Banner background

Ứng dụng phương pháp học tập cá nhân hóa vào luyện tập nghe hiểu

Mô hình học tập cá nhân hóa đang ngày được nhân rộng trong các môi trường giáo dục, nhà trường do tính hiệu quả mà nó đem lại. Đây là một hình thức học tập bám sát vào nhu cầu học tập, sở thích và nguyện vọng của từng người học, sau đó cung cấp trải nghiệm học tập được tùy chỉnh. Bài viết này sẽ tập trung vào phân tích phương pháp học cá nhân hóa, nền tảng của kỹ năng nghe hiểu và hiệu quả khi áp dụng phương pháp học cá nhân hóa vào luyện tập nghe hiểu tiếng Anh.
ung dung phuong phap hoc tap ca nhan hoa vao luyen tap nghe hieu

Key takeaways

  • Phương pháp học cá nhân hóa là phương pháp tập trung nhằm giải quyết các nhu cầu, sở thích, nguyện vọng hoặc nền tảng văn hóa riêng biệt của từng học sinh, thay vì đặt sự thuận tiện cho giáo viên và nhà trường lên hàng đầu.

  • Ký năng nghe hiểu đòi hỏi người học phải xử lý nhiều thông tin cùng lúc, do đó đây là một trong những kỹ năng khó nhất để học.

  • Các yếu tố ảnh hưởng tới kỹ năng nghe bao gồm: yếu tố ngôn ngữ, yếu tổ chiến lược nghe, yếu tố cảm xúc.

  • Việc ứng dụng phương pháp học cá nhân hóa sẽ có các lợi ích: tăng sự chú ý, tăng động lực, giúp học tập linh hoạt, cải thiện kết quả nghe.

Phương pháp học tập cá nhân hóa (Personalized Learning)

Theo Glossary of Educational Reform, thuật ngữ học tập cá nhân hóa là chương trình giáo dục, trải nghiệm học tập, phương pháp giảng dạy và chiến lược hỗ trợ học tập đa dạng nhằm giải quyết các nhu cầu, sở thích, nguyện vọng hoặc nền tảng văn hóa riêng biệt của từng học sinh.

Học tập cá nhân hóa thường được coi là một giải pháp thay thế cho cái gọi là phương pháp giáo dục đại trà, trong đó giáo viên cung cấp cho tất cả học sinh trong một bài giảng nhất định cùng một loại hướng dẫn, cùng một bài tập, và những đánh giá giống nhau với rất ít sự khác biệt hoặc sửa đổi giữa các học sinh. Học tập cá nhân hóa cũng có thể được gọi là học tập lấy học sinh làm trung tâm, vì mục tiêu chung là làm cho nhu cầu học tập của cá nhân được ưu tiên, thay vì đặt sự thuận tiện hơn hoặc dễ dàng hơn cho giáo viên và nhà trường lên hàng đầu.

Xem thêm: Học tiếng Anh hiệu quả với phương pháp học tập cá nhân hóa (Personalized Learning Approach)

Nghe hiểu cá nhân hóa

Nền tảng nghe hiểu ngoại ngữ

Trong cuộc hành trình học ngôn ngữ, kỹ năng nghe là kỹ năng đầu tiên mà người học tiếp xúc với. Trong nghiên cứu về mối quan hệ giữa nhận thức và cảm xúc trong việc học nghe L2 (2016), Sujin Bang và Phil Hiver cho rằng: “Mặc dù có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển ngôn ngữ, nghe lại là một trong những kỹ năng khó học nhất, do bản chất của nó là kỹ năng ngôn ngữ ít rõ ràng nhất.”

Theo Vandergrift, kỹ năng nghe không chỉ liên quan đến việc tiếp nhận và giải mã ý nghĩa của ngôn ngữ đầu vào, mà còn đòi hỏi người học phải diễn giải và liên hệ với những kiến thức đã biết. Người học phải kết hợp xử lý cùng lúc những yếu tố như: ngữ âm, cấu trúc câu, từ vựng để có thể hiểu được nội dung nghe. Do đó có thể thấy, đây là một thử thách rất lớn cho người học.

Do sự phức tạp vốn có của quá trình nghe, thành công trong việc chinh phục kỹ năng này phụ thuộc nhiều vào yếu tố nội tại của từng người học. Điều này cho thấy việc cá nhân hóa quá trình luyện nghe hiểu sẽ đem lại hiệu quả lớn, giúp người học phát triển phù hợp với trình độ và tốc độ của mình.

Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng nghe hiểu

Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng nghe hiểu

Yếu tố ngôn ngữ

Mối quan hệ giữa yếu tố ngôn ngữ và khả năng nghe hiểu là rất chặt chẽ. Trong đó, kiến thức về từ vựng cũng như ngữ pháp là những nền tảng cơ bản để người học hiểu nội dung bài nghe, do đó đóng vai trò không hề nhỏ trong việc phát triển kỹ năng nghe. 

Trong nghiên cứu về việc học tiếng Anh ở người Hàn, Kim (2008) phát hiện ra rằng: 52% khả năng nghe dựa vào kiến thức từ vựng. Đây cũng là điều mà nhà nghiên cứu Stæhr đồng ý với khi khảo sát những người học tiếng Anh ở Đan Mạch, cho thấy rằng, sự kết hợp giữa vốn từ đa dạng và hiểu biết sâu về kiến thức từ vựng góp phần vào 51% sự khác biệt trong khả năng nghe hiểu.

Ngoài ra, kiến thức về ngữ pháp cũng có ảnh hưởng lớn tới khả năng nghe hiểu. Nếu như kiến thức từ vựng hỗ trợ cho người học về mặt ý nghĩa ngôn từ, thì kiến thức ngữ pháp có ý nghĩa về chức năng, thể hiện mối quan hệ của các từ cũng như cách các từ được ghép thành câu.

Xem thêm: Lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ (Language Acquitision) ứng dụng học ngoại ngữ hiệu quả

 Yếu tố chiến lược nghe

Khả năng tư duy chiến lược cũng góp phần lớn vào mức độ nghe hiểu của người học. Theo Sujin Bang và Phil Hiver (2016):  “Bằng chứng từ nhiều thập kỷ nghiên cứu về chiến lược học ngôn ngữ chỉ ra rằng những người học thành công nhận thức được quá trình học tập và kiểm soát một cách có ý thức cách họ học, cho thấy rằng những người học thành công là những người học có chiến lược.”

Chiến lược nghe có thể được định nghĩa là các kỹ thuật mà người học sử dụng một cách có ý thức để tăng hiệu quả của họ trong quá trình nghe. Bằng cách nhấn mạnh loại chiến lược nghe được sử dụng và cách áp dụng các chiến lược nghe khác nhau tùy theo từng người học, có thể thấy rằng việc sử dụng tích cực các chiến lược nghe nhận thức và siêu nhận thức khác nhau có thể giúp xác định người học nào hiệu quả và độc lập.

Theo Vandergrift, người học thành thạo thường ứng dụng các chiến lược siêu nhận thức như:  lập kế hoạch, giám sát, đánh giá và giải quyết vấn đề nhiều hơn những người nghe kém hơn. Các nghiên cứu cũng cho thấy những người học tốt thường linh hoạt hơn trong việc thay đổi chiến lược khi nghe. Những người nghe kém thành thạo hơn, thường thiếu linh hoạt trong việc sử dụng các chiến lược nghe, tập trung quá nhiều vào nội dung bài nghe hoặc kiến thức nền tảng của họ trong quá trình nghe.

Yếu tố cảm xúc 

Cùng với các yếu tố nhận thức về kiến thức ngôn ngữ và việc sử dụng chiến lược nghe, các yếu tố cảm xúc cũng đóng vai trò trung tâm trong khả năng nghe của người học. Các nghiên cứu xác định hai yếu tố tình cảm có ảnh hưởng lớn đến khả năng nghe là động lực và sự lo lắng. 

Cảm giác lo lắng, sợ sệt là yếu tố cảm xúc được nghiên cứu rộng rãi nhất và đã được xác nhận bởi nhiều nghiên cứu khoa học là có tác động đáng kể đến khả năng nghe hiểu. Lo lắng được định nghĩa là một trạng thái tâm lý đặc trưng bởi cảm giác sợ hãi, căng thẳng hoặc lo lắng và khó chịu.

Với đặc điểm phức tạp của mình, việc nghe hiểu có thể dẫn đến nhiều trạng thái tinh thần khi người học không thể kiểm soát chủ đề, tốc độ hoặc âm lượng của bài nghe. Và những điều này có khả năng tạo ra trải nghiệm sợ hãi và bất lực. Việc vật lộn với những cảm xúc tiêu cực này có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng nghe của người học.

Động lực là một yếu tố cảm xúc khác tác động lên khả năng nghe của người học, trong đó động lực nội tại được chứng minh là có ảnh hưởng lớn nhất đến kết quả nghe. Nói động lực nội tại là để phân biệt với động lực từ bên ngoài. Những người học có động lực nội tại thực hiện một hoạt động chỉ vì niềm vui và sự hài lòng của bản thân, trong khi những người có động lực bên ngoài hành xử theo một cách cụ thể để nhận được một số phần thưởng hoặc để tránh bị trừng phạt. (Dörnyei, 2001)

Động lực nội tại của người học càng cao thì mức độ nghe hiểu cũng càng tăng. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng người học có động lực nội tại cao sẽ có tỉ lệ áp dụng chiến lược nghe cũng như chủ động dành thời gian và công sức học tập theo quy củ hơn.

Xem thêm: Ảnh hưởng của tính cách cá nhân (personality) đến việc học ngoại ngữ

Mối quan hệ giữa các yếu tố

Từ việc phân tích các yếu tố trên, có thể thấy ngoài khả năng ngôn ngữ nền tảng, đa phần các yếu tố quyết định thành bại cho quá trình học nghe của người học đến từ nội tại. Khi người học tiếp cận việc luyện tập một cách chủ động và với tâm lý thoải mái, không lo sợ, thì khả năng áp dụng chiến lược nghe cũng như sự tự tin và kỷ luật cũng tăng lên, giúp người học đạt được thành công nhanh và hiệu quả hơn. Điều này lại càng chứng minh tính hiệu quả của việc học tập cá nhân hóa với việc phát triển khả năng nghe hiểu.

Minh họa về ứng dụng nghe hiểu cá nhân hóa

Việc luyện tập nghe sử dụng phương pháp cá nhân hóa có thể được áp dụng theo những cách khác nhau tùy thuộc vào từng người học và nhu cầu học tập cá nhân. Dưới đây là một số ví dụ để minh họa về những cách ứng dụng luyện nghe cá nhân hóa trong học tập.

Luyện nghe chia theo trình độ người học

Khả năng nền tảng cũng như tốc độ tiếp thu là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới khả năng nghe của một người. Như đã đưa ra phía trên, các nhà nghiên cứu cho rằng yếu tố ngôn ngữ ảnh hướng đến hơn 50% khả năng nghe hiểu (Kim,2008; Stæhr,2009). Trong một lớp học, dù học sinh được xếp vào cùng trình độ nhưng điều này không đồng nghĩa với việc khả năng của họ ở tất cả các kỹ năng và khía cạnh ngôn ngữ sẽ giống nhau. Đồng nghĩa với việc sẽ luôn có sự chênh lệch trình độ trong khả năng nghe hiểu.

Nếu một người học yếu từ vựng phải nghe cùng một bài luyện nghe với những người có nền tảng từ vựng tốt hơn, người này sẽ bị tụt lại so với lớp. Trong trường hợp này, người học sẽ rất bất lợi không chỉ vì thiếu đi sự kèm cặp, do giáo viên sẽ thường tập trung giảng dạy phù hợp với số đông trong lớp (ở đây là những người giỏi từ vựng hơn), mà đồng thời sự tự tin của người học cũng sẽ bị giảm sút đáng kể.

Còn ngược lại, nếu một người học nhanh phải nghe nội dung luyện tập ở dưới trình độ của mình, họ sẽ cảm thấy thấy việc nghe đi nghe lại một nội dung là không cần thiết, dẫn đến chán nản. Khi trình độ không được thử thách, người học sẽ khó tiến bộ hơn.

Việc nắm bắt về sự khác biệt trình độ cũng như điểm yếu trong ngôn ngữ của từng người học sẽ giúp người dạy đưa ra được những nội dung luyện nghe phù hợp, đảm bảo người học không bị mất tự tin cũng như không cảm thấy nhàm chán khi làm bài.

Luyện nghe chia theo nghề nghiệp/sở thích

Người học đang còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ có những quan tâm khác với người học đã đi làm. Bản thân chuyên môn nghề nghiệp giữa những người đi làm cũng khác nhau, dẫn đến nhu cầu sử dụng tiếng Anh của mỗi người sẽ khác biệt.

Khi nội dung luyện tập nghe liên quan trực tiếp đến những gì mỗi cá nhân quan tâm, sự tập trung và động lực học tập của người học sẽ gia tăng đáng kể. Paul Silvia của Đại học North Carolina chỉ ra rằng sự quan tâm vừa là một trạng thái nhận thức vừa là một trạng thái tình cảm. Khi người học quan tâm đến những gì mình đang học, họ sẽ chú ý hơn, xử lý thông tin hiệu quả hơn, sử dụng các chiến lược học tập hiệu quả hơn (chẳng hạn như sử dụng tư duy phản biện, tạo mối liên hệ giữa kiến ​​thức cũ và kiến ​​thức mới, đồng thời chú ý đến cấu trúc sâu xa thay vì các đặc điểm bề mặt). Khi hứng thú với nội dung nghe, người học sẽ luyện tập chăm chỉ hơn và kiên trì lâu hơn, phát huy nhiều kỹ năng hơn.

Ngoài ra, việc nghe các nội dung mang tính chuyên môn hóa cũng mang tính ứng dụng cao hơn do nó giúp phục vụ nhu cầu sử dụng của từng ngành nghề khác nhau. Khi người học cảm thấy nội dung luyện tập quen thuộc với chuyên môn của mình hay có thể sử dụng trong công việc, họ sẽ thấy việc học có ý nghĩa hơn.

Ví dụ, một nhân viên ngân hàng sẽ có mối quan tâm và chuyên môn rất khác với một học sinh cấp ba. Nhân viên ngân hàng là người đi làm, có chuyên môn về tài chính, và quan tâm đến các vấn đề cơm áo gạo tiền. Trong khi một học sinh cấp ba lại hứng thú đến những vấn đề giải trí của giới trẻ và các nội dung liên quan tới học hành. Nếu hai nhóm đối tượng này nghe cùng một nội dung chung chung, sự hứng thú dành cho việc luyện tập sẽ không thể bằng được khi cá nhân hóa việc luyện nghe.

Ý nghĩa của nghe hiểu cá nhân hóa

Ý nghĩa của nghe hiểu cá nhân hóa

Tăng sự chú ý

Một trong những điểm lợi quan trọng nhất của việc luyện nghe cá nhân hóa là khả năng thu hút và giữ sự chú ý của người học. Người học sẽ thường quan tâm và tập trung vào các nội dung học liên quan đến lĩnh vực cũng như sở thích của họ, dẫn đến việc dành nhiều thời gian hơn cho việc học và nỗ lực nhiều hơn để tiếp thu càng nhiều thông tin được dạy càng tốt. Vì việc học tập cá nhân hóa phù hợp với nhu cầu, khả năng, nguyện vọng và sở thích của cá nhân nên nó tạo ra các lớp học năng động, có lợi cho sự phát triển cá nhân cũng như thành tích học tập.

Tăng động lực

Một trong những lợi ích chính khác của việc học tập cá nhân hóa là khả năng thúc đẩy động lực học nội tại của người học. Người học không cần bất cứ sự tác động từ bên ngoài nào để có động lực với việc học của mình. Thay vì bị buộc phải học thứ mình không thích, người luyện nghe có thể chọn thứ gì đó có ý nghĩa với mình. Học tập cá nhân hóa thúc đẩy người học nỗ lực hết mình và đầu tư thời gian cũng như sức lực đáng kể để thực hiện tốt nhất có thể.

Học tập linh hoạt

Mỗi người học đều có điểm yếu và điểm mạnh riêng. Học tập trong lớp học truyền thống buộc tất cả các thành viên trong lớp học phải theo cùng một lộ trình, khiến một số người bị tụt lại phía sau trong khi những người khác buộc phải chậm lại và không phát triển đúng tiềm năng của mình.

Việc cho phép người học học theo tốc độ của riêng mình là một trong những lợi ích lớn của việc luyện nghe cá nhân hóa. Điều này mang lại cho mỗi người cơ hội tìm hiểu thêm về những khía cạnh mà mình giỏi và dành thời gian cho những phần mà mình gặp khó khăn. Điều này cũng giúp những người học tốt không phải giảm tốc độ vì lợi ích của người khác và cảm thấy buồn chán, mất tập trung và mất kết nối với bài học.

Cải thiện kết quả

Kết quả học tập tốt hơn là một trong những lợi ích hàng đầu và rõ ràng nhất của việc học tập cá nhân hóa. Cách tiếp cận học tập này cung cấp cho người học nội dung không chỉ phù hợp và hấp dẫn mà còn dễ nhớ. Việc người học tập trung vào nội dung học cũng như cảm thấy có động lực hơn chắc chắn sẽ thúc đẩy kết quả học tập. Cùng với thành công là sự tự tin, và điều này cũng giúp làm giảm căng thẳng khi luyện nghe cũng như cải thiện kết quả. Nguyên nhân là bởi người sẽ có xu hướng dành nhiều thời gian hơn để học hỏi và cố gắng tiếp thu các khái niệm mới khi họ cảm thấy thoải mái và tự tin, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến kết quả tốt hơn.

Đây chỉ là bốn lợi ích hàng đầu trong số rất nhiều lợi ích của việc học tập cá nhân hóa. Mô hình học tập này đang phát triển từng ngày và dự kiến sẽ chiếm lĩnh ngành giáo dục trong những năm tới. Vì vậy, hãy tận dụng tối đa phương pháp học tập này để có kết quả tốt nhất và trải nghiệm bổ ích.

Kết luận 

Phương pháp luyện nghe cá nhân hóa sẽ giúp người học giải quyết được nhiều vấn đề nội tại liên quan đến động lực, đồng thời cải thiện khả năng nghe hiểu. Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra định nghĩa của phương pháp học cá nhân hóa, cũng như phân tích nền tảng kỹ năng nghe hiểu để từ đó khẳng định những điểm tích cực mà phương pháp này đem lại cho việc luyện nghe.


Tài liệu tham khảo

  • Sujin Bang and Phil Hiver (2016). Investigating the structural relationships of cognitive and affective domains for L2 listening. Asian-Pacific Journal of Second and

    Foreign Language Education.

  • Vandergrift, L. (2005). Relationships among motivation orientations, metacognitive awareness and proficiency in L2

    listening. Applied Linguistics

  • Vandergrift, L. (2007). Recent developments in second and foreign language listening comprehension research.

    Language Teaching

  • Dörnyei, Z. (2001). New themes and approaches in L2 motivation research. Annual Review of Applied Linguistics

  • Kim, Y.-e. (2008). The roles of breadth and depth of vocabulary knowledge in listening comprehension. English

    Language Teaching

  • Stæhr, L. S. (2009). Vocabulary knowledge and advanced listening comprehension in English as a foreign language.

    Studies in Second Language Acquisition

  • Personalized Learning (2015). The Glossary of Educational Reform. https://www.edglossary.org/personalized-learning/

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
Giáo viên
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...