Vì sao hệ thống trường nội trú Mỹ thu hút được nhiều du học sinh?
Với hơn 300 trường trải dài khắp 50 bang trên toàn lãnh thổ Mỹ, hệ thống trường nội trú đã và đang trở thành một điểm đến phổ biến của không chỉ học sinh nội địa mà còn của học sinh quốc tế khi đến Mỹ du học. Nhưng, trường nội trú thật sự là gì? Vì sao mô hình này lại thu hút được nhiều học sinh phổ thông đến vậy? Trong bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu sơ lược về quy mô, chương trình đào tạo, và hệ thống tuyển sinh của nhóm trường nêu trên để giúp người đọc chọn được địa điểm du học Mỹ phù hợp.
Khái niệm
Trường nội trú là gì?
Trường nội trú (Boarding schools) là các trường tư thục (private) theo mô hình nội trú, khi học sinh học tập và sinh hoạt trong khuôn viên trường (on-campus) trong suốt thời gian học. Khác với mô hình học bán trú, khi học sinh chỉ sinh hoạt tại nhà trường nửa ngày, mô hình trường nội trú yêu cầu học sinh sinh hoạt toàn thời gian, bao gồm học tập, ăn uống, ngủ nghỉ, tại nhà trường.
Trung học nội trú Mỹ
Trung học nội trú Mỹ (US Boarding High School) là hiện thân cho một phần lịch sử hình thành đất nước Mỹ. Hệ thống trung học nội trú Mỹ, nhờ nguồn lực tài chính dồi dào, đã trải qua cả hai cuộc thế chiến và nội chiến Mỹ (Civil War) và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tính đa sắc tộc (multiculturality) – đặc điểm nổi bật của đất nước Mỹ. Do đó, hệ thống trung học nội trú Mỹ phát huy mạnh mẽ tinh thần “Mỹ hóa” tự do, năng động, sáng tạo, chú trọng sự đa dạng (diversity), hướng tới đào tạo thế hệ lãnh đạo tài năng, nhiệt huyết, và có tầm ảnh hưởng.
Những cái tên như John F. Kenedy, George H.W. Bush, và George W. Bush, hay Mark Zuckerberg đã thể hiện sự thành công của mô hình trường nội trú trong việc thực hiện mục tiêu nêu trên. Đây là một điểm cộng giúp thu hút học sinh và du học sinh khi đến Mỹ du học.
Xem thêm: Du học Mỹ – Darrow School | Trường dự bị đại học nội trú nước Mỹ
Quy mô
Số lượng và phân loại
Có khoảng 300 trường nội trú ở Mỹ và Canada là trường thành viên thuộc Hiệp hội trường Nội trú (The Association of Boarding Schools.) Phần lớn trường trung học nội trú Mỹ là hệ thống đồng giáo dục (coeducational) – nam nữ học chung, không phân biệt giới tính. Còn lại, chiếm số lượng nhỏ hơn là trường giáo dục đơn giới tính (single-sex school), bao gồm trường nam sinh – chỉ dành cho nam và trường nữ sinh – chỉ dành cho nữ.
Địa điểm
Các bang phía Bắc có nhiều trường trung học nội trú nhất, do hệ thống sân bay nội địa và quốc tế lớn ở Boston và New York tạo điều kiện di chuyển. Phần lớn các trường tọa lạc ở các vùng ngoại thành, nơi có nhiều không gian mở, thuận lợi cho việc mở rộng và nâng cấp cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động của nhà trường như hoạt động thể thao, nghiên cứu khoa học, nhằm hướng tới chất lượng giáo dục tiên tiến nhất. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh của trường được học tập và phát triển toàn diện – điểm thu hút khác đối với học sinh quốc tế du học Mỹ.
Trường Tabor Academy có khuôn viên đặt cạnh biển và tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học biển, thể thao biển độc đáo.
Kích cỡ
Các trường trung học nội trú Mỹ có số lượng học sinh từ ít nhất 100 cho đến 1200, nhưng đa số có quy mô trong khoảng 300 đến 400 học sinh. Do đó, so với các trường trung học công lập, các trường nội trú có sĩ số lớp nhỏ hơn, tỉ lệ học sinh giáo viên tương đối thấp, dao động từ 8-12 học sinh/1 giáo viên quản lí. Điều này tạo cơ hội phát triển quan hệ giữa học sinh với giảng viên. Giáo viên, nhân viên trong trường chịu trách nhiệm thay thế phụ huynh (loco parentis) để trông coi và chăm sóc học sinh trong suốt thời gian học tập và sinh hoạt tại trường. Vì thế, phụ huynh quốc tế hoàn toàn có thể yên tâm về sự an toàn con em mình khi du học Mỹ.
