Ứng dụng hiệu ứng Self-Reference để tăng tốc độ ghi nhớ từ vựng IELTS
Key takeaways
Hiệu ứng Self-Reference là khi thông tin liên quan đến bản thân được ghi nhớ và tái hiện tốt hơn so với thông tin không liên quan đến bản thân.
Người học liên kết từ vựng với trải nghiệm, ký ức, cảm xúc cá nhân
Phương pháp này giúp tăng cường sự hứng thú, giúp hiểu sâu và sử dụng thành thạo, từ vựng nhanh trở thành kiến thức dài hạn.
Vốn từ vựng phong phú đóng vai trò then chốt trong việc nắm vững một ngôn ngữ mới, ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng nghe, nói, đọc và viết của người học. Tuy nhiên, quá trình tích lũy từ vựng thường gặp nhiều khó khăn và đòi hỏi người học phải đầu tư không ít thời gian và công sức. Trong bối cảnh đó, phương pháp học từ vựng Self-Reference nổi lên như một hiện tượng tâm lý có thể được khai thác để tối ưu hóa quá trình ghi nhớ từ vựng. Self-Reference Effect cho biết con người có xu hướng ghi nhớ thông tin liên quan đến bản thân tốt hơn so với các loại thông tin khác. Bài viết này sẽ đi sâu vào cơ chế hoạt động của hiệu ứng này, chỉ ra những hạn chế của các phương pháp học từ vựng không tham chiếu với bản thân, và đề xuất một giải pháp hiệu quả dựa trên việc ứng dụng hiệu ứng tự tham chiếu thông qua học từ vựng cá nhân hóa, kết nối từ vựng mới với trải nghiệm cá nhân và kể chuyện.
Self-Reference Effect (SRE) - Hiệu ứng tự tham chiếu và cơ chế tâm lý
Định nghĩa và cơ chế hoạt động của hiệu ứng Self-Reference
Self-Reference Effect (Hiệu ứng tự tham chiếu) là một hiện tượng tâm lý, trong đó thông tin liên quan đến bản thân được ghi nhớ và tái hiện tốt hơn so với thông tin không liên quan đến bản thân. Điều này có nghĩa là cách một người mã hóa thông tin vào bộ nhớ sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ liên quan của thông tin đó đến chính người đó. Khi một người có thể kết nối thông tin mới với những trải nghiệm cá nhân, quá trình mã hóa và ghi nhớ thông tin đó sẽ trở nên hiệu quả hơn đáng kể. [1]
Một ví dụ đơn giản cho hiệu ứng này là một người hâm mộ bóng đá thường dễ dàng ghi nhớ các thuật ngữ chuyên môn liên quan đến môn thể thao này hơn so với một người chưa từng xem bóng đá.
Giải thích từ Góc độ Khoa học Nhận thức
Từ góc độ khoa học nhận thức, có nhiều lý thuyết giải thích tại sao hiệu ứng tự tham chiếu lại có tác động mạnh mẽ đến trí nhớ. Lý thuyết xây dựng cá nhân (personal construct theory) của George Kelly cho rằng mỗi cá nhân chủ động xây dựng một phiên bản thực tế riêng dựa trên những trải nghiệm và nhận thức độc đáo của họ về thế giới. Trong khuôn khổ này, " xây dựng cá nhân" đóng vai trò như một bộ lọc, ảnh hưởng đến cách một người xử lý thông tin liên quan đến người đó so với thông tin về người khác. Nghiên cứu của Fergus Craik và Endel Tulving về sự xâu sắc trong xử lý đã chỉ ra rằng sự kết nối cá nhân làm tăng cường độ sâu của quá trình mã hóa thông tin. Thông tin nào càng liên quan đến bản thân thì càng được xử lý ở mức độ sâu sắc và ý nghĩa hơn, dẫn đến việc tạo ra các dấu vết trí nhớ mạnh mẽ và bền vững hơn.[1]
