Từ vựng IELTS Reading chủ đề Nghệ thuật (Art) - Giải thích ngữ cảnh bài đọc

Việc học và tích lũy vốn từ vựng của các chủ đề là một quá trình dài và đòi hỏi rất nhiều công sức. Tuy nhiên, thí sinh có thể rút ngắn khoảng thời gian này bằng cách trang bị cho mình vốn kiến thức cơ bản về các chủ đề thường gặp trong IELTS. Vì vậy, thông qua hai bài đọc về chủ đề Art (Nghệ thuật), mong rằng bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các thí sinh một góc nhìn tổng quan nhất về các từ vựng của chủ đề này.
tu vung ielts reading chu de nghe thuat art giai thich ngu canh bai doc

Vốn từ vựng luôn được coi là một yếu tố quan trọng để giúp người học có thể sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo. Đặc biệt, những kiến thức ấy lại càng trở nên quan trọng đối với các bài thi đánh giá khả năng hiểu và sử dụng tiếng Anh như IELTS Reading - khi mà thí sinh phải đọc 3 đoạn văn học thuật về nhiều chủ đề khác nhau.

Key takeaways

Một số từ vựng quan trọng của chủ đề Nghệ thuật thuộc hai bài đọc “Henry Moore (1898-1986)” và “Museums of fine art and their public” bao gồm:

  • Abstract

  • Bronze

  • Collector

  • Exhibition

  • Fine art

  • Modern art

  • Sketch

  • Subject matter

  • portrait/landscape

Lợi ích của việc học từ vựng theo các chủ đề

Về mặt kỹ năng, bài thi IELTS Reading thiên về việc kiểm tra khả năng đọc hiểu tiếng Anh chứ không phải là một bài kiểm tra kiến thức của thí sinh về các chủ đề chủ đề. Tuy nhiên, việc chuẩn bị trước cho bản thân một vốn kiến thức nền tảng nhất định có thể giúp thí sinh cảm thấy tự tin và thoải mái hơn khi đọc đoạn văn.

Theo IDP, Art là một trong những chủ đề thường gặp nhất trong các bài thi IELTS. Chủ đề này cũng không hề nhỏ, với số lượng từ vựng trải dài ở tất cả các loại hình nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, điêu khắc,…Thông qua hai bài đọc “Henry Moore (1898-1986)” (Cambridge 15, Test 3, Passage 1) và “Museums of fine art and their public” (Cambridge 10, Test 2, Passage 3) mong rằng bài viết dưới đây sẽ giúp các thí sinh hiểu hơn về chủ đề này.

Bài viết cùng chủ đề:

Word/Phrase

Vietnamese Translation

Word Family

Collocations

Abstract

Trừu tượng

Abstraction, Abstractly

Abstract art, Abstract concept

Bronze

Đồng

Bronzes

Bronze statue, Bronze sculpture

Collector

Người sưu tầm

Collectors

Art collector, Antique collector

Exhibition

Triển lãm

Exhibitions, Exhibited

Art exhibition, Solo exhibition

Fine art

Nghệ thuật tinh tế

Fine art gallery, Fine art painting

Modern art

Nghệ thuật hiện đại

Modern art museum, Modern artistry

Sketch

Bản vẽ

Sketches, Sketching

Sketchbook, Sketch artist

Subject matter

Chủ đề

Subjects, Subjected

Artistic subject, Literary subject

Bối cảnh của hai bài đọc thuộc chủ đề Nghệ thuật

1. Henry Moore (1898-1986) (thuộc sách Cambridge 15, Test 3, Passage 1)

Là một nhà điêu khắc với những tác phẩm gây ấn tượng theo chủ nghĩa bán trừu tượng (semi-abstract), Henry Moore đã được coi là một trong những nghệ sĩ hàng đầu trong giới nghệ thuật của thế kỷ thứ XX. Được truyền cảm hứng bởi Pablo Picasso, các tác phẩm điêu khắc bằng đồng của ông khắc họa con người qua những hình dáng trừu tượng, đôi khi được xuyên qua hoặc có các khoảng trống ở giữa.

Qua tìm hiểu về các mốc thời gian chính trong cuộc đời làm nghệ thuật của ông, bài đọc sẽ giúp thí sinh hiểu hơn về các từ vựng liên quan đến lĩnh vực điêu khắc và nguồn cảm hứng sáng tạo đằng sau các tác phẩm của vị nghệ sĩ này.

2. Museums Of Fine Art And Their Public (thuộc sách Cambridge 10, Test 2, Passage 3)

“Tại sao chúng ta đến bảo tàng để nhìn ngắm các tác phẩm nghệ thuật nguyên bản, nhưng lại không đoái hoài đến việc đọc bản gốc của các tác phẩm văn học?” - đây chính là câu hỏi được đặt ra qua bài đọc “Museums Of Fine Art And Their Public”. Câu trả lời nằm ở chỗ: khác với việc xuất bản sách theo số lượng lớn, tính nguyên bản của các tác phẩm nghệ thuật dường như lại được “tôn sùng” hơn rất nhiều.