Chương trình đào tạo
Học thuật
Các môn học được trường trung học nội trú Mỹ đưa vào chương trình giảng dạy vô cùng phong phú và đa dạng, từ STEM (science, technology, engineering, mathematics – khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) đến văn văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ. Các môn học được chia nhỏ thành các khóa học (courses) chuyên sâu như văn học Shakespeare, lịch sử thuật phù thủy (witchcraft), điêu khắc, tâm lý học hành vi, hóa học môi trường. Học sinh sẽ được chọn, học và trải nghiệm những lĩnh vực quan tâm hoặc yêu thích với sự hướng dẫn tỉ mỉ từ đội ngũ giảng viên nhà trường.
Xem thêm: Viết thư giới thiệu tiếng Anh thế nào cho tốt để xin học bổng du học – Phần 1
Các trường trung học nội trú chú trọng khơi gợi, phát triển tư duy độc lập và sáng tạo ở học sinh. Vì thế, chương trình học và giảng dạy mang tính khai phóng, gợi mở, cá nhân hoá thông qua những mô hình học thuật tiên tiến như discussion-based (thảo luận trên lớp) hay project-based (làm dự án học thuật).
Hơn vậy, các trường trung học nội trú Mỹ có các chương trình đào tạo dự bị đại học như IB (International Baccalaureate – Bằng tú tài quốc tế), hay AP (Advanced Placement – Chứng chỉ chương trình nâng cao). Học sinh tham gia học và thi AP hay IB sẽ nhận được credits (điểm tín chỉ) để được miễn học một số môn đại cương khi chuyển tiếp đại học. Đây là một điểm cộng lớn khi học sinh có khả năng có thể học trước tín chỉ và rút ngắn thời gian học đại học.
Ngoại khóa
Một trong những đặc trưng khi nhắc đến mô hình trường nội trú Mỹ chính là hệ thống hoạt động ngoại khoá được tổ chức đa dạng và chuyên nghiệp.
Các tổ chức và câu lạc bộ
Trường trung học nội trú Mỹ tạo cơ hội tối đa cho học sinh tự do thành lập, lãnh đạo, tổ chức, và tham gia các đoàn hội, câu lạc bộ khác nhau. Số lượng tổ chức và câu lạc bộ trong trường thường từ 10 trở lên và có thể lên tới 40-50. Có thể kể đến một số cái tên phổ biến như hội sinh viên (student association hoặc student government), hội nữ sinh (Girls’ Schools Association), câu lạc bộ làm phim (Film club), tranh biện (Debate club), mock trial (tòa án mô phỏng), báo chí, thể thao, etc. Những mô hình CLB, tổ chức nêu trên cũng đã xuất hiện và khá phổ biến với học sinh trung học tại Việt Nam.
Đặc biệt, môi trường nội trú rất chú trọng ủng hộ các hoạt động hoặc phong trào xã hội (activism) như nữ quyền (feminism), phong trào LGBT, thiện nguyện (community services) và khuyến khích học sinh lên tiếng và hành động vì lợi ích cộng đồng.
Thể thao
Đặc điểm nổi bật của các trường nội trú Mỹ chính là hoạt động thể thao tích cực. Các trường trung học nội trú Mỹ thành lập nhiều đội thể thao quy mô lớn như đôi bóng đá, bóng chuyền, khúc côn cầu, chạy việt dã hay nhiều môn còn xa lạ với học sinh Việt Nam như đấu vật, trượt tuyết, bóng nước (water polo). Các giải thể thao giữa các trường nội trú cũng được tổ chức nhằm khuyến khích phong trào thể dục thể thao & tạo cơ hội cọ xát, giao lưu giữa học sinh các trường lẫn nhau.
Ngoài ra, trường nội trú cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất các khu thể thao chuyên biệt như sân tập, phòng tập, bể bơi để học sinh rèn luyện thể chất ngoài giờ học.
Truyền thống
Được hình thành và phát triển lâu đời, các trường trung học nội trú hầu như đều có những truyền thống riêng để khẳng định bản sắc của trường mình. Motto (khẩu hiệu) là một trong số đó. Các trường trung học nội trú đều đề cao motto của mình và coi đó là định hướng phát triển dẫn dắt học sinh của trường.
Ví dụ, Phillips Andover và Phillips Exeter lấy khẩu hiệu “Non Sibi” (not for self – không vì mình) làm mục tiêu để khuyến khích học sinh hành động vì cộng đồng chung; George School có “Mind the Light” (hãy tìm ánh sáng của chính mình); hay Deerfield có “Be Worthy of Your Heritage” (hãy xứng đáng với giá trị chúng ta được kế thừa).
Ngoài ra, một số trường cũng lưu giữ những hoạt động truyền thống thú vị để chào đón tân sinh viên, ăn mừng, tốt nghiệp,…The Hill School có truyền thống “Jumping in the Dell” trong lễ tốt nghiệp – học sinh nhảy xuống “The Dell”, một cái ao trong trường, như một nghi lễ để chính thức tốt nghiệp và giao lưu với bạn bè lần cuối ở trường.
Đặc biệt, một số trường còn được coi là “đối thủ truyền kiếp” của nhau và tổ chức các hoạt động thường niên để thi đấu và học hỏi lẫn nhau, điển hình như Phillips Exeter và Phillips Andover, Groton với St. Paul’s, Hill and Lawrenceville, hay Deerfield và Choate.
Poster trước trận chiến giữa Phillips Exeter Academy và Phillips Academy (Andover), hay còn được biết đến với tên Exeter-Andover rivalry
Chất lượng đầu ra
Được phát triển toàn diện về trí tuệ, tâm hồn, kỹ năng và thể chất, học sinh các trường trung học nội trú Mỹ đều gặt hái được thành tích đáng kể. Tại Phillips Academy Andover, khoá học sinh 2019 (Class of 2019) của trường đạt điểm trung bình 720 và 740/800 cho lần lượt phần thi đọc hiểu/ngôn ngữ và Toán trong bài thi SAT, đạt trung bình 31.1/34 trong bài bài thi SAT, và 74% học sinh đạt 5/5 trong các bài thi AP khác nhau.
Thêm nữa, trong danh sách các học sinh đỗ và theo học đại học (College Matriculation List), các trường nội trú luôn có một lượng học sinh đáng kể được nhận vào các trường đại học top đầu. Điển hình như Phillips Exeter, trong 3 năm từ 2018-2020, có 23 học sinh chọn Harvard, 31 học sinh theo học Yale, 20 học sinh chọn MIT và 10 học sinh theo Stanford.
Chất lượng của hệ thống nội trú trung học Mỹ còn được thể hiện qua những đóng góp tích cực trên bình diện xã hội. Có thể kể đến những Mark Zuckerberg, Dan Brown, John Irving (cựu học sinh Phillips Exeter), John Kerry (cựu học sinh St. Pauls’), Robert Samuelson (cựu học sinh Williston Northampton), Laura Linney (cựu học sinh Northfield Mount Hermon), đã và đang cống hiến cho kinh tế, chính trị, giáo dục, môi trường, nghệ thuật, và tạo ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Do vậy, trường trung học nội trú Mỹ chính là một môi trường lý tưởng để nuôi dưỡng và bồi đắp những con người có lý tưởng, dám hành động và cống hiến cho cộng đồng chung. Đây cũng là một điểm cộng khác thu hút học sinh trong nước và quốc tế khi đến Mỹ du học ở các trường nội trú.
Tuyển sinh
Yêu cầu
Nhìn chung, hội đồng tuyển sinh ở các trường nội trú Mỹ tìm kiếm những học sinh có khả năng độc lập, thích ứng tốt với môi trường học thuật cạnh tranh và khắc nghiệt, bên cạnh khả năng lãnh đạo và tham gia vào những hoạt động cộng đồng.
Những yêu cầu thường thấy của các trường nội trú có đầu vào cạnh tranh là bài kiểm tra chuẩn hoá (SSAT hoặc ISEE), bảng điểm học bạ (transcript), thư giới thiệu giáo viên (recommendation letter) và phỏng vấn (interview) nếu cần thiết. Ví dụ dưới đây sẽ giúp học sinh nắm được thủ tục khi chuẩn bị xét tuyển các trường nội trú trước khi du học Mỹ.
Ví dụ với Phillips Exeter Academy, học sinh cần trải qua kì xét tuyển gồm 4 bước:
Bước 1 – Điểm thi chuẩn hoá: Với khối 9, khối 10, thí sinh có thể nộp điểm bài thi SSAT hoặc ISEE. Với khối 11, thí sinh có thể nộp 1 trong 5 bài thi: SSAT, ISEE, SAT, ACT, PSAT. Khối 12 hoặc lớn hơn, thí sinh chỉ có thể nộp hoặc SAT, ACT hoặc PSAT. Với học sinh quốc tế, bên cạnh những bài thi chuẩn hoá bên trên, học sinh cần nộp thêm điểm TOEFL để chứng minh năng lực ngoại ngữ bản thân.
Bước 2 – Luận: Học sinh cần nộp 2 bài luận trong khoảng 200 – 500 từ, đề luận sẽ khác nhau theo từng năm.
Bước 3 – Bảng điểm và thư giới thiệu: Học sinh cần nộp bảng điểm, học bạ bằng tiếng Anh. Ngoài ra, học sinh cũng bắt buộc nộp 3 thư giới thiệu, một từ hiệu trưởng/giáo viên tư vấn (Principal/Counsellor Recommendation), một từ giáo viên Toán và tiếng Anh (English and Maths recommendation), và cuối cùng từ một người lớn bất kì có thể giới thiệu về cá tính và tầm ảnh hưởng cộng đồng của thí sinh (Personal Recommendation).
Bước 4 – Phỏng vấn: Phỏng vấn với hội đồng nhà trường.
Với tỉ lệ nhận học sinh (admission rate) chỉ 15%, cuộc cạnh tranh vào Phillips Exeter Academy khốc liệt không kém cuộc đua vào những trường đại học top đầu của Mỹ. Một số trường có tỉ lệ cạnh tranh tương tự như Andover, Hotchkiss, Lawrenceville, và Choate, đây đều là những ngôi trường nổi tiếng về chất lượng học sinh, giáo viên, hoạt động ngoại khoá, thể thao và bề dày lịch sử.
Chi phí
Một số trường nội trú hoàn toàn miễn phí cho học sinh. Có thể kể đến Girard College cung cấp giáo dục hoàn miễn phí cho học sinh được nhận (khoảng 63.000 USD/năm học) nhờ vào sự hào phóng của đội ngũ sáng lập. Tuy nhiên, số lượng trường này không nhiều; đa số các trường sẽ yêu cầu học phí và chi phí ăn ở, rơi vào khoảng 15.000 cho đến 65.000 USD cho một năm học.
Chính sách hỗ trợ tài chính
Chính sách hỗ trợ tài chính khác nhau theo chính sách của từng trường, nhưng nhìn chung trường nội trú trung học Mỹ khá hào phóng trong việc đưa ra các gói hỗ trợ tài chính cho học sinh. Nếu như thí sinh có tất cả những thứ hội đồng tuyển sinh tìm kiếm và tài chính là yếu tố duy nhất ngăn cản học sinh theo học, trường sẽ xem xét và xét duyệt gói hỗ trợ phù hợp.
Tất nhiên, học sinh cũng cần chứng minh mình hoàn toàn đủ điều kiện để xin hỗ trợ và cần hỗ trợ bao nhiêu để có thể học tại trường đó. Một số giấy tờ yêu cầu khi xin hỗ trợ tài chính có thể kể đến như giấy tờ xác nhận lương, xác nhận thuế, xác nhận tài sản,… Do đó, bất cứ ai chọn hệ thống trường nội trú để du học Mỹ sẽ không phải quá lo lắng vấn đề tài chính cản trở.
Tổng kết
Trường nội trú Mỹ luôn được biết đến là hệ thống đào tạo học sinh phổ thông tiên tiến và chất lượng hàng đầu thế giới. Đi kèm với đó là những yêu cầu đầu vào vô cùng khắt khe mà ít trường trung học trên thế giới có được, cũng như mức học phí không hề rẻ, chương trình học thuật nâng cao và khá nặng. Chính vì vậy, hãy cân nhắc tất cả các yếu tố về trường như văn hoá, chất lượng giáo dục, chương trình giảng dạy đến những yếu tố cá nhân như tính cách, thế mạnh để chọn được mô hình và ngôi trường phù hợp nhất với bản thân trước khi du học Mỹ.
Nguyễn Quốc Hưng
Bình luận - Hỏi đáp