Hơn nữa, thông tin tự tham chiếu thường được liên kết một cách tự nhiên với mạng lưới kiến thức phong phú mà chúng ta đã tích lũy về bản thân, giúp cho việc truy xuất thông tin này trở nên dễ dàng hơn. Bản thân mỗi người cung cấp một hệ thống các gợi ý nội bộ có tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhớ lại thông tin đã được mã hóa. [2] Một yếu tố quan trọng khác là giá trị cảm xúc. Thông tin liên quan đến bản thân thường mang theo những cảm xúc nhất định, và chính những cảm xúc này có thể tăng cường đáng kể quá trình mã hóa và truy xuất thông tin thông qua việc kích hoạt các hệ thống trí nhớ cảm xúc trong não bộ. Cuối cùng, thông tin liên quan đến bản thân thường có tính đặc biệt cao hơn so với thông tin về những người hoặc vật khác, làm cho nó trở nên dễ dàng phân biệt và ghi nhớ hơn. [2]
Cơ sở thần kinh học
Nghiên cứu trong lĩnh vực thần kinh học đã xác định được một số vùng não cụ thể có vai trò quan trọng trong việc hình thành khái niệm về bản thân và lưu trữ thông tin liên quan đến bản thân. Trong số đó, vùng vỏ não trước trán giữa (mPFC) dường như đặc biệt hoạt động mạnh mẽ trong các nhiệm vụ liên quan đến tự tham chiếu. Vùng này được cho là có liên quan đến việc lập kế hoạch cho các hành vi phức tạp và điều chỉnh các đặc điểm tính cách, vốn là những yếu tố cốt lõi của khái niệm về bản thân. Một vùng khác là vùng vỏ não trán bụng giữa (vMPFC), thường cho thấy sự gia tăng hoạt động khi một người suy ngẫm về tính cách, sở thích, áp dụng quan điểm cá nhân hoặc xem xét trạng thái cảm xúc hiện tại của mình. Thùy đỉnh, đặc biệt là vỏ não đỉnh giữa và bên, cũng cho thấy sự gia tăng hoạt động trong các nhiệm vụ tự tham chiếu.[3]
Sự tham gia của các vùng não này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy việc xử lý thông tin liên quan đến bản thân là một quá trình đặc biệt và quan trọng trong hoạt động của bộ não.

Những hạn chế của cách học từ vựng thiếu liên kết cá nhân
Các Phương pháp học từ vựng thiếu liên kết cá nhân phổ biến
Các phương pháp học từ vựng thường tập trung vào việc ghi nhớ một cách cơ học và ít chú trọng đến ngữ cảnh sử dụng thực tế. Một số phương pháp phổ biến bao gồm học thuộc lòng danh sách từ vựng và định nghĩa, sử dụng flashcards để ghi nhớ từ và nghĩa thông qua việc lặp đi lặp lại, học từ vựng thông qua các bài tập điền vào chỗ trống hoặc bài tập nối, và học từ vựng theo các chủ đề hoặc danh sách có sẵn trong sách.
Phân tích các nhược điểm
Mặc dù các phương pháp này có các ưu điểm riêng có thể giúp người học làm quen ban đầu với một số lượng từ vựng nhất định, chúng lại tồn tại nhiều nhược điểm đáng kể. Thiếu ngữ cảnh và liên kết ý nghĩa là một trong những hạn chế lớn nhất. Việc học từ vựng một cách đơn lẻ, tách biệt khỏi ngữ cảnh sử dụng, không giúp người học hiểu được cách các từ này thực sự được sử dụng trong câu hoặc trong các tình huống giao tiếp khác nhau. [4] Flashcards, mặc dù là một công cụ phổ biến, nhưng thường trình bày thông tin một cách cô lập, gây khó khăn cho việc nắm bắt các sắc thái và biến thể trong cách sử dụng ngôn ngữ. Hơn nữa, việc học từ vựng thông qua dịch nghĩa có thể tạo ra các bước trung gian trong quá trình xử lý ngôn ngữ của não bộ, làm chậm tốc độ tư duy và giao tiếp. Nó cũng có thể dẫn đến sự phụ thuộc vào việc dịch nghĩa một đối một, điều này không phải lúc nào cũng chính xác giữa các ngôn ngữ. [5]
Một nhược điểm khác của các phương pháp nêu trên là tính chất thụ động và dễ gây nhàm chán. Việc học thuộc lòng và lặp đi lặp lại có thể trở nên đơn điệu và thiếu động lực, khiến người học cảm thấy chán nản và khó duy trì hứng thú. Rote learning (học vẹt) thường không khuyến khích tư duy phản biện hoặc phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề, vì nó tập trung chủ yếu vào việc ghi nhớ thông tin một cách máy móc. [6]
Cuối cùng, các phương pháp học từ vựng truyền thống thường dẫn đến khả năng ghi nhớ ngắn hạn và khó áp dụng vào thực tế. Thông tin được học thuộc lòng một cách máy móc thường chỉ được lưu giữ trong một khoảng thời gian ngắn và dễ bị quên đi nếu không được sử dụng thường xuyên. [6]

Ứng dụng Self-Reference để cá nhân hóa việc học từ vựng
Giới thiệu học từ vựng cá nhân hóa
Học từ vựng cá nhân hóa là một phương pháp tiếp cận quá trình học tập, trong đó trọng tâm được đặt vào nhu cầu, sở thích, giá trị và kinh nghiệm riêng của từng người học. [7] Thay vì áp dụng một phương pháp chung cho tất cả, phương pháp này tạo ra sự kết nối sâu sắc và ý nghĩa giữa từ vựng mới và thế giới quan của người học, làm cho quá trình học tập trở nên hấp dẫn và hiệu quả hơn. [1]
Self-Reference đóng vai trò là nền tảng tâm lý vững chắc cho phương pháp học từ vựng cá nhân hóa. Bằng cách khuyến khích người học liên kết từ vựng mới với chính bản thân họ, phương pháp này tận dụng khả năng ghi nhớ vượt trội đối với thông tin tự tham chiếu đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu tâm lý học. [1]
Khi người học liên kết một từ vựng mới với những kinh nghiệm cá nhân, họ tạo ra các kết nối sâu sắc và đa dạng trong mạng lưới trí nhớ của mình. Cảm xúc và ký ức cá nhân đóng vai trò như những "móc neo" mạnh mẽ, giúp cho việc truy xuất từ vựng trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Phương pháp học tập này biến từ vựng từ những ký hiệu khô khan và vô nghĩa thành những phần ý nghĩa trong câu chuyện cuộc đời của người học, từ đó củng cố khả năng ghi nhớ và sử dụng chúng một cách tự nhiên hơn. [1]
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc liên kết từ vựng với bản thân giúp cải thiện đáng kể khả năng ghi nhớ, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Hiệu ứng này đặc biệt hiệu quả trong việc học từ vựng ngoại ngữ. [8]
Bảng so sánh phương pháp học từ vựng truyền thống và phương pháp học từ vựng cá nhân hóa:
Đặc điểm | Phương pháp học từ vựng thiếu cá nhân hóa | Phương pháp học từ vựng cá nhân hóa |
Nền tảng tâm lý | Học thuộc lòng, lặp đi lặp lại | Hiệu ứng tự tham chiếu |
Ngữ cảnh | Thường thiếu hoặc hạn chế | Gắn liền với trải nghiệm, cảm xúc, ký ức |
Tính chủ động | Thụ động | Chủ động, sáng tạo |
Động lực | Dễ gây nhàm chán | Tăng cường hứng thú và liên quan |
Khả năng ghi nhớ | Ngắn hạn | Dài hạn |
Mục tiêu | Ghi nhớ định nghĩa | Hiểu sâu sắc và sử dụng thành thạo |

Các cách học từ vựng theo Self-Reference
Liên kết với trải nghiệm cá nhân
Một trong những kỹ thuật hiệu quả để cá nhân hóa việc học từ vựng là liên kết từ mới với những trải nghiệm cá nhân của người học. Khi gặp một từ mới, hãy dành thời gian suy nghĩ về một tình huống cụ thể trong cuộc sống của người học và từ đó có thể được áp dụng.
Ví dụ, nếu người học đang học từ "ambiguous" (mơ hồ), người học có thể nhớ lại một lần bản thân nhận được hướng dẫn không rõ ràng và bị lạc đường. Sau đó, hãy cố gắng sử dụng từ mới này trong một câu văn liên quan trực tiếp đến trải nghiệm đó. Ví dụ: "The directions my friend gave me to their house were so ambiguous that I ended up getting lost for an hour" (Các chỉ dẫn bạn tôi cho tôi đến nhà họ mơ hồ đến nỗi tôi bị lạc cả tiếng đồng hồ).
Ngoài ra, việc ghi nhật ký học từ vựng, trong đó người học không chỉ viết định nghĩa mà còn mô tả cách từ đó liên quan đến các sự kiện hàng ngày, cũng là một cách hiệu quả để củng cố trí nhớ.
Liên kết với cảm xúc
Cảm xúc có một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình ghi nhớ. Khi học một từ mới, người học có thể thử suy nghĩ xem từ đó gợi lên trong bạn cảm xúc gì, hoặc nhớ lại một tình huống cụ thể mà người học đã trải qua cảm xúc đó.
Ví dụ, từ "serene" (thanh bình) có thể gợi nhớ đến cảm giác yên bình khi ngồi bên bờ hồ vào một buổi sáng tĩnh lặng. Hãy cố gắng sử dụng từ vựng mới để diễn tả cảm xúc của bản thân trong các tình huống khác nhau.
Người học cũng có thể tạo một "bảng từ vựng cảm xúc" và liệt kê các từ liên quan đến các trạng thái cảm xúc khác nhau sau đó ghi lại hoặc nói thành lời những trải nghiệm cá nhân liên quan đến chúng.
Liên kết với ký ức và kể chuyện
Kể chuyện là một phương pháp tự nhiên và hiệu quả để học và ghi nhớ từ vựng. Khi học một từ mới, hãy thử kể lại một kỷ niệm cá nhân có chứa từ đó.
Ví dụ, nếu người học đang học từ "nostalgia" (sự hoài niệm), người học có thể kể một câu chuyện về một kỷ niệm thời thơ ấu mà bản thân cảm thấy hoài niệm. Người học cũng có thể tạo ra những câu chuyện hư cấu nhưng mang tính cá nhân hóa cao, trong đó người học đặt bản thân làm nhân vật chính và sử dụng các từ vựng mới mà người học muốn học.

Các bước áp dụng Self-Reference trong việc học từ vựng
Để bắt đầu áp dụng phương pháp học từ vựng cá nhân hóa dựa trên hiệu ứng tự tham chiếu, người học có thể thực hiện theo các bước sau:
Chọn Từ Vựng: Bắt đầu bằng cách chọn những từ vựng mà người học thực sự muốn học hoặc những từ bạn thường xuyên gặp phải trong quá trình học IELTS hoặc giao tiếp.
Tìm Liên kết Cá nhân: Dành thời gian để suy nghĩ về cách từ vựng này có thể liên quan đến kinh nghiệm, cảm xúc, ký ức hoặc mục tiêu cá nhân của bản thân. Hãy tự hỏi bản thân: "Tôi đã từng trải qua điều gì liên quan đến từ này?", "Từ này gợi cho tôi cảm xúc gì?", "Tôi có kỷ niệm nào liên quan đến từ này không?".
Tạo ví dụ hoặc câu chuyện: Viết hoặc nói một ví dụ hoặc một câu chuyện ngắn sử dụng từ vựng mới và kết nối nó với liên kết cá nhân mà người học đã tìm ra. Người học cố gắng làm cho ví dụ hoặc câu chuyện này càng cụ thể và sinh động càng tốt.
Hình dung: Tạo một hình ảnh tinh thần sống động liên quan đến từ vựng và liên kết cá nhân của người học. Hình ảnh này có thể là một cảnh tượng, một người, một đồ vật hoặc bất cứ điều gì giúp bạn kết nối từ vựng với trải nghiệm cá nhân của mình.
Ôn tập: Thường xuyên ôn tập các từ vựng và các liên kết cá nhân mà người học đã tạo ra. Để tăng cường khả năng ghi nhớ lâu dài, sử dụng phương pháp spaced repetition (ôn tập ngắt quãng) bằng cách mỗi lần học từ vựng, người học tạo một câu chuyện khác nhau
Sử dụng: Cố gắng sử dụng từ vựng mới trong các tình huống giao tiếp hoặc viết lách thực tế hoặc 2 kỹ năng tạo lập (productive skills) trong IELTS là Speaking và Writing. Đây là bước quan trọng để chuyển từ vựng từ kiến thức thụ động sang kiến thức chủ động.

Ví dụ áp dụng
1. Chọn từ vựng
Giả sử một người học muốn học từ “resilient” (adj): able to recover quickly from difficulties; strong and not easily defeated
2. Tìm liên kết cá nhân
Người học này nghĩ đến khoảng thời gian thi rớt một kỳ thi tiếng Anh quan trọng. Người này cảm thấy thất vọng, nhưng sau đó tôi vẫn tiếp tục học mỗi ngày và cuối cùng đạt được điểm cao trong kỳ thi sau. Như vậy, người học đã có liên kết cá nhân “Tôi đã từng thất bại nhưng không bỏ cuộc. Tôi đã trở nên resilient hơn sau trải nghiệm đó.”
3. Tạo ví dụ hoặc câu chuyện
Câu chuyện ngắn:
“When I failed my English test last year, I felt terrible and doubted myself. But I didn’t give up. I studied harder, watched English videos every day, and asked my teacher for help. In the next test, I passed with a high score. That experience made me realize I was more resilient than I thought.” (Khi tôi trượt bài kiểm tra tiếng Anh năm ngoái, tôi cảm thấy rất tệ và nghi ngờ bản thân. Nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi học chăm chỉ hơn, xem video tiếng Anh mỗi ngày và nhờ giáo viên giúp đỡ. Trong bài kiểm tra tiếp theo, tôi đã đậu với điểm cao. Trải nghiệm đó khiến tôi nhận ra rằng mình kiên cường hơn tôi nghĩ.)
4. Hình dung
Người học tưởng tượng một hình ảnh của chính mình đang ngồi học trong một quán cà phê, mưa rơi bên ngoài nhưng người học vẫn chăm chỉ ôn tập trong khi mọi người đi chơi. Đó là hình ảnh của “resilient”, biểu hiện cho sự kiên trì vượt qua thất bại.
5. Ôn tập
Tuần sau, người học viết một câu chuyện khác về một người bạn mà người học ngưỡng mộ vì cô ấy vượt qua bệnh tật để hoàn thành việc học. Người học dùng lại từ resilient trong câu chuyện đó để củng cố.
“My best friend is one of the most resilient people I know. Even during chemotherapy, she continued to attend online classes and eventually graduated with honors.” (Bạn thân của tôi là một trong những người kiên cường nhất mà tôi biết. Ngay cả trong thời gian hóa trị, cô ấy vẫn tiếp tục tham gia các lớp học trực tuyến và cuối cùng tốt nghiệp với bằng danh dự.)
6. Sử dụng
Người học sử dụng từ resilient trong phần IELTS Speaking Part 2 khi được hỏi về "Describe a person who inspired you".
“I want to talk about my mother. She is incredibly resilient. Despite many hardships in life, she always finds a way to stay positive and support our family.”
Lưu ý quan trọng khi học từ vựng theo phương pháp cá nhân hóa
Khi áp dụng phương pháp học từ vựng cá nhân hóa, điều quan trọng là người học cần duy trì tính nhất quán và kiên trì. Người học hãy biến việc tạo liên kết cá nhân với từ vựng mới thành một thói quen hàng ngày. Đừng chỉ tập trung vào việc học từ vựng một cách riêng lẻ, mà hãy kết hợp nó với các kỹ năng học ngôn ngữ khác như luyện nghe, nói, đọc và viết để hiểu rõ hơn về cách các từ vựng này được sử dụng trong các ngữ cảnh khác nhau.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng không có một phương pháp học tập nào phù hợp với tất cả mọi người. Hãy linh hoạt và thử nghiệm với các kỹ thuật khác nhau để tìm ra những gì phù hợp nhất với phong cách học tập và sở thích cá nhân của bạn.

Tham khảo thêm:
Nên học từ vựng trước khi viết hay nên viết rồi mới học từ vựng?
Phương pháp học từ vựng "incidental" trong dạy học ngoại ngữ
Tổng kết
Ứng dụng Self-Reference trong học từ vựng thông qua phương pháp cá nhân hóa được chứng mình là một trong các cách học hiệu quả. Bằng cách liên kết từ vựng mới với những trải nghiệm, cảm xúc và ký ức cá nhân, người học có thể tận dụng tối đa khả năng ghi nhớ vượt trội của bộ não đối với thông tin liên quan đến bản thân. Phương pháp này không chỉ giúp tăng cường khả năng ghi nhớ từ vựng một cách hiệu quả mà còn tạo ra sự hứng thú và động lực trong quá trình học tập. Thay vì những giờ học thuộc lòng khô khan và nhàm chán, người học sẽ khám phá ngôn ngữ thông qua lăng kính của chính mình.
Để đạt band điểm 7.0 trở lên trong IELTS Speaking, việc sử dụng thành ngữ đúng ngữ cảnh là yếu tố quan trọng nâng cao điểm Lexical Resources. Understanding Idioms for IELTS Speaking cung cấp hướng dẫn chi tiết về cách hiểu và sử dụng thành ngữ trong nhiều chủ đề thiết yếu như Feelings, People, Situations, và Work & Study. Mỗi thành ngữ được minh họa bằng hình ảnh trực quan, phân tích sắc thái sử dụng, so sánh với từ gần nghĩa và đặt trong văn cảnh thực tế, giúp thí sinh áp dụng tự nhiên trong bài thi. Liên hệ Hotline 1900-2833 (nhánh số 1) để được tư vấn chi tiết.
Nguồn tham khảo
“Self-reference effect.” Ungvarsky, Janine, www.ebsco.com/research-starters/psychology/self-reference-effect. Accessed 20 April 2025.
“Does Implicit Self-Reference Effect Occur by the Instantaneous Own-Name.” Frontiers in Psychology, www.researchgate.net/publication/355046234_Does_Implicit_Self-Reference_Effect_Occur_by_the_Instantaneous_Own-Name. Accessed 20 April 2025.
“Neural correlates of the self-reference effect: evidence from evaluation and recognition processes.” Frontiers in Human Neuroscience, Accessed 20 April 2025.
“The Impact of Vocabulary Learning Methods on Students’ Vocabulary Application Skills.” Faculty of Arts and Social Sciences, National University of Singapore, Singapore, Accessed 20 April 2025.
“Why I Don’t Use Flashcards (And You Shouldn’t Either).” autolingual.com, autolingual.com/dont-use-flashcards. Accessed 20 April 2025.
“Is Rote Learning Still Effective.” graduateprogram.org, www.graduateprogram.org/blog/is-rote-learning-still-effective. Accessed 20 April 2025.
“Personalized Education to Increase Interest.” ASSOCIATION FOR PSYCHOLOGICAL SCIENCE, s3.wp.wsu.edu/uploads/sites/2445/2019/09/Reber-Canning-Harackiewicz-2018-CDPS.pdf. Accessed 20 April 2025.
“Self-reference promotes vocabulary learning in a foreign language.” Curr Dir Psychol Sci, www.researchgate.net/publication/390003834_Self-reference_promotes_vocabulary_learning_in_a_foreign_language. Accessed 20 April 2025.
Bình luận - Hỏi đáp