Ứng dụng Learning zone và Performance zone trong tự luyện thi IELTS (P.2)

Bài viết hướng dẫn người học cách ứng dụng Learning zone và Performance zone vào từng dạng bài thi IELTS, giúp người học có phương pháp luyện thi IELTS khoa học, hợp lý.
author
ZIM Academy
11/01/2021
ung dung learning zone va performance zone trong tu luyen thi ielts p2

Tiếp nối phần trước “Ứng dụng Learning zone và Performance zone trong tự luyện thi IELTS“, bài viết dưới đây hướng dẫn người học cách ứng dụng Learning zone và Performance zone vào từng dạng bài thi IELTS, giúp người học có phương pháp luyện thi IELTS khoa học, hợp lý.

Ứng dụng Learning zone vào tự luyện thi IELTS

Một thực tế đáng buồn trong việc học tập ngày nay là trong phần lớn thời gian, học sinh luôn ở Performance zone. Học sinh có xu hướng xem trường lớp là nơi để thể hiện những gì mình đã biết, hạn chế tối đa việc phạm lỗi sai, thay vì là nơi để học hỏi những điều chưa biết, để từ đó nhìn ra điểm yếu của mình và học cách khắc phục. Điều này có thể là do áp lực từ thành tích, điểm số, nói cách khác, từ suy nghĩ của người học rằng khả năng của bản thân bị đánh giá qua số điểm của các bài tập. Từ đó, người học dễ hình thành nỗi sợ sai, không dám bước ra khỏi vùng an toàn. Tuy nhiên, nếu chỉ ở trong Performance zone, người học sẽ không thể tiến bộ, hoặc nếu có, sự tiến bộ sẽ diễn ra chậm. Vì vậy, bên cạnh sự thay đổi từ nhà trường, gia đình và xã hội, người học cần chủ động bước vào Learning zone.

Learning zone yêu cầu một môi trường ít rủi ro. Trong học tập, môi trường Learning zone lý tưởng là khoảng thời gian học tập, ôn luyện. Để sử dụng hiệu quả thời gian ở trong Learning zone, người đọc có thể áp dụng một số gợi ý sau.

ung-dung-learning-zone-vao-luyen-thi-ielts

Đầu tiên, người đọc cần có tư duy cầu tiến (growth mindset). Người học cần có niềm tin rằng khả năng của họ có thể tiến bộ theo thời gian nếu họ nỗ lực và sẵn sàng đối mặt thử thách, khó khăn. Những người có tư duy cầu tiến sẽ đón nhận thất bại, sai lầm và coi đó là bài học, động lực để tiến lên. Một ví dụ của tư duy cầu tiến ở người học ngôn ngữ là việc không ngại giao tiếp, luyện nói dù phát âm chưa chuẩn. Khi ở trong Learning zone, việc chủ động luyện nói sẽ giúp người học phát hiện lỗi sai và biết cách sửa chữa. Ngược lại, nếu chỉ luôn ở trong Performance zone, kỹ năng Speaking (kỹ năng nói) của người học sẽ không thể cải thiện do thiếu sự luyện tập.

Khi đã có tư duy cầu tiến, người học cần sắp xếp thời gian cụ thể cho việc học hỏi, ôn luyện và thực sự quyết tâm trong khoảng thời gian đó. Việc phát triển khả năng tiếng Anh, hay thành thạo một công việc cần nhiều thời gian luyện tập, sai và sửa. Đồng thời, trong quá trình luyện tập, người học có thể gặp thất bại, nhận ra nhiều điểm yếu của bản thân và nản chí. Vì vậy, Learning zone yêu cầu người học dành thời gian hiệu quả và kiên nhẫn, bền bỉ.

Đặc biệt, người học cần có kế hoạch học tập có chủ đích. Cụ thể dưới đây là một số gợi ý để người học lên kế hoạch hợp lý:

  • Chia nhỏ các kỹ năng cần luyện tập.

  • Khi học tập và tự luyện thi IELTS, người học cần phân bổ thời gian phù hợp cho từng kỹ năng. Với mỗi kỹ năng, người học cần tiếp xúc với các dạng bài đa dạng thay vì chỉ tập trung vào những dạng bài mình đã làm tốt bởi mỗi dạng bài có thể cần những kỹ năng, chiến lược làm bài khác nhau.

Bài thi IELTS Reading (bài kiểm tra kỹ năng Đọc) có những dạng bài như Summary Completion (Hoàn thành đoạn tóm tắt), Matching Headings (Nối chủ đề với nội dung đoạn văn), True/False/Not Given (Đúng/Sai/Không đề cập),…. Căn cứ vào khả năng bản thân, người học nên phân chia thời gian luyện từng dạng bài trước khi làm toàn bộ bài thi IELTS Reading. Với mỗi dạng bài, chiến lược làm bài sẽ có sự khác biệt nhất định. Ví dụ như:

  • Matching Headings: Đề bài sẽ cho một danh sách chủ đề, thí sinh sẽ nối chủ đề tương ứng với mỗi phần (section) hoặc đoạn văn (passage).

Questions 1 – 4

Reading Passage 1 has five sections, A-E.

Choose the correct heading for each section from the list of headings below. Write the correct number, i-viii, in boxes 1-4 on your answer sheet.

List of Headings

i Dramatic effects can result from small changes in traffic just as in nature

ii How a math experiment actually reduced traffic congestion

iii How a concept from one field of study was applied in another

iv A lack of investment in driver training

v Areas of doubt and disagreement between experts

vi How different countries have dealt with traffic congestion

vii The impact of driver behaviour on traffic speed

viii A proposal to take control away from the driver

1 Section A

2 Section C

3 Section D

4 Section E

Nguồn: IELTS.org

Để làm dạng bài này, người đọc cần hiểu nội dung chính của toàn đoạn văn, phân biệt ý chính và ý phụ (để tránh nhầm lẫn về chủ đề đoạn). Vì vậy, chiến lược làm bài hiệu quả là:

cah-lam-matching-headings

  • Summary Completion: Đây là dạng bài yêu cầu thí sinh hoàn thành bản tóm tắt nội dung toàn bài đọc hoặc 1 phần bài đọc. Thí sinh cần chọn từ từ danh sách có sẵn hoặc tự tìm trong bài đọc (số lượng từ cần điền cho mỗi câu trả lời được giới hạn)

Questions 1 – 5

Complete the summary below.

Choose NO MORE THAN TWO WORDS from the passage for each answer. Write your answers in boxes 1-5 on your answer sheet.

Consumers often complain that they experience a feeling of 1 ………… when trying to put together do-it-yourself products which have not been tested by companies on a 2 ………… . In situations where not keeping to the correct procedures could affect safety issues, it is especially important that 3 ………… information is not left out and no assumptions are made about a stage being self-evident or the consumer having a certain amount of 4 ………… .

Lawyers, however, have raised objections to the use of plain English. They feel that it would result in ambiguity in documents and cause people to lose faith in 5 ………… , as it would mean departing from language that has been used in the courts for a very long time.

Nguồn: IELTS.org

Vì yêu cầu đề hoàn toàn khác với dạng bài Matching Headings, cách làm dạng bài Summary Completion cũng có nhiều điểm khác biệt:

Bước 1: Xác định dạng summary completion (thí sinh cần tập trung vào toàn bộ bài đọc hay chỉ một phần, đề bài cho sẵn danh sách từ hay người đọc cần tự tìm, nếu người đọc cần tự tìm từ, giới hạn số từ trong một câu trả lời là bao )

Bước 2: Xác định loại từ cần điền vào chỗ trống

Bước 3: Lựa chọn từ khoá dễ scan (theo nguyên tắc 3N: names (tên riêng), numbers (số), nouns (những từ không liên quan đến chủ đề chính))

Bước 4: Dự đoán một số từ đồng nghĩa/ trái

Bước 5: Scan bài đọc để tìm thông tin cần thiết

Bước 6: Đối chiếu với phần câu hỏi cần điền và điền câu trả lời

Bài IELTS Listening (bài kiểm tra kỹ năng Nghe) có những dạng bài như Diagram Completion (Hoàn thành biểu đồ), Note/Form Completion (Điền vào phiếu/form),…

Bài IELTS Writing (bài kiểm tra kỹ năng Viết) gồm 2 phần, được đánh giá qua 4 tiêu chí: Task Response (Trả lời đúng yêu cầu đề), Coherence and Cohesion (Độ mạch lạc, logic, liên kết), Lexical Resource (Khả năng sử dụng từ ngữ), Grammatical Range and Accuracy (Độ chính xác và sự đa dạng của ngữ pháp).

IELTS Writing Task 1 yêu cầu thí sinh viết bản tóm tắt dài ít nhất 150 từ về loại thông tin hình ảnh (visual information), ví dụ như biểu đồ, bảng (table), bản đồ (map), quy trình (process). Với mỗi dạng bài khác nhau, thí sinh có thể sẽ cần dùng hướng phân tích, từ vựng, cấu trúc ngữ pháp,… khác nhau.

IELTS Writing Task 2 yêu cầu thí sinh viết bài luận dài khoảng 250 từ. Các dạng câu hỏi trong IELTS Writing Task 2 bao gồm dạng bài Agree-Disagree, Advantage-Disadvantage, Cause-Solution,…. Người đọc, khi bắt đầu tiếp xúc với IELTS Writing Task 2, nên phân bổ thời gian học riêng từng dạng bài để nắm rõ cách làm bài. Đồng thời, người đọc cần dựa vào 4 tiêu chí chấm điểm để đánh giá, cải thiện những điểm yếu của mình.

Bài IELTS Speaking (bài kiểm tra kỹ năng Nói) gồm 3 phần, được đánh giá qua 4 tiêu chí: Fluency and Coherence (Sự trôi chảy và mạch lạc), Lexical Resource (Từ vựng), Grammatical Range and Accuracy (Ngữ pháp và sự chính xác) và Pronunciation (Phát âm). Bài thi IELTS Speaking Part 1 sẽ bao gồm những câu hỏi về các vấn đề quen thuộc trong cuộc sống, như gia đình, bạn bè,… Phần 2, thí sinh sẽ phải trình bày về một chủ đề cụ thể trong vòng 2 phút. Phần 3, thí sinh sẽ được hỏi những câu hỏi liên quan đến chủ đề phần 2 nhưng mức độ khó, trừu tượng cao hơn. Vì yêu cầu mỗi phần khác nhau, người học nên bắt đầu bằng việc luyện tập riêng từng phần.

Reflection: Learning zone không thể hiệu quả nếu thiếu reflection. Quá trình reflection bao gồm 3 bước chính:

Bước 1: Nhìn vào kiến thức, kỹ năng đã học, bài tập đã làm

Bước 2: Phân tích, đánh giá (Mình làm bài tập đó tốt ở đâu, chưa tốt ở điểm nào? Các lỗi sai trong bài bắt nguồn từ đầu? Với bài tập này, mình có làm tiến bộ so với bài trước đó không?,…) 

Bước 3: Suy nghĩ về các cải thiện, tiến bộ trong tương lai

Chủ động xin nhận xét từ những người có chuyên môn. Điểm này đặc biệt quan trọng với kỹ năng Speaking và Writing. Bởi 2 kỹ năng này không có đáp án rõ ràng như kỹ năng Listening và Reading, người đọc sẽ khó xác định được lỗi sai, cách khắc phục hay những điểm nên tiếp tục phát huy của mình. Một người có chuyên môn, ví dụ như giáo viên IELTS có điểm số cao, kinh nghiệm đào tạo hiệu quả nhiều năm, sẽ có những góp ý thiết thực và đưa ra phương hướng ôn luyện phù hợp.

reflection-trong-learning-zone

Ứng dụng Performance zone trong các kỳ thi và tự luyện thi IELTS

Kỳ thi chính là cơ hội kiểm chứng quá trình trau dồi, học hỏi trong Learning zone. Đây là lúc người học cần cố gắng hết sức, giảm thiểu lỗi sai, vận dụng tối đa những kiến thức và kỹ năng đã học.

Cụ thể, để giảm thiểu lỗi sai, đối với bài thi IELTS Listening và Reading, sau khi chuyển đáp án sang phiếu trả lời (answer sheet), thí sinh nên dành thời gian soát lại để đảm bảo câu trả lời không bị lệch giữa phiếu đáp án và tờ đề thi. Đồng thời, thí sinh cần kiểm tra lại ngữ pháp (ví dụ: động từ cần điền ở thì quá khứ hay hiện tại, danh từ cần điền số ít hay số nhiều,….), đánh vần (spelling),…. Thí sinh cũng cần chắc chắn rằng câu trả lời đã thoả mãn yêu cầu đề bài (về giới hạn từ cho mỗi câu trả lời,…).

Bài thi IELTS Reading kéo dài 60 phút và không có thêm thời gian để điền câu trả lời vào phiếu đáp án. Vì vậy, thí sinh nên điền đáp án trực tiếp vào phiếu. Thí sinh không nên tốn quá nhiều thời gian cho các câu hỏi khó, tránh ảnh hưởng đến thời gian dành cho các câu sau. Thí sinh có thể quay lại giải quyết câu hỏi khó hơn khi đã hoàn thành những phần khác.

Với bài thi IELTS Writing, thí sinh cần phân tích đề bài để bài luận không bị thiếu ý. Sau khi hoàn thành bài viết, thí sinh nên kiểm tra lại lỗi ngữ pháp, từ vựng trong khoảng 3-5 phút cuối giờ. Bài thi IELTS Writing kéo dài 60 phút, thí sinh nên dành 15-20 phút cho Task 1, 40-45 phút cho Task 2. Bắt đầu bằng bài Writing mà thí sinh tự tin nhất, tuy nhiên cần lưu ý rằng Task 2 chiếm ⅔ tổng điểm bài thi IELTS Writing.

Với bài thi IELTS Speaking, thí sinh có thể giảm thiểu lỗi sai bằng cách hỏi lại giám khảo khi chưa rõ câu hỏi. Ngoài ra, thí sinh nên chủ động kiểm soát thời gian mỗi bài làm.

Ngoài việc hạn chế các lỗi sai, kiểm soát áp lực phòng thi cũng là yếu tố quan trọng có thể tác động đến phần thể hiện của thí sinh. Thí sinh nên giữ tâm lý thoải mái, có một giấc ngủ sâu và một bữa ăn đủ dinh dưỡng trước giờ thi. Cần đến địa điểm thi theo đúng thời gian đã được thông báo để tránh vội vàng gây mất bình tĩnh.

Trong phòng thi, để giảm căng thẳng, thí sinh có thể dành 30 giây nghỉ ngơi ngắn hít thở sâu, nhắm mắt, thả lỏng cơ thể. Cách này sẽ giúp thí sinh bình tĩnh, suy nghĩ minh mẫn hơn. Sau khi hoàn thành bài thi, thí sinh nên dành thời gian suy ngẫm lại phần thể hiện của mình để định hướng cho quá trình học tập tiếp theo.

Bên cạnh kỳ thi IELTS chính thức, kỳ thi thử IELTS cũng là một Performance zone hữu ích khi thí sinh vừa có cơ hội thể hiện vừa được học hỏi, rút kinh nghiệm, tiến bộ. Kỳ thi thử IELTS giúp thí sinh làm quen với áp lực phòng thi, quy chế thi, rèn luyện kỹ năng thi cử. Với một số kỳ thi thử nhất định, thí sinh sẽ nhận được nhận xét (feedback) và hướng dẫn từ người chấm thi. Kết quả bài thi thử và những nhận xét từ người có chuyên môn sẽ định hướng cho thí sinh tiếp tục ôn luyện, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi IELTS chính thức.

thi-thu-la-mot-hinh-thuc-the-hien-performance-zoneCận cảnh một buổi thi thử tại ZIM

Tổng kết

Thay vì không ngừng thể hiện, người học nên dành thời gian để khám phá, học hỏi, vấp ngã, đứng lên và sửa chữa. Cuộc sống là sự chuyển đổi liên tục giữa 2 vùng: Learning zone và Performance zone. Nếu chỉ mãi ở trong Performance zone, người học sẽ không có cơ hội để trau dồi, phát triển và nếu luôn ở trong Learning zone, người học sẽ thể biết độ hiệu quả của quá trình luyện tập, học hỏi, và mất đi động lực để cố gắng hết sức mình.

Vì vậy, có kế hoạch cho từng khoảng thời gian ở trong Learning zone và Performance zone sẽ là chìa khoá giúp người học không ngừng tiến về phía trước và luyện thi IELTS hiệu quả.

Trần Ngọc Minh An

Để làm quen với format đề thi IELTS thực tế và rèn luyện kỹ năng làm bài. Hãy tham gia thi thử IELTS online tại ZIM nhận ngay kết quả.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu