Banner background

Ứng dụng công nghệ vào học tiếng Anh cho trình độ từ 5.5 IELTS trở lên - Phần 1: Kĩ năng IELTS Listening

Trong bài viết này tác giả sẽ chỉ ra một số phương tiện công nghệ vào học tiếng Anh cho trình độ từ 5.5 IELTS trở lên - Phần 1: Kĩ năng IELTS Listening giúp người học nâng cao kỹ năng của bản thân.
ung dung cong nghe vao hoc tieng anh cho trinh do tu 55 ielts tro len phan 1 ki nang ielts listening

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc áp dụng chúng vào việc tự học hay tự luyện tiếng Anh đang dần trở nên phổ biến và thu hút ngày càng nhiều sự chú ý của những người học. Câu hỏi được đặt ra là người học có thể áp dụng các phương pháp, các công cụ nào để có thể nâng cao vốn kiến thức cũng như các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết trong tiếng Anh. Vì vậy, trong phần 1 của series bài viết này, tác giả muốn cùng người đọc hiểu về các lợi ích khi ứng dụng công nghệ vào học tiếng Anh cũng như chỉ ra các phương tiện người học có thể sử dụng một cách dễ dàng nhằm cải thiện ký năng IELTS Listening dưới dạng các công cụ, phần mềm hay nguồn tài nguyên vô hạn nhờ vào sự phát triển của công nghệ và mạng Internet.

Key Takeaways

  1. Việc ứng dụng công nghệ vào học tiếng Anh giúp cho người học có thể tiếp cận với một nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng cũng như cho phép người học có thể tự học mọi lúc, mọi nơi

  2. Các phương tiện người học có thể ứng dụng công nghệ vào học tiếng Anh:

    1. Podcasts: Tiện lợi, nội dung phong phú, người học có thể kết hợp luyện nghe trong lúc đang xử lí các công việc khác nhau.

    2. Các nền tảng chia sẻ video và phim ảnh trực tuyến: Kết hợp giải trí và học tập. Tuy nhiên người học cần phải lưu ý 3 điểm sau khi sử dụng các nền tảng này

      • Tự giác trong việc luyện tập của bản thân

      • Làm quen với việc sử dụng phụ đề Anh ngữ

      • Kết hợp sử dụng các tiện ích mở rộng trên các trình duyệt web trên máy tính


Lợi ích của việc ứng dụng công nghệ vào học tiếng Anh

Khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên nghe phong phú một cách nhanh chóng

Với sự ra đời và phát triển không ngừng của mạng Internet và điện toán đám mây, con người đã và đang được tiếp cận với nguồn tri thức khổng lồ một cách không thể dễ dàng hơn. Nếu như tầm khoảng 30 năm về trước, khi kiến thức và tài nguyên học tập của nhân loại chủ yếu được lưu trữ dưới dạng giấy và sách, việc tiếp cận nguồn tài nguyên đó vẫn còn phần nào bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý và điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, ngày nay, chỉ cần đánh vài dòng chữ trên Google là toàn bộ mọi tài nguyên, mọi kiến thức đã nằm gói gọn trong tầm tay của chúng ta.

Cụ thể hơn, đối với người học tiếng Anh, ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới, việc tìm các tài liệu giúp ích cho việc luyện nghe tiếng Anh bao gồm sách nói, âm nhạc, phim ảnh bằng tiếng Anh trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chính vì tính dồi dào và sẵn có của nguồn tài nguyên tiếng Anh này mà người học đang ngày càng nắm thế chủ động trong việc tự học thay vì tiếp thu kiến thức một cách thụ động trên lớp.

Khả năng luyện tập mọi lúc, mọi nơi

Mạng Internet và khoa học công nghệ không chỉ cung cấp cho người học tiếng Anh một lượng tài nguyên dồi dào mà còn tạo ra những công cụ, thiết bị giúp cho việc tiếp cận nguồn tài nguyên đó một cách nhanh chóng và tiện lợi. Nếu như trước đây nếu muốn luyện nghe tiếng Anh, chúng ta thường sẽ tìm đến các loại đĩa CD hay băng cassette chứa các file nghe trong đó. Hạn chế lớn nhất là người học sẽ phải phụ thuộc vào các loại đầu đọc đĩa hay các loại đài với kích thước nặng và cồng kềnh.

Giờ đây, với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của công nghệ, tất cả những gì người học cần là 1 chiếc Smartphone và kết nối mạng không dây để có thể luyện nghe mọi lúc và mọi nơi: khi ngồi trên xe buýt, khi đang chạy bộ, nấu ăn, đợi tàu,…

 ung-dung-cong-nghe-vao-hoc-tieng-anh-bus

Bằng việc luyện nghe mọi lúc mọi nơi này, người học vô hình chung đã tạo cho mình một môi trường luyện tập tiếng Anh khá hiệu quả. Môi trường đó đóng vai trò vô cùng lớp trong việc cải thiện phản xạ ngôn ngữ, nâng cao khả năng sử dụng các kĩ năng khác của bản thân bên ngoài kĩ năng nghe hiểu.

Các phương tiện luyện nghe tiếng Anh hiệu quả áp dụng cho trình độ IELTS 5.5 trở lên

Podcasts

 Theo từ điển Cambridge thì Podcasts được định nghĩa như sau:

“a radio programme that is stored in a digital form that you can download from the internet and play on a computer or on an MP3 player”

(Một chương trình radio được lưu dưới dạng kĩ thuật số và có thể được download và bật trên máy tính hay máy nghe nhạc MP3)

Điều khiến cho podcasts đang ngày càng trở nên phổ biến chính là tính tiện lợi của chúng. Người dùng có thể nghe các bài podcasts trên các nền tảng kĩ thuật số hay các ứng dụng như Apple Podcasts, Google Podcasts hay Spotify trong khi đang làm việc nhà, chạy bộ, nấu nướng,… Tựu chung lại, podcasts là 1 cách để người nghe tiếp nhận thông tin một cách dễ dàng và tiện lợi.

Podcast có rất nhiều chủ đề khác nhau, từ các chương trình radio, phỏng vấn người nổi tiếng, cho đến ký sự, tin tức,.... Do phần lớn các podcasts hiện nay đều bằng tiếng Anh nên đây cũng sẽ là một trong những cách vô cùng hiệu quả để luyện khả năng nghe hiểu tiếng Anh của bản thân.

Một số podcasts phù hợp cho việc luyện nghe trình độ IELTS 5.5 trở lên có thể kể đến như dưới đây:

6 Minute English:

Podcasts của đài BBC của Vương Quốc Anh. Điểm mạnh của podcast này chính là độ dài ngắn chỉ khoảng 6 phút với độ bao phủ chủ đề khá rộng, từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục,.. Tuy nhiên do là podcast của Anh nên có thể cách phát âm British English cộng với tốc độ nói tương đương người bản ngữ sẽ khiến cho người học khá bối rối lúc ban đầu.

Link: https://open.spotify.com/show/3CF9ANEicXGxEROA3cOryE?si=88e4d577e2c0490a

Plain English:

Podcast này khắc phục được những nhược điểm của 6 Minute English. Cách phát âm Anh-Mỹ cùng với tốc độ đọc chậm hơn bình thường sẽ giúp cho người học trình độ Intermediate có thể theo kịp và hiểu được một cách khá dễ dàng. Tuy nhiên, do tốc độ đọc chậm và độ dài 1 tập podcasts khá dài (khoảng 20 đến 25 phút), người học trình độ Advanced hay Master có thể sẽ cảm thấy không hứng thú bằng các podcasts khác.

Link: https://open.spotify.com/show/3BThje2qx6WvjZT6iU3oMy?si=68665e51ea1e4d77

Learn English Through Listening:

Với độ dài trung bình (Khoảng 10 phút/1 tập), tốc độ đọc khá chậm rãi và chủ đề đa dạng, podcast này không chỉ cung cấp cho người học các kiến thức thời sự mà còn giải nghĩa chi tiết các từ mới trong bài, bao gồm cả cách đánh vần các từ mới. Và đặc biệt podcast này còn cung cấp cả transcript của từng tập, giúp người học có thể theo dõi và xem lại những đoạn bản thân chưa nghe được rõ.

