Banner background

Ứng dụng “Prefrontal Cortex Activation” để cải thiện tư duy lập luận trong bài viết

Bài viết giới thiệu kỹ năng lập luận và prefrontal cortex, qua đó ứng dụng “Prefrontal Cortex Activation” để cải thiện tư duy lập luận trong bài viết.
ung dung prefrontal cortex activation de cai thien tu duy lap luan trong bai viet

Key takeaways

  • Lập luận là quá trình tư duy logic có hệ thống giúp con người xem xét, phân tích giả thuyết, quan sát,… nhằm tìm ra mối liên hệ giữa chúng, từ đó rút ra kết luận hợp lý.

  • Vùng vỏ não trước trán tiếp nhận và tích hợp thông tin từ nhiều vùng vỏ não khác, tham gia lập luận nhân-quả, suy luận liên hệ và suy luận chuyển tiếp.

Kỹ năng viết phản ánh năng lực lập luận và phân tích, đây là những yếu tố thiết yếu trong học tập và làm việc. Người học cần nắm vững kỹ năng viết để thể hiện quan điểm và tư duy một cách rõ ràng, mạch lạc, đặc biệt trong những bối cảnh học thuật. Để nâng cao khả năng viết, việc hiểu và ứng dụng kiến thức về hoạt động của não bộ có thể mang lại những cải thiện đáng kể. Bài viết này sẽ gợi ý cách ứng dụng “Prefrontal Cortex Activation” để cải thiện tư duy lập luận trong bài viết thông qua phân tích vai trò của vùng vỏ não trước trán đối với hoạt động lập luận của não bộ.

Tầm quan trọng của kỹ năng lập luận

Theo Jheni Yusuf Saragih và cộng sự, có nhiều định nghĩa khác nhau về kỹ năng lập luận (reasoning skills) nhưng nhìn chung các khái niệm này đều chỉ ra rằng lập luận là quá trình tư duy logic có hệ thống giúp con người xem xét và phân tích các giả thuyết, quan sát và nhiều dạng thông tin khác nhằm tìm ra mối liên hệ giữa chúng, từ đó rút ra kết luận hợp lý [1].

Khi viết bài nghị luận, kỹ năng này giúp người viết hình thành, tổ chức và củng cố các luận điểm của mình. Nếu bài viết không được lập luận chặt chẽ, người đọc sẽ khó theo dõi cũng như không thể nắm bắt mục đích, quan điểm của tác giả, từ đó làm giảm tính thuyết phục của bài.

Người viết không chỉ vận dụng kỹ năng lập luận trong khi viết mà còn vào giai đoạn trước và sau khi viết. Cụ thể, kỹ năng này tham gia vào các quá trình sau [2]:

  • Phân tích chủ đề, xác định và tìm hiểu các thông tin liên quan

  • Hình thành ý tưởng, luận điểm tổng quát

  • Tổ chức cấu trúc bài viết, sắp xếp ý tưởng

  • Lựa chọn luận cứ, luận chứng ủng hộ luận điểm

  • Xác định phương pháp lập luận phù hợp để trình bày ý tưởng

  • Tự phản biện để tìm ra những lỗ hổng trong lập luận, từ đó chỉnh sửa, bổ sung

Vận dụng kỹ năng lập luận trước trong và sau khi viết

Vai trò của vùng não trước trán đối với kỹ năng lập luận

Tổng quan

Trước đây, phần lớn các nghiên cứu về quá trình tư duy của con người được tiếp cận từ góc nhìn tâm lý học và triết học. Vào những năm gần đây, lĩnh vực này bắt đầu chứng kiến sự tham gia của nhiều nhà khoa học thần kinh với các nghiên cứu gợi ý về vai trò của vùng vỏ não trước trán — vùng não nằm phía trước thuỳ trán — đối với các hoạt động suy luận của não bộ. Cấu trúc này tiếp nhận và tích hợp thông tin từ nhiều vùng vỏ não khác, qua đó giúp con người điều chỉnh hành vi và phản ứng phù hợp với hoàn cảnh xung quanh [3].

Vỏ não trước trán cấu thành từ ba vùng nhỏ tương ứng với các chức năng riêng biệt [4]:

  • Vỏ não trước trán giữa (medial) và ổ mắt (orbital): hành vi cảm xúc, vận động, khả năng chú ý

  • Vỏ não trước trán bên (lateral): hoạt động nhận thức liên quan đến hành vi, lời nói, lập luận

Lập luận nguyên nhân-kết quả

Trong đó, mỗi khu vực thuộc vùng vỏ não trước trán bên đảm nhận những vai trò khác nhau trong quá trình suy luận, cụ thể là mô hình suy luận nguyên nhân-kết quả (causal reasoning) [3]:

  • Miền giữa liên kết chặt chẽ với vùng vỏ não xử lý hình ảnh, qua đó giúp não bộ nhận biết và xây dựng các lập luận.

  • Miền sau liên kết với các vùng xử lý thông tin về không gian, vận động và âm thanh nhằm đánh giá và điều chỉnh nhận thức của con người về những suy luận.

  • Miền trước liên kết gián tiếp với hệ viền não—cấu trúc liên quan đến cảm xúc, trí nhớ và phần thưởng, do đó tham gia vào hoạt động suy luận cấp độ cao hơn, bao gồm cả hai quá trình trên và khả năng đánh giá những kết quả và hành động tiềm năng.

Suy luận liên hệ/chuyển tiếp

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng vùng vỏ não trước trán giữa là một trong những cấu trúc tham gia vào quá trình suy luận liên hệ (associative inference) và suy luận chuyển tiếp (transitive inference). Trong những quá trình này, con người dựa trên mối liên hệ của các yếu tố đã biết nhằm tìm ra mối liên hệ mới giữa chúng hoặc xác định điểm tương đồng giữa các sự kiện, qua đó dự đoán một số tình huống tương tự trong tương lai [5], [6].

Vai trò của vùng não trước trán đối với kỹ năng lập luận

Ứng dụng “Prefrontal Cortex Activation” để cải thiện tư duy lập luận trong bài viết

Những thông tin trên cho thấy lập luận là một quá trình tư duy có cơ chế rõ ràng, được điều phối bởi các vùng chuyên biệt trong vỏ não trước trán. Do đó, kỹ năng này có thể được cải thiện thông qua các chiến lược rèn luyện phù hợp. Sau đây là một số phương pháp giúp nâng cao tư duy lập luận khi viết luận tiếng Anh.

Thực hành các bài tập bổ trợ

Trước tiên, người học cần biết cách nhận biết mối quan hệ giữa các câu và đoạn trong văn bản cũng như hiểu cách tổ chức bố cục bài viết và sắp xếp ý tưởng trong những văn bản sẵn có, từ đó bắt đầu học hỏi và vận dụng vào bài viết của mình.

Một số dạng bài tập phù hợp với mục đích này bao gồm

Bài tập điền từ/cụm từ nối

Ví dụ: Điền từ nối thích hợp để hoàn chỉnh đoạn văn sau:

Many people believe that university education should be free. ________, others argue that students should pay fees to ensure the sustainability of the education system.

→ Đáp án gợi ý: However/On the other hand

Bài tập sắp xếp câu, đoạn văn

Ví dụ: Sắp xếp các câu sau thành một đoạn văn hoàn chỉnh:

A. This results in better performance and higher motivation.

B. Encouraging students to work in groups has several benefits.

C. In addition, it helps them develop communication and teamwork skills.

D. First, it allows students to learn from each other.

→ Đáp án: B – D – C – A

Bài tập nhận biết mục đích câu

Ví dụ: Xác định mục đích của câu được gạch chân trong đoạn văn sau:

Some people claim that homework puts unnecessary pressure on students. However, studies show that regular homework can significantly improve academic achievement. Therefore, it should not be eliminated from the education system.

→ Đáp án: Phản biện lại luận điểm được đề cập trước đó

Bài tập suy luận

Ví dụ: Đọc đoạn văn sau và chọn kết luận phù hợp nhất:

Nowadays, many young people choose to study abroad to experience new cultures and access better education. However, they often face challenges such as homesickness and language barriers.

A. Studying abroad is always easier than studying at home.

B. Young people should not study abroad due to emotional challenges.

C. Experiencing new cultures is the main reason for going abroad.

D. Studying abroad offers both opportunities and difficulties.

→ Đáp án: D

Bài tập nhận biết lỗi lập luận

Ví dụ: Đọc đoạn văn sau và xác định lỗi lập luận nếu có:

Last year, a teenager who played video games every day got into a fight at school. This case indicates that video games make people violent. Therefore, the government should ban all video games.

→ Đáp án gợi ý: Generalization based on one example (khái quát hóa từ một trường hợp cá biệt)

Các bài tập phát triển kỹ năng lập luận

Lập dàn ý và thực hành viết về những chủ đề cụ thể

Lập dàn ý giúp người viết xác định rõ luận điểm chính, luận cứ và luận chứng hỗ trợ cho luận điểm đó cũng như có cái nhìn tổng quát về trình tự triển khai lập luận trong bài viết. Nhờ đó, người học có thể diễn đạt ý tưởng mạch lạc, tránh tình trạng viết lan man hoặc thiếu kết nối. Ngoài ra, dàn ý tổng quát có thể giúp người học phát hiện lỗ hổng trong lập luận sớm hơn để điều chỉnh hoặc bổ sung thông tin kịp thời.

Ví dụ, với chủ đề “Should students use AI tools to assist academic writing?”, người học có thể lập dàn ý như sau:

Mở bài

  • Dẫn nhập: Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục hiện nay.

  • Nêu vấn đề: đề cập vấn đề gây tranh luận là việc học sinh, sinh viên sử dụng công cụ AI để hỗ trợ viết học thuật.

  • Xác định quan điểm cá nhân: AI trong viết học thuật nên được khuyến khích với biện pháp kiểm soát phù hợp.

Thân bài

Lợi ích của việc sử dụng công cụ AI trong viết học thuật

  • Tiết kiệm thời gian: Grammarly → sửa lỗi ngữ pháp và chính tả nhanh hơn so với cách làm thủ công.

  • Hỗ trợ vốn từ vựng và cách diễn đạt: ChatGPT, Quillbot,… lựa chọn từ vựng và gợi ý văn phong học thuật → nâng cao chất lượng bài viết.

Hạn chế và rủi ro

  • Nguy cơ phụ thuộc vào công cụ: sinh viên sao chép toàn bộ nội dung gợi ý từ AI → bài viết thiếu chiều sâu → hạn chế tư duy phản biện.

  • Đạo văn và gian lận học thuật: nhiều trường đại học phải sử dụng Turnitin để phát hiện nội dung tạo bởi AI → nhấn mạnh tính nghiêm trọng của vấn đề.

Kết bài

  • Tóm tắt vấn đề: sử dụng AI trong học thuật có cả lợi ích và rủi ro.

  • Khẳng định quan điểm: nếu được hướng dẫn đúng cách → AI là công cụ hỗ trợ hiệu quả chứ không thay thế tư duy của người học.

Ngoài ra, người học cần lưu ý rằng các chủ đề quá rộng thường gây khó khăn trong việc xác định trọng tâm và dễ dẫn đến bài viết chung chung, thiếu chiều sâu. Trong khi đó, viết về chủ đề cụ thể hỗ trợ người học:

  • Xác định luận điểm rõ ràng hơn, dễ triển khai và liên kết ý.

  • Dễ chọn ví dụ và dẫn chứng phù hợp, làm tăng sức thuyết phục cho bài viết.

  • Khuyến khích tư duy phân tích sâu, từ đó rèn luyện khả năng suy luận và đánh giá.

Ví dụ: Thay vì viết về “Bảo vệ môi trường”, người học có thể viết về một khía cạnh cụ thể như “Cách giảm rác thải nhựa trong trường học”.

Đánh giá và phản biện những bài viết cũ

Phương pháp này không chỉ giúp người học nhìn lại tiến trình phát triển của bản thân mà còn giúp phát hiện và sửa chữa những lỗi tư duy, lỗi ngôn ngữ và lỗi lập luận mà trước đây chưa nhận ra. Bên cạnh đó, khi nhận ra những lỗi trước đây, người học có thể nhận thấy bước tiến của bản thân, từ đó có thêm tự tin để tiếp tục rèn luyện kỹ năng viết.

Sau đây là một số câu hỏi người học có thể đặt ra khi đánh giá bài viết:

  • Lập luận đủ chặt chẽ chưa?

  • Luận cứ này có thuyết phục không?

  • Luận chứng có phù hợp với luận cứ và luận điểm không?

  • Có mâu thuẫn hoặc thiếu sót nào không?

Một số tiêu chí đánh giá lập luận trong bài viết

Nếu bài viết có những điểm thiếu sót hay chưa hoàn chỉnh, người học tiến hành sửa bài, thay đổi hoặc bổ sung các lập luận khác để bài viết chặt chẽ và thuyết phục hơn.

Ví dụ: Trích một đoạn văn cũ về chủ đề “Should university education be free?”:

I think university should be free because many students cannot afford it. The government has money so they can pay. Education is important for everyone.

→ Phản biện:

  • Thiếu luận chứng: “The government has money” là một khẳng định chung chung, thiếu dẫn chứng hoặc số liệu.

  • Quan điểm chưa phát triển: Không có phần phản bác hay nhìn từ nhiều phía (ví dụ: gánh nặng ngân sách, trách nhiệm cá nhân).

→ Chỉnh sửa:

I believe university education should be free of charge because it promotes equal access to opportunities. Many talented students from low-income families cannot afford tuition fees, which limits their future prospects. While some argue that free education might increase the burden on the government, the long-term social and economic benefits—such as a more educated workforce and reduced inequality—justify the investment.

Một số lỗi lập luận cần tránh

Theo Purdue University [7], sau đây là một số lỗi lập luận người học thường mắc phải khi viết văn nghị luận:

Khái quát hoá quá mức

Định nghĩa: Rút ra kết luận quá rộng dựa trên quá ít bằng chứng.

Ví dụ: All students use AI tools to cheat in their assignments.

⟶ Đây là một khẳng định mang tính bao quát (“All”) nhưng thiếu cơ sở, không có số liệu chứng minh.

→ Sửa lại: “While some students use AI tools to improve language accuracy or generate general ideas, many others may misuse them to complete their assignments dishonestly.”

Giả định nguyên nhân

Định nghĩa: Cho rằng vì một sự việc xảy ra trước nên nó là nguyên nhân của sự việc sau.

Ví dụ: After students started using ChatGPT, their writing scores dropped. Therefore, ChatGPT harms writing skills.

⟶ Không có bằng chứng cụ thể chứng minh rằng điểm viết thấp do sử dụng ChatGPT, đây có thể chỉ là sự trùng hợp.

→ Sửa lại: The decline in students’ writing scores may be influenced by various factors, including overreliance on AI tools without critical thinking.

Lập luận vòng vo

Định nghĩa: Dùng chính kết luận làm bằng chứng để chứng minh cho kết luận đó.

Ví dụ: AI is useful because it helps students a lot.

⟶ Không có thông tin mới, chỉ lặp lại một nhận định mơ hồ.

→ Sửa lại: AI is useful in academic writing because it provides grammar suggestions, helps generate outlines, and expands vocabulary usage.

Tấn công cá nhân

Định nghĩa: Tấn công cá nhân thay vì phản biện lập luận.

Ví dụ: People who oppose AI tools in education are just old-fashioned and afraid of technology.

⟶ Không tập trung vào lý lẽ mà công kích người có quan điểm khác.

→ Sửa lại: Some critics worry that AI tools might discourage independent thinking among students, which is a valid concern.

Đánh lạc hướng

Định nghĩa: Cung cấp một thông tin không liên quan nhằm làm người đọc phân tâm khỏi vấn đề chính đang được tranh luận.

Ví dụ: More people are starting to use AI to write essays, so schools should allow and even encourage its use.

→ Lập luận này cho rằng vì một hành động đang phổ biến nên nó hiển nhiên là đúng đắn hoặc nên được chấp nhận, thay vì đưa ra lý do logic hoặc đạo đức cho việc sử dụng AI trong học thuật.

→ Sửa lại: While many students are turning to AI tools for writing assistance, schools should carefully evaluate both the benefits and potential drawbacks to ensure their use supports genuine learning and academic integrity.

Nguỵ biện đám đông

Định nghĩa: Cho rằng một ý kiến là đúng chỉ vì nhiều người tin vào nó hoặc làm theo nó, thay vì dựa trên lập luận logic hay bằng chứng xác thực.

Ví dụ: More people are starting to use AI to write essays, so schools should allow and even encourage its use.

→ Lập luận này cho rằng vì một hành động đang phổ biến nên nó hiển nhiên là đúng đắn hoặc nên được chấp nhận, thay vì đưa ra lý do logic hoặc đạo đức cho việc sử dụng AI trong học thuật.

→ Sửa lại: While many students are turning to AI tools for writing assistance, schools should carefully evaluate both the benefits and potential drawbacks to ensure their use supports genuine learning and academic integrity.

Tránh lỗi lập luận trong viết bài

Phương pháp phát triển chức năng của vùng não trước trán

Vùng vỏ não trước trán giữ vai trò quan trọng đối với các hoạt động lập luận. Do đó, người học cần lựa chọn những bài tập rèn luyên não bộ phù hợp cũng như điều chỉnh lối sống lành mạnh giúp duy trì và cải thiện hoạt động của cấu trúc này.

Theo Tổ chức Mave Health [8], sau đây là những phương pháp giúp tăng cường sức khoẻ vùng vỏ não trước trán:

  • Trò chơi ghi nhớ: cải thiện trí nhớ ngắn hạn, tăng sức bền của vỏ não trước trán

  • Giải đố và trò chơi tư duy: tăng tính linh hoạt trong nhận thức, cải thiện kỹ năng suy luận nhằm ra quyết định.

  • Học kỹ năng mới: học chơi nhạc cụ hoặc ngôn ngữ mới giúp tăng hoạt động của vỏ não trước trán

  • Tập thể dục thường xuyên: bài tập aerobic có thể

    làm tăng thể tích vùng vỏ não trước trán, nâng cao hiệu quả xử lý thông tin và suy luận

  • Quản lý căng thẳng: t

    hiền, yoga, hít sâu làm giảm tác động tiêu cực của stress lên vùng não này

  • Ngủ đủ giấc: mất ngủ có thể ảnh hưởng đến chức năng của vỏ não trước trán

  • Chế độ ăn lành mạnh: khẩu phần ăn g

    iàu omega-3, chất chống oxy hóa, vitamin nhóm B hỗ trợ hoạt động của vỏ não trước trán và sức khỏe não bộ tổng thể.

    Phương pháp phát triển chức năng của vùng não trước trán

Đọc thêm:

Tổng kết

Tóm lại, việc hiểu rõ vai trò của vùng não trước trán trong quá trình lập luận không chỉ mang ý nghĩa về mặt khoa học thần kinh mà còn mở ra hướng tiếp cận thực tiễn trong việc nâng cao kỹ năng viết luận. Người học cần chủ động ứng dụng “Prefrontal Cortex Activation” để cải thiện tư duy lập luận trong bài viết thông qua các phương pháp như luyện tập nhận diện logic văn bản, lập dàn ý, viết theo chủ đề cụ thể, tự phản biện và nhận diện lỗi lập luận. Những chiến lược này không chỉ kích thích hoạt động của vùng não trước trán mà còn hỗ trợ phát triển tư duy phản biện sâu sắc, mạch lạc và chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, người học có thể truy cập zim.vn thường xuyên để khám phá thêm các bài viết học thuật và tài liệu hỗ trợ học tập hiệu quả.

Tham vấn chuyên môn
Ngô Phương ThảoNgô Phương Thảo
GV
Triết lý giáo dục: "Không ai bị bỏ lại phía sau" (Leave no one behind). Mọi học viên đều cần có cơ hội học tập và phát triển phù hợp với mức độ tiếp thu và tốc độ học tập riêng của mình.

Nguồn tham khảo

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...