Tư duy hiệu quả là gì? ứng dụng trong IELTS Speaking part 3
Trong IELTS Speaking, Part 3 được coi là phần khó nhất đối với đại bộ phận các thí sinh vì nó bao gồm các câu hỏi trừu tượng và tương đối phức tạp, do vậy, bên cạnh kỹ năng về ngôn ngữ, thí sinh cần phát triển thêm tư duy về các vấn đề được đưa ra để giải quyết các câu hỏi ở phần này. Trong bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu đến người đọc phương pháp tư duy hiệu quả (Productive thinking) và ứng dụng của phương pháp này trong cách trả lời IELTS Speaking part 3.
Tư duy hiệu quả là gì?
Định nghĩa
Tư duy hiệu quả (productive thinking) là cấp độ suy nghĩ bậc cao nhất giúp giải quyết các vấn đề, đồng thời, nó là một dấu hiệu cho thấy một cá nhân có sự thành công trong học tập, công việc và các mối quan hệ trong xã hội.
Cụ thể, trong quá trình tìm hiểu vấn đề, người học sẽ tìm ra các manh mối, sự thật, bằng chứng hay các mối liên hệ – các phát hiện này sau đó sẽ được người học sử dụng cùng với sự sáng tạo, phân tích để tìm ra một giải pháp hiệu quả cho vấn đề (Murtianto, Muhtarom, Nizaruddin, Suryaningsih, 2019).
Nói tóm lại, tư duy hiệu quả là khả năng phân tích vấn đề trên nhiều khía cạnh và căn cứ vào nguồn lực có sẵn để giải quyết vấn đề đó với giải pháp tối ưu nhất trong số nhiều giải pháp đã được nghĩ ra.
Mô hình tư duy hiệu quả của Hurson
Hurson đã phát triển mô hình tư duy hiệu quả và ghi lại mô hình này trong cuốn sách “Think Better” (xuất bản năm 2007).
“Think Better” xuất bản năm 2007
Theo đó, mô hình này gồm 6 bước khái quát như sau:
Đặt câu hỏi “Điều gì đang diễn ra?”
Đặt câu hỏi “Thành công đạt được là gì?”
Đặt câu hỏi “Các câu hỏi giúp giải quyết vấn đề đưa ra là gì?”
Đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi trên
Phát triển giải pháp
Sắp xếp nguồn lực
Quan sát mô hình trên, người học sẽ nhận thấy tầm quan trọng của việc liên tục đưa ra các câu hỏi giúp hiểu, phân tích và đưa ra giải pháp phù hợp với các nguồn lực hiện có để giải quyết vấn đề.
Đây cũng chính là ưu điểm của tư duy hiệu quả – giúp người học nhìn vấn đề một cách đa chiều và có tính phản biện đồng thời đưa ra được giải pháp hiệu quả nhất cho vấn đề.
Từ mô hình trên, Hurson đã làm rõ thêm các giai đoạn như sau:
Bước 1: Đặt câu hỏi “Điều gì đang diễn ra?”
Điều gì đang diễn ra?
Để hiểu kỹ hơn về câu hỏi này, người học có thể đưa ra một số câu hỏi phụ như sau:
Vấn đề hiện tại là gì?
Ảnh hưởng của vấn đề này: trực tiếp/gián tiếp; đối tượng chịu ảnh hưởng.
Vấn đề này đã từng được đề cập đến chưa?
Mục tiêu cụ thể là gì?
Bước 2: Đặt câu hỏi “Thành công là gì?”
Để giải quyết câu hỏi này, Hurson gợi ý người học trả lời các câu hỏi “DRIVE” như sau:
Do: Người học muốn giải pháp giải quyết điều gì?
Restrictions: Giải pháp này có hạn chế gì không?
Investment: Các nguồn lực người học có để giải quyết vấn đề
Values: Giá trị của giải pháp là gì? (Điều quan trọng nhất của giải pháp là gì?)
Essential outcomes: Các tiêu chí để đánh giá giải pháp có thành công hay không.
Bước 3: Đặt câu hỏi: “Các câu hỏi có thể đưa ra ở đây là gì?”
Các câu hỏi trong bước này liên quan tới cách thức (câu hỏi “How”) mà người học có thể áp dụng để giải quyết được vấn đề. Các câu hỏi này còn phải giúp được người học đạt được mục tiêu cụ thể đã đặt ra ở bước 1.
Bước 4: Trả lời câu hỏi
Ở bước này, người học sẽ tìm ra lời giải cho câu hỏi về cách thức được đặt ra ở bước trên. Nói cách khác, người học sẽ đưa ra quyết định sử dụng phương pháp/kỹ năng/kiến thức nào để giúp giải quyết vấn đề.
Bước 5: Phát triển giải pháp
Phát triển giải pháp
Sau khi tìm ra phương pháp, người học sẽ bắt đầu phát triển riêng giải pháp cho vấn đề mình gặp phải. Ở bước 4, có thể người học sẽ đưa ra được rất nhiều phương pháp, tuy nhiên, điều cần chú ý ở bước này đó là tìm ra giải pháp tối ưu nhất, do vậy, người học cần xem xét giải pháp nào phù hợp với các tiêu chí đã được đặt ra ở bước 2.
Bước 6: Sắp xếp nguồn lực
Khi đã tìm ra được giải pháp tối ưu nhất, bước cuối cùng, người học sẽ tận dụng các nguồn lực mình có (đã được liệt kê ở bước 2) để bắt đầu thực hiện quá trình giải quyết vấn đề.
Phân tích ví dụ thực tiễn theo mô hình Hurson
Vấn đề: Một học sinh cần tăng band điểm Writing Task 2 từ 6.0 lên 7.0 trong vòng 2 tháng để nộp hồ sơ du học (điểm Viết tối thiểu 7.0).
Phân tích vấn đề theo các bước:
Bước 1: “Điều gì đang diễn ra?”
Vấn đề: Người học đang gặp khó khăn trong việc nâng band điểm bài viết task 2 của họ từ band 6 lên band 7.
Ảnh hưởng của vấn đề: Nếu không tăng được điểm bài viết, người học sẽ trượt học bổng.
Các vấn đề này đã từng được gặp tương tự ở những người đi trước khi muốn nộp hồ sơ du học.
Mục tiêu cụ thể: Để đạt được band 7, người học cần thỏa mãn 4 tiêu chí ở mức 7.0
Task Response: trả lời đầy đủ các câu hỏi trong bài; đưa ý kiến cá nhân rõ ràng và phát triển đầy đủ các luận điểm đưa ra (đôi khi có thể quá chung chung hoặc một số ý minh họa có thể lạc đề.)
Coherence and Cohesion: có sự kết nối mạch lạc, rõ ràng; sử dụng các từ nối hiệu quả (một số từ có thể bị lạm dụng); thể hiện quan điểm chính rõ ràng ở các đoạn.
Lexical Resources: dùng đủ vốn từ cho chủ đề; dùng được 1 số cụm từ ít phổ biến; thi thoảng có vài lỗi về loại từ hoặc chính tả.
Grammatical Range and Accuracy: sử dụng các cấu trúc câu phức với độ chính xác; hạn chế lỗi sai về ngữ pháp và dấu câu.
Bước 2: “Thành công ở đây là gì?”
Cần tìm được lộ trình, tài liệu, người dạy tốt để cải thiện điểm.
Hạn chế của giải pháp: Hạn chế về thời gian: Giải pháp nhất định cần tạo ra kết quả: nâng điểm từ 6.0 lên 7.0 trong vòng 2 tháng.
Nguồn lực: Với điểm 6.0, người học hiện đã nắm được cấu trúc bài thi, cấu trúc đoạn văn và có ngữ pháp tương đối ổn.
Giá trị của giải pháp: Thời gian: Khiến người học đạt điểm 7.0 Writing Task 2 trong 02 tháng
Các tiêu chí đánh giá giải pháp: Có thể sử dụng SMART để đánh giá: tính cụ thể, tính đo lường được, tính thực tế, tính liên quan và thời gian
Bước 3: Đặt các câu hỏi
Đưa ra các câu hỏi về cách thức giải quyết đi theo các mục tiêu cụ thể đã đề ra ở bước 1:
Làm thế nào để trả lời đầy đủ các phần trong câu hỏi?
Làm thế nào để phát triển các luận điểm một cách đầy đủ?
Coherence and Cohesion:
Cách sử dụng các từ nối, từ thay thế và sử dụng chúng như thế nào để đạt được sự chính xác, hiệu quả?
Từ vựng của các chủ đề được học ở đâu?
Làm sao tránh các lỗi sai về từ vựng như sử dụng không đúng ngữ cảnh, không đúng dạng thức?
Grammatical range and accuracy:
Câu phức/ câu ghép trong tiếng Anh là gì?
Làm thế nào để sử dụng các cấu trúc câu này đa dạng?
Bước 4: Trả lời lần lượt các câu hỏi bên trên
Task Response:
Phân tích chủ đề, từ khóa và nhiệm vụ từ đề bài
Có thể sử dụng cấu trúc P.I.E (Point – Illustration – Explanation) để phát triển luận điểm đầy đủ
Coherence and Cohesion:
Xác định rõ mối liên hệ giữa các ý và các câu, có thể chuẩn bị sẵn một nhóm từ chuyên dùng cho một dạng bất kỳ, ví dụ khi liệt kê các luận điểm thì cần các từ nối: First, Second/ Besides, In addition, ….
Lexical Resources:
Học từ vựng từ các bài mẫu có nguồn uy tín
Học từ vựng qua các bài báo cùng chủ đề
Grammatical Range and Accuracy:
Luyện tập đặt các câu phức/phức ghép
Bước 5: Phát triển giải pháp
Trong ví dụ này, hầu hết các giải pháp nêu trên gần như đã tối ưu vì nó đáp ứng được mục tiêu cụ thể đề ra ở bước 1, do vậy, chúng sẽ được chọn và triển khai. Ngoài ra, người học trong ví dụ này có thể cân nhắc thứ tự ưu tiên các tiêu chí cần cải thiện vì có thể một trong số các tiêu chí chấm điểm cao hơn so với các tiêu chí còn lại, khi đó, người học sẽ ưu tiên tập trung nâng cấp bài viết theo các yếu tố còn lại.
Bước 6: Sắp xếp nguồn lực
Thời gian: 2 tháng
Đã có hiểu biết về cấu trúc và cách thức làm bài Writing Task 2
=> Người học tập trung trong hai tháng, làm theo các giải pháp đề xuất bên trên để tăng điểm từ band 6.0 lên band 7.0.
Ứng dụng mô hình tư duy hiệu quả trong cách trả lời IELTS Speaking Part 3
Tại sao mô hình này có thể ứng dụng được?
IELTS Speaking Part 3 là phần cuối cùng trong bài thi IELTS Speaking. Ở phần này, thí sinh sẽ được hỏi các câu hỏi nêu quan điểm, đánh giá, phân tích hoặc so sánh, do vậy chúng đòi hỏi thí sinh ngoài có vốn ngôn ngữ cần có tư duy tốt để đưa ra câu trả lời.
Có thể thấy, các câu hỏi này đều yêu cầu thí sinh phải suy nghĩ ở cấp độ cao hơn liên quan đến tư duy phản biện hay tư duy đa chiều. Trong khi đó, tư duy hiệu quả lại giúp thí sinh có thể có khả năng phân tích và nhìn các vấn đề đa chiều, vì vậy, đây là một phương pháp phù hợp để ứng dụng trong việc trả lời các câu hỏi trong Speaking Part 3.
Ngoài ra, với các thí sinh muốn đạt từ band 8 trở lên với kỹ năng này (ở band 8+, thí sinh cần phát triển chủ đề một cách mạch lạc và phù hợp), trích dẫn IELTS Band Descriptor Speaking – tiêu chí Fluency & Coherence “develops topics coherently and appropriately” phương pháp tư duy hiệu quả sẽ giúp họ trả lời và phát triển câu trả lời trọng tâm.
Từ mô hình tư duy hiệu quả của Hurson, người học có thể dựa vào và suy ra một mô hình tương tự giúp giải quyết các câu hỏi trong Speaking Part 3 một cách có hiệu quả như sau:
Phân tích câu hỏi
Đưa ra hướng giải quyết cho câu hỏi
Đặt các câu hỏi nhỏ dạng Wh – Questions
Trả lời các câu hỏi nhỏ bên trên
Nghiên cứu nguồn lực: vốn kiến thức nền, từ vựng và cấu trúc ngữ pháp
Phát triển thành bài nói
Ứng dụng trả lời các dạng câu hỏi trong Speaking part 3:
Topic: Health
Dạng câu hỏi đưa ra ý kiến:
Câu hỏi: Why do you think some people continue bad habits when they know that they are damaging to their health?
Why do you think some people continue bad habits when they know that they are damaging to their health?
Bước 1: Phân tích câu hỏi:
Các từ khóa: bad habits, damaging to their health
Yêu cầu đề bài: Đưa ra các lý do do vì sao con người vẫn duy trì các thói quen xấu dù biết nó có hại cho sức khỏe.
Bước 2: Hướng giải quyết
Nếu ra các ví dụ về thói quen xấu => tổng quan thành lý do
Bước 3: Đặt các câu hỏi nhỏ:
Ví dụ về các thói quen xấu là gì?
Các thói quen này ảnh hưởng tiêu cực thế nào đến sức khỏe
Vì sao các thói quen xấu này vẫn được duy trì?
Bước 4: Trả lời các câu hỏi:
Ăn đồ ăn nhanh, hút thuốc
Đồ ăn nhanh gây béo phì, các bệnh về tim mạch; hút thuốc có thể gây ung thư phổi
Thói quen khó bỏ; thức ăn nhanh tiện lợi nhất là con người ngày nay rất bận rộn; hút thuốc có thể giảm căng thẳng
Bước 5: Xác định nguồn lực:
Các từ vựng có thể sử dụng:
Fast food = convenience food = junk food: đồ ăn nhanh
Obesity: bệnh béo phì
Heart-related diseases = cardiovascular disease: bệnh về tim mạch
Smoking: hút thuốc
Release stress: giải tỏa căng thẳng
Bước 6: Phát triển câu trả lời
In my opinion, people keep the habits which are harmful to their health because these habits bring them some benefits on some occasions. For example, although eating fast food can cause obesity or cardiovascular disease, it is convenient for busy people so they still prefer it. Another illustration of bad habits is smoking. Apparently, people could get lung cancer if they light cigarettes frequently. However, when people are under pressure, smoking could be considered as a stress-reliever. Therefore, people choose to live with these unhealthy habits.
Eating fast food can cause obesity or cardiovascular disease
Dạng câu hỏi đưa ra so sánh, đánh giá:
Câu hỏi: Do you think people are healthier now than in the past?
Bước 1: Phân tích câu hỏi:
Từ khóa: healthier, now, past
Bước 2: Xác định hướng giải quyết
Khẳng định ý kiến: con người ngày nay khỏe mạnh hơn so với trước kia hay không. Với đề bài này, tác giả chọn câu trả lời là “có”.
Đưa ra so sánh, ví dụ minh họa
Bước 3: Đặt câu hỏi nhỏ:
Sức khỏe tốt hơn thể hiện ở khía cạnh nào?
Tại sao lại có sự khác biệt?
Bước 4: Trả lời các câu hỏi:
Tuổi thọ dài hơn; thể chất khỏe mạnh hơn: chiều cao cao hơn
So sánh:
Thức ăn: hiện nay: đa dạng thực phẩm, đầy đủ chất dinh dưỡng >< xưa: ăn các đồ ăn đơn giản
Lối sống: hiện nay: do có nhiều trung tâm thể dục, thể thao, mọi người cảm thấy có động lực để tham gia >< xưa: ít có các trung tâm này nên mọi người ít khi tập thể dục
Bước 5: Xác định nguồn lực:
Từ vựng:
Live longer: sống lâu hơn
Average height: chiều cao trung bình
More nutritious food: đồ ăn dinh dưỡng hơn
Low-quality food: đồ ăn ít chất dinh dưỡng
Poor diet: chế độ ăn nghèo chất dinh dưỡng
Bước 6: Phát triển câu trả lời
I agree that people nowadays are stronger and healthier than they’re in the past as their longevity and average height are significantly increased. To kick off, I reckon that modern people are provided with a wider range of food which is more nutritious while people in the past just ate some low-quality food. Plus, these days, people seem to be more aware of their health as fitness centers can be found in almost all living areas, which encourages citizens to work out more frequently. Previously, in contrast, gym or fitness could be scarce hence, people hardly engaged themselves in physical activities. To conclude, thanks to all these positive changes, modern people are living more healthily than in the past.
Đọc thêm: Cách trả lời câu hỏi dạng so sánh trong IELTS Speaking Part 3 band 5.5 đến 6.5 – Phần 1
Câu hỏi đưa ra giải pháp hoặc dự đoán
Câu hỏi: What can governments do to improve people’s health?
What can governments do to improve people’s health?
Bước 1: Phân tích câu hỏi:
Từ khóa: governments, improve people’s healthy
Bước 2: Đưa ra hướng giải quyết:
Đưa ra các giải pháp dựa trên các khía cạnh có thể cải thiện sức khỏe của con người
Bước 3: Đặt ra câu hỏi:
Khía cạnh nào trong đời sống ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và ảnh hưởng như thế nào?
Chính phủ cần thay đổi các khía cạnh này như thế nào để cải thiện sức khỏe của người dân?
Bước 4: Trả lời các câu hỏi:
Các khía cạnh ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân: môi trường sống và lối sống
Môi trường sống: ô nhiễm không khí => ảnh hưởng hệ hô hấp
Lối sống lười vận động => gây ra bệnh béo phì
Chính phủ cần làm gì để thay đổi:
Môi trường sống: khuyến khích người dân trồng cây xanh
Lối sống lười vận động: xây dựng các bể bơi, công viên có các trang thiết bị như máy chạy bộ để khuyến khích người dân tập thể dục
Bước 5: Xác định nguồn lực
Từ vựng:
Air pollution: ô nhiễm không khí
Respiratory diseases: các bệnh về hô hấp
Sedentary lifestyle: lối sống lười vận động
Bước 6: Phát triển câu trả lời:
Well, I can see some problems related to people’s health at the present include polluted air or sedentary lifestyle so there are a host of methods that governments should take in order to enhance their citizens’ health. First, governments had better encourage people to plant trees around their neighborhood. By doing this, the air will be purified, which will not cause any respiratory diseases for people. Apart from it, governments should invest more money in building some fitness facilities in public places such as swimming pools or jogging tracks. As a result, people would feel more motivated to do exercise as they may not need to pay fees for fitness centres.
Tổng kết
Như vậy, trong bài viết này, tác giả đã cung cấp cho người học kiến thức tổng quan về tư duy hiệu quả, mô hình của tư duy hiệu quả và ứng dụng của mô hình này trong việc giải quyết các câu hỏi Speaking Part 3. Tác giả hy vọng rằng, thông qua bài viết, người học có thể thu nạp thêm một công cụ mới giúp trả lời các câu hỏi trong Speaking Part 3 một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
Nguyễn Việt Chinh
Đọc thêm: 3 cách thức tư duy câu trả lời IELTS Speaking Part 3
Người học cần gấp chứng chỉ IELTS để nộp hồ sơ du học, định cư, tốt nghiệp hay việc làm. Tham khảo khóa học luyện thi IELTS chinh phục điểm cao IELTS nhanh chóng.
Bình luận - Hỏi đáp