Link: https://open.spotify.com/show/7ixeOS7ezPTZSaISIx2TTw?si=955f334814eb4954

Transcript: https://adeptenglish.com/lessons/

Các trang web xem phim và chia sẻ video trên Internet

Sự bùng nổ của kỉ nguyên Internet và Streaming (phát trực tiếp nội dung số) đã khiến cho thói quen xem phim, hay nói rộng ra là giải trí nói chung, của chúng ta cũng thay đổi theo. Số lượng tài khoản đăng kí dịch vụ Netflix, một trong những dịch vụ phát phim trực tuyến nổi tiếng nhất hiện nay, đã lên đến con số 214 triệu trên toàn cầu và vẫn đang có chiều hướng tăng lên. YouTube – trang chia sẻ video nổi tiếng nhất thế giới – cũng đã đạt mốc 22.8 tỉ lượt truy cập mỗi tháng, chỉ đứng sau Google.

ung-dung-cong-nghe-vao-hoc-tieng-anh-xem-phim

Đây chính là những nguồn tài liệu dồi dào giúp cho người học có thể nâng cao khả năng nghe hiểu tiếng Anh của bản thân. Người học có thể vừa học vừa giải trí bằng những bộ phim hay những video thuộc những chủ đề bản thân yêu thích yêu thích.

Một vài trang web xem phim hoặc chia sẻ video tiêu biểu mà người học có thể tham khảo như sau:

  • Netflix.com: 1 trong những trang web xem phim trả phí nổi tiếng nhất thế giới. Thư viện phim trên Netflix khá lớn với đầy đủ phụ đề tiếng Anh. Tuy nhiên thư viện phim này sẽ thay đổi tuỳ theo từng vùng lãnh thổ. Nếu muốn truy cập toàn bộ thư viện phim trên Netflix người học có thể cân nhắc đến việc sử dụng các dịch vụ VPN chuyển vùng sang các nước như Mỹ hay Canada để có thể tiếp cận kho phim lớn hơn.

  • Ngoài Netflix ra hiện nay cũng có những trang web xem phim miễn phí có phụ đề tiếng Anh với thư viện phim khá lớn như Fmovies.to hay MoviesJoy.to. Tuy nhiên tác giả không khuyến khích người học truy cập các trang web này nếu chưa có các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin bao gồm việc cài các phần mềm diệt virus hay chặn quảng cáo trên máy tính do những trang web này thường sẽ chứa các link quảng cáo cũng như nếu không cẩn thận người học có thể khiến máy tính bị nhiễm virus hoặc bị đánh cắp thông tin cá nhân.

  • YouTube.com: Một trang web chia sẻ video khá phổ biến. Trên này người học có thể tìm được những video với mọi thể loại nội dung mà người học yêu thích, từ video làm đẹp, nấu ăn đến các video phổ cập kiến thức, tin tức, các bài phỏng vấn hay diễn thuyết của người nổi tiếng, … Một vài kênh YouTube có phụ đề tiếng Anh có thể kể đến như sau:

    • Ted-ed và Vox: Những series video trên các kênh này mang tính giáo dục rất cao. Bên cạnh luyện nghe tiếng Anh người học sẽ có thể học được thêm rất nhiều kiến thức khác ở tất cả các lĩnh vực từ khoa học, lịch sử, địa lý, kinh tế, đời sống một cách vô cùng trực quan, dễ hiểu mà không hề cứng nhắc và khô khan.

    • TheEllenShow: Kênh chính thức của The Ellen DeGeneres Show, một trong những chương trình đàm thoại truyền hình nổi tiếng của Mỹ. Hầu hết những clip phỏng vấn người nổi tiếng hay những vở kịch hay các bài độc thoại ngắn của người dẫn chương trình, diễn viên hài Ellen DeGeneres đều có phụ đề tiếng Anh, giúp người học có thể vừa theo dõi những thần tượng mà mình yêu thích trong lúc luyện tập và nâng cao khả năng nghe hiểu của bản thân.

    • Tasty: Kênh YouTube chuyên về ẩm thực với hơn 20 triệu lượt đăng kí này không chỉ giúp người học luyện nghe tiếng Anh mà còn cung cấp cho người học nguồn kiến thức từ vựng tiếng Anh khá dồi dào về các món ăn, công thức, dụng cụ hay các kĩ thuật nấu ăn. Những clip trên này phần lớn đều được đầu tư khá công phu và có khá nhiều video có đầy đủ phụ đề tiếng Anh.

Không ai có thể phủ nhận những lợi ích mà việc luyện nghe tiếng Anh qua phim ảnh và video clips trên mạng. Tuy nhiên, việc luyện tập sao cho hiệu quả không phải là điều mà người học nào cũng biết và có thể áp dụng. Nếu không có phương pháp luyện tập đúng đắn, đây có thể là con dao hai lưỡi khiến người học mất tập trung, tốn thời gian mà không học được thêm kiến thức mới nào.

Lưu ý

Tự giác trong việc luyện tập của bản thân: Việc kết hợp học và giải trí này nếu không có sự tự giác, tự ý thức của bản thân thì người học sẽ rất dễ bị đắm chìm trong các thước phim và quên mất mục đích chính của mình, đó chính là nâng cao khả năng nghe tiếng Anh. Để khắc phục được điều này, người học cần có một tâm lí vững và cần phải luôn tự ý thức được rằng mình đang học chứ không chỉ là giải trí.

Làm quen với việc sử dụng phụ đề Anh ngữ: Phụ đề là một công cụ khá hiệu quả giúp cho người học có thể nhận biết được các từ mới, các cách diễn đạt mới trong một đoạn diễn ngôn. Tuy nhiên, để tăng tính hiệu quả, người học nên tìm đến các loại phụ đề gốc bằng tiếng Anh thay vì phụ đề tiếng Việt. Việc sử dụng phụ đề tiếng Việt sẽ vô hình chung khiến người học quá tập trung vào phụ đề mà quên mất việc mình đang luyện nghe tiếng Anh, giảm tính hiệu quả của phương pháp này.

Sử dụng các extensions (tiện ích mở rộng) trên các trình duyệt web (Chỉ dành cho người học sử dụng máy tính). Việc sử dụng phụ đề tiếng Anh đôi lúc sẽ khiến người học nản chí do việc thiếu kiến thức từ vựng dẫn đến việc người học sẽ không thể hiểu được ý nghĩa của bộ phim hay video clip mà họ đang xem. Đó sẽ là lúc các tiện ích mở rộng trên trình duyệt web phát huy tác dụng.

Một trong số những là eJoy Xtension, một tiện ích mở rộng hoàn toàn miễn phí và tương thích với các trang web nổi tiếng như Netflix, YouTube hay Ted. Khi sử dụng tiện ích này người học có thể tự tạo cho mình phụ đề song ngữ để có thể vừa luyện nghe, tiếp nhận thêm từ mới và có thể hiểu được ý nghĩa của bộ phim hay clip. Bên cạnh đó người học cũng có thể tra ý nghĩa của các từ mới trực tiếp trên phụ đề mà không cần phải mở và tra từ điển.

Trong trường hợp không có sẵn phụ đề tiếng Việt, tiện ích này sẽ tự động dịch phụ đề tiếng Anh sang tiếng Việt. Tuy rằng độ chính xác chỉ khoảng 70% so với bản gốc và đôi lúc bản dịch tự động còn có phần thiếu tự nhiên, người học vẫn có thể biết được ý chính của các diễn ngôn. Người học chỉ nên coi phụ đề tiếng Việt này như một biện pháp bổ trợ trong thời gian đầu làm quen với phụ đề tiếng Anh thay vì phụ thuộc quá nhiều vào chúng và bỏ qua phụ đề gốc.

Link download tiện ích: https://ejoy-english.com/extension/

Tổng kết

Việc ứng dụng công nghệ vào học tiếng Anh ngoài việc giúp người học có một môi trường tự học cho bản thân mà còn giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả việc học tiếng Anh trên trường hay tại các trung tâm. Nếu muốn làm chủ một ngoại ngữ nói chung hay tiếng Anh nói riêng, bên cạnh việc học tập trên lớp, người học cần phải có ý thức tự học, tự luyện tập và tiếp xúc với ngôn ngữ đó hàng ngày và công nghệ là một công cụ tuyệt vời giúp người học giải quyết được bài toán đó.

Qua bài viết này, tác giả chỉ đưa ra một vài trong số những phương tiện và cách ứng dụng công nghệ vào luyện nghe tiếng Anh và một số nguồn tài nguyên tham khảo và người học hoàn toàn có thể tự mình tìm cho mình những nguồn tài liệu khác phù hợp với sở thích hay trình độ của mình hơn.

Tuy nhiên, chính vì tính dồi dào của tài nguyên trên Internet, khi lựa chọn những phương tiện hay tài nguyên phù hợp với bản thân mình, người học cũng cần phải tự tạo cho mình một “phễu lọc” tài nguyên, chỉ lựa chọn cho mình những nguồn tài liệu hay phương tiện uy tín, chính xác, phù hợp với trình độ để có thể tối đa hóa hiệu quả khi luyện tập.  

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...