Trên thực tế, trải qua chiều dài lịch sử, việc sao chép lại một cách chính xác các tác phẩm nghệ thuật đã trở nên rất dễ dàng. Thậm chí các nghệ sĩ lừng danh như Leonardo da Vinci đã từng hướng dẫn các trợ lý tạo ra bản sao của chính các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi các bảo tàng hiện nay lại quá mức đề cao tính nguyên bản của nghệ thuật. Điều này vô hình chung đã khiến cho công chúng có một cách tiếp cận sai với nghệ thuật và vẻ đẹp của nó.

Giải nghĩa từ vựng thuộc chủ đề Nghệ thuật

Abstract (a.)

Định nghĩa: Trừu tượng (dùng để miêu tả các tác phẩm nghệ thuật không mô tả chính xác hình dạng của chủ thể mà chú ý đến việc thể hiện nó qua màu sắc, đường nét, hình dạng, chất liệu…)

Ví dụ:

Khi bàn về từ vựng liên quan đến chủ đề Nghệ thuật thì không thể không nhắc đến các tác phẩm trừu tượng bởi cách thức thể hiện vô cùng độc đáo của nó. Về mặt ngữ pháp, abstract có thể vừa là một tính từ mà cũng có vai trò như danh từ. Trong bài đọc về Henry Moore thuộc cuốn IELTS Cambridge 15, Test 3, thuật ngữ này được dùng phần lớn với vai trò như một tính từ dùng để miêu tả các tác phẩm nghệ thuật như:

  • Around this time, Moore moved away from the human figure to experiment with abstract shapes.

(Trong khoảng thời gian này, Moore rời xa khỏi hình dáng con người để thử nghiệm với các hình dạng trừu tượng.)

  • The pages of his sketchbooks from this period show his ideas for abstract sculptures that bore little resemblance to the human form.

(Các trang từ cuốn sổ phác thảo của ông ấy trong thời kỳ này cho thấy ý tưởng của ông về các tác phẩm điêu khắc trừu tượng có rất ít điểm giống với hình dạng con người.)

Từ hai câu ví dụ trên của bài đọc, có thể thấy abstract được sử dụng như một tính từ bổ nghĩa, nhằm ám chỉ các tác phẩm nghệ thuật theo phong cách trừu tượng. Nhìn chung, trong giai đoạn này, Henry Moore đã thay đổi hướng tập trung sang việc làm ra các tác phẩm trừu tượng, mang hình dáng có ít điểm chung với cơ thể con người (“...bore little resemblance to the human form”).

Nguồn gốc:

Abstract bắt nguồn từ "abstractus" hay”abstrahere” trong tiếng Latin cổ. Về mặt nghĩa, "abstractus" có thể được dịch theo nghĩa đen là ‘drawn away’ (rút ra). Trong những năm đầu tiên kể từ khi xuất hiện, abstract được dùng phần lớn như một thuật ngữ trong lĩnh vực ngữ pháp, nghĩa ám chỉ các danh từ chỉ những sự vật, hiện tượng vô hình, chỉ có thể xác định bằng cảm giác, cảm nhận chứ không thông qua việc nghe thấy hay nhìn thấy. Ngày nay, các danh từ này được biết đến như abstract nouns (danh từ trừu tượng).

Tới năm 1914, abstract tiếp tục được sử dụng trong lĩnh vực mỹ thuật, mang nghĩa ám chỉ những tác phẩm "có đặc trưng là thiếu tính biểu đạt" (“characterized by lack of representational qualities”). Đôi khi abstract cũng được dùng trong âm nhạc để chỉ các tác phẩm không có lời bài hát đi kèm.

Chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng (Abstract Expressionism) là một phong trào nghệ thuật nổi lên ở New York (Mỹ) vào những năm 1940. Đây là phong trào đặc biệt đầu tiên của Mỹ đạt được ảnh hưởng quốc tế và đưa thành phố New York trở thành trung tâm của thế giới nghệ thuật phương Tây - một vai trò mà trước đây được lấp đầy bởi Paris. Phong trào này nhấn mạnh vào sự thể hiện bằng cảm xúc mà không sử dụng hình tượng nào cụ thể. Các bức tranh của thời kỳ thường trông rất nổi loạn, hoặc đôi khi hư vô. Hiện nay, các tác phẩm theo phong cách trừu tượng có thể được chia làm 3 trường phái chính, bao gồm: Chủ nghĩa ấn tượng (Impressionism), Chủ nghĩa lãng mạn (Romanticism) và Chủ nghĩa biểu hiện (Expressionism).

Từ vựng đồng nghĩa: Non-realistic, stylized, impressionistic.

AbstractMột bức tranh theo chủ nghĩa trừu tượng. (Nguồn: Unsplash)

Bronze (a.)

Định nghĩa: Một loại chất liệu được pha lẫn giữa đồng (copper) và thiếc (tin). Đôi khi, bronze cũng được dùng để chỉ màu sắc của chất liệu này (màu đồng).

Ví dụ:

  • He did dozens of studies in clay for the sculpture, and these were cast in bronze and issued in editions of seven to nine copies each.

(Ông đã thực hiện hàng tá các nghiên cứu về đất sét để phục vụ cho tác phẩm điêu khắc, và chúng được đúc bằng đồng và phát hành thành nhiều bản bao gồm từ bảy đến chín bản sao cho mỗi bản.)

Trong bối cảnh của bài đọc Henry Moore (1898-1986), có thể thấy hầu hết các tác phẩm điêu khắc của ông đều được thực hiện bằng chất liệu bronze. Trên thực tế, ngày nay, ông cũng trở nên nổi tiếng với các tác phẩm điêu khắc bằng đồng hoành tráng, mang phong cách bán trừu tượng (semi-abstract) được trưng bày trên khắp thế giới.

Nguồn gốc:

Bronze có nguồn gốc từ “brunz” hay “brun” trong tiếng Pháp cổ, mang nghĩa là “nâu”. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nghệ thuật, bronze được sử dụng để chỉ một loại hợp kim giữa đồng và thiếc, được sử dụng để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Một số các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng được làm bằng chất liệu này có thể kể đến như tượng Nữ Thần Tự Do (The Statue of Liberty), bức tượng Người Suy Tưởng (The Thinker),...

Từ vựng đồng nghĩa: Copper, metal, brass

BronzeTác phẩm điêu khắc Người Suy Tưởng (The Thinker) của nghệ sĩ Pháp Auguste Rodin (Nguồn: Unsplash)

Collector (n.)

Định nghĩa: Người sưu tầm, nhà sưu tập

Ví dụ:

  • In this way, Moore’s work became available to collectors all over the world.

(Bằng cách này, tác phẩm của Moore đã trở nên dễ dàng tiếp cận hơn với các nhà sưu tập trên toàn thế giới)

Trong ngữ cảnh của bài đọc về Henry Moore, nhà điêu khắc này đã phát hành những tác phẩm của mình với số lượng lớn, cụ thể là từ 7 đến 9 bản sao cho mỗi lần phát hành. (“... issued in editions of seven to nine copies each”). Và cũng chính vì vậy, các tác phẩm của ông đã trở nên dễ để tiếp cận hơn với các nhà sưu tập trên toàn thế giới. Từ đó, thu nhập của Henry Moore đã tăng lên và điều này giúp ông có thể thực hiện các dự án đầy tham vọng và bắt đầu làm việc ở quy mô mà các tác phẩm điêu khắc của ông yêu cầu.

Nguồn gốc: Collector xuất phát từ “colligere” trong tiếng Latin, mang nghĩa là 'gather together' (tập hợp lại với nhau).

Trong lịch sử, việc sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật đã xuất hiện từ những nền văn minh cổ đại như Ai Cập và Hy Lạp. Ở thời kỳ này, những nền văn hóa sơ khai đã nhận ra tiềm năng của nghệ thuật khi vừa là phương tiện kể chuyện, vừa là biểu tượng của sự xa hoa, quyền quý.

Ngày nay, hoạt động sưu tầm tác phẩm nghệ thuật vẫn tiếp tục giữa nguyên giá trị của nó khi các buổi đấu giá ngày càng thu hút được nhiều sự chú ý của công chúng. Một số nhà đấu giá các tác phẩm nghệ thuật (aunction house) nổi tiếng trên thế giới có thể kể đến như Christie's, Sotheby's, Phillips, Bonhams hay Heritage Auctions. Bên cạnh việc thể hiện niềm yêu thích của mình với nghệ thuật, các nhà sưu tầm hiện nay cũng coi những bộ sưu tập của họ như một phương tiện để thể hiện sự quan tâm hoặc niềm yêu thích của đối với quá khứ.

Từ vựng đồng nghĩa: Gatherer, accumulator, hoarder, curator.

CollectorMột triển lãm trưng bày các phẩm nghệ thuật tại Đan Mạch (Nguồn: Unsplash)

Phân biệt collector và các từ vựng đồng nghĩa khác:

  • Collector (n): Nhà sưu tập

    • Ý nghĩa: Chỉ những người tìm kiếm và thu thập các tác phẩm nghệ thuật hay những đồ vật có giá trị về mặt cá nhân, lịch sử hay giá trị tiền tệ. Việc sưu tập thường có chủ ý, và vì vậy, những người sưu tập tự hào về việc trưng bày các bộ sưu tập của mình.

    • Ví dụ: He is a major art collector and has an extensive collection of paintings and sculptures. (Anh ấy là một nhà sưu tầm nghệ thuật lớn và có một bộ sưu tập phong phú bao gồm tranh và các tác phẩm điêu khắc.)

  • Hoarder (n): Người tích trữ

    • Ý nghĩa: Chỉ những người có xu hướng ám ảnh với việc tích lũy các đồ vật quá mức, lâu dần trở nên bừa bộn và gặp khó khăn trong việc sắp xếp và duy trì không gian sống của mình.

    • Ví dụ: She is a hoarder and has accumulated a lot of things over the years. (Cô ấy là một người tích trữ và đã tích lũy được rất nhiều thứ trong những năm qua.)

  • Pack rat (idiom): Người có thói quen thu thập những thứ không cần thiết

    • Ý nghĩa: Pack rat là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả những người có xu hướng thu thập và giữ các đồ vật, thường là những đồ vật có vẻ không cần thiết hoặc vô dụng đối với người khác.

    • Ví dụ: I’m basically a digital pack rat and I save a lot of documents in my laptop. (Về cơ bản, tôi là một “con chuột” tích trữ và tôi lưu rất nhiều tài liệu vào máy tính xách tay của mình.)

Exhibition (n.)

Định nghĩa: Triển lãm (một không gian mà trong đó các tác phẩm nghệ thuật được đem ra trưng bày với công chúng).

Ví dụ:

Trong bài đọc về nghệ sĩ Henry Moore, tác giả có câu:

  • In 1931, he held an exhibition at the Leicester Galleries in London

Có thể thấy từ ví dụ trên, việc tổ chức một buổi triển lãm được dùng với động từ ‘held’ (thì quá khứ của ‘hold’). Bên cạnh đó, một số động từ khác cũng có thể được dùng với collection như: house, launch, open, host.

Nguồn gốc:

Exhibition có nguồn gốc từ "exhibere" trong tiếng Latin, mang nghĩa là để tổ chức, trình bày cho ai đó xem.

Nói về tầm quan trọng của hoạt động này, các triển lãm nghệ thuật đóng vai trò như một cầu nối giữa nghệ thuật và công chúng. Đồng thời, trải qua chiều dài lịch sử chúng cũng phần nào phản ánh những hiện thực của xã hội đương thời (do các tác phẩm nghệ thuật đều phần nàothể hiện hệ tư tưởng và quan điểm, định kiến xã hội của tác giả).

Khác với mục đích hiện nay, người Ai Cập và Hy Lạp cổ đại đã từng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trước khi lắp đặt chúng trong những tòa nhà công cộng. Đây được coi là một cách thức hiến tế cho các vị thần linh chứ không phải nhằm mục đích phô trương tài năng sáng tạo của họ. Tương tự, ở thời Trung cổ, hầu hết các tác phẩm nghệ thuật vô danh đều được dành tặng cho những nhà thờ.

Gia đình từ (word family):

Exhibit đôi khi cũng được dùng thay thế cho exhibition. Về mặt ngữ pháp, exhibit vừa có thể là động từ (đem một vật ra trưng bày); hoặc cũng có thể là danh từ (vật được trưng bày).

Ví dụ trong bài đọc ‘Museums of fine art and their public’: One limitation is related to the way the museum presents its exhibits. ('Một hạn chế liên quan đến cách bảo tàng trưng bày các hiện vật của mình’). Với tư cách là một kho lưu trữ các đồ vật lịch sử độc đáo, bảo tàng nghệ thuật thường được gọi là những ‘ngôi nhà kho báu’ (treasure houses). Trong những không gian này, chúng ta (với tư cách là những người tham quan) được nhắc nhở về sự quý giá của các hiện vật ngay cả trước khi chiêm ngưỡng nó. Lời nhắc nhở này được phản ánh bởi sự có mặt của các nhân viên bảo vệ, nhân viên phục vụ, dây thừng ngăn cách và tủ trưng bày…

Từ vựng đồng nghĩa: Display, show, showcase, expo

ExhibitionMột tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại triển lãm của nghệ sĩ Yayoi Kusama. (Nguồn: Unsplash)

Fine art (n.)

Định nghĩa: Các tác phẩm nghệ thuật mang vẻ đẹp về mặt thẩm mỹ, được ngưỡng mộ vì vẻ đẹp và ý nghĩa thay vì mang tính ứng dụng thực tế.

Ví dụ:

  • “Nearly everyone who goes to see the original will already be familiar with it from reproductions, but they accept that fine art is more rewardingly viewed in its original form”

Xuất hiện ngay ở tiêu đề của bài đọc ‘Museums Of Fine Art And Their Public’, fine art được nhắc đến khá nhiều lần xuyên suốt nội dung của bài để ám chí các tác phẩm hội họa nổi tiếng như bức tranh Mona Lisa. Hầu hết những người tới chiêm ngưỡng bức vẽ đều đã quen với các bản sao của bức Mona Lisa, nhưng họ đều không thể chối bỏ rằng việc được chiêm ngưỡng bản gốc của tác phẩm đem lại cho họ giá trị rất lớn.

Bên cạnh đó, việc sao chép hay nhân bản các tác phẩm nghệ thuật cũng được phân tích khá nhiều trong những đoạn sau của bài như: “reproductions of fine art” (bản sao của các tác phẩm nghệ thuật); “it has always been possible to make very accurate facsimiles of pretty well any fine art work” (việc tạo ra những bản sao rất chính xác của bất kỳ tác phẩm mỹ thuật nào dường như đã luôn là điều có thể thực hiện được).

Nguồn gốc:

Hiện nay, vẫn còn tồn tại một số tranh cãi về cách diễn giải thuật ngữ fine art. Một mặt, các học giả tin rằng fine art đồng nghĩa với “art for art’s sake” (Tiếng Pháp: l'art pour l'art), ám chỉ rằng nghệ thuật “'chân chính” có nghĩa là nó hoàn toàn độc lập với các giá trị khác của xã hội. Và vì thế, việc sáng tạo nghệ thuật chỉ đơn giản là để phục vụ nghệ thuật mà thôi.

Mặt khác, nhà triết học người Pháp Charles Batteux lại chỉ ra thuật ngữ fine art trong cuốn “Les Beaux-Arts réduits à un même Principe” ("The Fine Arts Reduced to a Single Principle"). Trong đó, ông cho rằng sự kết hợp của “fine” và “art” bắt nguồn từ “Beaux Arts” trong tiếng Pháp, đơn giản có nghĩa là nghệ thuật tinh tế, xuất sắc và được thực hiện một cách tinh xảo dựa trên quan niệm về vẻ đẹp.

Fine artMột bức họa được trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Musée d'Orsay , Paris, Pháp. (Nguồn: Google Arts & Culture)

Modern art(n.)

Định nghĩa: Nghệ thuật hiện đại.

Đây là phong trào nghệ thuật bao gồm các tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn từ những năm 1860 đến năm 1970. Thuật ngữ này đề cao sự thử nghiệm (với chất liệu, hình dáng, cách nhìn), phá cách và gạt sang một bên các truyền thống nghệ thuật của quá khứ.

Phân biệt Modern art và Contemporary art

Khi đứng riêng lẻ, “modern” và “contemporary” có thể coi là hai từ đồng nghĩa với nhau, ý chỉ hiện đại hoặc đương đại. Tuy nhiên với lĩnh vực nghệ thuật, Modern art và Contemporary art lại là hai trường phái với hai cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau. Dưới đây là một số điểm khác biệt chính giữa hai trường phái nghệ thuật này:

Tiêu chí so sánh

Modern art

Contemporary art

Thời gian

Chỉ các tác phẩm được sáng tác từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20

Bao gồm các tác phẩm được hoàn thiện từ giữa thế kỷ 20 đến nay

Đặc trưng

  • Tách biệt khỏi các tiêu chuẩn nghệ thuật truyền thống mà tập trung vào thử nghiệm

  • Hướng tới nhiều hình thức thể hiện trừu tượng và chủ nghĩa biểu hiện khác nhau.

  • Tập trung vào cách thể hiện cá nhân, bình luận phê phán; Lấy cảm hứng từ các vấn đề văn hóa, chính trị và xã hội

  • Truyền tải nghệ thuật bằng nhiều phương tiện (ví dụ như tranh vẽ, video, các tác phẩm kỹ thuật số…)

Ví dụ:

Trong bài đọc “Henry Moore (1898-1986)”, cụm từ modern art được nhắc đến trong bối cảnh năm 1933 khi vị họa sĩ này trở thành thành viên của một nhóm các nghệ sĩ trẻ có tên Unit One. Nhóm này được lập ra với mục đích thuyết phục công chúng Anh về các lợi ích của nghệ thuật hiện đại - một phong trào đang nổi lên trong hai lĩnh vực là nghệ thuật và kiến trúc.

Đặt trong bối cảnh lịch sử của London những năm 1930, tài năng điêu khắc đặc biệt của Henry Moore đã nhanh chóng nhận được sự công nhận khi ông trở thành giảng viên điêu khắc tại Đại học Hoàng gia (The Royal College). Khi thử nghiệm với nhiều hình dáng trừu tượng trong các tác phẩm điêu khắc của mình, Moore được các đồng nghiệp vô cùng hoan nghênh. Tuy nhiên, giới báo chí lại dành cho ông những đánh giá vô cùng tiêu cực.

Sau đó, trong suốt những năm 1930, Moore không hề cho thấy mong muốn làm hài lòng công chúng Anh. Thay vào đó, ông bắt đầu quan tâm đến những bức vẽ của họa sĩ Pablo Picasso, người truyền cảm hứng để ông bóp méo (distort) hình dáng cơ thể con người trong điêu khắc.

Modern artMột trong những tác phẩm điêu khắc về mèo của nghệ sĩ Philippe Geluck trên đại lộ Champs-Elysées, Pháp (Nguồn: Unsplash)

Sketch (n.)

