dân tộc.

Sự khó hiểu đối khi đọc đoạn văn trên nằm ở chỗ: một người đọc đến từ nền văn hóa khác - không hề biết rằng 2 danh từ chỉ tên riêng “Bác Hồ” và “Nguyễn Tất Thành” đều chỉ cùng một người - có thể lầm tưởng các câu trên rời rạc và không liên quan đến nhau.

Tổng kết

Với mục đích truyền tải nội dung sao cho người đọc có thể hiểu được ý của người viết, văn hóa học thuật Mỹ đòi hỏi sự minh bạch và tính liên kết của nội dung, do đó, đề cao lối viết đặt trách nhiệm vào người viết. Ngược lại, văn hóa học thuật Á Đông có xu hướng thêm các yếu tố mang tính hàm ý sâu xa, khiến người đọc phải ngẫm nghĩ, do đó ưa chuộng lối viết đặt trách nhiệm vào người đọc. Tùy nền tảng văn hóa của đối tượng người đọc mà người viết cần linh hoạt lựa chọn lối viết phù hợp.

Trong viết tiếng Anh, để làm quen với lối viết đặt trách nhiệm vào người viết, người học tiếng Anh như ngoại ngữ có thể để ý nhiều hơn tới việc sử dụng các từ chỉ dẫn, phát triển mạch ý từ cũ đến mới, và cần lý giải những kiến thức mang tính văn hóa địa phương để người đọc đến từ nền văn hóa khác có thể hiểu được ý đồ nội dung của mình. 

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Tham khảo thêm lớp học IELTS online tại ZIM Academy, giúp người học nâng band điểm IELTS và học tập linh hoạt, chủ động sắp xếp lịch học, đảm bảo kết quả đầu ra.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu