Các loại trạng từ (Adverbs) trong tiếng Anh – Phần 3
Trong phần 2 các loại trạng từ trong tiếng Anh, tác giả đã đi giới thiệu một số dạng trạng từ cũng như cách ứng dụng chúng vào trong giao tiếp tiếng Anh. Ở phần này, bài viết sẽ tập trung cung cấp kiến thức vào 3 dạng trạng từ: Hội tụ (Focusing adverbs), phủ định (Negative adverbs), liên kết (Conjunctive adverbs).
Trạng từ hội tụ (Focusing adverbs)
Định nghĩa
Trạng từ hội tụ có chức năng giới hạn, hướng sự chú ý đến một đối tượng cụ thể trong câu.
Trạng từ Hội tụ có thể được chia thành nhiều loại tùy thuộc vào chức năng của chúng: hướng sự chú ý đến thông tin được bổ sung, giới hạn hoặc phủ định, thông tin có tính bất ngờ hay đưa ra lựa chọn.
Vị trí
Vị trí của trạng từ hội tụ ảnh hưởng đến thông tin được nhấn mạnh và do đó, thay đổi hàm ý của câu.
Xét sự khác biệt giữa 4 câu dưới đây:
Only Emma can cook Chinese dishes at the party: Chỉ mỗi Emma chứ không ai khác có thể nấu các món ăn Trung Quốc ở bữa tiệc.
Emma can only cook Chinese dishes at the party: Emma chỉ có thể nấu các món ăn Trung Quốc chứ không làm việc gì khác ở bữa tiệc.
Emma can cook only Chinese dishes at the party: Emma chỉ có thể nấu các món ăn Trung Quốc chứ không nấu được các loại món khác.
Emma can cook Chinese dishes only at the party: Emma chỉ có thể nấu các món ăn Trung Quốc ở bữa tiệc này chứ không nấu ở các bữa tiệc khác.
Khi bổ nghĩa cho động từ hay cụm động từ, trạng từ Hội tụ phải được đặt ở trước động từ chính.
Ví dụ:
We just stayed at home all day long. (Chúng tôi chỉ ở nhà cả ngày.)
The staff only have a 30-minute lunch break. (Nhân viên chỉ có một lần nghỉ trưa 30 phút.)
Young people mostly want to wear certain brands to show their style. (Giới trẻ chủ yếu muốn mang quần áo nhãn hiệu để thể hiện phong cách.)
Tuy nhiên, Trạng từ Hội tụ phải được đặt sau động từ “be”.
Ví dụ:
There is just Thomas in the library. (Chỉ có mỗi Thomas trong thư viện.)
The new training room is exclusively for the Human Resources Department. (Phòng đào tạo mới chỉ độc nhất dành cho Phòng Nhân sự.)
Environmentalists are particularly concerned about the air quality in this city. (Những nhà môi trường học đặc biệt quan tâm đến chất lượng không khí ở thành phố này.)
Bổ sung thông tin (adding)
Để nhấn mạnh vào thông tin được bổ sung, các trạng từ “also”, “as well” và “too” có thể được sử dụng.
Ví dụ:
Nate is coming to the concert and is also bringing Chris. (Nate sẽ đến buổi hòa nhạc và còn rủ được Chris). Trong đó, trạng từ “also” nhấn mạnh vế “is bringing Chris”, thể hiện sự quan trọng của thông tin này đối với người nói.
Lindsey will go on a business trip to Shanghai next week, and Amy will accompany her too. (Lindsey sẽ có một chuyến công tác đến Thượng Hải vào tuần tới, và Amy cũng sẽ đi cùng). Trong đó, trạng từ “too” giúp bổ sung thông tin về việc Amy sẽ đi cùng Lindsey và nhấn mạnh sự quan trọng của việc này.
Giới hạn thông tin (limiting)
Để nhấn mạnh vào thông tin ám chỉ có sự giới hạn, các Trạng từ Hội tụ sau được sử dụng: “alone”, “but”, “exactly”, “exclusively”, “just”, “merely”, “not only”, “only”, “precisely”, “purely”, “simply”, “solely”.
Ví dụ:
Just Lucy is chosen for the play. (Chỉ mỗi Lucy được lựa chọn cho vở kịch). “Just” được dùng để nhấn mạnh chỉ một mình Lucy, không ai khác được lựa chọn.
The plan must be finalized in exactly three days. (Bản kế hoạch phải được hoàn thiện trong chính xác ba ngày). “Exactly” được dùng để nhấn mạnh thời hạn chỉ trong đúng ba ngày, không hơn không kém.
Simply smiling and being warm to people can help a lot with becoming more positive. (Việc đơn giản chỉ cười và nồng hậu với mọi người rất có ích trong việc trở nên tích cực hơn). “Simply” được dùng để nhấn mạnh việc đơn giản chỉ cần làm là cười và nồng hậu.
Giới hạn thông tin một phần (partially limiting)
Để nhấn mạnh vào thông tin ám chỉ sự giới hạn một phần, có mức độ, các trạng từ Hội tụ sau đây được sử dụng: “chiefly”, “especially”, “mainly”, “mostly”, “notably”, “particularly”, “in particular”, “predominantly”, “primarily”, “at least”, “for the most part”, “by and large”.
Ví dụ:
I would like to invite everyone to the party, especially Jamie – the newcomer. (Tôi muốn mời tất cả mọi người đến bữa tiệc, đặc biệt là người mới tới Jamie): Tất cả đều được chào đón, nhưng đặc biệt nhất là Jamie.
This brand offers mostly natural skincare products. (Nhãn hàng này cung cấp chủ yếu là sản phẩm dưỡng da tự nhiên):Có nhiều loại sản phẩm khác nhưng phần lớn là loại tự nhiên.
Facebook users are predominantly youngsters. (Người dùng Facebook chủ yếu là giới trẻ): Có nhiều loại người dùng nhưng chiếm số đông vẫn là những người trẻ tuổi.
Phủ định thông tin (negative)
Để nhấn mạnh vào thông tin mang ý phủ định, trạng từ “neither/nor” được sử dụng.
Ví dụ:
Neither Laura nor Becky showed up. (Cả Laura lẫn Becky đều không xuất hiện.)
Or: Laura didn’t show up, and neither did Becky. (Laura đã không xuất hiện và Becky cũng vậy). Nghĩa là, việc cả hai đều không xuất hiện là rất đáng lưu ý.
The study pointed out that neither salary nor personal interest is the most important factor affecting job satisfaction. (Cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả mức lương lẫn sở thích cá nhân đều không phải là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc.)
Or: The study pointed out that salary is not the most important factor affecting job satisfaction, and neither is personal interest. Nghĩa là, việc cả hai yếu tố đều không quan trọng nhất là rất đáng lưu ý.
Tính bất ngờ (surprise)
Để nhấn mạnh vào tính bất ngờ của thông tin, trạng từ “even” được sử dụng.
Ví dụ:
Even the Manager cried at the year-end party! (Ngay cả Quản lý cũng khóc ở bữa tiệc cuối năm!). Giải nghĩa: Nhiều người đã khóc ở bữa tiệc, kể cả Quản lý – điều rất bất ngờ.
Even today, scientists are unable to understand how gold is made. (Ngay đến tận ngày nay, các nhà khoa học vẫn không thể hiểu vàng được tạo ra bằng cách nào). Giải nghĩa, việc không hiểu vàng được tạo ra bằng cách nào đã tồn tại lâu, kể cả đến hiện tại – điều rất bất ngờ.
Thông tin đưa ra lựa chọn
Để nhấn mạnh về lựa chọn giữa hai đối tượng, trạng từ “either/or” được sử dụng.
Ví dụ:
Customers can receive either shopping vouchers or travel vouchers. (Khách hàng có thể nhận được hoặc là voucher mua sắm hoặc là voucher du lịch.)
Genetic predetermination is contradicted by the widespread observation that children do not settle on either their right or left hand until they are about two or three years old. (Sự tiền định di truyền đối nghịch với quan sát thông thường rằng trẻ em không thể hiện thuận hoặc tay phải hoặc tay trái cho đến khi lên khoảng hai hay ba tuổi.)
Trạng từ phủ định (Negative adverbs)
Định nghĩa
Trạng từ phủ định bổ nghĩa cho động từ, tính từ hay trạng từ khác theo hướng phủ định. “No” và “not” là hai Trạng từ Phủ định thông dụng nhất.
Trạng từ phủ định “no”: thường được dùng để phủ định tính từ hoặc trạng từ ở dạng so sánh.
Ví dụ:
She runs no more quickly than her rival. (Cô ấy không chạy nhanh hơn đối thủ của cô ấy.)
Our new products are no better than the existing ones. (Những sản phẩm mới của chúng ta không khá hơn những sản phẩm trước đó.)
Trạng từ Phủ định “not”: có thể được đặt hoặc sau trợ động từ/động từ khiếm khuyết và trước động từ chính hoặc sau động từ “be”.
Ví dụ:
We may not go to the shopping mall today. (Chúng tôi có thể sẽ không đến trung tâm thương mại vào ngày hôm nay.)
Andy did not prepare for the sales pitch. (Andy đã không chuẩn bị cho bài giới thiệu bán hàng.)
Many people are not aware of the vital importance of mental health. (Nhiều người không nhận thức được tầm quan trọng to lớn của sức khỏe tinh thần.)
Một số trạng từ phủ định khác
Đặc điểm chung của những trạng từ dưới đây là chúng không đi cùng “not” vì bản thân chúng đã hàm chứa ý phủ định.
“Hardly”, “barely”, “scarcely”: mang ý nghĩa “hầu như không”.
Ví dụ:
We can barely see the mountains from this angle. (Chúng tôi hầu như không thể nhìn thấy núi từ góc này.)
Mark hardly finishes his tasks on time. (Mark hầu như không hoàn thành nhiệm vụ của mình đúng giờ.)
It’s scarcely surprising that a growing number of people are switching from plastic straws to paper ones. (Việc nhiều người chuyển từ ống hút nhựa sang ống hút giấy hầu như không có gì bất ngờ.)
“No longer”, “rarely”, “seldom”, “barely ever”, “hardly ever”, “never”: mang ý nghĩa “không bao giờ” hoặc “không thường xuyên”.
Ví dụ:
I no longer eat out. (Tôi không còn ăn ngoài nữa.): Đã từng ăn ngoài trước đó nhưng bây giờ thì không.
The Director has hardly ever/barely ever/seldom/rarely turned up at the office in the past few weeks. (Giám đốc hiếm khi xuất hiện ở văn phòng trong những tuần vừa qua.)
It’s never too late to adopt a healthy lifestyle. (Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một lối sống lành mạnh.)
“Under no circumstances”, “in no way”, “on no condition”: mang ý nghĩa phủ định hoàn toàn.
Ví dụ:
We in no way like this design. (Chúng tôi không hề thích thiết kế này.)
This client will under no circumstances sign the contract. (Khách hàng này chắc chắn sẽ không ký hợp đồng.)
Women should on no condition be discriminated against. (Phụ nữ nên không bao giờ bị đối xử phân biệt.)
Lưu ý:
Trong tiếng Anh, hai yếu tố phủ định không nên cùng được sử dụng trong câu. Nếu đã sử dụng một trạng từ phủ định, không thể thêm “no”, “not” hay một Trạng từ Phủ định khác để phủ định lại lần nữa.
Ví dụ:
“Students should under no circumstances cheat in a test.” (Học sinh tuyệt đối không nên gian lận trong thi cử.): Đúng.
“Students shouldn’t under no circumstances cheat in a test.”: Sai. Câu này hàm chứa ý “Có những trường hợp học sinh nên gian lận trong thi cử.”
Tuy nhiên, với mục đích nhấn mạnh, cách nói “phủ định kép” này đôi khi vẫn có thể được sử dụng nhưng chỉ phù hợp với giao tiếp đời sống hằng ngày, không nên áp dụng vào văn viết trang trọng.
Ví dụ:
You can’t just not do anything all day long! (Bạn không thể chỉ không làm gì cả ngày dài!). Ý nghĩa hàm chứa và nhấn mạnh ý “Bạn nên làm việc gì đó”.
Trạng từ liên kết (Conjunctive adverbs)
Định nghĩa
Trạng từ liên kết – Conjunctive Adverbs là gì? Loại trạng từ này có chức năng liên kết và thể hiện quan hệ ngữ nghĩa giữa hai mệnh đề độc lập.
Vị trí
Khi trạng từ liên kết bắt đầu mệnh đề thứ hai, hai mệnh đề thường được ngăn cách bởi dấu chấm phẩy hoặc bởi dấu chấm (tách thành hai câu riêng biệt), không sử dụng dấu phẩy như các ví dụ dưới đây.
Bên cạnh đó, trạng từ liên kết còn có thể được đặt ở giữa hoặc ở cuối (tùy vào nhịp điệu của câu) mệnh đề thứ hai.
Ví dụ:
Brenda didn’t enjoy the movie; she therefore didn’t recommend it to us.
Brenda didn’t enjoy the movie; she did not, as a result, recommend it to us.
Brenda didn’t enjoy the movie; she didn’t recommend it to us, consequently.
Dưới đây là một số trạng từ liên kết thông dụng tương ứng với những quan hệ ngữ nghĩa khác nhau:
Kết quả |
|
Kết quả bất ngờ |
|
So sánh |
|
Tương phản |
|
Bổ sung thông tin |
|
Kết quả
Khi mệnh đề thứ hai là kết quả của hành động, sự việc trong mệnh đề thứ nhất, các trạng từ “therefore”, “as a result”, “accordingly”, “consequently”, “hence”, “thus” được sử dụng.
Ví dụ:
Brenda didn’t enjoy the movie; therefore, she didn’t recommend it to us. (Brenda không thích bộ phim, do vậy cô ấy đã không đề xuất nó cho chúng ta). Hành động không đề xuất bộ phim là kết quả của việc Brenda không thích nó.
The supervisor was impressed with the presentation; as a result, she decided to choose our plan. (Quản lý đã rất ấn tượng với bài thuyết trình, do đó cô ấy quyết định lựa chọn kế hoạch của chúng tôi). Quyết định lựa chọn kế hoạch là kết quả của việc cảm thấy ấn tượng với bài thuyết trình.
Most parents nowadays are very busy with their work; consequently, they tend to spend less time taking care of their children. (Phần lớn phụ huynh ngày nay rất bận rộn với công việc, vì vậy họ có xu hướng dành ít thời gian chăm sóc con cái hơn). Việc dành ít thời gian chăm sóc con cái là kết quả của sự bận rộn làm việc của cha mẹ.
Kết quả bất ngờ
Khi mệnh đề thứ hai là kết quả bất ngờ, không đoán trước được của hành động, sự việc trong mệnh đề thứ nhất, các trạng từ “nevertheless”, “nonetheless”, “surprisingly”, “still” được sử dụng. Nghĩa của hai mệnh đề được ngăn cách bởi các trạng từ này thường đối lập nhau để nhấn mạnh tính bất ngờ của hành động, sự việc.
Ví dụ:
I didn’t study Math; nevertheless, I passed the test! (Tôi đã không học môn Toán, thế nhưng tôi đã thi đỗ!)
The campaign cost far too much money; nonetheless, the Executive Board decided to launch it. (Chiến dịch này tốn rất nhiều kinh phí, thế nhưng Ban Điều hành đã quyết định phát động nó.)
Most of the participants in the survey do not learn English at school; surprisingly, they all have an excellent command of this language. (Đa số những người tham gia khảo sát không học Tiếng Anh ở trường, thế nhưng họ đều có khả năng sử dụng ngôn ngữ này rất tốt.)
So sánh
Khi hành động, sự việc trong hai mệnh đề có điểm tương đồng, trạng từ “similarly” và “comparatively” được sử dụng.
Ví dụ:
I was brought up in New York City. Similarly, my best friend was brought up in Chicago. (Tôi đã lớn lên ở thành phố New York còn bạn thân tôi thì lớn lên ở Chicago.)
Sam wanted to become a movie producer; comparatively, his brother wanted to become a designer. (Sam muốn trở thành một nhà sản xuất phim còn em trai cậu ấy thì muốn làm nhà thiết kế.)
Khi hành động, sự việc trong hai mệnh đề không chỉ có điểm tương đồng mà hoàn toàn giống nhau, trạng từ “likewise” và “equally” được sử dụng.
Ví dụ:
I was brought up in New York City; likewise, my best friend was brought up in the city. (Tôi đã lớn lên ở thành phố New York và bạn thân tôi cũng như vậy.)
Sam wanted to become a movie producer. Equally, his brother dreamed of producing films. (Sam muốn trở thành một nhà sản xuất phim và em trai cậu ấy cũng mơ ước như vậy.)
Tương phản
Có hai mức độ tương phản:
Khi hành động, sự việc trong hai mệnh đề hoàn toàn đối nghịch, trái ngược nhau, tất cả các trạng từ trong bảng trên đều có thể được sử dụng.
Ví dụ:
I’m really into dancing; on the other hand, my sister totally hates it. (Tôi rất thích nhảy. Tuy nhiên, em gái tôi lại vô cùng ghét nó.)
Nick is terrible at analyzing statistics; in contrast, his colleague, Edward, is really good at it. (Nick rất tệ trong việc phân tích số liệu thống kê. Ngược lại, Edward, đồng nghiệp của anh ấy, thì lại rất giỏi phần này.)
Khi hành động, sự việc trong hai mệnh đề có sự đối nghịch, trái ngược nhưng không hoàn toàn, những trạng từ thể hiện mức độ nhẹ hơn nên được sử dụng thay vì “on the other hand” hay “in contrast”.
Ví dụ:
I’m really into dancing; however, my sister is not really a big fan of it. (Tôi rất thích nhảy. Tuy nhiên, em gái tôi thì không thích nó cho lắm.)
Nick is terrible at analyzing statistics; instead, he’s better at finding them. (Nick rất tệ trong việc phân tích số liệu thống kê. Thay vào đó, anh ấy giỏi tìm kiếm chúng hơn.)
Lưu ý:
Sự khác biệt giữa “on the other hand” và “on the contrary”:
“On the other hand” thường được dùng để giới thiệu thông tin tương phản với thông tin trong mệnh đề thứ nhất nhưng hàm ý cả hai thông tin đều có tầm quan trọng về ý nghĩa ngang nhau. Trong khi đó,
“On the contrary” lại giới thiệu và nhấn mạnh vào thông tin tương phản và thường hàm ý rằng thông tin trong mệnh đề thứ nhất là không đúng.
Ví dụ:
This is an underdeveloped country, but on the other hand it’s very beautiful and tranquil. (Đây là một đất nước kém phát triển thế nhưng lại rất đẹp và bình yên). Trường hợp này, hai tính chất “kém phát triển” và “đẹp, bình yên” tuy đối nghịch nhau về sắc thái tiêu cực – tích cực nhưng đều đúng về đất nước này.
The mayor didn’t seem irritated by the baseless rumor; on the contrary, he seemed to enjoy it. (Thị trưởng không có vẻ khó chịu bởi tin đồn vô căn cứ. Ngược lại, ông ấy còn tỏ vẻ thích thú). Trường hợp này, hai phản ứng “không khó chịu” và “thích thú” đối nghịch nhau và câu này hàm ý rằng việc thị trưởng cảm thấy khó chịu bởi lời đồn vô căn cứ là không đúng.
“By comparison” và “by contrast” là cách viết/nói ít thông dụng hơn so với tương ứng “in comparison” và “in contrast” dù ngữ nghĩa không có sự khác biệt.
“In contrast” và “by contrast” thể hiện mức độ tương phản cao hơn “in comparison” và “by comparison”.
Bổ sung thông tin
Có hai mức độ bổ sung thông tin:
Khi mệnh đề thứ hai bổ sung thông tin có vai trò, ý nghĩa ngang hàng với mệnh đề thứ nhất, các trạng từ “also” và “in addition” được sử dụng.
Ví dụ:
When you make the dinner, remember that Nancy doesn’t like fish; in addition, she can’t eat lamb. (Khi chuẩn bị bữa tối, hãy nhớ rằng Nancy không thích ăn cá. Bên cạnh đó, cô ấy không ăn được thịt cừu.) Thông tin được bổ sung “không ăn được thịt cừu” có vai trò, ý nghĩa ngang hàng với thông tin ở mệnh đề trước, đều đang liệt kê những lưu ý khi chuẩn bị bữa tối cho Nancy.
The new secretary is very careful; also, she is hard-working. (Thư ký mới rất cẩn thận. Bên cạnh đó, cô ấy cũng chăm chỉ). Thông tin được bổ sung “cô ấy chăm chỉ” có vai trò, ý nghĩa ngang hàng với thông tin ở mệnh đề trước, đều đang liệt kê những tính cách tốt của thư ký mới.
Khi mệnh đề thứ hai bổ sung thông tin có vai trò, ý nghĩa quan trọng hơn so với mệnh đề thứ nhất, các trạng từ “further”, “furthermore”, “moreover” được sử dụng.
Ví dụ:
Tony was fired because he was often late; furthermore, the quality of his work was really poor.” (Tony đã bị sa thải vì thường đi trễ. Hơn nữa, chất lượng công việc của anh ấy không cao.) Thông tin được bổ sung “chất lượng công việc không cao” có vai trò quan trọng hơn trong việc giải thích lí do Tony bị sa thải.
Being a doctor is a demanding job; moreover, people normally don’t earn a lot of money until they’ve been practicing hard enough. (Bác sĩ là một công việc đòi hỏi cao. Hơn nữa, người ta thường không làm ra được nhiều tiền cho đến khi đã luyện tập đủ nhiều.) Thông tin được bổ sung “không làm ra được nhiều tiền” có vai trò quan trọng hơn trong việc giải thích tính chất công việc bác sĩ.
Trên đây bạn đã được biết khái niệm và cách dùng của 3 loại trạng từ gồm: Hội tụ – Focusing adverbs, Phủ định – Negative adverbs, Liên kết – Cọnunetive Adverbs
Xem thêm:
Phạm Trần Thảo Vy
- Ngữ pháp tiếng Anh
- Đại từ phản thân (Reflexive Pronouns) là gì - Cách sử dụng và bài tập ứng dụng
- Trạng từ chỉ mức độ (Adverbs of degree) trong tiếng Anh: Định nghĩa và cách sử dụng
- Các loại trạng từ (Adverbs) trong tiếng Anh – Phần 3
- Trạng từ chỉ nơi chốn (Adverbs of Place) trong tiếng Anh: Định nghĩa và cách sử dụng
- Từ hạn định, các loại từ hạn định, định nghĩa, cách sử dụng và ví dụ (Phần 2)
- Từ hạn định, các loại từ hạn định, định nghĩa, cách sử dụng và ví dụ (Phần 1)
- Danh từ tập hợp trong tiếng Anh là gì? Tổng hợp những kiến thức cần biết và cách ứng dụng
- Bài tập thì tương lai hoàn thành tiếp diễn có đáp án và giải chi tiết
- Danh từ cụ thể và danh từ trừu tượng trong tiếng Anh là gì?
- Từ hạn định chỉ định là gì? Định nghĩa, cách sử dụng và ví dụ
Tham khảo thêm khóa học tiếng Anh giao tiếp tại ZIM, giúp học viên cải thiện các kỹ năng giao tiếp và tăng phản xạ trong tình huống thực tế.
Bình luận - Hỏi đáp