Định nghĩa: Một bản vẽ/bức vẽ thô hoặc chưa hoàn thiện, thường được thực hiện để hỗ trợ tạo ra một tác phẩm chi tiết hơn.

Ví dụ:

Trong bài đọc về nghệ sĩ Henry Moore, từ sketch xuất hiện trong các câu dưới đây:

  • “He did numerous small sketches of Londoners, later turning these ideas into large coloured drawings in his studio.”

  • “In 1942, he returned to Castleford to make a series of sketches of the miners who worked there.”

Cụ thể, nghệ sĩ đã thực hiện khá nhiều các bản vẽ thô với mục đích phác họa lại hình dáng của người London và các công nhân ở hầm mỏ. Sau đó, ông dựa trên những bức phác họa này để hoàn thành các bức tranh màu trong studio của mình. Ngoài ra, các cuốn sổ phác họa cũng đã cho thấy ý tưởng của ông cho các tác phẩm điêu khắc trừu tượng có rất ít điểm tương đồng so với hình dáng thực của con người.

Gia đình từ (word family):

  • Sketch (v): Phác họa

  • Sketchbooks / Sketchpad (n): Một cuốn sổ bao gồm nhiều trang giấy trắng để phác thảo

  • Sketcher (n): Người phác thảo

  • Sketchy (adj): Thô sơi, không bao gồm nhiều chi tiết

Từ vựng đồng nghĩa: Doodle, draft

SketchMột bức tranh phác họa chú chó (Nguồn: Unsplash)

Subject matter (n.)

Định nghĩa: Nội dung, chủ đề của một tác phẩm nghệ thuật.

Ví dụ:

  • The resulting work signifies a dramatic change in Moore’s style, away from the experimentation of the 1930s towards a more natural and humanistic subject matter.

  • Moore also varied his subject matter in the 1950s with such works as Warrior with Shield and Falling Warrior.

Xét về bối cảnh của thuật ngữ này trong bài đọc, vào năm 1944, thị trấn Harlow (gần London, Anh) đã đề nghị nghệ sĩ Henry Moore thực hiện một tác phẩm điêu khắc mô tả một gia đình. Chính tác phẩm này đã đánh dấu cho sự thay đổi mạnh mẽ trong phong cách của Moore. Ông thoát ly khỏi các thử nghiệm của những năm 1930 và hướng tới một chủ đề tự nhiên và nhân văn hơn. Điều này giúp cho các tác phẩm của ông dần xuất hiện nhiều hơn ở các bộ sưu tập trên toàn thế giới, đem lại cho ông nguồn thu nhập, và cho phép ông thực hiện các dự án tham vọng hơn.

Tuy nhiên, sau đó vào năm 1950, Moore lại lần nữa khẳng định lại tính cách mạng hóa trong các tác phẩm của mình. Bộ sưu tập các vào tác phẩm tượng đứng bằng đồng đầu tiên trong giai đoạn này mang hình dáng thô ráp, góc cạnh và tạo ấn tượng mạnh về mối đe dọa (menace). Nhà điêu khắc Henry Moore sau đó cũng thay đổi đa dạng các chủ thể của mình trong những năm 1950 thông qua các tác phẩm như “Warrior with Shield” hay “Falling Warrior”.

Cấu tạo từ:

  • Subject (Tạm dịch: chủ thể). Trong nghệ thuật, thuật ngữ này được dùng để chỉ trọng tâm chính hoặc yếu tố trung tâm của tác phẩm nghệ thuật. Đó có thể là hình ảnh, con người, sự kiện, hoặc ý tưởng mà nghệ sĩ đã chọn để miêu tả.

  • Matter (Tạm dịch: vật chất). Trong ngữ cảnh của chủ đề Art, "matter" đề cập đến nội dung hoặc chất liệu tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Nó bao gồm các yếu tố hình ảnh như đường nét, hình dạng, màu sắc, kết cấu và hình thức mà nghệ sĩ sử dụng để thể hiện chủ đề.

Từ vựng đồng nghĩa: Theme, focus.

Portrait/ Landscape

Trong ngữ cảnh nghệ thuật, "portrait" và "landscape" là hai thuật ngữ thường được sử dụng để mô tả hướng và định dạng của tranh hoặc ảnh. Dưới đây là giải thích:

  1. Portrait (chân dung): Chân dung thường mô tả một tác phẩm nghệ thuật hoặc bức ảnh trong đó hình ảnh của một người hoặc một đối tượng được chụp hoặc vẽ theo chiều dọc, tức là chiều cao lớn hơn chiều rộng. Chân dung thường tập trung vào việc thể hiện chi tiết và biểu cảm của khuôn mặt và hình dáng của người hoặc đối tượng.

  2. Landscape (phong cảnh): Phong cảnh là thuật ngữ dùng để mô tả một tác phẩm nghệ thuật hoặc bức ảnh mô tả một khung cảnh tự nhiên như cảnh vật thiên nhiên, quang cảnh tự nhiên hoặc một bức tranh về không gian rộng. Trong ngữ cảnh nghệ thuật, phong cảnh thường thể hiện sự tương tác của ánh sáng, màu sắc và không gian tự nhiên.

Cả hai thuật ngữ này đề cập đến cách một tác phẩm nghệ thuật được cắt hoặc vẽ, liên quan đến hướng và tỷ lệ chiều rộng và chiều cao của nó. Portrait tập trung vào con người hoặc đối tượng, trong khi landscape tập trung vào phong cảnh tự nhiên. Đây là những khái niệm quan trọng trong việc mô tả và phân loại các tác phẩm nghệ thuật và ảnh.

Đoạn văn trong bài Cambridge 14 Test 2 Passage 1: Alexander Henderson (1831-1913) và dịch nghĩa:

“In 1866, he gave up his business to open a photographic studio, advertising himself as a portrait and landscape photographer. From about 1870 he dropped portraiture to specialize in landscape photography and other views. His numerous photographs of city life revealed in street scenes, houses, and markets are alive with human activity, and although his favourite subject was landscape he usually composed his scenes around such human pursuits as farming the land, cutting ice on a river, or sailing down a woodland stream.”

Dịch:

Năm 1866, ông từ bỏ công việc kinh doanh của mình để mở một studio chụp ảnh, tự quảng cáo mình là một nhiếp ảnh gia chân dung và phong cảnh. Từ khoảng năm 1870, ông bỏ chụp chân dung để chuyên chụp ảnh phong cảnh và các góc nhìn khác. Vô số bức ảnh của ông về cuộc sống thành phố cho thấy cảnh đường phố, nhà cửa và chợ đều sống động với hoạt động của con người, và mặc dù chủ đề yêu thích của ông là phong cảnh, ông thường sáng tác những cảnh quay xung quanh những hoạt động theo đuổi của con người như trồng trọt trên đất, cắt băng trên sông hoặc chèo thuyền. xuống một con suối trong rừng.

Portrait (Chân dung):

  1. Self-portrait (Chân dung tự họa): Một tác phẩm nghệ thuật mà nghệ sĩ vẽ chính bản thân họ.

  2. Portraitist (Họa sĩ chân dung): Người chuyên vẽ chân dung.

  3. Sitter (Người ngồi chụp chân dung): Người được vẽ hoặc chụp trong bức chân dung.

  4. Character portrait (Chân dung tính cách): Chân dung tập trung vào việc thể hiện tính cách và cá nhân của người trong bức tranh.

  5. Group portrait (Chân dung nhóm): Bức chân dung của một nhóm người, thường là gia đình hoặc nhóm bạn thân.

Landscape (Phong cảnh):

  1. Seascape (Phong cảnh biển): Phong cảnh của biển, thường là bãi biển hoặc cảnh biển.

  2. Cityscape (Phong cảnh thành phố): Phong cảnh của thành phố, thường là các tòa nhà và cảnh quan thành phố.

  3. Rural landscape (Phong cảnh nông thôn): Phong cảnh của vùng nông thôn, thường là cánh đồng, ngôi làng, hoặc núi non.

  4. Panorama (Tầm nhìn rộng): Một bức tranh phong cảnh mà bạn có thể nhìn thấy một khung cảnh rộng lớn, thường là được ghép từ nhiều bức ảnh nhỏ.

  5. Landscape artist (Họa sĩ phong cảnh): Nghệ sĩ chuyên vẽ tranh phong cảnh.

  6. Natural beauty (Vẻ đẹp tự nhiên): Sự tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên trong tranh và ảnh phong cảnh.

Xem thêm:

Từ khác trong chủ đề

  1. Still life (Tự nhiên chết): Tranh hoặc ảnh về các đối tượng tĩnh, thường là các vật phẩm, hoa, thực phẩm, hoặc vật trang sức.

  2. Abstract art (Nghệ thuật trừu tượng): Thể loại nghệ thuật không biểu đạt các hình ảnh cụ thể hoặc đối tượng, thay vào đó làm nổi bật màu sắc, hình dạng, và biểu đạt cảm xúc trừu tượng.

  3. Sculpture (Điêu khắc): Sản phẩm nghệ thuật 3D được tạo ra bằng cách cắt, khắc, hoặc tạo hình từ các loại vật liệu như đá, gỗ, kim loại, hoặc gốm sứ.

  4. Gallery (Phòng trưng bày): Nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật cho công chúng tham quan hoặc mua sắm, thường là trong bảo tàng nghệ thuật hoặc các không gian nghệ thuật riêng lẻ.

  5. Palette (Bảng màu): Bảng màu được sử dụng bởi họa sĩ để lựa chọn màu sắc cho tác phẩm của họ.

  6. Impressionism (Chủ nghĩa ấn tượng): Một phong cách nghệ thuật thế kỷ 19, tập trung vào việc bắt ghi lại ánh sáng và ánh sáng mặt trời trong thời gian thực.

  7. Canvas (Bức vải): Bề mặt trên đó họa sĩ vẽ tranh, thường là một tấm vải sơn chất lượng cao.

  8. Portraitist (Họa sĩ chân dung): Người chuyên vẽ hoặc chụp ảnh chân dung của con người.

  9. Watercolor (Màu nước): Một phương pháp vẽ sử dụng màu nước trong đó màu sắc thường mềm mại và trong suốt.

  10. Exhibition (Triển lãm): Sự sắp xếp và hiển thị các tác phẩm nghệ thuật cho công chúng xem xét và đánh giá.

  11. Artistic expression (Biểu đạt nghệ thuật): Cách nghệ sĩ thể hiện tình cảm, ý tưởng, hoặc ý nghĩa cá nhân trong tác phẩm của họ.

  12. Artistic movement (Phong trào nghệ thuật): Một giai đoạn trong lịch sử nghệ thuật có các đặc điểm và xu hướng nghệ thuật chung.

  13. Palette knife (Dao gạt màu): Công cụ được sử dụng để tạo ra vùng sắc nét hoặc gạt bỏ màu sắc trên bức tranh.

  14. Brushstroke (Nét vẽ): Dấu vết hoặc đường nét mà họa sĩ tạo ra bằng cọ và màu sắc trên bức tranh.

  15. Artistic style (Phong cách nghệ thuật): Cách họa sĩ hoặc nghệ sĩ biểu đạt nghệ thuật của họ thông qua việc sử dụng kỹ thuật, màu sắc và biểu đạt.

  16. Art collector (Người sưu tập nghệ thuật): Người mua và sưu tập các tác phẩm nghệ thuật, thường là để trưng bày hoặc đầu tư.

  17. Fine art (Nghệ thuật tinh tế): Tác phẩm nghệ thuật được tạo ra với mục đích thẩm mỹ và không phải là công nghiệp hoặc thương mại.

  18. Modern art (Nghệ thuật hiện đại): Một dạng nghệ thuật phát triển sau thế kỷ 19 với phong cách và ý tưởng nghệ thuật tiến bộ và thường là trừu tượng.

  19. Sketch (Bản phác thảo): Bức vẽ nhanh về đề tài hoặc ý tưởng, thường là dưới dạng một bức vẽ tạm thời hoặc một phần của

Kết luận

Thông qua bài viết về các từ vựng thuộc hai bài đọc, mong rằng các thí sinh đã có được những kiến thức tổng quan nhất về chủ đề Art. Việc làm quen với nhiều chủ đề khác nhau sẽ rất có ích cho bài thi IELTS Reading. Tuy nhiên, thí sinh không cần thiết phải nghiên cứu quá chuyên sâu về chủ đề. Thay vào đó, điều quan trọng là rèn luyện kỹ năng đọc hiểu ở nhiều lĩnh vực khác nhau để chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho bất kỳ chủ đề nào xuất hiện trong phòng thi.

Tìm hiểu thêm: Từ vựng IELTS Reading theo chủ đề thường gặp.


Tài liệu tham khảo

  1. Artland. “A Brief History of Art Collecting.” Artland Magazine, Feb. 2023, https://magazine.artland.com/a-brief-history-of-art-collecting/.

  2. Cambridge University Press & Assessment. Cambridge IELTS 15 Academic Student’s Book. 2020.

  3. Cambridge University Press & Assessment. Cambridge IELTS 10 Academic Student’s Book. 2015.

  4. Hidayat, Awal. “Fine Art: Definition, History, and Most Famous Artists.” Indonesia Design, Oct. 2020, indonesiadesign.com/story/fine-arts.

  5. “IELTS Reading Test – How to Manage Your Time | IDP IELTS.” IDP IELTS, https://ielts.idp.com/prepare/article-manage-time-in-ielts-reading#how-to-prepare-for-ielts-reading.

  6. Luisa.Gonzalez. “History of Art Exhibitions | Fahrenheit Magazine.” Fahrenheit Magazine, 12 Nov. 2020, fahrenheitmagazine.com/en/modern-art/history-of-art-exhibitions.

  7. Online Etymology Dictionary, https://www.etymonline.com/

  8. Stone, Rachel. “A Major Yayoi Kusama Exhibition Is Coming to Auckland Art Gallery.” Concrete Playground, 29 Sept. 2017, concreteplayground.com/auckland/arts-entertainment/major-yayoi-kusama-exhibition-coming-auckland-art-gallery.

Để rút ngắn thời gian học tập, đạt điểm IELTS trong thời gian gấp rút. Người học có thể tham gia ôn thi IELTS cấp tốc tại ZIM để được hỗ trợ tối đa, cam kết đạt kết quả đầu ra.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu