Ứng dụng phương pháp Audio-lingual method vào việc học Tiếng Anh

Audio-lingual method là một trong những phương pháp giảng dạy tiếng Anh truyền thống, tập trung vào việc phát triển kỹ năng nghe và nói của học sinh. Bài viết này sẽ nghiên cứu khái niệm - nguồn gốc phương pháp, tìm hiểu về những lợi ích mà nó mang lại, đồng thời cung cấp cách ứng dụng phương pháp này trong việc giảng dạy tiếng Anh.
author
Nguyễn Ngọc Thảo
15/01/2024
ung dung phuong phap audio lingual method vao viec hoc tieng anh

Key Takeaways

Audio-lingual method là một phương pháp giảng dạy ngôn ngữ chủ yếu dựa trên các nguyên tắc của cấu trúc ngôn ngữ và ngữ pháp. Phương pháp này không tập trung vào việc phải hiểu nghĩa của từ mà yêu cầu người học cần lắng nghe và học thuộc các mẫu câu, cụm từ và ngữ pháp thông qua việc lặp lại và tái diễn các mẫu câu đó.

Lợi ích của Phương pháp nghe nói (Audio-lingual method)

  • Chú tâm vào cách phát âm, ngữ điệu, trọng âm và nhịp điệu chính xác:

  • Phát triển phản xạ ngôn ngữ

  • Sử dụng ngôn ngữ tự nhiên

  • Tự tin trong sử dụng ngôn ngữ

  • Tạo ra môi trường học tập tương tự như ngôn ngữ mẹ đẻ 

Mặc dù phương pháp nghe nói (Audio-lingual method) có một số lợi ích, nó cũng có những hạn chế và bất lợi. Hai bất cập lớn nhất là Thiếu sự hiểu biết về ngữ nghĩa và Hạn chế sáng tạo và sự tự do trong giao tiếp.

Các dạng bài luyện tập ứng dụng phương pháp nghe nói (Audio-lingual method)

  • Repetition drill

  • Single- slot substitution drill

  • Question-and-answer drill

  • Expansion drill

  • Multiple-slot substitution drill

  • Backward build-up drill

  • Chain drill

  • Complete the dialogue

  • Transformation drill

  • Use of minimal pairs

  • Grammar game

  • Dialogue memorization

Các bước ứng dụng phương pháp nghe nói (Audio-lingual method) vào việc học tiếng Anh

  • Bước 1: Giáo viên giới thiệu nội dung bài học

  • Bước 2: Giáo viên áp dụng dạng bài luyện tập cơ bản Repetition drill

  • Bước 3: Giáo viên tiếp tục chọn lựa và sử dụng các dạng bài luyện tập còn lại (nêu trên) cho đến khi học sinh có phản xạ tự nhiên

Phương pháp nghe nói (Audio-lingual method) là gì?

Audio-lingual method là một phương pháp giảng dạy ngôn ngữ chủ yếu dựa trên các nguyên tắc của cấu trúc ngôn ngữ và ngữ pháp. Theo Diane Larsen-Freeman trong nghiên cứu ”Techniques and Principles in Language Teaching” (2000), phương pháp nghe nói (audio-lingual method) không tập trung vào việc phải hiểu nghĩa của từ mà yêu cầu người học cần lắng nghe và học thuộc các mẫu câu, cụm từ và ngữ pháp thông qua việc lặp lại và tái diễn các mẫu câu đó

Ngoài những cụm từ, mẫu câu đơn lẻ, người học còn được yêu cầu học à các câu hỏi đáp trong các cuộc hội thoại khuôn mẫu thường ngày như chào hỏi, sở thích, thời tiết,.... với mục đích giúp người học ghi nhớ cách hỏi và trả lời phù hợp với từng tình huống. Việc học các mẫu câu sẽ được diễn ra lặp đi lặp lại và kiểm tra cho đến khi người học có phản xạ ngôn ngữ tự nhiên.

Về nguồn gốc và sự phát triển của phương pháp, Audio-lingual method có nguồn gốc từ nghiên cứu về ngôn ngữ và tư duy của nhà ngôn ngữ học người Mỹ Leonard Bloomfield. Sau đó, Phương pháp Audio-Lingual được phát triển, thịnh hành trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh khi Mỹ phải đào tạo quân đội và các nhà ngoại giao nói thành thạo các ngoại ngữ khác nhau. Dự án dạy ngoại ngữ này được thành lập vào năm 1942 và được đặt tên là Chương trình Huấn luyện Chuyên ngành Quân đội (ASTP). Do đó, phương pháp này ban đầu được áp dụng trong lĩnh vực quân sự. Mốc phát triển thứ ba của phương pháp này là lý thuyết chủ nghĩa hành vi của B.F. Skinner. Phương pháp nghe nói sau đó đã được mô hình hóa dựa trên ASTP,  Ngôn ngữ học Cấu trúc và Lý thuyết Hành vi.

Lợi ích của Phương pháp nghe nói (Audio-lingual method)

Áp dụng Phương pháp nghe nói (Audio-lingual method) mang tới một số lợi ích như sau: 

  • Chú tâm vào cách phát âm, ngữ điệu, trọng âm và nhịp điệu chính xác: Phương pháp nghe nói đặc biệt quan tâm đến việc phát âm đúng và rõ ràng. Bằng cách lắng nghe và lặp lại các mẫu câu, người học có cơ hội tiếp thu và nhắc lại âm thanh chính xác của ngôn ngữ mục tiêu, nắm bắt được nhịp điệu và cách sử dụng ngữ điệu phù hợp với từng mẫu câu. Điều này giúp cải thiện khả năng phát âm và giúp người học trở nên lưu loát hơn, nói tự nhiên hơn.

  • Phát triển phản xạ ngôn ngữ: Phương pháp ghe nói tập trung vào việc lặp lại và tái diễn các mẫu câu, cụm từ và ngữ pháp. Qua việc lặp lại liên tục, học sinh được kích thích để phản xạ và phản ứng tự nhiên với các mẫu câu và ngữ pháp. Điều này giúp cải thiện khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách tự động và linh hoạt.

  • Sử dụng ngôn ngữ tự nhiên: Phương pháp này tập trung vào việc giảng dạy ngôn ngữ thông qua các tình huống giao tiếp thực tế. Bằng cách lắng nghe và lặp lại các đoạn hội thoại, học sinh được tiếp cận với ngôn ngữ tự nhiên, cách diễn đạt tự nhiên của người bản ngữ.

  • Tự tin trong sử dụng ngôn ngữ: Phương pháp ghe nói khuyến khích học sinh thực hành và tự tin trong việc sử dụng ngôn ngữ. Qua việc lặp lại và thực hành các mẫu câu, học sinh trở nên quen thuộc và tự tin hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ mục tiêu.

  • Tạo ra môi trường học tập tương tự như ngôn ngữ mẹ đẻ: Thay vì tập trung vào việc giảng dạy ngữ pháp qua các bài tập và quy tắc, phương pháp này tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với ngôn ngữ thông qua các hoạt động ngôn ngữ như đôi thoại, vai diễn, và trò chơi. Điều này giúp học sinh thấy rằng ngôn ngữ không chỉ là một tập hợp các quy tắc, mà là một công cụ để giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày.

Mặc dù Phương pháp nghe nói (Audio-lingual method) có một số lợi ích, nó cũng có những hạn chế và bất lợi. Hai bất cập lớn nhất là Thiếu sự hiểu biết về ngữ nghĩa và Hạn chế sáng tạo và sự tự do trong giao tiếp. Phương pháp nghe nói tập trung chủ yếu vào việc rèn luyện kỹ năng nghe và phản xạ ngôn ngữ, nhưng thiếu sự tập trung vào việc hiểu và sử dụng ngữ nghĩa. Học sinh có thể lặp lại câu và cấu trúc ngữ pháp một cách lưu loát mà không hiểu rõ ý nghĩa thực sự của chúng. Điều này có thể làm giảm tính hữu ích và ứng dụng thực tế của kiến thức ngôn ngữ. Ngoài ra, phương pháp này có xu hướng giới hạn người học trong một số mẫu câu cố định.. Việc tập trung quá mức vào việc lặp lại các mẫu câu và ngữ pháp có thể khiến học sinh cảm thấy bị ràng buộc và không được tự do sáng tạo trong việc sử dụng ngôn ngữ

Cách ứng dụng Phương pháp nghe nói (Audio-lingual method) vào việc học tiếng Anh

Các dạng bài luyện tập ứng dụng Phương pháp nghe nói (Audio-lingual method)

Repetition drill (Luyện tập lặp lại): nhằm rèn luyện khả năng lặp lại và tái diễn ngôn ngữ. Trong repetition drill, Giáo viên sẽ cung cấp một câu hoặc một đoạn ngôn ngữ mẫu cho học sinh nghe. Sau đó, học sinh sẽ lặp lại câu hoặc đoạn ngôn ngữ đó theo sau Giáo viên. Mục tiêu của kỹ thuật này là giúp học sinh làm quen với âm thanh, ngữ điệu, cấu trúc ngôn ngữ và phát triển khả năng phản xạ ngôn ngữ.

Ví dụ:

  • Giáo viên: "I love playing badminton."

  • Học sinh: "I love playing badminton."

Single- slot substitution drill (Bài tập thay thế một ô) nhằm rèn luyện khả năng thay đổi một yếu tố duy nhất trong một câu hoặc đoạn ngôn ngữ cụ thể. Trong single-slot substitution drill, học sinh được yêu cầu thay đổi một thành phần như từ vựng, ngữ pháp, thì, chủ ngữ, tân ngữ hoặc trạng từ trong một câu hoặc đoạn ngôn ngữ mẫu  sao cho câu vẫn có ý nghĩa hợp lý. Kỹ thuật này giúp học sinh nắm vững cấu trúc ngôn ngữ và mở rộng vốn từ vựng của mình.

Ví dụ:

Câu mẫu: She is reading a book.

Single-slot substitution drill:

  • Học sinh thay đổi từ vựng: She is reading a newspaper.

  • Học sinh thay đổi ngữ pháp: She was reading a book.

  • Học sinh thay đổi chủ ngữ: He is reading a book.

  • Học sinh thay đổi trạng từ: She is quickly reading a book.

Question-and-answer drill (Luyện tập hỏi đáp): học sinh trả lời câu hỏi của giáo viên thật nhanh, hoặc giáo viên có thể gợi ý để học sinh đặt câu hỏi. Mục tiêu của kỹ thuật này là giúp học sinh thực hành sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống giao tiếp và phát triển khả năng ngôn ngữ của họ.

Ví dụ:

  • Giáo viên: "What is your favorite color?"

  • Học sinh: "My favorite color is blue."

Expansion drill (Luyện tập mở rộng): giáo viên sẽ cung cấp một câu hoặc đoạn ngôn ngữ ban đầu cho học sinh. Sau đó, học sinh sẽ mở rộng câu hoặc đoạn ngôn ngữ đó bằng cách thêm vào các chi tiết, thông tin bổ sung để làm cho câu trở nên phong phú hơn. giúp học sinh dần phát triển câu dài hơn. 

Ví dụ:

Câu ban đầu: "I hit the gym."

Expansion drill:

  • Học sinh: "I hit the gym every day."

  • Học sinh khác: "I hit the gym with my friends every day"

  • Học sinh khác: "I go to the gym with my friends every day to build muscle”

Multiple-slot substitution drill (Bài tập thay thế nhiều ô): Kỹ thuật này nhằm rèn luyện khả năng thay đổi và sử dụng đa dạng các yếu tố ngôn ngữ trong một cấu trúc câu cụ thể. Học sinh được yêu cầu thay đổi các yếu tố như từ vựng, ngữ pháp, thì, chủ ngữ, tân ngữ hoặc trạng từ trong một câu mẫu. Họ phải chỉnh sửa câu mẫu sao cho câu vẫn có ý nghĩa hợp lý. Kỹ thuật này giúp học sinh nắm vững cấu trúc ngôn ngữ và mở rộng vốn từ vựng của mình.

Ví dụ:

Câu mẫu: I like to eat pizza.

Multiple-slot substitution drill:

  • Học sinh thay đổi chủ ngữ: She likes to eat pizza.

  • Học sinh thay đổi từ vựng: I like to eat sushi.

  • Học sinh thay đổi thì: I liked to eat pizza.

  • Học sinh thay đổi trạng từ: I really like to eat pizza.

Backward build-up drill: giáo viên sẽ cung cấp phần cuối cùng của một câu hoặc đoạn ngôn ngữ cho học sinh. Học sinh sẽ bắt đầu từ phần cuối, sau đó tiếp tục thêm vào các phần trước đó cho đến khi hoàn thành câu hoặc đoạn ngôn ngữ đầy đủ. Kỹ thuật này giúp học sinh nắm vững cấu trúc ngôn ngữ và phát triển khả năng xây dựng câu một cách dần dần.

Ví dụ:

Phần cuối cùng: "hit the gym."

Backward build-up drill:

  • Học sinh: "to hit the gym."

  • Học sinh tiếp theo: "like to hit the gym."

  • Học sinh cuối cùng: "I like to hit the gym"

Chain drill: giáo viên bắt đầu với một câu hoặc đoạn ngôn ngữ ban đầu. Học sinh sau đó lặp lại câu hoặc đoạn ngôn ngữ đó và thêm vào một phần mới. Tiếp theo, học sinh kế tiếp lặp lại câu hoặc đoạn ngôn ngữ đã được mở rộng và thêm vào phần của mình. Quá trình này tiếp tục cho đến khi tất cả các học sinh đã thêm vào phần của mình và câu hoặc đoạn ngôn ngữ được mở rộng hoàn chỉnh

Ví dụ:

Câu ban đầu: "I like to stay up late at night."

Chain drill:

  • Học sinh 1: "I like to stay up late at night and watch movies"

  • Học sinh 2: "I like to stay up late at night, watch movies, and eat popcorn”

  • Học sinh 3: "I like to stay up late at night, watch movies, eat popcorn, and chat with friends"

Complete the dialogue: Trong kỹ thuật này, giáo viên sẽ cung cấp một đoạn hội thoại hoặc một loạt câu hỏi và học sinh phải hoàn thiện nó bằng cách điền từ hoặc cụm từ thích hợp vào các chỗ trống. Mục tiêu là khuyến khích học sinh sử dụng ngôn ngữ mục tiêu và áp dụng các kiến thức ngôn ngữ đã học để hoàn thành đoạn hội thoại một cách chính xác và tự nhiên.

Ví dụ:

  • Giáo viên: A: "What time is the movie?"

B: "The movie starts at _________."

  • Học sinh: "The movie starts at 10 A.M."

Transformation drill: giáo viên cung cấp một câu hoặc đoạn ngôn ngữ ban đầu và yêu cầu học sinh thực hiện các biến đổi cụ thể trên câu đó. Các biến đổi có thể liên quan đến thay đổi thì, ngôi, thời gian, câu hỏi - trả lời, phủ định, hoặc các yếu tố ngữ pháp khác.

Ví dụ:

Câu ban đầu: "We are reading books."

Transformation drill:

  • Học sinh 1: "Are we reading books?"

  • Học sinh 2: "We were reading books"

  • Học sinh 3: "We are not reading books"

  • Học sinh 4: "We like reading books."

Use of minimal pairs: giáo viên sẽ cung cấp hai từ có âm tương tự, nhưng khác nhau chỉ ở một âm duy nhất. Học sinh được yêu cầu phân biệt và phát âm chính xác các từ trong cặp minimal pairs này. Mục tiêu là cung cấp cho học sinh khả năng phát âm chính xác và nhận biết sự khác biệt âm thanh để truyền đạt ý nghĩa chính xác của từ.

Ví dụ:

Minimal pairs: "ship" và "sheep"

Học sinh cần phân biệt và phát âm chính xác âm /ʃ/ (ship) và âm /ʃi:/ (sheep)

Grammar game: là một kỹ thuật được sử dụng để giúp học sinh rèn luyện và áp dụng ngữ pháp một cách thú vị và tương tác. Trò chơi ngữ pháp thường được thiết kế để tạo ra một môi trường học tập thú vị và kích thích sự tương tác giữa các học sinh. Các trò chơi này thường bao gồm các hoạt động như câu đố, trò chơi từ vựng, sắp xếp câu, hoàn thành câu, điền từ vào chỗ trống, tạo câu chuyện, hoặc bắt chước các tình huống giao tiếp.

Ví dụ: 

Trò chơi "Sentence Scramble":

  • Cung cấp một câu bị phân tách thành các từ riêng lẻ.

  • Yêu cầu học sinh sắp xếp các từ đó thành một câu hoàn chỉnh và chính xác về ngữ pháp.

Trò chơi "Grammar Race":

  • Chia lớp thành các nhóm.

  • Đưa ra một loạt các câu hỏi hoặc câu chuyện có các lỗi ngữ pháp. Nhóm nhanh nhất tìm ra và sửa các lỗi ngữ pháp trong câu để giành chiến thắng.

Dialogue memorization: phát triển khả năng nghe, nói và phản xạ ngôn ngữ. Kỹ thuật này giúp học sinh làm quen với ngữ điệu, ngữ âm, cấu trúc câu và từ vựng thông qua việc lặp lại và tái tạo các đoạn hội thoại hoặc đoạn văn. Nó cũng giúp cải thiện khả năng phản xạ và tự tin trong việc sử dụng ngôn ngữ mục tiêu. Quá trình học DM thường bao gồm các bước sau:

  1. Nghe và hiểu nghĩa của đoạn hội thoại hoặc đoạn văn.

  2. Phân tích cấu trúc ngữ pháp và từ vựng trong đoạn văn.

  3. Lặp lại và ghi nhớ đoạn văn theo đúng ngữ điệu, ngữ âm và ngữ pháp.

  4. Tái tạo lại đoạn văn một cách chính xác và tự nhiên mà không cần sử dụng tài liệu hoặc gợi ý.

  5. Luyện tập lặp đi lặp lại để cải thiện sự tự tin và thông thạo.

Các bước ứng dụng Phương pháp nghe nói (Audio-lingual method) vào việc học tiếng Anh

Bước 1: Giáo viên giới thiệu nội dung bài học

Khi biết trước về nội dung bài học, hoạt động trong lớp, học sinh sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong việc tiếp thu kiến thức và tham gia các hoạt động

Bước 2: Giáo viên áp dụng dạng bài luyện tập cơ bản Repetition drill

Giáo viên giới thiệu và  lặp lại mẫu câu/ đoạn hội thoại mẫu 2 - 3 lần. Sau đó, học sinh sẽ lặp lại theo giáo viên từng dòng trong đoạn hội thoại nhiều lần cho đến khi thông thạo. Ở bước này, giáo viên cũng sửa các lỗi sai về phát âm.

Bước 3: Giáo viên tiếp tục chọn lựa và sử dụng các dạng bài luyện tập còn lại (nêu trên) cho đến khi học sinh có phản xạ tự nhiên

Lưu ý:

  • Nếu học sinh cảm thấy khó khăn với một trong những câu thoại của cuộc đối thoại. Giáo viên sử dụng dạng luyện tập ”Backward build-up drill”

  • Giáo viên có thể sử dụng cả những gợi ý về từ ngữ và hình ảnh

  • Khi học sinh đã thông thạo cơ bản các mẫu câu được học, giáo viên áp dụng “Question-and-answer drill”, đặt câu hỏi cho học sinh để họ phản xạ nhanh chóng  mà không dừng lại để nghĩ.

  • Học sinh không được cung cấp các quy tắc, lý thuyết ngữ pháp; phần này sẽ được dạy thông qua việc luyện tập mẫu câu

Tham khảo thêm

Tổng kết

Thông qua bài viết trên, tác giả đã cung cấp các thông tin về khái niệm, lợi ích và cụ thể cách áp dụng Audio-lingual method vào trong việc dạy và học tiếng Anh. Mong rằng, độc giả có thể áp dụng hiệu quả và linh hoạt phương pháp này vào trong quá trình dạy và học tiếng Anh.

Học sinh được hỗ trợ giải đáp thắc mắc, chữa bài tập trên diễn đàn ZIM Helper bởi các Giảng viên chuyên môn đang giảng dạy tại ZIM.

Tài liệu tham khảo

  1. Sami, Afraa’  Husam. “The AUDIO-LINGUAL METHOD.”, https://cedw.tu.edu.iq/images/Departments/quran/affra_hussam/The_Audio-Lingual_Method.pdf

  2. Aziz sakri. “Methods and Approaches in Language Teaching: The Audio-lingual Method

  3. Larsen-Freeman, Diana. Techniques and Principles in Language Teaching. Oxford University Press, 2004.

Tham khảo thêm khóa học tiếng Anh giao tiếp tại ZIM, giúp học viên cải thiện các kỹ năng giao tiếp và tăng phản xạ trong tình huống thực tế.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu