Tư duy phản biện và ứng dụng trong xây dựng lập luận
Tư duy phản biện là gì?
Trong suốt những năm học phổ thông và năm học đại học, ta được dạy về rất nhiều các kĩ năng mềm và cũng có cơ hội được ứng dụng chúng trong nhiều hoạt động. Ví dụ có thể kể đến như kĩ năng giao tiếp hay kĩ năng làm việc nhóm. Bên cạnh đó còn một nhóm kĩ năng được sử dụng hàng ngày nhưng ta ít khi nhìn nhận được tầm quan trọng của nó cũng như cách mài dũa và ứng dụng nó trong đa dạng hoàn cảnh. Đó là kĩ năng tư duy phản biện.
Kĩ năng phản biện được ứng dụng vào gần như mọi mặt trong cuộc sống, từ lúc ta tiếp nhận thông tin (input), xử lý thông tin (process), và tạo ra thông tin (output). Vậy kĩ năng tư duy phản biện là gì?
Tư duy phản biện là khả năng xác định vấn đề, phân tích, nhìn nhận, giải thích vấn đề và đi đến kết luận. Tư duy phản biện sẽ giúp ta suy nghĩ mạch lạc, tránh những lỗi tư duy, giúp ta phân tích tình huống rạch ròi và ảnh hưởng trực tiếp tới việc đưa ra những quyết định (decision making).
Trong cuộc sống sẽ có nhiều thông tin ta cần tiếp nhận và xử lý, sẽ có những thông tin đúng và đáng tin cậy, nhưng đồng thời có thông tin sai gây hiểu lầm. Để tránh những tình huống giả định (assumption) như trên, ta cần ứng dụng tư duy phản biện để có thể nhìn nhận, xử lý và truyền tải thông tin một cách hiệu quả và chính xác nhất.
Nhìn vào ví dụ sau:
“Người bị căng thẳng hay ăn nhiều đồ ngọt”
Từ thông tin trên, bạn suy ra được điều gì?
Rât nhiều người khi đọc được thông tin trên sẽ hiểu rằng người bị căng thẳng thì sẽ ăn nhiều đồ ngọt, hay nói cách khác: căng thẳng là nguyên nhân của việc ăn nhiều đồ ngọt. Tuy nhiên, thông tin trên chỉ thể hiện việc căng thẳng và ăn nhiều đồ ngọt có liên hệ với nhau (correlation) chứ hoàn toàn không ám chỉ việc căng thẳng là nguyên nhân (cause) của việc ăn nhiều đồ ngọt.
Để có thể đưa ra lập luận chính xác nhất, ta vừa phải sử dụng đến kĩ năng tư duy phản biện. Ta không thể nhảy từ bước xác định vấn đề tới bước đưa ra kết luận ngay lập tức, mà cần phân tích và giải thích vấn đề đa chiều.
Như vậy tư duy phản biện có thể được hiểu như sau:
Tư duy phản biện và ứng dụng trong xây dựng lập luận
Tư duy phản biện và ứng dụng trong xây dựng lập luận
Đầu tiên, ta nhìn vào ứng dụng của tư duy phản biện trong mối quan hệ nguyên nhân – kết quả.
Trong mọi hành động, ta đều luôn muốn đặt câu hỏi liệu rằng hành động 1 có dẫn đến hành động 2? Người đi học thêm thường học giỏi, nhưng liệu đi học thêm có giúp ta học giỏi không? Người có thói quen tốt thì thường vui vẻ, nhưng liệu có thói quen tốt có giúp ta thấy vui vẻ hơn?
Trả lời được những câu hỏi như vậy sẽ giúp ta nhìn thế giới đa chiều hơn, nhận thức được những hệ quả có thể xảy ra và đưa ra những quyết định đúng đắn. Để trả lời được những câu hỏi này, ta cần sử dụng đến tư duy phản biện và xây dựng lập luận chặt chẽ.
Sự liên hệ (correlation)
Mọi sự việc A và sự việc B, nếu có quan hệ nguyên nhân kết quả với nhau thì đều cần có sự liên hệ với nhau. Nói cách khác, sự liên hệ là khởi nguồn, là điều kiện cần để có được mỗi quan hệ nguyên nhân – kết quả.
Ví dụ:
Thông tin | Mối liên hệ |
Rất nhiều người đi học thêm thì cũng học giỏi. | Việc đi học thêm có thể có liên hệ với việc học giỏi. |
Nhiều người có thói quen tốt thường cảm thấy vui vẻ. | Việc có thói quen tốt có thể có liên hệ với cảm xúc tích cực. |
Những người học giỏi thường giàu. | Việc học giỏi có thể có liên hệ với việc giàu có. |
Với những thông tin như trên, ta chỉ có thể đưa ra kết luận là có sự liên hệ/ mối tương quan giữa hay yếu tố/ sự vật/ sự việc
Mối quan hệ nguyên nhân – kết quả (Cause – effect relationship)
Tuy nhiên, ta cần nhận thức được bản thân sự liên hệ không ám chỉ hướng đi của mối quan hệ. Thực chất, liên hệ chưa phải là điều kiện đủ đến quyết định mối quan hệ nguyên nhân – kết quả. A và B có thể có liên hệ với nhau, nhưng chúng có thể có các mối quan hệ phức tạp, liệu rằng A gây ra B hay B gây ra A?
Ví dụ 1: Rất nhiều người đi học thêm thì cũng học giỏi. → Người khác đi học thêm nên họ giỏi.
Thông tin này là thiếu cơ sở và bị coi là một giả định (assumption), do mối quan hệ có thể là ngược lại. Ví dụ, những người giỏi sẵn thường có xu hướng ham học hơn, nên họ thường sẽ đi học thêm nữa hơn. Trong tình huống đó, học giỏi sẽ là nguyên nhân của việc đi học thêm.
Ví dụ 2: Những người học giỏi thường giàu. → Việc học giỏi sẽ dẫn đến việc giàu có.
Thông tin này là thiếu cơ sở và bị coi là một giả định (assumption), do mối quan hệ có thể là ngược lại. Ví dụ, người giàu sẽ có điều kiện để đầu tư hơn cho việc học của họ, khiến cho họ giỏi hơn. Trong tình huống đó, việc giàu sẽ là nguyên nhân của việc học giỏi.
Mối quan hệ giữa A và B không chỉ dừng lại ở việc A dẫn đến B hay B dẫn đến A. Thực chất, nó có thể là không cái nào dẫn đến nhau, mà có một yếu tố bên ngoài là C dẫn đến A và B.
Ví dụ 3: Nhiều người có thói quen tốt và cũng cảm thấy vui vẻ.
Những người biết quan tâm tới sức khoẻ của họ thường sẽ có những thói quen tốt để bảo vệ sức khoẻ, và họ cũng thường cảm thấy vui vẻ hơn vì họ ít phải lo lắng tới bệnh tật và biết chăm sóc bản thân. Như vậy, việc có thói quen tốt và có cảm xúc tích cực là kết quả của việc biết chăm sóc sức khoẻ.
Như vậy, việc A liên hệ với B có thể dẫn tới rất nhiều các mối quan hệ khác nhau mà rất khó có thể được xác định nếu thiếu đi các thông tin, dẫn chứng khác.
Mối quan hệ nguyên nhân – kết quả (Cause – effect relationship):
Xem thêm: Các hình thức ngụy biện thường gặp trong tư duy Logic – Phần 1
Ứng dụng trong việc xây dựng lý luận
Qua các ví dụ trên, ta thấy được rất nhiều các biến số có thể xảy ra chỉ với sự liên hệ giữa A và B. Và cách duy nhất để ta chứng minh được mối quan hệ giữa A và B là qua bằng chứng và giải thích.
Ví dụ 1: Những người học giỏi thường giàu. Như vậy, việc học giỏi sẽ dẫn đến việc giàu có.
Ví dụ 2: Những người học giỏi thường giàu. Khi một người có kiến thức, họ sẽ dễ dàng tìm được các cơ hội tốt hơn để kiếm tiền. Nhóm người có bằng đại học thường có mức lương cao hơn so với nhóm còn lại. Mức tăng thu nhập trung bình là 25%, nhưng với một tấm bằng MBA hàng đầu, mức tăng của họ có thể lên tới 60 – 150%. Như vậy, việc học giỏi thường sẽ dẫn đến việc giàu có.
Trong ví dụ 2, các lập luận và số liệu đã được sử dụng để chứng tỏ khả năng kiếm được tiền của người học giỏi. Như vậy, từ sự liên hệ giữa 2 yếu tố, ta cần đào sâu và sử dụng thông tin, bằng chứng, hay số liệu để chứng tỏ cho quan điểm của mình thay vì đưa ra một kết luận nhưng thiếu cơ sở.
Bên cạnh việc đưa ra những lập luận và bằng chứng, ta cần chấp nhận các sai số có thể tồn tại. Sẽ luôn có các mối quan hệ đan chéo hay trùng lặp nhau. Ví dụ, A dẫn đến B, B cũng có thể dẫn tới A, hay A tăng B giảm, … Việc xác định hướng của một mối quan hệ là vô cùng phức tạp và khó kiểm soát, do vậy để đảm bảo các lập luận được khách quan và chính xác nhất, ta chưa nên khẳng định chắc chắn 1 thông tin khi ta chưa tìm hiểu đủ sâu về vấn đề:
Nhiều người có xu hướng đưa ra những kết luận nhanh chóng về mối quan hệ của 2 yếu tố có tương quan. Những kết luận đó thường bị thiếu cơ sở và bị chi phối nhiều bởi cảm xúc hay trải nghiệm cá nhân. Ta cần hiểu rõ khác biệt giữa sự liên hệ (correlation) và mối quan hệ nguyên nhân – kết quả (causal relationship) để có thể:
Nhận thức rõ ràng hơn điều đúng – điều sai – điều có thể tin tưởng được trong thời đại số, khi chúng ta dễ dàng bị “bội thực thông tin” và đưa ra những kết luận sai lầm.
Làm cho những lập luận của chúng ta chặt chẽ hơn, sắc sảo hơn – một kĩ năng vô cùng quan trọng trong môi trường học tập hay làm việc.
Như vậy, ta đã biết được tư duy phản biện là gì và tầm quan trọng của nó. Một khía cạnh của tư duy phản biện là việc thu thập, xử lý và đưa thông tin. Để có thể phân tích một thông tin tốt, đưa ra những quyết định phù hợp và xây dựng lập luận chắc chắn, ta cần đặc biệt lưu ý tới mối quan hệ giữa hai đối tượng.
Tạ Phương Thảo
Bình luận - Hỏi đáp