Kỹ năng tự học IELTS Listening cho người đi làm và có ít thời gian rảnh

Bài viết làm rõ các phương pháp giúp người học tiếng Anh đã đi làm và có ít thời gian tự học IELTS Listening.
author
Nguyễn Phương Hà
25/03/2024
ky nang tu hoc ielts listening cho nguoi di lam va co it thoi gian ranh

Trong thời đại VUCA (Biến dộng, bất định, phức tạp và mơ hồ), mỗi người cần có trong mình kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, một trong số đó là kỹ năng tự học. Trong việc học tiếng Anh, kỹ năng luyện nghe tiếng Anh đóng vai trò quan trọng trong việc nắm bắt và hiểu sâu văn hóa, ngôn ngữ, và cách thức giao tiếp của người bản xứ.

Đối với người học tiếng Anh đã đi làm, việc phát triển kỹ năng này càng trở nên thiết yếu khi người đi làm cần giao tiếp hiệu quả trong môi trường làm việc đa văn hóa. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là thời gian. Những người bận rộn thường chỉ có một lượng thời gian hạn chế để dành cho việc học. Do đó, việc tìm ra phương pháp luyện nghe linh hoạt và hiệu quả, phù hợp với lịch trình dày đặc của người đi làm là điều cần thiết.

Bài viết này sẽ giới thiệu những kỹ năng cần thiết để người lớn có thể áp dụng trong việc tự học IELTS Listening dù thời gian bận rộn.

Key takeaways

  • Khó khăn mà người học có thể gặp phải khi tự luyện IELTS Listening: ngữ điệu & phát âm, tốc độ nói và tông giọng, Vốn từ vựng và cấu trúc câu phức tạp, Thiếu thực hành và tiếp xúc thường xuyên, Thiếu tài liệu học tập phù hợp, Môi trường học tập không phù hợp, Rào cản tâm lý.

  • Các cách để cải thiện IELTS Listening: Xác định kiểu học của bản thân, Lựa chọn các nguồn tài liệu phù hợp với lịch làm việc bận rộn, Xác định mục tiêu luyện nghe hàng ngày hoặc hàng tuần, Sử dụng kỹ thuật luyện nghe hiệu quả, Tìm cơ hội luyện nghe tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày, Tối ưu hóa thời gian.

Khó khăn người học tiếng Anh gặp phải khi tự học IELTS Listening

Một số khó khăn mà người học tiếng Anh thường gặp phải khi tự ôn luyện IELTS Listening:

  • Ngữ điệu và phát âm: Tiếng Anh có nhiều giọng địa phương và ngữ điệu khác nhau, từ Anh, Mỹ đến Úc và các quốc gia khác. Điều này gây khó khăn cho người học trong việc nhận diện và hiểu rõ từng loại phát âm.

  • Tốc độ nói và tông giọng: Trong giao tiếp thực tế, người bản xứ thường nói nhanh và sử dụng nhiều cụm từ không chính thức hoặc từ lóng, làm tăng độ khó khi lắng nghe.

  • Vốn từ vựng và cấu trúc câu phức tạp: Một số người học gặp khó khăn do hạn chế về từ vựng và kiến thức ngữ pháp, khiến họ khó hiểu hết ý nghĩa của đoạn hội thoại.

  • Thiếu thực hành và tiếp xúc thường xuyên: Nhiều người học không có cơ hội thực hành thường xuyên với người bản xứ hoặc trong môi trường sử dụng tiếng Anh, dẫn đến khó khăn trong việc nghe hiểu

  • Thiếu tài liệu học tập phù hợp: Việc tìm kiếm tài liệu luyện nghe phù hợp với trình độ và sở thích của mỗi người có thể gây khó khăn

  • Môi trường học tập không phù hợp: Một số người học không có môi trường học tập tốt, thiếu sự hỗ trợ từ giáo viên hoặc các nguồn học liệu chất lượng.

  • Rào cản tâm lý: Sự thiếu tự tin và lo sợ khi không hiểu hoặc hiểu sai nội dung cũng là một thách thức lớn trong việc tự học IELTS Listening.

Tuy nhiên, nếu vượt qua những khó khăn này, người học sẽ đạt được:

  • Giao tiếp hiệu quả: Hiểu rõ những gì người khác nói là chìa khóa cho giao tiếp thành công, đặc biệt trong môi trường làm việc quốc tế hoặc đa văn hóa.

  • Khả năng hòa nhập: Khả năng nghe hiểu giúp người học hòa nhập tốt hơn với cộng đồng nói tiếng Anh, từ đó mở rộng quan hệ và cơ hội hợp tác.

  • Cải thiện kỹ năng giao tiếp bằng cơ thể: Luyện nghe giúp cải thiện từ vựng, ngữ pháp và phát âm, đồng thời tăng cường khả năng phản xạ và thể hiện ngôn ngữ hình thể.

  • Sự tự tin: Khi khả năng luyện nghe được cải thiện, người học sẽ cảm thấy tự tin hơn trong việc sử dụng tiếng Anh, từ đó thúc đẩy sự tiến bộ trong các kỹ năng khác.

Nhìn chung, kỹ năng luyện nghe là một phần không thể thiếu trong quá trình học tiếng Anh, và việc giải quyết những khó khăn liên quan đến nó sẽ mở ra nhiều cánh cửa cơ hội trong học tập và sự nghiệp.

Cách tăng cường kỹ năng tự học IELTS Listening

Xác định kiểu học tập của bản thân

Mỗi người có một kiểu học tập khác nhau, việc chọn sai phương pháp học tập có thể ảnh hưởng rất lớn đến kết quả. Theo một nghiên cứu, học viên có thể học tốt nhất khi:

  • Họ hiểu tại sao điều gì đó quan trọng

  • Họ có quyền tự do học theo cách riêng của họ.

  • Coi việc học tập là trải nghiệm

  • Đây là thời điểm thích hợp để họ học hỏi.

  • Quá trình giáo dục là tích cực và đáng khích lệ.

Có 3 phong cách học tập khác nhau, học viên có thể đọc và xác định phong cách học tập phù hợp với bản thân:

Những người học trực quan (Visual learners) “thích được xem bài học thông qua đồ thị, sơ đồ và hình minh họa. Họ dựa vào những gì người hướng dẫn đang làm và thường ngồi ở phía trước lớp học để tránh bị cản trở tầm nhìn. Hình thức giao tiếp tốt nhất là cung cấp bảng tính, bảng trắng và đặt các câu hỏi như ‘Bạn có thấy cách này hoạt động không?'

Người học bằng thính giác (Auditory learners) “lắng nghe cẩn thận tất cả các âm thanh liên quan đến bài học. 'Hãy nói cho tôi biết' là phương châm học tập của họ. Họ sẽ chú ý đến âm thanh giọng nói của bạn và tất cả những thông điệp tinh tế trong đó, đồng thời tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận. Họ có thể được giao tiếp tốt nhất bằng cách nói chuyện rõ ràng, đặt câu hỏi và sử dụng các cụm từ như, “Bạn thấy điều đó thế nào?”

Người học bằng xúc giác (Tactile learners), còn được gọi là người học bằng sự vận động, “cần phải làm gì đó để hiểu được nó. Phương châm của họ là ‘Hãy để tôi làm điều đó.’” Họ tin tưởng vào cảm giác và cảm xúc của mình về những gì họ đang học và cách họ được dạy những điều đó. Người học bằng xúc giác là những học sinh sẽ đứng dậy và hỗ trợ người hướng dẫn bằng cách nhập vai trong lớp học.

Lựa chọn các nguồn tài liệu phù hợp với lịch làm việc bận rộn

1. Học viên nên sử dụng các ứng dụng học tiếng Anh với tính năng luyện nghe, cụ thể như:

Podcasts

  • IELTS Made Easier: Tập trung vào các bài Nghe IELTS, podcast này rất lý tưởng cho việc học khi đang di chuyển.

  • IELTS Podcast (Ben Worthington): Cung cấp hướng dẫn, lời khuyên của người có chuyên môn và bài viết mẫu.

  • IELTS English Energy 7+ (All Ears English): Dành cho người học nâng cao với các nội dung thú vị, hấp dẫn

  • My IELTS Classroom: Dành riêng cho các học viên thi IELTS General

  • General English Podcasts for IELTS Listening: Bao gồm các podcast như Luke’s English Podcast, Aussie English và Coffee Break Languages rất hữu ích cho việc luyện nghe với nhiều giọng khác nhau.

Websites

  • British Council: Cung cấp các tài liệu nghe như 'The Word on the Street', 'Learn English Audio Zone' và 'Learn English Video Zone'.

  • BBC 6-minute English: Có nhiều chủ đề và câu hỏi liên quan đến IELTS

  • Learningenglish.voanews.com: Bao gồm các bài nghe liên quan đến IELTS ở nhiều cấp độ khác nhau.

  • High LevelListening.com: Các bài nghe với tiếng Anh Mỹ nâng cao với các bài viết về các chủ đề hàng ngày.

  • TedTalks: Cung cấp những bài nói chuyện sâu sắc về nhiều chủ đề, hữu ích cho việc luyện nghe.

Apps

  1. Listen English Daily Practice: Cung cấp các bài nghe tổng quát nhất cho việc luyện nghe hàng ngày

  2. FluentU: Tập trung vào các bài nói của người bản địa để luyện nghe

  3. English Listening Step by Step: Được thiết kế riêng cho luyện nghe IELTS

  4. English Listening and Speaking: Phù hợp cho cả việc luyện nghe và nói IELTS

  5. VOA News: Phù hợp cho việc luyện nghe tin tức quốc tế

2. Tận dụng thời gian di chuyển hoặc thời gian trống.

Việc học mỗi ngày một chút luôn tốt hơn là cố gắng học mọi thứ cùng một lúc rồi lại bỏ học trong một thời gian dài. Học viên nên tận dụng các khoảng thời gian rảnh, dù ngắn hay dài, để luyện tập kỹ năng nghe. Thậm chí mười lăm phút nghe tiếng Anh mỗi ngày sẽ giúp học viên cải thiện kỹ năng nghe và mở rộng vốn từ vựng của mình.

Nếu học viên có lịch trình quá bận rộn để phân bổ thời gian cho các bài tập nghe mỗi ngày thì có thể cân nhắc việc kết hợp nghe tiếng Anh với các hoạt động khác. Ví dụ: học viên có thể nghe podcast hoặc sách nói trong khi dắt chó đi dạo hoặc dọn dẹp nhà cửa,…

Xác định mục tiêu luyện nghe hàng ngày hoặc hàng tuần

Đối với thời lượng học hàng ngày, học viên nên bắt đầu với 15-30 phút mỗi ngày. Điều này đủ ngắn để không quá áp lực nhưng đủ dài để tạo ra sự tiến bộ.

Sau đó, học viên có thể tăng dần thời gian lên 45 phút hoặc 1 giờ mỗi ngày dựa vào sự tiến bộ và khả năng học.

Sử dụng kỹ thuật luyện nghe hiệu quả

1. Lắng nghe các loại tài liệu khác nhau, bao gồm tin tức, podcast, hoặc video học thuật. Điều này giúp học viên làm quen với các giọng địa phương khác nhau và các ngữ cảnh sử dụng tiếng Anh khác nhau

2. Tập trung vào Active Listening (Nghe chủ động) thay vì Passive Listening (Nghe bị động).

Active listening là một hoạt động yêu cầu người học lắng nghe điều gì đó và hành động dựa trên những gì được nghe,trong khi nghe thụ động có nghĩa là người nghe chỉ đơn giản là nghe những gì đang được nói.

Mặc dù nghe thụ động (Passive Listening) có thể có hiệu quả trong một số trường hợp bằng tiếng mẹ đẻ của học viên nhưng nó sẽ không cung cấp cho học viên công cụ để cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh của bản thân.

Những người lắng nghe chủ động thường đặt câu hỏi ngay lúc đối mặt với người nói hoặc viết chúng ra để theo dõi sau. Nếu gặp khó khăn với việc lắng nghe tích cực, học viên có thể ghi chú.

