Từ nhận thức của mỗi người đi đến lựa chọn cách học ngoại ngữ hiệu quả (Phần 2)
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, mỗi người có một kiểu nhận thức khác nhau, một cách suy nghĩ khác nhau, và tương ứng với đó là các chiến thuật học ngôn ngữ phù hợp (Oxford, 1990). Loạt bài viết “Từ nhận thức của mỗi người đi đến lựa chọn cách học ngoại ngữ hiệu quả” sẽ giúp người đọc hiểu được bản thân thuộc kiểu nhận thức gì, và từ đó đưa ra các gợi ý về cách học ngoại ngữ phù hợp nhất với từng kiểu nhận thức, thông qua các ví dụ cụ thể trong bài thi IELTS. Tiếp nối bài giới thiệu đầu tiên, bài viết tiếp theo trong series sẽ tiếp tục giới thiệu cách học ngoại ngữ hiệu quả thông quan việc phân tích khía cạnh thứ 2 trong 6 khía cạnh của nhận thức: Kiểu xử lý thông tin.
Key Takeaways
Kiểu nhận thức (cognitive styles): cấu trúc tâm lý quyết định cách mỗi người thường sắp xếp và xử lý thông tin. Có 6 yếu tố cấu thành nên kiểu nhận thức của mỗi người, mỗi yếu tố gồm 2 nhóm đối lập.
Chiến thuật học (learning strategies): các hành động, kế hoạch, thói quen cụ thể mà người học lựa chọn một cách có chủ ý để tiếp nhận, lưu trữ và sử dụng thông tin hiệu quả và dễ dàng hơn.
Mỗi kiểu nhận thức sẽ có các chiến thuật học ngôn ngữ phù hợp tương ứng. Ví dụ, Kiểu xử lý thông tin gồm 2 nhóm là Tổng hợp (Synthesizing) và Phân tích (Analytic).
Người thuộc nhóm Tổng hợp thích việc phỏng đoán các thông tin tiếp theo, dự đoán kết luận. Họ thường đọc lướt 1 lượt (skim) thông tin để tìm các điểm tương đồng và các pattern (cấu trúc ngôn ngữ). Chiến thuật học phù hợp bao gồm: sử dụng hình ảnh và các chiến thuật giảm lo âu như làm việc theo nhóm, ứng khẩu...
Mặt khác, người thuộc nhóm Phân tích thích tập trung hiểu sâu từng phần của thông tin. Khi đọc 1 đoạn văn, họ sẽ chia nhỏ ra làm các phần khác nhau để xử lý lần lượt. Với nhóm này, chiến thuật học phù hợp bao gồm: luyện tập tìm điểm tương đồng, làm các bài tâp đoán nghĩa của từ qua ngữ cảnh.
Cách học ngoại ngữ hiệu quả: Phân loại
Tổng hợp (Synthesizing)
Những người xử lý thông tin theo cách Tổng hợp thường tìm và sắp xếp các ý chính thành 1 đoạn tóm tắt. Họ thích việc đoán nghĩa của các từ, dự đoán kết quả/các phần tiếp theo, và thường nắm bắt được các điểm tương đồng rất nhanh. Vì vậy, những người học theo hướng Tổng hợp thường phù hợp với các chiến lược tư duy như lý luận (reasoning), phân tích, tóm tắt và ôn luyện liên tục theo hướng này. Cụ thể, khi đọc 1 đoạn văn, những người thuộc nhóm Tổng hợp thường đọc lướt qua một lượt (skimming) để nắm ý chính, rồi sau đó mới quay lại đọc kĩ từng câu, và họ thường tìm thấy các pattern (khuôn mẫu, cấu trúc) tiếng Anh* khi học.
*Ví dụ về một số pattern trong tiếng Anh:
Câu bắt đầu bằng “What I am saying is” thường được dùng để giải thích rõ hơn hoặc nhấn mạnh ý cần nói, “Believe it or not” diễn tả một sự thật đáng ngạc nhiên mà người nói nghĩ rằng người nghe không biết hoặc sẽ bất ngờ khi biết...v..v..
Khi viết bài, những người xử lý thông tin theo cách Tổng hợp sẽ tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn, nhiều ý kiến để đưa ra câu trả lời và kết luận.
Ví dụ với đề bài “Do the advantages of tourism outweigh the disadvantages?”, họ sẽ nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, như cá nhân, cộng đồng, nền kinh tế, môi trường, liên kết xã hội…, tổng hợp các điểm tương đồng, từ đó đưa ra câu trả lời.
Phân tích (Analyzing)
Mặt khác, những người xử lý thông tin theo cách Phân tích sẽ thích kiểm tra (examine), nghiên cứu từng câu và thường tập trung vào các quy luật khái quát (rules and generalizations). Khi đọc 1 đoạn văn, họ sẽ chia nhỏ ra làm các phần khác nhau và đi sâu đọc hiểu từng phần rồi mới chuyển sang phần tiếp theo. Nói ngắn gọn, họ sẽ thích việc phân tích để hiểu rõ bản chất, hơn là phỏng đoán như với nhóm Tổng hợp.
Khi viết bài, những người xử lý thông tin theo cách Phân tích sẽ có xu hướng đưa ra một luận điểm trước, rồi sau đó tìm các thông tin củng cố (support), chứng minh cho luận điểm đó. Với đề bài bên trên, họ sẽ suy nghĩ để đưa ra luận điểm của mình trước (ví dụ: ngành du lịch có nhiều bất cập hơn lợi ích), sau đó tập trung vào phân tích 1 số luận cứ, ví dụ cụ thể để chứng minh cho luận điểm của mình.
Cần lưu ý rằng, Tổng hợp và Phân tích không phải là 2 cách học ngoại ngữ hiệu quả đối lập nhau, mà chỉ là 2 cách khác nhau để xử lý thông tin. Vì vậy, không có cách nào là ưu việt hơn. Người học nên tự đánh giá xem mình phân tích thông tin theo cách nào để từ đó tìm các chiến thuật học luyện tiếng Anh phù hợp với thiên hướng của mình.
Phần tiếp theo của bài viết sẽ gợi ý một số chiến thuật học được các nghiên cứu chứng minh là phù hợp và hiệu quả nhất với từng kiểu xử lý thông tin, cụ thể là trong quá trình học ngoại ngữ.
Cách học ngoại ngữ hiệu quả: Chiến thuật tương ứng
Với những người thuộc nhóm Tổng hợp
Tương tự với những người xử lý thông tin theo cách Tổng hợp, trong bài thi IELTS, chiến thuật học phù hợp với nhóm Tổng hợp sẽ là luôn đọc lướt qua một lượt các thông tin cho sẵn và gạch chân các keyword để nắm được chủ đề chính (đối với bài thi Reading và Listening).
Nghiên cứu cho thấy những người xử lý thông tin theo kiểu Tổng hợp thích sẽ học tốt hơn qua việc sử dụng hình ảnh thường xuyên hơn để tìm, trích xuất (retrieve) thông tin.
*Tham khảo phương pháp ghi chép bằng hình ảnh (Sketchnote) để học tiếng Anh hiệu quả (zim.vn)
Ngoài ra, những người thuộc nhóm Tổng hợp có thể nâng cao khả năng ngôn ngữ của mình bằng cách luyện tập đoán xem người đối diện sẽ trả lời thế nào bằng tiếng Anh khi luyện tập Speaking theo cặp. Trong quá trình đó, những người học theo hướng Tổng hợp nên hỏi partner (người cùng luyện tập) các câu hỏi nhằm làm rõ các thông tin cần thiết để giúp họ có thể đoán được nghĩa nhanh nhất.
Tuy nhiên, những người xử lý thông tin theo hướng Tổng hợp sẽ gặp các khó khăn nhất định với các câu hỏi yêu cầu phân tích, đánh giá một thông tin cụ thể, ví dụ như dạng True/False/Not Given trong Reading, hoặc yêu cầu tìm chi tiết mà không cho trước thông tin toàn cảnh, ví dụ như dạng Sentence Completion (Hoàn thiện câu) trong Listening, hay hỏi đáp ngẫu nhiên như trong Part 1 & 3 của bài thi Speaking. Khi gặp những dạng bài này, họ sẽ dễ mất phương hướng và từ đó trở nên lo lắng, hoảng loạn. Vì vậy, những người thuộc nhóm này nên tập trung ôn luyện các dạng bài kể trên để làm quen với kĩ thuật làm bài. Bên cạnh đó, các chiến thuật giảm lo âu (anxiety-reduction strategy) sẽ giúp quá trình ôn luyện trở nên dễ dàng hơn.
Ví dụ về chiến thuật giảm lo âu khi giao tiếp bằng ngoại ngữ:
Theo nghiên cứu của Fujii (2015), việc thường xuyên trao đổi, nhờ giáo viên giúp đỡ và hợp tác các bạn bè cùng lớp giúp các học viên hay lo lắng có thể giảm căng thẳng hơn rất nhiều. Những học viên này sẽ thoải mái hơn khi trình bày theo nhóm nhỏ thay vì trước cả lớp, và nên trao đổi trực tiếp điều này với giáo viên trong quá trình học tập. Một chiến thuật khác là liên tục nhắc nhở bản thân rằng bước đầu tiên trong việc học ngôn ngữ là khiến cho người đối diện hiểu ý mình là đủ, rồi sau đó mới luyện tập các cách diễn đạt hay và đúng ngữ pháp hơn. Bằng cách này, người học sẽ tự giảm được áp lực cho bản thân, nhất là trong khi luyện tập Speaking. Ngoài ra, các bài tập ứng khẩu (improvisation) cũng sẽ giúp học viên làm quen với việc phải khai triển ý tưởng trong thời gian ngắn.
Với những người thuộc nhóm Phân tích
Trong quá trình học tập, những người xử lý thông tin theo cách Phân tích thường bị quá tập trung vào câu hỏi tại sao và trở nên bực mình nếu thông tin được ra theo hướng mở, không có kết luận và giải thích cụ thể. Họ cũng sẽ gặp khó khăn trong các dạng bài yêu cầu tổng hợp và khái quát thông tin. Do đó, trong bài thi IELTS, chiến thuật học phù hợp với những người thuộc nhóm Phân tích sẽ là, xác định câu chủ đề và tập viết tóm tắt ý chính cho từng đoạn văn bản (đối với bài Reading), luyện tập tìm điểm tương đồng để viết overview Task 1 và tập viết các câu chủ đề trong Writing Task 2.
Nếu việc đoán nghĩa của từ là điểm mạnh của những người xử lý thông tin theo cách Tổng hợp thì ngược lại, đây việc mà những người xử lý thông tin theo cách Phân tích sẽ thường lúng túng. Để cải thiện kỹ năng này, học viên thuộc nhóm Phân tích nên ôn luyện với các bài tập đoán nghĩa của từ qua ngữ cảnh.
Bài tập mẫu đoán nghĩa của từ qua ngữ cảnh và gợi ý cách tư duy:
Câu trong bài khóa: “The snake slitheredthrough the grass. It was hunting”.
Người đọc hãy thử phán đoán nghĩa của từ “slithered” dựa trên ngữ cảnh và logic, và chọn 1 trong 4 đáp án sau trước khi đọc giải thích bên dưới.
a) slept in the grass
b) stopped moving
c) moved or traveled
-> Đáp án + giải thích:
a) slept in the grass
Đây là đáp án sai: Ở câu sau có nói con rắn đang săn mồi và nó không thể ngủ khi đi săn.
b) stopped moving
Đây là đáp án sai: Trong câu có ghi “through the grass”. Từ “through” gợi ý rằng ở đây có một chuyển động nào đó (through mang nghĩa là qua và thường đi với động từ)
c) moved or traveled
Đây là đáp án đúng: Giải thích tương tự như ở câu b.
Tham khảo thêm: Ứng dụng phương pháp đầu mối ngữ cảnh cải thiện kỹ năng đọc hiểu – Phần 2 (zim.vn)
Tổng kết
Tiếp nối bài giới thiệu trước, bài viết này đã tiếp tục giúp người đọc lựa chọn cách học ngoại ngữ hiệu quả, phù hợp với kiểu nhận thức của bản thân. Cụ thể, bài viết đã phân tích và so sánh 2 kiểu xử lý thông tin là Tổng hợp và Phân tích, cũng như đưa ra các gợi ý về phương hướng học phù hợp và hiệu quả nhất với từng nhóm trong quá trình ôn luyện IELTS.
Bài viết tiếp theo trong loạt bài sẽ tiếp tục phân tích 2 kiểu ghi nhớ thông tin là Sharpener (ghi nhớ thông tin bằng điểm khác biệt) và Leveler (ghi nhớ thông tin bằng điểm tương đồng), từ đó đưa ra các gợi ý (recommendation) về cách ghi nhớ hiệu quả.
Bình luận - Hỏi đáp