Khi ghi chú, học viên nên cố gắng không viết ra từng chữ một hoặc những gì đang được nói. Thay vào đó, hãy tóm tắt những điểm chính của người nói, bao gồm các cụm từ chính hoặc từ mới. Bằng cách đó, học viên sẽ tăng cường khả năng nghe của mình và tăng cơ hội ghi nhớ những từ mới đó vào lần tiếp theo.

Tìm hiểu thêm: Ứng dụng Active Listening và Passive Listening trong việc học tiếng Anh hiệu quả.

3. Nghe cùng một nội dung mỗi ngày trong một tuần.

Nghe có vẻ nhàm chán nhưng hãy tìm nội dung mà học viên thích như podcast hoặc kênh YouTube. Học viên nên chọn một tập hoặc video ngắn để nghe hàng ngày trong một tuần.

Sau đó, học viên nên chọn ra những từ hoặc cụm từ khó hiểu và tra cứu sau khi nghe lần thứ nhất và thứ hai. Đừng ngại việc nhấn “tạm dừng” và nghe lại nếu chưa nghe rõ từ. Sau một vài ngày, học viên sẽ có thể nghe và hiểu những từ này.

Tìm cơ hội luyện nghe tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày.

1. Tham gia vào các hoạt động tiếng Anh, ví dụ như thảo luận hoặc cuộc trò chuyện với người nói tiếng Anh.

Thực hành trực tiếp là một điều rất cần thiết. Để cải thiện kỹ năng nghe, học viên nên giao tiếp với người bản xứ. Khi đi du lịch, đừng ngần ngại nói chuyện nhỏ với người nước ngoài hoặc hỏi người qua đường nếu học viên cần giúp đỡ điều gì đó.

Nếu không có cơ hội như vậy, học viên có thể cân nhắc việc tham gia các câu lạc bộ ở địa phương hoặc tham dự các sự kiện tương tự. Thông thường, chúng được tổ chức theo hình thức hội họp, trong đó mọi người nói tiếng Anh và thảo luận về nhiều chủ đề khác nhau, chẳng hạn như sách, phim hoặc chính trị và các vấn đề xã hội.

3. Nghe các chủ đề bản thân quan tâm.

Để bản thân giữ được động lực học tập trong khi bận rộn với cuộc sống thường ngày, học viên nên chọn các hoạt động nghe phù hợp nhất với sở thích của mình. Học viên có thể xem lại các bộ phim thuộc thể loại yêu thích, nghe podcast liên quan đến nghề nghiệp của mình và đăng ký video của các vlogger nói tiếng Anh trên YouTube.

Việc xem những tài liệu mình thích có thể giúp học viên trong việc việc nắm bắt được sự khác biệt trong ngữ điệu và hiểu những tình huống nào học viên có thể sử dụng các cụm từ cụ thể trở nên dễ dàng hơn nhiều. Học viên có thể tham khảo một số nguồn luyện nghe dưới đây:

1. Podcasts

  • TED Talks Podcasts: Nơi tập hợp các bài nói chuyện truyền cảm hứng và thông tin trên nhiều chủ đề từ khoa học đến nghệ thuật.

  • BBC 6 Minute English: Cung cấp các bài học nghe ngắn với nhiều chủ đề thú vị, phù hợp với người mới bắt đầu hoặc trình độ trung cấp.

  • How I Built This with Guy Raz (NPR): Đối với những ai quan tâm đến kinh doanh và khởi nghiệp, series podcast này giới thiệu câu chuyện thành công của các doanh nhân nổi tiếng.

  • Stuff You Should Know: Một podcast giải thích về nhiều chủ đề khác nhau, từ khoa học đến lịch sử, rất phù hợp cho những người tò mò và muốn mở rộng kiến thức.

2. Phim và Chương Trình Truyền Hình

  • Netflix: Cung cấp một loạt các phim, series và tài liệu phim với phụ đề tiếng Anh, giúp cải thiện kỹ năng nghe và từ vựng.

  • BBC iPlayer: Đây là nguồn tài liệu tuyệt vời cho các chương trình tin tức, phim tài liệu và chương trình giải trí.

  • YouTube Channels: Các kênh như CrashCourse và SciShow cung cấp thông tin giáo dục trên nhiều chủ đề trong khi vẫn giữ được sự hấp dẫn và thú vị.

3. Videos trên YouTube

  • Vloggers du lịch và văn hóa: Các kênh như Drew Binsky hoặc Mark Wiens giới thiệu về các nền văn hóa khác nhau và trải nghiệm du lịch, giúp học viên mở rộng kiến thức văn hóa và nghe tiếng Anh trong ngữ cảnh thực tế.

  • Kênh giáo dục: Kênh như TED-Ed hoặc Khan Academy cung cấp nội dung giáo dục sâu rộng, từ khoa học đến văn học bằng tiếng Anh dễ hiểu.

Tối ưu hóa thời gian

1. Đánh giá và quản lý thời gian cá nhân.

Đầu tiên, học viên cần đánh giá và quản lý thời gian cá nhân một cách hiệu quả. Người học cần xác định những hoạt động nào đang chiếm nhiều thời gian của bản thân và xem xét liệu học viên có thể tối ưu hóa chúng không. Người học nên sử dụng các công cụ quản lý thời gian như Google Calendar, Todoist, hoặc các ứng dụng quản lý thời gian khác để giúp theo dõi và lên lịch các hoạt động của mình

2. Xác định khoảng thời gian phù hợp để luyện nghe tiếng Anh.

Tiếp theo, học viên nên xác định khoảng thời gian phù hợp trong ngày để luyện nghe tiếng Anh. Điều này có thể là vào buổi sáng sớm khi học viên còn tinh thần, hoặc vào buổi tối trước khi đi ngủ, đó là thời điểm mà học viên cảm thấy thoải mái và tập trung nhất để học

3. Loại bỏ hoặc giảm bớt các hoạt động không cần thiết để dành thời gian cho việc học luyện nghe.

Cuối cùng, loại bỏ hoặc giảm bớt các hoạt động không cần thiết để dành thời gian cho việc học luyện nghe. Điều này có thể bao gồm việc giảm thời gian cho trên mạng xã hội, xem TV, hoặc các hoạt động giải trí khác. Thay vào đó, học viên nên dành thời gian đó để luyện nghe tiếng Anh

Kết luận

Tự học luyện nghe tiếng Anh mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt trong bối cảnh công việc bận rộn và thời gian học tập hạn chế. Qua việc tự học, người học có thể tự điều chỉnh tốc độ và chọn lựa nội dung phù hợp với sở thích và mục tiêu học tập của mình. Để đạt được hiệu quả tối ưu, người học tiếng Anh nên tự học luyện nghe một cách có tổ chức và kiên nhẫn. Hy vọng thông qua bài viết, người học có thể đúc kết kinh nghiệm cho bản thân và áp dụng vào cuộc sống.

Đọc thêm:


Nguồn tham khảo

Education, University of San Diego-Professional & Continuing. “15 Top Strategies for Teaching Adult Learners [+ FAQs].” University of San Diego - Professional & Continuing Education, 21 Mar. 2022, pce.sandiego.edu/15-top-strategies-for-teaching-adult-learners-faqs/.

Holmes, Talisha. “5 Principles for Teaching Adult Learners.” General Assembly Blog, 24 May 2020, generalassemb.ly/blog/principles-teaching-adults/. Accessed 4 Dec. 2023.

“How to Boost Your English Listening Skills Step-By-Step and Pass Every Test | Langster.” Langster.org, langster.org/en/blog/how-to-boost-your-english-listening-skills-step-by-step. Accessed 4 Dec. 2023.

Mittra, Archita. “8 Amazing English Listening Apps You Can’t Miss out on in 2023 | FluentU English Blog.” FluentU English, 4 Oct. 2023, www.fluentu.com/blog/english/english-listening-app/. Accessed 4 Dec. 2023.

The 10 Best IELTS Listening Resources in 2023. 22 Aug. 2019, ieltsetc.com/10-best-ielts-listening-resources-and-websites/. Accessed 4 Dec. 2023.

Để đánh giá chính xác trình độ IELTS hiện tại của bản thân, tham gia thi thử IELTS tại ZIM Academy với format bài thi chuẩn thi thật.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu